Nhắc tới mạng xã hội Trung Quốc đại lục, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến các chế tài an ninh mạng vô cùng độc đoán và hà khắc. Vào năm 2009, các cơ quan ban ngành khác nhau của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã phát động một chiến dịch đặc biệt nhằm thanh lọc môi trường Internet. Những nội dung được cho là mang tính đồi trụy, tục tĩu; những quan điểm được xem là bất đồng chính kiến, phản động… tất cả đều bị thẳng tay loại bỏ khỏi mạng xã hội Trung Quốc đại lục, nhằm duy trì một hình thái xã hội “hài hòa” - theo như cách nói của giới cầm quyền. Dĩ nhiên, sự kiện này sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi khi mặc dù nó đã thực sự mang lại cho môi trường Internet Trung Quốc đại lục một vẻ ngoài văn minh hơn, nhưng cũng kéo theo vô số diễn đàn và những trang lưu trữ thông tin bị “bay màu” oan uổng. Lí do là bởi thuật toán kiểm tra của chính quyền Trung Quốc khi ấy còn kém và cách hoạt động rất tệ hại, chỉ cần quét được những từ khóa bị cấm là sẽ xếp đối tượng vào diện cần phải xóa sổ, dù rằng nội dung của những web này không hề mang thiên hướng chống đối chính quyền hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Những vụ việc như vậy cứ liên tiếp diễn ra mà không có một lời cam kết hay sự đền bù thỏa đáng nào đến từ phía giới quan chức điều hành dự án, khiến cho không ít cư dân mạng Trung Quốc bất bình. Có bất công thì sẽ có phản kháng, và thế là họ đã nghĩ ra những biện pháp “chống đối” vô cùng hài hước để phản ứng lại sự kiểm duyệt hà khắc đó. Tiêu biểu nhất cho phong trào này chính là sự ra đời của “Bách Độ thập đại thần thú” (百度 十大 神兽/ Baidu 10 Mythical Creatures).
Ảnh minh họa châm biếm sự kiểm duyệt thông tin của chính quyền Trung Quốc đại lục.
Ảnh minh họa châm biếm sự kiểm duyệt thông tin của chính quyền Trung Quốc đại lục.
Vào khoảng đầu năm 2009, là một loạt các bài viết chủ đề động vật học dưới dạng đóng góp phá hoại được đăng tải lên phiên bản Trung Quốc của Wiki là Baidu Baike. Nói nôm na thì chúng là những bài viết được đăng tải ẩn danh với nội dung chỉ toàn là các thông tin giả hài hước, mục đích là để thách thức thuật toán kiểm duyệt của chính quyền. Những bài viết này lần lượt miêu tả một cách “khoa học” những sinh vật hư cấu, với mỗi con vật đều có sự ám chỉ mơ hồ những cụm từ tục tĩu bằng cách sử dụng từ đồng âm trong tiếng Hán và chuyển ngữ bính âm các từ tiếng nước ngoài. Các bài viết dạng này tương đối nhiều, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là 10 sinh vật được cư dân mạng tập hợp lại với danh hiệu “thần thú”, gọi là "Thập đại thần thú của Baidu". Những sinh vật giả tưởng này nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng tại Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đã nhanh chóng nhận ra và gấp rút xóa bỏ những bài viết ấy trên Baidu Baike, thế nhưng không ngăn cản được rất nhiều hình ảnh, video, MV ca nhạc và thậm chí là các bộ phim giả tài liệu liên quan đến chúng đã được phát tán trên các trang mạng xã hội trong và ngoài Trung Quốc đại lục.

I, Thảo nê mã

Đứng đầu Thập đại thần thú là thảo nê mã (草泥马/Grass mud horse). Đây là một trong những thần thú được khai sinh đầu tiên và cũng là nổi tiếng nhất. Tên của sinh vật này nghĩa đen là “ngựa cỏ bùn”. Cái tên này tuy nhìn qua thì có vẻ hài hước và vô nghĩa, thế nhưng khi phát âm sẽ gần giống với cụm từ cào nǐ mā, nghĩa đen là “đ*t mẹ mày” trong tiếng Hán. Tuy ảnh minh họa ban đầu của thảo nê mã là một con ngựa vằn mặc đồ diễn xiếc, nhưng nó nhanh chóng được thay thế bằng alpaca trắng và trở nên phổ biến trong hình dung của mọi người như vậy cho đến tận bây giờ.
Lạc đà Alpaca, bây giờ được người Trung Quốc biết đến phổ biến với cái tên thảo nê mã.
Lạc đà Alpaca, bây giờ được người Trung Quốc biết đến phổ biến với cái tên thảo nê mã.
Theo bài viết ẩn danh gốc, thảo nê mã là một loài sinh vật có nguồn gốc từ sa mạc Mã Lặc Qua Bích (马勒戈壁/Mahler Gobi), nên còn được gọi là thảo nê mã Qua Bích (草泥马戈壁/Grass mud horse Gobi). Dĩ nhiên, sa mạc này cũng không hề có thật (nhái lại sa mạc Gobi nổi tiếng nằm phía Bắc Trung Quốc) và giống như thảo nê mã, tên của nơi này phát âm gần giống với cụm từ mā le ge bī, có nghĩa là "mẹ mày là đồ lozn". Tương tự, cái tên thảo nê mã Qua Bích khi phát âm sẽ gần giống với cào nǐ mā ge bī, tức “đ*t lozn mẹ mày". “Truyền thuyết” kể rằng sa mạc Mã Lặc Qua Bích có điều kiện sinh tồn vô cùng khắc nghiệt, nhưng thảo nê mã lại là một loài tràn đầy sức sống, thông minh và bền bỉ. Chúng đã tiến hóa để thích nghi với việc tiêu hóa những loại thực vật đặc hữu của nơi đây là cỏ mỡ (沃草/Fertile grass) và cỏ mọc nằm nghiêng (卧草/Recumbent grass), nhờ vậy mà có thể trở thành giống loài đứng trên đỉnh tháp sinh thái của nơi này. Về cái tên của hai loài cỏ kia, chúng đều có một điểm chung là phát âm là wò cǎo, nghe giống như câu chửi thề “(tao) đ*t”.
Sa mạc Mahler Gobi là nơi sinh sống của loài thảo nê mã.
Sa mạc Mahler Gobi là nơi sinh sống của loài thảo nê mã.
Cũng theo bài viết, cho đến khi được “phát hiện”, người ta đã xác định được một vài phân loài thảo nê mã chính còn tồn tại như ngọa thảo nê mã (卧草泥马/Recumbent Grass mud horse), ốc thảo nê mã (沃草泥马/Fertile Grass mud horse)... Trong số đó, phân loài thống trị là "cuồng thảo nê mã" (狂草泥马/Wild Grass mud horse). Dĩ nhiên, tên của những phân loài này khi phát âm đều mang một hàm ý biến thể của câu chửi cào nǐ mā ban đầu.
“Truyền thuyết” còn kể rằng, gần đây, các quần thể thảo nê mã trên khắp sa mạc Mã Lặc Qua Bích đang bị suy giảm nghiêm trọng. Môi trường sống của chúng, những bãi cỏ mỡ và cỏ mọc nằm nghiêng đang bị chiếm giữ và tàn phá bởi một loài ngoại lai gây hại là cua sông (河蟹/River crab). Có thể thấy ngay cái tên kẻ thù của thảo nê mã cũng là một cách chơi chữ để mỉa mai chính quyền Trung Quốc đại lục khi Hán tự của nó đọc là hé xiè, gần giống với phát âm hé xié của từ hài hòa. Đây là sự ám chỉ không thể rõ ràng hơn tới chủ trương thắt chặt kiểm duyệt để đạt được một hình thái xã hội hài hòa mà họ đã tuyên bố trước đó.
Cua sông là một loài ngoại lai gây hại, đã chiếm giữ và phá hủy nhiều trảng cỏ đặc hữu của sa mạc Mahler Gobi, nguồn thức ăn duy nhất của thảo nê mã.
Cua sông là một loài ngoại lai gây hại, đã chiếm giữ và phá hủy nhiều trảng cỏ đặc hữu của sa mạc Mahler Gobi, nguồn thức ăn duy nhất của thảo nê mã.
Tính tới thời điểm hiện tại, thảo nê mã đã trở thành một linh vật quen thuộc, một meme vô cùng nổi tiếng trên cả mạng xã hội Trung Quốc đại lục lẫn thế giới. Được biết, cuộc chiến giữa hai loài thảo nê mã và cua sông được cho là vẫn sẽ còn phải kéo dài. Dù vậy, mọi người trên khắp thế giới đều hy vọng và cầu nguyện rằng một ngày nào đó những chú ngựa cỏ bùn đáng yêu có thể đánh bại đám cua độc ác và chiếm lại những bãi cỏ mỡ và cỏ mọc nằm nghiêng của chúng.
Một trò chơi châm biếm chính quyền của người dân Trung Quốc đại lục, lấy chủ đề là cuộc chiến giành lại những trảng cỏ mỡ/cỏ nằm nghiêng của thảo nê mã trước kẻ thù là cua sông.
Một trò chơi châm biếm chính quyền của người dân Trung Quốc đại lục, lấy chủ đề là cuộc chiến giành lại những trảng cỏ mỡ/cỏ nằm nghiêng của thảo nê mã trước kẻ thù là cua sông.

II, Pháp-Khắc vưu

Đứng thứ hai trong hàng ngũ Thập đại thần thú là Pháp-Khắc vưu (法克鱿/French-Croatian Squid), một loài mực ống mới "được phát hiện" vào năm 2009, tức thời điểm bài viết gốc được đăng tải. Sự ra đời cho cái tên của sinh vật ấy cũng là cả một câu chuyện ly kỳ. Theo tác giả, các nhà nghiên cứu của hai nước Pháp và Croatia đã đồng thời phát hiện ra cá thể mực đầu tiên của loài nên quyết định đặt tên thông dụng cho sinh vật mới này là “mực ống Pháp-Croatia”. Khi được chuyển ngữ sang tiếng Trung, chúng được gọi là mực ống Pháp-Khắc với Pháp là chữ cái đầu tiên trong tên Hán tự của nước Pháp (法国/Pháp quốc) và Khắc là chữ cái đầu tiên trong tên Hán tự của nước Croatia (克罗地亚/Khắc La Địa Á). Đến đây, chúng ta dễ dàng nhận ra cách phát âm tên của sinh vật này, fǎ kè yóu là sự chuyển ngữ bính âm của từ “fuck you” (tao) đ*t mày) trong tiếng Anh.
Pháp-Khắc vưu được phát hiện đồng thời bởi cả các nhà nghiên cứu Pháp và Croatia.
Pháp-Khắc vưu được phát hiện đồng thời bởi cả các nhà nghiên cứu Pháp và Croatia.
Phạm vi phân bố ngày nay của Pháp-Khắc vưu là ở khu vực châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, trong quá khứ, chúng đã từng có mặt ở cả châu Á. Bằng chứng là sự xuất hiện của loài mực ống này trong các bức vẽ trên nền hang động của người Nguyên Khẩu và người Bắc Kinh. Có thể nói từ khi nhân loại bắt đầu bước những bước chân đầu tiên trên quả đất thì Pháp-Khắc vưu đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều bộ tộc thời cổ đại thậm chí còn sử dụng chúng như vật tổ. Trong số đó, có một bộ tộc có tên là Mắt Xếch tộc (斜眼族) đã di cư đến khu vực bán đảo Triều Tiên. Sự tái hợp giữa hậu nhân của tộc người này là người Hàn Quốc với Pháp-Khắc vưu về sau có thể xem như nhân quả tuần hoàn.
Mắt xếch là một tính trạng thường thấy ở người Hàn Quốc nói riêng và phía Bắc Trung Quốc nói chung.
Mắt xếch là một tính trạng thường thấy ở người Hàn Quốc nói riêng và phía Bắc Trung Quốc nói chung.
Bài viết gốc cũng cũng cung cấp thêm thông tin rằng loài mực ống mới này không bao giờ sinh sống ở các con sông lớn hoặc dòng chính của các hệ thống sông, thế nên các nhà khoa học gọi chúng là dạng “phi chủ lưu” (非主流) và tập quán kì lạ này của chúng hiện vẫn đang được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn. Rõ ràng đây là sự ám chỉ đến việc phân luồng thông tin một cách cực đoan của chế độ kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc đại lục khi đặt ra các qui định dòng chủ lưu (mainstream/chính thống) một cách vô cùng khắt khe và nghèo nàn. Ngoài ra, “phi chủ lưu” cũng là một thuật ngữ để chỉ lối sống của các thanh niên lứa tuổi 9x tại Trung Quốc đại lục, bị lên án bởi những người có tư tưởng cổ hủ cũng như giới chính quyền đương thời.
Phong cách được gọi là "phi chủ lưu" gắn liền với thế hệ 9x. Ở Việt Nam chúng ta có những HKT, những tóc bờm sư tử, những teencode... nếu xếp theo tiêu chí "phi chủ lưu" thì đều đạt chuẩn :))
Phong cách được gọi là "phi chủ lưu" gắn liền với thế hệ 9x. Ở Việt Nam chúng ta có những HKT, những tóc bờm sư tử, những teencode... nếu xếp theo tiêu chí "phi chủ lưu" thì đều đạt chuẩn :))
Theo “tài liệu” của những nhà nghiên cứu đã từng thực hiện nhiều thí nghiệm với chúng, loài mực ống này rất hung hãn. Khác với những loài mực khác, khi bị kích động, chúng sẽ không phun mực đen để ẩn thân mà sẽ phóng ra một dạng chất độc sánh lỏng màu trắng để tấn công kẻ thù. Đối với con người, đây là một loại chất hóa học vô cùng độc hại với sức khỏe, dính phải rồi thì khó đảo ngược tác dụng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng Pháp-Khắc vưu không bao giờ hoạt động khi trời sáng. Chỉ đến khi đã tối hẳn, chúng mới bắt đầu ra khỏi nơi ẩn nấp và thực hiện hành vi sinh sản. Chúng di chuyển theo nhóm và sinh sản cực kỳ nhanh chóng.
PS: Dành cho ai có tâm hồn trong sáng thì đoạn phía trên này thuần túy là ám chỉ việc quan hệ tình dục và xuất tinh thôi nhé :))
Kháp-Khắc vưu được ca ngợi là một “thần thú” cao quý không kém gì thảo nê mã. Kể từ khi được “phát hiện”, việc đánh bắt loài mực này đã được diễn ra với quy mô ngày một lớn. Đối tượng tiêu thụ chúng chủ yếu là người Đông Á. Món ăn nổi tiếng nhất về chúng là Ngọc mễ Pháp-Khắc vưu (玉米法克鱿), tức Pháp-Khắc vưu xào ngô. Thiên hạ đồn rằng món này có một mùi hương hấp dẫn đặc biệt đặc biệt. Đây cũng là một trong năm món ngon hàng đầu thế giới, sáng tạo bởi một người đầu bếp Hàn Quốc bí ẩn, nên còn được gọi là Hàn Quốc Pháp-Khắc vưu (韩国法克鱿). Cái tên đầu tiên của món ăn này là để chửi mắng các fan hâm mộ của nữ ca sĩ Lý Vũ Xuân (李宇春/Li Yuchun), những người mang biệt danh Ngọc mễ (玉米) và được biết đến là thường xuyên có phản ứng thái quá. Cái tên Hàn Quốc Pháp-Khắc vưu, kết hợp với việc miêu tả miệt thị người Hàn Quốc là “mắt xếch” trước đó thì đây đích thị là một phần phong trào chửi mắng người Hàn Quốc sau sự kiện Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008.
Người châu Á đã yêu Pháp-Khắc vưu đến vậy, thế nhưng các “khảo sát” cho thấy thế giới phương Tây lại càng yêu chúng hơn. Với nhiều người phương Tây, Pháp-Khắc vưu không chỉ là một con vật, một món ăn ngon hay một nét văn hóa. Thậm chí, có người còn cho rằng hình dạng của bản đồ thế giới hơi giống Pháp-Khắc vưu. Bất ngờ thay, điều này đã được nhiều chuyên gia công nhận và được đông đảo cộng đồng học thuật đồng tình. Chi tiết này quả thực là một màn cà khịa đỉnh cao của cư dân mạng Trung Quốc tới những thành phần phản khoa học tuyên truyền lý thuyết Trái Đất phẳng đầy rẫy bên phương Tây.
Thực tế thì chả riêng gì mấy anh Trung Quốc mà chỗ nào cũng troll đám flat Earth hết trơn :))
Thực tế thì chả riêng gì mấy anh Trung Quốc mà chỗ nào cũng troll đám flat Earth hết trơn :))
Trong phần kết của bài viết gốc, tác giả nêu lên cả tin vui lẫn tin buồn về loài mực ống này:
Tin vui là hiện nay, Pháp-Khắc vưu chăn nuôi đã được phân bố rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là Lan Châu Pháp-Khắc vưu (兰州法克鱿) và Cao Ly Pháp-Khắc vưu (高麗法克鱿). Lan Châu ở đây là một cách chơi chữ khá tinh tế khi bính âm của từ này là lán zhōu viết tắt là LZ, cũng là viết tắt của lóu zhǔ, bính âm từ "lâu chủ" (楼主). Trong văn hóa mạng Trung Quốc, lâu chủ là tiếng lóng để chỉ người tạo thread trên các diễn đàn mà người Việt thường gọi là “chủ thớt”, “thớt” (bởi từ thread đọc nghe na ná thớt trong tiếng Việt). Cao Ly là một tên gọi khác của Hàn Quốc, cho nên thiết nghĩ cũng không cần giải thích gì thêm.
Sau khi chia sẻ tin vui, tác giả đề cập đến tin xấu là trái với đồng loại trong môi trường nuôi nhốt, số phận của các Pháp-Khắc vưu hoang dã lại đang rơi vào nguy hiểm. Do sự săn bắt quá mức mà kể từ khi được phát hiện, số lượng Pháp-Khắc vưu tự nhiên đã suy giảm chóng mặt. Tính tới thời điểm bài viết được cập nhật lần cuối cùng trước khi bị xóa, Pháp-Khắc vưu hoang dã còn lại chỉ chưa tới 1000 con, một sự ám chỉ đến việc thắt chặt kiểm duyệt trên mạng xã hội tại Trung Quốc đại lục lúc bấy giờ.

III, Nhã miệt điệp

Nhã miệt điệp (雅蠛蝶/Yabi Butterfly), nghĩa đen là “bướm nhỏ thanh lịch”. Đây là “thần thú” nắm giữ vị trí thứ ba trong danh sách Thập đại thần thú. Và tất nhiên, đã “vinh dự” xuất hiện trong danh sách này thì hẳn cái tên của nó cũng không trong sáng cho lắm…
Theo bài viết gốc trên Baidu Baike, ngày 1 tháng 1 năm 2009, nhã miệt điệp chính thức được "phát hiện" như một loài mới ở địa khu cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng phía Nam Trung Quốc. Công lao cho sự phát hiện này thuộc về một đoàn leo núi người Nhật Bản. Khi đang leo lên đỉnh của ngọn núi Cống Ca, họ đã vô tình bắt được một vài cá thể của loài sinh vật này.
Núi Cống Ca (Gongga Moutain).
Núi Cống Ca (Gongga Moutain).
Hiện nay, các nhà khoa học thống kê được rằng trên thế giới có hơn 170000 loài bướm, nhưng trong số ấy không có bất kì loài nào trân quý bằng nhã miệt điệp. Những con bướm của loài này có thể tùy ý thay đổi các mảng màu sắc sặc sỡ trên cánh và phát ra ánh dạ quang. Do mới chỉ chạm trán 2 lần (một lần với các mẫu vật đã bắt được bởi đoàn leo núi người Nhật Bản kể trên, một lần là khi quan sát trong điều kiện tự nhiên), nên các nhà khoa học tạm thời đưa ra giả định đó là do điều kiện môi trường nơi đây rất lạnh, áp suất thấp và oxy loãng nên loài bướm này đã phải tiến hóa những khả năng ấy phục vụ cho công cuộc sinh tồn.
Nhã miệt điệp có khả năng phát sáng và thay đổi màu sắc.
Nhã miệt điệp có khả năng phát sáng và thay đổi màu sắc.
Tuy mới được xác nhận là một loài mới, thế nhưng người dân bản đã đã từng lưu truyền những truyền thuyết bi ai về loài bướm này. Nổi bật nhất trong số những truyền thuyết ấy là câu chuyện về một tiểu thư người Nhật Bản đã tự vẫn ở nơi đây. Ngày xửa ngày xưa, có một vị tiểu thư người Nhật Bản đã cùng người yêu bỏ trốn tới cao nguyên này. Trước áp lực của dòng tộc về gia thế thấp kém của người yêu, cả hai đã chọn cách kết thúc cuộc đời này bên nhau với hi vọng kiếp sau họ có thể tiếp tục được được là một đôi uyên ương. Người ta kể rằng, sau khi tự vẫn, linh hồn họ đã hóa thành hai con hồ điệp phát sáng rực rỡ bay đi. Đó chính là khởi nguồn cho loài nhã miệt điệp sau này.
Quay lại với cái tên nhã miệt điệp. Thực chất đây chính là chuyển ngữ bính âm của cụm từ ya me te (止 め て) trong tiếng Nhật. Ý nghĩa gốc của cụm từ này chỉ đơn giản là một yêu cầu đối phương “dừng lại đi”, thế nhưng với sự phổ biến của văn hóa phim khiêu dâm Nhật Bản mà từ này dần mang một sắc thái nghĩa khá đen tối, đó là ám chỉ đến những cảnh dạo đầu trong thể loại cưỡng hiếp (tag: rape). Do đó, mỗi khi nói “nhã miệt điệp” là người nói đang nhại lại thái độ sợ hãi giả vờ của những nữ diễn viên trong các cảnh này, thường là mang nghĩa mỉa mai hoặc trêu đùa thân mật.
Người ta có thể nói Yamete với thái độ giễu nhại.
Người ta có thể nói Yamete với thái độ giễu nhại.
Theo bài viết ẩn danh gốc, số lượng nhã miệt điệp cũng đang suy giảm đáng kể từ khi được phát hiện, do đặc tính độc đáo của chúng đã thu hút vô số người hiếu kì cũng như những kẻ có dã tâm trục lợi. Hiện nay, ước tính khắp cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng chỉ có khoảng 14000 cá thể nhã miệt điệp, một con số đáng báo động. Do đó, tác giả đã kêu gọi mọi người cùng nhau chung tay bảo vệ loài bướm tuyệt vời này trước những tác động xấu do chính con người gây ra. Với một số lượng lớn web đen phim Nhật bị chặn tại Trung Quốc trong giai đoạn 2009-2011 thì các bạn hiểu lý do rồi đấy.

(Còn tiếp)

#Backturn