Trong văn hoá đại chúng có câu nói rằng: Nếu bạn không giải thích được vấn đề cho trẻ con hiểu, thì nghĩa là chính bạn cũng chưa hiểu vấn đề; cùng các dị bản tương tự của nó. 
Dựa trên tần suất xuất hiện của câu nói cũng như đặc điểm trí tuệ của người nói, ta dễ nhận ra đây là câu nói được giới bình dân thuộc vanh vách còn hơn cả bảng cửu chương mỗi khi phản biện các bài viết mà họ thấy là khó đọc, để rồi lấy đó làm lí do bắt người viết chịu trách nhiệm cho cái dốt của mình.

Như mọi câu nói của văn hoá đại chúng, câu nói này có ba đặc trưng:
    1. Khái niệm mơ hồ: Trẻ con không phải danh từ chỉ học vấn, nó không cho ta biết đối tượng đang ở trình độ học vấn nào. Không thể cào bằng đứa trẻ không đi học với đứa trẻ học cấp 2 với nhau được, còn nếu đã xác định chúng khác nhau thì không thể dùng cùng một khái niệm để từ đó đánh giá người nói có hiểu vấn đề của họ hay không.
    2. Chính vì mơ hồ nên ai hiểu sao cũng được, và do đó câu nói bị thêm mắm dặm muối thành nhiều dị bản, như: Nếu bạn không giải thích được cho bà của bạn hiểu/ cho người hầu bàn hiểu thì bạn chưa hiểu/ chưa hiểu sâu sắc vấn đề đó.
    3. Thế nhưng với cái nền tảng yếu ớt như trên, e là nói không ai tin, vậy nên người nói thường gán vô tội vạ vào tác giả nào đó, thường là vĩ nhân như Albert Einstein hoặc Richard Feynman, còn không thì bét ra cũng phải có nguồn từ TED Talks.
Bản thân tôi cũng biết câu này đã lâu, nhưng tuyệt tôi không nhớ được là đọc hay nghe ở đâu. Nhưng giới bình dân thì không bao giờ đủ dũng cảm để chấp nhận một câu nói nghe-hay-hay với họ thực chất chỉ là sản phẩm tồi của việc ngồi lê đôi mách.

Chắc không cần nói lại rằng người đưa trích dẫn không chứng minh được nguồn gốc từ Einstein thì mặc định câu nói sẽ không phải của Einstein. Cạnh đó, rất buồn cười là giới bình dân gán cho cả Feynman, một nhà vật lí lí thuyết từng nhận giải Nobel 1965, trong khi họ cũng gán một trích dẫn khác cho Feynman nhưng nội dung thì ngược lại: Nếu tôi giải thích được cho giới bình dân hiểu, thì nó [công trình khoa học] đã chẳng xứng với giải Nobel (If I could explain it to the average person, it wouldn't have been worth the Nobel prize). Ấy là Feynman bị gán vậy chứ tôi không rõ ông có nói thế không.
Bài viết này sẽ chỉ ra câu trên đầu bài là nhảm nhí đến thế nào và giới bình dân lạm dụng nó để làm lá chắn, và được đà lấn tới thì còn làm cả kiếm, cho cái dốt của mình ra sao.


I. KIẾN THỨC BỊ GIẢN LƯỢC THÌ KHÔNG CÒN LÀ CHÍNH NÓ NỮA



Đầu tiên hãy cứ dùng lí trí để tư duy một cách thuần tuý đã: Nếu mọi kiến thức ở mọi cấp độ đều có thể giản lược cho một đứa trẻ ở mọi cấp độ hiểu trọn vẹn, vậy thì cái gọi là “con người học tập để giỏi lên” là vô nghĩa, bởi câu nói ấy ngầm cho rằng ai cũng có khả năng hiểu ngay từ khi còn là trẻ con hết, chỉ là tuỳ vào cách nói của người nói, chứ không cần phải học mới hiểu. Và khi cái gì bạn cũng hiểu được ngang với tất cả mọi người thì khái niệm “giỏi hơn” hay “kém hơn” cũng trở thành vô nghĩa. Những công trình vĩ đại khiến học giả mất cả đời để hiểu nhưng một đứa trẻ cũng hiểu được thì rõ ràng là chúng ta giỏi ngang nhau hết cả rồi.
Và cạnh đó, tất cả hệ thống giáo dục kéo dài chục năm, sách vở thiên kinh vạn quyển của nhân loại sẽ đồng loạt sụp đổ. Vì tại sao chúng ta phải dành môn tích phân lên tận cấp 3 khi mà có thể giải thích cho đứa trẻ ngay cấp 1 hiểu? Bạn có thể lí luận rằng do người viết sách SGK không hiểu sâu sắc tích phân. Nhưng vậy thì sao các triết gia phải viết triết thuyết của mình thành nhiều quyển sách mà quyển nào cũng khó hiểu vậy? Nên nhớ triết thuyết do chính họ sáng tạo ra nên không có chuyện họ không hiểu sâu sắc.
Ảnh: Luno
Explain like I'm 5 là phong trào đã đang diễn ra trên mạng, nó có tham vọng giải thích mọi thứ một cách đơn giản sao cho đứa trẻ 5 tuổi cũng hiểu được. Thực tế việc giản lược kiến thức thấp xuống đến mức đó là việc có thể, tuy nhiên bất cập ở chỗ kiến thức lúc ấy sẽ xô lệch và méo mó không còn có thể gọi là kiến thức cũ nữa, người nghe chỉ hiểu được một phần hời hợt của kiến thức cũ mà thôi.
Đây cũng là lí do chính mà bản thân tôi không bao giờ nói chuyện kiến thức dưới phần bình luận, bởi ở bình luận ta không thể viết kĩ (nếu viết kĩ thì thà viết bài mới, nhưng không phải lúc nào cũng đủ hứng và công để viết), còn nếu như viết đơn giản thì chỉ khơi mào cho những phản biện nhạt nhẽo mà người viết cũng nghĩ đến rồi nhưng không đủ công mà viết ra hết.
Bởi các kiến thức luôn liên kết với nhau thành hệ thống, một người viết ra dù kĩ đến mấy cũng chỉ bộc lộ được phần nổi theo nguyên lí Tảng băng trôi, và phần chìm vừa nhiều hơn lại vừa quan trọng hơn chỉ toả sáng kín đáo ngầm bên dưới. Trong cuộc tranh luận những người tham luận buộc phải nắm bắt được ít nhiều phần chìm thì cuộc tranh luận mới xứng đáng được diễn ra. Nhưng với văn hoá phản biện cho có bất chấp đúng sai ở Việt Nam thì người đọc thậm chí không hiểu được hết phần nổi, chứ chưa nói đến phần chìm.
Ảnh: Yourgenome
Ta hãy lấy ví dụ về Học thuyết Darwin (Darwinism). Phát biểu một cách đơn giản nhất có thể thì: Học thuyết Darwin là lí thuyết đề ra để giải thích hiện tượng tiến hoá trong tự nhiên, trong đó loài này biến thành loài khác qua việc biến dị để thích nghi với môi trường theo nhiều thế hệ.
Tôi thừa nhận câu trên chưa đầy đủ, tuy nhiên viết đủ thì lại không còn đơn giản nữa rồi, và những giải thích đơn giản như thế này chẳng được gì ngoài khơi mào ra các phản biện mất gốc, kiểu:
— Học thuyết Darwin đến nay đã bị giới khoa học chỉ ra nhiều thiếu sót nên việc con người tiến hoá từ loài khác là hoang đường.
Phản biện này rất thường gặp khi mọi người đánh đồng hiện tượng tiến hoá và lí thuyết tiến hoá làm một, thậm chí đánh đồng Darwin với hiện tượng tiến hoá. Đây chính là điển hình của phản biện mất gốc.
Hiện tượng tiến hoá là hiện tượng tự nhiên có thể quan sát được. Lí thuyết là cái để giải thích hiện tượng diễn ra như thế nào. Thuyết tiến hoá có rất nhiều chứ không chỉ riêng có thuyết của Darwin, việc đánh đồng ông với các thuyết tiến hoá nói chung cũng đã là sai. Và ngay cả trong trường hợp thuyết tiến hoá nào đó là sai cũng không đồng nghĩa hiện tượng tiến hoá là không có.
Việc buộc phải hiểu rõ các khái niệm hiện tượng là gì, lí thuyết là gì chính là phần chìm của tảng băng, nhưng nhiều người không nắm được khái niệm cơ bản nên phản biện trở thành rác rưởi là vì vậy. Có nhiều lí do để người viết không thể định nghĩa tất cả khái niệm cơ bản được nên yêu cầu tối thiểu là người đọc phải có nền tảng nhất định là vậy.

— Tại sao loài vượn hiện đại sống vài trăm năm nay vẫn chưa tiến hoá thành người?
Thắc mắc kiểu này rất thường gặp, một phần vì người hỏi không thông minh cho lắm, phần khác vì lời giải thích bị giản lược không đủ kĩ để khiến người đọc tư duy thấu đáo. Vậy nên trường hợp này lỗi ở cả hai: người giải thích làm quá sơ sài, người nghe không đủ thông minh.
— Hẳn quá trình tiến hoá để phân ra hàng chục triệu loài từ một loài phải mất lượng thời gian khổng lồ, cụ thể là bao nhiêu? Biến dị xảy ra như thế nào?
Thắc mắc này là chính đáng và chỉ do lời giải thích không đủ kĩ thôi. Để giải đáp thì cần đề cập đến hai lĩnh vực khác là địa chất và di truyền, nhưng như thế thì không còn là đơn giản nữa rồi. Để giải quyết thì người đọc phải học rất dài, dài đến mức không thể nói đơn giản và giản lược trong một vài đoạn được. Đó là lí do tôi không thích các nhà còm dạo chủ nghĩa và giải thích kiểu bình dân chủ nghĩa.
Một phần bức tranh vẽ có quả dưa hấu của Giovanni Stanchi ở thế kỉ 17 cho chúng ta thấy sau 400 năm dưa hấu đã tiến hoá như thế nào
Nhưng đôi khi sẽ có phản biện kiểu: Tôi phản đối khi bạn tôn thờ học thuyết Darwin là chân lí và đả phá các học thuyết khác là rác rưởi. Điều này thể hiện rằng dù bạn có viết chuẩn chỉnh đến đâu đi chăng nữa nhưng một khi người đọc hoặc quá bộp chộp mà đọc hiểu sai, hoặc đơn thuần là hạng phá rối vào phản-biện-cho-có-bất-kể-đúng-sai, thì mọi cố gắng trong nghiêm túc và kĩ càng của bạn đều là nước đổ đầu vịt.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm xây dựng đội ngũ chuyên rình mò downvote mình ở Spiderum cùng đội ngũ acc-dùng-một-lần chuyên la liếm mình từ Facebook đến Spiderum, tôi là người hiểu rõ những phản biện mất gốc hơn ai hết, thưa các anh chị.
Dốt nát thì thường rất nhiệt tình phản biện, mà Dốt nát + Nhiệt tình = … Hẳn anh chị đều đã biết điền gì vào chỗ trống.


II. CÓ NHIỀU KIẾN THỨC KHÔNG PHẢI AI CŨNG HIỂU ĐƯỢC



Trở lại với câu nói trên đầu bài, khi nói câu ấy vô hình trung người nói đã mặc định rằng kiến thức nào trên đời này cũng có thể hiểu được cả, vấn đề chỉ là phương pháp giải thích có phù hợp hay không mà thôi.
Suy nghĩ này rõ ràng đến từ lí tưởng về nhân quyền rằng mọi người bình đẳng, nhưng là phiên bản bị bóp méo thành mọi người có trình độ ngang bằng nhau.
Xét về những thứ đo lường minh bạch được bằng con số như người này lực đấm bằng bao nhiêu, người kia nâng được bao nhiêu cân tạ thì giới bình dân cùng nhau im thin thít đồng thuận rằng sức khoẻ thể chất mỗi người là mỗi khác, có cao thấp rõ ràng.
Xét về trí tuệ chúng ta tuy có chỉ số IQ nhưng đây là thành trì cuối cùng nên giới bình dân không thể để sụp đổ, vì họ không đủ dũng cảm để tin rằng mình thua về mọi mặt với khá nhiều người. Họ không tin vào chỉ số IQ hoặc họ cho rằng trí tuệ con người phức tạp đến nỗi IQ là chưa đủ để phản ánh. Mà đã chưa đủ rồi nên thôi hãy cứ lập lờ là mọi người thông minh ngang nhau.

Có liên quan đến tiến hoá đã nói bên trên nên tôi hi vọng người đọc những dòng sau có kiến thức sơ đẳng về tiến hoá. Vì tiến hoá là hiện tượng tự nhiên không thể phủ nhận, nên ta cũng không thể phủ nhận rằng tiến hoá ở người không phải để bình đẳng. Tiến hoá dựa trên sự khác biệt. Mỗi cá thể mang bộ gen khác nhau để dẫn đến những cơ hội sinh tồn khác nhau. Cho dù ta chưa có cách xác định cá thể này thông minh hơn hay ngu ngốc hơn cá thể kia, nhưng ta biết chắc chắn là chúng khác nhau. Trong hàng tỉ cá thể người sẽ có cá thể người thông minh hơn chứ không thể bằng nhau tuyệt đối hết được.
Hãy dũng cảm mà thừa nhận rằng lí tưởng mọi người bình đẳng có thể là điều tốt cho trật tự xã hội nhưng không vì thế mà nó phản ánh đúng về tự nhiên. Và nó có thể tốt đối với trường hợp ấy nhưng không tốt đối với hành trình học tập. Chẳng có gì nguy hại cho bộ não hơn là suy nghĩ mọi thứ trên đời này đều dễ hiểu, chỉ cần tìm đúng người giảng, nó khiến ta vừa kiêu ngạo mà coi nhẹ việc dày công học tập, vừa sinh tính ỷ lại khi cứ gặp cái gì khó hiểu là đổ thừa cho người viết và coi bản thân là vô can.
Lí tưởng ai cũng thông minh, chỉ là thông minh theo cách khác nhau, trong khi bản thân chưa tìm được khía cạnh thông minh của mình ở đâu, đó không là gì ngoài chiêu trò tự ve vuốt tinh thần đặc trưng của self-help. Bởi đơn giản ai trong chúng ta cũng nên có trách nhiệm chứng minh lời nói của mình. Thông minh theo cách khác là cách nào? Không chứng minh được thì coi như không có.


III. DỐT NÁT VỐN TỪ LÁ CHẮN ĐANG DẦN TRỞ THÀNH KIẾM



Nếu xưa kia dốt nát là điều đáng xấu hổ và ai dốt thì nên lẳng lặng học hỏi như câu các cụ truyền lại: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, thì bây giờ giới bình dân dường như coi dốt nát là một đặc quyền để mình được hoạnh hoẹ những người thông minh hơn, và họ không ngại ngần treo cái dốt của mình lên trán như món trang sức thời thượng.
Ảnh sau là một ví dụ khác về biểu hiện bắt người khác chịu trách nhiệm về cái dốt của mình:

Ảnh này chụp từ QRVN, trong một bài đăng #WedNonQuora. Số là người viết bài đó (dẫn ở cuối bài) diễn đạt khó hiểu với giới bình dân thật, tôi chỉ nhận ra điều này khi thấy bản thân tôi và một vài người hiểu, còn đa số người đọc thì ta thán rằng không hiểu gì. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chuyện chẳng có gì để nói, nếu mọi người phớt lờ bài đó đi thì cũng chẳng sao, không ai nài ép họ đọc cả. Mà có đọc thì họ cũng chỉ góp 1 cái view, không có gì đáng tự hào khi bản thân chỉ là 1 cái view.
Điều đáng nói ở đây là những người không hiểu thay vì hỏi lại người viết bằng thái độ Tử tế, Tôn trọng (luật QRVN) thì họ lại giở giọng xách mé như thể người nào không dốt nát như họ thì người đó là tội đồ, như thể họ có quyền lấy cái dốt của mình để công kích người khác.
Điểm này lại một lần nữa khiến tôi nghĩ về nhân quyền bị bóp méo, lần này giới bình dân chơi rất ngoạn mục: nếu như trên kia họ coi mọi người có phẩm chất giống như nhau, thì ở đây họ coi phẩm chất dốt nát cũng cao quí ngang với phẩm chất thông minh. Tuy nhiên ngang nhau thì chưa đủ động cơ để họ công kích người khác, họ đang dần coi dốt nát đáng trọng hơn thông minh bởi vì họ đông hơn, bản năng bầy đàn dẫn dắt họ rằng số đông luôn đúng và luôn thắng.
Như vậy chúng ta đã thấy cái dốt nát từ một phẩm chất đáng xấu hổ trở thành đặc quyền, từ đặc quyền trở thành ưu thế. Bước tiếp theo trở thành cái gì, có trời mới biết.



Tham khảo:
Homo Sapiens: Lược sử loài người. Yuval Noah Harari



TORNAD
27/9/2019
Chỉnh sửa 18:15, dẫn link bài dẫn chứng trong QRVN