Chuyện nuôi dạy trẻ con
Gần đây, khi cuộc sống phát triển, không còn khó khăn đói kém như trước nữa, các ông bố bà mẹ bắt đầu chú ý hơn đến việc giáo dục con...
Gần đây, khi cuộc sống phát triển, không còn khó khăn đói kém như trước nữa, các ông bố bà mẹ bắt đầu chú ý hơn đến việc giáo dục con cái. Điều này dẫn đến sự ra đời của hàng loạt cuốn sách nuôi dạy trẻ kiểu như: "nuôi con không phải cuộc chiến", "cách khen khác mắng cách phạt", "nuôi con kiểu mỹ nhật hàn...". Thú thật là mình chưa đọc mấy cuốn này bao giờ cả, có con đâu mà đọc làm gì. Nhưng nhìn chung mình thấy có vẻ như mấy cuốn này đều được viết dựa trên điểm nhìn của người nuôi dạy (bố mẹ, thầy cô giáo, nhà phân tích tâm lý, abcxyz gì gì đó), trong khi đó việc nuôi dạy một con người nó bao gồm hai phía: người nuôi và người được nuôi. Không hiểu đã có cuốn sách nào viết theo quan điểm của người tiếp nhận sự giáo dục chưa? Vì xét cho cùng thì tất cả chúng ta, để lớn được đến hiện tại thì đều đã đang hoặc vẫn sẽ tiếp tục "được giáo dục", vậy tại sao những con người tiếp nhận sự giáo dục này không lên tiếng nói về cảm nhận với những thứ họ được nhận?
Mình không dám nói thay cho số đông nên chỉ đơn cử lấy bản thân mình ra làm ví dụ thôi. Tiếp theo đây mình sẽ tự nhìn nhận một số điểm tốt và xấu của bản thân, điều gì mình nhận được từ những người nuôi dạy mình dẫn đến những tốt, xấu đó. Mình sẽ làm gì nếu như mình muốn con cái của mình sau này có được những cái tốt và tránh được những điều xấu đó.
Đọc thêm:
Nói về điểm tốt trước, mình tự thấy mình là một đứa rất có ý thức tiết kiệm. Mình không xả nước chảy ầm ầm trong khi đánh răng, mình sẽ khóa vòi nước khi nước đã gần đầy chậu lúc rửa bát hoặc giặt đồ. Mình cũng không vứt hay đốt giấy báo đã dùng rồi đi mà giữ lại để cân phế liệu... còn nhiều lắm. Từ đâu mà mình có cái tính tốt này á? Đầu tiên là từ mẹ mình, một người cũng cực kỳ tiết kiệm. Nhớ hồi trước khi nhà mình còn đun bếp củi, mỗi khi bếp bị tắt mẹ sẽ không lấy diêm châm lại lửa ngay mà cố thổi phù phù cho nó cháy lên, mình còn nhớ mẹ hay bảo "nghe lời cụ (bác Hồ) tiết kiệm một que diêm mà thổi bếp toét hết cả mắt". Và cũng chính mẹ mình đích thân kiểm tra từng quyển vở viết của mình hồi mình còn đi học xem mình có bỏ trang nào hay không. Hồi trước chữ mình rất xấu (thật ra thì bây giờ vẫn xấu) nên viết được nửa trang nhìn thấy xấu xấu bẩn bẩn chán quá mình hay nhảy luôn sang trang khác thành ra bị chửi hoài. Còn nhiều điều nữa mà mình học được từ mẹ về chuyện tiết kiệm này lắm... Một điều nữa khiến mình có thói quen tiết kiệm đó là từ bé đến lớn mình được nghe ra rả về những tin tuyên truyền "đến năm 2020 2/3 dân số thế giới sẽ thiếu nước sạch", "cạn kiệt tài nguyên dầu mỏ", abcxyz đủ kiểu. Chắc một phần do mình dễ bị truyền thôn "nhồi sọ", nhưng không sao, nhồi cái này nó có ích cho trái đất, nhồi bao nhiêu cũng được. Vậy nếu mình muốn con mình sau này (nếu có) cũng có ý thức tiết kiệm, thì mình sẽ chú ý nhắc nhở nó từ bé như mẹ mình từng làm với mình vậy, rồi cho nó xem những clip về các bạn nhỏ khác bên Châu Phi chết đói, phải uống nước không vệ sinh từ sông suối và nhắc nó dần dần. Mình tin rằng nếu nó không phải đứa quá vô ý thức và ngang ngược thì nó sẽ tiếp thu và có những thói quen tiết kiệm tốt.
Điểm tốt thứ hai của bản thân mà mình cố mãi mới nghĩ ra được đó là độc lập. Ở đây là độc lập bề mặt ý thức, không dựa dẫm ỉ lại thôi chứ không phải tài chính hay kiểu vứt ra đâu cũng sống được. Nếu cái bóng điện hỏng mình sẽ tự đi mua rồi bắc ghế thay chứ không đợi nhờ vả ai cả. Nếu thợ lắp điện nước hẹn hò mãi không chịu lên lắp bồn rửa bát thì mình cũng sẽ tự mầy mò lắp lấy. Ra trường cố lăn lộn đi tìm việc chứ chả hi vọng nhờ vả ai xin xỏ gì cho... Đấy là một vài ví dụ thực tế với mình thôi. Cái gì tự bản thân làm được thì sẽ không ỉ lại vào người khác (thật ra thỉnh thoảng lười vẫn thế) nhưng phần lớn mình có tư tưởng không muốn nhờ vả, tự túc là hạnh phúc. Và dĩ nhiên mình có được điều này cũng là nhờ mẹ mình. Từ lúc mình bắt đầu có ký ức thì mình nhớ được là mẹ chả bón cơm cho mình bao giờ cả. Hồi nhỏ mình lười ăn và còi cực kì (học đến lớp 5 rồi mới được có 21kg thì đủ biết là còi đến mức nào rồi đấy), nhưng không vì thế mà có cảnh đến bữa ăn hai mẹ con dong nhau đi khắp xóm khắp làng hò hét nhau để đút từng thìa cơm như hiện giờ mình vẫn gặp ngày ngày. Và mình cũng chả nhớ là mẹ bắt đầu không tắm cho mình từ lúc nào nữa. Mình tự túc trong việc tắm gội chắc còn trước cả khi mình học lớp 1. Mặc dù hồi bé mình cực lười tắm và gội đầu luôn (bây giờ không thế nữa đâu nhá) nhưng mẹ chỉ đun nước và hò hét mình thôi, còn kệ xác mày tự tắm... Đấy là một vài ví dụ cách mẹ mình đã làm thôi, không hẳn là đúng 100% nhưng mà mình nghĩ nhờ những điều đó mà mình có được cái tư tưởng độc lập như ngày nay. Dĩ nhiên là còn tùy từng đứa trẻ thế nào nữa, như việc hồi bé mình là một đứa thể chất khỏe mạnh (trộm vía), dù còi nhưng ít ốm (trộm vía lần nữa), lười ăn nhưng vẫn chăm nghịch nên mẹ mới có thể "kệ cha mày ăn thì ăn không ăn thì tao cho chó" (jk) như thế. Nhưng nếu mình có con sau này mình cũng sẽ không cung phụ đáp ứng nó như ông hoàng bà hoàng đâu để mà sau này bốn chục tuổi rồi vẫn phải mẹ mua quần chíp cho.
Đọc thêm:
Tự sướng thế đủ rồi, h đá qua một ví dụ về tật xấu và nguyên nhân nha (chỉ một để làm ví dụ thôi, dại gì vạch áo cho người xem lưng). Có lẽ mình phải thừa nhận rằng hồi cấp một, cấp hai, cấp ba, nói chung là cái hồi còn trẻ trâu ý, mình là một đứa khá là hay ghen tị, tị nạnh với người khác (h còn thế hay không thì không nói). Nhỏ kia nhà giàu hơn, có đôi tất đẹp hơn, có xe đẹp, tết được mừng tuổi gấp ba gấn bốn mình... Nói chung là nhiều lắm. Cái tật này một phần ở tính cách, một phần thì do thói quen cố hữu của các bậc phụ huynh rồi. "Con nhà người ta abcxyz...". Mẹ mình cũng không ngoại lệ. Hồi bé mình hay bị so sánh với rất nhiều người, với chị họ, với chị hàng xóm, với cháu, với em... với đủ các thể loại. Mình tin là cái việc so sánh này cũng phần nào (phần lớn) làm mình tự ti và luôn cảm thấy thua kém. Vậy thì làm sao để con mình sau này (lại nếu có) không có cái tật xấu này ư? Dĩ nhiên trước tiên mình sẽ không so sánh nó với ai cả, hoặc nếu có sẽ chỉ để nó tốt lên theo kiểu "con thấy bạn kia không, bạn ý ăn nhiều rau và hay đi bơi nên mới cao lớn thế kia đó, con phải chăm ăn rau và đi bơi vào chứ nếu không sẽ lùn như mẹ đây này"... kiểu thế.
Trên là một vài kinh nghiệm mình tự rút ra được, dĩ nhiên là chưa đủ và cũng chửa chắc đã đúng (nhưng mà không lo thiếu vì đã có nhan nhản các kiểu sách nuôi dạy trẻ trên thị trường hiện nay). Cái mình muốn nói ở đây là, việc nuôi dạy một đứa trẻ cần các bậc cha mẹ tự nhìn nhận lại bản thân và cái cách mình được giáo dục (từ đâu mà mình có được ngày hôm nay, hoặc tệ hơn thì từ đâu mà mình ra nông nỗi này) cũng nhiều như việc tham khảo các nguồn từ những người xa lạ, sống ở những nước khác xa về văn hoá. Nuôi dạy người khác cũng là cơ hội để “nuôi dạy” lại bản thân. Đừng kì vọng con mình chăm thể dục thể thao nếu như chính bản thân mình cứ cắm đầu vào điện thoạt, máy tính suốt ngày (mà lý do là vì ngày xưa được nuôi theo kiểu cứ mỗi lần ăn cơm là bố mẹ lại lôi youtube ra dụ). Đừng kì vọng con mình là một người lịch sự văn minh vì đã tốn hàng chục triệu cho con đi học ở trg quốc tế khi chính mình còn vứt rác ra đường (vì trước kia cũng thấy bố mẹ mình làm thế mà, có sau đâu)... Hãy dạy con những gì bản thân cảm thấy hạnh phúc khi được dạy, và tránh làm những thứ mà đến chính mình đã từng phát bực lên khi bố mẹ cứ làm thế với mình hồi nhỏ. Còn nếu cảm thấy bản thân chưa đủ tốt để dạy một đứa trẻ thì đừng sinh vội mà hãy làm cho mình tốt lên trước đã.
Bài đến đây đã gần hết. Một đứa mang tiếng là ghét trẻ con từ khi còn là trẻ con và chưa có đứa con nào như mình mà viết bài về nuôi dạy trẻ thì có đáng tin không nhỉ? Thôi kệ ai tin hay không thì tùy. Viết ra vì mình muốn xã hội sau này tốt đẹp hơn, nhiều con người tốt đẹp hơn, có ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội hơn chứ không phải là do đã muốn có con. Mình còn cần khắc phục nhiều thứ trước khi đủ tự tin để nuôi một đứa trẻ. Giờ nuôi mấy con thỏ thôi đã thấy mệt lắm rồi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất