KHÓA HỌC LÀM CHA-MẸ ( PHẦN 2 ). TỪ BÌNH THƯỜNG ĐẾN PHI THƯỜNG.
Đón đọc phần đầu TẠI ĐÂY Trong phần trước, tôi đã chia sẽ năm nguyên tắc, tư tưởng cũng như chuyên đề 1: những kĩ...
Đón đọc phần đầu TẠI ĐÂY
Trong phần trước, tôi đã chia sẽ năm nguyên tắc, tư tưởng cũng như chuyên đề 1: những kĩ năng cơ bản nhất cần nắm bắt.
Nội dung của phần này sẽ bao gồm hai chuyên đề nữa, đúc kết từ rất nhiều năm quan sát và chiêm nghiệm của tôi.
Lưu ý ha: Vì đây là khóa học online cấp tốc không thu phí nên chúng tôi chỉ cung cấp những gợi ý cơ bản để bạn có thể bước đầu dấn thân vào vai trò làm cha mẹ, còn việc bạn có trở nên vĩ đại hay không thì đó là nỗ lực của chính bạn. nhé! * cười *
Chuyên đề hai: Đón đầu. Thiết lập. Và Xử Đẹp tình huống.
Việc chăm sóc một đứa bé khiến bạn luôn luôn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mới liên tục xảy ra. Điều bạn cần làm là phải đoán trước các vấn đề có thể đoán trước, và bắt tay vào khởi động để đối phó. ( Áp dụng nguyên tắc 2: đón đầu )
Điều đầu tiên bạn phải biết trước là: một đứa trẻ khi mới sinh ra đời gần như cơ chế sinh hoạt là một bộ máy rỗng hoàn toàn. Cha-mẹ phải là người khởi sự cài đặt, lập trình các " phần mềm " vào con trước khi các yếu tố môi trường bên ngoài can thiệp vào.
Sự khác nhau giữa một đứa trẻ "ngoan" và một đứa trẻ "chẳng ngoan tí nào" ( theo góc nhìn của người lớn ) không phải ở sự kì diệu. Điều khác biệt là cách bạn xây dựng đường ray vận hành cho con. Đường ray này thường bao gồm: Khẩu vị , giờ hoạt động ( ăn, chơi ) và giờ nghỉ ngơi của trẻ.
Nếu đường ray hoạt động trơn tru... bạn khỏe.
Nếu đường ray bị sắp xếp lung tung, lộn xộn ( do cách thiết lập của bạn và những tác nhân vô tình bên ngoài ). Đời bạn còn hỗn độn hơn cái đường ray.
Về chuyện ăn của trẻ.
Tình huống đón đầu. Khẩu vị. Việc trẻ biếng ăn, kén ăn. Việc trẻ sợ uống thuốc.
Giai đoạn ăn dặm, có rất nhiều phương pháp trên khắp thế giới cho giai đoạn ăn này ( phổ biến hiện nay là cách ăn dặm kiểu nhật- dashi), bạn nên linh động và quan sát con vì không phải phương thức nào ( dù là hot trend ) cũng hợp với con, nhớ vận dụng nguyên tắc 3
vì con xuyên suốt vào nhé.
Tuy vậy, tốt nhất là bạn nên sắp xếp cho trẻ ăn được càng nhiều nhóm thực phẩm càng tốt để tránh trẻ kén ăn. Lưu ý dị ứng ở trẻ, các món-chất mà bạn ( cha-mẹ ) hoặc người thân trong nhà bị dị ứng thì khả năng cao trẻ cũng dị ứng với món- chất đó, hãy quan sát kĩ, hoặc an toàn hơn là tạm thời loại chúng ra khỏi list ăn của trẻ.
Nên linh động lồng ghép thêm vị cay và vị đắng vào phần ăn khi trẻ ăn dặm. Đồng thời cố gắng hạn chế vị ngọt hết mức ngay từ ban đầu. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn cực kì ở bạn, nhưng " quả " thu được lại ngọt lịm vô cùng. Cứ âm thầm luyện vị giác cho trẻ ngay từ bữa ăn dặm đầu tiên, từng xíu một và liên tục liên tục... Bạn nghĩ xem, một đứa trẻ sau này đi học ( mẫu giáo, nhà trẻ ) hoặc ăn cơm chung với gia đình mà chỉ chút xíu vị cay từ hạt tiêu cũng đã bỏ bữa không ăn, hoặc khi trẻ bệnh nhưng lại từ chối uống thuốc... sẽ khiến bạn đau đầu thế nào.
Hạn chế tối đa việc lấy vị ngọt ( bánh, kẹo ngọt ) ra dụ trẻ. Thứ nhất, trẻ sẽ nhận định vị ngọt là phần thưởng. Vị cay-đắng là hình phạt. Chúng cũng sẽ ăn vặt nhiều hơn bỏ bữa. Nếu được, bạn hãy mua những thứ thực phẩm dinh dưỡng bổ trợ có màu sắc và ngoại hình bắt mắt để trẻ ăn vặt, như bánh ngũ cốc dưỡng sinh, các loại hạt khô, mềm như nho khô... kẹo ngậm vitamin... thay vì các thể loại bánh trái vô thưởng vô phạt ( hoặc hoàn toàn đầy đường, hóa chất...)
Sử dụng màu sắc để rèn phản ứng cho trẻ khi chúng chưa có khả năng đoán biết đồ vật cụ thể.
Ví dụ, bạn cho những thứ trẻ thích ăn vào một chiếc hộp xinh đẹp, màu hồng chẳng hạn trước khi đưa trẻ. Bỏ những thứ trẻ thích ăn mà bạn thấy không tốt vào chiếc hộp màu xám cố định. Dần dần, trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon- ăn được với những món bạn bỏ trong chiếc hộp màu hồng. Và phải ăn ít với những thứ bỏ trong hộp xám. Tương tự, cho trẻ uống sữa, nước trong một chiếc bình cố định liên tục ( đừng bằng thủy tinh trong ), khi bạn cho thuốc vào chiếc bình đó rồi đưa trẻ uống, chúng cũng mặc nhiên nghĩ rằng những thứ trong bình đều chén rất ổn.
Nếu trẻ không dị ứng với các thành phần trong sữa, hãy tập cho chúng thói quen uống thức uống này hàng ngày, càng nhiều loại đa dạng càng tốt. Vì khi trẻ bỏ ăn do bệnh, sữa sẽ là dạng dinh dưỡng duy nhất dễ nuốt để trẻ có thể cầm cự...
Giờ ăn của trẻ phải được thiết lập cố định, đừng tùy hứng của bạn. Như vậy khi đến đúng giờ dạ dày trẻ sẽ tự đánh tín hiệu, việc ăn trở nên dễ dàng hơn.
Ăn là ăn, ăn vì đói, không phải vị sợ hãi hay phần thưởng. Bạn phải giúp trẻ cảm nhận điều này bằng cách luyện trẻ ngồi một chỗ, tập trung ăn, không chạy nhảy lung tung và ăn trong một thời lượng nhất định. Một bữa ăn không quá bốn mươi phút. Quá thời gian naỳ, sự kích thích thèm ăn của trẻ đã giảm, hệ tiêu hóa do bị cảm xúc điều phối cũng không vận hành trơn tru nữa, bạn có la, quát, dọa nạt, ép uổng thì cũng công cốc thôi.
Không giao điện thoại, bật tivi khi trẻ ăn, dẫn đến hệ tiêu hóa không hoạt động tốt khi trẻ mất tập trung, còn bữa ăn thì dài lê thê. Thay vào đó, bạn nên ngồi cùng trẻ trong giai đoạn đầu tiên, kể cho chúng nghe những câu chuyện liên quan đến bữa ăn của chúng, chẳng hạn bạn đã mua quả cà rốt ngon lành dinh dưỡng thế nào, chiên xào nấu luộc ra sao...
Hãy kết nối với con, đó là cách tuyệt vời nhất để để động viên và hỗ trợ đứa trẻ của bạn.
Ý cuối trong chuyện ăn của trẻ. Bạn nên sử dụng thêm âm thanh và màu sắc để kích thích súc giác của trẻ. Bật một giai điệu không lời nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại xuyên suốt mỗi bữa ăn. Đồng thời dùng một bộ dụng cụ ăn đồng bộ, đồng màu, lót dưới một chiếc khăn màu vàng cố định chẳng hạn. Để trẻ cứ nghe giai điệu đó, thấy bộ chén đó, màu khăn đó là được thôi thúc liên tưởng đến việc ăn uống. Nói chung, muốn kết nối tốt với bất kì đứa trẻ nào, hãy biết tận dụng nhuần nhuyễn hiệu ứng của màu sắc và âm thanh. * cười *
Chuyện ngủ của trẻ.
Sau ăn, giấc ngủ là thứ cần thiết cho trẻ ( và cả chúng ta nữa )
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có thể gặp khó khăn vì giấc ngủ không ngon, chướng ngủ, khóc đêm.
Với trẻ sơ sinh hoặc từ 1 đến 3 năm tuổi.
Nguyên nhân bệnh lí: khóc dạ đề, trào ngược dạ dày... cái này bạn nên xin tư vấn từ bác sĩ vì tôi không quá rành, tôi chỉ khuyên bạn đến từ chút ít kinh nghiệm đã trải... rằng trong trường hợp quá xui, bạn hãy luyện đôi tay thiệt khỏe và thần kinh thiệt chai lì để pass giai đoạn khó khăn này. Có những lúc bạn phải thức nguyên đêm, bồng à ơi trẻ trên tay... nó khóc mà bạn còn muốn khóc to hơn nó, có khi để trẻ ngủ được liền mạch, bạn phải ẵm nó... bất động trên tay suốt hai ba tiếng liền ( vì đặt xuống hay trở người là nó... giật mình thức ngay ). Đó là tình huống tệ nhất mà chúng ta có thể dự trù để chuẩn bị tinh thần, biết đâu bạn sẽ... may mắn hơn thì sao! :)
Tiếp theo là những thứ bạn có thể nhúng tay vào trước để khắc phục.
Đó là, Ánh sáng, âm thanh, độ ẩm, nhiệt độ, từ trường.
Đồng nghĩa với việc bạn phải setup một căn phòng lí tưởng cho việc ngủ của trẻ. Chọn luồng ánh sáng dịu nhẹ tránh làm tổn thương giác mạc trẻ. Loại bỏ các thứ ánh sáng xanh có hại lọt vào mắt trẻ, các thiết bị nhiều sóng từ trường như điện thoại, tivi, wifi.... cũng rất không tốt cho thần kinh của trẻ nhỏ. Phòng ngủ chỉ để ngủ thôi. Ngoài ra, đừng quên cài nhiệt kế và ẩm kế trong phòng để theo dõi cũng như kiểm soát hai chỉ số này đạt mức độ phù hợp ( tùy vùng khí hậu bạn đang ở ).
Sử dụng âm thanh riêng cho giấc ngủ của trẻ, nếu là nhạc thì vẫn cố định một giai điệu không lời, nhẹ nhàng.... song tôi vẫn khuyến khích loại âm thanh trắng trong trường hợp này. Vì âm thanh trắng có thể dung hòa hơn với các âm thanh không mong muốn phát ra bởi môi trường bên ngoài chỗ ngủ của trẻ.
Với trẻ từ ba, bốn tuổi đổ lên.
Chúng đã biết bày tỏ suy nghĩ nên bạn sẽ đỡ mệt hơn. Vậy nên hãy hỏi và lắng nghe chúng. Nhiều đứa bé sẽ mất ngủ do chúng gặp ác mộng và sợ bóng tối. Nếu được, hãy hát ( ru ), kể chuyện mỗi đêm cho trẻ nghe, cho trẻ uống bổ sung các loại trà, nước thảo dược tự nhiên giúp dịu nhẹ thần kinh.
Nếu ngủ cùng con, bạn nên ngủ sau khi trẻ đã say giấc. Trẻ mới có cảm giác yên tâm và ngủ nhanh hơn.
Rèn giờ ngủ cố định vào buổi tối cho trẻ. Ví dụ như làm gì thì làm, cứ đúng 20h30, hoặc 21h là tắt đèn, đi ngủ. Nếu bạn để trẻ chơi điện thoại, máy tính vào buổi tối thì xác định rồi nhé.... mai nó có ngủ dậy trễ thì cũng chớ mà la toáng lên đấy!
Hết chuyên đề hai.
Chuyên đề ba. Tập trung. Yêu Thương. Thấu hiểu!
Vì sao bạn cần thấu hiểu con?
Vì các đứa trẻ không giống nhau, mỗi đứa bé đều có những đặc tính riêng biệt. Con bạn cũng thế. Thấu hiểu con để bạn không phải hoang mang ngụp lặn giữa hàng đống kiến thức giảng dạy về sự thấu hiểu.
Thấu hiểu con cũng sẽ giúp đời bạn trôi qua trong nhẹ nhàng hơn với vai trò làm cha-mẹ.
Muốn thấu hiểu, bạn hãy tập quan sát con, và tìm tòi mọi thứ tốt nhất cho sự phát triển của con bằng một tình yêu thương xuyên suốt!
Cùng xách mông lên, mở sẵn gu gồ và bắt đầu hành trình thấu hiểu nào!
Cơ bản nhất bạn có thể tìm hiểu, là về nhóm máu của con. Đặc điểm của các nhóm máu sẽ cho bạn phần nào thông tin về dị ứng, một số bệnh lí trẻ dễ mắc phải, thậm chí tính cách đại diện cho nhóm máu đó.
Để biết kĩ càng, rõ ràng hơn về đặc điểm sinh, lí cơ thể, tính cách, điểm mạnh, điểm hạn của một đứa trẻ, đôi khi chúng ta phải mất rất nhiều công sức để tập trung quan sát cả một chặng đường dài. Có những đặc điểm sẽ bị chuyển hóa, thay đổi vì yếu tố bên ngoài, nhưng cũng có những phạm trù sẽ theo trẻ mãi mãi- tạo nên một tính cách- một số phận xuyên suốt.
Có vài cách thức để bạn đoán biết trước được đặc thù tổng quát bên trong một đứa trẻ. Những gia đình có điều kiện hiện nay thường đưa trẻ đến trung tâm quan trắc học để lấy tư liệu, nhằm đoán trước và định hướng sớm con đường phát triển của chúng. Ngoài ra, nếu bạn không có điều kiện, hãy tìm hiểu về bộ môn Nhân số học, còn gọi là thần số học, một môn khoa học về trường lực và sự rung động của các con số ( các bài dạy trên youtube khá nhiều, tìm một người hướng dẫn có uy tín và đầu tư thời gian học tập của bạn ). Dựa vào cơ sở ngày sinh và tên tuổi con để dự đoán phần nào về cá tính, năng khiếu, hạn chế mà con bạn sở hữu. Chỉ từ đó bạn mới có cơ sở để thấu hiểu con trên ba khía cạnh: thể chất, trí tuệ và tâm hồn. rồi dẫn dắt con phát triển cá nhân trọn vẹn, phù hợp nhất.
Tiếp theo, dành thời gian thực sự cho con.
Thứ nhất, để tăng kết nối giữa con và bạn, kết nối chính là thứ làm nên khái niệm hạnh phúc của một gia đình mà mọi người hay nhắc đến.
Thứ hai, giúp con phát triển thế mạnh, bổ sung ào các đặc điểm thiêu hụt.
Ví dụ như, con bạn có thiên hướng thực tế, yêu khoa học, tính toán---> não trái phát triển.
Bạn cần: kích hoạt não trái bằng cách cho con chơi với số từ nhỏ, giải các ô chữ sudoku đơn giản, xếp các khối rubik dễ, hay chơi lego...
Bên cạnh đó, kích thích thêm não phải bằng cách: đọc truyện, vẽ, viết, lafm đồ thủ công...
Ngược lại với não bên kia.
Tương tự, khi con bạn có thiên hướng hiếu động, không ngồi yên một chỗ, mất tập trung, hoặc hay ưu tư, buồn bã, lầm lì, tách biệt...hiểu về con để biết vì sao con như vậy, để đồng cảm hơn với con và giúp con tìm một số hoạt động phù hợp để cân bằng những tính cách ấy.
Không áp đặt, nhưng cũng có thể hướng con tìm hiểu về một số đặc trưng, kĩ năng mà bạn sở hữu. Ví dụ:
Nếu bạn là kĩ sư về điện, hay thích sửa chữa điện, khi rảnh rỗi thì hãy bày con lắp đặt mấy mạch đèn đơn giản...
Nếu bạn là bác sĩ, chỉ cho con cách lắng nghe nhịp tim, mạch đập..
Nếu là họa sĩ, dạy con vẽ, cho con sáng tạo với sắc màu...
.....v..v..v...
Một số trò chơi đơn giản, thú vị khác giúp trẻ học hành, khám phá khác:
- Làm tinh thể ( đường, phèn chua + nước sôi ), giúp trẻ tiếp cận hóa học, cũng như nguyên lí hình thành các thạch nhũ trong hạng động.
- hoa đậu biếc chuyển màu ( ngâm nước lọc ra màu xanh, vắt chanh vô thành màu tía.
- Cắt, dán, trang trí, làm đồ thủ công. kích hoạt sáng tạo và tỉ mỉ cho trẻ.
- Cùng trẻ làm bánh. Combo bột, trứng gà, đường, sữa, nước, nhào thành khối dẻo rồi cho trẻ tạo hình, trang trí tùy ý, sau đó đi nướng thành bánh quy thành phẩm. Bảo đảm đơn giản mà vui nổ trời...
....v...v....v... (Ôi tôi không sa đà nữa, vì kể tới tết!)
Nói chung từ đầu chuyên đề tới giờ:
Tìm hiểu con, nắm những đặc tính con sở hữu trên ba khía cạnh thể chất, trí tuệ, tâm hồn ( qua nhóm máu, tính cách các thành viên trong gia đình, thần số học, nhân trắc học )--->hướng dẫn con phát triển dựa theo các đặc tính ấy ( bằng cách vừa học vừa chơi cùng con ) để khuyếch đại điểm mạnh, cải thiện điểm yếu. Đồng thời luôn quan sát con, giúp con từ từ khám phá cuộc sống, cũng như bản thân.
Cùng con đi qua thời thơ ấu, và cũng cùng con đi tiếp những tháng ngày thiếu niên. Thời điểm này, đừng quên giáo dục giới tính cho con là điều tối quan trọng. ( Bây giờ chuyện này cũng khá nhẹ nhàng, dễ dàng hơn hồi xưa. Thậm chí các nhà sách luôn có dòng sách dành cho tuổi teen về chủ đề này, mua cho con tự " ngâm" cũng là ý kiến không tồi nếu bạn chưa đủ tinh tế trò chuyện cùng con).
....................................................
Có lẽ vẫn còn rất nhiều điều nữa, nhưng cứ sơ sơ khép lại ba chuyên đề như vầy đã nhé, vì não tôi cũng không còn năng lực cống hiến gì hơn.
Tôi luôn nghĩ muốn làm cha mẹ tốt, trước tiên chúng ta phải trở thành một ...nghiên cứu sinh giỏi, tìm tòi học hỏi tất tần tật mọi bộ môn, mọi lĩnh vực, khía cạnh có thể trong cuộc sống để gạn lọc những điều tốt nhất cho con. Hãy cứ xem công cuộc nuôi dạy ấy là một công trình nghiên cứu đồ sộ của đời bạn, trong đó, bạn thể hiện hết mình vì... thuần đam mê, tuyệt nhiên không mong cầu hay kì vọng điều chi cả.
Cứ thế, từ người bình thường, chúng ta hóa thành vĩ đại.
Mà cái sự vĩ đại ấy, đứa trẻ con ta đủ dùng là được rồi!
Huỳnh Huỳnh
bonus: Một bộ phim tạo cảm hứng làm cha-mẹ recommend cho bạn sau khi đọc xong quá buồn ngủ và mệt mỏi, đó là:
The weather man- người đàn ông thời tiết.
(Thiệt ra là có rất nhiều phim nổi tiếng hơn, hay hơn về chủ đề này. Nhưng những bậc cha-mẹ trong các phim ấy có phần hơi bị cao siêu quá nên tôi gợi ý một bộ phim " đời thực hơn", " trần trụi" hơn, nhưng ý nghĩa không kém. Enjoy nhé!) *cười*
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất