Bài này mình nói về một hiện tượng hiện nay là những người đến tuổi trưởng thành nhưng họ không chịu lớn, tâm lý muốn mình mãi là một đứa trẻ cần sự quan tâm của mọi người xung quanh. Vậy đối tượng được đề cập tới ở đây là các bạn trẻ từ 18 đến 25 tuổi nhưng không tự tu tập để có trách nhiệm hơn, kỷ luật hơn và độc lập hơn.
Có lẽ có nhiều nguyên do gây nên việc này, nhưng đầu tiên phải kể đến yếu tố gia đình và thứ hai là chính bản thân họ. Vì gia đình là nơi họ được nuôi dưỡng ngay từ khi sinh ra và lớn lên, do đó tư tưởng của mọi người trong giai đoạn này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cha mẹ. Thứ hai là chính bản thân họ, đối tượng mình đang nói tới ở đây là các bạn từ 18 đến 25, độ tuổi phải tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình, do đó việc không chịu trưởng thành giờ đây thuộc về trách nhiệm của họ.
Cùng đi sâu hơn một chút vào hai yếu tố đó hơn.

Sự phụ thuộc vào cha mẹ

Có hai kiểu cha mẹ
    - Cha mẹ tự nhiên (natural parents):  Người cha mẹ sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng khi ta chưa có thể nhận thức và có ý thức về cuộc sống này. (có duy nhất 1 cặp cha mẹ)
    - Cha vẹ văn hóa (cultural parents): Người cha mẹ chỉ dạy chúng ta trên con đường trở thành người trưởng thành (có thể là người ngoài, một người thầy, một người bạn, người yêu,...)
Một bộ phận cha mẹ hiện nay đóng cả hai vai trò này. Họ dạy con cái phải luôn nghe lời cha mẹ nếu muốn có cuộc sống tốt, thế nên đứa trẻ luôn có tư duy phụ thuộc vào cha mẹ mình, nhiều đứa tưởng mình đã trưởng thành rồi nhưng thực sự vẫn không thoát được cái bóng của cha hoặc mẹ. Bất kể làm điều gì trong cuộc sống này họ đều luôn cần hỏi ý kiến của người cha hoặc mẹ mình, do đó mà khi đối mặt với cuộc sống thì luôn có gì đó giữa họ và cuộc sống, một hình bóng ai đó.
Sigmud Freud và Carl Jung (hai nhà tâm lý học vĩ đại thế kỷ 20) đều cho rằng đứa trẻ thật sự trưởng thành khi mà người cha của chúng chết đi. Hãy hiểu câu nói trên theo nghĩa biểu tượng. Trên thực tế cha đứa trẻ không cần phải chết để cho con mình trưởng thành, đó chỉ là hình ảnh về người cha biểu tượng của tự nhiên (nhóm đầu tiên), và biểu tượng đó cần chết đi để đứa trẻ tự nuôi nấng mình.
Đứa trẻ muốn trưởng thành đầu tiên phải học cách tự nuôi nấng mình trong cuộc sống này.
Và rồi, khi cơ hội trưởng thành đến với bạn, bạn có thể đi hỏi cha mẹ mình, nhưng rồi bạn sẽ nhận ra cả bạn và bố mẹ đều mơ hồ về những điều ở phía trước. Cảm giác mơ hồ thật khó chịu, thậm chí còn phức tạp đến nỗi người ta phải đặt ra một cái tên là Chủ nghĩa hư vô (Nihilism) cho nó. Thế nên có những người sẵn sàng đưa mình vào mối quan hệ chủ-nô với cha mẹ của mình, nói cách khác là ta luôn phải giữ mình thấp bé với cha mẹ và luôn bị động làm theo những gì bề trên sai bảo. Vì luôn có người quyết định hộ mình rằng hôm nay mình có nên đi chơi không, mình có nên đi tập môn thể thao mới không, mình có nên quen bạn mới không, mình có nên đi làm thêm hay không,... và như thế nếu có làm sai thì mình không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. 

Sợ hi sinh và không dám đưa ra quyết định

Nếu các bạn ở thời 8X, 9X thì sẽ nhớ hồi nhỏ hay được xem phim về Peter Pan trên tivi vào lúc buổi sáng trước khi đi học, có kênh thì chiếu buổi trưa. Bộ phim này kể về cậu bé biết bay tên là Peter Pan, ngoài việc đó ra, cậu còn là một đứa bé không bao giờ lớn. Peter Pan được Tinkerbell dẫn đến xứ sở diệu kỳ nơi có tên bạo chúa Captain Hook. Nhìn dáng vẻ bề ngoài với cái tay làm bằng móc câu, một chân bằng gỗ, thân mình đầy sẹo và chột mắt, hình ảnh của một người lớn như vậy khiến cậu sợ hãi và không bao giờ muốn giống tên bạo chúa Hook đó. Ở xứ sở diệu kỳ đó cậu được ban phép màu và cậu có thể mãi là một đứa trẻ, nhưng thực tế thì xứ sở diệu kỳ đó và cô nàng phù thủy Tinkerbell mà cậu phải lòng làm gì có thật, chúng chỉ nằm trong trí tưởng tượng mà thôi.
Trong phim còn có một cô bé tên là Wendy, cô bé khá cứng đầu và lớn lên trong một gia đình trung lưu tại thành phố Luân Đôn nước Anh. Cô bé thì ngược lại Peter Pan, muốn được trưởng thành, muốn gia đình riêng nên cô bé chấp nhận sự hữu hạn của tuổi tác.  
Ở phương Tây người ta dùng cái tên Peter Pan để chỉ những người không bao giờ chịu lớn. Họ là những người luôn đắm chìm trong ảo tưởng của bản thân và không dám bước ra đời thực một lần. 
Jordan Peterson - Peter Pan, King Of The Losers - YouTube

Chắc các bạn đã quen với câu nói này: “Trông đứa bé kia tiềm năng đấy”. Tiềm năng là một thứ không có thật, chúng là giả định mà thôi. Nên người nhận được lời khen mà không phân biệt thật giả trong câu nói đó sẽ sống trong sự ảo tưởng về tiềm năng của mình. Và mãi là đứa trẻ tiềm năng, nhưng không làm nên trò chống gì. 
Những người trẻ từ 18-25 ở thời đại này luôn được nhìn nhận là tầng lớp tiềm năng sau này, điều chúng ta cần làm là kiểm xem câu nói đó có thật hay không. Đó là lý do chúng ta đi xin việc, làm một công việc nào đó cho ra hồn, có thể bị chửi mắng, bị đuổi việc, nhưng chúng ta hiểu rằng chúng ta đang thử nghiệm những cái tiềm năng mà chúng ta nghĩ chúng ta đang sở hữu. Rồi cuối cùng chúng ta biết chúng ta sẽ giỏi cái gì thật sự. 
Một thanh niên 23 tuổi có thể mang dáng vẻ ất ơ đi xin việc làm mới, nhưng nếu ở tuổi 30 là vẫn còn lơ mơ về bản thân thì chả ai thông cảm cho ta nữa, mọi người sẽ hỏi "thế 10 năm qua mày làm cái quái gì vậy?". Chả nhẽ bạn bảo “Tôi vẫn là một thanh niên tuổi 20 đầy tiềm năng ư”. 
Như thế bạn chỉ là một đứa trẻ con đội lốt người lớn.
Như vậy quá trình trưởng thành cũng là quá trình hi sinh những tiềm năng của bản thân mình. Ta hi sinh để xem liệu nó có phải thật hay không, nếu nó có thật thì nó là của chúng ta và chúng ta có thể dùng nó để tạo ra giá trị cho cuộc sống này. Sự hi sinh ở đây được coi như là một cuộc thử nghiệm, một cuộc thử nghiệm gây đau đớn nhưng ai cũng phải làm, nếu không muốn bản thân mình mù mờthiếu thực tế.
Nhưng vì những tiềm năng đó quá hấp dẫn nên nhiều người muốn trì hoàn sự trưởng thành. Điều đó thể hiện bởi nhiều bạn trẻ đến trường đại học, hoặc cao đẳng để cho vui và kết bạn chứ họ không thực sự học cái nghề của ngành đó. Các bạn đó ngồi giảng đường đại học, học những ngành được cho là “hot” nhưng chả hiểu sao nó “hot” vì nghĩ như vậy mình có sẽ có nhiều tiềm năng hơn trong tương lai. Nhưng rồi nhận ra tiềm năng là thứ gì đó không có thật, và khi ra trường họ lại đi học một cái gì đó chỉ để cho mình tiềm năng hơn, chứ không phải học để cho bản thân có một cuộc sống tốt hơn. Nếu đã mất thời gian 4 năm đi học sao ít nhất không biến nó thành cái nghề của mình trước đã. 
Trì hoãn trưởng thành chỉ làm tăng đau đớn sau này. Những áp lực vẫn ở đó, chỉ là họ muốn chịu đựng nó sau này cũng được, nhưng không biết có chịu được không? Đến lúc đó người chịu thương đau có phải chỉ là mỗi ta không? Hay còn là gia đình và những đứa con của ta nữa?

Kết bài

Mình suy nghĩ đắn đo cho một cái kết bài. Thế hệ chúng ta luôn bị đánh giá là lười biếng hơn, phụ thuộc hơn và thiếu trưởng thành hơn thế hệ trước. Xã hội không bao giờ dừng phát triển nên từng cá nhân cũng không thể dừng lại được. Một vài người bạn của mình sợ đi làm vì họ đã quen cảm giác học tập, quen cảm giác phấn đấu trong một môi trường duy nhấttrường học từ bé, giờ mà đi làm thì mọi thứ mới lạ quá, nhiều thử thách quá. Vì khi đối diện với thực tế mình mới thấy mình thật sự kém cỏi và ngu dốt ở đâu, thứ mà chúng ta lẩn tránh sau hai chữ “tiềm năng”. Thế nên công việc đầu tiên lúc nào cũng nhiều đau đớn và đắng cay hơn cả.
Trong một cuốn sách kể về Socrates - một triết gia vĩ đại là hạt giống của sự phát triển nền văn mình phương Tây hiện tại. Trong cuốn sách ghi lại rằng, Socrates nghe được một vị thần ở xứ Athens nói rằng ông là người thông thái nhất. Ông nghi ngờ câu nói này nên đã quyết định đi kiểm định câu nói đó. Ông đi hỏi mọi người trong vùng xem ai là người thông thái nhất ở đây rồi ông đến gặp họ, những nhà triết học được coi là vĩ đại thời đó. Khi đến nơi Socrates liền hỏi về những triết lý cuộc sống, ông hỏi liên tục và đào sâu vào vấn đề, nói là liên tục nhưng thật ra chỉ đến câu hỏi thứ tư thứ năm thì các triết gia đó đã cứng họng. Ông lắc đầu ngao ngán và công nhận mình còn thông thái hơn họ. Hóa ra đến những người được coi là thông thái nhất cũng không thông thái như họ nghĩ. Nhưng vẫn trăn trở, ông lại đi tìm những người giỏi ở các tầng lớp các nhau để tìm hiểu lời thần truyền kia có đúng là ông thông thái nhất thật không. Nhưng khi đi tìm đến những người giỏi ở các tầng lớp thấp hơn thì những người đó vẫn cứng họng và đuổi ông đi. Rồi Socrates nhận ra ý nghĩa của câu nói của vị thần đó rằng, Socrates chỉ là một cái tên mà thôi, vị thần đó chỉ mượn cái tên ông ra để nói chung về người dân xứ Athens rằng họ không thông thái như họ tưởng, chúng ta luôn có điểm ngu dốt và cần đi tìm sự thông thái cho mình. Cũng vì bị Socrates chỉ ra điểm yếu của bản thân mình mà người dân xứ Athens đã bắt ông phải chịu án phạt tử hình.
Quay lại với phần thứ hai của bài, việc đi kiểm chứng những tiềm năng của bản thân như việc Socrates đi kiểm chứng lời nói của vị thần vậy. Và bạn sẽ rất khó chịu như người dân Athens khó chịu khi phát hiện ra mình vẫn còn kém cỏi vậy. Nhưng đó cũng là cái giá để bạn biết đâu là cái mình giỏi nhất và tập trung vào. 
Nếu bạn có cha mẹ kiểm soát đến đời sống quá nhiều, thì đây cũng là lúc bạn phải tách biệt bản thân của mình với gia đình, để tự đứng trên đôi chân của mình, và chắc chắn, chắn chắn luôn nhé, rằng bạn sẽ vấp ngã và bị đau đớn trên đường đời. 
Nhưng nếu không còn cha mẹ để dựa vào thì ta tựa vào ai đây?
------------------------------------------
Nguồn tham khảo:
Sách: Socrates tự biện - Plato & Xenophon
Khóa học tâm lý Maps of Meaning:
Các bài viết khác: