Những gì tôi sắp viết ra dưới đây, có thể là phỉ báng đối với một số người, nhưng lại là điều vô cùng hiển nhiên với người khác.
Không ít hơn một lần, chúng ta được yêu cầu ăn mặc lịch sự.
"Mai có đối tác đến thăm công ty, đề nghị cả công ty ăn mặc lịch sự".
"Ngày mai là một ngày quan trọng, ăn mặc lịch sự vào bạn nhé"
Thường, thường thì khi ấy, các bạn nữ sẽ chọn một bộ đồ với tông màu đơn giản, và bạn nam sẽ chọn cho mình áo sơ mi quần âu. Và thường thì ở bất kỳ sự kiện quan trọng nào, đa phần nam giới sẽ mặc vest, mà không phải là mặc váy.
Gần như một điều hiển nhiên, là có những thứ trang phục được gắn với sự lịch lãm, gắn với "social class". Thế nhưng, tại sao lại như thế cơ?
Ở đây, tôi không muốn nói đến những thứ tầm thường như tiền bạc, học vấn. Tôi muốn nói đến vấn đề sâu hơn, là văn hóa và bản năng của con người.
Câu chuyện cụ tôi
Cụ tôi mất lâu rồi, lâu lắm, lâu đến mức tôi chỉ còn biết đến cụ qua những lời kể của ông nội. Do vậy, tôi không biết được nhiều điều về cụ. Duy chỉ có một điều tôi chắc chắn, là nếu cụ còn sống thì cụ sẽ bị người đời nay gọi là một ông già nhà quê, trong khi cả đời cụ sống ở thành thị, mà học vấn thì có khi cao hơn cả mấy ông nho rởm đời bây giờ.
Lý do thì đơn giản, vì cụ luôn mặc áo the khăn xếp khi đi ra ngoài, luôn đi giày, mà ăn, nếu phải ngồi thì luôn yêu cầu cháu con phải trải chiếu. Cụ bảo: "Ngồi chiếu, dù chiếu rách vẫn là ngồi chiếu. Ngồi đất, dù gạch hoa vẫn là ngồi đất".
Nói đến đây, nhiều người sẽ bảo là cụ không đại diện cho lớp người ngày nay, rằng là thời xưa mặc như cụ là lịch sự lắm lắm, thậm chí là sang lắm rồi.
Ừ, vậy tại sao thời xưa cụ mặc lịch sự, nhưng bây giờ lại không phải là lịch sự?
Chuyện ông nội tôi
Ông tốt với tôi vô cùng, nhưng chỉ có một điều khiến tôi phát điên, đấy là ông luôn sợ tôi chết đói. Cái nỗi sợ này ăn sâu tiềm vào tiềm thức của ông đến mức, với ông, một bát cơm sẽ tương đương với 5 bát cơm bình thường.
Tôi chỉ biết đến điều này khi lên đại học, đi ăn cùng các bạn, và cái bát của các bạn trông nó lạ lắm, chẳng giống cái bát của tôi hay ăn gì cả. Lúc đấy tôi mới biết tôi đã bị lừa rồi.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn luôn luôn khen một thằng mập địt là nó ngon trai hơn tôi. Khi nhìn thấy nó là ông sướng đến hoa cả mắt. Ông luôn bảo, thằng đấy nó béo múp đầu trạch vào, mày thì như cái que. Giờ thì thằng đấy 150 cân, đủ thứ bệnh, ông mới chịu tin lời tôi nói.
Tôi biết tình trạng trên không phải chỉ mình tôi phải chịu đựng, mà đa phần các bạn đều phải trải qua. Nhưng mà tại sao lại thế? Tại sao ông lại muốn tôi phải béo? Rõ ràng là trông béo nó rất là khiếp mà?
Kể cả gu chọn bạn đời của ông cũng lạ lạ. Bà nội tôi xinh lắm, càng già càng đẹp lão. Da của bà trắng, và tôi xin cam đoan là đẹp hơn hẳn so với mấy đứa con gái bằng tuổi tôi. Duy chỉ có một điều là từ xưa bà đã hơi đậm người.
Tôi chỉ lờ mờ nghĩ ra rằng, chắc hẳn thế hệ của ông, có vấn đề gì đấy, nên ông mới bị ám ảnh về chuyện béo tốt đến vậy.
Mãi sau này, khi học tập nhiều hơn về văn hóa xã hội, tôi mới hiểu rằng, cái đẹp của xã hội luôn được quy định bởi kẻ lắm tiền.
Ông nội tôi đã sống qua trận đói lịch sử. Ông chứng kiến người đương thời làm việc quần quật hao mòn con người mà chẳng đủ ăn. Với ông, người béo chính là người đẹp.
Cái việc đồng hóa dáng vẻ của người giàu với cái đẹp nó cũng đơn giản thôi: Sự học tập lối sống. Sự học tập này mang ý nghĩa đồng hóa, đấy là bằng cách làm những việc như những người mà ta thần tượng, ta cảm giác rằng mình đang được hóa thân thành họ vậy. Điều này được mã hóa từ trong tiềm thức, đến mức chính chúng ta cũng chẳng nhận ra.
Thử nghĩ xem, thời xưa, chỉ có người nô lệ da đen, làm việc quần quật cả ngày, thì mới u vai thịt bắp, chứ tư bản suốt ngày ngồi trong nhà, ăn uống phè phỡn thì lấy đâu ra mà 6 múi? Thành ra kẻ nào mà vai u thịt bắp, thì gọi là thất phu thô hào, kẻ nào mà mặt hoa da phấn, thì là thư sinh nho nhã.
Thử nghĩ xem, kẻ nào có thể có cái phong thái ấy đây? Bọn dân đen làm lụng cả đời thì da đen như cháy, mặt nhăn như giấy, sao có thể có cái phong thái của bậc trưởng giả chỉ biết ngồi trong nhà đèn sách, mặt trắng, môi đỏ được?
Thử nghĩ xem, tại sao bỗng dưng những năm gần đây, cơ thể khô như xơ mướp chẳng có tí mỡ thừa nào lại được coi là khỏe mạnh, trong khi thực tế thì nó chẳng hề khỏe mạnh hơn là bao, và cũng chẳng phải lúc nào những người đó cũng có thể trông khô đến như vậy? Chẳng phải lời giải thích là vì đó là body mà ai cũng ước ao hay sao? Vậy tại sao họ lại ước ao? Vì chỉ kẻ nào lắm tiền, lắm thời gian, thì mới có thời gian để đi tập, hoặc là đi tập vì tiền. Những người đó ảnh hưởng đến cách mà đại chúng nhìn nhận.
Nhiều người nói, không, cái đó là vì những người có body như vậy quá hiếm. Phải là đó là số ít nên mới đáng được mong ước như vậy, chứ ai cũng có body 6 múi thì người ta nghĩ lại ngay.
Lý giải như vậy, cũng không sai. Nếu ai cũng có body 6 múi, thì chắc chắn cả những người lao động bình thường cũng 6 múi, và khi đó thì người giàu, chắc chắn có thời gian và tiền bạc có thể làm tốt hơn thế - cách nói này không sai, nhưng để tôi thử tìm một ví dụ cụ thể:
Châu Âu - cái nôi da trắng. Chắc hẳn chẳng có ai lạ lùng gì chuyện châu âu da trắng nhiều quá, nên mọi người mới phải đi tắm nắng cho da nó đen đi, trông khỏe khoắn hơn nhiều. Thế nhưng trong lịch sử liệu có vậy không? Thực tế chứng minh rằng, làn da trắng trong lịch sử, khi mà người ta phải hoạt động ngoài trời nhiều, thì da tối bị so sánh với nô lệ, hạ tiện, và cứ phải là những cô tiểu thư ở trong nhà chẳng ra ngoài bao giờ với làn da trắng như tuyết mới được coi trọng. Ngày nay, khi người ta đi làm trong nhà quá nhiều, khiến cho mọi người nhợt nhạt hơn, thì da nâu khỏe lại lên ngôi.
Câu chuyện ông thổ dân
Đây là một người đàn ông, mặc trang phục lịch sự nhất của nước họ, đến dự họp Liên Hiệp Quốc.
Trước khi tôi có thể nói thêm lời nào, nhiều bạn hẳn nghĩ: Nhập gia tùy tục, mặc vậy là bất lịch sự. Ấy vậy mà người Pháp sang Việt Nam cũng đâu có tùy tục đâu? Vậy nên hãy nghe tôi nói tiếp đã.
Rõ ràng người Pháp, khi sang Việt Nam, cũng mặc trang phục lịch sự nhất của họ, ông New Ginea kia, cũng mặc trang phục đẹp nhất của nước ông. Nhưng nó cứ thế đếch nào?!
Vấn đề ở đây là không thể so sánh như vậy được. Tại sao lại không thể? Vì chúng ta là người so sánh.
Bản thân chúng ta mang những định kiến về trang phục. Từ trăm năm trước, khi người Pháp mang bóng đèn, mang hỏa lực, mang chữ viết sang Việt Nam, bản thân họ đã là những kẻ mạnh hơn chúng ta rất nhiều, khi đó ta đã nhìn họ với ánh mắt sợ sệt, để rồi trong mong muốn hóa thân thành kẻ mạnh cùng với sự đồng hóa văn hóa, ta vứt đi bộ quần áo dân tộc, ta bỏ tục nhuộm răng đen. Ta khoác lên người bộ vest tây.
Đến thế hệ ngày nay, từ lúc sinh ra ta được ngắm người thành đạt mặc vest, ta được nhìn những lãnh tụ mặc vest, ta được nhìn vô vàn minh tinh mặc âu phục, tuyệt không thấy có ai mặc đồ của người Việt.
Để rồi cũng chính chúng ta bây giờ, thấy rằng ông thổ dân kia trông kỳ lắm. Nhưng chính cộng đồng của ông, cũng như những cộng đồng gìn giữ văn hóa được đến bây giờ, sẽ thấy rằng mặc như chúng ta mới là kỳ. Chẳng hạn như bộ vest - âu phục cũng vậy, chẳng phải thứ đồ lịch sự gì lắm. Nó cũng chỉ là một thứ đồ bình thường mà những người thuộc văn hóa châu âu mặc khi ra đường, người lao động cũng mặc như thường. Tất nhiên sẽ có sự khác nhau giữa bộ vest $500 và $50000, nhưng không có nghĩa mặc vest cứ hẳn phải là lịch sự.
Thế là ý mày muốn gì, muốn mặc như thời Lê à, hay là quay lại thời tiền sử cởi chuồng đóng khố?
Chắc đọc đến đây sẽ có vài ba người nghĩ rằng tôi đang nghĩ thế. Hoặc ít nhất là đã có vài người làm thế rồi, nhưng theo kiểu là họ bắt người Việt phải mặc cái món đồ từ trước khi thực dân Pháp vào Việt Nam rồi. Tôi có một câu trả lời rất hay cho vấn đề này, và xin phép để dành cho những lần sau vậy.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất