Vậy là hôm nay đã 30 Tết. Mặc cho những lí lẽ quanh chủ đề Tết ta Tết tây, tôi vẫn là người hưởng ứng đón Tết theo âm lịch. Tôi ủng hộ Tết âm lịch chẳng phải vì dân tộc hay truyền thống, mà bởi Tết âm lịch phản ánh điều có ý nghĩa lớn với người sống ở Việt Nam là khí hậu, và khí hậu nước Việt lại ảnh hưởng đến đời sống người Việt.
Ngày Giáng sinh và Tết tây rơi vào tiết Đông chí, quãng thời gian đó sao Bắc Đẩu sáng nhất và đây là điều ảnh hưởng sâu sắc đến các dân tộc du mục phương Tây. Nhưng Việt Nam là dân tộc định canh định cư phương Đông, tiết Lập xuân đúng ngày mùng 1 tháng Giêng mới là thứ ảnh hưởng đến đời sống người Việt. Lúc này trời đất vừa kết thúc tiết Đại hàn để chuyển mình sang xuân làm cái lạnh không còn đáng kể, và đặc biệt hơn cả là lúc này cây cối sinh sôi mạnh mẽ.
Toàn cầu hoá có thể khiến tâm hồn con người ta tách rất xa khỏi thể xác, một người ở xứ nhiệt đới hoàn toàn có thể học cách suy nghĩ và hành xử y hệt người ở xứ hàn đới, nhưng khí hậu vẫn là điều mà con người không thay đổi được. Và một người sống ở Việt Nam không thấy rung động trước hoa đào đang nở, hoặc nghe lòng lâng lâng trong mưa phùn mùa xuân, thì họ không biết thưởng thức thiên nhiên.
Bài viết lần này của tôi là tổng kết và nhìn lại những gì diễn ra với mình ở phạm vi nho nhỏ ở Spiderum, đồng thời trình bày vài quan điểm về việc viết, mà đa số bài viết của tôi đều được thực hiện trên nền tảng này.

Về việc viết

Tính đến nay tôi đã sinh hoạt ở mạng xã hội viết Spiderum được 3 năm, kể từ lần đầu tiên bước vào với mục đích dự thi sự kiện Tôi trẻ, tôi ngẫm. Là một người thích sống tối giản và thuần khiết nên nói đến sinh hoạt đối với tôi tức là chỉ viết thôi và không gì khác, không còm dạo, không kết băng đảng, không kết thù hằn (nếu có thù thì chỉ các thanh niên đeo bám thù tôi chứ tôi vốn không coi các thanh niên ngang hàng mình để mà có tình cảm, dù là lòng thù).
Và vì tôi là người thích nguyên tắc, đồng thời là người khắt khe với bản thân trong việc phải sống đúng nguyên tắc, nên ngay từ những ngày đầu tham gia Spiderum từ 2017 tôi đã tự định cho mình là chỉ viết một cách thuần túy, ngay cả việc đạt giải nhất Tôi trẻ, tôi ngẫm cũng chỉ là tác dụng phụ, không vì thế mà làm thay đổi dòng chảy chính: Đó là viết cho bản thân. Đối với tôi viết là một lạc thú, lạc thú cho bản thân, và thảy những gì còn lại chỉ là tác dụng phụ, tuy chúng có nằm trong dự đoán của người viết, nhưng không trở thành mục đích chính của việc viết.
Trong ba năm viết ở Spiderum tôi tự thấy mình được cải thiện nhiều, có thể nhờ đọc nhiều hơn, có thể nhờ tiếp xúc với giới viết nên học được từ họ, nhưng lí do lớn nhất mà tôi thấy là việc chọn được nền tảng lành mạnh để viết, và Spiderum là nền tảng không tồi (dù gần đây vì thêm nhiều thành viên nên đi xuống là không tránh khỏi, thông tin chi tiết xem ở ragìvànàynọ.hex). Hay nói một cách cụ thể hơn có nghĩa là môi trường viết ảnh hưởng đến tư duy viết, muốn thay đổi tư duy thì ngoài việc trau dồi kiến thức còn cần đi đôi với tránh xa môi trường độc hại. Và Facebook là môi trường tồi cho việc viết cũng như đọc, tôi đã bỏ viết và đọc ở Facebook cũng bằng với thời gian tham gia Spiderum – 3 năm.

Facebook có hai cái hại lớn cho việc viết.
Thứ nhất là giao diện ở đó chỉ phục vụ những bài viết ngắn không quá 2000 từ, và viết ngắn theo kiểu ý tại ngôn ngoại là thứ đánh lận con đen giữa thông thái và dốt nát. Nó nhập nhằng giữa những người nhạt nhẽo nhặt nhạnh mỗi nơi một ít các câu cách ngôn rồi xào xáo lại với những người thực sự thông thái đang tự viết ra cách ngôn mới. Nó cũng nhập nhằng giữa những người ít học nhưng giỏi khua môi múa mép với người thật sự hiểu và phân tích đúng vấn đề. Tư tưởng ý tại ngôn ngoại này dày đặc trong triết học hoặc đạo (2 thứ này cũng bị nhập nhằng!) của Trung Quốc thời xưa, và thay vì viết ngắn ngủn kiểu Khổng, Lão ở Trung Quốc tôi chọn theo Aristotle ở Hi Lạp, bởi đơn giản khi đã suy nghĩ nhiều và sâu thì đòi hỏi một công trình viết cũng phải nhiều và sâu mới tương xứng.
Nói vậy không phải để phủ nhận tài năng Khổng, Lão. Họ đều là nhà tư tưởng lớn, thực tế Lão tử là người tôi ngưỡng mộ và tôi có nhiều tâm đắc với Đạo đức kinh, nhưng tôi không ủng hộ cách viết của họ. Cách viết như thế thiên về nghệ thuật – thứ cần có độc giả tương xứng mới có thể đọc, hơn là những cuốn sách để dạy nhân thế – thứ mà ai cũng có thể đọc nếu được học tuần tự từ thấp lên cao. Phương Tây cũng có tác giả thích viết thành cách ngôn, đó là Oscar Wilde, và cách ngôn Thảy nghệ thuật đều tuyệt đối vô dụng của ông đã bị những người ít học, như ở QRVN, hiểu sai như thế nào là điều ai cũng thấy. Thế nên tôi mới kết luận viết để chia sẻ kiến thức mà ngắn gọn thì là thảm họa.
Thứ hai là ở Facebook tồn tại một thứ bất thành văn, ấy là áp lực phải lên bài dày đặc và đều đặn. Tần suất viết của các tác giả nổi bật ở Spiderum trung bình là 1 tháng và như thế là khá ổn ở đây, nhưng với Facebook thì tần suất như vậy dễ bị gọi là trang bỏ hoang hoặc admin lười. Ưu tiên hạ nhược điểm xuống tối thiểu trước khi tính đến nâng ưu điểm lên tối đa là nguyên tắc tôi dùng để giữ gìn khả năng và tư duy viết của mình, nếu có hai lựa chọn: 10 bài tốt & 1 bài tệ với 1 bài tốt & 0 bài tệ, tôi luôn luôn chọn cái thứ hai mà không phân vân. Bằng việc không cho bản thân viết bài tệ cũng tức là rèn cho bản thân không được dễ dãi khi viết, bởi sự dễ dãi nhiều lúc kéo sụp ta lúc nào không hay. Nhưng với áp lực lên bài ở Facebook, trừ thiên tài ra hiếm ai cứ cách ngày viết 1 bài mà lại toàn bài tốt được, nhưng thiên tài thì không dùng Facebook, mà thiên tài đang bận nghĩ cách cải tiến Facebook sao cho lợi nhuận cao nhất.

Nói thêm về việc viết cho bản thân, ảnh hưởng từ đạo đức học của Kant, tôi quan niệm rằng mình viết chỉ vì những thôi thúc bên trong mình chứ không vì gì khác, chỉ khi đó việc viết mới thuần khiết và đạo đức, bằng không nó sẽ là không đạo đức. Thế nên là dù tôi có thể viết với nhiều văn phong và đã làm thế rồi, cũng như có những bài upvote cao và những bài upvote thấp mà tôi gần như có thể kiểm soát được, nhưng tôi vẫn không thay đổi cách viết đã được định trước mỗi bài. Những quyết định này không phải chọn ngẫu nhiên, nó là kết quả của nhiều cuộc tự tranh luận với chính mình, và mục đích của kết quả này là để đáp ứng mệnh lệnh của bản thân chứ không ai hết.
Cứng nhắc, đây là nguyên tắc rất cứng nhắc. Ưu điểm của viết theo cảm tính là có thể theo trend, từ đó dễ có nhiều fan và có thể không đau đầu vì suy nghĩ sâu, nhưng nó dễ dẫn người viết đi đến các kết luận sai lầm và họ trở thành con tắc kè hoa ngả màu theo môi trường xung quanh. Còn ưu điểm của viết theo nguyên tắc chỉ có 1 thôi: Đó là không bị viết theo cảm tính. Nhưng nhược điểm của viết theo nguyên tắc là nhiều khi có drama hay ho mà ta không tham gia được.
Mượn bài cái nhờ
Drama do Hex khởi xướng hồi 8/2019 là thứ hay ho mà tôi không thể tham gia vì thứ nhất là nguyên tắc của tôi là không đánh cá nhân và thứ hai là mấy bài self-help đó cho đến giờ tôi vẫn chưa đọc. Nhưng nhờ drama của cậu ấy mà mọi người nhận ra tầm quan trọng của viết cho bản thân, hay tầm quan trọng của sự viết đích thực, bởi chỉ trích thì ở đâu chả có và ai từng viết chả nhận, nếu ai hễ nhận chỉ trích là bỏ cuộc thì vốn dĩ họ không thể viết, điều đó chỉ cho thấy họ viết để nhận về những cái vuốt ve mà thôi. Đặc biệt là viết cho đám đông người mà ta không quen, thuận ý họ thì sẽ được tung hô nhưng trái ý thì bị ném gạch như tội đồ, đây chỉ là vấn đề sớm hoặc muộn.

Về đoàn lữ hành và đàn chó

Có câu ngạn ngữ được cho rằng xuất phát từ A-rập mà chúng ta đều quen thuộc: Chó cứ sủa nhưng đoàn lữ hành cứ đi. Đây là ví von rất đắt nếu dùng cho mối quan hệ giữa đám đông và những người đưa ý kiến. Việc vì lí do gì mà đàn chó sủa đoàn người đã là chủ đề quá cũ và không cần nói lại. Điểm thú vị ở đây là khi xét theo nghĩa đen, chó là loài có thể sống ở sa mạc, nhưng đoàn người lữ hành thì không, nên việc đoàn lữ hành cứ đi bây giờ không chỉ còn là một lời khuyên mà đã trở thành lựa chọn sống hoặc chết.
Đàn chó, tức đám đông, thường tự ý vạch ra vùng lãnh thổ rất kì quặc, chuyên môn về tiếng Việt là ví dụ. Đám đông cho rằng chỉ cần nói thành thạo (chứ thậm chí chẳng phải viết) tiếng Việt là họ đã đủ khả năng coi chuyên môn tiếng Việt là lãnh địa của mình và bất cứ giáo sư hay nhà giáo nào đưa ra ý tưởng mới lạ về tiếng Việt là sẽ bị đuổi khỏi lãnh thổ. Bất cứ công trình nào của các giáo sư cũng được đám đông hiểu hết trong 15 phút qua báo mạng, và từ đó họ tự cho mình đã đủ lí lẽ để hạ gục giới chuyên môn. Không dừng lại ở lãnh địa tiếng Việt, còn nhiều lãnh địa khác đám đông tự vạch cho mình và chỉ chờ kẻ lạ mặt bước vào.
Với tình hình này những người đưa ý kiến và cả giới chuyên môn ngày nay có lẽ cần học theo thái độ của những thổ dân châu Úc trước đàn chó hoang Dingo. Đó là sống hòa mình với thiên nhiên hoang dã, một mặt họ phải mạnh mẽ để tự vệ, mặt khác vẫn phải tiếp tục yêu đời để sống và nhìn ra nét đẹp trong thiên nhiên.

Chẳng nói đâu xa, những gì tôi thể hiện ở Spideurm trùng khớp với những dòng trên. Ba năm ở Spiderum là ba lần tôi trải nghiệm với ba thế hệ chó, trung bình cứ mỗi năm đàn chó thay phiên nhau một lần. Năm 2017 có những gương mặt này, 2018 là đám khác, 2019 lại khác nữa v.v. chắc chắn là bởi vì đoàn người cứ đi xa mãi còn đàn chó thì vẫn đứng yên. Và nghĩ về cảnh tượng này tôi thấy nó có vẻ đẹp lạ lùng xen lẫn chút tự hào.
Năm 2017, drama đáng nhớ nhất là Phiên âm tên và mặc cảm ngôn ngữ. Nhiều người chửi tôi biết gì về dịch với lại ngoại ngữ, thế nhưng đến năm 2020 tôi đã dịch được 2 quyển sách, quyển thứ nhất đã in, quyển thứ hai đang là bản thảo.
Năm 2018, đáng nhớ nhất với 2 drama: Bái sách giáoAlpha male. Các thanh niên alpha male bỉ bôi tôi là nice guy với lại beta guy mà không biết ngay hồi viết bài tôi đã có người yêu được 2 năm, tính đến nay là gần 4 năm, vẫn cô gái ấy. Còn với bài Bái sách giáo thì họ bỉ bôi tôi là không biết đọc sách mà chỉ biết nhại lí thuyết của người khác, nhưng việc đọc sách thì vì tôi đã viết khá nhiều nên sẽ để người đọc tự đánh giá.
Năm 2019 vừa qua, dường như không còn luận điểm nào mới để bỉ bôi, cộng thêm việc năm nay tôi được nhiều người share bài hơn chút nên đàn chó quay về chơi chiến thuật cổ điển từ mười năm trước thời còn dùng forum, đó là sỉ nhục tác giả bằng cách chụp mũ họ dùng clone.

Ảnh do bạn trên Facebook chụp gửi tôi để báo tin
Và năm 2020 này, tôi không chắc đàn chó sẽ dùng chiến thuật nào, nhưng tôi có thể chắc chắn là 

đàn chó vẫn cứ sủa, 

cũng như có thể chắc chắn rằng 

đoàn người vẫn cứ đi.




Đọc thêm:

Sau đây là các bài viết liên quan được đề cập, đồng thời cũng là các bài nổi bật của tôi theo từng năm
2017

2018

2019



TORNAD
24/1/2020