Gần đây tôi đang cùng một nhóm khoảng 30 sinh viên tổ chức một cuộc thi hùng biện Tiếng Anh cho sinh viên trong khoa nơi tôi công tác. Trong đó tôi phụ trách quản lý tất cả các ban trong đó đặc biệt là hoạt động truyền thông của cuộc thi diễn ra trên Facebook.
11h36 đêm hôm qua, tôi đột ngột nhận được một tin nhắn giật gân từ một anh đồng nghiệp không quá thân "Ối em ơi, em là người phụ trách chương trình XXX à? Anh lướt facebook mà shock quá! Sao lại ẩu vậy? Em xem lại ngay đi, anh thấy nhiều sạn quá mức!" Tôi đang trên giường phải bật dậy nhắn hỏi có chuyện gì.
Hoá ra là trong bài đăng giới thiệu ban giám khảo có 2 giám khảo cùng trích dẫn một câu nói nổi tiếng, trong đó bị thiếu dấu ngoặc kép biểu thị đây là câu trích dẫn. Ngoài ra, lời nhắn của một giám khảo khác bằng tiếng Anh bị sai 2 lỗi ngữ pháp rất nhỏ, không đáng kể.
Anh đồng nghiệp nhắn "Đó là sự trùng hợp nhưng thực sự nực cười! Cái này anh nghĩ là lỗi lớn đấy, bên biên tập phải chủ động sửa, phải có trách nhiệm chứ!"
Thực sự lúc đó tôi chưa kịp định hình chuyện gì. Bình thường tôi và sinh viên làm chương trình rất cẩn thận, tôi yên tâm là sinh viên đã quen việc khá tốt nên ngày hôm đó tôi dạy 3 ca và giao việc đăng bài lại cho các em.
Anh đồng nghiệp thân ái nhắn thêm "Mình trong nhà anh góp ý vậy thôi chứ không có ý gì đâu em nhé!" Tôi đành cảm ơn anh rồi lật đật đi hỏi lại thành viên ban PR của mình xem xảy ra chuyện gì.
Hỏi kỹ thì mới biết là các em sinh viên ban truyền thông đã copy y nguyên lời các giám khảo vào bài đăng, không dám chính sửa gì, nhưng khi chuyển sang cho ban thiết kế làm ảnh thì các bạn ban thiết kế lại bỏ quên dấu ngoặc kép. Tôi nhờ các em sáng mai làm lại ảnh khác thêm dấu ngoặc kép cho đúng chuẩn, tránh việc bị coi là đạo văn - plagiarism. Còn 2 lỗi ngữ pháp nhỏ xíu của giám khảo thì không cần sửa, để tôn trọng cô và cũng không có ai bắt bẻ tới vậy.
Đúng là tôi có lỗi vì đã lơ là quản lý nhưng thực ra sự việc cũng không có gì ghê gớm. Tôi đã bị một phen hết hồn vì cách nói chuyện như nhà cháy đến nơi của anh đồng nghiệp. Tôi biết là anh rất tốt, nhưng có phần tốt "hơi quá". Anh đang góp ý cho tôi mà tôi cảm thấy như anh đang tát (...nước) vào mặt tôi tới tấp với những cụm từ nặng nề như "sao ẩu vậy, nhiều sạn quá mức, thực sự nực cười, phải có trách nhiệm."
Tôi hiểu bản thân tôi vốn nhạy cảm, còn anh đồng nghiệp có thể hơi thiếu sự tinh tế trong giao tiếp. Nhưng ngẫm lại thì nhiều người thực sự nên cẩn trọng hơn trong cách dùng từ của mình khi nói chuyện với người khác, đặc biệt là khi góp ý cho họ.
Tôi vẫn tin rằng nhiều khi bạn nói gì không quan trọng bằng cách bạn nói. Các cụ vẫn dạy từ xưa "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" là để nhắc chúng ta cân nhắc thật kỹ những lời mình phát ra. Bởi vì lời nói một khi ra đã ra khỏi miệng, nếu không cẩn thận rất dễ có thể trở thành một vũ khí sát thương người đối diện.
Tôi nhớ mãi câu chuyện hồi bé được đọc về cậu bé cáu bẳn không bao giờ kiểm soát lời nói của mình và lời khuyên của người cha mỗi lần con tức giận và mắng chửi ai đó thì hãy đóng 1 cây đinh lên hàng rào. Một thời gian sau, người cha bảo con mỗi lần con kìm nén được tức giận thì hãy rút một cây đinh ra, rồi kết quả khi nhìn lại thì hàng rào đã bị thủng lỗ chỗ nát tươm. Đó chính là sự tổn thương vĩnh viễn khó có thể bù đắp mà cậu bé gây ra cho người khác bằng lời nói của mình.
Tôi nghĩ rất nhiều người có thể đồng cảm với câu chuyện này vì chính mình từng bị lời nói của người khác tổn thương sâu sắc. Tôi chưa từng quên được câu nói của mẹ tôi "Con L nhà mình (ám chỉ tôi) không bằng con G nhà hàng xóm, con nhà người ta biết làm phụ nữ nên mới lấy được chồng!" Tôi nhớ như in lúc nghe được câu đó từ tầng trên vọng xuống, tôi đang đứng thái rau nấu cơm dưới bếp mà phải từ từ buông con dao xuống, cúi gập người lại, bật khóc. Đau. Đau không khác gì bị một con dao xiên thẳng qua tim.
Trước đó tôi vừa mới cố gắng bảo vệ mẹ tôi trước chị gái, rằng chị không nên ghét mẹ vì mẹ cũng có nỗi khổ riêng. Ngay khi nghe mẹ nói câu ấy, tôi hối hận vì đã bênh mẹ, tôi cảm thấy bị mẹ phản bội, bị mẹ đâm sau lưng chí mạng khi tôi không ngờ tới nhất.
Tại sao những người thân thiết gần gũi nhất, người mình coi trọng nhất lại thoải mái tổn thương mình như không có chuyện gì như vậy? Hay chính vì quá thân thiết, quá gần gũi nên họ thấy thoải mái khi tổn thương mình? Họ có biết rằng những lời họ nói ra có sức sát thương khủng khiếp đến cỡ nào không?
Chắc là không. Vì nếu họ biết thì họ đã không nói như vậy từ đầu rồi. Tôi hiểu điều đó, nên tôi chẳng lấy làm băn khoăn, day dứt nữa. Nhưng tôi sẽ không chấp nhận những lời nói "dao găm" tổn thương như vậy, càng không chấp nhận chúng từ những người tôi yêu thương nhất. Chính vì vậy, bây giờ tôi học cách phản hồi lại với mẹ tôi một cách rõ ràng khi nào mẹ tôi đã và đang dùng lời nói làm tổn thương tôi. Nhờ đó mẹ tôi cũng bớt bớt phần nào và chú ý lời nói của mình hơn khi nói chuyện với tôi.
Còn với người ngoài, những người không thân thiết thì đúng là rất khó. Tôi không thể mở lời với anh đồng nghiệp "tốt bụng" của tôi rằng "Anh vừa làm em thấy khá tổn thương vì lời anh nói đấy". Chúng tôi không thân thiết đến mức ấy. (Có lẽ anh nghĩ chúng tôi rất thân thiết nên mới nói với tôi như vậy?)
Nhưng dù sao thì tôi cũng tự rút ra bài học và dặn mình phải cẩn trọng hơn nữa với lời nói của chính mình, tránh những sự việc tương tự, gây ảnh hưởng xấu tới tâm trạng và cảm xúc của người khác, đặc biệt là người thân, bạn bè rồi xa hơn là học sinh và đồng nghiệp của tôi.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất