Đắc nhân tâm của Dale Carnegie là quyển sách không mới nhưng cũng không bao giờ bị cũ, bởi lẽ nó được các tín đồ của dòng sách tự lực (self-help) coi là kinh điển và vẫn luôn nhắc đến sau hơn 80 kể từ khi ra đời. Rất nhiều tranh cãi về nó, gần đây ngay trên Spiderum cũng có một bài [1], người nói nó giả tạo, kẻ nói nó chân thành; bên này nói nó dạy tiếp thị, bên kia nói nó dạy thuyết phục lòng người.
Tuy nhiên dường như chưa có bài viết nào làm công việc cơ bản và cốt tuỷ là phân tích văn bản của sách. Tôi, hôm nay trong tâm trạng hoan hỉ muốn vạch trần toàn bộ dòng sách tự lực, thì chợt nhận ra chủ đề này quá rộng nên đành ngậm ngùi mang riêng cuốn sách được cho là kinh điển trong thể loại này ra phê bình thôi vậy, đó là Đắc nhân tâm. Tôi sẽ không nói về các hệ quả nó tác động đến người đọc, chuyện đó thật vô nghĩa bởi trong một cộng đồng luôn có người thành kẻ bại, và cũng thật mơ hồ vì ta không thể xác minh được việc họ thành hay bại có thật sự do cuốn sách hay không.
Bài viết này sẽ dùng kĩ thuật đọc sâu (close reading) để phê bình sách, đồng thời để mọi người thấy rằng ngay cả khi đã đồng cảm sâu sắc với Đắc nhân tâm, người ta vẫn không thể tha thứ cho nó được.


I. MINH ĐỊNH



Nhan đề bài viết này lấy từ thành ngữ tiếng Anh Half the truth is often a whole lie, chúng ta hẳn đã quen với châm ngôn Một nửa ổ bánh mì là một nửa ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật là dối trá (Half loaf of bread is half loaf of bread, but a half truth is a lie), và hẳn chia sẻ cùng nhau quan điểm rằng nói một nửa sự thật là nói dối một cách mưu mẹo. Nó khiến người nghe mang những ấn tượng sai lệch về sự thật, trong khi thông tin họ nhận là đúng sự thật, chỉ là không đủ mà thôi, bài viết dưới đây sẽ dẫn ra và phân tích hết những sự gian xảo ấy.
Phiên bản sách tôi dùng là bản được gia đình tác giả chỉnh sửa. Đắc nhân tâm ra mắt đầu tiên năm 1936, năm 1981, gia đình Carnegie sửa chữa cho cuốn sách hợp thời đại hơn. Mặc dù bản 1936 có nhiều lỗi hơn 1981, nhưng bài này tôi chỉ phê bình trong phạm vi bản 1981 mà thôi. Đắc nhân tâm, Dale Carnegie viết (1936), Dona và Dorothy Carnegie chỉnh sửa (1981), First News dịch, NXB Trẻ, XB 2008.
Ảnh: America Star Books. Ảnh minh hoạ, bìa sách được nhắc trong bài có thể khác đôi chút.
Để dập tắt mọi tiếng gáy trước khi trời sáng, do tôi từng viết bài Nghệ thuật là vô dụng [2] nên có thể có người bảo tôi tự mâu thuẫn khi viết bài này. Câu trả lời rất cơ bản đã từng được nói trong bài kia: ấy là nghệ phẩm thì thuộc thể loại giả tưởng, không bao hàm thể loại phi giả tưởng, trong khi Đắc nhân tâm là phi giả tưởng các bạn ạ. Nên nghệ thuật thì vẫn vô dụng, và bạn ngu thì vẫn do bạn, nhưng với phi giả tưởng như Đắc nhân tâm thì còn phần lỗi rất lớn do chính quyển sách và tác giả nữa.


II. PHƯƠNG PHÁP NÓI MỘT NỬA SỰ THẬT VÀ NÓI SAO CHO THẬT HỜI HỢT



Đắc nhân tâm nói về 30 nguyên tắc, được chia làm 4 phần như sau. Để khách quan nhất tôi sẽ không nhận xét các nguyên tắc này phục vụ tiếp thị hay thuyết phục gì cả, chỉ nhìn chúng như chính chúng thôi:
PHẦN MỘT: NGHỆ THUẬT ỨNG XỬ CĂN BẢN
Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền!
Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác.
Nguyên tắc 3: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm.

PHẦN HAI: SÁU CÁCH TẠO THIỆN CẢM
Nguyên tắc 4: Thật lòng quan tâm đến người khác.
Nguyên tắc 5: Hãy mỉm cười!
Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ.
Nguyên tắc 7: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ.
Nguyên tắc 8: Nói về điều người khác quan tâm.
Nguyên tắc 9: Thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng.

PHẦN BA: CÁCH HƯỚNG NGƯỜI KHÁC SUY NGHĨ THEO BẠN
Nguyên tắc 10: Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
Nguyên tắc 11: Tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói rằng: “Anh/Chị sai rồi!”.
Nguyên tắc 12: Nếu bạn sai, hãy nhanh chóng và thẳng thắn thừa nhận điều đó.
Nguyên tắc 13: Luôn bắt đầu bằng một thái độ thân thiện.
Nguyên tắc 14: Hỏi những câu khiến người khác đáp “Vâng” tức thì.
Nguyên tắc 15: Để người khác cảm thấy họ là người làm chủ cuộc nói chuyện.
Nguyên tắc 16: Để người khác tin rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên.
Nguyên tắc 17: Thành thật nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác.
Nguyên tắc 18: Đồng cảm với mong muốn của người khác.
Nguyên tắc 19: Khơi gợi sự cao thượng nơi người khác.
Nguyên tắc 20: Biết trình bày vấn đề một cách sinh động.
Nguyên tắc 21: Biết khơi gợi tinh thần vượt lên thử thách.

PHẦN BỐN: CHUYỂN HÓA NGƯỜI KHÁC MÀ KHÔNG GÂY RA SỰ CHỐNG ĐỐI HAY OÁN GIẬN
Nguyên tắc 22: Bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành.
Nguyên tắc 23: Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp.
Nguyên tắc 24: Hãy xét mình trước khi phê bình người khác.
Nguyên tắc 25: Gợi ý, thay vì ra lệnh.
Nguyên tắc 26: Biết giữ thể diện cho người khác.
Nguyên tắc 27: Thật lòng khen ngợi sự tiến bộ, dù nhỏ nhất, ở người khác.
Nguyên tắc 28: Khen ngợi làm người khác sống xứng đáng với lời khen đó.
Nguyên tắc 29: Khuyến khích, mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm.
Nguyên tắc 30: Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của bạn.
Phải công nhận rằng 30 nguyên tắc này đều tốt, đó là các đức tính nên có ở mọi người dù già hay trẻ. Tôi cam đoan Đắc nhân tâm dạy bạn rặt điều tốt, nhưng đó là tôi mới nói nửa sự thật. Nửa còn lại là các đức tính này quá hiển nhiên ai cũng biết, bạn có thể thấy chúng trong lời dạy của ông bà, cha mẹ; hoặc ở trường thì SGK Đạo Đức và GDCD đều có. Khác biệt duy nhất ở đây chỉ là nghe bố mẹ khuyên thì miễn phí, còn nghe Dale Carnegie khuyên thì lòi tiền ra. Vậy nên vấn đề bây giờ không phải dạy điều tốt hay xấu, mà là dạy như thế nào, bằng phương pháp gì.
Bên cạnh 30 nguyên tắc thì một đức tính quan trọng chính yếu được nhắc nhiều lần xuyên suốt quyển sách: chân thành. Nhưng đây chính là điểm rõ nhất cho thấy tính hời hợt của sách, chân thành được coi là cốt tử nhưng tuyệt không giải thích nó là gì, làm thế nào để có nó, làm thế nào để phân biệt giữa chân thành và nguỵ-chân thành. Đây là tất cả những lần Carnegie nói về chân thành, không thể chung chung hơn được nữa.
1. Sự khác nhau giữa cảm kích và tâng bốc nằm ở đâu? Rất đơn giản! Điều này là thành thực còn điều kia là không thành thực. Một điều xuất phát từ tấm lòng, một điều chỉ từ cửa miệng. Một điều là vô tư, chân thành, một điều là ích kỷ, có mục đích.
2. Mọi người đều muốn được khen, nhưng lời khen phải cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai.
3. Các nguyên tắc nêu trong quyển sách này sẽ chỉ có tác dụng khi chúng xuất phát từ chính sự chân thành. Tôi không đưa ra những mánh khóe hay thủ thuật để giúp chúng ta ứng xử giả dối. Tôi chỉ thảo luận với các bạn về sự khen ngợi chân thành từ sâu thẳm trái tim.
4. Gợi ý một điều gì đó thật khéo léo để người khác thực hiện là cả một nghệ thuật. Nếu chúng ta kiên trì rèn luyện và có sự quan tâm chân thành đến người khác, chúng ta sẽ làm được.
Mẫu câu thường gặp “Nếu có sự chân thành thì mới… được” nhưng làm thế nào để chân thành thì không dạy, có nghĩa là nếu bạn thất bại là do bạn không đủ chân thành chứ không phải do sách, rất khôn khéo! Và rất bất lực cho người đọc!
Đấy là một lời khuyên hời hợt kiểu “Làm sao để sống khoẻ?” – “Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.” nhưng tuyệt không tiết lộ lành mạnh là như thế nào (đừng tự Google nhé, chúng nó dạy ăn tương tamari đấy). Người đọc phải tự tìm hiểu chăng? Nếu họ tự được thì cần gì sách nữa?


1. Dẫn chứng hời hợt

Cấu trúc mỗi chương của Đắc nhân tâm như thế này:
– ĐẦU CHƯƠNG: TÊN CHƯƠNG
– Nói lên đức tính cần có.
– Spam dẫn chứng (mỗi chương có đến 10 cái, nhưng tất cả đều không có nguồn gốc).
– Kết luận mọi người trong dẫn chứng đã nói (thường là các triết gia và tâm lí gia), đã làm và thành công (thường là các doanh nhân và chính trị gia), thì tức là nó đúng và bạn cũng nên làm theo.
– KẾT CHƯƠNG: TÊN NGUYÊN TẮC
Dẫn chứng thì rất tốt thôi, với điều kiện dẫn chứng chuyện có thật, chứ không phải tưởng tượng ra. Mẫu câu cho mỗi dẫn chứng chỉ là [Tên danh nhân] + [Câu chuyện minh hoạ quan điểm tác giả], và hết, không hề ghi nguồn. Hãy xem 3 ví dụ sau:
1. Cách phê bình cực đoan cũng từng đẩy Thomas Chatterton, nhà thơ Anh, đến chỗ tự sát.
2. Victor Hugo không khao khát gì hơn là thành phố Paris được đổi thành tên ông.
3. Chuyện kể rằng một hôm, hai cha con triết gia Ralph Waldo Emerson muốn đưa một con bê vào chuồng. Nhưng họ phạm phải một lỗi thông thường là chỉ nghĩ tới điều mình muốn. Thế là Emerson và con trai, kẻ đẩy, người lôi con bê. Nhưng con bê cũng chỉ làm theo những gì nó muốn: cứ đứng dạng chân ra và kiên quyết không nhúc nhích. Cô gái giúp việc cho gia đình Emerson nhìn thấy tình cảnh đó. Cô không biết làm thơ hay viết tiểu luận, nhưng cô hiểu tâm lý loài vật hơn nhà triết học Emerson. Cô đưa ngón tay vào mõm con bê cho nó mút như bú mẹ, rồi từ từ vỗ về nó vào chuồng.
Có ba vấn đề cho 3 ví dụ trên:
Thứ nhất là dẫn một câu chuyện vu vơ đi kèm tên một danh nhân rồi hết, là cách dẫn chứng không có giá trị, anh cần phải chứng minh câu chuyện của anh đúng thì nó mới trở thành đúng và có giá trị. Không có thứ gì là chứng minh sai, một thứ là đúng chỉ khi nó được chứng minh là đúng, còn không thì mặc định là không đúng. Đừng nói câu “hãy chứng minh ổng sai đi, còn không thì ổng vẫn có thể đúng”, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khẳng định. Để đọc thêm, các bạn có thể tìm hiểu Ấm trà của Russell (Russell’s teapot).

Tin giả về Victor Hugo
Thứ hai vì tôi tò mò nên đã thử Google, và phát hiện Thomas Chatterton không hề tự tử vì bị chỉ trích. Thật ra cái chết của ông đến nay vẫn là bí ẩn, nguồn thì nói là ông nghèo túng nên tự tử, nguồn khác thấy bảo học thuật thì nói ông sung túc nhờ nghề viết thơ và chết chỉ vì uống asen quá liều trong liều thuốc chữa bệnh lây qua đường tình dục của mình. Nguồn dẫn cho lí do thứ hai này để ở cuối bài. [3]
Còn ví dụ về Victor Hugo thì cũng đơn giản là sai, đơn giản là ông không hề khát khao chuyện đó. Tôi thử Google thì ra ảnh trên lấy từ Quora.
Tiếp đến chuyện cha con triết gia Emerson thì nói thật là trời biết được thứ quái quỉ ấy có thật hay không và không ai điên đi xác minh tất cả lời nói nhảm của một tay trời đánh viết vào quyển sách ba vạ nào đó. Nghĩa vụ chứng minh rõ ràng phải thuộc về kẻ viết cơ mà, ơ kìa?

Nguồn bài xác minh này ở cuối bài [4]
Thứ ba là tại sao Dale Carnegie không đơn giản chỉ cần nói “Sau đây là câu chuyện giả định của tôi…”, làm vậy ông vẫn có thể truyền tải thông điệp mà chẳng lo bắt bẻ. Carnegie ngây thơ thế ư? Không bao giờ! Ông ấy là cáo già như bất kì con cáo nào trong kinh doanh. Lí do ông lôi các danh nhân vào câu chuyện tưởng tượng của mình bởi vì họ nổi tiếng và họ là người thật. Bằng việc nói một nửa sự thật, mà nửa ấy có một vĩ nhân, khiến cho người đọc dễ tin vào câu chuyện hơn, do đó dễ tin các lí luận theo sau hơn.
Trên mạng đầy rẫy chiêu trò này: chuyện đại bàng tự nhổ lông, đập mỏ để sống 70 năm, chuyện đàn sói đi trên tuyết, tất cả chúng đều sai sự thật cả. Lí do các chàng diễn giả không thay vào bằng “Truyền thuyết kể rằng loài rồng, loài phượng…” cũng chỉ vì cố lừa cho mọi người tin, do đó dễ trục lợi, dù thông điệp các chàng truyền tải không sai.
Nếu chúng ta đã không chấp nhận một vài tin giả trên mạng, thì cớ gì chấp nhận một quyển sách 300 trang ngập ngụa trong tin giả? Mỗi dẫn chứng chỉ 1-2 câu thế kia thì mỗi chương chứa 10 dẫn chứng, cả sách ít cũng 300 dẫn chứng, không dẫn chứng nào có nguồn.
– Và cũng chính sự khao khát cảm thấy mình quan trọng đã thúc đẩy Charles Dickens viết nên những tiểu thuyết bất hủ. Sự khao khát này cũng là động lực để Christopher Wren viết những bản giao hưởng của mình lên đá. Và chính sự khao khát ấy cũng đã giúp Rockefeller kiếm được hàng triệu đô-la mà hầu như ông chẳng cần dùng đến một đồng trong số đó!
– Archie Butt kể lại: Khi Roosevelt gặp cô phụ bếp Alice, ông hỏi Alice có còn làm món bánh ngô hay không. Alice đáp cô vẫn làm nhưng bây giờ chỉ dành cho những người phục vụ.
– Charles R. Walters, nhân viên của một trong những ngân hàng lớn nhất New York được giao nhiệm vụ chuẩn bị một báo cáo mật về một tập đoàn.
– Vị chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những công ty cao su lớn nhất nước Mỹ bảo tôi rằng
– …
Trích từ Đắc nhân tâm


2. Trích dẫn một nửa sự thật

Như đã nói bên trên, ngoài kể chuyện danh nhân, sách còn rất nhiều trích dẫn lời danh nhân, và cũng giống như kể chuyện, chúng không có nguồn cũng chả có văn cảnh. Hãy xem ví dụ:
Nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud nói rằng: “Mọi hành động của con người đều xuất phát từ hai động cơ: niềm kiêu hãnh của giới tính và sự khao khát được là người quan trọng”.
(Sigmund Freud said that everything you and I do springs from two motives: the sex urge and the desire to be great.)
Vấn đề thứ nhất luôn là không có nguồn. Vấn đề thứ hai là với những người biết cơ bản về Freud, thì đúng là ông có bàn nhiều về sex urge, hay còn gọi là sex drive hoặc libido, mà cách dịch chính xác phải là thôi thúc tính dục chứ niềm kiêu hãnh của giới tính là First News dịch sai, nhưng thôi ta có thể thông cảm vì đằng nào sách cũng chẳng tập trung vào sex urge, chữ đó dẫn vào cho sang mồm thôi.
Vâng, cái mà Carnegie hướng vào là chữ khao khát được là người quan trọng (desire to be great) kia, vì chương đó đang dạy độc giả khen ngợi người khác để cho họ thấy họ quan trọng. Nhưng cái cốt tuỷ là Freud không nói về khao khát được là người quan trọng, không nói, vậy đấy. Tôi Google thử thì thấy trên Reddit cũng có người nghi ngờ như mình.


Câu trích trên lại chỉ nói một nửa sự thật, ngoài ra còn khôn khéo dẫn lời Freud gián tiếp chứ không dẫn nguyên văn từng chữ. Rất khôn khéo!

Shakespeare nói rằng: “Không có sự vật, hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến nó xấu hay tốt”.
("There is nothing either good or bad," said Shakespeare, "but thinking makes it so.")
Bây giờ đến lượt Shakespeare. Quả đúng Shakespeare nói câu trên, nó ở vở kịch Hamlet, Hồi 2, Cảnh 2. Nguyên văn lấy từ lời thoại của Hamlet: “Why, then, 'tis none to you; for there is nothing either good or bad, but thinking makes it so: to me it is a prison.”
Nhưng xin nhớ cho Hamlet là một nghệ phẩm, nhân vật Hamlet là hư cấu, quan điểm hay phát ngôn của Hamlet chỉ dành cho thế giới hư cấu mà Hamlet sống. Do đó, phát ngôn của nhân vật hư cấu không bao giờ được coi như là phát ngôn chính thức của tác giả. Việc dẫn Shakespeare kia không nói được Shakespeare cũng nghĩ như thế, và càng không nói lên chuyện Shakespeare là người ủng hộ những quan điểm Carnegie định gài phía sau.
Việc này không chỉ đúng với Shakespeare mà còn đúng với mọi nghệ sĩ. Oscar Wilde là tác gia mà tôi quan tâm, tôi đã thấy rất nhiều người dẫn lời ông để bảo vệ hoặc tìm đồng minh cho quan điểm của họ, chỉ có điều họ luôn dẫn lời thoại từ các vở kịch. Ví dụ câu sau đây được rất nhiều các chàng cố tỏ ra mình tán gái bằng cái đầu trên (trong khi thực tế là đầu dưới) dẫn lời nhằm tạo ấn tượng cun ngầu.

Ảnh: QuoteFlicker. Câu trên trích từ lời thoại của Darlington trong vở Lady Windermere's fan
“Giữa đàn ông và đàn bà chẳng có tình bạn nào tồn tại. Ta có say mê, oán hận, tôn thờ, yêu đương, nhưng chẳng có tình bạn.” Wilde viết như thế, nhưng không có nghĩa quan điểm ông như thế, không có gì mâu thuẫn cả.

Socrates là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất thế giới. Ông đã làm được một điều mà nhân loại chẳng mấy người làm được: đó là thay đổi hoàn toàn lối suy nghĩ của con người. Cho đến ngày nay, hai mươi bốn thế kỷ sau khi ông mất, ông vẫn được tôn vinh là một trong những nhà hùng biện khôn ngoan nhất từng ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thế giới.
Phương pháp của ông như thế nào? Toàn bộ kỹ năng của ông, ngày nay gọi là “Phương pháp Socrates”, chỉ là dựa vào việc khai thác câu trả lời “Vâng, vâng”. Ông thường hỏi những câu mà người đối diện buộc phải tán thành. Rồi ông tiếp tục dẫn dắt họ đi từ thừa nhận này đến thừa nhận khác, cho đến khi cuối cùng họ “tự nguyện đồng ý” theo ý kiến mà họ đã bác bỏ kịch liệt trước đó vài phút.
Nhưng tác hại của việc bóp méo vĩ nhân này không chỉ ảnh hưởng đến họ, mà còn ảnh hưởng đến nhận thức cộng đồng, vì các vĩ nhân được lôi vào thường chiếm vị trí rất lớn trong các ngành học, bóp méo họ là Carnegie vô hình trung bóp méo các kiến thức họ truyền lại cho đời. Ví dụ về Socrates sẽ nói rõ điều này.
Chỉ cần đọc bất cứ quyển triết học nhập môn nào (Trò chuyện triết học, Câu chuyện triết học, Triết học Tây phương từ khởi thuỷ đến đương đại) ta cũng biết phương pháp Socrates là một hình thức đối thoại mà qua việc hỏi đáp để kích thích tư duy phản biện và người được hỏi tự tìm ra các ý tưởng cho mình. Cụ thể người hỏi là Socrates sẽ đi gặp người dân Athens để y nói ra quan điểm của mình. Socrates sẽ hỏi một loạt câu hỏi để y trả lời, và thường thì cuối cùng y tự nhận ra quan điểm của mình có điểm tự mâu thuẫn. Từ đó y nên tự xem lại mình để đúc kết quan điểm chính xác hơn.
Cơ bản thì Socrates không đưa ra quan điểm cá nhân nào để mà cần phải thuyết phục người khác, ông cũng không cần ai trả lời vâng. Và người được hỏi cũng không cần đồng ý với ý kiến nào mà y bác bỏ cả. Công việc của Socrates là giúp y tự xem xét lại mình thôi. Mẹ ông là một bà đỡ và ông thường ví von công việc của mình với mẹ, ông không đẻ ra các ý tưởng mà ông giúp người khác tự đẻ ra ý tưởng của họ.
Sau đây là lời tự biện của Socrates trước toà, phiên toà xử ông tội chết. Rõ ràng ông không đắc nhân tâm cho lắm khi có nhiều kẻ thù và bài tự biện cuối đời bị người ta bác bỏ. (Tuy nhiên có nhiều ý kiến: Theo Xenophon thì ông không thật sự biện hộ, ông chọc tức mọi người là chính và sẵn sàng chết ở tuổi 70 rồi; còn theo Plato thì đúng là ông biện hộ thật.)
Triết học Tây phương từ khởi thuỷ đến đương đại, trang 66

Cuối cùng là trong Đắc nhân tâm quá nhiều trích dẫn không văn cảnh, giở ngẫu nhiên một trang cũng gặp.
– Triết gia Emerson nói: “Mọi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi và tôi luôn học được điều gì đó từ họ”.
– Henry Ford nói: “Nếu như có một bí quyết nào để thành công, thì nó nằm ở khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của người khác và nhìn sự việc theo góc độ của người ấy cũng như theo góc độ của chính mình”.
– Nhà triết học và tâm lý học người Mỹ William James đã nói: “Chúng ta chỉ mới khai thác được một phần rất nhỏ những khả năng của mình” .
– Abe Lincoln có lần đã nói: “Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu họ có những suy nghĩ hạnh phúc” .
– …
Trích Đắc nhân tâm

Tại sao Carnegie không viết: “Tôi cho rằng…” mà cứ phải lôi Freud, Shakespeare với Socrates vào? Vì ba người họ là vĩ nhân, và nghe đến đây các bạn đã biết lí do rồi đấy.


3. Bản chất xấu xí đằng sau những dẫn chứng

Chương 10, tương ứng với nguyên tắc 10: Né tránh tranh cãi, được minh hoạ bằng ví dụ sau:
Tôi còn nhớ một bài học vô cùng quý giá đã học được trong một buổi tiệc ở Luân Đôn. Đó là tiệc mừng ông Ross Smith, một phi công xuất sắc trong Thế chiến thứ nhất, được Nhà vua Anh quốc phong tước Hiệp sĩ, được Chính phủ Úc tặng một phần thưởng lớn và được cả nước Mỹ kính trọng.
Lần đó, người ngồi bên cạnh tôi kể một câu chuyện hài hước minh chứng cho câu trích dẫn thế này: “Có một vị thần sắp đặt số mệnh chúng ta, Ngài muốn sao thì ta phải chịu vậy”. Ông ấy cho rằng câu đó trong Kinh thánh. Tôi biết rõ là ông ấy đã nhầm.
Và, để tỏ ra mình quan trọng và muốn khoe khoang kiến thức, tôi nói rằng ông đã sai. Ông ấy nói: “Anh bảo sao? Shakespeare ư? Không thể nào! Phi lý! Câu trích dẫn này là ở Kinh thánh. Tôi chắc chắn như thế” . Ngồi bên trái tôi là người bạn cũ Frank Gammond, anh là một chuyên gia nghiên cứu về Shakespeare. Thế là chúng tôi đồng ý giao vấn đề này cho Gammond làm “trọng tài”. Gammond lắng nghe, đá vào chân tôi dưới gầm bàn và nói: “Dale, anh sai rồi. Ông ấy nói đúng. Câu ấy ở Kinh thánh”. Đêm ấy, trên đường về, tôi bực tức hỏi Gammond: “Frank, cậu biết câu trích dẫn này là của Shakespeare cơ mà?”.
“Đúng thế, dĩ nhiên là thế! Trong “Hamlet”, hồi năm, cảnh hai. Nhưng này anh bạn! Chúng ta là khách trong một buổi tiệc. Tại sao phải chứng minh ông ấy sai? Điều đó có khiến ông ấy quý mến cậu không? Sao không để cho người ấy giữ thể diện. Ông ấy không hỏi ý kiến của cậu. Vậy cậu tranh cãi với ông ấy làm gì? Điều đó chẳng có lợi gì cho cậu cả.”
Nếu một hành động là đạo đức thì nó phải có tính phổ quát, làm những điều ta muốn mọi người làm cho mình, hoặc tránh làm những điều ta không muốn mọi người làm với mình, bản thân Carnegie cũng đồng ý điều này và đã nói đến ở chương trước.
Cụ thể ở chương này là tránh tranh cãi nhằm giữ thể diện cho người. Nhưng hãy xem ví dụ, có 3 nhân vật: Dale Carnegie (nhân vật tôi), người bạn Gammond, và người kể chuyện. Carnegie bác bỏ người kể chuyện làm anh ta mất thể diện, Gammond lại bác bỏ Carnegie, chả lẽ Carnegie lại không mất thể diện sao? Carnegie cũng là người, cũng phải có những tâm lí giống với người kể chuyện chứ.
Ẩn đằng sau câu chuyện này là một sự phân cấp giá trị giữa người cầm trịch buổi nói và người nghe. Hẳn rồi, người nói có một, người nghe thì nhiều nên người nói được chấm điểm cao hơn và nếu có một kẻ phải bị mất thể diện thì đó là người nghe. Điều này chính là bản chất của môi trường kinh doanh, mọi mối quan hệ đều lên bàn cân. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu Carnegie nói toẹt sự thật này ra, nhưng ông lại bọc nó trong lớp đường mật “giữ thể diện”. Giữ cho ai? Chỉ cho kẻ mạnh hơn thôi!
Cạnh đó còn là câu hỏi về sự vuốt ve bản ngã bất chấp đúng sai. Người kể chuyện rõ ràng đã sai, anh ta có thể trở nên lố bịch trong mắt những người biết mà không nói. Nhưng Carnegie không bận tâm đến chuyện giúp cho anh ta thôi lố bịch mà chỉ bận tâm đến cái lợi cho mình. “Vậy cậu tranh cãi với ông ấy làm gì? Điều đó chẳng có lợi gì cho cậu cả.” Điều này cũng bình thường trong kinh doanh thôi, nhưng đừng bọc nó vào lớp đường như Đắc nhân tâm đã làm.

Năm 1915, Rockefeller là người bị oán ghét nhất ở Colorado. Những người thợ mỏ thuộc công ty Sắt và Nhiên liệu ở Colorado do Rockefeller phụ trách đã phát động một cuộc đình công đòi tăng lương. Đó là một trong những cuộc đình công đẫm máu nhất trong lịch sử công nghiệp Mỹ, gây chấn động toàn liên bang. Suốt hai năm, tài sản và nhà máy bị phá hủy, những người tham gia đình công bị quân đội trấn áp, nhiều người đã ngã xuống, máu đổ rất nhiều.
Trong lúc bầu không khí căm thù đang ngùn ngụt như thế, Rockefeller vẫn có thể hòa giải thành công với những người đình công. Ông đã làm điều đó bằng cách nào?
Sau nhiều tuần vận động nhằm mở ra con đường hòa giải, Rockefeller đã có bài phát biểu rất chân thành với đại diện những người đình công. Bài nói này xứng đáng là một kiệt tác vì đã thu được một kết quả thật đáng kinh ngạc. Nó đã làm cho làn sóng căm thù và sự hung hăng đe dọa lắng dịu, đồng thời mở đường cho nhiều người đứng về phía ông. Rockefeller đã trình bày một cách khiêm tốn và chân thành đến mức những người đình công quay trở lại làm việc mà không nói một lời về việc tăng lương – lý do khiến họ đấu tranh quyết liệt bấy lâu nay.
Ví dụ này ở chương 13, nguyên tắc 13: Thân thiện. Dẫn chứng hoàn toàn không nói về lí do đình công có chính đáng hay không, mức lương có thật sự thấp cho người dân lao động hay không. Ẩn đằng sau nó chính là cách những chóp bu dạy nhau dập tắt đình công và khiến người lao động quên đi tiền lương và tiếp tục làm việc bất cần biết.
Này người lao động, hãy cứ nhận sự thân thiện và những cái vuốt ve bản ngã, rồi cuộc sống các bạn sẽ được người khác sắp đặt cho!


III. LỜI KẾT



Trên đây là những phân tích của tôi về những thứ nổi cộm nhất trong Đắc nhân tâm mà thôi, còn nếu xét nét chi li thì sẽ vô cùng nhiều nguỵ biện.
Ấn tượng đầu tiên khi đọc Đắc nhân tâm của tôi đó là Carnegie spam quá nhiều dẫn chứng, tuy thế dẫn chứng không có nguồn gốc gì. Số lượng dày đặc trong khi ngắn tủn mủn (mỗi dẫn chứng 1-2 câu) làm tôi mệt mỏi trong việc nhặt ra xác minh. Hầu hết các xác minh ở bài này của tôi là về văn học và triết học – các lĩnh vực tôi biết sẵn. Các lĩnh vực khác như kinh doanh hay tâm lí vẫn còn nhiều, có lẽ người khác có chuyên môn sẽ dễ dàng vạch ra.
Nhưng về bản chất thì các dẫn chứng của Carnegie chẳng có ý nghĩa gì cả, cùng một cách thức nhưng tuỳ tâm lí đối tượng, nền văn hoá v.v… mà kết quả mang lại khác nhau. Carnegie chỉ thu thập các trường hợp thành công và phớt lờ các trường hợp thất bại. Đây chính là lối nguỵ biện thiện xạ Texas (Texas Sharpshooter Fallacy), bằng hình ảnh ví von một gã bắn bừa lên tường, rồi sau đó mới vẽ hồng tâm xung quanh vết đạn, rồi đi la làng rằng mình là thiện xạ.
Cách thức Carnegie spam dẫn chứng trong Đắc nhân tâm là một thể loại nhắc đi nhắc lại nhằm ám thị người đọc.
Toàn bộ Đắc nhân tâm là mẹo vặt chứ không phải khoa học, thậm chí còn không có lí lẽ, nó bày ra cách thức như thế này, như thế kia, và yêu cầu bạn thực hành mà không giải thích nguyên nhân tại sao lại như thế.


Với các bạn chưa nhiều kinh nghiệm đọc thì không nên đọc quyển này vì nó đầy tin giả (fake news) không khác gì Cống14. Nó cũng không kích thích các bạn tư duy. Còn công việc dạy làm người của nó thì cũng ngang bằng về nhà nghe cha mẹ dặn dò hay đọc trong SGK GDCD mà thôi.  
Với các bạn đủ nhiều kinh nghiệm đọc để vừa có thể hiểu sâu sắc cuốn sách mà vừa không bị nó ảnh hưởng lên đầu óc thì cứ đọc nếu muốn. Tôi chưa bao giờ ủng hộ khen/chê thứ gì không có lí do, quả thật muốn chê thứ gì thì cũng phải hiểu nó ngang với khi khen nó.
Nói tóm lại, cách tốt nhất để có được các đức tính mà Đắc nhân tâm dạy là đừng đọc chính quyển sách đó.



Chú thích: 
[1] Một ý kiến khác mới đăng gần đây về Đắc nhân tâm: Sách "Đắc Nhân Tâm" Viết Về Điều Gì Và Tại Sao Sách Lại Bị Tẩy Chay?



Tham khảo: 
Các kiến thức về Freud, Socrates và nguỵ biện lấy trong các quyển (có thể vẫn kể sót vì không nhớ hết): 
Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud, Nguyễn Xuân Hiến dịch, NXB ĐHQG HN.
Socrates tự biện. Plato và Xenophon, Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2007.
Triết học Tây phương từ khởi thuỷ đến đương đại. Bernard Morichere, nhóm biên dịch, NXB VHTT, 2010.
Bạn không thông minh lắm đâu. David McRaney, Voldy dịch, NXB Thế Giới, 2017.



Chỉnh sửa 26/2: Giúp đối tượng trên ảnh bìa get high theo yêu cầu, và đề thêm vài đầu sách trong mục tham khảo.

TORNAD
25/2/2019