Một trong những câu nói phổ biến nhất của tôi đó là “Tôi không biết”. Không chỉ thường xuyên nói rằng mình “không biết”, tôi còn luôn tâm niệm trong đầu rằng mình “không biết” hoặc “không thực sự biết” trong nhiều vấn đề. Điều đó khiến tôi luôn trong một tư thế luôn đề phòng với kiến thức hạn hẹp của bản thân, luôn chủ động với điều mới, luôn nhạy cảm với những gì mình chưa rõ, chưa hiểu. Tôi vẫn tự hào rằng, đó là một thái độ tích cực trong việc tìm kiếm tri thức. 

Nhưng kì lạ thay, nhiều người không có hảo cảm lắm với câu nói “Tôi không biết”. 

Quan sát thực tế tại trường đại học, một môi trường kiếm tìm tri thức tiêu biểu:
Rất nhiều giảng viên/sinh viên cho rằng việc thừa nhận “không biết” là một sự gì đó ghê gớm lắm. 
Rất nhiều giảng viên khi lên lớp có ác cảm những khi sinh viên của họ trả lời “Tôi/em/con không biết” và cũng ít khi nào nói rằng “Tôi không biết” với sinh viên của mình khi gặp được một câu hỏi khó chưa tìm ra cách trả lời. Tôi đồ rằng (!?) những giảng viên không hài lòng với câu trả lời “không biết” của sinh viên có những suy nghĩ phù trợ cho thái độ của họ: 
- Nếu người dạy hỏi một vấn đề đã được đề cập đến ở phần đề cương, bài giảng lí thuyết, bài tập về nhà,...mà người học trả lời là “không biết” thì tức là người học đó “lười”, không chú ý học tập, không tôn trọng môn học và suy ra là không tôn trọng cả người dạy 😶
- Nếu người dạy hỏi một vấn đề chưa được đề cập/giao/… tức một vấn đề mới mẻ cần phải suy luận hay cần dựa vào vốn hiểu biết chung mà người học trả lời “không biết” thì tức là người học “dốt”, thiếu hiểu biết, thiếu vốn sống, thiếu sự tìm tòi,...
Với những người “ngại” nói “Tôi không biết” với sinh viên của mình, tôi cho rằng đó hoàn toàn là vấn đề về lòng tự ái. Họ ngại phải thừa nhận sự hạn chế trong kiến thức, kinh nghiệm của mình trước sinh viên. 
Tôi chưa bao giờ lên tiếng về điều này trước những giảng viên của tôi. Nhưng mạn phép tại đây tôi xin được lập luận cho rằng, thái độ không hài lòng của giảng viên đại học khi đó là không cần thiết.
- Thứ nhất, giáo dục đại học là giáo dục dành cho người trưởng thành (ở Việt Nam hiện nay). Giáo dục đại học khác xa giáo dục phổ thông ở chỗ, giảng viên không còn là “mẹ hiền”, chỉ tay nắn bút từng li từng tí cho học sinh nữa. Đại học là tự nguyện. Việc sinh viên có học hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của giảng viên cả (không có hội đồng nào kỉ luật, không có phụ huynh nào trách mắng,...), cũng chẳng cần thiết phải quan tâm đến việc học của sinh viên vì họ đã là những người trưởng thành, biết nhận thức và làm chủ hành vi (hoặc buộc phải nhận thức và làm chủ hành vi), tự chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Việc tỏ thái độ không hài lòng trước sự “không biết” của sinh viên chẳng qua là do giảng viên cảm thấy không được ve vuốt lòng tự tôn với môn mình giảng dạy mà thôi. 
- Hơn nữa, học là để biết, nếu biết hết thì sự hiện diện của giảng viên trên bục giảng lại trở nên không cần thiết rồi. Việc tỏ thái độ không hài lòng/phê bình/lên án/thậm chí chỉ trích/chê bai/… vì người học “không biết” cho thấy sự thiếu bao dung và hiểu biết của người dạy. 
Thái độ “ngại” trước việc thừa nhận “Tôi không biết” đương nhiên cũng không cần thiết luôn. Vì việc học là sự nghiệp cả đời. Không ai có thể tự tin mình biết tất cả ngay trong lĩnh vực mình biết rõ nhất. Việc giảng viên “nợ” câu trả lời của sinh viên là chuyện hết sức bình thường, vì điều đó không có nghĩa là họ sẽ mãi mãi không biết, chỉ là họ chưa rõ ở thời điểm hỏi mà thôi (và kể cả họ mãi mãi không bao giờ biết thì cũng không phải điều gì ghê gớm, vì ai mà biết tất cả được chứ!). Vả lại, nếu sinh viên có khả năng làm khó giảng viên ở một câu hỏi thì đó là điều đáng mừng: mừng rằng sinh viên có ý thức học tập tốt, biết tìm tòi đào sâu vấn đề, mừng rằng một nút thắt nữa đang đợi chờ được gỡ bỏ,...Những điều đáng mừng ấy chẳng đáng chú ý hơn sự “ngại” của giảng viên hay sao?
Với trường hợp sinh viên - người học, cũng có rất ít người có thể thẳng thắn ngẩng cao đầu mà rằng “Em/Tôi/Con…không biết” bởi nhẽ:
- Tương thông với lí do ở trường hợp giảng viên, sinh viên cũng rất sợ bị cho là lười nhác, thiếu kiến thức, thiếu tôn trọng thầy cô, môn học,...Việc trả lời “không biết” ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập (điểm trên lớp) của sinh viên - điều mà rất nhiều người học lo ngại. Vậy nên khi bị hỏi một câu khó, rất nhiều người thường “bịa” ra một số lí do, một số câu trả lời nhằm cứu vãn tình hình. Giảng viên cũng thường có xu hướng “thích” những người “cố gắng tìm câu trả lời” dù đúng dù sai từ sinh viên của mình. Họ cho rằng, những sinh viên như vậy là “có ý thức học tập”, thường không trừ điểm, cũng không bắt bẻ quá nhiều. 
- Sinh viên cũng rất sợ khi nói “không biết” do nhiều người không muốn “mất mặt” với bạn bè cũng lớp - những người có thể chơi cùng, sống cùng, làm việc nhóm cùng với nhau. Vậy nên, họ cứ “bịa” ra một số lí do, một số cách trả lời khả dĩ nào ấy để không trở nên quá là “quê”.
Về lí do để sinh viên không cần “ngại” nói “không biết” trước những câu hỏi của giảng viên cũng tương tự như trường hợp giảng viên không cần tỏ thái độ không hài lòng với câu trả lời “không biết” từ sinh viên. 

Dũng cảm để nói “không biết”

Bài viết hoàn toàn không cổ xúy cho việc lười học, lười tìm tòi, tiếp thu, thiếu tôn trọng môn học, thiếu tôn trọng người dạy. Quan điểm của người viết là: Khi đã cố gắng hết sức mà không rõ một vấn đề gì đó, hãy cứ mạnh dạn nói rằng mình “không biết”. 
1. Việc thừa nhận “không biết” là biểu hiện của sự thành thật - yếu tố đầu tiên, tối quan trọng của một người học, hay của bất kì ai trong xã hội này. Thành thật để hiểu mình còn thiếu sót ở đâu, thành thật để học hỏi những điều thành thật. Có nhiều người bạn sinh viên của tôi (và tôi thỉnh thoảng) vẫn cứ “chày cối” để trả lời cho những câu hỏi mình không biết. Và trong nhiều trường hợp thì những câu trả lời đó rất xiêu vẹo, có khi làm rối cả vấn đề lên. Nguy hại hơn, những người trả lời như vậy thỉnh thoảng lại “trúng”, được “mớm” từ giảng viên rồi sau đó được khen ngợi vì hiểu bài. Điều này nguy hại ở chỗ, sinh viên sẽ không thực sự biết là mình “không biết”, rằng cái sự “biết” của mình như thế còn hạn hẹp lắm. Điều đó tạo ra cho họ sự hưng phấn ảo. Những sinh viên như vậy khi được hỏi đến những câu khó thực sự, khiến cho bản thân “tắc tịt” thì thường rất cay cú hoặc rất suy sụp. Tất cả những thái cực đó lại tối không cần thiết/không nên có cho người học. Vì việc học là điều gì đó hiển nhiên và hồn nhiên, cần được tiết chế nhiều về xúc cảm nhất thời. Việc để quá nhiều cảm xúc “quá khích” chen vào trong quá trình học tập khiến cho kiến thức bị xa rời trung tâm của giáo dục đại học. 
2. Ngày hôm nay mình không biết không có nghĩa là mình sẽ không bao giờ biết. Việc thừa nhận “Tôi không biết” chỉ chứng minh một điều là mình cần học hỏi nhiều hơn, chăm chỉ hơn. Ngay cả khi đã cho là tìm ra lời giải, vẫn phải tiếp tục hoài nghi về nó - đó là cách duy nhất để học thêm điều mới, cũng là cách duy nhất để xã hội phát triển. 
Việc học là việc cả đời, ngày hôm nay mình có thể là người đứng hạng bét nhưng ngày mai mình có thể trở thành người giỏi hơn người giỏi nhất. Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ biết về nhiều lĩnh vực dù đã cố gắng đến đâu, nhưng ít ra thứ tôi có là sự thành thật, và sự thành thật của tôi sẽ chẳng làm rối tung hay phức tạp hóa vấn đề sẵn có. 
3. Dũng khí để nói “không biết”
Thừa nhận “không biết” cần nhiều dũng khí hơn mọi người tưởng. Tôi chưa nói đến trường hợp nói “không biết” để lừa phỉnh hay che giấu, hay thoái thác trách nhiệm (người ta có vô số lí do để nói “không biết”); tôi nói đến những khi thừa nhận “không biết” như là một cách bày tỏ sự thành thực. 
Sự tự tôn, lòng kiêu hãnh làm một “biết tuốt” dường như rất hấp dẫn, lấn át hẳn sự giản dị của đức tính thành thực. 
Nhiều lần trong cuộc sống, tôi luôn cố lảng tránh nói “không biết” khi ai đó hỏi han, nhờ vả mình. Tôi luôn cố gắng để tỏ ra là mình biết, hoặc không biết thì lén mà học cho biết rồi giúp đỡ người khác như một vị thần. Điều này khiến cho tôi rơi vào trạng thái “hưng phấn ảo” nhất thời. Sau khi trạng thái này kết thúc, “lòng tự trọng ảo” lại cố chấp ở lại. Việc này độc hại rất nhiều đến tư duy và nhân cách của tôi:
- Tôi không thể nào từ chối lời nhờ vả của bất cứ ai. Tôi sẽ quá tải với những lần cả nể và sĩ diện ấy. Tôi kiệt sức.
- Tôi sẽ ảo tưởng rằng bản thân mình rất giỏi, mình có thể làm được mọi thứ, hiểu được mọi thứ. Tôi chẳng mảy may nghi ngờ gì vào trí tuệ của mình nữa. Tôi chững lại và chẳng học được gì. 
- Tôi đâm coi thường người khác, cho rằng người khác chả biết gì khi tìm đến mình mà nhờ vả. 
Rất may là tôi đã vượt qua điều đó, đang dần dần “thải độc” cho tư duy và nhân cách của mình. Điều đó cần dũng khí rất lớn. Dũng khí để từ chối những lời đề nghị, lời nhờ vả. Dũng khí để rời mình từ sân khấu của sự chú ý xuống cánh gà tối tăm.  Dũng khí để nhận lại sự thất vọng, thậm chí coi thường, xem nhẹ của người khác. Cũng như ai đó từng nói, nếu muốn biết nhiều hơn thì vứt cái Tôi của mình đi vậy. Nếu lần tới có ai đó hỏi một vấn đề bạn không biết, hãy cứ thành thực. Nếu bạn hỏi ai đó mà họ trả lời “không biết”, hãy tôn trọng sự thành thực ấy.