CÓ HỌC MỘT CÁCH "VÔ HỌC"
Có nhiều người dẫu dành mười mấy năm ăn học để có bằng kỹ sư, bằng cử nhân nhưng vẫn bị mắng là "vô học". Vậy thì "người có học" là người như thế nào?
Có nhiều người dẫu dành mười mấy năm ăn học để có bằng kỹ sư, bằng cử nhân nhưng vẫn bị mắng là "vô học". Nhiều người phải lao đao vài năm để tìm bến đỗ trên thị trường lao động, rất khó khăn để được nhận việc vì thiếu kỹ năng thực tế. Sau vài năm, họ phải về quê tìm một công việc khác để sinh sống vì nhận mức thu nhập được xem là "không có tương lai" cùng với những tờ bằng cấp vô nghĩa. Nếu thực tế nghiệt ngã như vậy thì "người có học" là người như thế nào?
Disclaimer: Bài viết không phủ định tầm quan trọng của Toán và Hóa học với cuộc sống, không phê phán nền giáo dục. Bài viết đề cập và phê bình đến cách thức học "ngốc ngếch" của bản thân - học vẹt, học như máy móc. Bài viết chỉ thể hiện một quan điểm nhỏ từ Cụ Nguyễn Duy Cần qua lăng kính của người viết - người đang chập chững quá trình tự học của bản thân. Cuối cùng, mục đích bài viết là để nhắc nhở bản thân vì tôi viết bài này với tâm thế là một bức thư gửi chính bản thân mình.
1. Sự "vô học" của bản thân
Người xưa có câu: "Con chim ăn cỏ, đâu phải để nhả cỏ mà để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu đâu phải để nhả dâu, mà là để nhả tơ". Học mà không tiêu hóa thì khác gì con chim nhả ra cỏ, con tằm nhả dâu. Học mà chỉ để thuộc lòng trong thời gian ngắn nhằm tìm điểm cao mà chẳng áp dụng được gì trong thực tế thì chả khác nào bộ nhớ tạm thời để chuyển dữ liệu sang tờ giấy trong phòng thi viết, hay là cái máy thu thanh phát lại tại phòng thi vấn đáp. Học như thế, không có lợi ích gì cho bản thân, vừa tốn thời gian vừa hạ thấp nhân phẩm của bản thân như mớ máy móc.
Nếu được hỏi đã bao giờ tôi học như "vô học" chưa, thì tôi thú thật rằng hầu hết thời gian đi học của tôi đều như vậy. Những hôm thức xuyên đêm trước ngày có bài kiểm tra sáng hôm sau không phải là chuyện lạ đối với tôi, cũng như bạn bè sinh viên quanh tôi. Có thể tôi đạt điểm A cho môn học đó, nhưng những gì tôi nhớ qua ngày hôm sau chỉ có chúa mới biết vì tôi còn chả thèm nghĩ đến kiến thức đó nữa. Ở đại học, tôi được học những môn về giao dịch ngoại hối, phần phân tích được giảng rất sâu và kỹ càng. Chúng tôi được học nào là yếu tố vi mô và vĩ mô ảnh hưởng đến tỷ giá như thế nào, các thị trường trên thế giới có đặc điểm ra sao, kết hợp các chiến lược quyền chọn như thế nào để có thể lỗ trong mức giới hạn trong khi lời thì vô hạn. Nghe khối kiến thức đó thật hấp dẫn làm sao, ấy thế mà sau khi rời khỏi phòng thi kết thúc môn, hầu như chưa có một ai trong lớp tôi mở tài khoản FOREX để giao dịch thực tế. Vậy thì chúng tôi đã giành tiền bạc, thời gian và công sức gần hai tháng trời để làm gì ngoài con điểm? Lấy ví dụ gần gũi hơn, bạn đã bao giờ học một môn mà người ta thường đãng trí nên chúng ta phải đi tìm các lọ bị mất nhãn? Mặc dù tôi được biết là thực tế người ta cũng không hay làm mất nhãn với tần suất nhiều như cách nó xuất hiện trong đề thi như vậy. Tôi đã từng cày rất chăm cuốn sách mà có hẳn chương lớn về bài tập mất nhãn, nhưng phải thú thật thì chưa bao giờ tôi gặp lọ hóa chất nào bị mất nhãn trong quãng thời gian học Hóa chuyên của mình.
Mười sáu năm học trôi nhanh, tôi được học rất nhiều thứ và cũng dành không ít thời gian cho việc luyện đề. Giấy khen, bằng khen tối xếp lại thành một chồng trong góc phòng. Tôi đã từng tự hào rất nhiều về những điều đấy, nhưng nếu ngẫm kỹ lại thì chúng cũng không có giá trị gì cho lắm, có chăng thì cũng chỉ là những kỷ niệm đẹp. Bạn hỏi vì sao ư? Vì những thành tựu ấy phần nhiều chẳng giúp tôi làm được việc gì hiện tại. Tôi chưa bao giờ phải đốt chất hữu cơ để xác định công thức cấu tạo của nó, chưa bao giờ ra cảng tàu để thanh toán FOB hay CIF. Hồi đấy tôi rất tự hào về bản thân vì giải được câu toán số 44 trong đề thi đại học. Nhưng tôi ơi, bạn đang tự hào cái gì vậy? Ra đời rồi, bạn khác gì so với những người không giải được câu này?
Ngẫm lại thì chỉ có thể trách bản thân đã dành quá nhiều thời gian học một cách máy móc đến như thế. Có thể trách tôi chọn sai lớp, sai trường khi học những môn mà tôi không thể ứng dụng được, nhưng dù sao thì tôi cũng đã có học một cách "vô học" như vậy đấy.
2. Khác nhau giữa có học thức và "vô học"
Kiến thức đối với chúng ta cũng giống như cỏ đối với chim, dâu đối với tằm. Cốt lõi là cỏ, dâu và kiến thức đều phải được tiêu hóa. Cụ thể hơn, "học" phải đi đôi với "hành", "hành" ở đây chính là việc tiêu hóa và hấp thụ kiến thức. Khi thực hành, kiến thức sẽ ăn sâu vào trong tâm trí ta, ta chuyển biến kiến thức thành một phần trong ta. Từ những lý thuyết và kiến thức tiêu hóa được qua việc thực hành, ta có thể làm được những công việc nhất định mà có ảnh hưởng thực tế và mang lại giá trị cho chính bản thân hoặc xã hội.
Kiến thức mà không được tiêu hóa chỉ là lớp sơn phủ bên ngoài mang lại sự hào nhoáng. Tốt nghiệp loại giỏi ngành Tài chính Quốc tế mà không biết tại vì sao bình thường ngân hàng lại đặt lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất tiền gửi. Nguyên tắc kinh tế cơ bản là phải nhập giá thấp, bán giá cao mới có lời - điều mà các cô bán hàng ngoài chợ đều biết, thì hỏi xem bằng giỏi có nghĩa lý gì?
Vì chưa nhận ra được việc cốt lõi rằng kiến thức phải được tiêu hóa mới có giá trị, nên chúng ta thường đánh giá con người theo bằng cấp của họ. Phần nhiều những bằng cấp ấy chỉ thể hiện cho trí nhớ của họ, nhớ giỏi thì thi đỗ với điểm cao, nhưng làm được việc hay không thì chưa thể biết. Tôi không có ý muốn hạ thấp tất cả mọi bằng cấp, mà chỉ đề cập đến những bằng cấp có được qua việc học vẹt (thứ mà tôi cũng đang sở hữu một vài). Tôi chỉ muốn làm rõ một quan điểm rằng người có bằng cấp cao chưa chắc là người có học thức, nhưng người hoàn thành tốt công việc với chất lượng cao chắc chắn là người có học thức trong công việc đó.
3. Học thức cao là như thế nào?
Người có học thức không cần phải biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình biết
Cựu thủ tướng Pháp - Herriot cũng từng bảo: "Học thức là cái gì còn lại sau khi quên đi tất cả" và theo tôi đó cũng chính là cách để "thật biết những gì mình biết" mà cụ Duy Cần đề cập trên. Nghe thì hơi khó hiểu nhưng suy nghĩ kỹ thì thật là chí lý. Một điều gì đó mà mình phải còn cố nhớ thì nó chưa được tiêu hóa kỹ, chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào ta không cần nhớ mà nó trở thành phản xạ, thì kiến thức đó mới được tiêu hóa tốt.
Người học đánh máy mà mỗi lần đánh máy phải cố nhớ và rà từng chữ một, xác định vị trí để nhấn phím là người đánh máy chưa giỏi. Liệu bạn có nhớ trong vị trí chữ H và chữ L cách nhau bao nhiêu phím không? Bạn chẳng cần nhớ nhưng vẫn có thể gõ từ "HELLO" mà không cần nhìn bàn phím. Đấy là ví dụ cho việc bạn đã thạo việc gõ phím, đã quên đi tất cả những lý thuyết máy móc và chỉ còn lại trong bạn là phản xạ.
Anh em Analyst chúng tôi cũng hay đùa rằng, dùng Excel mà còn dùng chuột là dùng chưa thạo, chơi Poker mà còn phải mở điện thoại xem bài nào lớn hơn bài nào thì còn tâm trí đâu mà đọc suy nghĩ của đối phương để giành chiến thắng. Triết gia Trang Tử có câu: "Người bắn cung mà còn để ý đến việc bắn cung của mình là người bắn chưa tinh..." cũng chỉ để thể hiện quan điểm trên. Vậy nên, để đạt học thức cao, ngoài việc thực hành nhằm có thể làm được việc thuần thục, chúng ta phải quên đi - quên đi tất cả để đọng lại những điều cần nhớ.
Chuyện học là thế đấy, mượn bao nhiêu hình ảnh ẩn dụ cốt cũng chỉ muốn ta đừng học một cách thật “vô học”. Có học thức không phải biết thật nhiều, mà phải là thật biết những gì ta biết. Kiến thức được học phải ra được hành động cụ thể. Đừng chỉ vì điểm cao, vì tấm bằng mà lại để bản thân thành một con “tầm nhả dâu”, sống vô nghĩa hết một cuộc đời.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất