Xin chào, tôi là Ka, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về các nguyên tắc quan trọng nhất thiết phải biết để giáo dục con nhỏ một cách đúng đắn và lành mạnh nhất. Theo Tâm lý học thì đa số những tâm bệnh của con người đều bắt nguồn từ những tổn thương tâm lý khi còn nhỏ - đặc biệt là những năm đầu đời. Tùy theo cách giáo dục của ba mẹ mà tương lai chúng ta sẽ có một công dân lành mạnh hoặc là một công dân độc hại. Mà bạn biết mà, cái tốt thì khó tiếp thu chứ cái xấu thì nhanh lắm!
Tự do vui chơi giúp trẻ phát triển toàn diện.
Có thể sẽ có vài người bảo rằng còn quá sớm để lo chuyện con cái, nhưng ... biết đâu được. Với cả nếu bạn biết được kiến thức này, bạn sẽ tự giáo dục bản thân tốt hơn và có thể giáo dục được bọn trẻ con đúng cách nữa. Nên thôi các bạn cứ đọc để lận lưng quần đi nhé!
Bài này tôi dựa nhiều vào kiến thức Tâm lý học và kinh nghiệm bản thân. Đừng hiểu lầm, tôi chưa có con đâu, nên ở đây thay vì dựa vào kinh nghiệm như một người cha thì tôi sẽ dựa vào kinh nghiệm như một người con để nêu ra những điều mà một người con cần được nhận để phát triển lành mạnh và có cuộc sống viên mãn sau này theo góc nhìn khách quan nhất có thể. Yo, vậy chúng ta cùng bắt đầu nhé!

1. Yêu Thương Vô Điều Kiện.
Điều này cực kì quan trọng và thiết yếu, nó sẽ định hình mối quan hệ giữa bạn và con sẽ là "người dưng'' hay là ''ba mẹ". Nói cho dễ hiểu, kể từ khi bạn tạo ra những điều kiện để trao cho con sự quan tâm hay tình thương - ví dụ như nếu con đạt được học sinh giỏi thì ba mới thương con, hay khiến trẻ có cảm giác bị ruồng bỏ chỉ vì không nghe lời của bạn - thì suy cho cùng bạn củng chỉ như những người dưng đang trục lợi "đứa con" của mình thôi. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của đứa con rất nhiều - đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy bấp bênh vì ngay ở tổ ấm của mình, trẻ vẫn phải gồng mình lên để làm vừa lòng phụ huynh thay vì sống như 1 đứa trẻ, sống là chính mình. Khi bạn đặt ra những điều kiện như thế, con cái sẽ không bao giờ thật sự cảm thấy gần gũi với bạn cả. Chỉ khi bạn hoàn toàn chấp nhận trẻ, thì gia đình mới thật sự là nơi trẻ mong ngóng trở về.
Ôm ấp là cách tốt nhất để thể hiện sự yêu thương và cảm thông.

Đọc thêm:

Nếu như bạn đã biết qua kiểu tư duy của đa số phụ huynh thế hệ cũ đó là "ba mẹ đã có công dưỡng dục thì con cái phải có nghĩa vụ làm vui lòng ba mẹ, nếu không thì sẽ bị gọi là bất hiếu" thì mình khuyên bạn hãy quên cái tư duy đó đi vì nó khá là lệch lạc. Khi bạn đã quyết định có con, điều đó nằm tất cả ở bạn, đứa con không có trách nhiệm gì khi nó được thụ thai cả, vì vậy mà những chuyện nuôi dưỡng và giáo dục nó sau đó - ít nhất là cho tới khi trẻ đủ 18 tuổi - đều hoàn toàn là "Trách Nhiệm" của bạn. Bạn không có quyền gán trách nhiệm đó lên đứa con rồi mong muốn nó sẽ làm vui lòng mình. Tình cảm gia đình rất thiêng liêng - cái thiêng liêng đó nằm ở sự cho đi không điều kiện của ba mẹ, nhưng một khi ba mẹ đem những chuyện đó ra kể lể với con cái để gây áp lực thì nó trở thành vô nghĩa ngay lập tức.
Hãy trao tình thương vô điều kiện và đừng đòi hỏi gì cả bởi vì bạn là cha mẹ, vì bạn củng đã từng là một đứa trẻ như vậy. Trẻ con luôn mong muốn được tự do khám phá thế giới xung quanh, nó muốn được tìm ra sự thật về bản thân nó là ai. Và trong quá trình này, ắt hẵn nó sẽ vấp ngã và mắc sai lầm. Công việc của bạn là giữ an toàn cho con nhưng quan trọng hơn cả đó là luôn chấp nhận con người của trẻ dù trẻ có mắc những sai lầm gì đi nữa. Điều này đòi hỏi bạn một sự bao dung và kiên nhẫn gần như là vô hạn.

2. Tôn trọng con.
Khi bạn cho ra đời 1 đứa trẻ, ngay lập tức nó đã có những quyền hạn như một con người, và xét về mặt này bạn và con bạn bình đẳng. Con cái củng có những nhu cầu và quyền lợi như bạn, vậy nên khi bạn dùng địa vị là cha mẹ để ngăn cản những nhu cầu và quyền lợi đó của trẻ thì thật là bất công (và cả bất hợp pháp nữa). Ví dụ thường thấy ở Việt Nam khi ba mẹ cấm con cái đi chơi cùng bạn bè của trẻ chỉ vì họ không ưa đứa bạn đó của trẻ, hoặc bắt trẻ phải làm theo ý mình trong khi trẻ đã nằng nặc từ chối và nổi tiếng nhất là ba mẹ tước đi quyền tranh luận của trẻ khi giữa họ và con nảy sinh vấn đề vì họ cho rằng đó là biểu hiện của ''mất dạy''. Một số ba mẹ thường nhầm lẫn giữa điều họ MUỐN làm và điều họ ĐƯỢC PHÉP làm với con mình. Ở những ba mẹ này, biểu hiện thường thấy đó là họ thiếu sự tôn trọng đối với con cái của mình, họ luôn muốn biến đứa trẻ thành một "con rối'' chỉ biết làm theo ý họ để họ luôn được cảm thấy an tâm và hãnh diện (với mấy nhà hàng xóm).
Nhiều phụ huynh luôn đòi hỏi sự "tôn trọng" một cách tiêu cực và vô lý từ con cái - cứ như họ là Hội Thánh Đức Chúa Trời ấy - họ quên mất điều tối thiểu đó là mình phải tôn trọng người khác trước khi muốn người khác tôn trọng mình. Họ luôn áp đặt ý kiến của họ lên con cái và điều đó tạo nên một sự đè nén lên trẻ. Điều này cực kì nguy hiểm vì sự đè nén lâu ngày có thể dẫn đến trẻ xa lánh dần gia đình, mất liên kết xã hội, trầm cảm, nổi loạn và các hệ quả xấu khác.
Hãy lắng nghe thay vì phán xét.
Hãy tôn trọng con trẻ vì chúng xứng đáng được như vậy. Một khi bạn tôn trọng trẻ và sống một cách gương mẫu thì tự khắc con trẻ sẽ quý mến và tôn trọng bạn. Mọi thứ đến một cách thật tự nhiên sẽ tạo nên mối liên kết vững chắc giữa trẻ và gia đình.

3. Đừng gán giá trị của mình lên con cái.
Khi bạn cảm thấy tồi tệ không có nghĩa là những thứ xung quanh đang tồi tệ. Bạn không vui vì những hành động của con cái không có nghĩa là chúng nó đang làm sai. Hay con cái của bạn tồi tệ không có nghĩa mọi người sẽ nghĩ bạn củng tồi tệ như nó. Cuộc sống của bạn là do bạn chịu trách nhiệm. Nó chán ngán, nó hấp dẫn, nó vui vẻ, nó buồn bã hay nó như thế nào đi chăng nữa đều là do bản thân của bạn mà ra. Bạn không thể vì trách nhiệm với con cái mà lệ thuộc cuộc sống của mình vào con.
Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên họ tập trung nguồn lực để nuôi nấng con cái họ, hy vọng sau này nó sẽ khá hơn mình bây giờ. Vì đầu tư quá nhiều vào đứa con nên họ củng không còn thời gian cho bản thân, dẫn đến sự phụ thuộc giá trị vào con cái. Họ nghĩ nếu con cái mình thật giỏi giang - kết quả học tập tốt, nghe lời, phụ giúp chuyện nhà -  thì nghĩa là cuộc đời của họ củng tốt đẹp theo. Vậy nên khi con họ không được như vậy họ sẽ nổi sùng lên và nói với trẻ rằng họ thất vọng về nó vô cùng - cứ như là trẻ tự đòi hỏi họ phải đầu tư thật nhiều vào nó vậy! Hãy nhớ rằng những thứ con cái tự nguyện làm cho bạn đó mới là thứ hạnh phúc và lành mạnh nhất bạn nên nhận. Giá trị của một con người phụ thuộc vào nhiều thứ, đừng khiến con bạn bước vào đời với 1 sự tự ti chỉ vì nó không "giỏi giang" theo ý của bạn.

Đọc thêm:

Đừng quên đầu tư thời gian cho bản thân
Bên cạnh vai trò là gia đình, là người thân với nhau thì mỗi con người chúng ta củng có vai trò như một cá thể độc lập. Vì vậy ai củng có quyền chọn cách sống riêng của mình, nếu cách sống của con cái vô tình không đúng với mong muốn của ba mẹ thì họ nên tự tìm nguồn vui sống của mình. Tại sao cứ phải chăm chăm chờ con cái làm mình hãnh diện trong khi bạn có thể dùng khoảng thời gian chờ đợi vô nghĩa đó để hâm nóng tình cảm vợ chồng, đi dã ngoại hay là đăng kí một lớp khiêu vũ mà bạn đã thích từ lâu? Hãy chăm sóc cho đời sống cá nhân của mình thay vì kéo con cái vào đó, con cái bạn củng có đời sống riêng của nó mà!
Cuối cùng thì đừng quên "Khích lệ trẻ".
Trẻ con sỡ hữu một tâm hồn tràn đầy sức sống, năng động, sáng tạo và mãn nguyện. Đừng  làm cho tâm hồn đó mệt mỏi vì những cấm cản, thay vào đó hãy khích lệ chúng tự tìm hiểu thế giới xung quanh. Đừng quá quan trọng những sai lầm trẻ có thể mắc phải nếu như nó không quá nguy hiểm với trẻ, dù trẻ thất bại thì hãy tìm ra một điều tiến bộ trong hành động của trẻ để khích lệ. Nếu trẻ suy sụp vì thất bại, hãy ở bên cạnh vỗ về trẻ, điều đó củng giống như sự khích lệ trẻ dám thất bại. Khích lệ giúp trẻ xây dựng sự tự tin vào bản thân, tạo tiền đề cho trẻ có thể thực hiện được những thứ trẻ mong muốn trong tương lai. Và quan trọng hơn đó là khi trẻ được khích lệ, trẻ có thể giữ được tâm hồn trẻ thơ đó trong suốt quãng đời sau này vì người hạnh phúc nhất chính là người sống như một đứa trẻ - đó là tâm hồn tràn đầy sức sống tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta.

- Ảnh : google.com