Bắt đầu quãng những năm 2010, với bài viết Thói ngụy biện ở người Việt của Gs. Nguyễn Văn Tuấn, đã kéo dư luận chú ý hơn vào văn hóa tranh luận và logic học, cụ thể là mảng ngụy biện của nó. Nhưng chỉ đến 3 năm gần đây, cao trào nhất là khi fanpage Ngụy biện - Fallacy được lập ra, trên facebook nhà nhà chia sẻ, người người chỉ lỗi. Viết facebook và báo mạng chưa đủ, họ còn mang quay trên cả youtube. Những tưởng với động thái này thì văn hóa tranh luận ở người Việt được cải thiện, chất lượng tranh luận tốt lên. Nhưng sự thật có được vậy không?
Tôi xin trả lời là không. Chất lượng tranh luận vẫn rất tệ, tồi tệ dưới hình thức khác.

Học từ ngọn mà không học gốc thì tai hại vô vùng, việc học ngụy biện mà không học nền tảng logic chính là điển hình của câu nói này. Dạo một vòng các fanpage, các trang báo mạng, ngay cả ở Spiderum, không khó để tìm các bài viết chuyên chỉ ra các ngụy biện thường gặp. Người ta trích cả bài dài, bẻ từng câu, chỉ từng lỗi ngụy biện, và rồi… thôi. Tức là họ coi như cuộc tranh luận đã xong, đúng sai ngã ngũ.
Tranh luận là nhiều bên cùng đưa ra lý luận và dẫn chứng để chứng minh quan điểm của mình đúng.
Như vậy, trên kia không phải tranh luận, đó đơn thuần là bắt lỗi đối thủ. Người bắt lỗi không đưa ra quan điểm nào, do đó quá trình chứng minh bằng lý luận và dẫn chứng là không có.
Lý do tôi gọi các chiêu bài bắt lỗi ngụy biện chỉ là rác? Vì nó không làm sáng tỏ quan điểm nào. Nó cũng khó giúp các bạn tránh khỏi ngụy biện, bởi danh sách ngụy biện có tới hàng trăm và vẫn tăng lên, bạn không thể cứ viết xong mỗi câu lại quét lại danh sách để tránh.
Trong logic học, ngụy biện chỉ là hệ quả từ những sai phạm với 4 quy tắc logic. Để tránh ngụy biện người học chỉ cần tuân theo 4 quy tắc ấy trong suốt cuộc tranh luận là đủ.
Thật kỳ quặc ở Việt Nam ngụy biện được dùng như công cụ tranh luận, thay vì lý luận. Và thay vì tìm cách tôn quan điểm mình lên, họ chọn cách dìm quan điểm người khác. 
Không nên cho những người quá trẻ học triết lý quá sớm, họ sẽ quen thói suy luận cãi cọ, hồ nghi... giống như những con chó con hay cắn xé những miếng giẻ trong các trò chơi của chúng. [...] Trước hết những kẻ trí thức trẻ tuổi phải học cách suy luận minh bạch, họ phải biết thế nào là một ý nghĩ.
Câu chuyện triết học - Will Durant
Trước khi học cách dìm suy nghĩ người khác xuống, hãy học cách suy nghĩ mạch lạc trước.
Sau đây tôi sẽ nói vắn tắt về 4 quy tắc logic.

1. Quy tắc đồng nhất

Nếu một sự vật là chính nó, nó không thể là cái gì khác.
Quan điểm A là A, A’ không phải là A. Để bác bỏ A bạn phải nhắm vào A chứ không phải A’.
Tuy phát biểu đơn giản nhưng đây là quy tắc bị phạm rất nhiều, rất nhiều ngụy biện đi từ quy tắc này ra.
Ví dụ 1: Một diễn giả khuyên mọi người giữ gìn tiếng Việt bằng cách đừng chèn ngoại ngữ, nhưng trong bài diễn thuyết anh ta chèn tiếng Anh, Pháp rất nhiều.
“A ha, gã diễn giả này mâu thuẫn với chính mình, bài nói của hắn cũng vô giá trị!” Bạn có nghĩ thế không? Nếu có thì bạn đã phạm quy tắc 1 ngon lành.
Hãy hiểu rằng bài nói của diễn giả (A) khác với con người của diễn giả (A’). Nếu muốn phản bác bài nói, bạn chỉ có duy nhất 1 cách là nhắm vào luận điểm bài nói mà phản bác (vd: không chèn ngoại ngữ có thật là giữ gìn hay không) chứ không phải nhắm vào anh ta.
Tất nhiên bạn có thể dùng cảm tính để đánh giá anh ta nói không đi đôi với làm, bạn có thể coi thường anh ta và không nghe nữa. Thậm chí kể cả bạn chứng minh thành công anh ta cặn bã. Nhưng tuyệt nhiên những điều đó không liên quan đến bài nói của anh ta, do đó bài nói không mâu thuẫn cũng chẳng bị bác bỏ giá trị.
Những trường hợp này thường rơi vào ngụy biện Công kích cá nhân, Anh cũng vậy, Đánh lạc hướng, Đánh tráo khái niệm v.v... còn nhiều nữa nhưng tôi không cần nhớ tên, tôi chỉ cần nhớ quy tắc.
Ví dụ 2: “Anh sai rồi, các nhà ngôn ngữ học đã làm nhiều nghiên cứu đều đưa kết luận ngược với anh.”
Cũng là ngụy biện và phạm quy tắc 1.
Như đã nói, trong tranh luận chỉ có lý luận và dẫn chứng, bằng cấp nhãn mác không là gì. Với nhãn mác đẹp, ý kiến của người đó có thể được ưu tiên để tham khảo hơn, nhưng tuyệt nhiên nó không thể dùng để phản bác. Chỉ có mổ xẻ phân tích quan điểm mới phản bác được.
Những trường hợp này thường rơi vào ngụy biện Lợi dụng danh tiếng, lợi dụng đám đông. Đó là ngụy biện dẫn quan điểm của người nổi tiếng hoặc đám đông để khiến người khác theo mình, thay vì chứng minh nó.
Ví dụ 3: “Bài nói của anh ta đầy ngôn từ miệt thị, anh ta không đủ tuổi đời và trình độ để nói những điều đó.”
Ví dụ này vi phạm trầm trọng quy tắc, nhưng đáng buồn thay lại thường được dùng và khá hiệu quả. Bởi nó đánh vào tình cảm của người nghe. Tình cảm ở trong tranh luận nên được giảm thiểu tối đa, không có là tốt hơn hết. Khi tình cảm lấn át, lý luận của bạn dễ rơi vào ngô nghê và ướt át.

2. Quy tắc Lý do đầy đủ

Mọi sự vật đều có nguyên nhân và kết quả.
Một luận điểm được rút ra trong lập luận chỉ đúng đắn khi có đủ lý do chân thực. Quy tắc này vừa giúp người tư duy tìm đến cội nguồn vấn đề vừa giúp ta bỏ đi thói quen xấu nhảy cóc đến kết luận - biểu hiện của lười suy nghĩ.
Chính vì thói quen nhảy cóc đến kết luận mà không biết bao nhiêu vụ vu khống ấu dâm trên facebook diễn ra, chỉ bằng 1 tấm ảnh và 1 lời bình chú từ 1 người vô danh cũng đủ để cộng đồng kết án. Cũng vì lợi dụng điều này mà các báo mạng gây ra những vụ “lên đồng tập thể” ở cộng đồng nhiều lần.
Những ngụy biện trường hợp này là Tam đoạn luận, Khái quát vội, Quy nạp sai v.v...

3. Quy tắc Cấm mâu thuẫn

Một sự vật không thể vừa không lại vừa có trên cùng đối tượng, dấu hiệu, thời gian, mối quan hệ.
Quy tắc này tránh cho người tư duy tiền hậu bất nhất. 
Hãy nhớ về vụ bạo hành Hào Anh. Năm 2010 cậu ta bị bạo hành, cả nước lên đồng tập thể với chủ trại tôm và đinh ninh họ sai. Năm 2015, Hào Anh sống rủng rỉnh với số tiền quyên góp từ cộng đồng và làm nhiều việc xấu, một vụ lên đồng tập thể nữa nhưng lần này nhắm vào Hào Anh, nhiều ý kiến cho rằng xưa kia bị bạo hành là đúng.
Vậy tóm lại vụ bạo hành là đúng hay sai hay gì khác?
Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tư duy phi logic. Tư duy này rất thường gặp ở những người gia trưởng, những người có “tiêu chuẩn kép”. Những người ủng hộ phụ nữ đi làm bán dâm, nhưng lại không tính vào mẹ, chị em, con gái họ. Những người muốn xã hội tốt lên nhưng không tính bản thân mình vào.

4. Quy tắc Triệt tam

Chỉ có có và không, không có gì ở giữa.
Với quy tắc Cấm mâu thuẫn chúng ta biết được hai luận điểm đối lập nhau trên cùng đối tượng, dấu hiệu, thời gian, mối quan hệ không thể cùng tồn tại. Nhưng nếu luận điểm này là đúng thì luận điểm còn lại là gì, sai, hay cả đúng và sai? Ở quy tắc này chúng ta biết rằng nó chỉ có thể là sai.
Trở lại với ví dụ Hào Anh, hành động bạo hành đó trên phương diện pháp luật, nó chỉ có thể đúng hoặc sai. Ta dễ dàng chứng minh nó sai. Mọi cơn lên đồng tập thể cần biến mất trước tư duy lý tính.
Và cả tư tưởng ba phải cùng thắng (win-win) trong tranh luận cũng cần biến mất. Win-win là chiêu trò của giới đàm phán, nó không được chấp nhận với logic.

Như vậy tôi đã điểm sơ qua 4 quy tắc logic. Mong rằng sau bài viết này chúng ta tranh luận văn minh hơn. Tư duy mạch lạc hơn để xứng đáng với định nghĩa con người của Aristotle: động vật lý tính.
Tornad

Phản biện của Nguyễn Bảo Trung: