Càng hiện đại, loài người càng đau khổ?
Cách đây vài trăm năm, người ta không có máy tính để chơi game, không có một cái máy to to giúp giặt giũ quần áo, không có điều hòa...
Cách đây vài trăm năm, người ta không có máy tính để chơi game, không có một cái máy to to giúp giặt giũ quần áo, không có điều hòa trong những ngày hè oi bức cũng chẳng có những phòng gym để rèn luyện cơ bắp. Nhưng chúng ta - những con người hiện đại đầy u sầu - liệu có hạnh phúc hơn khi có nhiều sự tiện nghi hơn?

Loài người không sinh ra để ngồi trong văn phòng.
Kể từ cách đây vài chục ngàn năm hay hơn thế, những gã Sapiens đầy tài năng đang rong ruổi trên những thảo nguyên rộng lớn hoặc thi thoảng đổi gió bằng việc dạo chơi trong các khu rừng nguyên sinh hùng vĩ để săn bắn hái lượm. Để đáp ứng được với tập tính này, loài Sapiens phải được trang bị những kĩ năng thượng dạng thượng thừa - thứ mà sau này sẽ bị lũ con cháu làm ô uế đi mất - đó là khả năng chạy nhanh, mũi nhạy, tai thính, tay chân linh hoạt, cơ bắp phát triển, mắt tinh, đầu óc nhạy bén,...
Trải qua những cú lừa lớn của lịch sử, loài người bị cuốn vào các cuộc Cách mạng lớn để rồi từ đó mọi thứ thay đổi: Cách mạng Nông nghiệp, cách mạng Công nghiệp, cách mạng Khoa học - kĩ thuật,... Điểm chung của các cuộc cách mạng là tạo ra được nhiều vật chất hơn, nhiều "thứ" hơn. Còn việc có giúp con người hạnh phúc không? Mình không biết, nhưng đoán là không.
Ở cú lừa đầu tiên mang tên "Cách mạng Nông nghiệp", Sapiens từ giống loài phượt thủ ngạo mạn, làm chủ thiên nhiên nay phải gom lưng vất vả trên những cánh đồng lúa mì. Loài người không tiến hóa để khom lưng trên các cánh đồng hay vất vả cày xới giữa trưa hè, nhưng nay họ phải như thế. Lúc còn là phượt thủ, Sapiens ăn uống rất phong phú và đa dạng từ thịt thú rừng, trái cây, các loài nấm cho đến những loại côn trùng khác nhau, nhưng nay khẩu phần ăn chỉ quanh quẩn vài ba loại ngũ cốc và thịt của một số loài gia súc. Khi sống cuộc sống nông dân, Sapiens phải định cư và các khu vực này thường phát triển thành các ổ dịch bệnh - thứ mà họ ít phải đối diện trong những ngày còn rong ruổi.

Loài người bị cuốn vào các hoạt động nông nghiệp mà không thể thoát ra được, vì khi lờ mờ nhận ra làm nông dân khổ hơn làm phượt thủ, loài Sapiens đã không thể quay lại vì số lượng cá thể quá đông và chỉ có thể nuôi sống giống loài bằng nông nghiệp. Loài Sapiens nghĩ rằng nông nghiệp phát triển khiến họ có nhiều lương thực dư dả hơn, nhưng điều này cũng khiến họ sinh nhiều con hơn, và những đứa con này sẽ lại tạo áp lực ngược lại với vấn đề lương thực. Và cứ như thế, người ta nghĩ rằng "sẽ ổn định", nhưng cái ổn định đó không bao giờ tới vì chúng luôn kéo theo những rắc rối khác. Cuộc sống nay đây mai đó không phải lo nghĩ gì nay dần được thay thế bằng những kế hoạch lâu dài và ổn định. Và cái thứ "lâu dài, ổn định" ấy ngày càng phức tạp hơn và góp phần to lớn đè nặng lên mỗi cá thể được sinh ra trong thời buổi hiện đại này.
Ở các cú lừa tiếp theo mang tên cách mạng Công nghiệp và khoa học - kĩ thuật, loài người ngày càng có nhiều hơn sự tiện nghi, nhưng không đi kèm theo sự thoải mái và hạnh phúc. Chúng ta có thêm máy giặt để giúp đỡ giặt quần áo, nhưng thời gian để dành giặt quần áo ấy sẽ được dùng để rửa chén. Hoặc giả sử như chúng ta có cả máy rửa chén, máy giặt, robot giúp việc, blah blah blah những thứ tương tự vậy, chúng ta phải hi sinh tất cả thời gian để làm những việc ấy để làm những việc khác sao cho kiếm được tiền để chi trả ngược lại những tiện nghi kia. Chúng ta không viết thư tay nữa mà dùng các phương thức liên lạc khác như inbox hay email, và tin nhắn thường tới ngay tức khắc - đồng nghĩa với việc phải trả lời ngay tức khắc. Nếu như viết thư tay khiến chúng ta cân nhắc cẩn trọng và chọn lọc ra thông tin quan trọng nhất để trao đổi thì ngày nay lại phải trả lời nhiều email hơn với nhiều kiểu thông tin khác nhau hơn và người bên kia bao giờ cũng muốn chúng ta trả lời nhanh nhất có thể. Thế là thêm áp lực rồi còn gì?

Loài người cổ đại không có thảm để hút bụi, không có bát đũa để rửa, không có xe cộ để bảo dưỡng và chẳng có hóa đơn để thanh toán. Họ thi thoảng phải đối mặt với thú dữ và các vết thương chí mạng dẫn đến chết người nhưng cũng chỉ có thế. Loài người hiện đại chúng ta phải mở mắt từ sáng sớm, tranh thủ làm một mớ các thủ tục phức tạp để cơ thể trông ổn trong mắt người khác, rồi nhanh chóng di chuyển trong các làn đường đầy khói bụi, hòa mình vào đám đông rồi chui vào một cái "hộp" nào đấy, cặm cụi cả ngày trong áp lực rồi đêm về lại lo việc ăn uống, dọn dẹp và tắm rửa. Càng hiện đại, càng nhiều bệnh tật, và để đối phó lại bệnh tật chúng ta phải có tiền: có tiền để ăn uống đầy đủ hơn, có tiền để chữa bệnh, có tiền để đám tang của bản thân trông ổn một chút. Và để có tiền chữa bệnh, chúng ta phải cày cuốc đến lâm bệnh. Trong khi đó, loài người cổ đại thức dậy khi họ muốn, rong chơi trên các cánh đồng, săn bắn và hái lượm vừa đủ cho buổi hôm đó, rồi quay trở về hoặc tiếp tục đi tiếp tùy theo họ muốn gì. Loài người cổ đại có một chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ sinh hoạt lành mạnh nên có một thể chất cực kì tốt, hơn hẳn những vận động viên ở thời điểm hiện tại. Họ ít bệnh tật hơn, ít lo lắng hơn và vì thế cũng hạnh phúc hơn. Họ có thể chết hoặc chứng kiến người khác chết mà không làm gì được, nhưng nếu họ không cảm thấy phiền lòng lắm về điều này thì cũng ổn chứ đúng không?

Loài người hiện đại sinh ra khi xã hội đã quá mức hoàn chỉnh, áp lực không chỉ hữu hình mà còn vô hình từ những định kiến, những kì vọng từ các mối quan hệ như gia đình và xã hội. Chúng ta PHẢI làm rất rất nhiều thứ và có nhiều mối lo hơn: chúng ta phải có tiền, phải hiểu biết và phải được việc. Và để được như thế, người ta phải làm nhiều hơn, áp lực hơn, mệt mỏi hơn. Chúng ta sẽ có nhiều hơn, biết nhiều hơn, nhưng liệu như thế là sống tốt hơn?
Và trong cuộc sống áp lực như thế, chúng ta thường chọn cách du lịch để thư giãn. Nhưng liệu du lịch có là thư giãn? Việc đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, gặp nhiều chuyện,... có thật sự khiến chúng ta thoải mái hơn hay chỉ là một trò lừa bịp, những lời kêu gọi của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tiêu thụ? Chúng ta có thể đi xa hơn nhưng để có tiền đi xa chúng ta phải lao động nhiều hơn và mệt mỏi nhiều hơn. Mỗi người hiện đại đều mong muốn giải tỏa bằng cách này hay cách khác, và để giải tỏa họ phải gánh thêm trên mình những áp lực. Mỗi người chúng ta như những con rối trong guồng quay phát triển của xã hội, không hơn không kém. Người cổ đại không cần phải làm việc này để làm việc kia, họ không bị áp lực để phải... đi du lịch. Họ đơn giản chỉ việc chọn việc họ muốn làm. Họ không biết tới những vùng đất cách xa vài trăm km, không có nhu cầu tới đó để giải tỏa áp lực, thế nên không chịu áp lực trong việc phải chế tạo ô tô để đi đến đó. Người ta cũng nghĩ rằng nếu họ chưa hạnh phúc tức là do họ chưa sở hữu thứ họ cần và họ nên mua nhiều hơn, và để mua nhiều hơn thì họ lại phải tiếp tục lao động kiếm nhiều tiền hơn, và những thứ họ mua cũng sẽ lại tiêu tốn đi thời gian và sự quan tâm của họ. Con người dần khác nào nô lệ của những nhu cầu vô hình?
*Đọc thêm về chủ nghĩa tiêu thụ:
Ngày nay, mọi người nghĩ rằng đã thoát khỏi những xiềng xích so với thời phong kiến, nhưng lại quên mất bản thân đang mang trong mình những xiềng xích khác phức tạp hơn rất nhiều. Việc vừa đẻ ra đã phải đối mặt với vô số những quy luật vô hình cố hữu mà không thể tách ra được khiến con người nghĩ rằng cuộc sống vốn là như vậy. Nhưng không, nó đang là như vậy, không phải đã từng là như vậy và sẽ tệ hơn như vậy nữa. Phản ứng của một cá nhân thì chẳng làm được gì, khi cả thế giới chạy theo cơn cuồng mua sắm thì kẻ chửi bới bị cho là ghen ăn tức ở. Khi mà cả thế giới đi theo chủ nghĩa xê dịch thì kẻ yên phận một chỗ được cho là thất bại và thiếu bản lĩnh. Khi mà cả thế giới tin vào đồng đô la và giá trị của nó thì kẻ phản đối nó, gọi là chỉ là tờ giấy lộn được gắn lên những niềm tin vô hình và đang gây ra biết bao đau khổ sẽ được gọi là thằng khùng. Khi mà cả thế giới tin vào hệ thống pháp luật và tuân theo nó thì kẻ phản đối điều này và gọi đó là những thứ xiềng xích vô lý sẽ bị đem ra xử tử.
Trừ khi, cả thế giới đều nghĩ như vậy, nó sẽ là như vậy.
Chỉ cần cả thế giới cùng nghĩ về điều gì đó, không quan trọng là điều gì, nó sẽ trở thành điều đúng đắn.
Đọc thêm phần trước tại đây:
Tham khảo:

Ủng hộ tác giả:
- Ngân hàng: Vietcombank
- Số tài khoản: 0091000650947
- Chủ thẻ: Tran Van Tien
- Chi nhánh: Vietcombank Kien Giang
- Số tài khoản: 0091000650947
- Chủ thẻ: Tran Van Tien
- Chi nhánh: Vietcombank Kien Giang

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Huskywannafly

Để góp phần chung vui với mọi người thì Husky có vài lời bổ sung.
Lý do chính khiến cho bài đọc này tuy lý luận nghe đúng nhưng thực chất không đúng là vì lỗi giả định xuyên suốt trong bài: xã hội loài người phát triển nhằm hướng tới mục đích có cuộc sống hạnh phúc hơn. Toàn bộ bài viết xoay quanh lỗi giả định này và do đó khiến các luận điểm đều không hợp lý.
Khái niệm hạnh phúc là một khái niệm hiện đại, đẻ ra vào thời Khai Sáng (Enlightenment Age) cuối thế kỷ 18 ở châu Âu và lan truyền qua các nước khác thông qua những cuộc chinh chiến của người châu Âu và sau này là nhờ vào truyền thông của người Mỹ. Đó là một khái niệm rất rất "mơ hồ" và thay đổi theo văn hóa. Con người thời cổ đại xa xưa không có khái niệm "hạnh phúc", họ dường như không nghĩ đến nó. Việc hỏi rằng chúng ta có đang hạnh phúc hơn người xưa giống như đang tự hỏi: con người hiện đại có đang sống thanh tịnh hơn xưa? Một câu hỏi không thể trả lời và cũng không có ý nghĩa.
Một lỗi khác là cách hành văn, tác giả dùng cụm từ "bị lừa". Nhưng mà: ai lừa ai? Chả lẽ có một nhóm người (giống như mấy người bán bảo hiểm) đi đến từng bộ lạc và bảo: Ê mấy ông, có muốn đổi đời không, đi trồng lúa nè, sống nhàn hạ mà vẫn đủ lương thực để ăn.
Chẳng có ai bị lừa ở đây cả.
Chính vì gom hai khái niệm không phù hợp ở trên làm điểm cốt lõi để viết bài mà bài viết này trở nên gượng gạo.
Loài người thời xưa không bị lừa để đi trồng lúa và cũng không phải đi trồng lúa để trở nên hạnh phúc hơn. Họ trồng lúa là để có cái ăn. Cái sự đói ăn nó quá khủng khiếp đến mức con người sẵn sàng chấp nhận đủ thứ vấn đề do việc làm nông gây ra: còng lưng, nghèo nàn về các loại thực phẩm, sống định cư ở một chỗ,... để đổi lấy an ninh lương thực.
Tác giả cũng vẽ ra một bức tranh đơn giản là loài người bắt đầu đi trồng lúa và thế là tất cả các bộ lạc săn bắn cùng đi trồng lúa. Trong khi thực chất lối sống nông nghiệp diễn ra song song với lối sống săn bắt hái lượm. A xuất hiện không thay thế B ngay mà tồn tại chung với B rồi từ từ B biến mất. Xã hội nông nghiệp tồn tại chung với các bộ tộc săn bắn hái lượm cả trăm, thậm chí nghìn năm. Điều đó có nghĩa là những người săn bắt hái lượm đã có thể thấy được những nhược điểm của xã hội nông nghiệp như tác giả đã nói trong bài, nhưng họ dần dần chọn theo lối sống làm nông, là vì họ đã thấy được ưu thế của nó. Hoặc là các bộ tộc đó bị thôn tính bởi các nhóm làm nông và bị ép phải làm nông.
Không ai lừa ai cả, đó là sự lựa chọn hoặc ép buộc.
Tương tự, cách mạng công nghiệp diễn ra không phải để giúp con người sống hạnh phúc hơn, nó diễn ra vì người Anh muốn có thu được nhiều tiền hơn thông qua con đường thương mại. Không ai quan tâm xem tiền có mang lại hạnh phục không, cứ có tiền đã.
Nhìn rộng ra, loài người thông qua hai cuộc cách mạng nông nghiệp và công nghiệp mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của mình hơn chứ không phải là để hạnh phúc hơn. Mặc dù khái niệm chất lượng cuộc sống cũng khá là rộng nhưng không mơ hồ như khái niệm hạnh phúc, và ít nhất có thể đo đạc được như: tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi, tuổi thọ trung bình, số người chết vì chiến tranh, số người chết vì đói và nhiều thước đo khác.
Giáo sư Yuval Noah Harari so sánh cuộc sống khổ cực thời làm nông với thời săn bắt không phải là để đưa ra kết luận như tác giả trong bài viết. Yuval so sánh là để làm tiền đề giải thích tại sao dù nhìn bên ngoài con người làm nông sống cực hơn so với lúc đi săn bắt hái lượm, loài người vẫn chọn làm nông và tác động của lựa chọn đó lên sự phát triển của xã hội sau này. Phải đọc nhiều chương của sách mới thấy rõ được.
Đọc thêm về hạnh phúc: https://hbr.org/2012/01/the-history-of-happiness
- Báo cáo

Hex 

Ở trang 124, những dòng cuối cùng là:
"Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy sự lặp đi lặp lại của việc gia tăng ngoạn mục sức mạnh tập thể và thành công bề ngoài của loài người đã đi kèm với sự gia tăng đau khổ của mỗi cá nhân ra sao."
Về vấn đề có phải bị lừa hay không thì cũng có những đoạn phân tích rằng CM Nông nghiệp là một sự kiện gây tranh cãi, một bên cho rằng nó dẫn nhân loại đi đến tiến bộ, một ý kiến khác cho rằng nó là một bước ngoặt khiến con người tách khỏi cuộc sống cộng sinh với thiên nhiên và trở nên tham lam tàn bạo hơn. Nhưng dù sao đi nữa, đây là một quá trình không có đường lui. Chắc ông cũng có đọc về sự phát triển của lúa mì? Nó không phải lựa chọn của loài người. Thế nên ẩn dụ và cho rằng đây là "cú lừa" cũng không có gì quá đáng.
Và ý cho rằng các cuộc cách mạng giúp xã hội phát triển mình không có ý gì phản bác mà còn ủng hộ. Nhưng là sự phát triển của xã hội thôi.
Cám ơn Husky.
- Báo cáo

loveless

Một lỗi lập luận lớn nhất của bài này là chúng ta đang nói cứ như thể chúng ta đọc được suy nghĩ của người tiền sử vậy - vốn là điều không thể, ngay cả trong thực tế hiện nay, chúng ta cũng chẳng thể nào đoán được người đối diện nghĩ gì. Sự riêng tư và bí mật luôn là một đặc điểm cố hữu của con người. Khá là tình cờ là tôi cũng vừa xem một video nói về một chủ đề tương tự về định nghĩa con người: https://www.youtube.com/watch?v=O4etinsAy34
Hơn nữa, đâu là thang đo cho sự hạnh phúc? Rõ ràng với tất cả các điều kiện sống và ngoại cảnh khác nhau, chúng ta không thể nào dùng những thứ như tỉ lệ sống/chết hay tuổi thọ trung bình làm thang đo được. Thứ duy nhất mà con người hiện đại (gần) giống với con người tiền sử là thể trạng sinh học, do vậy chẳng phải sẽ đáng tin cậy hơn sao nếu chúng ta có thể đo được lượng hormones quy định hạnh phúc được tiết ra - norepinephine, serotonin, dopamine? Nhưng chúng ta có làm được việc đo đạc này không? Chắc chắn là không. Ngay cả khi có thể đo đạc được thì cũng có nhiều chất bên ngoài khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc, sung sướng như thế thay cho hormones - cocaine chẳng hạn. Vì vậy việc đo đạc mức hạnh phúc khá là vô nghĩa.
Và nói chung, mâu thuẫn luôn là động lực phát triển (theo lý luận của Marx thì phải?). Hiển nhiên con người đạt được nền văn minh như hiện tại là kết quả của những mâu thuẫn đó. Con người muốn ăn nhiều hơn mà ko phải cực khổ chạy khắp nơi -> nông nghiệp. Con người muốn làm hiệu quả hơn mà ko phải tốn sức -> công nghiệp. v.v... Hãy khoan nói đến chuyện đúng sai của sự phát triển này vì điều đó có tính tương đối tại thời điểm xảy ra và chỉ có thể đánh giá khi nhìn vào quá khứ, sự tồn tại của bạn và tôi ở đây là kết quả của quá trình đó. Nếu nó thực sự vô nghĩa và tệ dần đều như thế thì, sống làm gì nữa cho chật đất? Bản năng sinh tồn luôn là bản năng hàng đầu, chẳng giống loài nào tồn tại nếu như không thích ứng được với sự thay đổi. Our existence is its very meaning. Chẳng có hàm ý gì cao siêu hơn cho sự tồn tại của chúng ta cả.
"Chỉ cần cả thế giới cùng nghĩ về điều gì đó, không quan trọng là điều gì, nó sẽ trở thành điều đúng đắn."
-> Không, nó là không trở thành điều đúng đắn, nó trở thành điều tiên quyết cho sư tồn tại của chúng ta.
Tóm lại, dựa vào sự hạnh phúc để đánh giá là một điều vớ vẩn vì sự hạnh phúc chưa bao giờ là nhân tố quyết định sống còn của một loài.
TL; DR: Bài này không đáng đọc vì nó mang những nghiên cứu khoa học khách quan áp vào những quan điểm chủ quan - hay như Huskywannafly đã từng đề cập, bài này có tính chất "ngụy khoa học".
- Báo cáo

Hex 

Đại đa số ý này là từ cuốn Sapiens. Một cuốn sách khoa học lại là ngụy khoa học? Và vì sao dùng chứng cứ khách quan cho nhận định chủ quan là ngụy khoa học?
Và bài cũng đâu nói gì tới sự sống còn của loài hay phản bác những bước tiến, những cuộc cách mạng? Chỉ đơn giản là đặt hoài nghi về sự hạnh phúc của con người?
- Báo cáo

loveless

Chứng cứ khách quan nhưng lại mang ra để đánh giá hạnh phúc - thứ chủ quan?
Sách như kiểu này thì take it with a grain of salt thôi. Có thông tin bổ ích chứ ko phải là ko, nhưng để mà đánh giá hạnh phúc con người á? Nhảm nhí. Anh lấy ví dụ luôn:
"- Người cổ đại ít thứ phải lo lắng hơn
- Chế độ ăn phong phú hơn
- Tuổi thọ cao hơn
- Tự do hơn
- ....
=> Người cổ đại hạnh phúc hơn."
Một trong những cái lập luận ngớ ngẩn nhất anh từng xem đấy.
Ngụy khoa học vì tất cả những số liệu nghiên cứu em chỉ ra đều không hề có mối liên quan nào tới sự hạnh phúc cả, nhưng dường như em lại cố gán ghép chúng với nhau?
À, thế còn 3 đoạn đầu kia em ko phản đối j sao?
P.S: à anh nói ngụy khoa học là bài này chứ ko phải là sách nhé.
- Báo cáo

Hùng Vũ
Không hiểu bài viết này em định nói cái gì. Em kể khổ à? Kể xong em có phương án gì không hay là cứ kể thôi?
Em bảo là tốt cho xã hội nhưng không tốt cho cá nhân. Không hiểu ý em ở đây là gì. Thời xưa thì có cái gì tốt cho cá nhân mà thời nay không có? Mà kể cả có thì em không nghĩ được rằng những cái lợi mới khác bù lại RẤT NHIỀU so với những cái lợi cũ à? Hay em muốn về lại cái thời mà vòng đời của loài người chỉ kéo dài có 40 năm, hay cái thời mà 1/3 dân số châu Âu chết vì dịch hạch, hay cái thời mà những kẻ như Hitler ra sắc lệnh diệt chủng, hay Stalin đẩy quần chúng vào các trại lao động gulag? Em muốn loài người hạnh phúc trong đôi ngày rồi mai bị thú dữ ăn thịt hay muốn loài người có cơ hội để được sống lâu hơn, đạt được những thành tựu mới hơn, lớn hơn so với việc cởi truồng đi hái quả?
Nếu em cảm thấy việc người xưa chết sớm, chết bất đắc kỳ tử, chết oan, chết nhảm, chết trong đau đớn phẫn uất, nhưng đổi lại vì lý do nào đó mà họ "nhẹ đầu" hơn, không phải "lo lắng" về những thứ như hóa đơn tiền điện, và do đó họ "hạnh phúc" hơn, thì mời em về sống cuộc sống như của họ. Không ai tiễn.
- Báo cáo

Hex 

Về ý tốt cho xã hội hơn là tốt cho cá nhân:
1. Tuổi thọ trung bình của người rơi vào khoảng 40 nhưng điều này do tỉ lệ tử vong cao ở trẻ em. Trẻ em nếu vượt qua những năm đầu đời nguy hiểm hoàn toàn có cơ hội tốt để sống đến 60 hoặc 80 tuổi. Điều này được suy đoán qua các bộ xương hóa thạch. Trong khi đó với người hiện đại, phụ nữ 45 tuổi chỉ có thể sống thêm 20 năm. Và à ừ, nếu anh nghĩ người thời nay sống lâu thì thật ra chỉ có khoảng 5-8% dân số có tuổi thọ trên 60 thôi
2. Về cái thời dịch hạch hay sắc lệnh diệt chủng của Hitler như anh nói thì đều thuộc hiện đại chứ không phải cổ đại. Dịch hạch cũng là bệnh của loài người khi xuất hiện lối sống định cư. Và rõ ràng những sự kiện sau đó cũng thế? Có rất nhiều bằng chứng cho thấy nguyên nhân của các cuộc chiến tranh không phải do nghèo đói, kể cả hai cuộc thế chiến. Rắc rối thường xuất hiện ngay cả khi kho thóc đầy tràn.
3. Em không biết anh định nghĩa hạnh phúc là như nào mà đòi so người hiện đại với cổ đại? Việc có nhiều hơn chứng tỏ hạnh phúc hơn? Hay việc có taxi ghé đón vào một ngày trời mưa thay vì phải chạy bộ? Anh nói xem hạnh phúc là gì và vì sao có thể nói người hiện đại hạnh phúc hơn?

- Báo cáo

Hùng Vũ
1. Thế em nghĩ bây giờ tỷ lệ tử vong ở trẻ em cũng cao không khác gì ngày trước?
2. Không hiểu ý em nói gì? Chiến tranh thì có đủ loại lý do: tranh giành đất đai của cải, chiến tranh lật đổ giai cấp thống trị, chiến tranh lý tưởng, v.v. Chiến tranh nào cũng có chết chóc. Chỉ có ở thời nay, khi thế giới đã đi qua cái thế kỷ 20 đẫm máu người ta mới tạm thời khôn ra để hiểu rằng có những cách để thương lượng khác hơn là giết chóc. Thế thì không phải là đời sống con người được nâng cao thì là gì?
3. Ai nói gì đến việc người hiện đại là hạnh phúc đâu? Người hiện đại cũng không hạnh phúc, nhưng ít ra còn hơn NHIỀU kể cả là so với cách đây 100 năm. Việc em khẳng định hoặc ngầm khẳng định người cổ đại hạnh phúc HƠN người hiện đại là đỉnh cao của sự ngu dốt.
- Báo cáo

Hex 

Ít nhất là em có lập luận rõ ràng cho những khẳng định của mình:
- Người cổ đại ít thứ phải lo lắng hơn
- Chế độ ăn phong phú hơn
- Tuổi thọ cao hơn
- Tự do hơn
- ....
=> Người cổ đại hạnh phúc hơn.
Anh phản đối? Thế thì hãy chứng minh những gì em nói là sai, hoặc chưa đúng, hoặc chứng minh một điều ngược lại đúng hơn đó là người hiện đại hạnh phúc hơn?
Em không nói người cổ đại tiến bộ hơn, văn minh hơn, chỉ nói là họ hạnh phúc hơn.
Thay vì đả kích vào những lập luận của người khác, bác bỏ nó đi chứ người anh em?!
- Báo cáo

loveless

where is the sauce?
- Báo cáo

Hùng Vũ
OK em.
Người hiện đại hạnh phúc hơn vì:
- Ít phải chết vì bị thú dữ cắn
- Ít phải chết vì bị uốn ván
- Ít phải chết vì bị tiêu chảy
- Ít phải chết cả mẹ lẫn con khi sinh đẻ vì nhau thai quấn cổ
- Ít phải chết vì thời tiết khắc nghiệt
- Ít phải chết vì không nghe lời tù trưởng
Ngoài ra thì họ còn được hưởng một cơ số lợi ích bonus khác mà rất nhiều người đi trước thậm chí đã PHẢI CHẾT để người nay được có, nếu như em chưa biết:
- Được đi học
- Được cấp máy tính
- Được lên Internet tìm hiểu thông tin
- Được đăng ý kiến của mình lên diễn đàn Internet
- Được quy đổi sức lao động của người sinh ra mình thành một đơn vị trung chuyển được gọi là tiền để mua thực phẩm về mà ăn mà không phải lo đến chuyện chế biến sao cho ĂN VÀO KHÔNG CHẾT
- Báo cáo

loveless

anyway, tại sao chúng ta lại phải so sánh sự hạnh phúc khi đấy là một thứ cực kì chủ quan và chẳng hề có đơn vị đo lường nào? nếu cứ liệt kê gạch đầu dòng ra rồi xem cái nào nhiều hơn thì lập luận như thế fail vl em ạ 

- Báo cáo

Hex 

Em đồng ý với anh là người hiện đại có nhận thức tốt hơn về thế giới quan, sống có ý nghĩa hơn, hiện sinh hơn. Nhưng em không nghĩ họ hạnh phúc hơn
Tranh luận có thể kết thúc ở đây vì có lẽ cả hai đều đã thấy quá vô nghĩa.

- Báo cáo

Công Thành Vũ
hơi buồn vì cuộc tranh luận của 2 người lại kết thúc thế này
thực sự thì mình ủng hộ anh Hùng Vũ hơn. Tác giả không xem xét, hoặc xem nhẹ những mối lo của người cổ đại rồi.

- Báo cáo

Huskywannafly

tác giả ở đây bạn nên hiểu là Hexpion, còn trong sách tác giả viết rộng hơn nhiều, ý rộng hơn trong bài.
- Báo cáo

Công Thành Vũ
Ý mình là tác giả bài viết, vì mình không chắc là Hexpion viết hay dịch 

- Báo cáo

Huskywannafly

Hexpion lấy ý trong sách ra viết lại theo ý của Hexpion.
- Báo cáo

Hex 

Mình với anh Hùng Vũ lúc nào chẳng kết thúc thế này =))
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Đứng ở đồi nào nhìn cỏ đồi bên cạnh chả xanh hơn =)) Người hiện đại nhìn lại quá khứ và tự cảm thấy buồn khổ vì những thứ người hiện đại tự coi là hạnh phúc; ở chiều ngược lại, ko hiểu người cổ đại đã từng thèm khát thế nào những thứ người hiện đại coi là đương nhiên: đủ ăn đủ mặc, tỉ lệ tử vong khi sinh thấp, tỷ lệ mất mạng vì những thứ lãng nhách cũng thấp v.v.
Nào đã chắc được ai đau khổ nhiều hơn ai :)) Mà cũng chắc gì những cá thể cổ đại sống sót được (là những cá thể tất nhiên là rất ưu tú mới vượt qua được sự khắc nghiệt của chọn lọc tự nhiên) đã hơn những cá thể ưu tú nhất ở thế giới hiện đại?
Chưa đọc Sapiens nhưng mà ý tưởng và cách lấy ví dụ trong bài này không phải là từ sách ra đấy chứ... Nếu đúng thì có lẽ với t nó là một điểm trừ siêu to vì không thuyết phục lắm đâu...
- Báo cáo

Hex 

Sự khác biệt giữa các cá thể tinh hoa ở thời hiện đại với thời cổ đại không khác là bao đâu. Ông vẫn có thể nói với họ về các hạt hạ nguyên tử nếu muốn nhé
Thực ra bài này không có ý muốn bi quan hóa thực tế mà chỉ muốn bàn về lý do vì sao loài người lại ở đây vào lúc này thôi. Trong sách có phân tích hệ thống và đầy đủ hơn, vẽ ra một bộ khung hoàn chỉnh hơn từ những ngày đầu cho tới thời điểm hiện tại. Có thể đọc thêm để tham khảo.

- Báo cáo

Viet Anh Tran

Đó chính xác là vấn đề đấy.
Thứ nhất, bài viết viết về những người cổ đại cứ như thể họ rất ưu việt so với người hiện đại trong khi sự khác biệt ở đây (cứ tạm cho là "không khác là bao" đi) rõ ràng lại không thể hiện điều đó. Xã hội hiện đại với những tiến bộ đã tạo cơ hội cho những cá thể yếu kém hơn nhưng vẫn tồn tại và phát triển được - có chăng đúng hơn là nên nhìn nhận tích cực về ảnh hưởng đó.
Thứ hai, nói về chuyện so sánh hạnh phúc: Liệu hạnh phúc của người cổ đại và người hiện đại có giống nhau hay không và có cùng mức độ phức tạp hay không mà so sánh được ai hơn ai kém? Nếu như với người cổ đại, hạnh phúc chỉ xoay quanh những tầng thấp nhất của tháp Maslow thì người hiện đại nhờ có những "cú lừa" được nhắc đến trong bài có thể mon men bò lên các tầng cao hơn, vậy thì so sánh bằng cái gì đây... Kiểu như người xưa ít mối lo hơn nhưng người nay lại có nhiều kiểu niềm vui hơn vậy, so sánh tổng hạnh phúc là bất khả thi.
Hiểu đơn giản thế này: Tất cả là do con người sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn thôi. Và điều này tạo hai chiều hiệu ứng - tích cực thì nó là động lực cho sự phát triển, và tiêu cực là sẽ luôn tồn tại một bộ phận nhìn đâu cũng thấy khổ, khổ không để đâu cho hết. Nhưng nếu vì điều này mà bao trùm tất cả sự phát triển của xã hội loài người trong ánh nhìn tiêu cực thì không ổn.
- Báo cáo

Hex 

Dùng những hiểu biết về loài người hiện tại để suy ra loài người cổ đại có thể không khách quan lắm đâu. Chẳng một chuyên gia nào dám chắc về thời kì săn bắn hái lượm, họ chỉ có thể suy luận nhờ những gì họ tìm được.
Nhưng có thể do bài viết của tôi có góc nhìn tiêu cực quá, mà dù thế thì quan điểm của tôi về một giống loài ngày càng bớt hạnh phúc đi vẫn giữ nguyên thôi. Cho dù giống loài này đang phát triển như thế nào đi chăng nữa.
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Mục đích comment của t cũng để ông thử đọc lại xem bản thân bài viết có phần nào "dùng những hiểu biết về loài người hiện tại để suy ra loài người cổ đại" không đó. Đọc lại thử đi :v
Còn về quan điểm ngày càng bớt hạnh phúc thì như nói rồi đó, cái này trước hết phải định nghĩa được thế nào là hạnh phúc đã. Không quantify (lượng hóa) và không đưa ra được cơ sở so sánh thì quan điểm chỉ mang tính tham khảo và thảo luận để mở rộng và hiểu thêm góc nhìn của nhau thôi. Chứ bảo là thuyết phục được thì hơi khó *chỉ lên comment đầu tiên*
- Báo cáo

An Phạm

Bài này hay. Nếu như bạn dịch thì mình thấy trình độ dịch thuật của bạn tốt, mềm mại và đọc khá dễ chịu, không bị quá học thuật. Góp vui tí thôi:
Hồi trước mình cũng ngẫm qua về vấn đề này, không biết có đúng hay không, chỉ là quan điểm của mình, ở Việt Nam có câu "Ngu si hưởng thái bình", tức là thời đại nào rồi cũng sẽ có một bộ phận cá thể người "tư duy" nhiều hơn các cá thể còn lại. Và mình nghĩ chính những "tư duy" này tự đem đến phiền não cho họ.
Buzowski, Nietzche, một số nhà triết học nổi tiếng, các nhà khoa học hay tác giả đều đã nói như thế này:
"Kiến thức được trao cho chúng ta cùng với nỗi buồn. Bạn có thể chọn hạnh phúc hoặc hiểu biết, nhưng không bao giờ có được cả hai." ( Nguồn Quora).
Nhưng câu hỏi đặt ra là, bạn hay mình, hoặc bất kì một ai trên Spiderum- cộng đồng trí thức trẻ này dám từ bỏ hết tư duy của mình để đạt được hạnh phúc chăng. Tức là bỏ việc nghĩ ngày mai làm gì, ăn gì, tương lai, quá khứ, hiện tại,.. Mình thấy đây cũng tựa quan điểm của Phật Giáo: Buông bỏ.
Với mình hiện tại thì không, bởi vì mình nghĩ rằng: "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại". Tức là nếu mình không còn tư duy nữa thì mình cũng bớt phần tồn tại đi. Có thể mình sống "hạnh phúc" nhưng khả năng cao mình còn chả cảm nhận được nó hạnh phúc nữa. Như con cún nhà mình vậy, nó vẫy đuôi, nó nô đùa, nhưng Nó có hạnh phúc hay không thì có ai mà chắc được.
Theo ngu ý của mình là như vậy.
- Báo cáo

Hex 


- Báo cáo

An Phạm


- Báo cáo

Minh
Buông bỏ ở đây theo bạn định nghĩa là thế nào mới được chứ? Không phải cái gì cũng bỏ đâu :l
- Báo cáo

Trưởng Trần
bạn ơi , buông bỏ không có nghĩa là buông xuôi nhé.
Mình nghĩ là bạn đang hiểu nghĩa của từ 'buông bỏ' theo nghĩa của từ 'buông xuôi rồi'
- Báo cáo