Tâm lý nào khiến bạn không dám đầu tư? Chiến lược đầu tư ăn chắc mặc bền trong mùa giông bão
Lại một mùa đông đã đến, mùa đông năm nay có vẻ sẽ lạnh hơn mọi năm một phần là cái lạnh của thời tiết, phần còn lại do sự lạnh lẽo...
Lại một mùa đông đã đến, mùa đông năm nay có vẻ sẽ lạnh hơn mọi năm một phần là cái lạnh của thời tiết, phần còn lại do sự lạnh lẽo của thị trường tài chính (chứng khoán, crypto) khi các tài sản này đang chìm sâu trong chu kỳ downtrend. Tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, Việt Nam vẫn đang đối mặt với một bài toán khó về ổn định kinh tế.
Là một nhà đầu tư đã trải qua mùa đông crypto cũng như giai đoạn downtrend của thị trường chứng khoán giai đoạn 2018 – 2020, mình hiểu cảm giác như ngồi trên đống lửa khi nhìn thấy tài khoản âm mỗi ngày một nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác tạm thời. Khi mình nhìn lại, mùa đông lại là mùa tuyệt vời nhất, mùa của sự thanh lọc và tích luỹ. Chỉ khi đã từng trải, bạn mới thấy đông là mùa sẽ mang lại nhiều tiền nhất chứ không phải mùa hè (uptrend, tăng trưởng nóng). Đặc biệt với những bạn bắt đầu với số vốn nhỏ hoặc chưa vào vốn trong thị trường, giai đoạn 1-2 năm sắp tới sẽ có rất nhiều cơ hội để tích luỹ. Đối với những bạn đã vào vốn trước đó và đang âm tài khoản khá nhiều (đu đỉnh), vị thế (position) của các bạn sẽ không tốt bằng những bạn chưa vào vốn nhưng hoàn toàn có cơ hội sửa sai trong mùa đông.
Bài viết thuộc series Đầu tư từ đầu - series chia sẻ trải nghiệm đầu tư thật của người trẻ, nơi Spiderum và Infina hướng tới phát triển tư duy đầu tư dài hạn lành mạnh
Trong bầu không khí bao trùm nỗi sợ hãi lên thị trường như thế này, khi báo chí và truyền thông liên tục đưa tin về những cú sụt giảm mạnh, thật rất khó để một nhà đầu tư F0 mới sẵn sàng đầu tư.
Nỗi sợ là một cảm xúc bình thường, đây là cảm xúc mang tính bản năng. Tuy nhiên, trên thị trường, nếu bạn chỉ hành động theo cảm xúc và bản năng, bạn chắc chắn không thể thành công được. Bạn sẽ luôn trong trạng thái chần chừ không thể ra quyết định và sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội. Bản thân mình cũng từng trải qua rất nhiều cung bậc trong các chu kỳ, cũng từng ra những quyết định đầu tư sai lầm do bị cảm xúc chi phối.
Mình đến với thị trường chứng khoán khoảng năm 2016-2017 (và 2018 với thị trường crypto) là do một người bạn của mình khi ấy đang làm môi giới ở một công ty chứng khoán rủ rê. Lúc đấy một phần vì nể bạn, một phần vì cũng muốn tìm hiểu thêm về thị trường nên mình đã mở tài khoản để ủng hộ bạn. Sau khi mở tài khoản chứng khoán, mình được add vào một group zalo cùng với những người khác để nhận tin tức thị trường và các phân tích kỹ thuật/tín hiệu mua bán. Hàng ngày, bạn mình gửi cho mình rất nhiều nhận định về thị trường, các mã cổ phiếu khuyến nghị mua/bán.
Giai đoạn đầu, mình gần như không dám vào vốn mà chỉ lang thang các diễn đàn để học hỏi và nghiên cứu. Mình cảm thấy chưa sẵn sàng. Gần như 90% những gì mình đọc được trên các diễn đàn chủ yếu chỉ nói về phân tích kỹ thuật (phân tích đồ thị), còn lại rất ít người nhắc đến phân tích cơ bản (phân tích nội tại công ty). Điều này phản ánh rõ một điều số đông chỉ tập trung vào các cơ hội kiếm tiền ngắn hạn, chứ không thực sự hứng thú với với việc mua và nắm giữ lâu dài. Các kiến thức được chia sẻ rất rời rạc, đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau.
Sau một thời gian bị tẩu hoả nhập ma với quá nhiều kiến thức chồng chéo trên mạng, mình quyết định sẽ thử sức thực tế với 1 số vốn nhỏ. Mặc dù đã thực hiện phân tích cơ bản một số mã trước khi mua, nhưng cảm xúc nhìn tài khoản đi ngược với kỳ vọng thật không hề dễ chịu chút nào. Khi thấy giá liên tục giảm, mình đã nhiều lúc nghi ngờ với quyết định của mình, liệu có thông tin gì mà mình chưa biết hay không.
Ở giai đoạn đầu, mình chưa có một hệ thống nguyên tắc quản lý rủi ro. Trên các diễn đàn, có người bảo lỡ sai thì phải cắt lỗ, người thì bảo nên gồng lỗ vì chưa bán thì chưa lỗ, có khi quyết định chọn cắt lỗ để bảo toàn vốn, vừa cắt lỗ xong thì vài hôm sau thị trường đổi chiều. Một thời gian sau mình mới biết rằng cắt lỗ là nguyên tắc quản trị rủi ro trong trading, còn nếu đầu tư dài hạn thì không cần thiết phải cắt lỗ. Nếu bạn không xác định rõ ngay từ đầu bạn thuộc trường phái nào, đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, thì cảm xúc sẽ trải qua các cung bậc như sau:
Mình cũng đã thử theo dõi một thời gian, tuy nhiên mình cảm nhận việc mua bán liên tục (trading) không phải là triết lý mình muốn theo đuổi. Mình từng nói chuyện với bạn môi giới về định hướng đầu tư của bản thân là nắm giữ dài hạn, theo trường phái của Warren Buffett. Tuy nhiên, bạn mình lại thuyết phục mình rằng chỉ khi vốn to thì mới nên nghĩ đến đầu tư dài hạn, vốn nhỏ thì phải trading để xoay vòng vốn nhanh gia tăng lợi nhuận, thị trường Việt Nam toàn các đội lái, có phân tích cỡ nào thì cũng phải theo đội lái thôi. Dĩ nhiên, mình hiểu rằng ở góc độ môi giới thì chỉ khi nào khách hàng giao dịch thì môi giới mới được hưởng hoa hồng, do đó vô tình tạo nên một áp lực khiến môi giới phải khuyến nghị mua bán liên tục. Mình vẫn giữ lập trường của bản thân.
Một số lý do khiến mình không cảm thấy phù hợp với trading là vì mình không thích việc cắt lỗ, mình không có thời gian theo dõi thị trường liên tục, và mình cảm thấy trading không mang lại giá trị tăng thêm (ngoài việc tạo thanh khoản cho thị trường). Về cơ bản, trading ngắn hạn là zero-sum game (trò chơi có tổng bằng không) khi có người thắng thì chắc chắn đâu đó phải có người mất tiền. Khác với đầu tư dài hạn, nơi bạn có thể không cần quan tâm đến các khoản lỗ danh nghĩa, nguyên tắc quản trị rủi ro trong trading là bạn cần phải cắt lỗ nếu giá đi ngược lại dự đoán đến một mức độ nào đó.
Sau giai đoạn đầu đi trong vô định, mình đã xác định được định hướng đầu tư của mình là tập trung vào đầu tư dài hạn. Đến giai đoạn 2018, thị trường bước vào chu kỳ downtrend, mình chia vốn ra và mua vào các tài sản mỗi khi có 1 đợt giảm giá lớn. Cảm giác trải qua một mùa đông dài lần đầu tiên khi mới đầu tư thật không dễ dàng. Mình xoá cả app để tránh việc kiểm tra giá liên tục mỗi ngày. Trải qua một số lần vào vốn, mặc dù không mua được ở ngay đáy, nhưng mình tích luỹ được khá nhiều ở khu vực gần đáy. Và phần còn lại của giai đoạn 2021 thì các bạn biết rồi đấy, thị trường quay lại giai đoạn uptrend. Tài khoản mình đã xanh trở lại, với một trung bình giá rất tốt mình đã tích luỹ trong mùa đông.
Chỉ có trong mùa đông, các bạn mới có được mức giá đó, cùng với một khối lượng tích luỹ lớn. Nếu một người khác đợi đến khi thị trường đã xác nhận uptrend mới vào vốn, chắc chắn trung bình giá sẽ cao hơn nhiều, họ cũng không thể vào vốn quá lớn vì rủi ro thị trường đảo chiều là có thể xảy ra. Mùa đông thật sự không đáng sợ như mọi người thường nghĩ, trái lại, đây là mùa có khả năng kiếm được tiền nhiều nhất. Dĩ nhiên chúng ta phải tuân theo một số nguyên tắc để quản trị rủi ro.
Phần lớn mọi người đều biết rằng đầu tư là một việc nên làm, và là một nền tảng quan trọng trong việc tiến tới tự do tài chính, nhưng lại thường chần chừ chưa bắt đầu vì nhiều lý do, chủ yếu là vì cảm thấy chưa sẵn sàng và chưa tìm được một thời điểm “thích hợp”. Một phần nhỏ thì có tâm lý hơi tiêu cực với việc đầu tư, cho rằng việc đầu tư cũng giống như đánh bạc, phụ thuộc vào may mắn là chủ yếu, hoặc mất niềm tin vào thị trường Việt Nam khi cho rằng ở Việt Nam đầu tư chỉ toàn là lùa gà.
Các lý do trên thường đến từ việc bị nhiễu loạn thông tin, khiến cho bạn cảm thấy bị quá tải và không thể ra quyết định, hoặc tạo ra các quan điểm không đúng về toàn bộ thị trường. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi bạn là một người ở ngoài ngành nhìn vào lĩnh vực đầu tư, bạn thường cảm thấy đây là một lĩnh vực rất phức tạp và rủi ro, bởi vì bạn thường chưa có đủ khả năng chọn lọc và kiểm định tính chính xác của thông tin.
Các hoạt động khác trong đời sống như học bơi, băng qua đường, học lái xe, về cơ bản cũng đầy tính phức tạp và rủi ro (thậm chí liên quan đến tính mạng). Tuy nhiên, với sự hướng dẫn và đào tạo của người đi trước, chúng ta đều học và làm được những điều này từ khá sớm. Điều đáng buồn là chúng ta thường ít khi được dạy những kiến thức về tài chính – làm thế nào để tiết kiệm và đầu tư, điều này khiến cho chúng ta thường có ấn tượng rằng đầu tư thường phức tạp và rủi ro, mà chúng ta thì chưa sẵn sàng. Trong khi việc đầu tư đáng lẽ nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, vì yếu tố thời gian là rất quan trọng để tận dụng lãi kép, nhưng với cảm giác chưa sẵn sàng, việc đầu tư thường bị trì hoãn lại.
Sự thật thì việc đầu tư không phức tạp như bạn thường nghĩ, trừ khi mục tiêu của bạn là đánh bại thị trường (tìm kiếm tỷ suất sinh lợi cao hơn trung bình thị trường). Để có thể bắt đầu quá trình đầu tư, bạn chỉ cần tập trung một số nguyên tắc cơ bản, và rèn luyện tính kiên nhẫn và kỷ luật. Trong bài viết này, mình sẽ bàn luận về một số niềm tin phổ biến ngăn cản phần lớn mọi người bắt đầu hành trình đầu tư, cũng như giúp bạn giải quyết các rào cản này. Mình cũng sẽ chia sẻ các trải nghiệm cá nhân trong hành trình của mình.
Những tâm lý cản trở việc đầu tư
Tâm lý phổ biến 1: Đầu tư là “đánh bạc” tỷ lệ rủi ro cao
Nhiều người cho rằng việc đầu tư mang lại rất nhiều rủi ro. Thậm chí một số còn đánh đồng đầu tư với việc đánh bạc. Điều này là hoàn toàn hiểu được, khi ở Việt Nam, mọi người thường không gọi “đầu tư chứng khoán” mà thường là “đánh” hoặc “chơi chứng khoán”. Chính cách gọi này cũng đã thể hiện quan điểm nắm giữ ngắn hạn, coi việc đầu tư như một trò chơi may rủi, thay vì xem đây là một kênh để tích lũy tài sản.
Tâm lý cờ bạc của các nhà đầu tư cũng có thể hiểu được bởi vì chứng khoán là nơi mà các biến động giá diễn ra rất nhanh chóng. Trong một thị trường giá lên, cứ mỗi phiên tăng trần, là các nhà đầu tư lại có thể kiếm được lợi nhuận bằng cả năm gửi tiết kiệm. Và điều ngược lại cũng đúng. Ranh giới giữa đầu tư và cờ bạc là rất mong manh.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa việc đánh bạc trên thị trường và đầu tư? Một nhà đầu tư khi ra quyết định, sẽ phải đảm bảo tính giải thích và tính bền vững. Tính giải thích là khả năng bạn có thể diễn giải được lý do đằng sau quyết định đầu tư của mình một cách hợp lý. Tính bền vững là khả năng dự phòng cho tình huống xấu nhất, bạn vẫn còn khả năng để tiếp tục. Bất kỳ rủi ro nào có thể khiến bạn mất hết tất cả vốn đầu tư (đầu tư tất tay, all-in), dù mức độ lợi nhuận tiềm năng cao đến mức nào, đều không xứng đáng để đánh đổi.
Với một người đang đánh bạc trên thị trường, hoặc là họ vi phạm tính bền vững khi sẵn sàng đầu tư tất tay (sử dụng đòn bẩy lớn, vay mượn, cầm cố) hoặc là vi phạm tính giải thích (mua theo đám đông, mua mù). Một người hoàn toàn có thể kiếm được rất nhiều tiền nhờ vào việc may mắn lựa chọn đúng trong một lần tất tay. Trừ khi người này từ bỏ và không quay lại thị trường tài chính, còn không thì số tiền kia cũng sẽ sớm mất đi. “The only way to win in a Las Vegas casino is to exit as soon as you enter” – Cách duy nhất để chiến thắng ở sòng bạc Las Vegas là nhanh chóng nghỉ chơi từ khi lúc bước vào. Như vậy, cơ bản rằng chỉ cần bạn hiểu rõ lý do đằng sau mỗi quyết định đầu tư của mình và nhận thức cũng như chấp nhận được rủi ro kèm theo một cách có ý thức và có sẵn phương án dự phòng, thì đó không phải là cờ bạc.
Thị trường chứng khoán là nơi có rất nhiều sự lựa chọn tuỳ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Bạn không nhất thiết phải lựa chọn một danh mục đầu tư đầy biến động nếu bạn là một người e ngại rủi ro. Rủi ro, hay sự biến động trên thị trường, không phải là một sự trừng phạt, mà là một khoản phí về mặt cảm xúc mà bạn phải trả (lo lắng, sợ hãi) trước khi đạt được phần thưởng là lợi suất đầu tư. Bạn hoàn toàn có lựa chọn trả khoản phí này thấp, như đầu tư vào các danh mục trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, hay đơn giản là gửi tiết kiệm. Sự biến động giá có thể đáng sợ trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn thị trường luôn có xu hướng đi lên, và phần thưởng bạn nhận lại sẽ rất lớn.
Việc không đầu tư không có nghĩa là bạn sẽ không chịu bất kỳ rủi ro gì. Một trong những rủi ro sẽ bào mòn khoản thu nhập của bạn chính là rủi ro lạm phát. Ngoài ra, việc đứng ngoài thị trường cũng khiến một người phải gánh chịu một khoản chi phí cơ hội.
Hình minh hoạ trên được trích từ nghiên cứu của Schwab Center for Financial Research. Trong hình so sánh 5 chiến lược đầu tư khác nhau và theo dõi hiệu quả đầu tư qua 20 năm sử dụng danh mục mô phỏng chỉ số S&P 500 (chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ, thị trường Mỹ):
- Chiến lược bắt đáy: mỗi năm khi thị trường tạo đáy, nhà đầu tư sẽ thực hiện lệnh mua.
- Chiến lược mua ngay lập tức: mỗi năm sau khi nhận được tiền lương, nhà đầu tư thực hiện lệnh mua.
- Chiến lược trung bình giá: tiền lương mỗi năm sẽ được chia làm 12 phần bằng nhau, nhà đầu tư thực hiện lệnh mua vào đầu mỗi tháng.
- Chiến lược đu đỉnh: mỗi năm khi thị trường lập đỉnh, nhà đầu tư sẽ thực hiện lệnh mua.
- Chiến lược nắm giữ tiền mặt: nhà đầu tư chỉ nắm giữ tiền mặt và tăng trưởng theo lãi suất của trái phiếu chính phủ ngắn hạn.
Thông qua kết quả báo cáo này, bạn chắc hẳn sẽ thấy ngạc nhiên rằng dù một nhà đầu tư mua vào ngay đỉnh của thị trường mỗi năm, kết quả cuối cùng trong dài hạn vẫn tốt hơn gấp 3 so với việc nắm giữ tiền mặt.
Hình minh hoạ trên thể hiện sự biến động của chỉ số VNINDEX từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2022. Tại đầu tháng 10/2022 chỉ số VNINDEX đang ở khoảng 1042 điểm. Như vậy, dù với chiến lược đu đỉnh tại mỗi năm, từ năm 2012 đến năm 2022, phần lớn các năm bạn đều mua vào với giá vốn dưới 1000 điểm (trừ đỉnh của năm 2018, 2021, 2022) và đang có lời.
Để quản lý rủi ro khi đầu tư trên thị trường, mình thường tuân thủ theo một số nguyên tắc và kinh nghiệm cá nhân. Mình xin chia sẻ với các bạn, dĩ nhiên lựa chọn áp dụng hay không vẫn là quyết định cá nhân của mỗi người và mình rất tôn trọng điều đó. Bộ quy tắc của mình bao gồm:
- Không bỏ hết trứng vào một giỏ
- Không đầu tư tất tay, lúc nào cũng phải còn vốn và kế hoạch dự phòng
- Chỉ đầu tư bằng tiền nhàn rỗi
Trong quan điểm của mình, thị trường là vô thường. Dù bạn có dành hàng năm trời để nghiên cứu rất kỹ để tìm ra một công ty tốt, vẫn không thể đảm bảo chắc chắn rằng công ty này sẽ thành công hoặc tiếp tục thành công. Có rất nhiều biến số không thể kiểm soát được, chẳng hạn như bê bối đến từ nhân viên công ty, đình công, ban lãnh đạo gặp tai nạn, hoả hoạn, đối thủ mới xuất hiện … Nhìn vào các công ty huy hoàng trong quá khứ đã từng sụp đổ, có thể thấy xây dựng để trường tồn là một vấn đề không hề đơn giản.
Việc đầu tư tất tay vào một công ty/mã cổ phiếu riêng lẻ có thể gặp rủi ro rằng chúng không thể nào quay lại mức giá ban đầu. Do đó bạn cần phân tán rủi ro, bằng cách đầu tư vào danh mục nhiều mã cổ phiếu. Nếu bạn không biết cách đa dạng hóa danh mục như thế nào, cách tốt nhất là bạn có thể mua các chứng chỉ quỹ, bao gồm các quỹ ETF hoặc quỹ mở. Ngoài ra, nếu vốn bạn lớn, bên cạnh việc phân bổ vốn và đa dạng hoá vào thị trường chứng khoán, bạn cũng cần cân nhắc phân bổ vốn vào các lớp tài sản khác (vàng, trái phiếu, bđs, crypto, …)
Chiến lược đầu tư ưa thích của mình là hỗn hợp giữa chiến lược bắt đáy và chiến lược trung bình giá (chia vốn thành các phần nhỏ, và vào vốn từng phần, nhằm đạt mức giá vốn trung bình tốt nhất; thay vì đầu tư một khoản vốn lớn ngay từ ban đầu):
- Mình sẽ thực hiện mua vào nhiều hơn trong những thời điểm thị trường đi xuống. Dĩ nhiên sẽ không ai biết đâu là đáy, nhưng với chiến lược này đã giúp mình mua được rất nhiều ở khu vực đáy.
- Trong giai đoạn từ 2018 – 2021, mình chia vốn đầu tư thành nhiều phần nhỏ và vào vốn từng phần theo từng giai đoạn. Sau khi vào vốn, nếu thị trường đi lên ngay lập tức, mình cũng cảm thấy vui vì có một khoản lời nhỏ. Nếu thị trường đi xuống, mình cũng cảm thấy vui vì có cơ hội mua thêm hàng giá rẻ. Chỉ cần mình chưa bán, tất cả những biến động ngắn hạn chỉ là lời danh nghĩa hoặc lỗ danh nghĩa, do đó không cần quá bận tâm. Dĩ nhiên mình có thể tiếp tục trung bình giá nếu giá tiếp tục đi xuống bởi vì nguyên tắc không bao giờ tất tay trong một lần vào vốn, lúc nào mình cũng phải chừa lại một khoản vốn dự phòng để tiếp tục mua vào trong những giai đoạn giảm sâu và bổ sung vốn dự phòng liên tục.
Để có thể đầu tư dài hạn cũng như sẵn sàng chấp nhận chôn vốn khi thị trường đi xuống trong một thời gian dài, tiền đầu tư phải là khoản tiền nhàn rỗi, tức số tiền còn lại sau khi chi trả các chi phí, cũng như lập quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, và phải là tiền của bản thân chứ không đến từ vay mượn. Nếu không đảm bảo nguyên tắc này, trong tình huống khi kẹt tiền, chắc chắn bạn sẽ phải bán ra để trang trải chi phí, bạn sẽ phải chịu một khoản lỗ không hề nhỏ, đôi khi còn bán ngay đáy.
Nếu bạn đảm bảo được các quy tắc này, trong dài hạn, bạn gần như không thể thua trên thị trường. Chỉ là khi bạn vào vốn đúng, bạn lời nhiều, khi bạn lỡ sai, bạn lời ít.
Ghi chú: Đây là một bộ quy tắc sử dụng cho chiến lược đầu tư dài hạn. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn (trading), bộ quy tắc khi quản trị rủi ro sẽ khác.
Tâm lý phổ biến 2: Đầu tư rất phức tạp, sân chơi này chỉ dành cho dân chuyên
Về bản chất, thị trường tài chính hoạt động rất phức tạp, tuy nhiên để bắt đầu đầu tư thì lại không hề phức tạp. Dĩ nhiên, sẽ càng tốt nếu bạn có khả năng tìm hiểu sâu hơn về thị trường, bạn cơ bản sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, cũng như khả năng tùy biến các lựa chọn theo sở thích và khẩu vị cá nhân. Trên thị trường chứng khoán, bạn hoàn toàn có thể chọn cho mình một chiến lược đầu tư từ đơn giản đến phức tạp, tuỳ theo thời gian và công sức bạn có thể bỏ ra.
Một vấn đề mà rất nhiều người băn khoăn khi đầu tư chứng khoán là nên đầu tư vào đâu, làm sao để chọn được công ty tốt, tiềm năng khi mà kiến thức về phân tích, đọc hiểu báo cáo tài chính còn hạn chế. Nếu bạn là một nhà đầu tư với quỹ thời gian hạn chế và bạn vẫn phải tập trung vào công việc chính của mình, bạn có thể dựa trên các báo cáo phân tích đến từ các chuyên viên để có một cái nhìn tổng quan về thị trường cũng như công ty mà bạn quan tâm.
Trong trường hợp bạn không có thời gian, cũng không muốn đọc các báo cáo phân tích, vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác cho bạn: Các chứng chỉ quỹ mở có thể là một khoản đầu tư đáng xem xét.
Đây là một hình thức đầu tư gián tiếp khi bạn sẽ uỷ thác số tiền của mình cho một quỹ đầu tư và nhiệm vụ của họ là sẽ phân bổ số tiền này vào các danh mục phù hợp với tỷ lệ lớp tài sản và mức độ rủi ro như họ công bố. Mỗi chứng chỉ quỹ tại một thời điểm khác nhau sẽ có giá khác nhau. Do đó bạn hoàn toàn có thể áp dụng chiến lược mua rải đều để đạt được trung bình giá tốt. Ví dụ như đây là biểu đồ giá của một chứng chỉ quỹ của quỹ VCBF (Quỹ đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu) giai đoạn 2017-2022.
Bên cạnh các quỹ mở thì bạn cũng có thể đầu tư vào các quỹ ETF (Exchange Traded Fund) mô phỏng chỉ số VNINDEX, VN30, … Việc đầu tư vào quỹ ETF về bản chất giúp cho bạn đa dạng hóa danh mục, vì rổ chỉ số thị trường đã được mô phỏng từ rất nhiều mã cổ phiếu, cũng như giải phóng bạn khỏi việc phải hiểu biết chuyên sâu về từng mã cổ phiếu riêng biệt. Với chiến lược này, bạn đang đầu tư đi theo thị trường, chứ không cần phải đánh bại thị trường.
Hiện nay, các ứng dụng fintech đã giúp đơn giản hoá các quy trình khi tham gia đầu tư vào các chứng chỉ quỹ, cũng như giúp loại bỏ các rào cản về vốn tối thiểu yêu cầu. Giờ đây dù với một số tiền nhỏ khoảng vài trăm nghìn bạn cũng vẫn có thể bắt đầu đầu tư. Bạn chỉ cần tập trung vào việc xây dựng thói quen đầu tư đều đặn, trong dài hạn, thị trường sẽ làm việc và mang về lãi kép cho bạn.
Thói quen đầu tư đều đặn là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn vừa có được một trung bình giá tốt, vừa có được một khối lượng nắm giữ lớn. Bạn có thể quan sát bài học kinh nghiệm từ các thế hệ trước, khi ông bà, bố mẹ bạn thường trích tiền tiết kiệm mỗi tháng để mua vàng tích lũy. Chiến lược này về bản chất cũng là một chiến lược trung bình giá (DCA – Dollar-Cost Averaging) trong dài hạn. Ngày nay, bạn có thêm một kênh đầu tư khác bên cạnh vàng và mang lại tỷ suất sinh lợi cao hơn.
Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ, với cá nhân mình là quỹ ETF, đáp ứng được bộ tiêu chí trên. Do quỹ ETF mô phỏng lại các chỉ số VNINDEX, VN30, … về bản chất khi đầu tư vào quỹ ETF bạn đang đầu tư gián tiếp vào một danh mục bao gồm rất nhiều cổ phiếu trên thị trường. Như vậy, việc nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF cũng đồng nghĩa với việc danh mục của bạn đã được đa dạng hoá.
Khác với các quỹ mở, nơi mà nhà quản lý quỹ sẽ chủ động lựa chọn các loại cổ phiếu dựa trên phân tích để phân bổ vào danh mục, quỹ ETF đơn thuần bao gồm tất cả các công ty trên thị trường, do đó chi phí quản lý quỹ sẽ rẻ hơn các quỹ đầu tư chủ động. Mục tiêu của các quỹ mở thường là tìm kiếm tỷ suất sinh lợi vượt trội so với thị trường, thay vì đi theo tỷ suất sinh lợi của thị trường như quỹ ETF.
Nhiều thống kê đã chỉ ra rằng trong dài hạn, 80-90% các quỹ mở không thể đánh bại thị trường. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu của các công ty trên thị trường có thể giảm do các công ty làm ăn thua lỗ, kéo theo chỉ số VNINDEX giảm (nếu đủ tỷ trọng), những công ty thua lỗ quá nhiều và liên tục sẽ bị huỷ niêm yết và sẽ không còn ở trong rổ chỉ số. Như vậy, đây cũng là một hình thức chọn lọc tự nhiên, về dài hạn chỉ những công ty nào còn đủ sức sống sót và tăng trưởng sẽ ở lại, đó là lý do vì sao các quỹ chỉ số luôn tăng trong dài hạn.
Do đó, phần lớn vốn trong thị trường chứng khoán của mình thường nằm trong các chứng chỉ quỹ. Vậy nên, mình có nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc chuyên môn. Việc tập trung phát triển chuyên môn có thể giúp mình tăng trưởng thu nhập mỗi năm (cao hơn so với đầu tư) và tái tạo lại nguồn vốn dự phòng. Việc đầu tư vào thị trường chứng khoán giúp cho mình có thêm một kênh để tăng trưởng tài sản, và đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Bạn có thể thắc mắc rằng nếu đầu tư đơn giản đến thế, tại sao phần đông lại mất tiền. Cơ bản đây không phải là một chiến lược làm giàu nhanh. Bạn phải cần rất nhiều sự kiên nhẫn và kỷ luật trước khi khoản đầu tư của bạn mang lại lãi kép và tăng trưởng vượt trội. Ngay cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, ông chỉ trở thành tỷ phú ở sau giai đoạn tuổi 50, và 99% giá trị tài sản của ông được tạo ra ở sau tuổi 50. Phần đông trên thị trường không ai thích làm giàu chậm, nên họ thường hành động có tính rủi ro cao để thấy kết quả nhanh.
Trên lý thuyết, chiến lược đầu tư dài hạn bằng cách trung bình giá chứng chỉ quỹ rất dễ thực hiện. Tuy nhiên, nó rất khó về mặt cảm xúc. Khi bạn thấy giá giảm sâu, cảm giác sợ sẽ xuất hiện, sợ mình mua hôm nay ngày mai lại tiếp tục giảm. Bản thân mình cũng đã trải qua cảm giác này rất nhiều lần, có những lúc giá giảm thì lại chần chừ chưa mua, để khi giá tăng thì lại bắt đầu tiếc. Chẳng hạn như trong tháng 10/2022, khi VNINDEX rơi tự do thủng mốc 1000 điểm, được bao nhiêu người trên thị trường sẽ tự tin mua vào. Những biến động này chính là khoản phí về mặt cảm xúc mà bạn phải trả trước khi được hưởng phần thưởng là tỷ suất sinh lợi.
Với mình, mùa downtrend mới là mùa kiếm tiền nhiều nhất, khi vừa có một khoảng thời gian tích lũy đủ dài “hàng giá rẻ” mỗi khi lương về, vừa không sợ lỡ mất cơ hội, vừa có cơ hội sửa sai nếu lỡ không tuân thủ nguyên tắc.
Trong giai đoạn 2018-2020, mình từng có bài học đau thương về vấn đề quản trị vốn khi có lần vào vốn hơi quá tay vì nghĩ rằng thị trường khó giảm sâu hơn được nữa. Hậu quả là trong một thời gian dài giá giảm sâu hơn mình chỉ có thể ngậm ngùi nhìn vì không còn tiền để trung bình giá. Do đó, bài học về việc tuân thủ các nguyên tắc và kỷ luật trong đầu tư là rất quan trọng. Đến giai đoạn 2021 thì mọi sai lầm đều được sửa chữa. Như mình đã nói ở phía trên, trong dài hạn, nếu bạn vào vốn đúng, bạn lời nhiều, nếu bạn vào vốn sai, bạn lời ít.
Dĩ nhiên một người có thể chọn cách trả phí cảm xúc thấp, bằng cách mua vào ở giai đoạn uptrend để không phải nhìn tài khoản âm và bị chôn vốn. Tuy nhiên, cái giá đi kèm là khả năng đu đỉnh cao hơn so với những người đã kiên nhẫn tích luỹ trước đó cũng như trung bình giá và khối lượng cũng không thể bằng.
Lời kết
Đầu tư không thực sự rủi ro và phức tạp như phần đông vẫn nghĩ. Bạn không cần phải là một chuyên gia để bắt đầu. Ngay cả với một chiến lược đầu tư thụ động, vốn rất đơn giản để thực hiện, hiệu suất đầu tư trung bình cũng đã vượt trội so với lãi suất tiết kiệm.
Nếu bạn từng xem qua các chương trình Shark tank, bạn sẽ nhận thấy một điều rằng người giàu không phải là người làm tất cả, mà là người biết khiến cho tiền làm việc cho mình. Các Shark có thể không biết chi tiết quá trình tạo ra một sản phẩm, nhưng vẫn sẵn sàng đầu tư vào đội ngũ founder khi thấy có tiềm năng. Khi bạn đầu tư vào một công ty, bạn đang sở hữu một phần các giá trị mà công ty tạo ra. Trong lúc bạn đang tập trung chuyên môn hay lúc ngủ say, những khoản đầu tư của bạn vẫn đang âm thầm làm việc không ngừng nghỉ.
Việc bắt đầu quá trình đầu tư từ sớm sẽ tạo cho bạn rất nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực. Bạn sẽ bắt đầu có thói quen tiết kiệm thay vì tiêu xài quá mức, bạn học được nhiều kiến thức về tài chính và bắt đầu quan tâm hơn đến các kiến thức kinh tế, bạn học được cách rèn luyện tính kiên nhẫn và làm chủ cảm xúc bản thân. Đầu tư là một hành trình đầy thú vị, mở ra những cơ hội mà bạn chưa từng nghĩ đến.
Vậy, còn lý do nào khiến bạn chưa đầu tư? Các bạn cùng thảo luận bên dưới nhé.
Infina là nền tảng tích lũy và đầu tư được tin dùng bởi 1 triệu người với sứ mệnh giúp nhà đầu tư mới tiếp cận trực tiếp các hình thức đầu tư chính thống với đầy đủ nền tảng kiến thức thông tin để người dùng tự tin ra quyết định đầu tư. Ứng dụng kết nối trực tiếp người dùng với hơn 20 quỹ mở và 08 quỹ ETF quy mô nhất thị trường với vốn linh hoạt từ 100K. Tải app tại đây.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất