Ra Trường Đi Làm Mình Thấy Gì
Tính theo tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt Nam ghi nhận năm 2020 là 73.6 tuổi thì mình đã đi qua được 1/3 cuộc đời, sống ở 3 quốc...
Tính theo tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt Nam ghi nhận năm 2020 là 73.6 tuổi thì mình đã đi qua được 1/3 cuộc đời, sống ở 3 quốc gia và đi làm được 3 năm. Mình không nói là mình sành sõi về cuộc sống. Cuộc sống của mình hẳn còn nhiều thứ để khám phá, để trải nghiệm, còn nhiều thăng trầm phía trước. Tuy vậy mình vẫn nghĩ rằng những chia sẻ của mình dưới đây vẫn sẽ có ích cho những bạn đang là sinh viên, những bạn đang bắt đầu xây dựng sự nghiệp hoặc những người đang cảm thấy bất an vì sự đảo lộn của xã hội trong năm qua.
Bạn không nên đợi đến khi sẵn sàng 100% để làm gì đó
Bởi vì bạn không bao giờ biết được khi nào là 100%.
Khác với việc học đại học nơi mỗi chương trình đều ghi rõ điều kiện tiên quyết để học một môn nào đó, khi đi làm mình không bao giờ biết rõ mình đã đủ điều kiện để làm một việc nào đó trong dự án chưa. Mình luôn cảm thấy mình chưa đủ. Ở đại học, để học được môn quản lý dữ liệu nâng cao, bạn phải học môn quản lý cơ sở dữ liệu ở mức cơ bản. Đi làm dự án, chị quản lý dự án sẽ yêu cầu phải phân tích ra được báo cáo hành vi người dùng cho khách hàng, chị sẽ hỏi bạn có làm được không. Bạn sẽ không bao giờ biết được bạn có thể làm được không. Bạn sẽ không biết được bạn đã đủ năng lực làm vị trí "team lead" hay chưa. Bạn sẽ không biết được bạn đã sẵn sàng để làm ở một tập đoàn lớn hay chưa.
Giải pháp cho các vấn đề này là hãy cứ làm đi. Trong phần lớn các trường hợp khi đi làm, bắt tay vào làm trước và vừa làm vừa học sẽ tốt hơn là dành thời gian để "chuẩn bị bản thân". Bởi vì thời gian là thứ quý giá khi đi làm và bạn sẽ không bao giờ biết được bạn đã sẵn sàng hay chưa. Không có chứng chỉ nào cho thấy bạn đã đủ trình độ cả.
Điều này không chỉ áp dụng khi đi làm mà hầu như là mọi mặt trong cuộc sống. Bạn không bao giờ biết được bạn đã sẵn sàng để yêu ai đó hay chưa, đã sẵn sàng để lập gia đình, đã sẵn sàng để tìm công việc mới, đã sẵn sàng để chuyển nơi ở mới, đã sẵn sàng để lên vị trí mới trong công ty, đã sẵn sàng để có con. Ngay cả lúc bạn đã tự tin rằng bạn đã sẵn sàng rồi thì sẽ có những sự việc xảy ra cho thấy bạn chưa sẵn sàng tốt như bạn nghĩ.
Điều mình muốn nói ở đây là đừng mong chờ khoảnh khắc bạn chắc chắn 100% về điều gì đó. Khoảnh khắc đó sẽ không đến, và càng trì hoãn thì bạn càng bỏ lỡ nhiều thời gian quý giá. Thậm chí khi bạn cố gắng tìm hiểu thật kỹ về một thứ rồi mới bắt đầu, bạn dễ dàng rơi vào trạng thái bị tê liệt vì phân tích quá nhiều. Nếu bạn chỉ mới chắc chắn khoảng 70% rằng bạn có thể lập gia đình được, thì như vậy cũng là đủ rồi, hãy lập gia đình đi.
Những điều mình nhận ra trong cuộc sống là phần lớn chúng không có thời hạn (deadline), không có thứ gì đánh dấu đây là khởi đầu mới hay đây là thời điểm kết thúc. Mọi thứ không có rõ ràng như thời đi học, với thời gian biểu được sắp xếp kỹ lưỡng, có ngày bắt đầu và kết thúc học kỳ. Mọi deadline đều là do mình tự đặt ra.
Có những thứ bắt đầu càng sớm càng có nhiều lợi thế
Nối tiếp ý ở trên, khi bạn ra ngoài sống tự lập bạn không cần xin phép ai để bắt đầu điều gì đó. Bạn luôn có thể bắt đầu một thứ mới khi bạn muốn, và có những việc bạn càng làm sớm bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn so với những người đồng trang lứa khác. Có một số thứ cơ bản mà chúng ta thường được nghe nhắc đến bao gồm: có thói quen tập thể dục, có thói quen ăn uống lành mạnh, thành thạo tiếng Anh từ sớm.
Mình sẽ bổ sung một số việc sau mà một người càng nên bắt đầu càng sớm càng tốt:
1. Mua bảo hiểm nhân thọ cho bản thân. Khi bạn còn rất trẻ, tầm 19, 20 tuổi, mua bảo hiểm rất rẻ. Tốt nhất là nên nhờ và thuyết phục ba mẹ mua cho mình, coi như mình vay tiền ba mẹ, sa. Bảo hiểm nhân thọ là thứ khi bạn cần bạn sẽ không thể mua được, do đó bạn cần mua khi bạn đang thoải mái về tài chính và không cần chúng. Bảo hiểm được tạo ra để bảo vệ bản thân bạn và đảm bảo gia đình bạn không bị khánh kiệt khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Khi mình lớn lên và chứng kiến bạn bè mình ra đi vì ung thư ở tuổi 24, 25, người thân họ hàng ra đi ở tuổi chưa tới 40, để lại bao nhiêu gánh nặng tài chính cho những người còn sống, mình mới hiểu bảo hiểm nhân thọ quý như thế nào.
Người Việt Nam, nhất là các thế hệ lớn tuổi, hay so sánh việc gửi tiền vào bảo hiểm nhân thọ so với gửi tiết kiệm ngân hàng, vốn luôn có mức lãi suất năm cao hơn, rồi kết luận rằng bỏ tiền vào bảo hiểm là mất nên không mua bảo hiểm. Tuy nhiên đây là so sánh quả táo với quả cam, bởi vì bảo hiểm nhân thọ sinh ra với mục đích để bảo vệ tài chính cá nhân, còn mục đích sinh lời chỉ là phụ, khác hoàn toàn với việc gửi tiết kiệm ngân hàng.
Lưu ý lời khuyên mua bảo hiểm nhân thọ chỉ phù hợp với xã hội Việt Nam, không áp dụng ở các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội tốt.
2. Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh lâu bền với người tốt. Những cơ hội việc làm, những cơ hội học hỏi, những sự giúp đỡ cần thiết mà mình nhận được suốt hơn 7 năm qua đều đến từ những người mình có mối quan hệ thân thiết tạo dựng thời sinh viên. Với những người sống xa gia đình, việc xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ lành mạnh là điều rất cần thiết để giúp thay thế sự che chở của người thân. Thường các bạn sinh viên khi sống xa nhà sẽ tạo ra các mối quan hệ dựa trên "sự thuận tiện" (bonded by convenience), tức quen nhau chơi thân với nhau là vì: học chung môn, ở chung ký túc xá, đi làm chung. Tuy nhiên đó là những mối quan hệ được tạo ra trong tình huống bị động. Những mối quan hệ đó sẽ khá là ngẫu nhiên: may mắn bạn sẽ gặp được người tốt, không may mắn thì sẽ gặp được người khiến bạn phát điên. Một người cần chủ động hơn trong việc đi tìm người tốt về mặt tính cách, phẩm chất và xây dựng mối quan hệ lành mạnh với người đó. Ví dụ bạn có thể chủ động tham gia các cuộc thi của trường, các hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm ở các tổ chức lớn, đi nghe hội thảo.
3. Xây dựng thói quen đầu tư tài chính. Với việc giá cả hàng hóa đang tăng nhanh và các chương trình sales của Shopee ngày càng dễ gây nghiện, khả năng cao là bạn sẽ luôn cảm thấy tội chiếc ví. Do đó bạn có thể giúp con người tương lai của bạn sống thoải mái hơn, được xả láng thỏa cơn nghiện săn sales, bằng cách tìm hiểu và tạo thói quen đầu tư tài chính ngay từ khi còn đang đi học. An toàn nhất là ngoài khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, bạn nên cố gắng tích cóp đầu tư vào các quỹ chỉ số (index fund), ở Việt Nam đó là mua ETF. Bạn nên kỳ vọng mua vào và hạn chế tối đa việc bán ra trong quãng thời gian từ 5 năm trở lên. Đây là chiến lược đầu tư thụ động, phù hợp với những người không rành về cổ phiếu, không có thời gian giao dịch thường xuyên. Và đặc biệt số tiền bỏ vào quỹ này càng để lâu thì có tốc độ sinh lợi càng nhanh nhờ vào lãi suất kép.
Đọc thêm:
Nếu bạn cảm thấy không tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì đây là biểu đồ chỉ số VN Index trong 10 năm qua tính từ tháng 06/2011 đến tháng 06/2021. Đồ thị cho thấy vào tháng 06/2011, VNIndex chỉ đạt 432 điểm, và bây giờ nó đang ở mức 1367 điểm, bất chấp giai đoạn suy giảm cực mạnh từ tháng 04/2018 kéo dài đến tháng 05/2020.
Nguồn: trading economics.
Vietnam Ho Chi Minh Stock Index | 2000-2021 Data | 2022-2023 Forecast | Quote | Chart
The VN increased 263 points or 23.87% since the beginning of 2021, according to trading on a contract for difference (CFD) that tracks this benchmark index from Vietnam. Historically, the Vietnam Ho Chi Minh Stock Index reached an all time high of 1375.74 in June of 2021.tradingeconomics.com
The VN increased 263 points or 23.87% since the beginning of 2021, according to trading on a contract for difference (CFD) that tracks this benchmark index from Vietnam. Historically, the Vietnam Ho Chi Minh Stock Index reached an all time high of 1375.74 in June of 2021.tradingeconomics.com
Thị trường chứng khoán Mỹ còn có mức sinh lời tốt hơn nữa. Đây là mức sinh lời của chỉ số S&P 500 trong 10 năm qua.
Tuy nhiên ngay cả khi không có tài chính để đầu tư từ lúc còn đi học, việc tìm hiểu về thị trường tài chính, các phương pháp đầu tư đều rất hữu ích. Nó sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi những mô hình lừa đảo tài chính vốn có đầy rẫy ngoài xã hội cũng như giúp bạn đầu tư nhanh chóng hơn khi điều kiện tài chính đã đủ.
Bạn cần có "biên độ sai" lớn
Mình từng làm dưới một sếp như thế này. Cô được giao đảm trách dự án rất lớn, xây dựng một sản phẩm mới cho công ty. Một giải pháp bán hàng toàn diện chưa có trên thị trường. Dự án này sẽ có nhiều phòng ban phối hợp với nhau cùng tham gia: phòng ban marketing, phòng ban product, mà product thì lại chia ra website và app, phòng ban chăm sóc khách hàng, phòng ban nghiên cứu thị trường. Đó là các phòng ban tiêu biểu, còn có nhiều phòng ban khác nữa. Cô luôn nhắc mọi người rằng đây là dự án cực kỳ lớn của công ty, rằng các phòng ban phải phối hợp thật kỹ với nhau, không được phép sai sót, phải chặt chẽ trong khâu chuẩn bị.
Cái dự án đó, nó thất bại nhanh chóng hơn người ta nghĩ. Nó thất bại không phải theo kiểu nó bị buộc phải dừng, mà nó vẫn diễn ra nhưng không đi đến đâu, và mọi người tham gia nếu không nghỉ thì cũng chuyển qua dự án khác làm. Nó vẫn còn đó nhưng chỉ như một con "zombie", và các sếp cao hơn không mặn mà đổ nguồn lực vào đó nữa.
Vấn đề của dự án đó là người lãnh đạo của nó, có thể là vì áp lực quá lớn, hoặc là vì tính cầu toàn, mà đã tính toán chi li chặt chẽ cho từng bước, và không chấp nhận một sự sơ hở nào. Tuy nhiên điều này vô tình dẫn đến việc cô đã không chấp nhận "có sự sai sót" nào khi thực hiện. Dự án đó có "biên độ sai" ước chừng chỉ là 1%, thì có nghĩa là tất cả mọi người đều phải hoàn thành công việc được giao đạt 99% chất lượng yêu cầu.
Nhưng việc cô không chấp nhận "sai sót" thì chỉ là ước muốn của cô, còn khi thực tế con người luôn mắc lỗi lầm. Dự án càng lớn, càng nhiều phòng ban tham gia làm, thì số lỗi lầm càng nhiều. Trên thực tế mọi thứ diễn ra khác hoàn toàn cô kỳ vọng, và các phòng ban chỉ có thể làm công việc đạt cao nhất là 80% chất lượng yêu cầu. Đa số sẽ chỉ đạt 50%, 60%. Điều mỉa mai là càng lên kế hoạch kỹ lưỡng từng khâu từng bước, thì trên thực tế mọi người càng làm sai nhiều.
Cho nên dự án không thể chạy đúng được như kế hoạch và nó thất bại.
Có nhiều lý do giải thích cho việc này. Một lý do là sự mệt mỏi của những người tham gia khi được yêu cầu làm quá chi li từng phần một trong kế hoạch mơ hồ. Phát triển một sản phẩm mới thì luôn mơ hồ, bạn sẽ rất khó để tưởng tượng được nó sẽ như thế nào. Bắt bạn phải mô tả nó chi tiết là một hoạt động mệt mỏi về tinh thần. Giống như bắt bạn phải hình dung một chiếc xe máy tự lái sẽ hoạt động như thế nào và mô tả đến từng màu cho nút bấm trên xe máy đó.
Lý do khác là việc mọi người không thể ứng biến. Việc làm kế hoạch chi li dẫn tới việc mọi người giảm hoàn toàn khả năng ứng biến khi mọi chuyện không xảy ra như trên thực tế. Mọi người khi đó đều suy nghĩ theo hướng "phải làm sao cho đúng kế hoạch" chứ không phải là "cần làm gì khi mọi thứ không diễn ra theo đúng bất kỳ kế hoạch nào".
Và cuối cùng, như mình đã nói ở trên, con người sẽ luôn phạm lỗi lầm. Nếu điều kiện để một dự án thành công là mọi thứ phải được thực hiện đúng như kế hoạch, thì dự án đó chắc chắn chết trước khi ra đời.
Điều này không chỉ đúng trong công việc mà còn đúng trong cuộc sống. Khi bạn lên những kế hoạch quá chi tiết cho cuộc đời bạn, bạn sẽ càng dễ lạc lối trong cuộc sống hơn vì chắc chắn mọi thứ sẽ diễn ra khác hướng bạn nghĩ. Chúng ta không may bị nhiễm tư tưởng phải hiểu rõ bản thân muốn gì từ các sách "self-help" có nguồn gốc bên Mỹ. Dường như những người đưa ra những lời khuyên đó bị ám ảnh với việc chúng ta phải biết chúng ta muốn gì trong cuộc sống và lên kế hoạch kỹ lưỡng để đạt được ước muốn đó. Câu này chúng ta nghe nhiều nhất trong các mùa tuyển sinh đại học: phải biết các em muốn gì thì mới chọn ngành nghề được.
Ồ không, sai hoàn toàn. Bởi vì khi bạn 18 tuổi, cái ước muốn của bạn khi đó khác hoàn toàn cái ước muốn khi bạn ra trường năm 22, 23 tuổi. Có bao nhiêu sinh viên vào đại học năm 2014, 2015 và biết rằng sau này họ sẽ thành công trên con đường làm streamers? Và khi bạn 30 tuổi thì những ước muốn trong cuộc sống của bạn sẽ còn khác hơn nữa. Bạn sẽ làm gì khi mọi thứ trong cuộc sống diễn ra khác hoàn toàn những kế hoạch bạn đã đề ra?
Trong nhóm bạn của mình, có nhiều người đã có những kế hoạch lớn cho cuộc đời của họ từ rất sớm, có thể là từ họ và có thể là từ ba mẹ họ. Họ đã lên những kế hoạch về việc họ sẽ học gì, sẽ lấy bằng cấp gì, sẽ làm cho các công ty nào, sẽ định cư ở đâu. Và có những người như mình, mỗi năm một mơ hồ, năm nào cũng phải suy nghĩ xem mình phải làm gì tiếp theo. Đã hơn 6, 7 năm kể từ nhóm bạn của mình đã tách ra tỏa đi muôn nơi. Và mình nhận thấy rằng những bạn có kế hoạch chung chung, luôn thử hướng đi mới thường lại nhận được nhiều kết quả tích cực hơn mọi người nghĩ.
Có một anh bạn khi vào học đại học bên Mỹ đã chọn học ngành vật lý, nhưng sau thấy khó và chán quá anh chọn qua học triết học, rồi học về hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Môn đó anh thấy hứng thú, giúp anh hiểu được các vấn đề trong cuộc sống cũng như các vấn đề liên quan tới giáo dục. Rồi anh lại quay lại học toán và lập trình, cuối cùng thì anh vào được một công ty công nghệ hàng đầu. Chính anh cũng không nghĩ rằng có ngày anh sẽ vô Silicon Valley làm và với mức lương cao ngất ngưỡng.
Có một anh khác nữa học rất giỏi môn sinh học khi còn học trung học. Sau đó anh được học bổng vào Đại học Duke để học chuyên ngành về sinh học. Nhưng khi học ở đó anh phát hiện anh có niềm đam mê với ngôn ngữ, anh chuyển sang ngành Pháp ngữ và qua châu Âu theo dạng sinh viên trao đổi. Sau đó anh học chương trình tiến sĩ về ngôn ngữ học. Anh đam mê nghiên cứu tìm hiểu về cách các loài động vật giao tiếp. Con đường sự nghiệp của anh cũng rộng mở vì các công ty công nghệ đã tiếp cận anh để giúp họ xây dựng các thuật toán giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ loài người và các sinh vật tốt hơn.
Cả hai đều có điểm chung là không ép mình vào các khuôn mẫu và luôn cố gắng thử những điều mới, chấp nhận rằng có thể những điều đó không đi đến đâu. Họ không để mình bị dồn vào thế chân tường, bị ép phải "thành công" bằng mọi giá. Họ chấp nhận trong cuộc sống luôn có những quyết định sai lầm và họ phải thích nghi nhanh.
Trong quyển Originals: How Non-Conformists Move the World", tác giả Adam Grants đã chỉ ra rằng những startup thành công, những lãnh đạo thành công thường không để họ bị dồn vào thế chân tường. Họ luôn có một "biên độ sai" rất lớn, tức nếu start-up của họ thất bại thì họ cũng không bị nghiền nát bởi nợ nần và thất nghiệp. Điều đó giúp giảm thiểu áp lực nặng nề đè lên tâm trí, giúp họ thoải mái tự do hơn trong việc vận hành và xây dựng công ty. Họ có thời gian để cân nhắc kỹ các quyết định quan trọng cũng như duy trì được trạng thái tinh thần tốt trong thời gian dài.
Các công ty tiêu biểu được nhắc đến trong sách là cửa hàng bán kính online Warby Parker được thành lập bởi Neil Blumenthal, Andrew Hunt, David Gilboa, và Jeffrey Raider vào năm 2010. Cả 4 người này đều có công việc chính và thành lập Warby Parker như công việc thêm bên ngoài. Doanh thu của Warby Parker đạt 250 triệu USD vào năm 2019.
Hay như gã khổng lồ Google. Cho dù cuộc phiêu lưu Google có thất bại thì Larry Page và Sergey Brin cũng không gặp khó khăn quá nhiều trong cuộc sống vì họ vẫn quay lại được con đường làm luận văn tiến sĩ ở Stanford. Và với tài năng của mình họ sẽ dễ dàng được nhận vào công ty công nghệ lớn khác với mức lương hậu hĩnh. Và trong suốt thời gian vận hành Google, họ đã nhiều lần định bán công ty đi, phản ánh việc họ không hoàn toàn kiên định với con đường đã chọn.
Từ doanh nhân trong tiếng Anh là "entrepreneur" có nghĩa trong tiếng Hy Lạp là "bearer of risks", tức người gánh chịu rủi ro. Tuy nhiên chúng ta hay nhầm lẫn rằng điều đó có nghĩa là một người doanh nhân phải chịu rủi ro ở mức cực kỳ lớn mới có thể thành công được. Cực kỳ lớn có thể hiểu như là sống chết với công ty của bản thân, tức có thể là nghỉ việc đang có hoặc thậm chí bán nhà để nuôi công ty.
Adam Grants lập luận rằng đây là quan điểm sai lầm. Chính xác hơn là khi gây dựng một công ty cho riêng mình, người sáng lập đã phải chịu đựng một sự rủi ro rất lớn về mặt tài chính, sự nghiệp. Và điều họ nên làm là giảm bớt những rủi ro đó chứ không phải là làm gia tăng nó thêm. Rủi ro càng cao tức là "biên độ sai" càng thấp, mỗi quyết định nhỏ của bạn nếu sai đều có tác động tiêu cực rất lớn tới công ty. Trong khi đó việc hạ thấp rủi ro giúp bạn tạo ra "biên độ sai" lớn hơn, bạn có thể phạm phải nhiều sai lầm nhưng công ty của bạn vẫn sống.
Đó là cách mà Bill Gates đã làm, đó là tận dụng các mối quan hệ làm ăn của bố mẹ để thành công. Hoặc như Jeff Bezos được ba mẹ đài thọ cho hàng trăm nghìn đô la để xây dựng nền móng đầu tiên cho Amazon. Trong cuộc sống, bạn sẽ áp dụng quy tắc này khi bạn quyết định nghỉ việc. Điều cơ bản nhưng nhiều người hay quên đó là nên đi tìm việc trước khi nghỉ việc, và chỉ nghỉ việc khi đã có thư mời vào làm (job offer letter). Như vậy tránh trường hợp bạn nghỉ việc và không tìm được việc làm mới trong thời gian dài, trừ khi bạn đang muốn nghỉ ngơi sau thời gian dài đi làm.
Với việc tăng biên độ sai, chúng ta sẽ tránh những tình huống bị dồn vào chân tường và phải suy nghĩ theo hướng được ăn cả ngã...làm lại cuộc đời.
Đọc thêm:
Tóm gọn
Nói ngắn gọn, thì những điều mình rút ra được trong quãng thời gian đi học và đi làm vừa qua đó là:
1. Khi có dự định làm điều gì đó, nên tìm hiểu điều đó ở mức cơ bản và sau đó bắt tay vô làm. Việc vừa làm vừa học sẽ có hiệu quả hơn là cố gắng phân tích quá sâu trước khi làm, dẫn đến việc bị tê liệt trong suy nghĩ và hành động.
2. Có những điều trong cuộc sống chỉ cần mình bắt đầu làm từ sớm là sẽ có rất nhiều lợi thế cho bản thân sau này. Những điều đó bao gồm mua bảo hiểm nhân thọ phòng hộ cho bản thân, xây dựng mạng lưới quan hệ rộng với những người tốt, và tìm hiểu về đầu tư tài chính cũng như tham gia đầu tư nếu có khả năng.
3. Tăng biên độ sai cho các kế hoạch trong cuộc sống để tránh tình huống một quyết định có thể có ảnh hưởng lớn khủng khiếp lên cuộc đời mình. Điều này có thể làm bằng cách duy trì sự thích nghi linh hoạt, liên tục trải nghiệm nhiều điều mới hơn là bám chặt theo một kế hoạch sẵn có.
Sau này mình rút ra thêm được điều gì mình lại chia sẻ tiếp.
Chúc các bạn thành công,
Husky
Ảnh đầu bài: Hai con cáo băng qua tuyết chụp bởi Hiroki Inoue ở Biei, Hokkaido, Nhật Bản.
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất