Hài hước, theo tiếng việt, là một tính từ chỉ khả năng gây cười. Khi gắn với con người, hài hước được coi là một phẩm chất, cũng như dũng cảm, vị tha, hiếu thảo… Theo dòng lịch sử, sự hài hước (có vẻ như) đang tăng giá trên thị trường nhân phẩm. Hiểu sự hài hước sẽ giúp bạn hòa nhập xã hội, tránh bó buộc bản thân trong suy tưởng cá nhân. Ngoài ra hài hước còn giúp bạn tán crush.
crush on you, by u/hoannguyen1310, 2020
Có nhiều tiếp cận và để hiểu sự hài hước, ở đây chúng ta có 3 học thuyết chính:
1. Superiority Theory
Được đề xuất bởi Plato, Aristotle… Theo học thuyết này, chúng ta cười vì sự yếu kém hay xui xẻo của người khác,  qua đó tự tán thưởng bản thân. Hobbes giải thích rằng con người luôn cạnh tranh có ý thức và cả trong vô thức với nhau, và vì thế chúng ta cười khi nhận ra ưu thế của bản thân, thường là thông qua một tình huống hay một quan sát. Grunner phát triển và diễn giải học thuyết này thành tam đoạn luận như sau:
(1) Mọi tình huống luôn có người thắng kẻ thua
(2) Tình huống hài hước luôn yêu cầu sự khác biệt
(3) Sự hài hước đến bất ngờ và không thể dự đoán
Một ví dụ cho Superiority Theory là series truyền hình như How I meet your mother. Trong những cảnh đầu tiên, ta thấy nhân vật chính Ted đóng vai "kẻ thua cuộc", vì ngây ngô thiếu hiểu biết quy chuẩn giao tiếp nên hay đẩy bản thân vào tình huống gây cười, và luôn có những người bạn cá tính mạnh như Barney-Mr-Suit-up nhằm tăng tính cao trào.
Tranh của họa sĩ Đào Quang Huy

Đọc thêm:

2. Relief Theory
Khởi nguồn từ thế kỉ 17 và nổi tiếng nhờ Freud. Freud cho rằng mỗi người đều có “psychic energy”. “Psychic energy” sẽ được tích tụ theo thời gian và cần được thoát ra, và ở đây, là qua tiếng cười. Freud nghiên cứu và viết sách về đề tài này, và như mọi quyển sách khác của ổng, nó dày đặc những ý tưởng đầy trìu mến và chán kinh hồn. Tuy nhiên thời điểm đó thế giới đang nhiệt tình cách mạng, mà cách mạng cần lý luận. Vì thế, những học thuyết mới được tung hô và nối dài nghiên cứu. Từ đó chúng ta có Relief Theory. Relief Theory cho rằng chúng ta cảm thấy hài hước vì muốn thay đổi góc nhìn cá nhân về sự việc, thường là sự khó chịu hay đau đớn. 
Một ví dụ cho Relief Theory là các tác phẩm văn học nổi tiếng. Ở Việt Nam chúng ta có Vũ Trọng Phụng với Số Đỏ. Hãy thử đọc một đoạn trích trong Three Men in a boat của K. Jerome, bản dịch của Petal Lê.
Hắn luôn làm tôi nhớ đến ông chú tội nghiệp của tôi - chú Podger. Cả đời ta sẽ chẳng bao giờ thấy được cảnh hỗn loạn tanh bành đến thế trong một căn nhà như khi chú Podger của tôi đảm nhận việc gì đó. Một bức tranh - được mang về nhà từ cửa hàng đóng khung - đang dựng trong phòng ăn chờ được treo lên; và cô Podger sẽ hỏi nên làm gì với nó, và rồi chú Podger sẽ bảo:
“Ồ, bà để cái đó cho tôi. Đừng có ai, bất kỳ ai trong nhà, lo lắng về việc đó. Tôi sẽ xử lý mọi việc cho.”
Rồi chú sẽ cởi áo khoác ra và bắt đầu công việc. Chú sẽ cử cô con gái đi mua sáu xu đinh, và sau đó cử một trong số các cậu trai đuổi theo để bảo cần mua đinh cỡ nào; và kể từ lúc đó, dần dần chú sẽ sai phái và khuấy động cả nhà lên.
“Will, mày đi lấy cho tao cái búa,” chú sẽ hét lên thế; “thằng Tom, mang cho tao cái thước; và tao sẽ cần cái thang gấp đấy, và tốt nhất là tao nên có cả một cái ghế trong bếp nữa; và này Jim! Mày chạy ngay ra chỗ ông Goggles và bảo ông ấy là ‘Bố cháu gửi lời hỏi thăm và hy vọng chân ông đã đỡ rồi; và liệu ông có thể cho bố cháu mượn cái thước đo độ ngang không?’ Và đừng có mà đi đâu đấy, Maria, vì tôi sẽ cần có ai đó giữ đèn; và khi nào con bé về thì nó phải đi tiếp để mua ít dây treo tranh nữa; và này Tom! Thằng Tom đâu? Tom, mày đến đây; tao sẽ cần mày giơ cái tranh lên đấy.”
Và rồi chú sẽ nhấc cao cái tranh lên, sau đó đánh rơi nó, tiếp theo, nó sẽ bung ra khỏi cái khung, và rồi chú sẽ cố cứu lấy tấm kính, và tự làm đứt tay mình; và rồi chú sẽ nhảy dựng lên khắp cả phòng để đi tìm cái khăn tay. Chú Podger sẽ không thể tìm thấy cái khăn vì nó đang ở trong túi cái áo khoác mà chú đã cởi ra, mà chú lại không biết mình đã để cái áo ở đâu, và thế là cả nhà sẽ phải ngừng tìm các dụng cụ cho chú, để bắt đầu đi tìm cái áo khoác; trong lúc đó thì chú Podger nhảy chồm chồm xung quanh và cản trở họ.
“Có ai trong cái nhà này biết áo khoác của tôi ở đâu không? Cả đời tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện gì như thế này - thề là chưa bao giờ. Sáu con người! - ấy thế mà các người không thể tìm nổi một cái áo khoác tôi vừa mới đặt xuống chưa đến năm phút trước à! Ôi, thật là...”
Và rồi chú đứng lên và nhận ra mình đang ngồi lên cái áo, vậy là chú sẽ hét:
“Ôi, các người có thể ngừng tìm được rồi đấy! Tôi tự tìm được rồi. Thà bảo con mèo đi tìm cái gì đấy còn hơn trông đợi lũ các người tìm được.”
Và sau khi đã mất độ nửa tiếng băng bó ngón tay và một tấm kính mới đã được khênh tới và các dụng cụ, cái thang, cái ghế và cây nến đã được mang đến, chú sẽ thử lại lần nữa, và toàn bộ gia đình, kể cả cô con gái và người giúp việc, đứng xung quanh theo hình bán nguyệt trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ. Hai người sẽ phải giữ cái ghế, người thứ ba sẽ giúp chú Podger trèo lên và giữ chắc chú ở đó, rồi người thứ tư sẽ đưa cho chú một cái đinh, còn người thứ năm sẽ chuyển cho chú cái búa, và cuối cùng chú sẽ cầm lấy đinh và làm rơi.
“Đấy!” chú sẽ nói với một giọng bị tổn thương sâu sắc, “giờ thì cái đinh lại rơi mất rồi.”
Và tất cả bọn tôi sẽ phải bò lê bò càng ra mà tìm trong khi chú đứng trên ghế cằn nhằn, rồi đòi biết liệu chú ấy có phải đứng trên đó suốt buổi tối không.
Cuối cùng cũng tìm thấy cái đinh, nhưng đến lúc đó thì chắc chú đã làm lạc mất đâu cái búa rồi.
“Cái búa đâu? Tôi đã làm gì với cái búa? Trời đất ơi! Cả bảy mạng các người đang há hốc mồm ra đó mà không biết tôi đã làm gì cái búa hả?”
Chúng tôi sẽ đi tìm cái búa cho chú, và rồi chú lại chẳng thấy cái vệt do chính chú đánh dấu trên tường đâu nữa, đấy là chỗ cái đinh cần được đóng vào, và mỗi người bọn tôi sẽ phải trèo lên ghế, đứng đằng sau chú, và xem có thể tìm ra nó không; và mỗi người sẽ phát hiện ra cái dấu ấy ở một chỗ khác nhau, rồi chú sẽ gọi tất cả bọn tôi là lũ ngốc, hết người này đến người khác, và bắt chúng tôi trèo xuống. Và rồi chú Podger sẽ cầm thước ra đo lại, và nhận ra rằng chú muốn đóng vào chỗ cách đó một khoảng trung bình cộng của bảy mươi tám và chín mươi sáu centimet tính từ góc, và sẽ cố lẩm bẩm tính nhẩm trong đầu rồi cáu điên lên.

Đọc thêm:

3. Incongruity Theory
Kant và Schopenhauer cho rằng sự hài hước đến từ việc nhận ra sự bất tương xứng giữa ý tưởng và thực tế, và tiếng cười là hành động vô thức trước tình huống này. Kant giải thích bằng cách đưa ra ví dụ: Một người Ấn Độ lần đầu nhìn thấy chai bia đã kinh ngạc trước cảnh bia trào ra và biến thành bọt khí. Khi một người Anh hỏi vì sao anh ta kinh ngạc vậy, người Ấn Độ trả lời rằng anh ta không kinh ngạc trước cách bọt chảy ra, mà là cách bọt được đưa vào. 
Tranh của họa sĩ Đào Quang Huy
Kant cho rằng chúng ta không cười vì sự thiếu hiểu biết của người Ấn Độ trong câu chuyện: anh ta không biết bia được đóng chai ở dạng lỏng. Chúng ta cảm thấy hài hước vì chúng ta suy nghĩ và phỏng đoán các tình huống khác, và rồi mọi phỏng đoán tan biến với một lí do bất ngờ.
Incongruity Theory được quan tâm nhiều hơn so với Relief Theory và Superiority Theory từ nửa sau thế kỉ 18, và được phát triển thành Incongruity-resolution theory. Incongruity-resolution theory nhận được nhiều sự quan tâm bởi khả năng tương thích với góc nhìn từ các ngành khác, như xã hội học, ngôn ngữ học…
Ngoài 3 học thuyết trên, chúng ta có thể kể đến:
4. Minsky’s Theory
Minsky phát triển học thuyết mang tên mình dựa trên nền tảng từ Freud. Freud cho rằng có những thứ bộ não muốn che dấu nên tạo ra một “rào chắn” nhằm tránh việc chúng ta suy nghĩ đến nó. Khi chúng ta vượt qua “rào chắn”, thường là bằng cách thức khác thường, cơ thể sẽ giải phóng “psychic energy” và phản xạ bằng việc cười. Lý thuyết này lí giải cho sự hài hước mà trẻ con cảm nhận, đồng thời cũng giải thích vì sao chúng ta cười trước các hành động giới tính và bạo lực. (Xét cho cùng thì mọi lời giải thích của Freud đều quy về 2 thứ: bạo lựctình dục).
Tranh của họa sĩ Đào Quang Huy
Minsky phát triển học thuyết này lên và nhấn mạnh vào tính đa tầng, đa nghĩa của các tình huống gây cười. Theo thời gian, mọi thứ: từ bối cảnh, phương pháp hay nhân vật đều có nhiều cách hiểu và phải được nối với nhau bằng logic. Nếu một liên kết logic bị phá vỡ, nhiều khả năng sự hài hước sẽ xảy ra.
Ví dụ tiêu biểu là các dark joke hoặc political joke. Khi đó sự hài hước ẩn trong một lớp nghĩa không phổ biến.

5. Veatch’s Theory
Veatch cố gắng dung hòa tất cả học thuyết trên. Học thuyết của Veatch có thể tóm tắt bằng câu: Sự hài hước là những hụt hẫng/sai sót về mặt tinh thần nhưng được chấp nhận.
Dựa trên 2 yếu tố chính là mức độ/cách thức ảnh hướng tới tinh thần và sự chấp nhận, Veatch phân chia và sắp xếp các học thuyết khác vào lý thuyết chung của mình.
6. Các học thuyết xã hội
Các lý thuyết xã hội học liên quan đến sự hài hước không tập trung vào câu hỏi của triết học: vì sao chúng ta cười. Ở đây chúng ta phân tích sự hài hước trong bối cảnh tổng hòa xã hội, chịu ảnh hưởng và đồng thời tác động tới các yếu tố khác. Trong xã hội học, khi đặt tách biệt với triết học, sự hài hước được tranh luận dựa trên 3 luồng nhận định chính: Maintenance Theory, Negotiation Theory and Frame Theory.
6.1 Maintenance Theory
Maintenance Theory cho rằng chúng ta cười đùa để giữ mối quan hệ và sự liên kết với gia đình, cộng đồng, bản sắc. Chúng ta cười đùa sự khác biệt của để nhấn mạnh sự giống nhau giữa chúng ta, hoặc cười đùa chính phẩm chất của chúng ta để riêng biệt hóa chúng. Ví dụ dưới đây mang tên 300 bài code thiếu nhi, nguồn từ Voz.
Bà hàng xóm nhà mình đây, trước đi buôn đồng nát, tình cờ có thằng sinh viên khoa CNTT nó bán đống sách cũ. Thế nào mà bà ấy mua "300 bài code thiếu nhi" cầm về đọc.
Rồi sáng đi mua đồng nát, tối về đọc sách, cuối tuần ra quán net thực hành. Sáu tháng sau bà ấy khăn gói lên Hà Nội đi phỏng vấn, cũng nhờ code trên giấy nhiều mà mấy bài "white board" bà ấy làm ngon ơ. Cũng 5 năm rồi, giờ đang làm lead ở một công ty khá lớn.
Đúng là cái nghề này mang lại cơ hội đổi đời cho nhiều người.

2. Quê tôi miền biển, có gia đình cạnh nhà làm nghề chài lưới. Bữa đi kéo lưới, anh chồng thấy nặng nặng tưởng được mẻ cá to, ai ngờ toàn sách là sách. Nào là "300 bài code thiếu nhi", "Lập trình căn bản", "Machine Learning", "Deep learning", "AI"...
Anh định vứt đi nhưng nhà mấy đời không biết mặt chữ là gì nên quyết tâm cầm về gối đầu giường. Đi học bổ túc văn hóa ban đêm phổ cập con chữ.
Ấy thế mà bẵng đi 6 tháng tôi từ thủ đô về thăm anh khoe giờ ở nhà làm freelancer cho công ty gì ở Mỹ ấy, to lắm, lương xấp xỉ 1 củ Trump/năm.

3. Gần nhà mình có ông tầm gần 30, bảo làm cà phê, tiêu mệt quá. Thế là khăn gói xuống thành phố học 1 khóa lập trình "pithon dip leaning" gì đó, xong rồi làm 300 bài code thiếu nhi luyện tập. Bữa mới nói chuyện khoe đang làm lương cũng 1 2k gì đó!

4. Bác họ tui 46 rồi, chạy ba gác hoài mệt quá đi học lớp code cấp tốc. Học hết 2 tháng với làm hết bài trong cuốn 300 bài code thiếu nhi, xong apply vào công ty kia làm mảng data science mỗi tháng lương net hơn 400tr.

5. Ông xe ôm xóm mình sinh năm 82, hôm trước chạy xe lớ ngớ thế nào rớt xuống cống, rồi nhặt được cuốn lập trình "code thiếu nhi" gì gì đó, về đọc đâu hơn 1 tháng rồi ra HN làm cho công ty trí tuệ nhân tạo to lắm, mới làm 1 năm mua được nhà HN, mua được thêm con Mazda 6 rồi.

6. Giống tôi, trước đẩy xe hủ tiếu ngoài đường vô tình bắt gặp nhà nọ mở thời sự về blocktrain, thế là cứ ngày đi bán tối về coi NTN với tranh thủ coi clocktrain 1 xíu.
Về nhà tối nào tôi cũng làm 3 bài trong "300 bài code thiếu nhi", mà sau 3 tháng cũng apply được công ty về tiền ảo. Giờ tôi đánh sang cả mảng AI nữa, mới viết app di dộng auto deepfake có người trả 300k$ chưa bán.

7. Năm ngoái đi phụ hồ ngoài công trình vô tình nhặt được cuốn sách 300 bài lập trình dành cho thiếu nhi về nhà luyện tập theo sau 3 tháng tự tin apply 1 cty chuyên về AI, ML ở quận 1 lương 3k chưa thưởng hay phụ cấp đây.

8. 6 tháng trước làm nhà hàng vất vả quá, trong lúc thái thịt đọc lướt được cuốn java căn bản với 300 bài code thiếu nhi. Bây giờ dev full stack lương 2,2k.

9. Chú tôi làm sales sim số đẹp cho viettel đợt rồi đói ăn quá nên vất cho cuốn lập trình code thiếu nhi gì đấy, 6 tháng sau vào làm dev cứng FPT rồi , nghe bảo lương 2k vì ngành này đang hot.

10. Ông già tôi làm công nhân than đuối quá, muốn kiếm việc gì nhẹ hơn. Tôi giới thiệu ỗng khoá học HTML CSS PHP trên ucademy với làm bài tập trong cuốn 300 bài code thiếu nhi.
Sau 6 tháng, giờ ỗng ở nhà làm freelancer rung đùi hàng tháng tài khoản cứ bắn vào mấy ngàn $. Đang tính bảo bà già khỏi đi làm nữa ở nhà mà xài tiền.
6.2 Negotiation Theory
Negotiation Theory tập chung vào tính riêng biệt của văn hóa. Một văn hóa quy định rõ ràng cái gì để đùa, cái gì không được đùa. Vài nơi đùa dưới thắt lưng quần, vài nơi đùa với chúa. Vài nơi thì tuyệt đối không.
6.3 Frame Theory
Frame Theory cho rằng sự hài hước là cách con người chuyển giao giữa các bối cảnh. Chúng cho phép mọi người có thể nhìn nhận lại hoặc thay đổi bản thân một cách nhanh chóng. Từ một tình huống lịch sự sang một tình huống thân mật, từ một mất mát sang một sự chấp nhận…v.v Sự hài hước ở đây cần được mọi người hiểu và đồng thuận, và thường do cùng chia sẻ một góc nhìn/một nền tảng văn hóa.
The Closet" - CANAL 2009
7.1 Khoa học thần kinh
Một nghiên cứu gần đây đã tiến hành một thí nghiệm như sau. Có 3 nhóm người: những nghệ sĩ hài chuyên nghiệp, những nghệ sĩ hài nghiệp dư, và người thường. Mỗi người được xem một đoạn tranh hoạt họa không lời, và được yêu cầu viết lời thoại cho đoạn tranh trên trong 2 trường hợp: bình thường và hài hước. Não họ được chụp cộng hưởng từ trong quá trình trên.
Kết quả cho thấy với những người chuyên nghiệp, phần thùy thái dương - vốn phụ trách xử lý tín hiệu từ các giác quan thành thông tin có ý nghĩa, hoạt động tích cực hơn nhóm còn lại. Với nhóm này, phần vỏ não trước trán - vùng chức năng phụ trách sự tập trung và ra quyết định, hoạt động vượt trội và lấn lướt so với phần thùy thái dương. Song song, một bài đánh giá sự hài hước của lời thoại cho kết quả tương đồng và tỉ lệ với mức độ hoạt động của thùy thái dương.
Đóng hộp lòng vị tha
Ở đây, nhiều nhà khoa học thần kinh cho rằng hài hước là một khả năng liên quan đến sáng tạo, tương tự như hội họa, âm nhạc... Đó có thể coi là một cách sáng tạo "ý nghĩa", khi chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và ghi nhớ thông thường. Đây là một khả năng, và chúng ta học cách hài hước để có thể chấp nhận thực tại và tiếp thu sự khác biệt, vốn là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh thế giới hội nhập và tiếp thu các nền văn hóa khác nhau.