Lời tựa:

Sau gần 1 năm đầu tắp mặt tối với hồ sơ các kiểu, cuối cùng tương lai cũng trở nên ... không sáng cũng chẳng tối, chỉ là rõ ràng hơn với bản thân mình. Một công việc, một dự án đã mỉm cười với mình, và ít nhất giờ đây nếu ai hỏi “What’s next” thì mình cũng biết rõ câu trả lời.

Mấy bài viết nho nhỏ này chỉ muốn chia sẻ với các bạn một vài thứ mình thu được từ quá trình xin việc, hy vọng sẽ có ích cho các bạn, đặc biệt là các bạn sinh viên mới hoặc sắp ra trường.


Phần 1: Về hồ sơ





Đọc thêm:

Điều đầu tiên chúng ta phải thừa nhận, đó là bất kể trình độ của bạn cao đến đâu, thái độ của bạn tốt đến thế nào đi chăng nữa, rất khó để người xét hồ sơ trong bước đầu đánh giá được khả năng của bạn (tất nhiên ở đây loại trừ ngoại lệ là những bạn có quen biết với nhà tuyển dụng từ trước và được thông báo trực tiếp về vị trí đăng tuyển). Lý do rất đơn giản, họ hoàn toàn không biết bạn là ai, và họ có quá nhiều hồ sơ để phải quan tâm tìm hiểu bạn.
Vì vậy, khi nộp hồ sơ, thứ tiên quyết bạn phải làm là chỉ rõ tại sao bạn phù hợp với vị trí công việc, và điều gì bạn có thể mang lại cho công ty. Dù có lẽ ai cũng biết điều này, nhưng rất rất nhiều trường hợp vẫn nộp nguyên 1 bộ hồ sơ cho nhiều công ty nhiều vị trí khác nhau. Vẫn biết trong hồ sơ luôn là tất cả những gì bạn có, nhưng cách bạn sắp xếp thứ gì trước, thứ gì sau, thứ gì nên được bôi đậm hay làm nổi bật trong CV của bạn cũng cần phải được tính toán cẩn thận cho mỗi vị trí hay mỗi công ty bạn apply.
Lấy ví dụ trong ngành học thuật của mình, thường có 2 vị trí là giảng dạy và nghiên cứu. Vậy, điều tối thiểu mình phải làm là có 2 CV khác nhau, 1 đặt những gì liên quan đến kinh nghiệm giảng dạy lên trước, và 1 đặt những gì liên quan đến kinh nghiệm nghiên cứu học thuật lên trước.
Tiếp đến, cần phải đọc thật kỹ cái job description - bản mô tả công việc. Một số vị trí không đưa cái này lên, vừa là hạn chế nhưng cũng là cơ hội cho bạn. Cơ hội là khi họ cung cấp địa chỉ email của người chịu trách nhiệm xét tuyển hồ sơ, bạn có thể liên lạc trực tiếp với người đó để hỏi xin bản mô tả công việc. Với cái cớ cực kỳ chính đáng này, email đầu tiên mà bạn gửi cho họ, nếu bạn cẩn thận 1 chút, hoàn toàn có thể show ra sự chuyên nghiệp và cả 1 vài khả năng hay kinh nghiệm quan trọng nhất bạn có cho thấy bạn phù hợp với vị trí họ đang tuyển.
Tiếp tục ví dụ của mình, các trường đều sẽ tuyển giảng viên, nhưng là để dạy các môn khác nhau. Vậy nên trong CV và Cover Letter mình cũng cần làm nổi bật những kinh nghiệm mình có về giảng dạy hay ít nhất là nghiên cứu về môn học đó.
Một vài thứ khác mình cũng sẽ cân nhắc để làm nổi bật cho những vị trí khác nhau ví dụ như mục sở thích, vì nếu là nghiên cứu thì mình sẽ để sở thích đọc sách lên trước, trong khi nếu là giảng dạy thì mình sẽ để mục sở thích sau mục các công việc volunteering mà cần phải thuyết trình hay nói nhiều.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, một việc cực kỳ quan trọng là phải có được ý kiến của những người có kinh nghiệm và thân thiết về bản hồ sơ của bạn, ít nhất là cho những hồ sơ đầu tiên mà bạn nộp. Nếu được thì nên gửi cho 3 người: 
_ 1 người đang phụ trách tuyển dụng nhân viên trong ngành ấy (mình gửi cho thầy phụ trách của mình, người thường xuyên có trong panel tuyển dụng của trường đã hơn 20 năm nay); 
_ 1 người vừa mới xin được việc ở vị trí tương tự; 
_ và 1 người đã trải qua nhiều công việc ở nhiều ngành khác nhau.

Bộ 3 này có lẽ là hoàn hảo, và thực ra là số mình may nên mới quen thân được đúng người như thế. Nhưng nếu bạn không có và chỉ là sinh viên mới ra trường, hãy cố gắng dựa vào những mối quan hệ với các khóa trên, chịu khó đi dự các event như kiểu career fair, lưu ý là không phải để cho họ check ngay CV của bạn (vì lúc ấy thường xô bồ và họ chỉ làm cho có), mà để có những mối quan hệ và xây dựng chúng cho đến khi chúng đủ mạnh để bạn biết họ sẽ nhìn CV của bạn một cách nghiêm túc và sửa giúp bạn.

Đọc thêm:

Ừ thì mình không phủ nhận là mình hơi dở hơi khi kỹ tính đến vậy. Nếu so với 1 cậu bạn xin việc cùng lúc với mình, cậu ta mỗi tuần đều nộp 15-20 bộ hồ sơ. Trong khi mình thì mỗi tuần chỉ nộp 1 hay cùng lắm là 2 bộ. Ý mình là có những cách khác nhau bạn nhé, nhưng mình thấy việc chỉ cho bản thân nộp 1-2 bộ hồ sơ/ 1 tuần khiến mình phải chọn lọc kỹ hơn ngay cả những vị trí mà mình muốn apply (bằng cách tìm hiểu kỹ càng về nó). Mình nghĩ cách này có thể sẽ giảm khả năng phải thất vọng về công việc mà mình có thể được nhận sau này hơn một chút.

Tuy nhiên, một hạn chế rõ ràng của cách này là bạn sẽ bị áp lực về tài chính. Vì vậy, mình muốn chia sẻ thêm một chút tại sao mình có thể tưng tửng đến vậy trong quá trình xin việc, trong khi cậu bạn tuần 10-20 hồ sơ kia thì luôn trong tình trạng căng thẳng và thậm chí là thảm (mình đoán chắc do bị từ chối nhiều quá). Đó là vì mình vẫn luôn duy trì công việc thời vụ, và theo mình thì bạn cũng nên làm tương tự. Nó đã thực sự cứu mình khỏi rơi vào trạng thái căng thẳng mà cậu bạn 15-20 bộ hồ sơ trên kia rơi vào, vì đơn giản là mình có thứ để làm, có tiền để ăn và có những mục tiêu, những kỹ năng muốn phấn đấu và cải thiện. 
Mình nghĩ chắc cũng không quá khó để tìm một công việc part-time, và ngay cả công việc dù nhỏ nhất vẫn sẽ dạy cho bạn vài kỹ năng hữu dụng nếu bạn để tâm một chút. Một cậu bạn của mình, zai phố cổ, vẫn đi làm bồi bàn. Tất nhiên điều ấy chả có gì to tát, mà điểm nổi bật là khác với hàng nghìn sinh viên Việt Nam đi làm bồi bàn khác, cậu chú tâm vào công việc. Điều này khiến cậu nhận ra nhiều khách trong khi chờ đợi đồ ăn được phục vụ rất thích được nghe về Việt Nam, không chỉ những khách đi 1 mình mà ngay cả những couple hay nhóm bạn nữa. Vì vậy cậu tự chuẩn bị và mỗi khi quán không quá đông khách, cậu sẽ chủ động chào hỏi rồi kể cho họ nghe một vài câu chuyện hay về lịch sử Việt Nam, hay đặc biệt là về Hà Nội quê hương cậu. Điều này cậu làm hoàn toàn với cái tâm khiến họ cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời cũng để trau dồi tiếng Anh của bản thân. Nhưng sau 1 thời gian lượng khách quen của quán tăng vụt đến nỗi ngay cả chủ quán mỗi khi đến cũng phải ngạc nhiên vì vẫn luôn là những gương mặt ấy. Kết quả sau khi ông biết được lý do từ vài vị khách là cậu được thăng chức lên làm manager với lương tăng gấp 3, điều khiến mấy ông thần làm cả chục năm (đừng ngạc nhiên, có rất nhiều người Việt trốn ở lại chỉ để đi làm bồi hay làm bếp cả đời bạn nhé) ở đấy cực kỳ kinh ngạc và gato. 
Vậy đó bạn, công việc thời vụ thực sự có lợi trong thời gian xin việc, vì nó không những giảm tải áp lực kinh tế hay sự thê thảm chờ đợi với những hồ sơ bị từ chối, mà còn có thể dạy bạn rất nhiều thứ nếu bạn để tâm đến nó. Và khi không còn bị gánh nặng quá lớn từ áp lực kinh tế, rất có thể bạn sẽ tỉnh táo hơn để chọn cho mình những nơi thực sự phù hợp với khả năng và mong muốn phát triển của bạn.

Thôi cũng dài rồi, phần 1 tạm kết thúc ở đây. Phần 2 sẽ là nhiêu khê chuyện phỏng vấn, hy vọng các bạn sẽ đón đọc.
A Dreamer