Chiến tranh Nga - Ukraine: Góc nhìn của Mỹ.
Mục đích của bài này nhằm phân tích, làm rõ quan điểm và góc nhìn của phía Mỹ, qua đó phần nào giải thích được mục đích của Mỹ xoay quanh “bàn cờ” Ukraine.
Lời đầu tiên
Bài viết này là phần tiếp theo và cũng sẽ là điểm tạm kết về chủ đề góc nhìn của các bên có liên quan xoay quanh chiến tranh Nga - Ukraine. Đối với bài viết góc nhìn của Nga, tôi sẽ dẫn đường liên kết ở cuối bài nếu quý độc giả muốn tham khảo. Cá nhân tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận số phận của các bên, đặc biệt là Ukraine. Mục đích của bài này nhằm phân tích, làm rõ quan điểm và góc nhìn của phía Mỹ, qua đó phần nào giải thích được mục đích của Mỹ xoay quanh “bàn cờ” Ukraine. Bài viết không thể hiện quan điểm chính trị của tác giả, đồng thời cũng không nêu lên vấn đề ủng hộ bất cứ bên nào có liên quan trong cuộc xung đột này. Tôi rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của quý vị. Tuy nhiên, những bình luận không nhằm xây dựng kiến thức, những bình luận tiêu cực, công kích cá nhân, trái với thuần phong mỹ tục nước ta sẽ không được chấp nhận ở đây.
Chú thích: Bài viết chống chỉ định với những luận điệu sau: (1) Tác giả có xu hướng thân Nga. (2) Tác giả ủng hộ Nga xâm lược Ukraine. (3) Tác giả cố ý kéo Mỹ vào xung đột Nga - Ukraine, “Mỹ vô tội”, “Mỹ chỉ đứng ngoài cuộc”,… (4) Tác giả định hướng dư luận, “mị dân” thân Nga, thân Mỹ. (5) Tác giả phân tích góc nhìn của Mỹ nhưng tại sao lại lôi Nga, Nhật Bản, Liên minh châu Âu vào? (6) Tại sao tác giả phân tích góc nhìn của Mỹ mà toàn “quan điểm của Putin” vậy? … Nếu quý vị có những suy nghĩ như thế này, xin vui lòng ngừng việc đọc bài và bình luận. Nếu quý độc giả không hoặc cố tình không hiểu mục đích của bài viết, làm sai lệch nội dung của bài viết, không đọc kỹ toàn bộ bài mà vào hồ ngôn loạn ngữ với những luận điệu như thế này, tôi không hoan nghênh. Thân.
Để cho các bạn dễ theo dõi, bài viết được chia làm hai phần chính, gồm các đề mục nhỏ như sau:
Phần I: Mỹ cần Nga đóng vai phản diện 1. Quốc gia đệm và vai trò của Ukraine trong bàn cờ Địa - Chính trị thế giới. 2. Liên minh châu Âu, đồng Euro và sự độc lập về chính trị với nước Mỹ. 3. Nga đã không còn là đối trọng với nước Mỹ, nhưng Mỹ cần Nga đóng vai “kẻ thù chung của châu Âu”. Phần II: Cơ sở lý luận - Chủ nghĩa hiện thực (Realism) trong chính sách giữa các quốc gia
Phần I: Mỹ cần Nga đóng vai phản diện
1. Quốc gia đệm và vai trò của Ukraine trong bàn cờ Địa - Chính trị thế giới.
“Quốc gia đệm” là một quốc gia nằm giữa hai quốc gia đối thủ, sự tồn tại của nó có vai trò ngăn chặn xung đột giữa hai quốc gia hùng mạnh thù địch nhau. Trạng thái trung lập của quốc gia đệm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia, không gian sống chiến lược giữa hai quốc gia đối thủ, làm tiền đề để các cường quốc có thể bắt tay phát triển kinh tế, văn hóa,... với nhau. Điều này cũng giúp quốc gia đệm, thường yếu và có tiềm lực nhỏ hơn, có thể duy trì sự tồn tại và nhận được sự đầu tư của các cường quốc để tập trung phát triển. Thông thường, trạng thái quốc gia đệm được hai cường quốc thống nhất trung lập, không có sự hiện diện quân sự của một trong hai bên. Chính vì thế, một cuộc xâm lược quốc gia đệm bởi một trong hai cường quốc xung quanh nó thường sẽ dẫn đến chiến tranh giữa các cường quốc.
Thái Lan là một điển hình cho trạng thái quốc gia đệm trong lịch sử. Chúng ta hẳn đã nghe nhiều về chính sách ngoại giao “cây sậy” của nước này trong bối cảnh bị kẹp chặt giữa hai Đế quốc Anh và Pháp. Về phía Tây, Anh đã chiếm Miến Điện (tức Myanmar bây giờ), sáp nhập vào Ấn Độ thuộc Anh. Về phía Đông, Pháp đã chiếm được Đại Nam (tức Việt Nam), qua đó bành trướng và thuộc địa hóa Lào và Campuchia, thành lập Liên bang Đông Dương để hợp thức hóa sự cai trị và bắt đầu khai thác thuộc địa. Thái Lan, khi đó là Xiêm, trở thành vùng đệm địa lý giữa hai Đế quốc thực dân hàng đầu thế giới khi đó là Anh và Pháp. Rõ ràng rằng Anh và Pháp không muốn đối đầu trực tiếp lẫn nhau. Vì lẽ đó, hai Đế quốc quyết định trung lập hóa Thái Lan, không đưa quân xâm lược nước này. Bằng việc tận dụng triệt để mâu thuẫn chiến lược giữa hai cường quốc, Thái Lan đã thành công thoát khỏi kiếp nô lệ, tránh được nguy cơ thành thuộc địa của các nước Đế quốc thực dân đang tranh giành nhau vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ, qua đó giữ vững sự tồn tại của quốc gia và từ đó có thể phát triển đất nước. Thái Lan đã kí hiệp ước hữu nghị và thương mại với Anh năm 1826, với Mỹ năm 1833, hiệp ước trao đổi biên giới các tỉnh phía bắc Mã Lai năm 1909. Thái Lan cũng đã kí hiệp định phân định biên giới sông Mê Kông với Pháp. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao “cây sậy” của nước này đồng nghĩa với việc từ bỏ giấc mộng về “Đại Thái”, từ bỏ sự ảnh hưởng lên Lào và Campuchia, phải cắt đi rất nhiều đất cho hai nước Đế quốc thực dân. Năm 1888 và 1893, Thái Lan phải ký hiệp ước “trao” một số vùng đất phía Đông cho Campuchia lúc này thuộc Liên bang Đông Dương. Năm 1904 và 1907, tiếp tục “nhượng” cho Pháp hơn 20000 km^2 đất. Năm 1909, cắt vùng đất trên 40000 km^2 tại bán đảo Malacca cho Anh. Trong 50 năm, Thái Lan đã bị mất đi trên 350000 km^2 đất, cương vực lãnh thổ nước này ngày nay chỉ còn rộng khoảng 60% so với trước năm 1867 (514.000 km^2 so với 867.000 km^2) [1].
Trong bài viết “Chiến tranh Nga - Ukraine: Góc nhìn của Nga.”, tôi đã nói về vai trò địa lý chiến lược, sống còn của Ukraine với nước Nga. Đây vừa là cái phúc, vừa là cái họa của “Tiểu Nga”, một thứ nên gọi là lời nguyền địa lý. Nhìn lại lịch sử, sau thời kỳ Rus Kiev bị chia cắt và đến thời kỳ Đế quốc Nga, các tên gọi “Đại Nga”, “Tiểu Nga” và “Bạch Nga” đã xuất hiện, nó cũng trở thành danh hiệu của Nga Hoàng: “Đấng cầm quyền chuyên chính của tất cả nước Nga: Đại Nga, Tiểu Nga và Bạch Nga”. Trong đó, “Đại Nga” là Đế quốc Nga, tức Liên bang Nga bây giờ, “Tiểu Nga” là Ukraine và “Bạch Nga” là Belarus. Dưới góc nhìn của người Nga, họ là hậu duệ của người Rus Kiev, và ba nước Belarus, Ukraine và Nga là anh em một nhà, thuộc một khối Nga thống nhất. Người Ukraine hiển nhiên không bao giờ chấp nhận điều đó, họ căm ghét sự cai trị của Nga; họ thù sự “Nga hóa” Ukraine gây nên sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước này; họ không bao giờ quên nạn đói Holodomor 1932-1933 dưới thời Ukraine thuộc Liên Xô. Thậm chí, ban đầu khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, người Ukraine đã... hoan nghênh chào đón vì cho rằng Đức sẽ đến giải phóng họ, với niềm tin Đức là kẻ thù tự nhiên của Nga và Ba Lan. Người Ukraine nhanh chóng vỡ mộng không lâu sau đó. Hàng triệu người Ukraine đã chết dưới sự chiếm đóng tàn bạo của phát xít Đức. Nửa sau cuộc chiến, hầu hết người Ukraine lúc này đã chiến đấu chống lại Đức cùng với các dân tộc khác cùng thuộc Liên Xô.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vị thế của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô bị giảm sút nghiêm trọng, vai trò thống trị của người Nga trong Liên Xô đã khôi phục và càng được củng cố. Chính sách Nga hóa Ukraine tiếp diễn, gây nên mâu thuẫn trầm trọng giữa những dân tộc trong nước này và với nước Nga vốn đã bùng phát khi Ukraine giành độc lập. Mâu thuẫn này đã được Mỹ tận dụng vô cùng triệt để, từ cuộc Cách mạng Cam cho đến sự kiện Euromaidan, họ tích cực kích động làm người Ukraine mù quáng theo phương Tây. Mỹ đã giật dây NATO không ngừng “Đông tiến”, thu phục các nước thuộc khối Warszawa trước đây, như một cách bao vây nước Nga còn non trẻ, cố ý khiến Nga cảm thấy bị bao vây và buộc phải hành động. Khi đó, Nga sẽ trở thành “kẻ thù chung của châu Âu”. Điều này tựa như cái cách Mỹ kích động và tuyên truyền rằng Triều Tiên sẽ gây ra chiến tranh hạt nhân, khiến nước này cảm thấy bị đe dọa, lại liên tục thử nghiệm hạt nhân như một con bài chiến lược để tự bảo vệ mình. Và chính việc này lại khiến Hàn Quốc phải kinh hãi, Hàn Quốc buộc phải để Mỹ đặt căn cứ quân sự và phải bảo vệ Hàn trước sự đe dọa của Triều Tiên, khiến nước này mất đi hoàn toàn sự độc lập về chính trị và trở nên phụ thuộc vào Mỹ. Đông Âu nói chung và Ukraine đặc biệt nói riêng không chỉ quan trọng với nước Nga, mà còn với Liên minh châu Âu, an ninh của lục địa già này nói chung. Nếu vùng đệm này tan nát, cả Nga lẫn châu Âu sẽ đối đầu trực tiếp với nhau. Mỹ sẽ là kẻ vui mừng khôn xiết trước điều này, bởi vì...
2. Liên minh châu Âu, đồng Euro và sự độc lập về chính trị với Mỹ.
Liên minh châu Âu (European Union, viết tắt là EU), là một liên minh chính trị và kinh tế bao gồm 27 quốc gia thành viên tại châu Âu. Liên minh châu Âu được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1993 từ Hiệp ước Maastricht dựa trên Cộng đồng châu Âu (EC). Mục đích của khối là kết nối, hòa nhập và thống nhất các nước châu Âu lại với nhau, và đặc biệt là duy trì sự độc lập về kinh tế, chính trị, văn hóa của châu Âu trước Mỹ.
Nền kinh tế của cả thực thể Liên minh châu Âu ước tính đạt 17,07 nghìn tỷ USD (2021) tính theo GDP danh nghĩa [2], hơn một chút so với nền kinh tế của Trung Quốc là 16,64 nghìn tỷ USD (2021) theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) [3]. Nếu Liên minh châu Âu là một quốc gia thống nhất, nó sẽ là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, và có tiềm lực khoa học - kỹ thuật hàng đầu có thể cạnh tranh với Mỹ. Nước Mỹ hiển nhiên từ lâu đã biết rõ điều này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu hoàn toàn tan nát: các Đế quốc thực dân hàng đầu như Anh và Pháp bị suy giảm ảnh hưởng trầm trọng; Đức, trung tâm khoa học hàng đầu thế giới với tiềm lực công nghiệp và quân sự mạnh mẽ, trở thành một bãi tan hoang; Liên Xô cũng bị thiệt hại to lớn với hơn 20 triệu người đã chết vì chiến tranh, hàng loạt công trình, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Nước Mỹ, vốn nằm cách biệt với bãi chiến trường châu Âu, trở thành kẻ chiến thắng có thể xem là duy nhất và thu lợi được nhiều nhất. Mỹ, cùng với Liên Xô, tiện tay cuỗm tất cả các thành tựu khoa học - kỹ thuật, các bộ óc thiên tài từ Đức về cho mình, Mỹ cũng đã thu nhận hàng loạt những người di cư có tài năng, có nguồn lực con người dồi dào, tiêu biểu như cha đẻ của Vật lý hiện đại Albert Einstein. Trật tự thế giới hoàn toàn thay đổi, hàng loạt nhân dân các nước thuộc địa nổi dậy đấu tranh giành độc lập - tự do. Châu Âu đã suy tàn, nhưng không hoàn toàn. Mỹ biết rằng sự suy tàn đó chỉ là ngắn hạn, với tiềm lực của mình, châu Âu hoàn toàn có thể phục hưng. Thế là Mỹ triển khai kế hoạch Marshall, vung tiền cho châu Âu tái thiết. Tất nhiên, không có bữa trưa nào là miễn phí cả. Bằng kế hoạch Marshall, Mỹ đã đạt được nhiều mục đích: vừa tái thiết châu Âu; vừa kiểm soát chính trị châu Âu, khiến châu Âu hoàn toàn bị lệ thuộc vào Mỹ; vừa góp phần củng cố nền kinh tế Mỹ và khiến cho các nước Đông Âu thuộc khối Xã hội chủ nghĩa phải “ghen tị”, qua đó ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Đây là một nước cờ cao thâm, với tư cách là chủ nợ của châu Âu, Mỹ không những nhận được tiền lãi từ khoản nợ, mà còn đảm bảo châu Âu là nơi sản xuất nguồn nguyên liệu, sản phẩm và thị trường tiêu thụ hàng hóa của Mỹ, điều này chỉ có thể xảy ra khi châu Âu phục hồi. Như vậy vẫn chưa đủ! Mỹ biết rằng họ không thể kiểm soát châu Âu hoàn toàn nếu không có một kẻ thù chung. Và thế là Liên Xô “đảm nhiệm” vai này. Bằng việc thành lập khối NATO và tuyên truyền ác ý về Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản, châu Âu (thực tế là Tây Âu lúc này) hoàn toàn kinh hãi trước mối đe dọa là Liên Xô. Châu Âu sẵn sàng phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo an ninh quân sự, bất chấp mất đi hoàn toàn sự độc lập về chính trị, trở thành “đám đệ tử trung thành” của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô sụp đổ, Mỹ rất vui mừng khi đối thủ truyền kiếp đã đi tong, nhưng đồng thời lúc này Mỹ chợt nhận ra: NATO đã mất đi kẻ thù chung, châu Âu lúc này cũng chẳng còn lý do gì để lệ thuộc vào Mỹ nữa. Và thế là một quốc gia khác bị Mỹ cố tình lôi vào đóng cái vai đó mà các bạn đã quá rõ là nước nào rồi đấy, tôi sẽ nói chi tiết hơn trong phần 3.
Các nước đứng đầu châu Âu nhận ra rằng thời điểm phục hưng và thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ đã đến, họ thành lập Liên minh châu Âu nhằm liên kết và thống nhất châu Âu lại thành một khối. Chưa dừng lại ở đó, họ đã phát hành đồng tiền chung, là Euro. Ngày 13 tháng 12 năm 1996, các bộ trưởng Bộ Tài chính của Liên minh châu Âu đi đến thỏa thuận về Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng nhằm bảo đảm các nước thành viên giữ kỷ luật về ngân sách và qua đó bảo đảm giá trị của tiền tệ chung. Ngày 1 tháng 1 năm 1999, tỷ giá hối đoái giữa Euro và các đơn vị tiền tệ quốc gia được quy định không thể thay đổi và Euro trở thành tiền tệ chính thức. Ngay ngày hôm sau, các thị trường chứng khoán tại Milano, Paris và Frankfurt đã định giá tất cả chứng khoán bằng Euro. Sự ra đời của đồng Euro đã đe dọa đến vị thế độc tôn của đồng đô la Mỹ. Khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein có ý định bán dầu mỏ bằng đồng Euro, ngay lập tức, Mỹ viện lý do ngăn chặn Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và vũ khí hóa học, đem quân đập nát Iraq, treo cổ Saddam Hussein với tội danh “chống lại loài người”. Rốt cuộc, chẳng có thứ vũ khí hủy diệt gì ở Iraq cả, và cái lọ “vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Colin Powell đệ trình trước Liên Hợp Quốc là thứ bằng chứng “đi vào lòng đất” để chống lại sự lên án của thế giới với nước Mỹ. Nếu như nhìn dưới góc độ của người Mỹ, của chính quyền Mỹ, họ đã bảo vệ thành công lợi ích quốc gia và hô hào tin rằng đã thành công “tiêu diệt độc tài, khủng bố và mang lại dân chủ” cho Iraq. Còn sự thật lịch sử, luận công tội thế nào, với góc nhìn của người Việt Nam chúng ta, đã rõ.
Sự độc lập về chính trị, không bị lệ thuộc vào ngoại bang đóng vai trò hết sức quan trọng, là sự sống còn của quốc gia. Trước đây, khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển thần kỳ, là cường quốc kinh tế số 2 thế giới và sắp vượt mặt Mỹ, Mỹ đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại lên nước Nhật. Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản đã từng vượt qua Mỹ và trong những năm đầu thập niên 80, giữ vị thế là nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới. Căng thẳng kinh tế Mỹ - Nhật vốn đã bắt nguồn từ lĩnh vực dệt may trong thập niên 50 của thế kỷ trước, sau đó là thép và sợi tổng hợp trong những năm 60 rồi leo thang từ thập niên 70 đến 90 với ti vi màu, ô tô và chất bán dẫn. Mỹ trừng phạt các công ty Nhật Bản mà Washington nghi ngờ đã đánh cắp công nghệ, đe dọa đến an ninh quốc gia, buộc Nhật Bản phải ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ chất bán dẫn đồng thời gia tăng mua sản phẩm chất bán dẫn của Mỹ. Năm 1982, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các lãnh đạo tập đoàn Nhật Bản Hitachi âm mưu trộm thông tin về máy tính của IBM và đem về Nhật Bản. Năm 1985, Mỹ áp đặt mức thuế 100% lên các sản phẩm chất bán dẫn của Nhật Bản. Cùng năm đó, Mỹ, Tây Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản ký Hiệp định Plaza, hạ giá đồng USD so với đồng Yên Nhật. Năm 1987, Washington áp thuế 100% với 300 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, ngăn chúng tiến vào thị trường Mỹ. Thế là Nhật Bản giậm chân tại chỗ suốt hơn 30 năm quanh mốc 5 - 6 nghìn tỷ USD (GDP danh nghĩa), và không còn động lực tăng trưởng nữa khi dân số đã già hóa. Rõ ràng, Nhật Bản phải chịu sự lệ thuộc vào Mỹ dưới sự ràng buộc là kẻ bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mất đi hoàn toàn sự độc lập về chính trị nên không thể chống lại trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật. Nước Nhật phải cắn răng chịu những điều khoản bất lợi và hệ quả lên nền kinh tế Nhật Bản vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay.
3. Nga đã không còn là đối trọng với nước Mỹ, nhưng Mỹ cần Nga đóng vai “kẻ thù chung của châu Âu”.
Nước Nga hiện nay vẫn là một cường quốc, vẫn là một trong năm nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng xét về tổng thể, nước Nga không còn là đối trọng với Mỹ. Dân số Nga hiện đã già hóa, tỉ lệ sinh thấp cùng với nền kinh tế chững lại và quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên khoáng sản đang là thách thức lớn cả ngắn hạn và dài hạn lên nước Nga. Thực tế, thứ duy trì vị thế cường quốc của Nga lại chính là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, kế thừa từ thời Liên Xô. Đối thủ đe dọa đến vị trí siêu cường toàn cầu của Mỹ là Trung Quốc. Tuy nhiên, như tôi đã nhắc đến ở trên, Mỹ cần Nga đóng vai phản diện.
Dưới triều đại của “bà đầm thép” Angela Merkel, Liên minh châu Âu và Nga đã xích lại gần nhau. Châu Âu cần nguồn tài nguyên, nguyên liệu dồi dào của Nga phục vụ cho sản xuất và dân sinh, Nga lại cần nguồn sản phẩm công nghệ chất lượng cao của châu Âu. Hai bên hòa hảo vì phù hợp với lợi ích và vẫn còn một vùng đệm ngăn cách giữa Nga và châu Âu, đó là Ukraine. Ngoài ra, mối quan hệ của Đức và Pháp đã gắn kết với nhau và không thể buông ra, vì nếu mối quan hệ này đổ vỡ hoặc Nga thay thế Pháp, sự đoàn kết của châu Âu sẽ tan nát. Do đó, những tinh hoa đứng đầu Liên minh châu Âu đã thành công duy trì mối quan hệ hợp tác với Nga, gắn chặt các nước thành viên EU hơn nữa và độc lập trong đường lối chính trị với Mỹ. Đức đã cùng Nga hợp tác trong dự án Nord Stream II, cung cấp khí đốt giá phải chăng và ổn định cho châu Âu. Lúc này, tuy một số nước như Ba Lan, Lithuania lo ngại vì hai cường quốc sát sườn hợp tác với nhau, có thể nói là đã có sự rạn nứt nhưng châu Âu vẫn đoàn kết là một khối dưới sự chèo lái của bà Merkel. Mỹ hiển nhiên đã nhiều lần chỉ trích, cấm vận và tìm mọi cách ngăn dự án được triển khai. Quân bài hiểm độc nhất là phá nát vùng đệm giữa Nga và châu Âu. Như tôi đã nhắc ở trên, bằng việc mở rộng NATO về hướng Đông khiến Nga cảm thấy bị bao vây và buộc phải hành động. Đây cũng là lý do chủ yếu khi Mỹ từ chối Nga gia nhập NATO. Một khi Nga tấn công Ukraine, đồng nghĩa vùng đệm chiến lược đã mất đi, Nga sẽ trở thành “kẻ thù chung của châu Âu”. Mỹ sẽ không bao giờ trực tiếp tham chiến ở Ukraine, vì điều này có nghĩa là trực tiếp đối đầu với Nga, có thể dẫn đến thảm họa chiến tranh hạt nhân hủy diệt cả thế giới, mà họ sẽ đứng ngoài cuộc viện trợ cho hai bên đánh nhau. Bà Merkel đã miễn nhiệm, châu Âu không còn một nhà lãnh đạo đủ tầm vóc kế thừa vai trò chèo lái của bà nữa. Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho thấy ông không thể đi vừa đôi giày mà bà để lại. Liên minh châu Âu đang dần rạn nứt. Trong khi các nước Baltic, Ba Lan kêu gọi ngừng phụ thuộc vào khí đốt Nga thì các nước như Hà Lan, Đức, Bỉ, Áo cho rằng, việc áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng nhập khẩu của Nga sẽ có tác động tàn phá đối với nền kinh tế châu Âu. Lúc này, Mỹ đã đạt được mục đích ngăn cản sự hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu, quả là nhất tiễn hạ song điêu. Một mặt, Mỹ đang dần đưa châu Âu về đúng quỹ đạo, khiến họ trở lại lệ thuộc vào Mỹ trước mối đe dọa quân sự từ Nga, đồng Euro khả năng cao sẽ mất đi vị thế hoặc thậm chí là biến mất. Mặt khác, Mỹ đang khiến Nga càng bị suy yếu hơn về kinh tế, khiến nước này bị cô lập với thế giới.
Điều này vô hình trung đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Trong tương lai, Nga có thể lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Nếu điều này xảy ra, thế giới sẽ bị chia làm hai cực là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản với bên kia Nga, Trung Quốc. Trật tự thế giới sẽ có sự biến động đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi không còn trật tự đơn cực với một siêu cường độc tôn là Mỹ nữa. Nhìn chung, đây sẽ là điều không hay với thế giới khi một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa hai phe với hai siêu cường có khả năng hiện hữu. Điều này sẽ có tác động đến chính sách đối ngoại giữa các nước. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam chúng ta sẽ có những quyết sách đúng đắn, duy trì vị thế trung lập trong bối cảnh thời đại biến động dữ dội, bảo vệ lợi ích dân tộc và độc lập, tự chủ của đất nước.
Phần II: Cơ sở lý luận - Chủ nghĩa hiện thực (Realism) trong chính sách giữa các quốc gia
Chủ nghĩa hiện thực là một trường phái lý thuyết trong ngành khoa học chính trị quan hệ quốc tế, nghiên cứu về sự phân chia quyền lực trong hệ thống quốc tế. Chủ nghĩa hiện thực xoay quanh những vấn đề chủ yếu như tình trạng vô chính phủ, hệ thống chính trị, tính ích kỷ và quyền lực chính trị, nó đóng vai trò quan trọng trong chính sách của các quốc gia hiện nay.
Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.
Câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill chính là một ví dụ điển hình của chủ nghĩa hiện thực. Thomas Hobbes cho rằng con người bản tính không nhân từ, cho mình là trung tâm vũ trụ và có khuynh hướng cạnh tranh với nhau, nên dễ gây xung đột ngoại trừ có những điều kiện mà buộc họ phải làm việc chung với nhau. Con người cũng được cho là có khuynh hướng vô tổ chức, nghĩ tới lợi ích riêng, tự lực và thường bị thúc đẩy dành thêm quyền lực. Cái nhìn này trái ngược với Chủ nghĩa Quốc tế tự do (Liberal Internationalism) trong quan hệ quốc tế.
Lý thuyết chủ nghĩa hiện thực xoay quanh những giả định chính:
(1) Hệ thống quốc tế là vô chính phủ, vô tổ chức. Không có thiết chế siêu chính phủ nào trên các quốc gia quy định các hoạt động giữa các nước, các quốc gia tự thỏa thuận mối quan hệ giữa họ với nhau. Hệ thống quốc tế tồn tại trong tình trạng luôn đối kháng, cạnh tranh lẫn nhau. (2) Các quốc gia (dân tộc có chủ quyền) là chủ thể chính. Tất cả các nước trong hệ thống đều là các chủ thể đơn nhất, dựa trên lý trí. (3) Các quốc gia có khuynh hướng theo đuổi lợi ích riêng. Các nhóm cố gắng giành được càng nhiều quyền lực càng tốt. (4) Quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia là sự tồn tại. Các quốc gia gầy dựng quân đội để mà tồn tại, mà có thể dẫn tới các xung đột vũ trang. [4]
Trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa hiện thực, quốc gia có chủ quyền là chủ thể chính trong hê thống quốc tế, đặc biệt là các cường quốc bởi vì họ có ảnh hưởng nhiều nhất trên sân trường quốc tế. Theo đó, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, cá nhân hay các nước lệ thuộc không có ảnh hưởng đáng kể. Các quốc gia thường hung hăng và bị ám ảnh bởi vấn đề an ninh, do đó việc bành trướng lãnh thổ chỉ bị ghìm lại bởi các quyền lực đối kháng. Việc tích tụ hung hăng này dẫn tới một tình trạng an ninh khó xử, vì việc gia tăng an ninh có thể mang lại nhiều bất ổn, vì thế lực đối lập sẽ tích lũy vũ khí để đối đáp, dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang. Bởi vì hệ thống quốc tế là vô tổ chức, không có một thẩm quyền quốc tế nào, các quốc gia tự phải lo lấy cho an ninh của mình. Khi chỉ có một cực, chủ nghĩa hiện thực tiên đoán rằng các quốc gia khác sẽ hợp lại với nhau để đối kháng lại với quốc gia bá quyền để lấy lại quân bình về quyền lực. Chủ nghĩa hiện thực cho rằng một nước luôn phải để ý tới hành động của các nước khác chung quanh nó, và phải sử dụng những biện pháp thực dụng để giải quyết vấn đề khi nó hiện ra.
“Điều quan trọng nhất là bậc quân vương cần phải hành xử với thần dân theo cách mà cho dù bất kỳ một sự kiện bất ngờ nào, tốt hay xấu, xảy đến cũng không khiến ngài phải thay đổi đường lối. Bởi vì khi hoàn cảnh bắt buộc ngài phải hành động, việc dùng tới các biện pháp tàn bạo sẽ không đúng lúc trong khi những việc tốt mà ngài thực hiện cũng chẳng đem lại lợi ích gì, vì người ta sẽ cho rằng ngài rơi vào hoàn cảnh bắt buộc phải làm như vậy nên chẳng ai lại biết ơn điều đó cả.” “Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy và là sư tử để dọa sói.” - Trích Quân Vương, Niccolò Machiavelli, NXB Thế Giới.
Để kết bài viết, tôi xin được đưa ra một nhận định như sau:
Thế giới trông thật bao la rộng lớn, nhưng xét cho cùng nó chỉ là bàn cờ cho các siêu cường tranh hùng mà thôi!
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1i_Lan
[2] https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/October/weo-report?a=1&c=998,&s=NGDPD,PPPGDP,NGDPRPPPPC,PPPPC,&sy=2018&ey=2026&ssm=0&scsm=1&scc=0&ssd=1&ssc=0&sic=0&sort=country&ds=.&br=1
[3] https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/April/weo-report?c=924,&s=NGDPD,PPPGDP,NGDPDPC,PPPPC,PPPSH,&sy=2015&ey=2026&ssm=0&scsm=1&scc=0&ssd=1&ssc=0&sic=0&sort=country&ds=.&br=1
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_hi%E1%BB%87n_th%E1%BB%B1c_(quan_h%E1%BB%87_qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF)
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 20/03/2022, hoàn thành vào 27/03/2022.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất