(0)
(0)
Chào các bạn, lâu rồi mình không lên Spiderum cũng như không viết bài viết nào. Thì lời đầu tiên mình muốn nói là mình xin chân thành xin lỗi các bạn rất rất nhiều!
(1)
(1)
Cách đây vài tháng mình có hứa trên Facebook là cỡ sau vài tuần lúc mình đọc xong thì mình sẽ viết một bài review về quyển sách này. Ấy thế mà mình đã lặn tới bây giờ. Thật sự một lần nữa chân thành xin lỗi các bạn!
Bây giờ không dài dòng nữa, mình xin trình bày cũng như góp một tiếng nói nhỏ về cảm nghĩ của bản thân với góc nhìn là một độc giả về quyển sách: "Bước ra thế giới: Cẩm nang du học & săn học bổng" với chủ biên là tác giả Phạm Đức Hùng và vô số các anh chị vip pro khác.
Thì để cho các bạn dễ hình dung và dễ đọc thì mình sẽ làm mục lục như sau:

I. Đọc Các Bài Review

II. Nhận xét

III. Ưu điểm

IV. Nhược điểm

V. Tổng kết

VI. Chú thích

I. Đọc Các Bài Review Trước

Trước khi mình viết bài review này thì mình cũng đã tham khảo các bạn khác viết và nhận xét về quyển sách về quyển sách này như thế nào rồi từ đó mình đưa ra quan điểm của bản thân mình.
Ở đây mình xin kể ra một vài bài Review mà mình đã đọc được về quyển sách này:
Hai bài viết của bạn Bye bye, Midori. với giọng văn khá dễ thương và mang lại cảm giác gần gũi:
Top 5 cuốn sách du học sẽ cùng bạn cất cánh : Ở bài viết này, bạn ấy có đề cập sơ lược đến quyển sách ở mục "3. “Bước ra thế giới: Cẩm nang du học và săn học bổng” - Cuốn sách hiếm hoi về du học bậc thạc sĩ, tiến sĩ".
Phiên bản bài viết trên Spiderum:
Phiên bản video được team Spiderum dựng:
Ngoài ra thì còn có video của chị Hường Như Xuân mà chị review trên kênh Youtube của chị:
Nhìn chung thì ở các bài review của các bạn khác có điểm mình đồng ý, có điểm mình không đồng ý, có điểm mình có góc nhìn khác, tuy vậy, nhờ các bài viết của các bạn ấy mà mình có nhiều góc nhìn hơn về quyển sách này. Và mình cũng muốn chia sẻ cho các bạn, hy vọng sẽ là một nguồn tham khảo nhỏ hữu ích cho các bạn^^

II. Nhận Xét

Ở phần này, mình xin nhận xét ở 3 khía cạnh sau:
+ Bố cục
+ Hình thức
+ Nội dung

Về bố cục:

Bố cục quyển sách nhìn rất hiện đại và đầy màu sắc. Với mỗi chương là một màu sắc khác nhau như ở "Chương 01: Sửa soạn hành trang học bổng" là màu xanh dương, ở "Chương 02: Du học và học bổng châu Âu" là màu xanh lá cây, ở "Chương 03: Du học và học bổng Châu Á - Thái Bình Dương" là màu tím đậm và cuối cùng ở "Chương 04: Du học và học bổng Mỹ" là màu cam.
Về điểm này mình thấy khá hay, theo quan điểm và chút kiến thức về màu sắc của mình thì cách chọn màu biểu tượng ở từng chương có nhiều ý nghĩa như ở chương 01 với tông màu chủ đạo là màu xanh xanh - màu của biển cả, màu của bầu trời,... nó thể hiện sự điềm tĩnh, yên bình tựa như bầu trời xanh hay sự yên bình, nhẹ nhàng như từng cơn sống vỗ từ biển cả xanh ngút vậy.
Nó giống như muốn nói lên rằng ở chương này bạn hãy cùng chúng tôi từ từ nhẹ nhàng mà bước vào sự sửa soạn, một cuộc hành trang đầy gian nan với phong thái yên bình và tĩnh lặng.
"Chương 02: Du học và học bổng châu Âu" với tông màu chủ đạo là màu xanh lá cây mang lại cho đôi mắt ta sự dịu nhẹ, hài hòa theo góc nhìn của vật lý - cái này mình đọc trong sách nào á mà quên tên rồi, xin lỗi các bạn, và trong văn hóa phương Tây thì nó đại diện cho sự tươi mới, màu mỡ [1] tựa như sự tươi mới đầy sức sống, sự dịu nhẹ và màu mỡ của môi trường đầy tiềm năng ở châu Âu giống như hình ảnh những chiếc lá cây xanh lá vươn lên đầy sức sống và tiềm năng.
(2)
(2)
Tiếp theo là ở "Chương 03: Du học và học bổng Châu Á - Thái Bình Dương" với tông màu chủ đạo là màu tím. Một màu của sự pha trộn giữa màu xanh và màu đỏ - sự kết hợp giữa sự ổn định từ màu xanh và sự đầy năng lượng, chói sáng từ màu đỏ. Một màu đại diện cho sự sang trọng, quyền lực, không những vậy, tím cũng gắn liền với những hình ảnh ma mị, huyền bí và tâm linh. [2] Điều này giống như hình ảnh của đất nước Nhật Bản, Hàn Quốc với những sự nghiêm trang, oai phong từ những vị samurai từ Nhật Bản đến các những cung thủ người Hàn và cũng như sự huyền bí, tâm linh của văn hóa từ các nước này.
(3)
(3)
Ở điểm này thì mình có một điểm hơi bất ngờ và lạ khi mà nước Úc cũng được thể hiện ở tông màu tím này. Theo quan điểm của mình thì nước Úc thường sẽ thể hiện và phù hợp với tông màu cam cùng với tông màu ở "Chương 04: Du học và học bổng Mỹ" với tông màu cam chủ đạo. Với hình ảnh màu cam phù hợp với khí hậu, cảnh quan của nước Úc cùng với ý nghĩa của nó. Màu cam là sự pha trộn của hai màu sắc là màu đỏ đầy năng động và màu vàng đầy may mắn. Nó biểu trưng cho sự đam mê, phấn khởi, hạnh phúc, sáng tạo, quyết đoán, thành công, sự khuyến khích và kích thích, là biểu tượng của sức mạnh, sự bền bỉ. [3] Thế nên, mình không bất ngờ khi ở tông màu chủ đạo ở chương 04 khi nói về du học bổng ở Mỹ với tông màu chủ đạo là màu cam mà thấy hơi lạ khi tông màu chủ đạo của Úc lại là màu tím.
Ảnh bởi
Philipp
trên
Unsplash
Có thể là theo quan điểm của người chịu bên thiết kế là chị Quỳnh Hoa và người sửa bản in chị Nga Levi, anh Dũng Ez và những người chịu trách nhiệm mảng này thấy nước Úc cũng mang một vẻ gì đó huyền bí, nghiêm trang. Hoặc cũng có thể một trường hợp khác, là việc thiết kế màu này đơn giản là sự sắp đặt ngẫu nhiên và tùy hứng mà thôi chứ không hề có ý nghĩa gì cả và do mình trí tưởng tượng phong phú quá mà tưởng tượng ra thôi =V
Ok, đó là theo quan điểm của mình về màu sắc trong bố cục của quyển sách. Và mình rằng nó sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu như mỗi chương nó có thể có các bố cục sắp xếp khác nhau thì quyển sách nó sẽ ấn tượng hơn và trông hấp dẫn hơn khi đọc. Đây cũng có thể nói là một khuyết điểm nhỏ của quyển sách khi mà cách bố trí bố cục của quyển sách thì về tông màu chủ đạo thì khác nhau song cách phân bố lại giống nhau khiến cho lúc đầu thì nó rất hấp dẫn song việc giống hệt nhau trong các chương khiến cho nó trở nên nhàm chán và đơn điệu khi mà bạn bắt đầu đọc được quyển sách một thời gian.
Tiếp theo, ta hãy nói về hình thức.

Về hình thức:

(4)
(4)
Ấn tượng đầu tiên khi mà bạn nhận được từ quyển sách này là hình ảnh một cô gái đang nhìn đi vào một hướng xa xăm nào đó và cô ngồi trên những chiếc va li to và cạnh bên là một chiếc ba lô. Và nhìn vào hình ảnh này, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra rất nhiều biểu tượng của các quốc gia mà bạn có thể muốn du học, từ chiếc móc khóa hình tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp trên ba lô của cô bạn đến hình ảnh núi Phú Sĩ nằm ở background. Và nếu bạn để ý hơn nữa thì bạn sẽ thấy hình ảnh logo của nhà nhện nằm trên chiếc laptop mà cô gái dùng - Ở đây thì hình ảnh này với quyển sách đang kế bên mình có một điểm khác nhỏ đó là hình ảnh của logo nhện Spiderum của mình là một hình dán trên chiếc laptop còn ở hình trên lại là thương hiệu laptop Spiderum luôn, như vậy có thể hình ảnh trên là hình ảnh của lần tái bản sau quyển sách mà mình đang sở hữu, đây là điều đáng mừng vì trong lúc đọc, mình phát hiện có vài lỗi chính tả rải rác khắp các chương xuyên suốt quyển sách nên mình chắc hẳn là lần tái bản này thì các phần lỗi chính tả ấy chắc hẳn cũng đã được sửa lại rồi.
Ở bìa sau của quyển sách là lời bình của GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam cùng với hình ảnh một cái gương - theo mình thấy là vậy, mà chứa rất nhiều biểu tượng đặc trưng của các quốc gia như tượng nữ thần tự do, tháp Big Bang, nhà hát con sò,... và trên chiếc gương đính hình ảnh một con nhện Spiderum đang mỉm cười nhìn xuống.
Nhìn chung cách vẽ bìa của chị Quỳnh Hoa mang lại không khí hiện đại, trẻ trung của quyển sách.
Ở phần này mình sẽ không nói về các yếu tố khách quan của quyển sách như góc sách, cạnh sách như thế nào vì nó sẽ mang tính chủ quan chứ không còn khách quan nữa. Ví dụ, quyển sách của mình thì cạnh sách và góc sách bị móp và một vài phần bị tróc ở phần bìa. Song, mình cũng không quan tâm nhiều lắm bởi vì có thể là do mình ở xa nên trong quá trình vận chuyển nó như vậy và trong các ảnh chụp các bạn khác thì mình nhìn thấy nó rất đẹp và không tróc miếng nào. Thế nên, cái này mình không đề cập nhiều đến nhé^^
Ok, bây giờ ta hãy đến phần quan trọng nhất, nội dung.

Về Nội Dung:

Về nội dung, thì cái mình ấn tượng nhất có lẽ là tính chân thật của nó khắc họa lên trong quá trình du học. Ban đầu mình tưởng nó sẽ là một kiểu cuốn sách tâm sự, kể về quá trình của các tác giả ở từng quốc gia và nó đúng như vậy song chỉ một phần thôi vì nó thiên hướng nhiều về một tài liệu tham khảo, nếu bạn muốn hình dung rõ hơn thì nó giống như cuốn sách giáo khoa của bạn vậy, có điều nó không dạy về Toán, Lý, Hóa,... mà nó nói về việc du học như các tác giả nói về bản thân cuốn sách:
"Cuốn sách chỉ mang tính chất tham khảo". [4]
Nói cách khác thì bản thân các tác giả của quyển sách của đã xác nhận rằng nó chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi. Song cái tính chân thật của nó từ nội dung đến thực tiễn càng làm mình ấn tượng hơn nữa:
Khi tác giả đặt ra câu hỏi: "Du học chỉ dành cho người có tiền?"
Lúc này, mình đã nghĩ rằng đây sẽ là các câu trả lời đại loại như: "Không du học chỉ dành cho người có tiền mà dành cho những người giỏi giang, xuất sắc nữa", hoặc những câu truyền động lực, cảm hứng tương tự như thế. Song, ngay câu đầu tiên nó đã thẳng thắn nói ra sự thật đầy phũ phàng và tàn nhẫn rằng:
"Đúng, du học chỉ dành cho người có tiền." [5]
Có thể nói tác giả đây là một trong những điều mình ấn tượng nhất. Mặc dù, tác giả đã nói ra sự thật như vậy song tác giả cũng đem lại nguồn hy vọng và giải thích lý do tại sao có những người không có tiền vẫn có thể đi du học được:
"... Nhưng nguồn tiền này có thể đến từ khoản tiết kiệm cá nhân, tiền của cha mẹ, tiền mượn từ người thân, hoặc tiền tài trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, hoặc học bổng từ các trường Đại học. Vậy nên, nếu bạn hoặc gia đình bạn không có đủ chi phí cho việc du học tự túc thì đừng nản chí, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết các bước để bạn chuẩn bị và nâng cao khả năng trúng tuyển các học bổng danh giá trên thế giới. Hệ Đại học, thường ít có suất học bổng toàn phần hơn hệ sau Đại học. Thế nên, nếu không xin được học bổng du học hệ Đại học, bạn cứ học thật tốt Đại học ở Việt Nam. Hãy tranh thủ thời gian 4 năm Đại học ở Đại học Việt Nam để chuẩn bị tốt hồ sơ xin học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ. ..." [5]
Nói cách khác ngay từ đầu, quyển sách này cũng đã hướng chủ yếu đến việc du học ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ không phải vì họ thích thế mà thực tế nó là như vậy. Và trong quyển sách ở Chương 04: Du học và học bổng Mỹ nằm ở trang 458 Chương 19: Hành trình khám phá nước Mỹ từ năm 16 tuổi (Du học Mỹ từ PTTH đến Đại học trường top 10 thế giới ngành kinh tế). Câu truyện truyền cảm hứng của tác giả Trương Thời Tiến cũng như các việc làm, lộ trình của anh để đạt được học bổng 100% VinUni và các đại học top thế giới như tên chương mà tác giả viết thì cũng phải thừa nhận rằng việc tác giả du học được từ thời Trung Học Phổ Thông cũng bắt đầu từ việc du học tự túc từ nguồn tiền hỗ trợ từ gia đình trước tiên và sau này thì nhờ nghị lực và tài năng đầy ấn tượng của tác giả mà mới có bàn đạp để sau này tác giả mới có thể đạt được học bổng cao như vậy. Và ở đây mình thiết nghĩ rằng có lẽ là do ở các nước phát triển họ chủ yếu có học bổng du học toàn phần dành cho bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ lý do là vì trong giai đoạn học ở bậc Cử Nhân - tức Đại học, thì họ sẽ ưu chuộng việc chọn sinh viên của nước mình hơn khi nó đem lại lợi thế cho họ hơn và việc họ có nhiều nguồn học bổng toàn phần cho việc học sau Đại học đơn giản là vì họ cần nguồn nhân lực có trình độ cao - nhất là các nước phát triển như họ, mà trong khi đó thì không phải ai cũng có nhu cầu, hứng thú đến việc học cao học. Vậy nên, đó có thể là lý do khiến cho họ có ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn học sau Đại học như vậy.
Một khía cạnh khác gây ra ấn tượng đối với mình trong quyển sách chính là tính thực tiễn và chân thực của quyển sách: trong quyển sách bạn thấy chủ yếu là các ngành của tác giả nhận được học bổng chủ yếu đến từ các ngành STEM - viết tắt của các từ Science, Technology, Engineering và Mathematics. Nói cách khác, đây là các ngành khó mà nhân lực và nhân tài thì ít còn người bản địa lại ngại học cao và ít nguồn nhân tài. Viết đến đoạn này, mình tự nhiên nhớ đến anh Limitless mà hồi đó hình như anh có chia sẻ về quan điểm này mà mình không nhớ rõ nguyên văn mà đại ý như sau: Mình đi định cư ở nước khác tức là mình đi làm mấy cái việc mà người nước tụi không chịu làm, không thích làm hoặc không đủ năng lực để làm. Nói cách khác là mấy cái ngành mà mình thích mà tụi nó cũng thích thì mình khó có cơ hội để làm vì có thể không cạnh tranh lại với người bản địa, còn ngành mà tụi nó không thích làm hay không đủ năng lực để làm thì mình phải căn răng mà làm chẳng hạn như tụi nó không thích học toán và kĩ thuật thì mình muốn đi vô nước tụi nó học, làm thì nếu không có tiền để học ngành mình thích mà muốn xin học bổng thì ngành đó nước tụi nó phải cần và tụi người bản địa thì lại không đủ năng lực hay không thích làm.
Và ở trong quyển sách, tác giả Hùng có dành một chương nói về sự thật phũ phàng này khi nói với ngành dược khi ông khuyến khích nên học dược ở Việt Nam thay vì du học ở Mỹ còn không muốn du học thì có thể tham khảo việc du học ở Hungari. Hay bác ấy còn đưa ra một đề xuất khác, chân thật hơn là làm trong ngành Nursing mà tác giả thấy cực kỳ tiềm năng.
Đến đây, mình nghĩ mình đã nói hầu hết cho phần nội dung rồi. Ta hãy cùng đến phần ưu và nhược điểm.

III. Ưu Điểm

Như phần mình đã mình đã bàn ở phần hình thức, ưu điểm lớn của quyển sách nằm ở tính chân thật và kinh nghiệm sâu rộng của các tác giả trong việc săn học bổng. Một số chương có thể gây đau lòng như chương tác giả Hùng nói về việc du học Mỹ ở ngành Dược. Song, các tác giả vẫn chọn tạo ra tính chân thực, thực tiễn cho người đọc vì ưu tiên lợi ích của người đọc lên trên hết mà không vẽ ra các viễn cảnh màu hồng trong việc du học.
Một ưu điểm khác mà mình chưa nói tới đó chính là cách viết sách đầy chuyên nghiệp mang tính hàn lâm, có phương pháp như việc chú thích có ghi rõ nguồn, ngày xem,... Chưa hết, nó còn có phần phản biện của những người đã có kinh nghiệm du học khác. Điều này dẫn đến việc quyển sách sẽ mang tính trung lập, khách quan hơn là ý kiến một chiều từ chỉ tác giả mà thôi.
Bên cạnh đó, cũng là cách bên biên tập, thiết kế bìa sách, hình ảnh trong sách cũng được đầu tư, chăm chút hết sức hiện đại và ấn tượng.
Và trên đây là các ưu điểm chính mà mình thấy được và chúng ta hãy cùng đến với phần nhược điểm.

IV. Nhược Điểm

Một số nhược điểm của quyển sách thì có thể kể đến một số nhược điểm theo thứ tự từ nhỏ đến lớn dần như sau:
Đầu tiên, mình mua quyển sách mới ra mắt lần đầu tiên mà chưa qua lần tái bản nào cả nên trong quá trình đọc, mình nhận thấy có một số lỗi chính tả rải rác khắp các chương. Song, mình tin chắc rằng các lần tái bản tiếp theo, cái nhược điểm siêu nhỏ này sẽ được tiêu diệt.
Thứ hai, như các giả đã thừa nhận ở đầu quyển sách rằng các bạn đọc giả nên xem quyển sách như là một tài liệu tham khảo cũng như cách viết đầy tính chuyên nghiệp và mang tính khoa học có thể gây nản cho các bạn đọc. Song, thật ra đây là điều mà mình thấy cũng rất là đáng quý của các tác giả, khi họ sẵn sàng hy sinh, chủ yếu nói đến cách thức, bài luận mà họ đã dùng để có thể đi du học mà không kể lể về những khó khăn, vất vả mà họ đã trải qua. Và cũng chính điều này, nằm rải rác trong các chương, đôi lúc khi đọc vài dòng mà các tác giả chia sẻ về những khó khăn của mình (rất hiếm khi các bạn thấy khi đọc đó nhé!) thì các bạn sẽ cảm thấy cực kì ngưỡng mộ và khâm phục họ đấy như chương về tác giả nói về lúc đang du học ở Đức hay chương một tác giả khác với tinh thần quật cường kinh khủng khiếp, trải qua hơn chục lần đắng cay xin học bổng thất bại để đến với trái ngọt khiến mình thật sự vô cùng ngưỡng mộ.
Tiếp theo, một nhược điểm bất ngờ khác là nó yêu cầu ngoại ngữ khi đọc. Hầu hết các bài luận đều được viết bằng tiếng Anh nên mình nghĩ rằng các bạn muốn đọc được quyển sách này thì ít nhiều cũng nên có chút khả năng đọc hiểu tiếng Anh nằm ở mức B1 trở lên để đọc cho thoải mái, nếu không thì giá trị của quyển sách ở các bài luận mà các tác giả gửi gắm vào sẽ mất đi rất nhiều giá trị lắm đó, tiêu biểu là khi mình đọc chương mà tác giả chia sẻ về việc du học ở Pháp và bài luận của tác giả viết bằng tiếng Pháp mà mình lại không biết chữ tiếng Pháp nào, thành ra, giá trị của phần đó mình không nhận được nhiều lắm cũng như giá trị mà tác giả đã dày công gửi gắm vào. Điều này, thật sự rất là đáng tiếc đấy các bạn ạ.
Bên cạnh đó, các ngành mà tác giả chủ yếu chia sẻ là thuộc ngành STEAM và học bổng mà các tác giả đã nhận được chủ yếu là học bổng từ bậc thạc sĩ trở lên - ngoại trừ chương cuối của tác giả Trương Thời Tiến về việc du học từ năm cấp 3. Điều này có thể đem lại chút tủi thân và buồn cho các bạn muốn du học các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, khoa học xã hội hay các bạn muốn du học từ bậc đại học. Song trong quyển sách, tác giả cũng đã giải thích lý do vì sao lại có điều này xảy ra cũng như giải pháp mà tác giả đưa ra là gì.
Cuối cùng, một nhược điểm mà mình thấy khá buồn đó là quyển sách nên được đọc càng sớm càng tốt vì tính chất thay đổi liên tục của các học bổng du học. Tức là trong giai đoạn tác giả viết sách thì các yêu cầu đặt ra trong quá trình du học là vậy song trong tương lai xa hơn thì nó sẽ bị thay đổi ít nhiều. Điều này dẫn đến một sự thật khá đáng buồn là thời gian càng trôi đi thì giá trị của quyển sách càng giảm...
Ngoài ra, mình khá khó chịu phần marketing quảng cáo của quyển sách khi mà nó thể hiện việc du học giống như là một việc gì đó rất dễ dàng và khi đọc xong là các bạn có thể xin học bổng thành công và du học được ngay ấy. Điều này, làm mình khá khó chịu khi nó làm tương phản và che đi giá trị thực tiễn và chân thực mà các tác giả gây dựng trong nội dung quyển sách.
Và trên đây là các phần nhược điểm mà mình thấy, ta hãy đến với phần cuối cùng: Tổng Kết.

V. Tổng Kết

Thật ra thì phần ưu hay nhược điểm mình nói ở trên thì theo mình thấy đó cũng chỉ là đặc điểm của quyển sách mà thôi. Đối với mình thì cái này là ưu điểm cái kia sẽ là nhược điểm song đối với bạn khác thì cái này lại là nhược điểm cái kia sẽ là ưu điểm. Nhìn chung, nó chỉ là đặc điểm và là ưu hay nhược cũng chỉ là quan điểm của bản thân ta gắn vào nó mà thôi. Nên phần ưu hay nhược điểm mà mình đưa ra cũng được xem mang tính tham khảo.
Cuối cùng thì quyển sách về cơ bản là một cuốn cẩm nang hướng dẫn, một tài liệu tham khảo mà các bạn muốn đi du học hay các bậc cha mẹ muốn cho con đi du học nên đọc. Và quyển sách này nên được đọc càng sớm càng tốt vì theo thời gian thì quyển sách sẽ ngày càng giảm đi nhiều giá trị và khi đọc thì nếu bạn nào đã chọn nước mà mình muốn du học rồi thì tập trung đọc trước chương 1 sau đó bay thẳng sang chương mà có nước mà các bạn dự định chọn du học luôn vì sau khi đọc chương 1 song thì các chương khác, các bạn đều có thể đọc được một cách riêng biệt mà không cần phải theo thứ tự từ A đến Z để có thể hiểu được nội dung của chương đó. Điều này giúp các bạn tiết kiệm thời gian cũng như công sức. Còn nếu các bạn chỉ muốn đi học mà chưa chọn được nước nào thì có thể đọc full nguyên quyển sách để có cái nhìn tổng quan về việc du học ở các nơi trên thế giới cũng như có cái nhìn chân thực, rõ ràng hơn mà các tác giả đã gửi gắm vào.
Cuối cùng, bạn nào mà nghĩ việc du học và xin học bổng là dễ dàng và đọc để thực hiện điều dễ dàng đó thì thôi các bạn đừng đọc luôn đi vì các bạn sẽ thất vọng vì quá trình chông gai của nó để nhận lại những trái ngọt của nó mà thôi.

P/S

Mình viết tới dòng này là vào chủ nhật, ngày 16 tháng 4 năm 2023 lúc 12 giờ 33 phút 1 giây sáng mà ngày mình đọc xong quyển sách lại vào lúc 7 giờ 21 phút 50 giây, thứ năm, ngày 3 tháng 11 năm 2022 tức là sương sương cũng 6 tháng rồi. Thật sự cảm thấy rất tội lỗi khi đã hứa mà tới bây giờ mình mới thực hiện xong.
Đồng thời, mình cũng định xóa bài trong quá trình viết bởi vì thật sự mà nói đẳng cấp của người viết ra quyển sách mà mình review với mình quá chênh lệch: Các tác giả trình độ từ thạc sĩ tới giáo sư đã có kinh nghiệm đi du học, trong khi đó, mình thì lại chưa đi du học lần nào mà chỉ có đi du lịch mà việc du lịch đến đất nước khác với việc học tập ở đất nước khác lại là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nên đôi lúc cũng tự hỏi mình có nên viết cái bài viết này? Giống việc mình múa rìa qua mắt thợ đấy các bạn ạ. Cũng như, mình cũng không có nhiều kinh nghiệm viết review sách nên cũng nhiều lần tính quyết định xóa bài trong quá trình đang viết.
Song cuối cùng thì mình vẫn viết để thực hiện lời hứa và biết đâu nó giúp ít được cho ai đó thì sao? Anyway, mình hy vọng các bạn có thể nhận được một giá trị nào đó khi đọc bài viết này của mình và cuối cùng thì, mình xin chân thành một lần nữa xin lỗi các bạn khi các bạn khi tới giờ này mình mới thực hiện xong lời hứa này.
Để kết thúc bài viết này thì mình cũng chúc các bạn nếu các bạn đọc bài viết này vào buổi sáng hay buổi chiều thì sẽ có một ngày thật tràn đầy năng lượng và hạnh phúc, làm được những mục tiêu trong ngày mà các bạn đã đề ra. Còn nếu các bạn đọc bài này vào buổi tối thì chúc các bạn ngủ ngon.💖
Tạm biệt các bạn.
12 giờ 43 phút 16 giây
Chủ nhật, ngày 16 tháng 4 năm 2023.

Chú Thích

Ảnh:

- Lưu ý rằng ảnh mà mình không biết ai là tác giả thì mình sẽ trích dẫn nguồn mà mình lấy ảnh từ trang web đó và ngày truy cập. Còn đối với ảnh mà mình biết luôn cả chủ sở hữu bức ảnh đó thì mình sẽ đính kèm theo.
(0) Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2023
(1) Ảnh của @Racool_studio, truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2022
(2) Ảnh của photographer.com.vn, truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2022
(3) Xem ngày 1 tháng 1 năm 2023
(4) Ảnh của Spiderum Store, truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2023

Nguồn:

- Theo điều 25 Luật Sở Hữu Trí Tuệ thì: * Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao: 1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại; đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào; g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy; h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó; i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị; k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng. 2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. 3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính. Trích từ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=91038#:~:text=25.,%C4%91%E1%BB%91i%20v%E1%BB%9Bi%20gi%E1%BB%91ng%20c%C3%A2y%20tr%E1%BB%93ng. => Như vậy thì việc tôi trích dẫn các nguồn dưới đây là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp theo điều 25 Luật Sở Hữu Trí Tuệ.
[1] Xem ngày 31 tháng 12 năm 2022
[2] Xem ngày 31 tháng 12 năm 2022
[3] Xem ngày 1 tháng 1 năm 2023
[4] Bước ra thế giới - Cẩm nang du học & săn học bổng, chủ biên: TS. Phạm Đức Hùng, Nhà Xuất Bản Thế Giới, trang 23, in xong và nộp lưu chiểu năm 2022, ISBN: 978 - 604 - 365 - 487 - 5.
[5] Bước ra thế giới - Cẩm nang du học & săn học bổng, chủ biên: TS. Phạm Đức Hùng, Nhà Xuất Bản Thế Giới, trang 28, in xong và nộp lưu chiểu năm 2022, ISBN: 978 - 604 - 365 - 487 - 5.

Tài Liệu tham khảo: