Chống đuối nước (drownproofing) là kỹ thuật tập luyện dành cho cả những người biết bơi và không biết bơi, được sáng tạo ra từ năm 1940. Theo đó, người tập sẽ thả lỏng cơ thể trong bể bơi, tay chân hoạt động tùy thích, miễn là tìm cách để đầu và ngực nổi lên khỏi mặt nước. Điểm mấu chốt để thực hiện bài tập này? Muốn nổi lên để hít thở, bạn phải cho phép mình chìm xuống đáy bể.
Bạn có thể xem video tại đây nha.
Đừng nghĩ đến một con voi. Khi đọc đến dòng này, chắc chắn hình ảnh con voi sẽ xuất hiện trong đầu bạn. Càng cố gắng không nghĩ đến con voi, bạn càng không thể thoát khỏi nó. Phương pháp ở đây là: cứ để con voi ở trong tâm trí bạn cho đến khi tự nó biến mất.
Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp bạn càng cố gắng theo đuổi thứ gì đó, bạn càng thất bại. Bạn càng cố tỏ ra hài hước, bạn càng nhạt. Bạn càng cố thể hiện mình thông minh, bạn càng dễ trở nên ngu ngốc trong mắt người khác. Bạn càng cố tìm kiếm hạnh phúc, bạn càng đau khổ.
Bài viết này sẽ nói về The backwards law (Định luật đảo) và triết lý vô vi.

1. Định nghĩa

Định luật đảo là ý tưởng của Alan Watts - một học giả, triết gia nổi tiếng người Mỹ. Bàn về Định luật đảo, ông nói:
Khi cố gắng nổi lên mặt nước, rất có thể bạn sẽ bị chìm; nhưng khi cố gắng chìm xuống thì bạn lại nổi được.
Càng cố gắng theo đuổi thứ gì, bạn càng không có được nó.
Tư tưởng này bắt nguồn từ phương Đông. Khái niệm “hành động bằng cách không hành động” xuất hiện từ hàng nghìn năm về trước tại Trung Quốc, trong cuốn Đạo đức kinh. Theo đó, Lão Tử - người được coi là tác giả của Đạo đức kinh đã nói về vô vi - trạng thái không cố gắng, làm mà như không làm, để mọi thứ diễn ra thuận theo tự nhiên. 

2. Tại sao càng theo đuổi càng thất bại?

Ảnh bởi
Brett Jordan
trên
Unsplash

Vì tâm lý theo đuổi sẽ dẫn đến tâm lý thiếu thốn.

Trong khi cố gắng đạt được một điều gì đó, tâm trí bạn sẽ tự động hiểu rằng bạn không có thứ đấy. 
Bạn càng cố gắng hoàn hảo thì bạn càng trở nên không hoàn hảo.
Bạn càng cố gắng tìm kiếm sự hòa nhập, não bộ càng cho rằng bạn rất cô đơn. Vậy nên bạn luôn cảm thấy cô đơn, bất kể bạn đang ở đâu và xung quanh bạn có bao nhiêu người.
Bạn càng theo đuổi đồng tiền, bạn càng tự nghĩ rằng mình thiếu tiền. Và chính khoảng cách giữa tài khoản ngân hàng trong mơ của bạn với số dư tài khoản thực tế khiến bạn nghèo đói, chứ chưa chắc bạn nghèo thật.
Chúng ta là sản phẩm của môi trường xung quanh. Rất dễ để yêu thích và theo đuổi tiền bạc, nhà lầu, xe hơi, quần áo đắt tiền… vì xã hội tiêu dùng dạy ta như thế. Nếu đọc những bài viết của mình mà bạn nghĩ rằng: À, vật chất thực ra cũng chẳng quan trọng, cái bạn cần là đam mê và những giá trị tinh thần cơ, thì bởi vì mình nói với bạn như thế. 
Chính vì thế, cái bạn đang theo đuổi chưa chắc đã là thứ bạn cần. Đây là lý do khi có được rồi, bạn chẳng hạnh phúc như bạn tưởng.

Vì không phải lúc nào kết quả cũng tương đương với nỗ lực bỏ ra.

Muốn đạt được học bổng, bạn phải cố gắng học hành chăm chỉ.
Muốn trở nên giàu có, bạn phải nỗ lực thật nhiều và không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để kiếm tiền.
Muốn tán được gái, bạn phải dành thời gian trò chuyện và bỏ chi phí để hẹn hò.
Đấy là bạn tưởng vậy. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải lúc nào kết quả thu về cũng tương đương với nỗ lực bỏ ra. Không phải bạn dành thời gian học trong 4 tiếng thì bạn sẽ giỏi hơn bốn lần nếu bạn học trong 1 tiếng. Ngược lại, thời gian học càng dài, hiệu suất của bạn càng đi xuống. (Quy luật hiệu suất giảm dần)
Không phải bạn nỗ lực gấp đôi người khác thì lương bạn sẽ cao gấp đôi họ. Không phải bạn bỏ tiền bạc và thời gian nhiều hơn thì bạn sẽ chiến thắng tình địch của bạn. Mình có thể kể cho bạn nghe một loạt hành động mà cố quá thành quá cố như: cố đi ngủ, cố gây ấn tượng với crush, cố để có một đêm làm tình tuyệt vời như phim sex,... 

3. Cách sử dụng Định luật đảo và triết lý vô vi

Vậy thì làm thế nào để bạn đạt được những gì mình muốn bằng cách ngừng theo đuổi nó?

Chấp nhận

Trong cuốn “The art of not giving a F”, tác giả Mark Mason đã nói:
Mong muốn một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực; chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực.
Nhiều người có xu hướng né tránh sự đau khổ. Họ chỉ mong cảm nhận hạnh phúc, thành công và né tránh ngay lập tức cảm xúc buồn bã, cô đơn hoặc sự thất bại. Tuy nhiên, tất cả các trải nghiệm đều là công cụ có thể giúp thay đổi cuộc đời của bạn. Nếu tránh né sự đau khổ, bạn sẽ giới hạn bản thân trong vòng tròn an toàn của mình. Đây là lý do trong Phật giáo, thiền định là một bài thực hành vô cùng quan trọng. Thiền giúp bạn quan sát được suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của bản thân. Một vị thiền sư đã từng nói (xin lỗi vì mình không tìm lại được nguồn): "Đừng sợ nỗi buồn, hãy coi nó như một người bạn. Khi tôi buồn, tôi ngồi đó và quan sát nỗi buồn của mình. Nỗi buồn sẽ nói với tôi rất nhiều điều."
Bạn có thể tìm thấy hạnh phúc bằng việc chấp nhận nỗi đau của mình.
Bạn sẽ vơi bớt sự cô đơn khi dám đối diện với nỗi cô đơn bằng cách ở một mình, chứ không phải bằng cách đi bar với bạn bè.
Bạn chấp nhận không phải bởi bạn kém cỏi mà bởi bạn đủ tự tin để chấp nhận mọi thứ. Bạn chấp nhận việc sẽ có một vài người chẳng hề thích bạn. Bạn chấp nhận việc những gì bạn làm có thể trở thành thảm họa nhưng kệ mẹ, bạn vẫn làm. Và bạn chấp nhận cuộc sống có thể là một chuỗi ngày thất bại, chấp nhận việc để bản thân chìm xuống nước để có thể vươn mình lên mặt nước hít thở một lần nữa.

Tĩnh lặng

Nếu muốn quan sát những gì ở dưới đáy hồ, việc của bạn không phải là khuấy tung mặt hồ hoặc thò tay mò mẫm. Bạn chỉ cần ngồi yên để mặt nước tự nhiên tĩnh lại.
Trước khi làm một việc gì đó, thay vì tìm mọi cách kiểm soát hoặc bắt tay ngay vào hành động, hãy để tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng. Sau đó, sử dụng nhiều nhất có thể những tình huống hoặc nhân vật đang diễn ra xung quanh để có lợi cho bạn. “Làm như không làm” là con đường tắt, cũng là “con đường dễ dàng nhất” theo Alan Watts. 

Tìm ra con đường phù hợp.

Theo Khổng Tử, để đạt được trạng thái vô vi, ban đầu bạn phải vô cùng cố gắng. Khi bạn cố gắng đủ lâu, sau một thời gian, bạn sẽ hòa làm một với hành động. Hành động sẽ tự nhiên diễn ra giống câu các cụ hay bảo “Trăm hay không bằng tay quen”.
Lão Tử phản đối quan điểm này. “Khi một người phải cố gắng trở nên đạo đức, thì tức là anh ta đang không đạo đức”. Do đó, hãy quên hết tất cả khái niệm về tốt xấu đúng sai. Thật sự tập trung vào hiện tại, sống theo tự nhiên và hành động sẽ tự động diễn ra không cần sự điều khiển của tâm trí.
Để tránh bị tẩu hỏa nhập ma giữa hai vị này, bạn có thể học theo Mạnh Tử. Là triết gia theo Nho giáo và tiếp nối Khổng Tử, ông tìm ra con đường ở giữa. Theo ông, chúng ta đều có tiềm năng bên trong bản thân mình, nhưng những thứ này cần nuôi dưỡng và luyện tập. Thế nên bạn có thể cố, nhưng đừng cố quá. Bạn xác định được mục tiêu, bạn cố gắng tập trung làm tốt những việc bạn có thể làm và để thời gian trả lời. 
Nhà văn, nhà triết học người Anh Aldous Huxley cũng từng nói: “Chúng ta càng cố để thành công, khả năng thất bại của ta càng lớn. Kỹ năng và thành tựu sẽ đến với những người hiểu được nghệ thuật giữa hành động và không hành động, hoặc biết cách kết hợp thư giãn với hành động”.
Vậy nên, khi bị mẹ mắng lúc bạn nằm ườn trên giường lướt điện thoại, hãy mạnh mẽ trả lời: "Con đang vô vi" :))))
Nguồn tư liệu: