Lần đầu đi đàm phán (Phần 1)
Một trải nghiệm đáng giá cho đến bây giờ nhắc lại vẫn thấy đầy ngây ngô nhưng không kém phần thú vị. Cái hồi đang đảm nhiệm vị...
Một trải nghiệm đáng giá cho đến bây giờ nhắc lại vẫn thấy đầy ngây ngô nhưng không kém phần thú vị.Cái hồi đang đảm nhiệm vị trí tổ chức các sự kiện cho HPEdu, tôi được sếp giao nhiệm vụ đàm phán với quản lý của một cửa hàng Cafe để tổ chức các sự kiện thường kỳ tại đây. Mục tiêu hướng đến là một mức giá ưu đãi đi kèm những yêu cầu cụ thể về địa điểm và thời gian. OK, có vẻ là cơ hội để tôi chứng minh bản thân đây, tôi nhận đầu việc và bắt đầu triển khai các công đoạn để bước vào bàn đàm phán. Mà quy trình đàm phán là gì? Tôi chẳng biết, nhưng tôi vẫn bắt tay vào làm đầy hứng hở.
Nói là đàm phán cho nó oai thôi, chứ thực chất lúc đó tôi nghĩ là thuyết phục người quản lý đó cho phép công ty mình được quyền tổ chức các sự kiện thường kỳ tại đây đi kèm những ưu đãi về giá và cơ sở vật chất. Đơn giản có thế.
Ngay tối hôm đó, tôi lục lại những tài liệu mình đã làm trước đây, những bản hợp đồng đối tác chiến lược, ghi nhớ hợp tác mà tôi từng soạn thảo vẫn còn đó. Chỉnh sửa nội dung những phần như các bên liên quan, những lợi ích mà doanh nghiệp mình và họ sẽ đạt được đi kèm những yêu cầu của mình và họ. Tôi tự soạn nội dung mà tôi nghĩ là phù hợp cho cả 2 bên mà chưa đánh tiếng cho bên họ một lời nào về bản hợp đồng ghi nhớ hợp tác này.
Trong tối hôm đó, tôi đã nhanh chóng hoàn thành nội dung bản ghi nhớ hợp tác của doanh nghiệp mình và cửa hàng cafe đó, mọi chuyện có vẻ suôn sẻ cho đến khi tôi nhắn tin cho anh quản lý bên họ về sự tồn tại của bản hợp đồng. Anh hỏi lại, dồn dập để làm rõ về văn bản mà tôi đang giữ. Nói chuyện qua lại, rồi chẳng nghĩ ngợi gì, tôi gửi cho anh bản hợp đồng tự soạn đó để anh hiểu về điều tôi đang nói (Đây là cái sai lầm lớn nhất và thấm nhất của tôi)
Sau một hồi, anh nhắn lại tôi, dồn dập hơn, vẻ khó chịu và tức giận tỏ rõ qua từng con chữ. Tôi nhắn lại liên hồi để giải thích với anh về mục đích của mình, nhưng có vẻ mọi chuyện đã quá muộn, anh không những từ chối thẳng thừng với bản hợp đồng của tôi mà còn nói sẽ không cho bản hợp đồng này được thông qua. Tôi bối rối và không biết làm gì, chỉ biết hẹn gặp anh vào sáng hôm sau để được giải thích thay vì là bàn bạc hợp đồng như tôi đã tưởng tượng trong 2 tiếng trước đó.
Đến đây, tôi mới biết rõ bước đi của mình hoàn toàn sai lầm, sai lầm thứ nhất chính là trong đàm phán không nên để bên đối diện của mình biết được hết mục đích cuối cùng của mình là gì. Giống như chơi cờ, vạch ra cho đối thủ biết rõ đường đi nước bước của mình thì khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Điều cần làm chính là hướng đến yếu Win - Win giữa 2 bên bằng cách tiếp cận chân thành và cởi mở.
Sai lầm thứ 2 của tôi là không bàn bạc trực tiếp, tôi sử dụng mess để bàn công việc, đó là điều cấm kỵ trong đàm phán và công việc trừ khi không thể gặp mặt trực tiếp, đằng này tôi hoàn toàn có thể gặp anh bất cứ lúc nào. Trong công việc, nhất là những buổi có tính đàm phán, trao đổi thì luôn phải gặp mặt trực tiếp hoặc ít nhất phải qua Email.
Thứ 3, hợp đồng hợp tác sẽ là thứ cuối cùng của mỗi cuộc đàm phán sau khi đã bàn bạc và thống nhất giữa 2 bên, tôi đã đi sai một bước và phải hứng chịu hậu quả đích đáng.
Tôi hiểu được sự tức giận của anh, bản hợp đồng như một sự xúc phạm cho đối tác, tôi tự ý soạn ra nội dung theo quan điểm của mình mà không hề hỏi ý của họ. Như vậy chẳng khác nào một bản yêu sách yêu cầu họ phải nghe theo mình thì họ bảo sao mà không tức giận chứ. Tôi ngốc quá!
Ngày hôm sau tôi gặp trực tiếp anh, với một tâm trạng lo lắng và hồi hộp, có thể sửa chữa sai lầm hay không?
Đọc thêm:
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất