Nếu muốn, sắp hay đã có con, xin hãy đọc để có thêm một góc nhìn và có thể tránh trở thành cha mẹ độc hại (toxic parents). Tôi biết chủ đề này rất sâu rộng cũng như gây nhiều tranh cãi, nên cái tôi muốn viết không phải là cắt nghĩa hay định tính mà sẽ nêu ra quan điểm của mình và hạn chế những khái niệm phức tạp, những thứ liên quan tới triết học, sinh học, xã hội, tâm lý, đạo đức,...
Những năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện phổ biến một cụm từ gớm ghiếc- "cha mẹ độc hại" và đi kèm theo nó, không phải như những cái trends vớ vẩn trên mạng, là những hậu quả cực kỳ nặng nề: trầm cảm, self-harm, rối loạn tâm thần, tự vẫn,... mà con cái phải gánh chịu. Tuy chỉ mới về mặt tên gọi, nhưng nội hàm của nó đã xuất hiện từ rất lâu và trong kỷ nguyên tăm tối này, một lần nữa, lại nổi lên với sức tác động còn tăng gấp bội. Trên thực tế, nó được sinh ra dựa trên quan hệ nhân quả, do đó, nếu không có gì phá vỡ được vòng lặp này, thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hay "cha mẹ độc hại" bất đắc dĩ.
Thử tìm kiếm xem bây giờ chúng ta có gì?
"Tên mới" với khoảng vài chục triệu kết quả.

1. Cha mẹ độc hại là gì?

Cha mẹ nào cũng có thể mắc sai lầm, họ cũng là con người, nên việc họ mắc lỗi không có nghĩa là độc hại. Tuy nhiên, việc cha mẹ có những hành vi khuôn mẫu mang tính tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài đến con cái lại là chuyện khác. Nên tôi sẽ thao tác một cách ngắn gọn và đơn giản thế này:
Cha mẹ độc hại là hiện tượng cha mẹ cố ý hay vô ý bạo hành về thể xác hoặc tinh thần; ngăn cản, làm lệch lạc sự phát triển của con cái.
Độc hại theo nghĩa của tôi, không đơn thuần là phải bạo hành về thể xác và tinh thần, mà nó còn là ngăn cản, làm lệch lạc sự phát triển của con cái. Việc chiều chuộng con cái vô độ cũng là một loại độc hại. Giờ thử nhìn ra xã hội xem: con trẻ nghiện công nghệ như thế nào, béo phì như thế nào, nói câu một cãi câu hai thế nào, tỉ lệ dính vào tệ nạn cao thế nào,... thì hiểu. Thậm chí, việc tạo ra môi trường sống an toàn tối đa cho con cái, vô tình biến chúng thành gà công nghiệp sống trong điều kiện vô trùng, theo tôi cũng là độc hại.
Ví dụ liệt kê ra thì nhiều vô kể, nhưng cái tôi muốn viết không phải là cắt nghĩa hay nêu ra mấy cái gạch đầu dòng để xác định bạn hoặc bố mẹ bạn có độc hại hay không. Điều tôi quan tâm là vì sao ngày nay càng lúc càng có nhiều cha mẹ độc hại như thế?

Đọc thêm:

2. Độc thật hay đỏ đen trong việc nuôi con?

Đầu tiên, ta phải phân biệt có hai loại độc:
- Độc thật: Đây là những cặp cha mẹ có vấn đề về mặt tâm lý, xã hội, hành vi. Việc họ bạo hành con cái thực ra chỉ là vấn đề chọn đối tượng để giải toả thôi. Điều này có nghĩa là bản chất của những người này đã độc hại sẵn, mặc cho họ có nhận thức được việc này hay không, thì việc họ gây hại cho người khác (cụ thể là con cái họ) chỉ là sớm hay muộn.
- Độc... đoán: Đa số mọi người lớn lên đều lập gia đình và sinh con, điều đã trở thành một lẽ tất yếu đến nỗi ai cũng xem nó là điều hiển và rồi chẳng mấy ai thực sự chuẩn bị cho việc có con cả. Có thể ai cũng đảm bảo về mặt tài chính, điều kiện sinh sống, thậm chí cả công việc trong tương lai,... nhưng tâm lý con cái và khả năng thấu cảm- những thứ quan trọng không kém- lại ít được quan tâm nhất. Thế là tuỳ vào cách nuôi dạy "theo truyền thống" hay "free style" không có phương pháp, mà con cái sẽ phát triển theo những hướng rất khác nhau. Đúng theo kiểu đỏ đen: đỏ thì con cái ngoan ngoãn, sau này thành công, bố mẹ được nhờ; đen thì là đứa con trời đánh, bản thân thì vô tình thành bố mẹ độc hại và ca khúc: "bố mẹ sinh con, trời sinh tính" lại vang lên.

Tất nhiên, sẽ vẫn có những ngoại lệ, nhưng đừng vì 0.0001% mà đánh đồng "trời sinh tính" hết số còn lại. Đúng là tính cách phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, nhưng hãy nhớ con trẻ noi theo khuôn mẫu của cha mẹ. Nếu đúng là trời bốc tính cách ngẫu nhiên cho con cái thì chẳng có những gia tộc lớn được hình thành và gìn giữ được những giá trị truyền thống suốt bấy lâu đâu. 
Image result for jackpot

Vì thế, sinh con là một chuyện, nuôi dạy con lại là một chuyện khác. Ví dụ, một cặp vợ chồng "không độc hại" là giáo viên- bác sĩ, không có nghĩa là lúc nào con cái họ cũng ngoan ngoãn và sau này sẽ thành đạt. Hay một gia đình có cha mẹ "độc" không phải lúc nào kết quả là con cái sẽ đổ đốn, có khi lại thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, việc dạy con đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị, nỗ lực, năng lực,... bằng không chỉ là bạn đang chơi trò đỏ đen, và tỉ lệ thắng của bạn giống như chơi Jackpot vậy.

Đọc thêm:

Như đã phân tích ở trên, cá nhân tôi thấy ngày nay cha mẹ độc hại tồn tại ở dạng "độc đoán" rất nhiều, bởi họ không có vấn đề về mặt bệnh lý hay tư duy thua một đứa trẻ cả, chỉ là cách nuôi dạy của họ rất có vấn đề. Có thể là quá bảo thủ, quá vô tâm, quá chiều chuộng, quá nóng tính,... cốt yếu là vì họ không thấu hiểu được tâm lý con cái, hay nói đúng hơn là không có khả năng giải quyết vấn đề của con trẻ một cách hợp lý.

3. Trị độc như thế nào?

Đời sống ngày nay không còn gói gọn trong cái vòng gia đình- trường học- chòm xóm như ngày trước nữa mà càng lúc càng phức tạp. Không chỉ bố mẹ phải chịu áp lực cuộc sống mà chính con cái cũng bị ảnh hưởng không kém. Có những thứ mà cha mẹ không thể tưởng tượng được là con mình đã và đang phải nếm trải ở thời điểm đó. Có những tâm tư của con không thể sẻ chia chỉ vì cha mẹ không thể chấp nhận hay giúp chúng giải quyết.
"Có vấn đề gì thì mày có thể cút ra khỏi nhà!"
Tuy thế, những phụ huynh không tinh tế lại chẳng nhận ra điều này, thay vào đó, họ tự cho rằng mình biết tuốt và áp đặt khiến con cái phải tuân theo, phục tùng ý chí, nguyện vọng của họ. Vậy, cơ hội nào cho chúng được sống cuộc sống của mình?
Nhu nhược hơn, là chu cấp, nuông chiều hết mức để chúng được hưởng những thứ họ chưa từng có trong quá khứ và mong đợi con cái sẽ thành công thay phần họ. Bằng việc đốt hết thời gian để kiếm tiền, họ cũng tước đi cơ hội của con để có thể kết nối với họ, để cảm nhận được tình thương yêu thực sự từ họ mà giờ đã thay thế bằng vật chất?
Hay vô tâm đến mức xem việc sinh con là điều phải làm, cứ chăm sóc cho tới khi trưởng thành thì chúng sẽ nuôi mình lúc về già?
Thứ duy nhất độc hại, không còn là bạn để con mình đói hay không có áo mặc, mà là bạn bỏ quên cảm xúc của con mình.

Và câu hỏi lớn hơn, là:

Phải chăng việc có con giờ chỉ là một lẽ phải làm của xã hội hoặc chỉ là hậu quả của những lần "vỡ kế hoạch"?

Nếu không thì bạn có thực sự hiểu con mình cảm thấy thế nào không? Vì sao con người quá vô tâm với cảm xúc của người khác, mà đây thậm chí là ruột thịt của mình? Tại sao lại sinh con khi mà thậm chí việc căn bản nhất là cảm xúc của chúng, bạn cũng không thể đáp ứng? Tại sao chỉ ngành sư phạm hay tâm lý học mới quan tâm đến tâm lý và cảm xúc của con trẻ?
Nếu bạn muốn, sắp và đang có con, tôi nghĩ bạn nên trả lời những câu hỏi trên một cách thực sự nghiêm túc.

Để trị "độc", tôi nghĩ cách tốt nhất là hãy để bậc cha mẹ học được cách thấu cảm.
Một người thầy đã dạy tôi như thế này:
Thấu cảm là khả năng có thể cảm nhận được sự đau khổ của người khác và có nhu cầu làm giảm nỗi đau đó.
Chỉ thế thôi, là đã giải được rất rất nhiều độc rồi.