Tôi đọc được bài viết "sao cô phải quỳ xin tiền giữa Sài Gòn" 

Bài viết có một đoạn thế này: "0g sáng 31-7, khi thấy một người nước ngoài xì xồ chỉ chỏ cảnh thảm hại này, một bà cụ nói thẳng với chị phụ nữ quỳ xin tiền: "Chị coi còn khỏe quá sao quỳ ăn xin chi cho khổ vậy; người nước ngoài họ ngó kỳ lắm". 


Như thể bạn tác giả rất lo lắng cho sĩ diện dân tộc của bạn bị ảnh hưởng bởi một cô gái quỳ ăn mày. Như thể bạn không thể chịu đựng được vì cô ấy khoẻ mạnh (như bạn ấy hoặc hơn vậy) nhưng lại làm một công việc mà bạn coi thường. 


Tôi đã tự hỏi hàng chục lần về cách ta có thể suy nghĩ về một người ăn xin. Hôm nay, đang ngồi trong tiệm bánh, tôi đã hỏi bạn mình, một người gần 50 tuổi. 

"Vâng, mỗi lần tôi cho một người ăn xin, bạn bè đều nói tôi đang bị họ lừa, và tôi đang góp phần làm cho Bangkok có thêm nhiều những kẻ ăn xin lợi dụng người khác." 

"Tôi không nghĩ nếu mình ngừng cho họ tiền, thì Bangkok sẽ ít người ăn xin hơn, nhưng tôi không muốn mình sẽ nghi ngờ và lầm lẫn khi từ chối giúp một ai đó thực sự cần, chỉ vì tôi đã nghi ngờ." 


Nhìn cơn mưa ngoài tiệm ăn, cô kể tôi nghe về tuổi thơ, về cái cô gọi là "phải sống còn", nơi mẹ cô đã tìm khắp ngôi nhà đói khổ của họ ở miền Nam Thái lan để tìm ra 2 baht - thời cô còn bé - để cô có thể đi mua ít gạo cho cả nhà ăn. 

"Đó là những khi chị em tôi bị ốm, và mẹ phải tiêu sạch tiền vào thuốc và không thể đi bán hàng. Chúng tôi chỉ còn 2 baht. Rồi mẹ đi đâu đó đến nhà bạn, vay họ vài chục baht, rồi mua hàng tiếp tục bán để sống qua ngày. Tôi đã sống trong cảnh chỉ cần 2 baht để cả ba mẹ con không chết đói. Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có thể có thời khắc như vậy." 


Cô sẵn sàng bỏ vài đồng tiền lẻ ra - với ý nghĩ một ai đó thật sự cần, giống như mẹ cô đã vét sạch cả nhà ra 2 baht và cho đứa con khỏi đói. 

Trải nghiệm cá nhân khiến ta có phán xét khác nhau với người ăn mày đứng trước mặt mình. Bà ấy có ở trong một đường dây ăn mày chăn dắt người già không? Thằng bé đó, nếu không được cho tiền, ai sẽ đánh đập nó? Cô gái ấy, cô có chân tay đủ cả, sao không đi làm mà lại đi ăn mày? Bà bán hàng cả ngày chỉ lời 100k, cô ấy ăn mày một tháng kiếm 40 triệu. 


Hàng trăm ý nghĩ xô đẩy vào ta trước khi quyết định cho một người ăn mày tiền, hay nhìn họ lướt qua mình bằng ánh mắt phán xét và phẫn nộ.


Con người luôn có phần nhân phẩm sâu kín. Khi họ phải gạt bỏ lớp nhân phẩm ấy, để cúi xuống và chìa tay xin ai đó tiền, bằng bất cứ thủ đoạn nào, thì có phần nào đó trong đời của họ hẳn vỡ tan thành từng mảnh hoặc mắc kẹt ở một đoạn nào đó. 


Dù ở quá khứ, hiện tại, tuổi thơ hay một lần gục ngã, nhân phẩm là thứ đã bị đẩy đi quá xa đến một giới hạn nào đó và khiến một người trở thành ăn mày. 

Đó không phải là sự suy thoái hay đổ vỡ nhân cách. Đó chỉ đơn giản là cuộc đời khiến họ phải chọn lựa, và trở thành một người ăn mày. 


Tôi đã từng hỏi nhiều người ăn mày mình gặp trong đời vì sao họ trở thành như vậy. 


Có người tạo dựng một câu chuyện thương tâm vì họ thấy điều đó đem lại cơ hội (và tôi chẳng phải bạn thân để mà tâm sự). Có người đơn giản là đã mất tất cả vì sai lầm gì đó và phải xoay sở. Có một bạn ăn mày tôi từng gặp ở Malaysia, bạn nói rằng đó là kiểu sống bạn yêu thích, nên bạn chọn vậy. Khi nào hứng thì đi hát rong, không hứng thì ngồi xin tiền. Bạn nói thích nhìn ánh mắt người ta nhìn trừng trừng hoặc phớt lờ bạn như kẻ vô hình. “Thỉnh thoảng, ánh mắt của họ làm tôi thấy đổ vỡ hơn là không xin được tiền,” bạn nói khi chìa cho tôi một viên kẹo. 


Đô thị có lý lẽ của vẻ đẹp sạch sẽ và văn minh, nơi người ăn mày không hợp để trở thành vật trang trí. Những người lê lết, dơ bẩn, nghèo hèn, phức tạp bị đối xử thua chiếc ghế đá bỏ trống chẳng ai ngồi, hay cái nhà vệ sinh đóng cửa chẳng cho ai vào. 


Nhưng liệu chúng ta, những con người khác, có nên dùng những lý lẽ kiểu “còn khoẻ quá sao quỳ”, hay “người nước ngoài ngó kỳ” để ứng xử với một con người hay không? 

Chúng ta không thể xem họ là một cái cột đèn xấu làm mất thể diện quốc gia, hoặc một cái ghế đá đẹp nhưng vô dụng. 


Người ăn mày là con người – và nếu bạn không thể cho họ tiền hay ứng xử cao sang hơn với họ - thì hãy tưởng tượng xem họ đã vứt bỏ tất cả sĩ diện, nhân phẩm, sự cao vọng hào nhoáng của danh dự, vỏ bọc, bề ngoài để có được tiền/miếng ăn. 


Đừng nghĩ như thế là quá rẻ... Đừng nghĩ bạn đang cho đi quá nhiều. 


“Tôi thà mất vài chục baht vì giúp nhầm một kẻ lừa mình, còn hơn sẽ ân hận vì đã thực sự quay lưng với ai đó rất cần sự giúp đỡ, như mẹ tôi đã được người ta cho vay tiền để giúp chúng tôi sống sót qua sự nghèo khổ,” bạn tôi nói và nhìn ra ngoài mưa. 


Khải Đơn