Các bài viết khác cùng tác giả: https://spiderum.com/nguoi-dung/kiaconchim
Việt Nam ta có câu: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Phương Tây có câu: “Đừng đánh giá một quyển sách qua trang bìa”. Ý nghĩa của 2 câu này ra sao, có lẽ tôi không cần giải thích. Tuy nhiên, sự đúng đắn của nó cần được cân nhắc kỹ lưỡng. 
Hai câu trên đúng về mặt lâu dài, tức là chỉ đúng sau khi chúng ta đã có thời gian tiếp xúc, phát hiện và tìm thấy những cái “nết” của người khác để yêu và trân trọng họ hơn cái “đẹp” của họ. Vậy về mặt ngắn hạn, tức ngay tại thời điểm chúng ta gặp gỡ, lần gặp mặt đầu tiên, hay là một cái nhìn lướt qua đường, cái “đẹp” hay cái “nết” quan trọng hơn? Rõ ràng là cái “đẹp”, bởi chúng ta đâu thể nhìn lần đầu mà biết hay hiểu được tính nết của người ta thế nào. Bài viết hôm nay sẽ xin được nói về cái “đẹp” đó, nhưng không phải về mặt thẩm mỹ, mà về khía cạnh ngôn ngữ cơ thể và tâm lý học. 

Chúng ta hẳn từng biết một người nào đó có một nhan sắc hết sức bình thường, thân hình cũng không phải hoàn hảo, đồ đạc sử dụng cũng không phải mắc tiền, nhưng lại được rất nhiều người cảm mến hay dõi mắt nhìn theo. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại như vậy chưa? Đó chính là nhờ Ấn tượng đầu tiên, hay khía cạnh của cái “đẹp” mà tôi muốn nói tới trong bài này, của người khác về họ là rất tốt. Hay nói cách khác, khi vừa mới nhìn thấy lần đầu, tất cả những thông tin mà mắt người thu được từ họ đã được phân tích, dịch thuật thành sự cảm mến nơi người nhìn. Vậy thông điệp được dịch ra từ ấn tượng đầu tiên tốt đẹp đó là gì? 
- Là An Toàn, tức người kia sẽ không làm hại mình. Đây là thông tin đầu tiên mà chúng ta nhìn vào một người, được hành động một cách vô thức bởi bộ não nguyên thủy của chúng ta từ thời còn phải đối chọi với thú dữ và các kẻ thù khác. (sẽ được nói tới ở phần Phong Thái)
- Là Đối Tượng Giao Phối tốt. Lại một lần nữa, bộ não nguyên thủy của chúng ta lại vào cuộc, bắt chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ căn bản của sự tồn tại: Duy trì nòi giống. (Sẽ được nói tới ở phần Ngoại hình)
- Rồi sau đó mới là những thông tin mang thông điệp của thời hiện đại như tìm người Đáng tin cậy, chững chạc, dịu dàng, hay cá tính, năng động, trẻ trung, v..v....
Ấn tượng ban đầu là yếu tố quan trọng nhất ngay tại thời điểm mới làm quen, và ấn tượng này sẽ phải mất rất lâu sau mới phai mờ, với điều kiện bạn có điều kiện tiếp xúc với người ấy đủ nhiều để người ấy có thời gian hiểu bạn. Vì vậy, nếu không đầu tư cho ấn tượng ban đầu ngay từ đầu, rất có thể khi bạn chưa kịp thể hiện những kĩ năng giao tiếp của mình, đối phương đã ngay lập tức từ chối bạn. Bao gồm trong ấn tượng ban đầu là 2 điều: phong thái và ngoại hình. 
 Ngoại hình: sạch sẽ và gọn gàng. Đó là những điều kiện tối thiểu cần có để một người muốn lại gần bạn, chưa nói tới việc muốn giao tiếp với bạn. Đừng bỏ quên chữ “gọn gàng”. Dù bạn vừa tắm xong hay quần áo bạn vừa giặt giũ thơm tho nhưng luộm thuộm, râu không cạo, tóc tai bù xù, da đầy mụn thì trông không khác gì thằng hề cả. Kiểu tóc cũng có thể thay đổi hoàn toàn cách một người đánh giá bạn ở cái nhìn đầu tiên. Chọn kiểu phù hợp với hình dáng khuôn mặt luôn là sự lựa chọn tốt nhất.
Quần áo và các phụ kiện khác không nhất thiết phải đắt tiền, nhưng phải ăn nhập với nhau và phù hợp với tính chất của buổi gặp mặt. Không trang trọng chỗ dân dã, không xuề xòa chỗ nghiêm trang. Ăn mặc lố lăng (quần áo không hài hòa với nhau hay không hợp với vóc dáng, tuổi tác), lòe loẹt chỉ tổ tố cáo óc thẩm mỹ dở tệ của bạn mà thôi. Bản thân việc ăn mặc phù hợp với buổi gặp mặt cũng chính là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối phương ở buổi gặp mặt đó. 

Bạn không nhất thiết phải đẹp trai, xinh gái, nhưng hãy luôn cố gắng giữ vóc dáng của mình thật chuẩn. Một cơ thể chuẩn là một cơ thể khỏe mạnh, cân đối, có lượng mỡ vừa phải. Có một cơ thể chuẩn ảnh hưởng rất nhiều tới yếu tố thứ hai hình thành nên Ấn tượng ban đầu: Phong thái. Tới phòng gym hay tự tập ở nhà, hãy đầu tư thời gian và công sức ít nhất 30’ mỗi ngày cho nó. Kể cả không có người để gây ấn tượng thì một cơ thể khỏe mạnh và đẹp vẫn có ích cho chính bản thân bạn. 
                 Phong thái: cái này nghe có vẻ trừu tượng, nhưng thực chất phong thái là tổ hợp của những ngôn ngữ cơ thể rất nhỏ mà bộ não chúng ta từ khi sinh ra đã có chức năng giải mã mà ta không để ý. Tự tin, thân thiện, điềm đạm, duyên dáng v..v… đó đều là những tín hiệu đã được giải mã từ tập hợp các cử chỉ rất nhỏ bao gồm dáng đi, ánh mắt, nụ cười, tư thế tay và nhiều điều khác 
                  Dáng đi: nhiều bố mẹ khi dạy con dáng đi lại hay dạy phải đứng “thẳng lưng”. Điều này dễ làm con hiểu sai và dẫn tới tư thế bị sai, vì khi đi/đứng ở tư thế chuẩn, lưng của chúng ta không thẳng mà cong về phía trước. Khi này, ngực của chúng ta đang ưỡn về phía trước, nên lời dạy đúng nên là “ưỡn ngực về phía trước” thay vì “thẳng lưng”. Xem trong hình: 

Hình bên trái là các đốt xương nhìn từ phía trước, còn bên phải là các đốt xương nhìn từ bên cạnh khi chúng ta đứng đúng tư thế. Có thể thấy khi đứng chuẩn, cột sống của chúng ta cong 3 khúc. 

Hình bên dưới thể hiện rõ dáng người hơn. Bạn có thể thấy rõ hình ngoài cùng bên trái là tư thế chuẩn, lưng chúng ta hoàn toàn không thẳng mà cong 3 khúc, và ngực ưỡn về phía trước, đầu nhìn thẳng. (Đừng quan tâm tới vạch trắng, vạch trắng là họ kẻ từ thái dương xuống lòng bàn chân để thể hiện sự thẳng chứ không phải cột sống đâu) 
Dáng đi này vô cùng quan trọng trong việc gây dựng những đánh giá đầu tiên về bản thân nơi người khác.  Dáng đi chuẩn đem lại ấn tượng tự tin, nếu là nữ dáng đi đúng sẽ tôn them đường cong nơi cơ thể làm tăng vẻ duyên dáng. Dáng đi/đứng đúng cũng sẽ tạo cho bạn có cảm giác cao hơn, to hơn nữa. Ngược lại, bên trên tôi có nói cơ thể không khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng tới tác phong, đánh mạnh nhất là vào chính dáng đi. Cơ thể hay đau ốm, suy dinh dưỡng sẽ đi dặt dẹo, nghiêng bên này ngả bên kia, lưng gù, lảo đảo. Bạn tưởng tượng gặp một người như thế liệu bạn có thể có ấn tượng tốt không?
Tốc độ đi cũng ảnh hưởng tới tác phong: khi đi nhanh sẽ tạo vẻ bận rộn hoặc luôn trốn tránh ai đó, còn đi chậm rãi, bình tĩnh, bước nào ra bước đấy, không xiên vẹo sẽ tạo sự điềm đạm, từ đó tăng sự thoải mái và tin tưởng nơi người ta đang gặp. 
                    Ánh mắt: nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi đang nói chuyện. Với văn hóa người Việt Nam, việc nhìn thẳng này dễ gây ra sự bối rối, ngại ngùng, nên có thể nhìn 4-5 giây rồi nhìn qua chỗ khác 1-2 giây rồi lại nhìn lại. Nếu khó nhìn vào mắt, có thể nhìn vào phần sống mũi giữa 2 mắt cũng được. Nếu cả hai đều là nam giới thì nên rút ngắn thời gian giao tiếp mắt xuống còn 1-2 giây khi nói chuyện. Khi nhìn nên kết hợp cử chỉ đầu trong cuộc trò chuyện (như đã nói ở các phần trên). Không nhìn láo liên sang chỗ khác thể hiện sự mất tập trung hoặc tạo cảm giác vụng trộm, không đáng tin cậy. 
                    Nụ cười: Làm thế nào để có được nụ cười thật tự nhiên mà vẫn thân thiện với một người mình chưa bao giờ gặp? Mẹo ở đây là hãy tưởng tượng đối phương là điều mà bạn thích nhất. Đa phần chúng ta khi gặp một đứa bé sẽ đều nở nụ cười rất thoải mái vì sự đáng yêu của chúng. Vì vậy, tưởng tượng người ấy là một đứa bé vài tuổi dễ thương là điều dễ nhất để có một nụ cười chân thành mà rạng rỡ. Nếu bạn sợ trẻ con, hãy tưởng tượng những thứ khác, thậm chí coi người kia là một chiếc Ferrari cũng được. Nam giới không nên cười quá rộng, nữ giới không nên cười quá nhiều trong các cuộc giao tiếp công việc. 
                    Tốc độ nói, tông giọng nói: hãy đồng bộ những điều này với người đối diện. Nếu họ nói nhanh, ta nói nhanh. Nếu họ nói trầm, ta nói trầm. 
Và một vài tiểu tiết khác cũng có thể góp phần vào ấn tượng ban đầu của đối phương về chúng ta. Các chi tiết trên đóng phần nhiều nhất. Có một điều rất thú vị về bộ não của chúng ta: đó là tâm lý ảnh hưởng ngôn ngữ cơ thể, và ngôn ngữ cơ thể cũng ảnh hưởng ngược lại về tâm lý. Bạn có cảm thấy khi chúng ta mặc bộ quần áo bình thường, và chúng ta mặc bộ quần áo vest sang trọng, cảm giác của chúng ta khác không? Đó là minh chứng cho điều đó. Ngay cả khi bạn không thực sự tự tin về bản thân mình, hãy đi đúng dáng, quần áo gọn gàng sạch sẽ, tóc tai tươm tất, đi lại thật chậm rãi, dần dần bạn sẽ thấy được sự tự tin đang lớn dần lên trong mình. “Fake it till you make it”.

* Lưu ý nhỏ: nhiều người cho rằng sự đầu tư cho vẻ bề ngoài này là diêm dúa. Vẻ bề ngoài chỉ trở nên diêm dúa, lố lăng khi: 
– Bạn đầu tư quá nhiều một cách không cần thiết cho nó. Hoặc là bạn dành quá nhiều thời gian cho nó làm ảnh hưởng tới việc khác hoặc người khác, hoặc bạn cứ đòi mua đồ thật đắt tiền hay trang điểm quá đậm. 
– Quá chau chuốt, cầu kỳ so với tính chất buổi gặp mặt hay sự kiện. Nếu đi ngồi trà đá vỉa hè với lũ bạn mà bạn đầu tóc chuốt keo bóng lộn, mặc suit và đi giầy da bóng lộn, hẳn nhiên bạn sẽ bị đuổi về với hành tinh mẹ mặc dù quyền tự do cá nhân cho phép bạn làm điều đó. 
– Bắt chước hoàn toàn 1 gu thời trang của ai đó không phù hợp với thể trạng bản thân. Một người có chiều cao “khiêm tốn” nhưng lại cứ thích mặc những chiếc áo măng tô kiểu Tây như trong phim Bố Già thì sẽ trông càng “khiếm tốn hơn”. 
Ai cũng có quyền làm đẹp. Và khi đẹp bạn sẽ trở nên càng tự tin hơn. Vậy nên hãy đẹp một cách thông minh, tinh tế và đẹp theo cách của riêng mình. Rất mong những chia sẻ trên đây giúp các bạn cải thiện được ấn tượng ban đầu của mình trong cuộc sống hằng ngày. Chúc may mắn! 
Tài liệu tham khảo: 
The benefits of good posture – Murat Dalkilinç – Ted-Ed 
How to instantly connect to anyone – Leil Lowndes