Nhiều người cho rằng đối với phụ nữ thì “cảm giác an toàn” là một yếu tố quan trọng mà họ cần trong một mối quan hệ. Họ có thể nhận lời yêu một người đàn ông khi ở bên người đó họ cảm nhận được “cảm giác an toàn”.
Vậy thì điều gì đem lại “cảm giác an toàn” đó? Rất nhiều thứ khác nhau. Có thể là ngoại hình rắn rỏi, cao to, có thể là tính cách chu đáo, quan tâm đúng mực, có thể là khả năng tài chính hùng mạnh, có thể là sự chân thành, trung thực, thủy chung… có thể là một hoặc một vài, hoặc tất cả những yếu tố đó. Điều này tùy thuộc vào cảm nhận của người phụ nữ và khả năng của người đàn ông. Cô ấy cảm nhận ở anh ta sự an toàn, và anh ta có khả năng chứng minh cô ấy đúng.
Cảm giác an toàn của người nữ trong mối quan hệ nam nữ đa phần theo hướng nương tựa, cần chở che.
Người nam cũng có cái gọi là cảm giác an toàn: khi họ khỏe mạnh hơn, đẹp trai hơn, giàu có hơn, quyền lực hơn… họ tự tin hơn hay có nhiều cảm giác an toàn hơn. Và cảm giác đó được củng cố, phát huy khi họ có thể trở thành chỗ dựa cho một người phụ nữ mà họ yêu thương. Khi đó họ càng thấy mình cao lớn hơn, an toàn hơn. Điều này có phần giống với việc nhìn người yếu hơn tự nhiên thấy mình mạnh mẽ hơn vậy.
Trong một mối quan hệ nam nữ, nhìn bên ngoài có vẻ người nữ nương tựa vào người nam, thực tế là hai người tựa vào nhau. Họ đều tìm thấy cảm giác an toàn từ phía người kia.

Nhiều diễn giả, người lãnh đạo, người viết sách kêu gọi người ta hãy “bước ra khỏi vùng an toàn” để bức phá, bùng nổ, thành công… Thực tế là gì?

Đúng là khi ra khỏi vùng an toàn thì ta mới có thể thay đổi, đạt được những thứ mà ta chưa từng đạt được trong vùng an toàn. Nhưng đó chỉ là có thể mà thôi. Giống như trong quảng cáo vậy: hãy soạn tin nhắn với mức giá 10 ngàn và bạn có thể nhận được xe hơi 1 tỷ.

Vùng an toàn là nơi bạn biết mình cần làm gì và có thể làm gì, nơi bạn quen thuộc và kiểm soát được. Còn khi bước ra khỏi vùng an toàn, bạn đến một nơi hoàn toàn xa lạ, bạn phải tự lần mò thật lâu, thật hoang mang và sợ hãi, bạn có thể đi lạc và không bao giờ đến được cái đích tốt đẹp – thứ mà bạn vì nó bước ra khỏi vùng an toàn kia. Tuy nhiên đừng lo lắng, sẽ có người đến và dắt tay bạn cùng đi. Đó là những người lãnh đạo đầy nhiệt huyết, sẵn sàng chia sẻ thành công. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là dốc hết công sức và sự nhiệt tình đi theo bước chân của họ, đôi khi trả một vài khoản phí đào tạo nào đó, tất nhiên. Cũng có thể bạn sẽ được tạo điều kiện để làm việc không công – nhưng có rất nhiều kinh nghiệm trong các dự án của họ. Nói chung, bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ bước vào vùng được dẫn dắt.

Vậy cảm giác an toàn hay vùng an toàn có tốt không?

Câu trả lời muôn thuở: cái gì quá cũng không tốt hết. Ở quá lâu trong vùng an toàn của chính mình thì sẽ sinh ra cảm giác ù lì, ví dụ mà người ta hay dùng là cột con voi vào một cái cây nhỏ xíu từ lúc nó còn nhỏ, đến khi nó lớn nó cũng không dám bước khỏi phạm vi của sợi dây dù nó có thể kéo cả cái cây cột đi. Còn trong một mối quan hệ với người khác thì điều tai hại của cảm giác an toàn chính là sự phản bội. Người có thể lừa mình chính là người mình tin tưởng. Hay ngược lại khi chấp nhận tin tưởng một người cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng họ lừa mình. Đó là tác hại thứ nhất.
Tác hại thứ hai của vùng an toàn không phải là người ta lừa mình, mà là chính mình xem những gì người ta làm cho mình là lẽ đương nhiên. Nếu người nào đó lo lắng quan tâm mình mỗi ngày, lúc đầu mình sẽ thấy ngạc nhiên, thích thú, rồi quý trọng…. nhưng cũng có thể sẽ dẫn đến mình xem đó là trách nhiệm của người ta. Rồi chỉ cần họ không làm điều đó một hoặc vài ngày, ngược lại mình quay ra trách họ. Mình đã quá quen với cảm giác an toàn người ta mang đến cho mình, đến nỗi họ không làm nữa thì là họ có lỗi.
Tác hại thứ ba là sự nhàm chán. Quá an toàn thì sẽ ít có điều mới mẻ, ít có sự thăng trầm trong cảm xúc, cũng giống như chăn êm nệm ấm chỉ cần thiết khi mình đi ngủ, còn thức dậy thì phải vận động, bước ra ngoài trời, đi dạo… nằm suốt trong phòng thì dù căn phòng đó có đẹp và ấm áp thế nào đi nữa cũng nhàm chán.

Rốt cuộc là an toàn hay không an toàn?

Câu trả lời của mình là: nên mở rộng vùng an toàn của bản thân một cách an toàn. Cần biết giới hạn vùng an toàn của mình ở đâu và thử những điều mới, bước ra giới hạn của nó một chút, thăm dò khám phá những vùng bên ngoài nhưng đừng để mất phương hướng mà đi lạc hoặc không để người khác dẫn mình đi. Không bước ra khỏi vùng an toàn của mình, mà là mở rộng nó ra.
Đối với người khác đem đến cho mình cảm giác an toàn, thì mình nên trân trọng và biết ơn họ. Không nên xem đó là điều đương nhiên hay không thể thay đổi và nên góp sức để mở rộng vùng an toàn đó cho cả hai người.
Phân tích thì là vậy, còn về quan điểm cá nhân thì mình cho rằng khi yêu một người thì ta chẳng còn quan tâm đến cảm giác an toàn hay nguy hiểm nữa. Ta có thể nhận thức được những cảm giác đó, nhưng kệ nó thôi. Giống như Yuval Noah Harari nói trong quyển “21 bài học cho thế kỷ 21”: “Khi bạn thật sự yêu một người, bạn chẳng còn bận tâm về ý nghĩa của cuộc sống nữa”.
Vùng an toàn của bạn khi được mở rộng đến một mức độ nào đó sẽ hoàn toàn thu lại đến mức chỉ còn bên trong bạn, nghĩa là khi đó dù ở đâu hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng thấy an toàn, hoặc không cần an toàn nữa.
18.02.2020