Gần đây tôi thấy trên fb có nhiều bạn trẻ hay đăng những bài nhờ tư vấn làm sao để nói chuyện bớt "nhạt". Bài viết dưới đây dựa trên kinh nghiệm của bản thân cũng như từ sách vở  để mong giúp được phần nào các bạn trong vấn đề đó. 
Trước hết, điều đầu tiên tôi muốn nói đó là những điều làm cho một số bạn, không chỉ "nhạt", mà còn vô duyên:

1. Phân biệt giữa "thành thực một cách tinh tế" và "thẳng ruột ngựa"

Nói toẹt mọi thứ bạn nghĩ trong đầu, nhất là với người bạn mới quen, làm bạn trở nên thô lỗ, thậm chí bị coi là thiếu văn hóa. Không ai là hoàn hảo, vì vậy khi bạn nói những suy nghĩ của mình - những nhận xét của bạn về cả điểm tốt lần điểm xấu của người khác không những không có lợi cho bạn trong giao tiếp hàng ngày, mà còn cả trong thăng tiến về sự nghiệp nữa. 
Image may contain: text

Nếu bạn đã có đủ vốn kinh nghiệm sống, bạn sẽ biết rằng đôi khi lời nói dối vô hại có lợi hơn cho cả hai bên so với sự thành thực. Nếu con người bạn không thể/muốn nói dối, im lặng chắc chắn vẫn tốt hơn là nói lời mất lòng người. Cuối cùng, ở những trường hợp không thể không nói điều cần nói, cách bạn lựa chọn từ ngữ, đề cập vấn đề với người kia cũng cần rất nhiều cân nhắc, chứ không phải nói theo cách mình muốn nói. 

2. Vốn sống hạn hẹp. 

Vốn sống ở đây không chỉ bị giới hạn trong ngữ nghĩa số năm bạn tồn tại trên Trái Đất. Vốn sống có thể được xây dựng theo nhiều cách khác nhau, với nhiều tốc độ khác nhau tùy thuộc mỗi người. Vốn sống là sự hiểu biết của bạn về Đời - những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong xã hội. Vốn sống hạn hẹp gây ra kiến thức hạn hẹp. Khi bạn chỉ có một lượng kiến thức nhất định ở một vài lĩnh vực hạn hẹp, bạn sẽ khó có thể nói chuyện với những người không biết nhiều về lĩnh vực ấy. Điều này dễ xảy ra ở các bạn có đời sống tinh thần nghèo nàn, không có sở thích gì cụ thể. Không có nổi một bộ phim hay bài nhạc yêu thích, cuộc sống chỉ xoay quanh ăn ngủ, học/làm là hết, thì điều gì làm bạn nghĩ bạn thú vị trong mắt người khác? 
Image result for em thích ăn rau dền không

Vốn sống hạn hẹp cũng gây ra góc nhìn hạn hẹp. Ví dụ bạn từng tiếp xúc với 3 người quê ở A, đều là 3 người xấu tính, và bạn kết luận dân A đều xấu tính. Nhưng nếu bạn có vốn sống đa dạng, bạn sẽ có kết luận rằng Chỗ nào cũng có người này người kia, và sẽ có một cái nhìn cởi mở hơn với mỗi cá nhân bạn gặp, dù quê quán người kia ở đâu đi chăng nữa. Nếu ngay từ buổi đầu bạn đã có những câu thể hiện quan điểm hạn hẹp như vậy, người đối diện sẽ không còn có hứng thú nói chuyện với bạn nữa. Góc nhìn hạn hẹp cũng làm bạn khó có thể nhìn vấn đề từ quan điểm của đối phương - một cản trở lớn trong giao tiếp. Bạn dễ biến cuộc trao đổi công bằng, đa chiều thành một cuộc chiến bảo vệ quan điểm của bạn. Và không ai cảm thấy thoải mái khi ý kiến của mình bị chê bai thay vì được tôn trọng. 
*Lưu ý rằng, bạn có quyền, thậm chí nên có quan điểm riêng và biết cách đứng lên bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn khác với việc dè bỉu, chê bai, hạ thấp quan điểm của người khác xuống và từ chối nhìn nhận khiếm khuyết trong quan điểm của mình, cũng như chấp nhận tính đúng đắn trong quan điểm của đối phương.
Vốn sống hạn hẹp cũng khiến phép lịch sự tối thiểu của bạn trở nên hạn hẹp. Bạn trả lời cụt lủn, vứt rác bừa bãi, nói tục trước mặt người mới quen v..v... Tất cả đều khiến ấn tượng về bạn trong mắt người khác trở nên tệ thêm.

3. Ngôn ngữ cơ thể kém.

Thi thoảng tôi lại thấy một bài đăng hỏi "Mình đang đi với crush, phải nói gì đây hả mn?". Bản thân tâm lý "mình phải làm gì/nói gì để gây ấn tượng tốt với người đối diện", dù có thể thông cảm được, nhưng lại có tác dụng ngược: làm cơ thể của bạn trở nên căng thẳng. Mọi động tác của bạn không còn được thoải mái, uyển chuyển như trước. Lời nói của bạn trở nên đứt gãy. Nụ cười thì gượng gạo. Ánh mắt của bạn cố tập trung vào thứ khác để tránh nhìn vào người kia. Với những người ở mức độ "nặng", họ còn có thể làm người kia nghĩ rằng "Ồ anh ấy/cô ấy không thích nói chuyện với mình", chỉ vì gương mặt quá căng thẳng của họ làm đối phương dịch thành "giận dữ", "khó chịu". Mọi chi tiết nhỏ trong cách bạn vận hành cơ thể mình luôn được người đối diện, trong vô thức, nhìn thấy và phiên dịch thành những thông điệp có ý nghĩa. Điều này đã được tôi nhắc tới trong bài Tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên, mọi người có thể đọc để tìm hiểu kĩ hơn.

Bớt "nhạt" chỉ đơn giản là làm người khác muốn nói chuyện với mình.

Một người thích nói chuyện với mình là do hai yếu tố, bao gồm 
Image result for feel safe couple comic

- Họ cảm thấy an toàn khi ở bên mình: đương nhiên chỉ khi tính mạng của họ không bị đe dọa - bản năng sinh tồn của họ không phải kích hoạt, thì họ mới có thể an tâm ngồi đó nói chuyện/gõ phím với bạn lâu dài. Đừng nghĩ rằng cứ phải kề dao vào cổ một người mới làm họ cảm thấy sợ hãi nhé. Chỉ cần một ánh mắt lả lướt làm họ cảm thấy bạn là một người "dâm dê", hay một lời nói mang đầy sự cực đoan cũng đủ để làm họ cảm thấy không dám/muốn tiếp tục trò chuyện rồi.  Vì vậy, cả lời nói lẫn ngôn ngữ cơ thể đều rất quan trọng trong việc tạo ra điều kiện tiên quyết cho một cuộc trò chuyện này.
Image may contain: 1 person

- Họ cảm thấy THÚ VỊ mỗi khi nói chuyện với mình. Chữ "thú vị" ở đây được hiểu nghĩa rộng, là họ luôn tìm thấy một điểm mới lạ mỗi khi nói chuyện với mình. Con người là sinh vật của những thói quen, nhưng cũng là những sinh vật sở hữu trí tò mò bất diệt. Họ luôn thích thú với những gì mới lạ (đương nhiên, mới những vẫn phải an toàn đó nhé). Đó có thể là một góc nhìn mới về một vấn đề cũ, một bài học mới, một địa điểm, một quán ăn mới, hay một điều gì đó mới về bạn mà người kia chưa biết. Vì vậy, vốn sống đa dạng, phong phú là điều giúp ích rất nhiều, giúp bạn có thể thoải mái trao đổi với bất kỳ đối tượng nào. Nếu bạn cho rằng mình chưa có sự đa dạng trong vốn sống thì sao? Nếu bạn không biết gì về chủ đề mà đối phương đang mở ra thì sao? Hãy hỏi họ. Bài viết Những kỹ năng giao tiếp đơn giản mà hiệu quả  sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề đó. 
Sự thú vị cũng có thể được thể hiện qua một câu đùa. Đây là khi Khiếu Hài Hước bước vào bức tranh toàn cảnh của một người nói chuyện "mặn". Không ai được cho là "mặn" mà lại không sở hữu một khiếu hài hước riêng biệt. Vậy khiếu hài hước thì liên quan gì tới thú vị? Một câu đùa chỉ làm người khác cười khi nó không được mong đợi/đoán từ trước. Nó làm người nghe bị bất ngờ vì nó đột ngột, không theo dòng chảy của cuộc hội thoại. Và để giữ độ "mặn" này, bạn không thể dùng mãi cùng một câu đùa cho cùng một tình huống ấy được. Bạn phải liên tục "think out of the box" và làm mới sự hài hước của mình. Và đó chính là sự mới lạ làm nên một câu đùa chất lượng, cũng như tạo nên một cuộc hội thoại chất lượng. Đây là lí do vì sao Marilyn Monroe, tượng đài của sự quyến rũ từng nói "'If you can make a woman laugh, you can make her do anything" (Dịch: Nếu bạn có thể làm một người phụ nữ cười, bạn có thể yêu cầu cô ấy làm bất cứ điều gì"). Đương nhiên, câu nói không nên hiểu theo nghĩa đen, mà nên hiểu rằng, bạn càng làm một người con gái cười càng nhiều, bạn sẽ càng tăng khả năng làm cô ấy ... phải lòng bạn (Điều này chuẩn, nhưng không có nghĩa ĐẢM BẢO cô ấy sẽ phải lòng bạn đâu nhé). Áp dụng rộng ra với các đối tượng khác, không ai lại từ chối cơ hội nói chuyện với một người mà họ biết là sẽ làm họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và được cười cả.

Phát triển Khiếu hài hước

Theo khoa học, có bốn kiểu đùa mà chúng ta hay dùng, và mọi biến thể khác đều có thể được xếp vào bốn loại này:
- Loại trung lập: đây là loại hài hước không có đối tượng, không nhằm vào bất kỳ ai. Ví dụ kinh điển nhất: “Chào tất cả quý vị từ thành thị tới nông thôn, từ sân golf tới sân bóng đá. Em chào từ Thanh Hoá đến tít tận Tuyên Quang và em chào từ Hà Giang chào sang Yên Bái.” Những người hay đùa kiểu này thường thích tạo dựng liên kết với mọi người, thích tụ tập, và ưa chuộng bầu không khí vui vẻ. Họ thường không chịu được sự cô đơn, không dám làm mách lòng ai và hay cả nể. 
- Loại Tự Hủy: đây là loại lấy chính bản thân mình ra làm đối tượng bị công kích. Ví dụ: “Cô xem, cháu thế này đến chó còn chả thèm yêu nữa là người” Đôi khi những người sử dụng kiểu đùa này cũng không ngại khi bị người khác lấy mình làm đối tượng để đùa. Những ai ưa dùng kiểu đùa này thường muốn tạo dựng các mối quan hệ thân thiết, dễ mở lòng với người khác và tìm kiếm sự công nhận từ mọi người. (Ví dụ khi bạn nói câu đùa trên, bạn thường mong đợi mọi người sẽ nói những câu như “Đâu cháu tôi có đầy điểm tốt đấy chứ”). Tuy nhiên họ lại rất dễ bị căng thẳng, nhiều khi bi quan, và dễ tự ti về ngoại hình. 
- Loại Nâng tầm: “Nếu trên thế gian, tao đẹp trai thứ nhì thì không ai đứng nhất”. Những người hay tự nâng bản thân lên 1 cách hài hước (phân biệt với việc nói câu đó và thực sự tin đó là thật nhé. Đó là Ảo tưởng sức mạnh chứ không phải hài hước nữa rồi) thường cảm thấy hài lòng với bản thân hơn các loại khác. Họ hay sử dụng kiểu đùa này để vượt qua những lúc nản chí hay mệt mỏi, nên nhìn chung họ là những người khá lạc quan. 
- Loại công kích: đây là kiểu đùa mà nếu không sử dụng cẩn thận rất dễ gây xích mích. Như tên gọi của nó, kiểu đùa này sử dụng người khác làm đối tượng trò đùa. Những người thích dùng kiểu đùa này thường hay để bụng, vô tâm, gia trưởng, không tự tin vào diện mạo của bản thân, và thường không thích một mối quan hệ mật thiết. Điều này là hợp lý về mặt tâm lý học, khi bên trong tâm họ cảm thấy không tự tin (về học thức, gia cảnh, hay diện mạo…) thì họ phải cố gắng đẩy sự chú ý của mọi người sang người khác (bằng lấy người khác làm trò đùa). Họ quan tâm nhiều tới sex hơn những loại khác. Tuy nhiên, đây không phải là loại tiêu cực hoàn toàn. Với những người thân quen, bạn hoàn toàn có thể dùng nó, nhưng phải thực sự tinh tế và chắc chắn rằng đối tượng trong trò đùa không cảm thấy bị xúc phạm. Ví dụ, tôi có anh bạn rất hay nói câu “Cũng tùy á”. Vì vậy thi thoảng nói chuyện với anh ấy tôi hay nhại lại câu đó để "mỉa" ảnh, hai anh em cùng cười, vì tôi biết anh ấy không phải là người dễ bực bội vì một điều nhỏ như vậy. Hơn nữa, anh ấy coi đó không phải là để chế nhạo, mà là một điều vui vẻ.
No photo description available.

Ngoài ra có hai phong cách hài hước chính là trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp có thể hiểu là câu đùa được tiếp nhận theo nghĩa đen, nhưng vẫn out-of-the-box. Loại này hay được dùng kết hợp với ngôn ngữ cơ thể hoặc mang tính hình tượng để tăng tính hiệu quả. Ví dụ trong kiểu đùa Trung Lập tôi đưa ra ở trên là một câu đùa trực tiếp, bởi không có hàm ý gì trong đó ngoài một lời chào dài miên man - khác với lời chào bình thường. Hay gần đây có câu "đấm không trượt phát nào" đang hot, và được nhiều người chế lại, cũng là một kiểu đùa nghĩa đen và hình tượng cao. Tưởng tượng ra thôi cũng có thể làm người ta buồn cười. Phong cách viết văn của những page như Nhà Trong Ngõ, Kiệt Lặc Gia Trang thành công cũng là nhờ phong cách hài hước này.
Phong cách thứ hai là gián tiếp, hay còn gọi là sarcasm. Các câu đùa thuộc phong cách này thường có từ hai cho tới nhiều lớp nghĩa, và sự hài hước thực sự nằm ở các lớp nghĩa ẩn này thay vì nghĩa đen như loại trực tiếp. 
Image may contain: text and outdoor

Ví dụ: tôi có cô bạn thân mới có người yêu là người ngoại quốc. Hôm rồi đi ăn cô ấy có ăn một miếng khoai lang và khen "Ôi khoai lang này ngon thế". Và tôi đùa cô ấy bằng "Ừ. Ngon hơn hẳn khoai tây em nhỉ". 
Kiểu đùa này thường được đánh giá cao hơn kiểu đùa trực tiếp, bởi nó yêu cầu người nghe phải có thêm một bước suy nghĩ nữa để có thể đi qua lớp nghĩa đen và hiểu được câu đùa, làm tăng thêm sự thú vị. Tuy nhiên, cũng chính bởi thế mà nó cũng là dạng đùa khó hơn, bản thân người nói cũng phải suy nghĩ nhiều hơn. Một số người tạo ra được những câu đùa kiểu này một cách rất tự nhiên, ngay tại chỗ mà vẫn rất chất lượng. Kiểu đùa này nếu được kết hợp với một khuôn mặt poker face (vô cảm), làm người nghe không biết mình nói thật hay đùa, thì hiệu ứng lại càng tăng, nhưng cũng lại là nhược điểm của trò đùa: nếu người nghe không "bắt được sóng" thì câu đùa đấy lại có thể là vô duyên, hoặc bị hiểu lầm nghiêm trọng. 
Khiếu hài hước cao nên là sự trộn lẫn hài hòa giữa các kiểu đùa và phong cách đùa này, làm sao để câu đùa hợp ngữ cảnh, và đảm bảo là người nghe có thể hiểu sự thú vị trong đó. 

Khiếu hài hước có thể luyện được không?

Được. Mấu chốt chung của tất cả các câu đùa chất lượng, như đã nói, là gây được bất ngờ cho người nghe. Bạn càng liên kết các sự kiện theo một cách khác-với-thông-thường, người nghe sẽ càng cảm thấy thú vị. Để làm được điều này, bạn lại phải là người có vốn sống phong phú (Lại vốn sống ^^) và cách nghĩ mới mẻ, thậm chí ngốc nghếch. Đừng quá nghiêm khắc với bản thân, tránh lối nghĩ đường mòn. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, như đọc truyện, xem phim, nghe nhạc ở nhiều thể loại khác nhau, nhất là những thể loại hài hước, hay bạn chưa thử bao giờ. 
Một tip nhỏ có thể khiến bạn ngay lập tức làm đối phương bất ngờ là giúp đối phương bỏ đi một/hai bước tư duy.
Image may contain: text

Trong ví dụ trên, người bình luận đã bỏ đi bước tư duy "Tôi lâu lắm rồi không có nổi một nụ hôn, thèm lắm rồi", bỏ cả "Nên giờ kể cả nụ hôn có bẩn hơn thế tôi cũng hôn". Như bạn có thể thấy, phép so sánh, mang tính hình tượng cao (1 tỉ cái bồn cầu) sẽ làm cho câu đùa trở nên thú vị hơn rất nhiều. Các trang như Nhà Trong Ngõ, Kiệt Lặc Gia Trang cũng dùng rất nhiều hình ảnh so sánh lạ đời, gây bất ngờ cho người đọc và rất thành công.
Một cách khác là "bẻ gắt" - như dân mạng hay dùng. Nếu như bên trên, bạn bỏ đi một bước tư duy, thì ở đây bạn cố tình chèo lái tư duy của mọi người theo một hướng nhất định, để mọi người tự dự đoán các bước tư duy tiếp theo, sau đó bạn đưa ra một lối đi khác hẳn. Ví dụ điển hình nhất là "Anh tuy xấu trai nhưng được cái nghèo". Trước chữ "nghèo", hẳn mọi người sẽ cho rằng ở vị trí đó phải là một tính từ tốt, bởi đó sẽ là sự tư duy hợp lí đã được chèo lái bởi "Anh tuy xấu trai nhưng được cái". Chính sự 'bẻ lái' cực ngọt kia đã làm cho câu đùa này, khi được phát ra đúng ngữ cảnh, cùng một khuôn mặt tỉnh bơ, trở nên thú vị.


Đôi khi sự hài hước có thể được thể hiện ở cách bạn diễn đạt ngôn ngữ cơ thể. Bạn thậm chí không cần nói, nhưng ở ví dụ violon bên trên, bạn chỉ cần face palm cùng khuôn mặt thất vọng thôi cũng đủ để những người xung quanh thấy hài hước rồi, bởi nó mang tính hình tượng cao. 

Kết bài

Có hai yếu tố mấu chốt tạo nên độ 'mặn' khi nói chuyện: an toàn và thú vị. Những tips trong bài viết này không đề cập tới vấn đề chiều sâu của cuộc hội thoại. Để có chiều sâu thì cả hai người phải cùng có đủ kiến thức (vốn sống) lẫn ý muốn đào sâu chủ đề đang nói. Nếu đã có ý muốn đào sâu chủ đề, cách tạo chiều sâu cho cuộc trò chuyện đã được nhắc tới trong bài Những kỹ năng giao tiếp đơn giản mà hiệu quả nên tôi không nhắc lại nữa. 
Chúc các bạn không còn ngại việc giao tiếp nữa :D
Đọc thêm: