Ngày nay, hòa cùng nhịp chuyển hỗn độn của một xã hội đảo điên với những bộ rễ tham vọng, toan tính, giả dối và phù phiếm cắm sâu ...thật dễ dàng để chúng ta trở nên xấu xa, đê hèn, rồi a lê hấp biến thành những kẻ khốn tồi tệ. Nhưng điều đó cũng chẳng đến nỗi kinh khủng lắm! Vì dẫu gì, đằng sau mỗi kẻ khốn thường luôn là một câu chuyện có thể đổ lỗi, rằng cuộc sống thì giống y chang cuộc đời, có đủ thứ nguyên do sâu xa bén ngọt để huých vai ta rơi tọt xuống bể phốt của đạo đức mà nhiều lúc ta không tài nào lường trước được.
Vậy có gì khác nhau giữa một kẻ-khốn-tồi-tệ với một kẻ-tồi-làm-cha-mẹ?
Ấy là.

Một kẻ tồi của xã hội vẫn có thể làm một người cha-mẹ tốt. Nhưng một cha-mẹ-tồi thì dứt khoác không thể nào là người tốt được!!!

  Vì trở thành một người cha-mẹ như thế nào, hoàn toàn  là do ta chọn lựa

  Loài người chúng ta luôn ảo tưởng rằng cha mẹ là một cái mác mĩ miều hàm chứa mọi giá trị thiêng liêng, cao quý. Và chúng ta cũng sẽ tự nhiên "cao cả, đầy đức hy sinh"  kèm theo khi lên chức cha-mẹ. Nhưng KHÔNG! Làm gì có chuyện đó! Sẽ luôn có hai con đường rạch ròi: Bạn là một cha-mẹ tốtbạn là một cha-mẹ tồi. Còn tồi ra sao, tồi đến đâu thì hãy ít nhất một lần nhìn lại, ngẫm nghĩ cách chúng ta đã-đang-và từng đối xử với những đứa trẻ của riêng mình.

Đọc thêm:

Dấu hiệu của một cha-mẹ tồi

Ở đây, tôi tạm chia làm ba cấp độ
Chúng ta bắt đầu trở nên hơi tồi tồi khi...
- Bạn có con mà hoàn toàn chưa chuẩn bị tâm lí làm cha mẹ.
+ Bạn thấy việc sinh con đơn giản chỉ là đã "đến tuổi", "ai lập gia đình rồi chả thế", áp lực từ gia đình nội, ngoại, họ hàng... hay thậm chí vì "lỡ"...?!
- Bạn vẫn quyết chí sinh con, nhưng vô tư quên bén mất khâu "các kĩ năng cơ bản-quan trọng khi làm cha-mẹ"
+ Bạn tưởng cứ thành phụ huynh rồi thì mấy kĩ năng này "trời xanh sẽ tự an bài", thay vì trước đó chủ động xách mông lên tìm tòi, nghiên cứu. Làm theo lời bác Hồ: Học, học nữa, học mãi!
Thế rồi, đứa trẻ chào đời trong sự khủng hoảng tâm lí kèm theo của cha mẹ. Bấy giờ các bậc cha-mẹ này mới bắt đầu cuống cuồng tìm cách xử lí những rối rắm đến từ "đứa trẻ bên trong bản thân" thay vì đứa con mới ra đời của họ!!!
Chúng ta gần như dấn thân vào con đường tồi tệ khi...
-Bạn nghĩ lúc bạn đã là phụ huynh, thì bạn có quyền đối xử với con ra sao tùy ý.
+ Bạn hoàn toàn biến đứa con thành tấm gương phản chiếu lại mọi cảm xúc cá nhân. Khi vui vẻ bình thường, bạn thảy cho con chiếc kẹo ngọt, nhưng khi bạn bực bội điên tiết, bạn lại quát mắng nó sao ăn nhiều kẹo thế? Hỏng răng bây giờ. Chiếc kẹo là phần thưởng vậy vì sao việc ăn kẹo là lỗi lầm? Là kẹo sai, con sai hay bạn sai? Con bạn chẳng biết đâu, nó chỉ có thể sống dựa trên theo chuyển động buồn vui của bạn. Bạn trút vào đứa trẻ cả hố rác của bản thân khi nó chưa mảy may có khả năng tự vệ bằng ngôn từ ( hoặc tư tưởng ) rồi mặc nhiên phủi lấp bằng cụm từ mĩ miều là dạy bảo????
Bạn phát cho con chiếc điện thoại để nó khỏi làm phiền đến bạn, nhưng khi ai đó nhắc nhở rằng con bạn đang dán mắt vào đó cả ngày thì bạn lại chột dạ la, đánh như thể đó là lỗi của nó vậy???
bạn luôn tìm cách bắt con nghe lời, thay vì xét lại hành vi của bản thân và sửa sang gốc rễ của vấn đề.
Tác giả đã từng chứng kiến một người gào và đánh con túi bụi chỉ đơn giản vì sáng ấy, cô bé này ngủ dậy trễ trong những những ngày đầu đi học lại sau dịch bệnh. Thay vì trước đó bảo ban con đi ngủ điều độ, người phụ huynh này lại quy cái tội " lì"  cho con vì thức dậy không đúng giờ, sau đó quyết tâm " đánh cho hết lì thì thôi" ???  Ủa?


Đọc thêm:

- Thời gian bạn thực sự dành cho con chuyển động từ 0 đến âm vô cùng và bao biện bằng hàng loạt lí do mang tính triết học vô cùng cao siêu- tận cùng thuyết phục
+ Bạn mê đắm cái màn hình máy tính, điện thoại hơn cả đứa trẻ của mình. Đừng bao biện rằng dẫu vậy bạn vẫn quan tâm yêu thương chúng. Lời nói dối ấy đến ngày cá tháng tư cũng còn thấy nực cười!
+ Bạn luôn lấy công việc làm cái cớ để " bao việc" bận tay bận chân, không có thời giờ chơi hay trò chuyện cùng con, nhưng những nhu cầu riêng thì hú phát... bạn vẫn có thể xoay sở tốt?!
- Bạn... dùng tiền để nuôi dạy con ???
 + Ở đây hoàn toàn nên hiểu theo nghĩa đen. Bạn mua cho chúng hàng đống áo quần đẹp, thức ăn ( bạn nghĩ là ) ngon, đồ chơi xịn... cho chúng học trường vip, những trung tâm học thêm đắt tiền... và okie, bạn cảm thấy đã làm tất cả vì con!  Điều đáng nói là, một hệ mặc định ngay lập tức sẽ được thiết lập trong đầu bạn: Bạn có tiền--> bạn yêu con, có tiền bao nhiều--> yêu con bấy nhiêu, nên để khẳng định mức độ yêu thương của mình dành cho con cái, bạn đắp tiền lên chúng, và... chỉ có vậy thôi!
+ Thậm chí, bạn điềm nhiên cho rằng việc chăm lo miếng ăn giấc ngủ, giáo dục tinh thần, thể chất cho con cái bạn là việc hoàn toàn thuộc về... cô trông trẻ, cô giáo mầm non, giáo viên trung tâm ngoại ngữ con đang học..v...v vì bạn đã ném cả đống tiền vào những nơi này rồi.
-Bạn tảng lờ mọi cảm xúc và nhu cầu của con.
+ Bạn không lắng nghe con, không quan sát con. không hỏi con muốn gì? thích gì? cảm thấy ra sao?
+ Bạn kiểm soát mọi thứ trong hệ ý kiến riêng của mình, không đặt vị trí vào đứa trẻ. Miễn bạn cảm thấy ổn thì sẽ ổn, nó ổn theo cách của bạn, nhưng bạn vẫn thỏa mãn với điều đó, không đoái hoài đến cảm giác của con.
Về trường hợp này, có một lần tôi cùng cô bạn tên N đến nhà một người kia chơi. Chứng kiến người đó từ đầu đến cuối dán mắt vào điện thoại, để mặc đứa con nhỏ tầm hai, ba tuổi mặc chiếc áo phong phanh hở hết da thịt, mẩu dưa be bét trên tay lại đứng dưới trời đang nổi gió... Khi có dịp bàn luận, N bảo rằng: cổ thấy việc đó cũng bình thường thôi, rất nhiều gia đình nông thôn hay những nhà làm vườn tược vẫn để trẻ nhỏ chạy linh tinh chơi đùa chả ai trông ngó như thế mà không vấn đề gì, đứa trẻ dần sẽ quen, sẽ vẫn khỏe mạnh, khôn lớn bình thường..
Tôi có hỏi N thế này: Sao biết nó khỏe mạnh? nó bình thường? Chúng ta có quan sát nó không hay tự nhận định như vậy? Nếu nó đau gì đó trong người, hay nó bị lạnh thì sao? Nó đâu có nói cho chúng ta biết được! nếu may mắn, đứa trẻ sẽ lớn lên bình an, còn nếu không may xảy ra sơ sót... thì như thế nào đây ? Chẳng phải ta cứ luôn chọn cách tảng lờ để giải quyết vấn đề và nghĩ rằng " mọi chuyện sẽ ổn thôi" hay sao ?
Và đây chính là khi bạn hoàn toàn trở nên vô cùng tồi tệ...
Bạn biến mình thành nạn nhân, đổ tất cả lên con những thất bại , những nỗi đau của cuộc đời bạn.
- Bạn so sánh, chê bai, chì chiết, sỉ vả và tổn thương con bằng hành động cũng như lời nói. Đôi khi, bạn muốn ăn thua với con như thể muốn ăn thua với đời.
-Coi con là cục nợ, trong khi bạn hoàn toàn là người nợ con, vì nó không chọn bạn, bạn chọn nó.
- Bạn sinh con ra kèm theo sự vụ lợi, lấy con làm bàn đạp, làm lá chắn, làm công cụ phục vụ cho những toan tính thấp hèn những mưu cầu ích kỉ của bản thân. Rồi che đậy chúng  bằng những lớp "nhân danh" mĩ miều, bóng bẩy.
- Bạn tiêm nhiễm vào đầu con những tư tưởng cực đoan, phiến diện mang đầy trải nghiệm thù đời của bản thân, rồi dẫn dắt con trưởng thành theo hướng tư duy độc hại như thế.
- Bạn lấy trách nhiệm để giáo huấn con về sự yêu thương, trong khi đáng nhẽ ra phải dùng tình thương để bảo ban con về trách nhiệm.
Như kiểu bạn nói với con rằng: "Cha-mẹ đã sinh mày ra, nuôi mày vất vả đến nhường nào. Mày phải biết ơn\ nghe lời\ làm thế này...thế nọ...\..v..v nghe rõ không?"
Thay vì " Cha-mẹ rất hạnh phúc vì sự ra đời của con, mong rằng con cũng sẽ yêu thương cha-mẹ nhiều như chúng ta đã yêu thương con vậy!"
- Cả facebook đều công nhận bạn yêu thương con, chỉ có con là bối rối khi thấy bạn thứ bạn yêu thực sự là facebook.
-Cả thế giới đều tung hô bạn là bậc cha-mẹ vĩ đại, chỉ là sự vĩ đại ấy con bạn mãi mãi không thể đánh vần...!
- Bạn nâng niu, chiều chuộng cái mác "cha-mẹ" đầy cao quý, muốn được đồng tung hô trong mắt toàn thể nhân loại , trong khi giá trị của cụm từ ấy hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá của riêng đứa trẻ-con bạn.
............... vậy có hay không giới hạn của sự tồi tệ.....................?
Bạn có thể dùng nhân quyền của bản thân để cư xử tệ với cả thế giới. Cũng chả sao! Nhưng nếu bạn tồi với ngay chính con bạn. Thì, well, đừng bao giờ tự tha thứ cho bản thân mình!
Những bậc cha-mẹ tồi tệ ấy có thể đến từ mọi giai cấp, mọi tầng lớp xã hội, với muôn hình vạn trạng, ẩn hiện đằng sau hình ảnh một kẻ đầu trộm đuôi cướp, nhưng cũng có thể  lấp ló đằng sau một gương mặt vĩ nhân sáng láng... ai mà biết được, cái tồi thường ẩn nấp rất khéo, và diễn vai rất tốt...phía sau những đạo mạo ung dung, những hình hài nam thanh nữ tú sáng ngời, những nụ cười ngọt ngào lấp lánh...
Ai mà biết được.
Đứa trẻ ấy, thậm chí khi chúng lớn lên, vẫn chẳng bao giờ nhận ra được cha-mẹ đã tồi tệ với chúng đến mức nào. Vì chúng luôn được dạy bài học con cái phải yêu thương cha mẹ, còn cha-mẹ thì tuyệt nhiên luôn luôn yêu con cái!?
Đứa trẻ ấy, chỉ thấy những nỗi đau chẳng rõ lí do, những vết xây xước mà chúng vô cùng bối rối,...từ đâu ra? ai gây nên?vì sao lại thế? Chúng nào có biết, chúng lớn lên, mà bên trong vẫn mãi mãi là một đứa trẻ trầy trụa đang kêu gào...

Nếu họ, nếu bạn, nếu tôi đã từng tồi như thế, có giây phút nào ta chợt giật mình nhận ra, rồi tự đớn đau, tự hổ thẹn...hay ta lại tiếp tục khỏa lấp bằng một ánh nhìn phớt tỉnh, một nụ cười hợt hời vô tự lự... 

Để rồi những đứa trẻ thơ ấy ra đời, trở thành những bản sao y chóc cái cặn bã của ta, cười cợt lên những tầm thường giả dối của ta, và tạo dựng một thế hề mới đầy những góc tối của trầm cảm, uất hận, và vũng lầy nội tâm mãi mãi không chờ được ánh sáng...!

..............................................................................................................................................
ps: sau bài Phạt bọn trẻ con viết về một trong những khía cạnh của vấn đề này, có thể nói tôi không còn ( muốn ) giữ giọng văn " duyên dáng, dí dỏm" khi viết về chủ đề cha mẹ - con cái nữa. Vì dẫu có cố nhẹ nhàng, lạc quan bao nhiêu thì vẫn không thể khỏa lấp được cái hiện thực buồn bã và hệ lụy chua xót kèm theo.
 Đời thì vẫn luôn dễ thương, nhưng vốn chỉ là chuyện khi ta mở nửa con mắt và chém gió trên diễn đàn xã hội, vậy thôi!
                                                                                              Huỳnh Huỳnh