Ngẫm về đầu tư P.1 - Tính chất chu kỳ của thị trường
Trước khi đọc bài, có một số cảnh báo dành cho đọc giả. Đây là một dự án cá nhân với mục đích củng cố lại toàn bộ những suy nghĩ của...
Trước khi đọc bài, có một số cảnh báo dành cho đọc giả. Đây là một dự án cá nhân với mục đích củng cố lại toàn bộ những suy nghĩ của người viết về triết lí đầu tư, không nên được xem như là sách giáo khoa về bộ môn đầu tư - đừng tin tất cả những gì được viết trong đây mà hãy cố gắng tìm lỗ hổng, các điểm bất hợp lí so với thực tế. Người viết rất welcome nếu các bạn tranh luận và công kích các triết lí cũng như khái niệm đầu tư trong bài.
Mỗi một bài viết sẽ là một chủ đề hoặc triết lí quan trọng trong đầu tư mà người viết muốn đi sâu vào bản chất. Tận dụng quy tắc tư duy first-principle thinking, người viết sẽ đi đến tận cùng của bản chất để chứng minh tại sao các triết lí, khái niệm đầu tư trong bài viết là trường tồn với thời gian.
Dự án cá nhân này được lấy cảm hứng từ memo của nhà đầu tư nổi tiếng Howard Marks. Có thể nói những ý tưởng của bài viết đều có nguồn gốc từ Memo của bác Howard Marks, các bạn có thể vào đây để đọc các bài gốc. Suy ngẫm của bác Howard Mark về triết lí đầu tư đã trở thành những văn bản huyền thoại trong giới đầu tư, tất cả các nhà đầu tư lớn trên thế giới như Warren Buffet, Charlie Munger, Ray Dalio, etc đều đã đọc qua và cực kì tâm đắc với những suy nghĩ của ông.
Đây là dự án cá nhân của người viết với mục đích tổng hợp lại suy nghĩ về đầu tư từ bác Howard Marks và đóng gói lại thành những bài luận của riêng mình. Mỗi một bài viết sẽ là một bài luận riêng về các chủ đề khác nhau trong đầu tư. Đây là cách học tốt nhất mà mình biết trong việc củng cố khả năng ghi nhớ cũng như độ hiểu biết về bất kì một chủ đề nào đó.
Tất cả credit của bài viết đều xin gửi tới bác Howard Marks.
"Whenever the pendulum is near either extreme, it is inevitable that it will move back toward the midpoint. In fact, it is the movement toward an extreme itself that supplies the energy for the swing back" Howard Mark
Trong đầu tư, những việc có thể dự đoán được với độ chính xác cao gần như là không tồn tại. Vì sao? Vì bản chất của khả năng có thể dự đoán chính xác một việc gì đó sẽ xảy ra xóa bỏ chính lợi thế của việc sở hữu khả năng đó. Đây là cách giải thích hoa mỹ cho câu nói dân gian "Nếu làm giàu dễ như thế thì đứa nào cũng giàu rồi". Trong một khoảng thời gian nhất định, có thể sẽ có một chiến lược đầu tư với một lợi thế cụ thể trong việc đưa ra những lựa chọn đầu tư có khả năng sinh lời tốt hơn trung bình, tuy nhiên qua thời gian chính lợi thế đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư khác cùng sử dụng chiến lược đó cho đến khi nó không còn hiệu quả như ban đầu. Sự phổ biến của một chiến lược đầu tư sẽ giết chết lợi thế cạnh tranh của chính nó vì môi trường nó hoạt động hiệu quả đã bị thay đổi khi có nhiều người cùng sử dụng 1 chiến lược. Cũng giống như bán hàng, sự cạnh tranh giết chết lợi nhuận.
Tuy nhiên, có duy nhất một khái niệm mà nhà đầu tư hoàn toàn có thể an tâm tin tưởng vào khả năng dự đoán tương lai. Thị trường lên quá cao sẽ buộc phải có lúc rơi xuống, và thị trường đi xuống quá lâu sẽ buộc phải có điểm phục hồi. Như Howark Marks đã nói, thị trường di chuyển như một quả lắc đồng hồ, bản chất chu kỳ trong thế giới đầu tư là bất biến.
"In investment, there's little I'm certain of, but these things are true: cycles will prevail eventually. Nothing goes in one direction forever. Trees dont grow to the sky. Few things go to zero." Howard Marks
Thị trường cũng giống như là một cái chợ, là một tập hợp của người bán và người mua thực hiện các giao dịch với nhau. Và những con người này đều là những sinh vật đầy cảm xúc. Có thể nói sự dao động của thị trường từ đỉnh xuống đáy được chi phối bởi hai cảm xúc hoàn toàn đối lập nhau: tham lam và sợ hãi. Tham lam và sợ hãi thay đổi rất nhanh phụ thuộc hoàn toàn vào kì vọng của nhà đầu tư về tương lai. Một kì vọng tương lai tươi sáng sẽ là chất xúc tác hoàn hảo cho bản tính tham lam, và một viễn cảnh tương lai tăm tối sẽ là nơi hoàn hảo cho sợ hãi ngự trị.
Cũng giống như một cái chợ, một cổ phiếu công ty sẽ tăng giá khi có nhiều người mua hơn người bán. Và số lượng người mua sẽ ngày càng tăng cao khi càng nhiều người tin vào viễn cảnh tương lai tươi sáng của công ty đó. Ngày càng nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn cho tới khi kì vọng không còn khớp với thực tế, và bong bóng luôn luôn xuất hiện khi kì vọng và thực tế có khoảng trống. Và khi bong bóng lớn dần và cuối cùng phát nổ, thị trường rơi xuống đáy với một kì vọng về tương lai tăm tối đầy thảm họa. Dĩ nhiên, lời giải thích này đã lượt bỏ rất nhiều chi tiết nhưng nhìn chung nó khắc họa đầy đủ những ý chính cho quá trình dao động của thị trường về lâu dài.
Thị trường, về cơ bản, di chuyển như một quả lắc đồng hồ, với sự di chuyển về điểm cực sẽ cung cấp động năng cho việc quay ngược trở lại. Sự di chuyển ngày càng đến đỉnh sẽ tạo một động lực ngày càng lớn cho việc thị trường sụp đổ, và sự di chuyển ngày càng đến đáy cũng sẽ tạo một động lực ngày càng lớn cho việc thị trường phục hồi. Sự di chuyển giống quả lắc được xúc tác bởi hai trạng thái tâm lí đối lập nhau:
- Tham lam và sợ hãi!
- Kì vọng tương lai tươi sáng và thảm cảnh tương lai tăm tối!
- Sẵn sàng chấp nhận rủi ro bất chấp giá và không chấp nhận rủi ro với bất kì giá nào!
Rủi ro là một yếu tố không thể thiếu trong thế giới đầu tư (người viết sẽ dành một bài viết riêng để nói về rủi ro nhưng tạm thời bài này chỉ phân tích đơn giản thôi), và các nhà đầu tư nhìn nhận về rủi ro đóng vai trò thiết yếu trong việc định hướng di chuyển cho thị trường. Một thị trường hợp lí là một thị trường nơi mà các nhà đầu tư, sau khi đã cân nhắc kĩ lưỡng các rủi ro liên quan, sẵn sàng xuống tiền với kì vọng lợi nhuận đủ hấp dẫn so với rủi ro gắn liền với món hàng đầu tư. Đây là quá trình duy lí không có chỗ cho cảm xúc.
Tuy nhiên, khi mọi chuyện đang tốt đẹp và thị trường tiếp tục đi lên, ngày càng nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào thị trường bất chấp giá cả, bỏ quên tất cả những thận trọng và cân nhắc rủi ro cực kì cần thiết cho một quyết định đầu tư hợp lí. Suy cho cùng, rất khó để đứng yên khi mọi người xung quanh bạn đang nhảy theo nhạc.
"It is the application of psychology that causes investors overreact or underreact, and thus determine the amplitutde of the cyclical fluctuation" Howard Marks
Sau đó, khi thị trường phình to và dần trở thành bong bóng dẫn đến phát nổ, hỗn loạn diễn ra khắp mọi nơi và nhà nhà người người tranh nhau bán tháo bất chấp giá cả, sẵn sàng từ bỏ cơ hội có được lợi nhuận hấp dẫn vì rủi ro đã bị mất đi rất nhiều trong quá trình thị trường đi xuống.
Đây là một giai đoạn nối tiếp nhau, sự hình thành của bull market -> đi lên -> đỉnh -> nổ -> bear market (thị trường đi xuống) -> đi xuống -> đáy -> phục hồi -> đi lên -> bull market. Dĩ nhiên, đây là một sự đơn giản thái quá nhưng về cơ bản đây là một sự miêu tả khá chính xác chu kỳ dao động của thị trường về lâu dài. Lòng tham kéo dài sẽ phải nhường chỗ cho sợ hãi, và sợ hãi quá lâu sẽ tạo động lực cho lòng tham phát triển.
Với sự chắc chắn về yếu tố tâm lí của thị trường, có hai bài học nhà đầu tư cần ghi nhớ.
- Mọi dao động trên thị trường đều mang yếu tố chu kỳ. Sự tồn tại trong một khoảng thời gian dài của bull market sẽ tạo động lực tự nhiên hủy bỏ trạng thái đó và dẫn đường cho bear market, và ngược lại.
- Cơ hội đầu tư luôn lớn nhất khi hầu hết các nhà đầu tư quên đi tính chất chu kỳ của thị trường.
"Cycles are self-correcting, and their reversal is not necessarily dependent on exogenous events. They reverse because trends create reasons for their own eversal" Howard Marks
Trên thị trường, không có thứ gì phát triển theo một đường thẳng hàng. Mọi thứ phát triển ổn định một thời gian và rồi sụp đổ xảy ra và mọi thứ trở thành thảm họa trong nháy mắt, thảm họa kéo dài quá lâu sẽ khiến hầu hết mọi người quên rằng cầu vòng luôn xuất hiện sau cơn bão. Quả thật cơ hội đầu tư luôn lớn nhất khi hầu hết mọi người quên rằng một ngày nắng đẹp sau một chuỗi ngày mưa lớn là hoàn hoàn có thể, và chắc chắn sẽ diễn ra. Lịch sử luôn chứng minh điều đó!
Nền kinh tế sẽ luôn phình to và co lại khi người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm được chi phối hoàn toàn bởi cảm xúc. Khi nền kinh tế đang phình to và phát triển, tiếp cận dòng vốn thông qua các hình thức vay tiền (credit money) trở nên quá dễ dàng, dòng tiền luân chuyển trong xã hội với tốc độ chóng mặt tạo thành một vòng lặp tăng trưởng. Khi nền kinh tế bị thắt chặt cũng là lúc mọi người tiết chế tiêu dùng để thích ứng với một tương lai ảm đạm trước mắt, tiếp cận dòng vốn bỗng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, các dự án đầu tư đều bị ngó lơ mặc dù triển vọng lợi nhuận rất hấp dẫn. Nhà đầu tư sẵn sàng trả giá quá cao khi mọi chuyện tốt đẹp và định giá quá thấp khi nền kinh tế không còn được tốt đẹp như trước. Những việc không thể kéo dài mãi sẽ có lúc phải dừng lại.
Tuy nhiên, với mỗi một thập kỉ trôi qua, một số nhà đầu tư thế hệ mới đều cùng nhau quyết định rằng tính chất chu kỳ của thị trường là một khái niệm đã lỗi thời. Họ cho rằng viễn cảnh tương lại tươi sáng sẽ kéo dài mãi, hoặc thảm cảnh tương lai tăm tối sẽ không có điểm dừng. Khi một xu hướng kéo dài quá lâu, nó sẽ tạo nên ảo giác rằng xu hường này sẽ kéo dài mãi không có hồi kết. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng thị trường luôn phát nổ khi thời điểm tốt đẹp kéo dài đủ lâu (nổ bong bóng công nghệ 2000 và bong bóng tài chính 2008), và luôn phục hồi khi thời điểm đen tối phải chấm dứt (thời gian phục hồi từ 2001-2004 sau vụ nổ công nghệ rồi bắt đầu hình thành bong bóng tài chính 2008, sau đó thị trường lại phục hồi từ sau năm 2009 với tốc độ phát triển ấn tượng).
"Whenever the pendulum is near either extreme, it is inevitable that it will move back toward the midpoint sooner or later" Howard Marks
Tính chất của chu kỳ là bất biến, nhưng thời lượng và cường độ của mỗi giai đoạn lại hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường tại thời điểm nó đang xảy ra. Nhà đầu tư có thể chắc chắn rằng thị trường lên quá cao sẽ phải rơi xuống, và thị trường đi xuống quá lâu sẽ tạo điểm phục hồi, nhưng thời điểm luôn là bài toán hóc búa cho dù với nhà đầu tư lão luyện nhất. Canh thời điểm thị trường luôn là canh bạc nguy hiểm, và chắc chắn không dành cho những người nhát gan.
Không có công thức cho việc canh thời điểm thị trường, bất kì ai nói rằng họ có thể chỉ cho nhà đầu tư cách canh thời điểm thị trường thì chắc chắn là họ là những tên lừa gạt chuyên đi bán các khóa học ngu ngốc. Suy luận rất đơn giản, nếu họ thật sự sở hữu khả năng đó, họ không cần phải đi bán các khóa học vớ vẩn đó.
Nhà đầu tư có thể tự tin dự đoán rằng khi thị trường đi lên quá lâu sẽ có lúc phải rơi xuống, ác mộng diễn ra đủ dài thì cầu vòng sẽ xuất hiện; nhưng thời điểm đảo chiều cũng như cường độ tác động là không thể dự đoán. Những nhà đầu tư lão luyện am hiểu về lịch sử tài chính luôn biết rằng chu kỳ sẽ xảy ra, và họ cũng biết rằng cơ hội đầu tư sẽ ngày càng lớn khi ngày càng nhiều người bỏ qua khái niệm quan trọng này. Nhưng họ cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng canh thời điểm để nhảy vào thị trường sẽ luôn là bài toán hóc búa nhất, là một canh bạc đầy nguy hiểm, nhưng sẽ mang lại cảm giác vui sướng khó tả khi được thực hiện một cách chính xác.
Thị trường luôn ít rủi ro nhất khi tất cả mọi người đều nghĩ rằng nó đầy rủi ro, sự sợ hãi phi lí sẽ tạo nên ảo giác một viễn cảnh tăm tối không lối thoát chính là lục đẩy cần thiết trong quá trình loại bỏ rủi ro khỏi thị trường thông qua quá trình bán tháo của hầu hết các nhà đầu tư. Chỉ có một số nhà đầu tư khôn ngoan sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi hầu hết thị trường đang bán tháo, sẵn sàng mua vào khi cả thế giới đang tranh nhau thoát vốn. Có thể nhu cầu mới được tạo ra sẽ đủ tạo thành động lực thay đổi hướng đi của thị trường, hoặc sợ hãi tiếp tục ngự trị, mọi thứ bị bán tháo và tiếp tục đi xuống. Tất cả đều có thể xảy ra nhưng có một điều chắc chắn là không sớm thì muộn thị trường rồi cũng sẽ phải phục hồi.
"Be fearful when others are greedy, and be greedy when others are fearful" Warren Buffet
Sau đó, các nhà đầu tư bắt đầu cảm nhận được rằng thị trường đang thực sự tốt lên, và mọi thứ không đen tối và thảm họa như họ từng nghĩ, và rồi ngày càng nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường. Sau một thời gian tiến triển thuận lợi, tham lam bắt đầu xuất hiện. Một số nhà đầu tư bắt đầu sẵn sàng trả ngày càng nhiều tiền cho một triển vọng lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước, và sau đó rất nhiều người cũng bắt đầu chạy theo lợi nhuận bất chấp rủi ro đang dần xuất hiện lại khi có quá nhiều tiền đang được bơm vào thị trường cho ngày càng ít khoản đầu tư đủ hấp dẫn. Và rồi nhà đầu tư bắt đầu tin rằng hạnh phúc này sẽ kéo dài mãi, rủi ro không còn tồn tại vì nhà đầu tư tin rằng mọi chuyện sẽ luôn diễn biến tốt đẹp và thị trường sẽ luôn phát triển ổn định.
Thị trường luôn rủi ro nhất khi tất cả mọi người đều tin rằng rủi ro không còn tồn tại, và tất cả những nhà đầu tư khôn ngoan hiểu rằng đã đến lúc tập trung vào việc bảo toàn vốn thay vì theo đuổi lợi nhuận như ban đầu, đơn giản vì họ chắc chắn rằng vòng lặp sẽ lại xuất hiện một lần nữa.
"What the wise man does in the beginning, the fool does in the end"
Memo của bác Howards Mark: https://www.oaktreecapital.com/insights/howard-marks-memos
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất