"Mình làm cái này để làm gì nhỉ?"
Lần đầu tiên tôi đặt ra câu hỏi ấy là vào cuối năm lớp 9, khi tôi đang đạp xe khoảng 8km từ chỗ học về nhà. Tôi nhớ mãi đợt đó là tối mùa đông, trời  đang mưa lất phất, 10h kém, bụng đói, tay cóng, và đó là lớp tiếng Anh thi vào chuyên cấp 3.
Khi đang gò lưng đạp xe lên dốc, thứ tự suy nghĩ của tôi khi ấy là:
- Chà, vất vả quá. Mình mới lớp 9 thôi mà
- Mình phải vất vả thế này để làm gì nhỉ? À đúng rồi để thi vào chuyên.
- Mà thi vào chuyên Anh để làm gì nhỉ? Hình như mẹ bảo mình thi vào đấy để sau này đi du học.
- Du học à? Nghe cũng hay đấy. Ơ mà, mình muốn đi du học từ bao giờ thế nhỉ? Uh nhỉ, là mẹ bảo thế thì mình cũng biết thế chứ mình cũng có biết du học là thế nào đâu. Đến thi vào chuyên Anh cũng là mẹ bảo nốt
- .....Ơ...thế....Ô f*ck.....Thế rốt cuộc, từ trước tới giờ, MÌNH đã làm gì?
Tôi nghĩ tôi thuộc trong nhóm những người bình-thường. Bình-thường ở chỗ từ nhỏ tới lớn, áp lực duy nhất là học hành. Bố mẹ bảo vào trường nào, học lớp nào, thầy cô nào, thì cứ thế đi học. Đi học, bạn bè đứa nào đứa nấy cũng đua nhau đạt điểm cao, đi học thêm thầy này cô kia kín ngày, thì mình cũng thế. Và học thì cứ phải là học các môn trên trường, hoặc những môn để thi vào cấp ba, vào ĐH. "Mọi thứ học khác đều là phí thời gian và không quan trọng" - đó là lời mẹ tôi nói khi tôi xin tiền bà đi học guitar vào năm lớp 7, và một lần khác là xin đi học võ vào năm lớp 8.
Gần như 12 năm phổ thông, tôi để ý thấy hầu hết bạn bè xung quanh tôi ai cũng sống theo một cái guồng, một đường mòn y như vậy, cấp nào cũng thế: ăn uống, ngủ nghỉ, dậy đi học ở trường, về nhà ngủ nghỉ ăn uống, lại dậy đi học thêm, về nhà ăn uống học bài tới muộn rồi ngủ nghỉ rồi lại lặp lại. Tới tận lớp 12, ở cái tuổi mà đã có những nhận thức, chín chắn nhất định, những cuộc trò chuyện nghiêm túc nhất mà mấy đứa chúng tôi từng có vẫn chỉ là học trường nào? ở chung với ai? kiếm người yêu ra sao? Bung lụa tự do khi lên HN thế nào? 
What Am I Doing with My Life? Find Your Answer Here

Tôi thì có những suy nghĩ riêng của mình. Từ tối mùa đông đạp xe qua hai đầu thành phố ấy, tôi vẫn cứ luôn đau đáu trong mình câu hỏi ấy "Mình muốn làm gì?""mình đang làm những gì mình đang làm để làm gì?". Chính bởi những câu hỏi ấy mà khi lên cấp 3, việc học của tôi bị chững lại. Nếu như từ lớp mẫu giáo tới lớp 9, tôi thuần túy là con ngoan trò giỏi, chăm chỉ học bài, hay nói chính xác là học thuộc, đứng đầu lớp ở tất cả các môn, mà không hề than vãn hay có chút mảy may bất bình gì, thì từ khi lên cấp 3, tôi luôn thấy có vấn đề trong phần lớn những gì mình làm. Rốt cuộc tôi lao đầu vào học thế này để làm gì? 
Tôi thực sự không thấy được đích đến của mình. Nếu như hỏi lũ học sinh lớp 12  "Em muốn làm gì" thì có lẽ bọn nó sẽ không ngần ngại mà nói ngay "Đỗ đại học": đứa thì muốn vào Ngoại Thương (còn phải là Kinh Tế Đối Ngoại nữa cơ), đứa thì vào ĐH HN, đứa thì ĐH HP v...v.... Nhưng mà...để làm gì? Tôi hỏi bạn gái tôi (lúc đó), cô bạn học rất giỏi, rằng "Sao cậu lại muốn vào Kinh Tế Đối Ngoại? Có gì hay ở đó?" thì cô ấy trả lời, cũng giống như những bạn khác, rằng "Đó là truyền thống của lớp chuyên Anh rồi. Những đứa giỏi đều vào đấy". Câu trả lời đó thực sự làm tôi đau đầu, bởi tôi không hiểu. Đến học cái gì ở ngành đó, đầu ra làm gì các bạn còn không biết, thì sao lại cứ học sống học chết để được vào đó? Cái khái niệm "để được tự hào do có mác xịn" khi ấy không thể ngấm được vào đầu một thằng luôn đau đáu một mục đích cho hành động của mình (và bây giờ vẫn không thể).
Thế nên, dù vẫn bắt buộc phải theo guồng "đỗ đại học" ấy, nhưng sự hứng thú với học tập của tôi giảm hẳn. Trước đây tôi cố gắng học để được khen là "con ngoan trò giỏi", nhưng lên cấp 3 thì nhu cầu đó không còn nữa. Tôi luôn cố gắng để đứng trong nửa trên của lớp, và vẫn đỗ đại học để đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu để bố mẹ không bị xấu mặt, nhưng kể cả khi tôi đi du học lần đầu tiên, tôi vẫn không hề biết mình đi để làm gì.
Một thằng 21 tuổi như tôi khi ấy chỉ nghĩ được lợi ích duy nhất của việc đi du học là học cách giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn. Bố mẹ thì bảo học được cái đấy sau này về dạy IELTS, kiếm nhiều tiền lắm đấy. Khả năng của tôi có thể làm được điều đó, nhưng tới cùng thì nó vẫn không phải là ý muốn của tôi. Rốt cuộc thì tôi muốn làm gì đây, trời ơi!!!!
life

Khi tôi sang tới Úc rồi, mọi người thân ở nhà đều khuyên nhủ và đặt hy vọng rằng tôi sẽ xin được định cư ở Úc để sau này mọi người có thể gửi con cháu sang nhờ giúp đỡ, coi như đi để mở đường cho cả dòng họ. 21 tuổi thì làm sao mà nghĩ được là mình sẽ phải bỏ ngần ấy công sức chỉ để cho người khác cơ chứ?!?!? Vậy nên những tháng đầu tiên sang Úc tôi vẫn khăng khăng là tôi sẽ về VN, mặc cho bố mẹ liên tục gọi điện sang nói nhỏ nhẹ có, mắng nhiếc và gán cho tội "bất hiếu" cũng có luôn. Mãi cho tới khi sống và học tập ở Úc được khoảng nửa năm, cảm thấy thoải mái và hợp với cuộc sống nơi đây, tôi mới bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc xin định cư, và cũng là quyết định lớn lao đầu tiên trong đời mà tôi hoàn toàn thực hiện theo ý mình.
4 năm. 4 năm là thời gian kể từ khi tôi đặt chân tới Úc cho tới khi tôi hoàn thành được 'sứ mệnh' xin được định cư của mình. Trong suốt 4 năm này, mục tiêu lớn nhất của tôi dừng lại ở việc "xin định cư", xin xong thì mục tiêu tiếp theo là học tiếp cái gì mình thích (vì dân định cư được chính phủ hỗ trợ tiền học), nhưng học cái gì thì chưa biết. Vẫn là câu hỏi "Mình muốn làm gì ấy?". Thật may, như đã chia sẻ ở ba phần của bài viết Du học, tâm lý học và tính tò mò đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào, tôi đã có những sự 'thức tỉnh' lớn trong 4 năm học tập và làm việc nơi xứ người, về cuộc sống, về con người, về giới hạn của bản thân. 
Và chính những thức tỉnh này đã giúp tôi nhận ra mình là ai và thực sự muốn làm gì: Tôi muốn dạy cho những chàng trai trẻ tuổi những bài học về giới hạn của bản thân, về cách thể hiện bản thân, cách giao tiếp với người khác giới, và nhiều kĩ năng mềm khác - những điều vô cùng quan trọng cho cuộc sống mà tôi ước tôi đã được dạy khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi muốn giúp họ rút ngắn được thời gian bước đi trong sự mông lung, vô định về tương lai như tôi đã từng. Tôi muốn giúp họ biết bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đưa mình lên tầm cao mới từ sớm, thay vì sau khi đã đi hết 1/3 cuộc đời như tôi. 
Với mục đích đó trong đầu, sau khi xin được định cư, tôi đã mất thêm 2 năm nữa để hoàn thành khóa học Sư Phạm, và hiện nay chính thức là một giáo viên cấp 3, dạy các em từ lớp 10 tới lớp 12, đúng lứa tuổi mà tôi muốn nhắm tới để truyền dạy cho các em những kiến thức trên. 
Quả thực, cuộc sống kể từ khi có một mục đích lớn lao, dài hạn và rõ ràng có ý nghĩa hơn rất nhiều. Mọi giây phút tôi làm việc đều không cảm thấy bị lãng phí. Mọi lời nói với các em học sinh đều là cơ hội để gửi gắm những thông điệp khích lệ các em làm tốt hơn là hoàn thành bài tập về nhà. Tôi không muốn các em dừng lại ở việc đỗ đại học. Tôi muốn các em vẫn tiếp tục tự giác nỗ lực bay xa hơn ngay cả khi không có tôi ở bên cạnh thúc ép. Bởi, tôi đang đứng ở vị trí ngày hôm nay, khi trước đây tôi chỉ là một con rối của guồng quay cuộc đời, và không có một ai ở bên cạnh chỉ dẫn và nói với tôi "Em làm được mà".
Tưởng rằng như vậy là coi như cuộc sống đã là mãn nguyện, nhưng tôi vẫn còn muốn làm tốt hơn như vậy. Tôi muốn dạy nhiều hơn là các em học sinh ở Úc. Tôi muốn dạy nhiều hơn việc bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi muốn truyền đạt những kinh nghiệm, hiểu biết của tôi về đàn ông và phụ nữ cho cả những anh em ở VN, nơi mà văn hóa giao tiếp giữa hai giới còn rất hạn chế và vẫn liên tục gây ra những cãi vã, mâu thuẫn không đáng có. 
Đó là lí do kênh Youtube Đàn Ông Học của tôi ra đời. Đúng như cái tên, Đàn Ông Học vừa là nơi để cánh đàn ông học về những kĩ năng mềm, những cách để cải thiện bản thân, và cả cách để giao tiếp với nữ giới, cũng vừa là nơi để các chị em học về tâm lý của đàn ông và sự khác nhau giữa hai giới. Đàn Ông Học là một lớp học, nơi đàn ông và phụ nữ tới để học hỏi và trao đổi thông tin, chứ không phải để vui chơi, tám chuyện. Nó cũng không phải là một 'lò' dạy những thủ thuật 'mì ăn liền' để biến một boy trở thành 1 gentleman chỉ trong tích tắc. Đó là lý do mà vlog đầu tiên của kênh, tôi xin dành trọn để nói về sự thành thật, cũng là cốt lõi của kênh Youtube cũng như Facebook group:
Tôi vốn dĩ đã có thể lựa chọn những chủ đề hấp dẫn hơn để bắt đầu channel, ví dụ "Nói về tính dê của đàn ông" hay "Sự khác nhau trong tâm lý của đàn ông và phụ nữ", nhưng tôi vẫn lựa chọn chủ đề này để nói đầu tiên, bởi dù các anh em có làm gì đi nữa để cải thiện bản thân, chúng ta vẫn nên làm với nền tảng của sự thành thật, chân thành. Không miễn cưỡng, không làm màu, không "diễn".
P/s: Tôi chọn từ "trưởng thành" thay vì đàn ông "alpha" bởi "alpha" đem lại cho tôi một ấn tượng khá...gượng ép. Như thể bạn phải chứng tỏ được với mọi người rằng bạn là 'alpha' thì mới thành công vậy. Trong khi đó, mục tiêu của Đàn Ông Học là đưa bạn trở thành một người đàn ông trưởng thành theo phong cách riêng của bạn và không cần sự công nhận từ ai hết: chính bạn phải học cách yêu thương và chấp nhận bản thân mình.
Đàn Ông Học thuần túy là đam mê của tôi, với mong muốn giúp các anh em tránh được những sai lầm mà cánh đàn ông hay mắc phải, với chính bản thân và với các chị em. Nó bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình bố mẹ không hòa thuận, những sai lầm của bản thân cho tới những quan sát về những sự đổ vỡ tương tự ở những gia đình xung quanh. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, những mâu thuẫn ấy vẫn liên tục tiếp diễn mà chưa từng ai dừng lại để hỏi tại sao nó xảy ra? Và làm thế nào để giải quyết chúng? Vision của Đàn Ông Học là sẽ trở thành Quora VN, một Spiderum dành riêng cho phái mạnh, nơi những người đàn ông văn minh, intellectual nghiêm túc trong việc trở nên hoàn thiện hơn (nhắc lại, các chị em cũng welcome nha :D). Với vision như vậy thì Spiderum là một khởi đầu không thể hoàn hảo hơn. Tôi vẫn sẽ viết bài trên Spiderum, nhưng tôi cảm thấy tôi sẽ giao tiếp được nhiều hơn với anh em (và chị em) qua Vlog và Facebook Group. 
Rất mong nhận được nhiều sự ủng hộ và ý kiến xây dựng từ các bạn.
Còn bạn thì sao? Bạn là ai? Và bạn đang làm điều bạn đang làm để làm gì?