Những Giấc Mơ Không Bao Giờ Hết
Tôi không ngờ rằng khi tôi lớn tôi lại thấy buồn vì mẹ tôi không còn quyết định cuộc sống của tôi nữa, hoặc chí ít là tham gia vào...
Đọc thêm:
Tôi không ngờ rằng khi tôi lớn tôi lại thấy buồn vì mẹ tôi không còn quyết định cuộc sống của tôi nữa, hoặc chí ít là tham gia vào những quyết định trong cuộc sống của tôi. Mỗi lần tôi gọi cho mẹ và tâm sự những dự định của mình, mẹ của tôi lại nói:
"Bây giờ con lớn rồi mẹ không quyết nữa, cái này là tự con. Mẹ chỉ nghe vậy thôi."
Tôi biết rằng mẹ tôi nói như vậy một phần là vì mẹ đã quen thả tôi từ nhỏ, nhưng mà một nguyên nhân khác lớn không kém khiến mẹ nói như vậy, đó là: mẹ tôi không còn biết tôi đang làm gì nữa.
Tại sao mẹ tôi lại không biết? Đó là vì thế giới của tôi và của mẹ quá khác nhau. Tôi may mắn có học bổng đi du học hồi trung học và khi đó tôi đã đặt chân qua một thế giới khác. Đi học rồi đi làm, rồi đi vào những lĩnh vực mới lạ của thế giới số, đi ra những thế giới rộng lớn, gặp những chủ doanh nghiệp triệu đô.
Tôi thấy hãnh diện vì kiến thức của tôi được mở rộng, về những người tài ba tôi được gặp, nhưng tôi buồn vì mẹ tôi không hiểu được niềm vui đó của tôi. Mẹ chỉ biết rằng tôi học một cái gì đó rất là mới, rất là "4.0", nhưng nó là gì mẹ tôi chịu. Ngay cả khi tôi cố gắng giải thích những thứ thuật toán nó khủng khiếp như thế nào, thì mẹ cũng chỉ cười cười rồi một lúc sau hỏi tôi muốn ăn gì để mẹ nấu.
Và khi nhìn lại tôi nhận thấy rằng tôi và mẹ đang sống trong hai dòng thời gian khác nhau. Giờ tôi cũng đã hiểu tại sao những người trẻ hiện nay hay hỏi: tôi là ai, tôi thích gì, tôi muốn làm gì? Cuộc sống hiện đại đang khiến họ lạc lối.
Nếu bạn muốn biết cuộc sống hiện đại thay đổi chúng ta thế nào, bạn hãy nhìn lại cuộc sống thời trước khi kinh tế thị trường, hay là chủ nghĩa tư bản, xuất hiện.
Bạn đã bao giờ sống trong một cộng đồng vận hành không có tiền? Cách đây vài chục năm có một cộng đồng như thế. Bố tôi kể rằng bộ đội hồi xưa đi hành quân đến vùng nông thôn, mệt quá xin ở tạm nhà dân. Người dân không lấy tiền ăn tiền ở, mà bù lại người bộ đội sẽ làm việc phụ coi như trả công. Còn hồi nhỏ mẹ tôi sẽ kêu tôi qua nhà hàng xóm mua hàng, bên hàng xóm biết tôi là ai và sẽ đưa tôi món đồ mà không lấy tiền. Sau đó thì mẹ tôi đến nhà bác ấy cám ơn và đưa lại một món đồ gì đó mà mẹ tôi biết bác ấy cần, hoặc làm dùm một thứ gì đó.
Trước đây chúng ta sống trong các cộng đồng nhỏ gọi là làng xã, nơi mọi người đều biết nhau và do đó tin tưởng nhau. Cuộc sống nó chỉ xoay quanh ngôi làng, mọi người chỉ muốn một thứ gọi là "bình yên". Không có khái niệm gì gọi là "phát triển" cả, khái niệm đó không tồn tại. Cuộc sống nông nghiệp vận hành như một vòng tuần hoàn khép kín theo thời tiết. Trong cuộc sống đó một người không có danh tính riêng mà danh tính của anh ta phụ thuộc vào dòng họ và làng của anh ấy, anh ta khi gặp người lạ thì tự giới thiệu: "Tôi thuộc dòng họ Trương, con của ông Phú, thuộc làng Đường Lâm." Con người ta sống với nhau quanh chữ tín, từ việc cho vay tiền, giúp đỡ, cho đến kết hôn. Một người là một phần của làng, một người làm trạng nguyên là cả làng được nhờ.
Đọc thêm:
Nhưng rồi mô hình xã hội phương Tây ập đến theo đoàn quân viễn chinh Pháp và mọi thứ bị phá vỡ.
Với khái niệm "phát triển", chủ nghĩa tư bản phá vỡ những mối quan hệ gắn kết với nhau để thay thế bằng những mối quan hệ ràng buộc với người lạ. Phát triển đồng nghĩa với việc thay đổi: tôi phải thay đổi để giỏi hơn người khác, khi giỏi hơn người khác tôi kiếm được nhiều tiền hơn và do đó sẽ có cuộc sống tốt hơn. Rồi mô hình tư bản chấp thuận cho phép những thực thể vô hình có thể sở hữu tài sản như các tập đoàn, công ty trách nhiệm hữu hạn, cho phép các ngân hàng hoạt động và tạo ra tiền từ không khí (thông qua các phép toán phức tạp): ngân hàng chỉ có 1000 USD nhưng cho vay 5 người khác nhau với các thời hạn trả nợ khác nhau, do đó nền kinh tế có 5000 USD chảy trong đó. Với dòng vốn dồi dào, mọi người bắt đầu liều lĩnh thay đổi để vươn lên, từ 1000 USD vay nợ làm sao để đẻ ra 4000, 5000 USD, rồi từ 5000 USD đó lại tiếp tục sinh ra thêm 5000 USD nữa. Thế rồi từ vài nhóm người, xu hướng thay đổi mọi thứ bắt đầu lan ra khắp nơi: phải thay đổi cách làm việc, thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi công cụ, phải chế ra những thứ mới.
Sự thay đổi đó dẫn đến sự chuyên biệt hóa ngành nghề và nó phá vỡ các cấu trúc xã hội cũ. Một người thợ làm bánh chỉ làm một công đoạn chứ không còn phải làm hết mọi việc nữa từ việc đích thân đi chợ mua nguyên vật liệu đến việc đích thân mua nhiên liệu đốt, rồi tự quản lý tiền bạc. Giờ người thợ làm bánh chỉ làm bánh, có người khác lo nguyên vật liệu, có người khác chuẩn bị bếp lò, có người lo về quảng cáo, có người lo về việc tính tiền cho khách. Và những người đó, họ là người lạ của nhau. Họ không cùng sinh ra ở một nơi, một địa điểm, không cùng đi học, không cùng trải qua những thời khắc thơ ấu. Có khi làm chung cả nhiều tháng mà họ cũng không biết rõ tên nhau hay nơi sống của nhau. Họ chỉ gặp nhau được 1 ngày đã bắt tay vào làm việc với nhau, như thể đã quen nhau từ nhiều năm. Họ không lo sợ người kia sẽ lừa mình, hay là có người ăn cắp tiền bạc, hay là có người ăn bớt tiền nguyên vật liệu, hay là chuyện lời lỗ của doanh nghiệp, vì sẽ có những nhóm người lạ khác sẽ lo những chuyện đó.
Họ chỉ làm việc của họ.
Cuộc sống chuyên biệt hóa khiến mỗi người chỉ còn là một mắt xích giữa một guồng máy lạ. Và sự thay đổi liên tục trong cuộc sống khiến mỗi người phải liên tục thay đổi bản thân và các mối quan hệ của họ. Tài xế Grab của họ là một người lạ, chủ nhà trọ của họ là một người lạ, hàng xóm của họ họ không biết tên, hằng ngày họ ăn ở một hàng quán họ không biết tên chủ quán, họ cố gắng làm quen với những người lạ để biến người đó thành người thân, thành bạn đời.
Con người ta mất đi danh tính, mất đi cộng đồng thân quen. Tôi là ai, sao tôi lại lạc lõng? Con người sinh ra là sống dựa vào một cộng đồng, những người thân quen giúp đỡ nhau không toan tính. Họ sinh ra trong vòng tay cha mẹ, ông bà, có anh chị ruột, có anh chị họ, có các cô dì chú bác chung quanh. Khi họ lớn lên họ nhìn lại họ chỉ là một người ở cách nhà cả trăm cây số, giữa những người lạ, bơ vơ, đi làm ở một công ty lớn nơi mỗi người chỉ là một mắt xích. Họ còn không biết ai trả lương cho họ vì tiền được tự động chuyển vào tài khoản ngân hàng.
Các công ty, các tập đoàn luôn cố gắng xây dựng văn hóa tinh thần gắn kết giữa mọi người, nhưng dù có cố gắng đến đâu thì nó cũng không thể thay thế được cái cộng đồng con người ta đã sống quen từ lúc sinh ra. Nó tốt lắm chỉ là một liều thuốc an thần tạm thời.
Bây giờ ai cũng thế, chủ nghĩa tư bản tạo ra khái niệm "phát triển" và bây giờ ai cũng cố gắng tìm kiếm những cơ hội để có cuộc sống tốt hơn:
"Hãy rời thành phố bé nhỏ để rèn luyện bản thân ở các thành phố lớn"
"Bạn đã chán ngán phải sống với những người họ hàng vô duyên xấu tính, hãy đến lập nghiệp ở nơi xa",
"Bạn đã chán với công việc này, hãy nghỉ đi và đến với công ty chúng tôi".
Trong cuộc sống bây giờ mọi người luôn tin rằng có thứ tốt đẹp hơn chờ đợi họ ở ngoài kia.
Cuộc sống dần trở nên nghiệt ngã, những người giỏi sống sót giữa những người lạ, thích nghi nhanh với guồng quay xã hội thì vươn lên và trở thành những kẻ xuất chúng, còn những người bị đuối, bị ngợp, cảm thấy không có gì thay thế được những mối quan hệ ruột thịt đã bị xóa nhòa kia thì tụt lại phía sau. Khoảng cách trình độ cứ thế tăng dần, ai giàu thì giàu nứt vách, còn sống lận đận thì cứ lận đận mãi, hiếm hoi lắm mới có người lách qua được.
Tôi trở về nhà để nhận ra rằng tôi đã thay đổi rất nhiều. Cách mẹ tôi nói chuyện với tôi vẫn như 10 năm trước khi tôi mới vào cấp 2, vẫn là về những khách hàng cũ của mẹ, vẫn là về chuyện gì xảy ra cho các cô dì chú bác chung quanh, gặp những đứa nhỏ đã lớn thì hỏi về việc điểm số, cô giáo, lớp chuyên. Nhưng những cô dì chú bác đó nếu không có người mất thì cũng đi làm xa xứ. Những đứa trẻ thì lớn lên có bạn riêng của chúng, chúng không qua thăm bà nhiều nữa. Những mối quan hệ ruột thịt của mẹ tôi cứ bị phá vỡ dần dần mà không thay thế được, thế giới của bà cứ nhỏ đi và xa dần thế giới của tôi hơn. Phố phường cũng thay đổi, chúng đổi nhanh đến mức những kí ức tuổi thơ tôi có, tôi không biết là có thật hay không hay là tôi tưởng tượng ra. Bởi vì những gốc cây, căn nhà mà tôi hay đến chơi, không còn vết tích của chúng nữa.
Nhạc sĩ người Ireland, ông Pete St. Johns đã viết bài hát In The Rare Old Times với lời như sau:
The years have made me bitter
The gargle dims my brain
'cause Dublin keeps on changing
and nothing seems the same.
The Pillar and the Met have gone
the Royal long since pulled down
As the grey unyielding concrete
makes a city of my town.
The gargle dims my brain
'cause Dublin keeps on changing
and nothing seems the same.
The Pillar and the Met have gone
the Royal long since pulled down
As the grey unyielding concrete
makes a city of my town.
Fare thee well sweet Anna Liffy
I can no longer stay
And watch me new glass cages
that spring up along me Quay
My mind's too full of memories
too old to hear new chimes
l'm a part of what was Dublin
in the rare ould times.
I can no longer stay
And watch me new glass cages
that spring up along me Quay
My mind's too full of memories
too old to hear new chimes
l'm a part of what was Dublin
in the rare ould times.
Bài hát là về cái chết, cái chết của thành phố Dublin trong tim người nhạc sĩ. Ông cảm thấy ông là một phần của Dublin cũ, một Dublin ông từng sinh sống và yêu say đắm, chứ không phải một Dublin mới với những bức tường bê tông xám. Bạn biết nỗi đau của người cha mẹ khi thấy con cái mình qua đời chứ, "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh". Đối với người nghệ sĩ ông cũng thấy vậy, đáng lẽ thành phố và cộng đồng ở trong đó là một thứ trường tồn và cuộc đời của ông chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua với thành phố ấy. Nhưng cộng đồng đó đã biến mất, còn thành phố thay da đổi thịt đến mức ông cảm thấy rằng ông thật lạc lõng. Rằng nó đã chết, còn ông thì lại sống đủ lâu để chứng kiến cái chết đó.
Ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều bài hát thể hiện nỗi nhớ về những thứ không còn nữa, như bài Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy:
Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
Đứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông
Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông
Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu trên đường mờ
Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
Nhớ hoài con đường cũ không tên.
Tôi nghĩ lại thấy những người đi học chung với tôi thật ngây thơ, họ luôn mong muốn và nghĩ rằng sẽ tốt cho bố mẹ họ hơn nếu được định cư và bảo lãnh bố mẹ hơn 60 tuổi qua một xứ lạ. Tốt hơn gì chứ? Không có nền y tế nào chữa trị được các mất mát về các mối quan hệ. Con người ta đâu có nỡ lòng nào bỏ quê hương mà ra đi, bỏ hết bao nhiêu ký ức và kỷ niệm, chỉ để qua ngắm tuyết và ở nhà coi những chương trình họ không hiểu.
Con người sống cần cộng đồng. Những gì con người cần nhất là có người ở bên họ, dù cho thế gian có thay đổi thế nào. Người ta chỉ mong rằng khi họ mất đi, họ mất đi trong tình yêu thương.
Tôi không cố gắng nói nhiều hay giải thích những thứ phức tạp ở thế giới ngoài kia cho mẹ nữa. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi sẽ sống yên ổn trong thế giới riêng của bà, một thế giới đã dừng lại hơn 10 năm trước. Tôi nghĩ rằng mẹ đã quá mệt mỏi với cuộc đời để có thể nghĩ đến những thứ đang khiến tôi điên đảo. Người ta nói con người sống cần thích nghi nhưng ở tuổi 60, tôi nghĩ rằng con người cần một sự nghỉ ngơi.
Đôi lúc tôi nằm trên giường buổi đêm và suy nghĩ bao lâu nữa tôi sẽ về lại quê để ở với gia đình, nhưng rồi lúc đó tôi lại nhớ đến dòng quảng cáo: "Cơ hội nhận học bổng học thạc sĩ ngành khoa học máy tính ở Pháp" cùng với những viễn cảnh xán lạn.
Người ta bây giờ tạo ra giấc mơ nhiều quá, những giấc mơ không bao giờ kết thúc về những thứ tốt đẹp hơn ở ngoài kia.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất