Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn thì con người lại càng có xu hướng tìm hiểu những giá trị văn hóa tinh thần. Trong đó có một học thuyết phương Đông tưởng chừng như bị vứt bỏ từ lâu, bị mọi người chê bai, xem là nguồn gốc của nghèo khổ, lạc hậu, phản tiến bộ lại được đánh giá đề cao, đó chính là Nho giáo mà cụ thể hơn là Khổng giáo. Vì sao lại mâu thuẫn như vậy, chúng ta hãy tạm loại bỏ những định kiến và dành ít phút để tìm hiểu khách quan hơn về nó nhé!


Nói đến Nho giáo ta thường sẽ nghĩ ngay đến câu hỏi: Tại sao Nho giáo vừa có những đóng góp to lớn về văn hóa, lại vừa là nguyên nhân của tình trạng lạc hậu, bị nô dịch của một số nước theo nó?


Quả thực Nho giáo, đặc biệt là hủ Nho, đã luôn là một gông cùm xiềng xích to lớn kìm hãm các quốc gia Đông Á. Ra đời trong bối cảnh của một nền văn minh nông nghiệp mức độ thấp, Khổng học chỉ là một hệ tư tưởng lo bảo vệ chế độ nông nghiệp tự cung tự cấp, duy trì một xã hội ngưng trệ và lấy việc củng cố sự ngưng trệ làm thành lý tưởng của nó:

Cái Lễ nó đề xướng là để phục vụ một chế độ tôn ty luận thời cổ, đối lập với chế độ dân chủ ngày nay. Nó lo bảo vệ một tôn ty đã được xác lập xong, là một học thuyết để khẳng định đặc quyền của tầng lớp cai trị so với nhân dân lao động.

Nho giáo lấy quá khứ xa xôi làm mục tiêu để phấn đấu, trong khi thời hiện đại hướng tới tương lai, tới tiến bộ không ngừng.

Học thuyết ấy cản trở sự phát triển của cá nhân. Một cá nhân trong xã hội theo khổng giáo bị trói buộc bởi một vạn sợi dây nhắc đến trách nhiệm của anh ta với gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè… Anh ta suốt đời mắc cứng vào mọi cách ứng xử, không dám đi theo chủ kiến riêng của mình hay thực hiện những suy nghĩ táo bạo.


Chính vì vậy mà Nho giáo đã từng bị lên án mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ các nước Đông Á cải cách, đấu tranh thoát khỏi số phận thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc. Thế nhưng có một thực tế đã khiến người ta kinh ngạc và bắt mọi người phải nhận thức lại học thuyết này. Đó là khi năm con rồng châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapo, Đài Loan) lại đều khẳng định chính Khổng học đã giúp họ thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và phát triển nhanh chóng.


Một nghịch lý lạ lùng! Nhất là ở Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị, khi mà tư tưởng “Thoát Á” lại chính là thứ giúp người Nhật từ một nước nhỏ bé trở thành một cường quốc. Ở đây có lẽ chúng ta cần hiểu rõ hơn về chữ “Thoát Á” này, thứ Nhật Bản muốn thoát khỏi lúc bấy giờ là những tư tưởng cổ hủ như chế độ xã hội tôn ty luận, hủ Nho, chính sách đóng cửa bảo thủ…, chứ không phải là họ muốn loại bỏ toàn bộ những gì thuộc về châu Á. Ngay trong cuốn ‘’Khuyến học’’ của Fukuzaka Yukichi, xuất bản năm 1872, là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn lao nhất với nhân dân Nhật Bản, cũng mang trong mình hình bóng của Khổng giáo với việc khích lệ tinh thần ham học hỏi. Còn ngày nay, khi văn hóa Nhật đã vươn xa ra thế giới, chúng ta vẫn có thể nhận thấy những hình ảnh đại hiện cho nền văn hóa ấy, cái mà người Nhật luôn tự hào, đều ẩn chứa bên trong cái gốc của đạo Nho, như trà đạo, nghệ thuật làm vườn hay tinh thần võ sĩ đạo Samurai…


Một câu hỏi mới lại được đặt ra là: Tại sao Nho giáo vừa nguyên nhân của tình trạng lạc hậu, bị nô dịch của một số nước theo nó, lại vừa là thứ vũ khí chiến lược giúp các quốc gia đó phát triển trở lại, thậm chí còn vượt qua nhiều nước châu Âu khác?


Bước sang thời kỳ đất nước phát triển nhanh chóng, người ta bắt đầu nhận ra rằng, việc xây dựng một quốc gia không chú ý đến truyền thống văn hóa sẽ vấp phải nhiều khó khăn và tạo nên những bất ổn xã hội sau này. Mọi người thường có xu hướng xóa sạch quá khứ, muốn xây dựng lại xã hội hoàn toàn mới và xem mọi cái cũ gắn liền với xã hội lạc hậu. Thế nhưng việc đổi mới kinh tế, xã hội là cực kỳ phức tạp. Nó không chỉ đơn thuần là những con số tính toán cụ thể, những học thuyết cố định mà liên quan đến cả những vấn đề trừu tượng như văn hóa hay tâm thức dân tộc. Nó là thứ vô hình chi phối con người, từ suy nghĩ đến hành động. Chính vì vậy chỉ có hiểu về nó, hiểu về chính mình, chúng ta mới có thể có những cải cách phù hợp.


Cùng với đó, nhiều người có lẽ cũng đã quên mất rằng, văn hóa Á Đông chúng ta vẫn luôn là một trong những nền văn hóa lớn và mạnh nhất thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa này, khi mà việc tiếp xúc với những công nghệ khoa học của phương Tây ngày càng dễ dàng, thì sự kết hợp của những tri thức hiện đại đó với những tinh hoa văn hóa từ ngàn đời, mà tiêu biểu ở đây là đạo Khổng, sẽ cho chúng ta một bước tiến nhảy vọt nhanh chóng. Đấy chính là nguyên nhân của sự phát triển thần kỳ của năm con rồng châu Á. Họ đã biết tận dụng những ưu thế văn hóa có sẵn của mình, gột rửa rồi cách tân nó, biết cho thứ vốn được cho là gông cùm trở thành cái gốc, cái cốt lõi của sự phát triển của dân tộc.


Các nước theo Khổng giáo, một khi đã tỉnh dậy thì họ sẽ lại đi rất nhanh, đến mức chính phương Tây phải kinh ngạc. Bởi vì một điều ngược đời mà không mấy ai nghĩ đến: chính Khổng giáo đã rèn đúc cho họ những tiềm năng ấy. Giống như một người khi lên võ đài có thể bị thua bởi một đối thủ yếu hơn nhưng có chiêu thức cao hơn. Nhưng điều quan trọng là chính nhờ sức khỏe có sẵn này mà anh ta sẽ thắng trong trận đấu tiếp theo khi nắm được chiêu thức của đối phương.


Thực sự, Nho giáo, ngoài những giáo điều sáo rỗng, những cái đa phần được tạo ra trong các thời kỳ quân chủ tập quyền để phục vụ cho bộ máy chính quyền phong kiến, vẫn có rất nhiều những giá trị tốt đẹp.


Đặc điểm rõ nhất của các nước theo Nho giáo đó là tinh thần ham học hỏi. Khổng học luôn khẳng định niềm vui trong học tập và một nhu cầu sống còn của con người là phải học. Đây là một chân lý mà đến nay, trong thời đại trí tuệ cũng không mấy ai hiểu được. Người ta chỉ thấy học là phương tiện, riêng Khổng Tử đã khẳng định nó là mục đích con người phải phấn đấu suốt đời, tương tự như câu: “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin vậy.


Không những thế, Khổng học còn dạy ta cách cư xử trong các mối quan hệ khác nhau. Con người sinh ra ắt có cha mẹ, do đó có chữ “hiếu”; có anh em, do đó có chữ “đễ”; có bạn bè, do đó có chữ “tín”; có trách nhiệm với người khác do đó có chữ “nghĩa”; có người trên kẻ dưới, do đó có chữ “trung”. Trong những hoàn cảnh thức phạp cần phải có chữ “trí” để có được cách ứng xử thích hợp. Dù đã sau 2500 năm nhưng những chữ ấy vẫn mang trong mình những giá trị quý giá. Đấy không phải chỉ là cách đối nhân xử thế mà còn là cách sống, cách làm người.


Có một thực tế rằng, công nghệ ngày càng tiến bộ, thì những tệ nạn càng nhiều, đạo đức cũng ngày càng suy thoái. Cái tình giữ người với người ngày nay đang bị mất dần đi. Con người bây giờ cũng có sướng hơn ngày xưa đâu. Khoa học chỉ là công cụ. Dùng khoa học vào việc gì vẫn tùy thuộc vào con người. Khi con người chỉ nghĩ đến lợi ích thì tai họa sẽ đến. Trong hoàn cảnh ấy, Nho giáo luôn hướng mọi người tu thân, biết kiềm chế những ham muốn ích kỷ, lo cho đồng loại trước khi lo cho mình. Nó thực sự là phần bổ khuyết cần thiết cho những giá trị tinh thần còn thiếu của xã hội hiện đại ngày nay.


Còn rất nhiều những giá trị truyền thống xưa đang bị hiểu sai và bị gán cái mác lạc hậu. Nhưng thực sự trong những thứ xưa cũ đó luôn ẩn chứa tinh hoa của các thế hệ đi trước, giống như Nho giáo vậy. Vì thế các bạn ơi, xin đừng vội phán xét, đừng vội xóa bỏ, hãy nhìn nhận nó thật kỹ để chọn lọc được những tinh túy bên trong rồi phát huy nó trong môi trường hiện đại. Để về sau chúng ta không bao giờ phải hối hận vì đã tự làm mất chính văn hóa của mình! Hãy nhớ văn hóa luôn là cội nguồn của cả dân tộc! Văn hóa còn thì đất nước mãi trường tồn!

Dựa trên Bản sắc văn hóa Việt Nam - Phan Ngọc


Đọc thêm: