Cái giá thật sự của việc di chuyển
Mỗi ngày, bạn đánh rơi bao nhiêu tiền ở ngoài đường ?
Hôm nay, tôi rời công ty lúc 18:05 phút và về đến phòng trọ lúc 19:15
70 phút.
Tối nay, tôi ngồi ngẫm nghĩ lại xem liệu như thế có đáng hay không.
Nói đúng ra thì thời gian dành cho việc di chuyển của tôi cũng tùy từng ngày, vì tôi đi xe bus, mà xe bus ở Hà Nội thì đôi khi sẽ bị chậm do đường tắc (hoặc có lý do khác mà tôi không biết), và đôi khi là hủy chuyến. Tôi vẫn nhớ một vài lần trên chuyến xe đi về, do có cung đường xảy ra ùn tắc cục bộ nên xe bus đã tự động chuyển qua một tuyến đường khác. Dù là vì lợi ích chung (đang tắc mà xe bus cố đi vào thì còn tắc thêm vì cứ phải ra vào điểm chờ), nhưng tôi lại nhìn thấy một vài người vì vậy mà bất đắc dĩ phải xuống xe và tìm một cách khác để đi về.
Trở về chủ đề chính, tính trung bình thì tôi sẽ dành khoảng 100 phút cho việc di chuyển hàng ngày. Chưa kể thời gian chuẩn bị để đi làm, thời gian đi về thay đồ và sắp xếp lại đồ đạc, tôi tính tròn thành 2 tiếng.
2 tiếng chỉ để 'không làm gì cả'.
Nếu bạn đi xe máy, thì chính xác là bạn sẽ không làm được gì cả trong 2 tiếng đó, chưa kể việc hít khói và bực tức vì tắc đường.
Như tôi đi xe bus, có hôm nào ngồi thì sẽ tranh thủ đọc sách trên Kindle một chút, hôm nào đứng thì thôi.
Vậy thì 2 tiếng đó, đáng giá bao nhiêu ?
Tôi, cũng như rất nhiều người khác, làm việc 8 tiếng một ngày. Vị chi 2 tiếng là 1/4 ngày làm việc. Vậy tính ra, tôi đã phải làm việc hơn 6 ngày một tuần chứ không phải là 5 (5/4 = 1.25 ngày làm việc).
Mỗi ngày dành 2 tiếng cho việc đi lại, 1 tháng là 44 tiếng, 1 năm là 520 tiếng = 65 ngày làm việc. 65 ngày làm việc "thêm" trong một năm.
Tôi đã dừng lại rất lâu để suy nghĩ về con số 65 ngày / năm. Thật sự quá khủng khiếp.
Giả sử lương của tôi là 22 triệu (cho dễ tính), tức trung bình 1 ngày làm việc của tôi đáng giá 1 triệu. Cũng có nghĩa là tôi đã tốn 65 triệu 1 năm "chẳng làm gì cả".
Nếu bạn sử dụng xe máy hoặc ô tô; hay mức lương của bạn cao hơn thì con số này sẽ còn cao hơn nữa. Nhưng với tôi, 65 triệu đã là rất lớn.
Tiếp tục, giả sử tôi có khả năng đầu tư với mức sinh lợi 15% một năm, con số 65 triệu sau 10 năm sẽ trở thành hơn 1.5 tỷ.
Có thể bạn sẽ nói tôi tính xa, gì mà tận 10 năm. Nhưng liệu rằng có mấy ai trong 10 năm có thể để dành ra được 1.5 tỷ ? Tôi nghĩ không nhiều.
Ok, tôi không giỏi đầu tư đến mức đó thì sao. Thì lấy 10% vậy (lãi suất ngân hàng hiện nay đã gần con số này rồi). Con số sau 10 năm lúc này sẽ là hơn 1.1 tỷ. Vẫn rất khổng lồ.
Đó là chưa tính đến trường hợp thu nhập của tôi tăng lên (điều tôi chắc chắn sẽ làm). "Cái giá" của việc di chuyển càng phình to ra. Có nhiều người tôi quen biết, cả thân thiết và xã giao, có mức thu nhập không dưới 50 triệu 1 tháng. Vậy "cái giá" của họ sau 10 năm là bao nhiêu ?
Đó mới chỉ là cái giá mà có thể tính ra được con số cụ thể. Có những cái giá khác nữa như tôi có đề cập ở trên: sự bực tức và ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi tự hỏi liệu điều này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong những nguyên nhân khiến những ông bố bà mẹ về đến nhà là mệt mỏi, bực bội và cáu gắt với con cái. Anh của tôi là bác sĩ ở bệnh viện E. Ngày trước khi còn ở bên Long Biên, mỗi ngày anh đều phải dậy từ rất sớm và di chuyển 15 km để đến viện. Rồi đến cuối tuần thì lại đi trực, thời gian dành cho con cái gần như không có. Từ khi chuyển về ở ngay gần viện, anh tôi rảnh rang hơn, chiều chiều đi đón con, thời gian rảnh có thể chạy qua lại giữa nhà và viện, và vì đã có thể san sẻ việc nhà với vợ, cuộc sống gia đình cũng dần tốt hơn. (Nếu tính ra số thời gian anh tôi ở trên đường và giá trị thời gian của một người bác sĩ thì thật sự là một sự lãng phí to lớn và không đáng có ).
Một điều nữa tôi nghĩ đến đó là: mỗi phút tôi dành để lái xe/ tham gia giao thông là mỗi phút tôi có nguy cơ gặp tai nạn. Đi trên đường, đôi khi (thật ra là rất thường xuyên), tôi thấy những người vượt đèn đỏ, lách giữa những kẽ hở trên đường, phóng nhanh để đi học / đi làm. Đèn đỏ còn vài giây đã bấm còi inh ỏi. Nguy cơ dù rất nhỏ nhưng cũng không phải là không có.
Vậy tôi có thể (và sẽ) làm gì ?
1. Tận dụng hơn thời gian di chuyển.
Tôi vẫn sẽ đọc sách trên xe, nhưng từ giờ, mỗi lần phải đứng, tôi sẽ đeo tai nghe vào và nghe podcast. Podcast cũng phù hợp với những người di chuyển bằng ô tô. Còn với việc di chuyển bằng xe máy, tôi thật sự không nghĩ ra phương án nào để tận dụng khoảng thời gian này cả.
2. Dọn đến một nơi ở mới gần công ty.
Một tháng tôi "tốn" khoảng 5 triệu ngoài đường. Vậy tôi sẽ dành số tiền này để thuê một chỗ mới ở gần công ty hơn (nếu có phải thuê với giá đắt hơn). Nếu có thể đi bộ / đi xe đạp đến chỗ làm, thiệt hại sẽ được giảm thiểu về 0. Và khi đó, dù là 15 hay 30 phút thì tôi cũng sẽ không tính thời gian đó là lãng phí, vì tôi đã dành nó để tập thể dục - điều mà trong bài này tôi đã có nhắc đến về những lợi ích to lớn của nó.
Bỏ qua yếu tố tài chính, tôi cực kỳ tin rằng thời gian lãng phí này nên được dành để nghỉ ngơi, học tập và trau dồi các kỹ năng, hay dành thời gian cho gia đình, hơn là để 'rơi ngoài đường'.
Còn bạn, hôm nay bạn đã rơi bao nhiêu tiền ngoài đường rồi ?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất