1. Tình yêu của Aristophanes

Một trong những Đối thoại quan trọng nhất của Plato là Symposium, khi ông bàn về tình yêu. Mặc dù Socrates là nhân vật chủ chốt và vẫn là người đưa ra ý kiến cuối cùng, nhưng ý tưởng thịnh hành nhất, mang lại giá trị cao nhất về mặt văn bản, hay là “pop” nhất cho tới thời hiện đại, sẽ vẫn là ý kiến của Aristophanes về tình yêu.
Nhà kịch gia này kể về câu chuyện thần thoại, rằng con người trước kia có hai đầu, bốn tay và bốn chân. Các vị thần trên đỉnh Olympus khi thấy những con người nguyên sơ này cố gắng trèo lên đỉnh núi thì đã sợ hãi trước sức mạnh của họ, và giáng sét xuống để tách đôi mỗi cá thể này ra. Và thế là, con người với dáng vẻ mà chúng ta đang mang xuất hiện, một đầu và tứ chi, liên tục mòn mỏi tìm kiếm nửa kia bị tách rời của mình.
Khoan nói về lựa chọn “kỳ lạ” của Plato khi để Aristophanes, người đã viết ra những vở kịch đả kích sâu sắc Socrates, nói một đoạn thoại hay nhất trong toàn bộ tác phẩm của mình, thì tư tưởng tình yêu như sự bổ khuyết của Aristophanes, bằng cách này hay cách khác, vẫn trở thành tư tưởng quan trọng nhất cho tới thời hiện đại.
Chúng ta gọi người yêu là “nửa kia”, là “mảnh ghép của cuộc đời”. Chúng ta tôn vinh việc tìm được “The One” như là một cứu cánh. Chúng ta tin rằng, như một nửa những tạo vật nguyên sơ của Aristophanes, ai cũng mải miết đi tìm một nửa, một “con người đúng” cho chính mình. Một người mà khi ta yêu vào sẽ trở thành mảnh ghép hoàn hảo, khiến hai con người vốn chẳng liên quan gì tới nhau chỉ trong một giây khắc trước đây hòa hợp làm một và có được toàn bộ sức mạnh của một tạo vật thống nhất.
Tư tưởng này được lặp lại nhiều lần xuyên suốt lịch sử, từ Đông sang Tây. Kinh thánh viết:
“Vậy nên người đờn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt” - Ephesians 5:32
Còn Hàn Mặc Tử để lại câu tuyệt tác:
“Người đi một nửa hồn tôi mất/Một nửa hồn tôi hóa dại khờ”
Các bộ phim tình cảm như The Notebooks, Sleepless in Seattle's, When Harry Met Sally, Jerry Maguire, các series kiểu How I Met Your Mother, phim trẻ con như Enchanted, hay cả những bộ phim hành động, viễn tưởng như The Shape of Water, toàn bộ những bộ phim Hallmark Giáng Sinh, hay những phim Việt Nam theo bộ kiểu Bỗng Dưng muốn khóc…. Motif về hai nhân vật tưởng chừng không thể khác nhau hơn, nhưng dần dần đến với nhau, rọi sáng những ưu điểm của mình lên thế giới của người kia, để họ dần trở nên tương đồng ý hợp rồi gắn kết cùng nhau “cho hạnh phúc mãi mãi về sau” chẳng hề xa lạ.
Nhưng, khác với những bộ phim hay các series tình cảm thường chỉ dài khoảng 120 phút, khi cánh cửa đóng lại là tình cảm của các nhân vật sẽ an bài, thì đời sống của mỗi con người sẽ chẳng dừng lại ở chỗ đó.
Đời sống của mỗi con người là một mớ rối boòng boong, một khoảng lẫn lộn những phần xấu xí và đẹp đẽ. Mải miết tìm kiếm nửa kia của mình, tìm kiếm một người sẽ làm cho mình toàn vẹn, cũng có nghĩa là chúng ta đã đóng đinh hai thứ trong mớ boòng boong đó: Danh tính của mỗi cá thể và sự tồn tại phổ quát, bất biến của tình yêu.
Tình yêu "Ô vàng" của các "soulmate"
Tình yêu "Ô vàng" của các "soulmate"
Ở vế thứ nhất, tìm đến nửa kia cũng có nghĩa là chúng ta tin rằng, chúng ta sẽ tồn tại vĩnh viễn với những cốt cách nhất định mà chẳng có gì làm thay đổi được. Chúng ta sẽ mãi mãi như thế này, anh Ted sẽ mãi mãi là một anh chàng kiến trúc sư khoe mẽ và dễ phải lòng, còn chị “ô vàng” sẽ mãi mãi là người duy nhất mà anh ấy thực lòng yêu. Nhưng có thật là như thế không? Tôi cho rằng, khi tồn tại thì thứ ta nhìn thấy ít nhất là danh tính của mình. Làm sao mà biết được tôi thật sự là ai, tôi thật sự muốn gì, nữa là dùng những lý trí đó để định đoạt con người mà tôi muốn ở bên cả đời?
Ở vế thứ hai, chúng ta tin rằng tình yêu như vậy là duy nhất, là phổ quát. Chúng ta tin rằng không thể có ai ngoài kia có thể thay thế được người đó, và chỉ chúng ta mới là mảnh ghép toàn vẹn nhất của họ, và ngược lại. Chính vì điều này nên chúng ta cứ kiếm tìm, kiếm tìm hoài. Mỗi khi chấm dứt một cuộc tình, chúng ta lại nói rằng, “đây không phải người đó rồi”, và tiếp tục tin vào bản thân của chúng ta, rằng chỉ cần mình như vậy mãi thì cũng sẽ tìm được một người phù hợp với mình mãi. Đồng thời, chúng ta cũng tin rằng chẳng có tình yêu nào có thể tồn tại nếu mà hai người không thể bù vào chỗ thiếu của nhau, hoàn thiện lẫn nhau.
Hai điều này khiến tình yêu bị bó hẹp vô cùng. Có một điều gì đó ngượng ngạo trong cách suy nghĩ của Aristophanes, bởi vì chính sự bằng phẳng, gọn ghẽ mà nó đem lại. “Tìm thấy một người và cuộc sống của ta sẽ toàn vẹn”, nhưng nào phải mỗi cuộc tình đều bách niên giai lão, đều “happily ever after”! Ngay cả trong những mối tình mà người ngoài nhìn vào cho là hoàn hảo, thì chẳng ai biết rằng họ cũng có những đụng độ, những cãi cọ… Và họ cũng lớn dần lên, rồi già dần đi. Cả thế giới thay đổi, cả vẻ ngoài và sức khỏe của họ cũng thay đổi, vậy làm sao mỗi người còn có thể là người mà ta tìm thấy khi ta 20, 30?
Ý tưởng về tình yêu bổ khuyết, tình yêu hòa hợp trở nên yếu đuối trước sự biến thiên đó. Và nó càng trở nên yếu đuối hơn khi con người phải đối mặt với sự chia tay. Nó sẽ chỉ giải thích được chuyện chia tay như là việc không tìm đúng người mà thôi, chứ không thể nhìn xuyên được sự cá nhân vô cùng của con người lúc chia tay. Nó không thể lý giải được sự bất lý trí đến tận cùng của con người trước, trong và sau tình yêu.

2. Tình yêu của Badiou, và lý giải sự chia tay

Vì vậy, rời khỏi Aristophanes, tôi cho rằng thay vì hợp nhất, tình yêu phải là sự sóng đôi. Thay vì trở thành một theo những phương cách rất lý trí (tìm kiếm cái thiếu của người khác và ghép cái thừa của mình vào), tình yêu phải là sự bất lý trí chia đôi. Chính lòng say cuồng, chính ngọn lửa điên rồ của tình yêu mới khiến chúng ta… yêu. Thay vì coi tình yêu là một đích đến và được hiện thực hóa bằng việc tìm được nửa kia, thì tình yêu đôi khi là một thứ hoàn toàn khác, một thứ hoàn toàn xa lạ với mỗi người.
Tôi hay nghĩ rằng, nếu tình yêu tồn tại thật, nó sẽ giống những cặp kính có cùng độ để mở ra cùng một thế giới cho những người yêu nhau.
Họ vẫn là hai cá thể thôi, họ vẫn không hòa hợp làm một. Nhưng, bằng cặp kính thần kỳ kia, họ cùng nhìn thế giới qua lăng kính đặc biệt của riêng họ. Badiou, một triết gia tuyệt hay về toán học, Marx và… tình yêu, hình như có từng nói:
“Đâu là thế giới mà một người có thể nhìn khi họ trải nghiệm thế giới đó từ góc nhìn của hai chứ không phải một? Đâu là thế giới được trải nghiệm, phát triển và sống từ cái nhìn của sự khác biệt chứ không phải là danh tính? Theo tôi, đó mới là tình yêu”.
Nghĩa là, tình yêu của Badiou, hay một tình yêu không-nửa-kia, luôn là “chuyện của hai người” (hoặc nhiều hơn). Khi yêu, một người không “hoàn thiện bản thân mình, hay trở thành phiên bản tốt hơn của mình, mà là trải nghiệm những gì xưa kia chỉ đơn độc làm, giờ đây có thêm một góc nhìn khác, một sự “khác biệt chứ không phải là danh tính”.
Tôi cho rằng, sự kì diệu nhất của tình yêu đó chính là sự sẵn sàng đón nhận một thế giới mới. Các bộ phim tôi thích nhất về tình yêu không phải là câu chuyện “họ đến với nhau bằng cách nào” như Harry Meets Sally, mà là về “họ (đã) yêu như thế nào”, như là, xem nào, Lost in Translation, Marriage Story hay là Blue của Three Colours trilogy. Cách mà hai thế giới thoạt nhìn chẳng thể nào tương đồng lại đập vào nhau hết sức mạnh mẽ, đập vào không hối hận để, bằng cách nào đó, cùng nhau tồn tại, dù ngay cả trong một khoảnh khắc thôi, nó ấn tượng và đáng trân trọng hơn mọi tình yêu bằng phẳng.
Và khi đón nhận một thế giới mới, một cách tri nghiệm thế giới xung quanh song song với chúng ta mà chúng ta yêu quý vô ngần, thì tất cả những thứ tầm thường, nhỏ nhặt xung quanh mà thường ngày ta chẳng để ý, bỗng trở nên đẹp và thú vị hơn rất nhiều. Ngay cả Hà Nội, thành phố mà tôi ngỡ mình đã nằm lòng, khi có những trải nghiệm của hai người, bỗng nhiên trở nên… độc đáo hơn? Như là, tôi không nghĩ mình sẽ quanh quẩn bên khu Bách Khoa nhiều như thế, và rồi cũng phát hiện ra rằng bên Bách Khoa có hàng bún cá rất ngon. Hay là thật khó tin có ngày tôi sẽ phân biệt được sự khác nhau giữa bỏng ngô phomai ở CGV Nguyễn Chí Thanh và CGV Metropolis, hoặc là có ngày tôi chịu ngủ dậy lúc 10 giờ sáng, ăn trưa rồi… tiếp tục đi ngủ, điều mà tôi thậm ghét bình thường.
Thế giới của những người yêu nhau rộng lớn hơn và tráng lệ hơn. Họ mở ra những cơ hội mới, những cách ứng xử đối với trải nghiệm của hai người, đối với ngay cả trải nghiệm của chính mình khi liên tục được thách thức bởi góc nhìn mới mẻ của một người mà mình rất đỗi trân quý. Đó là vẻ đẹp của sự bừa bộn trong tình yêu, một tình yêu không hứa hẹn sẽ trường tồn nhưng cũng chẳng bao giờ chịu an nhàn.
Nhưng rồi, chính vì không hứa hẹn sự trường tồn như một tình yêu danh tính, tình yêu bổ khuyết, nên những người yêu nhau một cách sóng đôi, yêu nhau “như hai người trải nghiệm thế giới” luôn đứng trước nguy cơ trước “sự kiện” (mượn chữ của Badiou) chia tay. Và cuộc chia tay, chính vì không dễ để khẳng định rằng “đây không phải The One của mình”, nên nó chắc chắn cũng nhiều đau khổ hơn.
"Deleuze như l" - Badiou
"Deleuze như l" - Badiou
Sự kiện chia tay cũng đau đớn như sự kiện yêu, bởi vì những gì trước đây trải nghiệm hai người, giờ chúng ta hoàn toàn phải quay lại với thế giới một mình. Nếu đó là một tình yêu lâu dài, thì nỗi đau đấy càng lớn, vì họ hoàn toàn phải tái tưởng tượng lại một thế giới mà ở đó không ai trải nghiệm cùng họ nữa. Đó là sự hụt hẫng khi trở về một căn nhà trống, khi nấu những bữa ăn một người và khi nhận ra rằng, đến tối bạn sẽ là người duy nhất bật nó lên mà thôi. Sẽ chẳng có ai đi cùng bạn khắp thành phố, và cũng chẳng có thách thức những suy nghĩ của bạn nữa.
Nhưng đó là điều xứng đáng mà? Thay vì tạo nghĩa cho tình yêu, rằng nó phải là một cái đích nào đó để hoàn thiện bản thân thì tôi nghĩ tình yêu giống như một lăng kính đặc biệt mà khi nhìn qua nó, thoáng chút, ta thấy thế giới qua ánh mắt của người khác. Có một câu nói thế này: “Phải hai người thì mới nhảy tango được” (it takes 2 to tango), thì tôi nghĩ, tình yêu cũng giống như một điệu tango vậy. Thay vì hòa làm một, thì đó là điệu nhảy của hai người, và chỉ khi có hai người thì điệu nhảy đó mới có thể thực hiện được. Bản thân điệu tango không phải mục đích, mà việc nhảy, việc sóng đôi cùng một người khác mới là điều quan trọng. 
Chia tay, vì vậy, theo tôi nghĩ, cũng giống như việc nhảy tango một mình. Có thể khi nhận ra mình đang nhảy điệu tango một người thì cũng bẽ bàng đấy, và cũng thật đau lòng làm sao khi phải dần quen với việc trở lại thế giới không có sự đồng hành của người khác. Nhưng mà cũng không sao, bởi thay vì sự bổ khuyết nhàm chán, những người yêu nhau ấy, những người va thật mạnh vào nhau, họ đã có một điệu tango rất tuyệt. Cũng giống như việc Tlinh nói sau khi chia tay rằng chuyện tình của cô và MCK là một chuyện tình rất đẳng cấp. Mặc cho những gì hai người đó làm và nói sau khi chia tay, thì tôi vẫn tin đó là sự thật. Bởi vì, thứ họ và những người yêu nhau nồng nhiệt, yêu nhau chỉ vì tình yêu thôi, chỉ vì muốn được đồng hành và trải nghiệm thế giới cùng người khác thôi có, đó là những điệu tango đầy đắm say rồi.