Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc - Có nên nhìn nhận lại?
Bạn nghĩ sao về Nhà nước Văn Lang? Vua Hùng là nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt hay là nhân vật bước ra từ những trang cổ tích?
I, Dẫn nhập: Nguồn gốc tộc Việt
*Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam (dãy núi Ngũ Lĩnh trải dài các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quảng Đông TQ ngày nay), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2879 TCN, lấy con gái (vua) Động Đình Hồ quân (địa danh nay thuộc tỉnh Hồ Nam, TQ) sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ (một nàng tiên ơ phương Bắc, tương truyền là con gái/thiếp của Đế Lai), sinh một lần trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ra. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
II, Nước Văn Lang (khoảng thế kỷ VII TCN - 258TCN).
Theo nhiều tài liệu khảo cổ, hóa thạch người vượn cổ ở Việt Nam được xác định có cùng niên đại với người vượn Bắc Kinh. Trải qua các quá trình phát triển, tiến tới quá trình hình thành các thị tộc, bộ lạc. lúc này có 15 bộ lạc lớn mạnh nhất, đứng trước yêu cầu thống nhất để trị thủy và chống lại sức ép từ các bộ lạc xung quanh, 15 bộ lạc đã tập hợp lại, người đứng đầu tự xưng là Hùng Vương, nhà nước Văn Lang chính thức ra đời. Lãnh thổ nước Văn Lang lúc này trải rộng vùng bình nguyên, bao gồm đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã và đồng bằng sông Lam. Đông giáp biển Đông, phía Tây tới đất Ba Thục (Tứ Xuyên – TQ), Bắc tới hồ Động Đình, nam tới nước Hồ Tôn Tinh (sau trở thành nước Chiêm Thành). Phía bắc nước Văn Lang bấy giờ đã tồn tại nhà nước Tây Âu, của người Âu Việt, do dòng họ Thục đừng đầu.
Khi tác giả đặt câu hỏi khảo sát với nhiều bạn học sinh "Hãy kể tên một nhân vật lịch sử (có thật) là người Việt Nam sống xa thời chúng ta nhất là bạn biết?", câu trả lời hầu hết là "Hùng Vương" hoặc " các vua Hùng". Ngay cả trong nhà trường phổ thông ngày nay "thời đại Hùng Vương" hay "Nhà nước Văn Lang" cũng được giảng dạy giống như các triều Đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này, và không hề thấy còn rất nhiều lỗ hổng trong việc xác thực tính tồn tại của nhà nước Văn Lang với dân tộc Việt Nam ngày nay. Thuật ngữ “Hùng Vương” hay “các vua Hùng” vẫn còn gây nhiều tranh cãi về tính chính xác, đặt ra các câu hỏi như:
a, Mỗi đời Hùng Vương là một người, một gia đình hay trong chi trưởng của Lạc Long Quân ? Có 18 đời Hùng Vương trải dài hơn 2000 năm nên việc một người duy nhất mỗi đời Hùng Vương là phi lý, hay việc một gia đình thậm chí chi trưởng của Lạc Long Quân giữ được quyền lực lâu như vậy cũng khá khó tin;
b, Có thực sự tồn tại một Nhà nước Văn Lang trong lịch sử tộc Việt, hay nói cách khác là mối liên hệ xác thực giữa chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Cảnh Thịnh,.. với một Nhà nước hiện nay vẫn tồn tại nhiều tính “huyền sử” tên là Văn Lang? Nếu đúng, Nhà nước Văn Lang này đã thực sự là một “Nhà nước” đúng nghĩa chưa? Và nó mang bản chất nhà nước gì? Chủ nô hay Phong kiến?
Xin được bàn như sau:
Trước hết, là việc nên hiểu sao cho đúng về thuật ngữ “Hùng Vương” hay “các vua Hùng”. Xuất phát từ lý do phải trị thủy và chống lại ảnh hưởng của các bộ tộc lân cận, việc 15 bộ (tộc) ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã và sông Lam hợp lại với nhau ban đầu có lẽ giống với một liên mình về quân sự, kinh tế nhiều hơn, các bộ tộc có thể vẫn giữ người đứng đầu cũng như các tổ chức hành chính và quân đội của mình, nhưng cam kết sẽ cùng tham gia trị thủy và hội quân khi Hùng Vương hiệu triệu (có nét giống chế độ phong kiến phân quyền ở Phương Tây). Theo đó, Hùng Vương rất có thể là một chức vụ và các bộ (tộc) thống nhất cách thức để bầu chọn nên chức vụ này, nhiều khả năng không thế tập.
Cách giải thích thứ hai là không một cam kết nào được thiết lập và bất cứ khi nào một bộ tộc nào hùng mạnh, bộ tộc đó sẽ khuất phục các bộ tộc khác, và người/nhóm người đứng đầu đó sẽ xưng Hùng Vương. Chúng tôi thiên về cách giải thích thứ hai này hơn, do trình độ phát triển của xã hội thời đó, không cho phép duy trì một thỏa thuận lâu như vậy (ý niệm luật lệ, cam kết còn mơ hồ) và không hề có một hệ tư tưởng nào đảm bảo cho cách thức chọn Hùng Vương có vẻ là rất “cộng hòa” như cách giải thích đầu tiên (đời cụ, đời ông của các bộ tộc có thể đã đạt được một thỏa thuận chung, nhưng đến đời cháu, chắt, không có gì đảm bảo thỏa thuận đó được giữ gìn. Nên nhớ, việc trung thành với những gì được coi là truyền thống, lâu đời chỉ thực sự mạnh mẽ khi Thuyết Gia trưởng lên ngôi, tạo ra một sức mạnh liên kết bền chặt với gia đình, dòng họ và dân tộc).
Thứ hai, Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang được nhắc đến lần đầu dưới dạng văn bản trong một thiên (chương) có tên “Hồng Bàng thị truyện” trong tác phẩm Lĩnh Nam trích quái ở khoảng thế kỉ XIV. Có nghĩa là truyền thuyết mà chúng ta đang tiếp cận ngày nay được viết dưới góc nhìn của những trí thức đã có ý thức mạnh về dân tộc (vừa trải qua ba lần kháng chiến chống Mông-Nguyên) và ảnh hưởng bởi Nho giáo (khác với triều nhà Lý khi mà tôn giáo chủ đạo vẫn là đạo Phật thì đến cuối thời Trần, Nho giáo đã có sức ảnh hướng lớn, đặc biệt là tầng lớp trên), hay chí ít cũng đã được khúc xạ qua lăng kính của các nhà Nho thời đó. Nhà nước Văn La- do đó hiện lên với tư thế không kém gì với “Thiên triều” phương Bắc, về cả nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên”, đến tính chính danh “được Đế Minh ban cho cai quản vùng phía nam dãy Ngũ Lĩnh”, rồi về sự ưu ái của thiên nhiên như cảnh vật tốt tươi, lắm kỳ trần dị thảo làm Đế Minh thăm thú đến vài tháng mới về. Trước sức ép từ dân tộc quá đỗi vĩ đại như dân tộc Hán thì các cụ nhà ta (xin phép được gọi như vậy) luôn phải “gồng” lên, vươn mình lên. Chúng ta luôn phải chứng minh về sự tồn tại, về sự khác biệt của mình (lời giải thích cho việc nước ta thời phong kiến luôn hiện lên qua những trang sử như một dân tộc đặc trưng bởi tính “tự vệ”, “phản kháng”). Hiện nay, theo ý kiến của TS. Bùi Trân Phượng ,chưa có bằng chứng xác đáng và rõ ràng về mỗi liên hệ giữa chủ nhân văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình với “Nhà nước Văn Lang” mà ta tạm coi, nó là huyền sử, việc tìm ra và xác định một số di chỉ là tàn tích của một nền văn hóa tồn tại vào khoảng x TCN, và khảo cứu các thư tịch của hơn 1000 năm sau nói về (cũng là ước đoán) về sự tồn tại của một Nhà nước cũng vào khoảng đó, ta kết luật đó là 1 thì chúng tôi cho rằng chưa chặt chẽ cho lắm. Điều này ảnh hướng đến niềm tin của hầu hết mọi người rằng Hùng Vương là “những” nhân vật có thật.
Trả lời câu hỏi thứ hai, giải thiết sự tồn tại Nhà nước Văn Lang là thật và căn cứ vào những gì trước nay những người “tin rằng” Văn Lang có thật trình bày thì bản chất của Nhà nước Văn Lang cơ bản đã là một Nhà nước đúng nghĩa. Do xã hội lúc đó đã phân chia giai cấp và Nhà nước Văn Lang đảm bảo đủ 2 tính chất của một Nhà nước đó là tính giai cấp và tính xã hội. Một mặt nó đám bảo là công cụ chuyên chính, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp “trên” (chúng tôi băn khoăn về việc gọi tên giai cấp thống trị thời đại này), một mặt nó vẫn đảm bảo việc quản lý xã hội như đặt ra bộ máy hành chính, tổ chức các hoạt động tin ngưỡng, văn hóa,…Tuy nhiên, việc xếp Nhà nước Văn Lang vào Chủ nô hay Phong kiến còn là một vấn đề cần xem xét.
Lưu ý: Quan niệm về dân tộc, quốc gia, lãnh thổ thời đó rất khác so với hiện nay, nên việc phân biệt rạch ròi Văn Lang, Tây Âu hay bất cứ một bộ tộc, nhà nước sơ khai nào tồn tại hoàn toàn hay một phần trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại có thể đại diện cho “dân tộc Việt Nam” hiện tại là phiến diện và không khoa học.
II. Nước Âu Lạc ( 257 TCN - 179 TCN)
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, sau khi sắp đặt mọi việc nội trị, ông tiếp tục tham vọng bành trường lãnh thổ về phía Bắc và phía Nam. Phải nói thêm, theo quan niệm Trung Hoa thời bấy giờ, tồn tại khái niệm tộc “Bách Việt” chỉ những cộng đồng người có nhiều nét tương đồng về nhân chủng và văn hóa, sống ở bờ nam sông
Dương Tử, tộc Lạc Việt và Âu Việt cũng được xếp vào tộc lớn này. Năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem 50 vạn quân Tần viến chinh xuống phía nam để bình định các tộc “Bách Việt” này. Quân đi chia thành nhiều đạo, đạo thứ 3 do Nhâm Ngao chỉ huy, sau Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên thay. Nếu như việc chinh phạt của các đạo quân khác khá trôi chảy, các tộc Mân Việt, Nam Việt, Đông Việt,… đều chịu khuất phục sau một thời gian chống trả, thì đạo quân thứ 3 này liên tiếp gặp khó khắn, nhất là sau khi vượt dãy Ngũ Lĩnh tiến vào phần đất Âu Việt của người Tây Âu. Thục Phán, vua của người Tây Âu đã lãnh đạo cả người Âu Việt và Lạc Việc chống lại cuộc xâm lược của quân Tần (trả lời cho câu hỏi tại sao người lãnh đạo không phải Hùng Vương mà lại là Thục Phán chúng tôi đã đề cập ở phần giải thích về thuật ngữ “Hùng Vương” ở phần trên, khi có một thủ lĩnh mạnh hơn đứng lên, các bộ lạc sẵn sàng từ bỏ mỗi liên hệ với “Nhà nước Văn Lang” và chấm dứt truyền thống kế tập Hùng Vương trước kia). Cuộc kháng chiến chống quân Tần được coi là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đầu tiên của nước ta trước thế lực phương Bắc, trong khoảng 10 năm kháng chiến (từ 214 TCN), An Dương Vương đã thể hiện tài năng của một chỉ huy quân sự, xứng đáng là nhà lãnh đạo của Nhà nước Âu Lạc.
Cuộc kháng chiến kết thúc ngoài sự toàn thắng của Âu lạc thì cũng để lại 2 sự kiện lớn:
Thứ nhất, sự ra đời của một Nhà nước mới, độc lập, tính cố kết và tính “dân tộc” cao hơn, đó là Nhà nước Âu Lạc do An Dương Vương đứng đầu.
Thứ hai, xuất hiện Nhà nước Nam Việt (lại Việt?) mới do Triệu Đà lãnh đạo bên cạnh Nhà nước Âu Lạc non trẻ. Hai sự kiện này có thể nói là điểm nút định hình nên dân tộc Việt Nam sau này.
Lãnh thổ Âu Lạc gồm lãnh thổ cũ của bộ tộc Âu Việt ở phía bắc, mà ngày nay là một phần phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và lãnh thổ của Lạc Việt ở miền bắc Việt Nam. Âu Lạc có ranh giới phía bắc là sông Tả Giang (Quảng Tây) đến phía nam là dãy núi Hoành Sơn ở Hà Tĩnh hiện nay. Về sự hình thành Nhà nước Âu Lạc, theo chúng tôi còn một số điểm chưa rõ ràng:
a, Danh xưng “An Dương Vương” và nhân vật “Thục Phán” có phải là cùng một người? Theo ĐVSKTT, thì Nhà nước Tây Âu và Nhà nước Văn Lang đã có xung đột từ trước đó, đến đời Thục Phán thì Tây Âu chiến thắng và sáp nhập Văn Lang vào Tây Âu, lấy tên là Âu Lạc, sự kiện đó vào khoảng năm 257 TCN. Đến năm 208TCN theo ĐVSKTT hoặc năm 179 TCN theo SKTMT thì nước Âu Lạc lại bị sáp nhập vào Nam Việt của Triệu Đà. Như vậy, nếu An Dương Vương và Thục Phán là cùng một người thì thời gian trị vì của ngài sẽ là khoảng 49 đến 78 năm, khá là phi lý kể cả so với tuổi thọ của một người hiện đại.
b, Trong môn lịch sử đang được giảng dạy ở các bậc học phổ thông hiện nay, chúng tôi nhận thấy những tri thức về Nhà nước Tây Âu ít được đề cập đến, văn hóa, phong tục của họ so với Nhà nước Văn Lang tương đồng nhiều hay ít? Quan hệ giữa hai Nhà nước thăng trầm ra sao? Việc lấy mốc thời gian hình thành nên dân tộc Việt ổn định như ngày nay nên lấy từ Nhà nước Văn Lang hay Âu Lạc, nói cách khác, sự hòa huyết giữa hai tộc người này có phải là sự khởi đầu cho dân tộc Việt sau này?
Xin được bàn như sau: Căn cứ trên những gì chúng tôi được học ở phổ thông và cả những quan niệm của mọi người xung quanh từ trước đến nay, việc xung đột giữa Văn Lang của người Lạc Việt và Tây Âu của người Âu Việt ít được nhắc tới hoặc nhắc tới nhưng không đúng tính chất là một quá trình xung đột giữahai “tộc”, hai thế lực , nhưng như đã nói ở phần lưu ý bên trên quan niệm về dân tộc, quốc gia, lãnh thổ thời đó rất khác so với hiện nay, nên việc trong cùng một không gian sinh tồn, một thế lực quân sự nổi lên và khuất phục các tập đoàn người khác xung quanh là điều dễ hiểu. Không thể nói đây là một cuộc xâm lăng của người Âu Việt với người Lạc Việt, như vậy ta sẽ hoang mang về nguồn gốc và có thể dẫn đến cực đoan về chủng tộc. Quay lại vấn đề chính, việc sáp nhập và thu phục Văn Lang vào Tây Âu và cho ra đời Âu Lạc phải là kết quả của một quá trình, có thể là nhiều đời thủ lĩnh Tây Âu cho đến Thục Phán là người cuối cùng và danh xưng An Dương Vương ra đời cùng với Nhà nước Âu Lạc. Danh xưng này có thể đã được truyền cho nhiều người (có thể là thế tập hoặc không) cho đến vị An Dương Vương nổi tiếng nhất mà ta biết, sở hữu cây Nỏ thần huyền thoại. Căn cứ vào thời gian từ khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tần 218 TCN cho đến khi mất nước 208 TCN/179 TCN thì thì chúng tôi cũng cho rằng An Dương Vương đã lãnh đạo cuộc kháng chiến và vị An Dương Vương cuối cùng ít nhất phải là 2 người trở lên mới phù hợp với việc vừa đủ tuổi lãnh đạo kháng chiến, vừa đủ tuổi có con gái là Mỵ Châu nếu ta coi truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy cũng là một sử liệu.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất