Không nói bậy chửi tục có khiến chúng ta tôn trọng nhau hơn?
Không phủ nhận rằng chửi khéo là một hình thức nghệ thuật, nhưng đừng gán mác cho nó là “tranh biện”
Cấm nói tục chửi bậy để môi trường trò chuyện trở nên văn minh hơn?
Có lẽ cấm nói tục chửi bậy là cách duy nhất và hữu hiệu nhất mà hầu hết các diễn đàn thảo luận, tranh luận về các chủ đề khác nhau đều đặt ra, với mong muốn các thành viên tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên sự thiếu tôn trọng đôi khi không đến từ nói tục chửi bậy, có những kẻ không tôn trọng người khác, và hắn ta vẫn có thể thể hiện điều đó mà chẳng cần chửi bậy. Đáng tiếc thay, việc thiếu tôn trọng đối phương nhưng không chửi bậy lại còn được hầu hết chúng ta coi là “uyên bác”, coi là “có học thức”. Còn chửi bậy nhưng với thái độ cởi mở, vui vẻ đôi khi lại bị coi là thiếu văn hoá.
Chúng ta liên tục rao giảng về việc không nên công kích người khác, nhưng để tránh vi phạm đạo lý này, chúng ta lại che đậy sự công kích bằng những ngôn từ văn vở mĩ miều, rồi gọi đó là “nghệ thuật ẩn dụ”.
Có 2 kiểu người trong cuộc thảo luận, tranh luận.
Kiểu thứ nhất: mong muốn đối phương hiểu được ý của mình, hiểu suy nghĩ của mình, hiểu quan điểm của mình. Hoặc mong muốn thuyết phục đối phương tin tưởng mình, tin tưởng vào điều mà mình đang tin.
Kiểu thứ 2: “bạn là nhất”, “ừ, chẳng lẽ tôi đứng ngang hàng với anh”, “bạn đang thể hiện điều gì ở đây vậy”, “ha ha, thật nực cười”, “kiến thức của bạn thật đảk cấp vũ trụ”,….vv
Ta cứ thích tỏ vẻ văn vở chữ nghĩa, trong khi mục đích chính là công kích và dè bỉu, xỉa xói đối phương. Cố tình làm cho đối phương cay cú. Chứ không phải muốn làm cho họ hiểu quan điểm của mình, hay thuyết phục họ cùng tin vào cái mình nói.
Chung quy lại là sỉ nhục nhau, nhưng cố tình gán cái mác là “tranh biện”, làm như kiểu mình là người có học, muốn chửi người ta, muốn sỉ nhục người ta nhưng cứ phải văn vở, không dám nói tục chửi bậy, vì chửi bậy người khác nhìn vào sẽ nghĩ là mình đang cay, mình phải điểm tĩnh, phải nhẹ nhàng chửi lại nó một cách thâm thuý mới được.
Mấy cái câu xỉa xói kiểu “bạn là nhất” hay gì đó, nó không phải tranh luận. Toàn là nguỵ biện cả. Và kể cả khi bạn muốn phản bác câu đó, thì nghĩa là bạn chỉ đang muốn lấy lại danh dự, hoặc chỉ muốn công kích ngược lại thôi. Khi cuộc hội thoại để những yếu tố đó chen vào thì nó đã trở thành cuộc cãi vã, chửi xéo nhau, không còn là tranh luận nữa.
Nếu bạn cà khịa càng khéo, đối phương càng cay cú, ngôn từ bạn sử dụng càng hoa mỹ, thì bạn càng được coi là “có học”, là “đẳng cấp”.
Kiểu “chửi thẳng mặt” là lỗi thời rồi, phải chửi văn vẻ mới giỏi.
Với kiểu thứ 2 thực sự nguy hiểm, họ vừa có thể nói đểu, châm chọc người khác nhưng vẫn không mang danh là thiếu tôn trọng, vẫn nằm trong cái vỏ bọc là “tôi đang tranh luận đàng hoàng”.
“Cay à? Cay cú lắm đúng không? Ông cay cú là ông thua rồi”.
Thậm chí là chúng ta còn hả hê khi thấy đối phương cay cú vì không biết nói gì hơn. Và đó là sự chiến thắng. Well, mục đích của cuộc thảo luận là khiến cho đối phương cay cú, và ta gọi đó là “tranh biện”.
Cái câu nói “bạn là nhất” ban đầu rất được ủng hộ. Khi bạn comment “bạn là nhất” vào một comment khác, những người cùng phe với bạn sẽ rất thích. Nhưng dần dần câu này bị các phe khác nhau sử dụng và đá đểu lẫn nhau, thì người ta mới cảm thấy cần có câu khác để bash lại câu này.
“Bạn là nhất” giống như một loại vũ khí mới vậy, phe chúng ta có vũ khí mới, chúng ta sử dụng nó để đá đểu, chửi khéo các phe khác, nhưng đến lúc phe khác “học” được “công nghệ mới” của ta, phá vỡ thế độc quyền vũ khí mới của ta, ta lại muốn kiếm vũ khí khác mạnh hơn để chế ngự nó, muốn thể hiện là ta đi trước một bước, đẳng cấp hơn cái cũ.
Dù môi trường trò chuyện cấm chửi bậy nói tục, nhưng các loại “vũ khí ngôn từ” nhằm sát thương kẻ khác theo cách tinh vi hơn sẽ ra đời theo cách khác.
Nhiều khi chúng ta khó nhận lỗi sai, vì sợ bị cười là “gáy sớm ăn loèn”.
Tuy nhiên cũng cần nói thêm, lỗi không phải lúc nào cũng thuộc về bạn. Đôi khi bạn hoàn toàn thiện chí, nhưng không khéo nói, và bạn khiến đối phương hiểu lầm về thái độ, họ quá nhạy cảm nên nhầm tưởng rằng bạn đang công kích, đang ngầm đá đểu bạn, và họ tỏ ra dè chừng, phòng thủ, và thậm chí khó tiếp thu lời bạn nói. Hệ quả của sự công kích ngầm nhưng nguỵ tạo bằng những ngôn từ văn vở. Ai cũng dè chừng và liệu xem anh ta đang có ý gì với mình, anh ta đang thách thức mình? Đang khiêu khích mình? Đang coi thường mình? Hay đang thuyết phục mình?
Quả thực rất khó để đối phương hiểu bạn, đôi khi bạn cũng không đủ bình tĩnh để ngồi bày tỏ thái độ thiện chí với họ, ngay cả mình - người viết bài này cũng vậy.
Thế mới thấy, chửi bậy đâu phải là thứ tồi tệ xấu xa nhất trong thế giới ngôn từ đâu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất