Mấy hôm trước tôi vừa được gặp không chỉ một mà hai "con nhà người ta" trong truyền thuyết. Trong một bữa tiệc nhỏ đón gia đình một thầy giáo thân thiết của anh tôi, tôi được gặp hai cậu con trai "thần thánh" của thầy mà anh tôi thường kể.
Cả hai cậu bé đều là hiện thân sống của khái niệm "con nhà người ta". Anh trai thì học trường chuyên nổi tiếng nhất cả nước, đoạt giải Huy chương Vàng Olympic Quốc tế 1 môn tự nhiên, nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, được tuyển thẳng vào các trường ĐH danh tiếng trong nước và trên thế giới. Không chỉ vậy, cậu bé còn có ngoại hình cao ráo sáng sủa và có khả năng chơi piano rất chuyên nghiệp, từng biểu diễn solo tại Nhà hát Lớn. Trong khi đó, cậu em cũng không hề kém cạnh, đang theo học tại một trường cấp 2 trọng điểm, nổi tiếng khắp trường và hiện đứng đầu trường với điểm trung bình tất cả các môn đạt 9,7 năm học vừa rồi.
Chỉ riêng nghe kể về thành tích của hai cậu bé đã đủ khiến tôi phải cúi đầu bái phục và mong có cơ hội diện kiến. Tôi nghĩ người cực kỳ xuất chúng như vậy chắc chắn phải tự tin lắm. Nhưng khi gặp ngoài đời, tôi thấy cậu lớn thì rất hiền lành, ngoan ngoãn và hơi rụt rè, chỉ chăm chú lắng nghe trong khi cậu em trai thì hoạt bát và huyên náo hơn nhiều. Cậu anh còn hiền tới mức trong bữa ăn mẹ cậu kêu sợ ra ngoài không tìm được bạn gái vì cậu còn không biết cách tự đặt vé xem phim.
Sau bữa ăn, tôi rủ hai anh em ra xem Rap Việt cùng. Ngạc nhiên là hai đứa hầu như không biết Rap Việt là chương trình thế nào, không biết các huấn luyện viên hay những người nổi tiếng trong chương trình như Justatee hay Karik, chưa nói đến những người còn lại. Tôi hơi bất ngờ vì bình thường nhiều học sinh của tôi tầm tuổi hai đứa đều thích chương trình này và bàn luận sôi nổi cùng tôi trong giờ giải lao. Tôi đoán là hai anh em đều mải học nên không có thời gian xem.
Ngồi một lúc, mẹ hai cậu bé biết chuyện tôi dạy IELTS nên chạy vào nói chuyện nhờ tôi kèm cậu lớn luyện thi IELTS. Tôi hỏi kỹ cô xem mục đích học là gì thì cô bảo chỉ muốn bạn ý học tiếng Anh tốt hơn để sau này giao tiếp và dùng trong nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy tôi khuyên cô đừng cho bạn luyện thi, mà để bạn tự học. Một người có khả năng tư duy và học lực tốt như bạn ý chắc chắn có thể tự học bằng cách đọc sách và nghe chương trình Tiếng Anh, sau này thì ôn 1 chút về cách viết luận học thuật là ổn.
Khi tôi quay sang hướng dẫn cậu bé về cách tự học, tôi hỏi em có bao giờ nghe podcast không. "Podcast là cái gì ạ?" Ok, tôi ngồi giải thích về khái niệm podcast và tại sao nó rất thích hợp để vừa học vừa giải trí (tiếng Anh gọi là edutainment). Tôi hỏi em có Spotify không để chị hướng dẫn tìm podcast, cậu bé ngớ người không biết Spotify là cái gì.
Tôi mở máy và hào hứng giới thiệu cho hai đứa một số chương trình podcast hay bằng tiếng Anh trên Spotify tôi thường nghe như "Speaking of psychology" của APA (American Psychological Association), "How to fail" with Elizabeth Day, và các chương trình của Vietcetera - một kênh truyền thông rất nổi trong giới trẻ Việt hiện nay. Và đương nhiên hai anh em cũng chưa từng biết tới Vietcetera!
Tất cả những gì tôi nói đều như một thế giới mới với hai anh em, dù nó hoàn toàn không phải cái gì quá cao siêu, rất nhiều học sinh tôi quen đều thấy rất bình thường. Tôi lấy làm lạ, và nói chuyện với mẹ hai đứa, thì cô bảo cô cũng đang rất lo lắng là đứa anh hơi thiếu thường thức xã hội và khá lớ ngớ khi ra ngoài. Tôi rất ngạc nhiên nhưng nghĩ rằng cô lo lắng là có cơ sở.
Câu chuyện của hai cậu bé làm tôi phải suy nghĩ. Vì chưa tiếp xúc nhiều nên tôi không dám phán xét, nhưng cảm nhận ban đầu của tôi là hai anh em đúng là rất xuất sắc không chê được trong học tập, nhưng có lẽ cần bổ sung kiến thức về đời sống hàng ngày. Nhiều học sinh bây giờ cũng đang ở tình trạng tương tự, học rất giỏi, thậm chí là đỉnh của đỉnh, nhưng ra ngoài thì ngơ ngác cái gì cũng không biết hoặc không rõ.
Rất có thể bản thân tôi là người học ngoại ngữ nên được tiếp xúc nhiều và rộng hơn nên có cảm nhận như vậy. Nhưng dù sao, tôi cũng luôn khuyến khích học sinh tầm cấp 3 và ĐH của mình ngoài việc học thì cần mở rộng kiến thức xã hội đời sống.
Tôi khuyên các em hãy theo dõi tin tức hàng ngày, đặc biệt là tin tức từ báo chí chính thống, chứ không phải chỉ trên mạng xã hội. Ít nhất khi người khác nói chuyện gì em cũng biết hoặc từng nghe, như vậy em mới có thể kéo dài câu chuyện với họ và dẫn tới những hợp tác làm ăn về sau. Còn nếu em ngơ ngơ cái gì cũng không biết thì rất khó để em có thể phát triển trong công việc, các mối quan hệ hay cuộc sống nói chung.
Một điều nữa tôi cũng hơi lo ngại là không biết những người liên tục chỉ có toàn thành công và thành công như hai anh em thì có đủ sức đối diện khi gặp thất bại trong đời không. Gần đây có không ít câu chuyện học sinh nhảy lầu tự tử chỉ vì làm một bài kiểm tra không tốt. Tôi rất đau lòng khi đọc những bài báo như vậy. Nhiều đứa trẻ thực sự gặp áp lực học hành quá lớn trong khi không hề được trang bị khả năng ứng phó trước thất bại.
Tiến sĩ Carol Dweck, người nghiên cứu và cho ra đời khái niệm "growth mindset" - tư duy cầu tiến/tư duy phát triển cũng từng bàn về một khái niệm rất quan trọng trong giáo dục - đó là grit hay resilience - khả năng chịu đựng bền bỉ. Tức là một đứa trẻ dù gặp thử thách khó khăn hay vấp ngã, thất bại ra sao thì vẫn có thể tự đứng dậy và đi tiếp. Khả năng này sẽ đảm bảo đứa trẻ dù gặp sóng gió gì trong đời cũng không bao giờ gục ngã và buông xuôi, đặc biệt tránh được những bi kịch đau lòng như tự hại và tự sát.
Việc cha mẹ và thầy cô chuẩn bị cho các con khả năng chịu đựng bền bỉ này đồng nghĩa với việc giúp con làm quen với thất bại, học cách thất bại cho đúng. Khi thất bại, ai cũng thấy đau đớn, thất vọng thậm chí là nhục nhã, nhưng đứa trẻ cần phải học cách chấp nhận những cảm giác tiêu cực đó và khách quan nhìn lại sai lầm, vấn đề của mình để học hỏi, rút kinh nghiệm để bước tiếp. Những người thành công nhất trong xã hội, dù là doanh nhân thành đạt như Phạm Nhật Vượng hay những người ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đều phải trải qua hành trình như thế.
Đây là lý do tại sao ngay từ nhỏ,cha mẹ nên tránh chỉ chăm chăm bắt con phải học giỏi đạt điểm cao, chỉ chấp nhận con thành công chứ không cho phép con thất bại. Làm vậy là tước đi của con cơ hội học được một kỹ năng cực kỳ quan trọng cho cả cuộc đời về sau, thậm chí là tước đi mạng sống của con khi đứa trẻ gặp áp lực quá sức chịu đựng mà nghĩ quẩn.
Ngoài ra, cũng không nên chỉ ép con học các môn chính khoá, hãy cho con chơi thể thao, đặc biệt các môn đối kháng và thi đấu, qua đó con sẽ học một cách tự nhiên làm sao để thắng không kiêu mà bại cũng không nản. Đó là một tinh thần rất hữu ích cho con dù sau này đi đâu và làm gì.
Trên đây là 1 số suy ngẫm rất cá nhân của tôi từ cuộc gặp với hai cậu bé đặc biệt, xin viết ra chia sẻ cùng mọi người.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất