"Quan trọng là thần thái" hay sự coi trọng giá trị bề nổi
Hồi tháng 12 năm ngoái mình có đi lang thang trong hiệu sách Eslite, hiệu sách nổi tiếng ở Đài Loan và bắt gặp cuốn sách có tiêu đề...
Hồi tháng 12 năm ngoái mình có đi lang thang trong hiệu sách Eslite, hiệu sách nổi tiếng ở Đài Loan và bắt gặp cuốn sách có tiêu đề "How to sound really Clever". Mình không đọc được bên trong viết gì do sách được gói bằng màng nilon. Mình có đọc review thì thấy ghi là tác giả đưa ra 600 từ cần thiết để gây ấn tượng với người khác và "sound really clever". Mình không đánh giá được sách khi chưa đọc nó nhưng thực sự tiêu đề cuốn sách khiến mình phải đặt câu hỏi: "Tại sao phải tỏ vẻ thông minh (sound clever) khi mà mình không hề thông minh?"
Chắc hẳn ai cũng từng học, tiếp xúc với những người thông minh tài giỏi và được nhiều người ngưỡng mộ. Bản thân mình từ ngày đi học đã luôn ám ảnh với 2 chữ "thông minh". Hồi cấp 2, mình từng học đội tuyển toán, và luôn phải cố gắng rất nhiều để theo kịp các bạn thông minh, những người mà theo mình là luôn học hành nhàn nhã nhưng lúc nào cũng đạt thành tích cao. Mình đã nhiều lần vì hai chữ đó mà tỏ vẻ "thông minh" bằng cách học trước ở nhà và đến lớp phát biểu như thể lần đầu mình gặp dạng toán như vậy. Mình đã rất thích được nhìn nhận là "học sinh thông minh" và hơn cả là có "thần thái" của người "thông minh". Lên cấp 3, mình may mắn đỗ và theo học 1 trường chuyên trên Hà Nội. Ở đây, mình hoàn toàn bị hẫng và choáng ngợp vì các bạn ở đây thật sự rất giỏi. Rồi chả hiểu thế nào, năm lớp 10, mình lại được đỗ vào đội tuyển Toán của trường nhưng mình nhanh chóng từ bỏ chỉ sau 1-2 tháng học. Đội tuyển toán tập trung toàn những nhân vật quá giỏi. Thầy cô giảng bài quá nhanh khiến mình không theo kịp. Mình cũng không thể học trước ở nhà như hồi cấp 2 để đến mà đến lớp "tỏ vẻ thông minh". Và thay vì tiếp tục cố gắng học hỏi, mình từ bỏ chỉ vì không chấp nhận sự thật là mình "không thông minh".
Trong bộ phim "Good Will Hunting", mình nhớ có cảnh Will vào quán bar và đụng độ với 1 nhóm sinh viên Harvard. Một trong số này thấy nóng mắt vì Will cố gắng tán tỉnh cô gái anh ta thích và bắt đầu tỏ ra "nguy hiểm" khi hỏi Will về "The evolution of the market economy in the southern colonies". Anh ta "tỏ vẻ thông minh" bằng cách trích dẫn các nhận định về vấn đề này từ các sách anh ta đã đọc nhưng lại tự nhận là luận điểm của anh ta. Mình nhớ mãi câu này của Will
See the sad thing about a guy like you is in about 50 years you’re gonna start doing some thinking on your own and you’re gonna come up with the fact that there are two certainties in life. One, don't do that. And two, you dropped a hundred and fifty grand on a fuckin’ education you coulda got for a dollar fifty in late charges at the Public Library.Lược dịch: " Thấy không, điều đáng buồn là trong 50 năm tới, những kẻ như mày sẽ bắt đầu tự suy nghĩ và sẽ hiểu ra là trên đời này có 2 điều chắc chắn. Thứ nhất, đừng làm trò đó. Thứ hai, mày đã bỏ ra 150k USD để đổi lấy nhứng điều mày có thể học được ở thư viện công cộng với 1.5 USD
Phải chăng ám ảnh với việc được công nhận là "thông minh", "giỏi giang", mọi người sẵn sàng đánh đổi "niềm vui học tập" cho những giá trị được cho là đo lường sự thông minh của con người. Học sinh học như một cái máy để đạt điểm cao cho các bài kiểm tra "được chuẩn hoá" (standardized tests), đua nhau đăng kí vào các khoa các trường "danh tiếng" mà không biết nó có phù hợp với mình không? Sinh viên học Học viện Nông Nghiệp thì tự động "không ấn tượng" bằng sinh viên học FTU, NEU. Phụ huynh và các "nhà giáo dục" thì sẵn sàng sửa điểm để "cứu tương lai của con em mình" cũng như "danh dự gia đình hay bộ mặt giáo dục tỉnh nhà" dù mình không biết vế trước hay sau quan trọng hơn.
Tháng 5 vừa rồi khi dẫn học sinh đi tham dự một cuộc thi tranh biện, mình có tham gia 1 buổi hướng dẫn cách chấm thi tranh biện. Mình rất ấn tượng câu căn dặn của người hướng dẫn "Don't let the students' accents or their trembling body out of anxiety cloud your judgment on how good their arguments are. After all, the most important thing we should focus is the quality of their arguments". (Ý là: Đừng để cách phát âm hay cơ thể run rẩy vì lo lắng của học sinh làm ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá luận điểm của các em ấy. Vì điều quan trọng nhất chúng ta cần đánh giá là chất lượng của luận điểm đó) Mình rất tâm đắc và luôn cố gắng thực hiện điều này khi làm giám khảo. Mình nhận ra có rất nhiều học sinh nói tiếng Anh rất hay, lưu loát nhưng cách lập luận lại vòng vo không đúng trọng tâm câu hỏi, trong khi có những học sinh dù có lúc nói vấp, phát âm chưa tự nhiên, không hề có "thần thái" nhưng lại đưa ra lập luận sắc sảo. Và nếu đúng là "quan trọng là thần thái" thì chúng ta có phải đã bỏ qua những giá trị cốt lõi khác không?
Mình không phủ nhận sức mạnh và tầm quan trọng của "thần thái" bởi nó đóng vai trò lớn trong việc chúng ta đánh giá một ai khác, nhất là trong thời gian ngắn. Nhưng chính vì bị "mờ mắt" bởi "thần thái" mà chúng ta bỏ qua rất nhiều điều khác quan trọng hơn. Mình xin trích 1 đoạn trong cuốn "Blink" của Malcolm Gladwell để "tỏ vẻ thông minh" chút nhé.
"Have you ever wondered why so many mediocre people find their way into positions of authority in companies and organizations? It's because when it comes to even the most important positions, our selection decisions are a good deal less rational than we think. We see a tall person and we swoon."Lược dịch: "Bạn đã bao giờ băn khoăn tại sao những người "không quá xuất sắc" lại leo lên được các vị trí cầm quyền ở công ty và tổ chức không? Đó là vì ngay khi đưa các ra các quyết định quan trọng, chúng ta thường đưa ra lựa chọn không lí trí như chúng ta nghĩ. Chúng ta thấy 1 người cao và thế là "đổ" luôn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất