MẸ CỦA TÔI
Ai cũng nói, người mẹ là người vĩ đại nhất trên thế gian này. Đúng thật. Nhưng để mà xét theo góc nhìn rộng hơn thì có lẽ trong mắt...
Ai cũng nói, người mẹ là người vĩ đại nhất trên thế gian này. Đúng thật. Nhưng để mà xét theo góc nhìn rộng hơn thì có lẽ trong mắt mọi người ít nhiều gì cũng sẽ có một người nào đó "vĩ đại" hơn người mẹ (hoặc không, LOL). Nhưng với mình, mình chưa gặp một ai mạnh mẽ, mạnh mẽ đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như mẹ cả. Và sau đây là câu chuyện về cuộc đời của mẹ mình mà mình đã mất mười mấy năm trời để biết được (vì mẹ chẳng bao giờ chịu kể).
Đây là một câu chuyện dài, rất dài, kể sơ lược những chuyện mình biết về mẹ mình. Chắc đây sẽ là một món quà quá trễ dành cho mẹ, và dù mình sẽ không đủ dũng cảm đưa bài này cho mẹ đọc, nhưng mình vẫn muốn nói, "Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều nhiều nhiều!".
MỞ ĐẦU
Mẹ mình sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nông thôn miền Bắc Trung Bộ, gia đình có tám người, bố (ông ngoại) là một viên chức, ông là một người rất am hiểu trong nhiều lĩnh vực, ông ngoại mình giống như một bậc trưởng bối chuẩn mực, toàn diện từ học vấn cho đến nhân cách vậy đó. Mẹ (bà ngoại) là một người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, giỏi việc bếp núc, đồng áng. Mẹ mình là chị cả trong gia đình, trước kia thì mình nghĩ vậy, nhưng mấy năm trước mình mới biết rằng thật ra mẹ mình còn có một người anh trai, qua lời kể của mẹ, anh ấy học rất giỏi, khéo tay, đẹp trai và tốt bụng (giống như ba mình vậy hehe) nhưng anh của mẹ mình đã qua đời trong một lần nọ khi giặc thả bom và không thể sống sót. Là chị cả của gia đình, mẹ mình đã phải làm tất cả mọi việc để giúp đỡ bà, từ việc đồng áng, trông em, vườn tược, bếp núc, có lẽ vì thế mà mẹ mình là một người rất đảm đang. Mẹ mình luôn nhường nhịn các em, khi đói, cả bọn tranh nhau củ khoai, củ sắn, bà thì nhường cho mấy chị em, mẹ thì lại dành phần em, thế nên mẹ luôn là người thiệt thòi nhất trong nhà. Dù sau này ai cũng có công việc ổn định, ăn sung mặc sướng, nhưng nếu so với các dì, cậu thì mẹ vẫn là người "khổ" nhất.
Mẹ kể lúc ấy bà ngoại còn nuôi cả bộ đội nữa, việc trong nhà được đỡ mấy phần, nhưng cũng nặng hơn mấy phần. Có lần giặc thả bom vào đúng ngay nhà bếp, sập cả gian nhà đó, cũng may là không ai bị thương nặng. Nhà thì ban đầu sáu bảy gian, giặc cứ thả bom hết lần này đến lần khác, ông ngoại mình kí giấy đi lấy gỗ ở biên giới (?) về xây hết lần này qua lần khác, thế nên căn nhà rút lại còn có ba bốn gian. Thời đấy đi học thì luôn phải cảnh giác, có khi đang học mà phải chạy ngay xuống hầm trốn, đang trên đường đi học thì giặc "hứng lên" càn quét, gian nan vô kể, tính ra còn khổ hơn bây giờ. Ai mà biết được, một ngày đẹp trời mình lại nằm bất động trong đống đổ tàn...
HÀNH TRÌNH XA NHÀ VÀ TÌM ĐƯỢC "NỬA KIA"
Năm mười tám tuổi, mẹ mình rời xa gia đình đi học Đại học, một thân con gái một mình, đi tàu ra đến đèo Hải Vân thì trời mưa to làm đá sạt lở, đường tàu chạy bị chắn hết thế là cả đoàn được thả xuống Lăng Cô, phải đi bộ mấy cây số đến Đà Nẵng. Sau đó bắt xe đò đến Sài Gòn, nghỉ lại nhà người quen một hôm rồi xếp hàng gần cả ngày ở bến xe miền Đông (?) để mua vé xe về Cà Mau. Đến giờ mình vẫn hay hỏi mẹ, tại sao không học ở đâu cho gần, mà phải đi đến tận điểm cuối Tổ quốc mà học? Câu trả lời của mẹ, là gì thì mình quên mất rồi. Vào thời điểm đó là tầm cuối năm 1979 đầu 1980.
Mẹ mình học Cao đẳng Sư phạm ở Cà Mau thì gặp ba mình, có lẽ cũng là định mệnh, ba mình là con trai trưởng của một gia đình bảy người, ông nội mình là một thầy giáo mẫu mực, khó tính, bà nội mình lớn hơn ông nội mình hai tuổi, bà tính tình vô tư, yêu đời, mấy lần ông quát bà thế là bà tủi thân ra sân khóc huhu một mình nhưng lát sau thì cười tươi rói như mở hội ý. Nhà ba mình cách nhà mẹ có năm phút chạy xe, cả hai không biết nhau thế mà lại gặp nhau ở nơi xa xôi đất người. Ba mình lớn hơn mẹ mình năm tuổi, lẽ ra khó mà gặp nhau nhưng do ba mình đi bộ đội đâu năm 75 - 76 rồi mới quay về tiếp tục học cấp ba, thế là hai người học Sư phạm cùng một khóa với nhau. Mẹ mình học chung với em gái của ba, hội đồng hương thế là biết nhau. Chuyện tình giảng đường của ba và mẹ được mẹ khóa kín miệng không chịu khai thêm câu nào, mỗi lần hỏi là mẹ tủm tỉm cười rồi đỏ hết cả mặt lên. Những gì mình biết về tuổi "teen" của mẹ mình là khi cả bọn lần đầu nhìn thấy que kem lạnh buốt mà lại còn bốc khói, trông đến là lạ, hương vị thì lại như cao lương mĩ vị từ trên trời rơi xuống, nghĩ vừa thương vừa buồn cười.
Mẹ mình học Cao đẳng xong thì được cử ra Minh Hải (theo mình nhớ là Bạc Liêu sau này, cũng là nơi mình sinh ra và lớn lên) để giảng dạy ở đó, ba mình được cử đi nơi khác nhưng vì quá u mê mẹ mình nên đã xin chuyển để theo mẹ mình đến dạy cùng một nơi. Cả hai yêu nhau rồi kết hôn đâu đó năm 1985, ba mình viết thư gửi về cho hai bên gia đình xin phép, lá thư gửi từ miền tận cùng Tổ quốc, xa xôi cách trở như một "văn bản chứng giám" cho tình yêu đẹp đẽ của ba mẹ mình. Đám cưới được tổ chức qua loa, thời đấy thì làm gì có tiền bạc mà tổ chức linh đình, chỉ đăng ký kết hôn là đủ. Mẹ mình vừa dạy vừa mở ra một quán tạp hóa nho nhỏ để buôn bán, ngày nào mẹ mình dạy sáng thì ba sẽ ra trông hàng, đến trưa ba về tắm rửa ăn cơm chuẩn bị lên lớp thì mẹ ra thay, cứ thay phiên như vậy.
NHỮNG KHÓ KHĂN ẬP ĐẾN
Cuộc sống tuy có vất vả nhưng lại rất hạnh phúc. Đến năm 1986, mẹ mình hạ sinh đứa con gái đầu lòng chính là chị mình, cả ba mẹ mình đều tóc hơi xoăn, chiều cao khiêm tốn thế mà chị mình thì xinh đẹp, cao ráo, năm học đại học còn hẳn là hoa khôi của trường, các anh viết thư thì nhiều vô kể (tiếc là bóng hồng ngày ấy giờ đã là mẹ bỉm sữa hai con rồi). Chị mình là niềm tự hào tuyệt đối của gia đình, đến bây giờ thi thoảng mẹ mình vẫn nêu gương chị mình từ hồi bé tí ra để dạy con. Chị lễ phép, ngoan ngoãn, thông minh, lanh lợi, lại còn xinh đẹp, chẳng khác gì công chúa đâu. Hồi nhỏ chị mình còn học võ đến tận đai đen, đi thi đấu suốt, lại còn giỏi cờ vua. Mình thì dở cả hai.
Khó khăn không chừa lại bất cứ một ai, khi ấy ba mình bị mắc bệnh hen và thêm một tá các bệnh khác nữa, tiền chữa bệnh chất đống, mẹ mình phải tự lực cánh sinh, buôn bán, kiếm tiền để mua thuốc thang, có những lần ba mình đổ bệnh, mẹ mình phải cõng ba đi mấy cây số lên bệnh viện, có những lần cứ ngỡ ba mình không có cơ hội sống sót nữa rồi, nghĩ mới thấy mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ ra sao. Mẹ mình trở thành một y tá riêng cho ba mình, ba thì trở thành bác sĩ "giường bệnh". Ba mình thông hiểu hết tất tần tật các loại thuốc, tác dụng, không khác gì bác sĩ. Các loại thuốc chữa hen, có lẽ ba mình là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm những thuốc đó, cho đến giờ ba mình vẫn phải mang theo 2 ống xịt bên mình như một vật bất ly thân, có lần ba để quên ở nhà, lên cơn suýt đi đời, thế là mẹ mình mắng cho một trận. Mỗi lần tiêm thuốc, ba mình sẽ tự dò mạch máu rồi hướng dẫn mẹ mình tiêm, có lần tiêm sai, ba mình tự dưng mặt mũi trắng bệch dọa mẹ mình một phen thất hồn. Ba mình kể lúc ba còn nằm viện, thực tập sinh tìm đến nhiều kinh khủng, ba mình mệt lả đi không phải vì bệnh mà vì phải "tiếp" thực tập từ sáng đến tận tối.
Ba mình khi ấy có mở một quán sửa xe tại nhà và nhận làm bảng hiệu, vẽ vời vì ba rất có hoa tay, nên lúc mình lớn lên, gắn liền với tuổi thơ mình là một cái kệ đựng đồ hiệu OMO được ba mình chất một đống cờ lê, tua vít vào trong đó, đến tận lúc chuyển nhà ba mình vẫn không nỡ vất đi. Dù ba mình mẫu mực, giỏi giang đến thế nhưng mình thì chẳng thừa hưởng được gì mấy, ba thì giỏi cầm kì thi họa, còn mình thì giỏi cầm đũa múa bút. Hồi đấy, nhà mình vẫn còn ở trong một khu tập thể giáo viên. Năm đó có người nhóm củi, lửa bén vào vách lá thế là cháy to cả một dãy, trong lúc hoảng loạn mẹ mình bê thùng quần áo cũ chạy ra ngoài, còn thùng tiền bạc, vàng vòng gì thì vứt lại ở bên trong, cũng may lửa vừa lan đến gần nhà mình thì được dập tắt, nếu không chắc mẹ mình đã khóc ngất vì tiếc. Lại còn có năm, bão tới, nhà cửa tốc mái, hư hỏng hết, nhà mình lần đó chết đi sống lại, cũng may là không sao.
Năm nào đó mình không nhớ, một người chú (là con trai của cậu của mẹ mình) được ông cậu gửi gắm cho nhà mình, ba mẹ mình đã nuôi nấng, dạy dỗ chú thành người dù cho điều kiện gia đình không hề khá giả tí nào, lần đấy nếu ba mình không giúp đỡ có lẽ bây giờ cuộc đời của chú đã toàn tội đồ rồi, bây giờ chú mình đã có sự nghiệp khá thành công, chú còn là bạn thân rất thân với chị mình, hai chú cháu trước kia thư từ qua lại suốt ngày. Cô mình (em gái của ba) lúc ấy trượt Đại học, không tìm được việc làm, chỉ biết bán quán nước, ngày qua ngày, thấy thương em, thế là ba mình bỏ hết công việc, bắt xe lên Đắk Lắk để đón cô về chỗ mình, cho cô đi học sư phạm. Lên đến nơi cô mình đổi ý, không chịu đi, ba mình phải quay về, lần đó ba rất giận, nhưng sau đó thì cô quyết tâm nên cuối cùng cũng xuống. Ở đó cô mình học sư phạm, dạy Tiểu học và mượn của nhà mình một chiếc máy may để may vá quần áo kiếm sống rồi kết hôn, sinh con ở chính nơi đấy. Sau này cô mình không dạy học nữa mà chuyển lên TP. HCM làm kinh doanh. Có lần mẹ mình chu cấp cho một thầy giáo bị tai nạn giao thông liệt cả hai chân, cho đến bây giờ thầy ấy vẫn rất biết ơn mẹ mình và thường nhắn tin hỏi thăm. Ba mẹ mình đã "cứu sống" nhiều người như vậy đó.
Mẹ có mệt không? Mẹ có nắng không? Mẹ có mua gì cho con không?
Mình nhớ mẹ có kể hồi xưa lúc mẹ phải đi bán hàng, đi dạy, mẹ thường khóa cửa nhốt chị mình ở bên trong, chị mình trong nhà nhìn qua cửa sổ, thấy chúng bạn bên ngoài chỉ biết tủi thân khóc hết nước mắt. Khi mẹ về nhà, chị mình ríu rít ra cửa đón, cầm hộ mẹ chiếc nón lá rách tơi trên tay, chị luôn miệng hỏi: "Mẹ có mệt không? Mẹ có nắng không? Mẹ có mua gì cho con không?". Bây giờ nhắc lại câu nói đó của chị mình làm mình cay cay mắt, vì thời đó gia đình còn khó khăn, thiếu thốn, chị mình không được ăn uống nhiều thứ cao lương mĩ vị như bây giờ, nên sau khi đã hỏi thăm mẹ, chị mình thường hỏi mẹ có mua gì không. Chắc vì thế mà mẹ thương chị mình nhất, những lúc chị về nhà mẹ mình thường chuẩn bị thịnh soạn đồ ăn, và lúc đi cũng vậy, vì mẹ biết tuổi thơ chị mình đã cơ cực và thiếu thốn. Cũng giống như bà mình, mỗi lần mẹ về bà đều dốc tất những gì mình có để đưa cho con vì sợ con mình sống không đầy đủ.
NIỀM HI VỌNG CUỐI CÙNG
Năm 2004, mẹ mình khó khăn lắm mới sinh được đứa con cuối cùng. Khi ấy mẹ mình đã ngoài 40, sau bao nỗ lực thuốc thang, đi hết nơi này đến nơi khác mẹ mình cũng có được một đứa con. Đó là con bé 2004 mới thi chuyển cấp xong và lên đây tỉ tê, ỉ ôi vì cứ ngỡ mình trượt mất cả ba nguyện vọng còn bây giờ thì suốt ngày than thân trách phận vì điểm kiểm tra tuột dốc không phanh... Sau khi sinh xong, mẹ mình phải dẹp luôn chuyện buôn bán đang thuận lợi vì không có thời gian chăm sóc các con. Mình nhớ vào ngày thôi nôi, con bé 2004 đó cầm một cây bút và chỉ vào con heo quay, chả biết sau này nó sẽ thế nào :)). Trường hợp như nó thường chẳng dễ gặp, khi đi học mẫu giáo mọi người thường nghĩ mẹ mình là bà của con bé, khi bảo là mẹ con thì ai cũng phải kinh ngạc.
Mấy năm sau, mẹ mình được chẩn đoán u xơ tử cung. Lần đó cả nhà ai cũng một phen hoảng sợ, chị mình bỏ hết công việc vội về lo cho mẹ, ba mình lẽ ra phải ở bên cạnh mẹ nhưng vì phải ở nhà trông coi nhà cửa, con cái nên đành ngồi nhà chờ tin. Mẹ lên đường phẫu thuật ở Cần Thơ, phẫu thuật thành công, mọi việc đều thuận lợi, chỉ là sau đợt đấy sức khỏe mẹ giảm sút hẳn. Riêng "con bé 2004" lần ấy không biết gì hết vì còn quá nhỏ. Chị mình đã từng bảo, đứa thiệt thòi nhất trong nhà không phải là chị hay là mình mà là em mình. Nó sinh ra quá muộn, khi mà bạn bè trang lứa có thể sống bên cạnh bố mẹ chúng 50 năm 60 năm thì em mình sẽ chỉ có thể sống cùng bố mẹ trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn. Khi chúng bạn có những người bố, người mẹ hiểu rõ tâm lý con cái vì khoảng cách tuổi tác không lớn, thì em mình vào tuổi dậy thì sẽ rất khó khăn và ít nhiều gì cũng sẽ gây nên những xích mích với ba mẹ. Thế nhưng mình chắc chắn nó là đứa sướng nhất so với những đứa còn lại, vì ba mẹ nó có một quá khứ quá hãnh diện, để nó có thể hất mặt đi khoe khoang, ba mẹ nó chắc chắn sẽ hiểu đời hơn tất thảy và tình thương mà nó nhận được sẽ là vô kể.
Mấy năm sau, mẹ mình được chẩn đoán u xơ tử cung. Lần đó cả nhà ai cũng một phen hoảng sợ, chị mình bỏ hết công việc vội về lo cho mẹ, ba mình lẽ ra phải ở bên cạnh mẹ nhưng vì phải ở nhà trông coi nhà cửa, con cái nên đành ngồi nhà chờ tin. Mẹ lên đường phẫu thuật ở Cần Thơ, phẫu thuật thành công, mọi việc đều thuận lợi, chỉ là sau đợt đấy sức khỏe mẹ giảm sút hẳn. Riêng "con bé 2004" lần ấy không biết gì hết vì còn quá nhỏ. Chị mình đã từng bảo, đứa thiệt thòi nhất trong nhà không phải là chị hay là mình mà là em mình. Nó sinh ra quá muộn, khi mà bạn bè trang lứa có thể sống bên cạnh bố mẹ chúng 50 năm 60 năm thì em mình sẽ chỉ có thể sống cùng bố mẹ trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn. Khi chúng bạn có những người bố, người mẹ hiểu rõ tâm lý con cái vì khoảng cách tuổi tác không lớn, thì em mình vào tuổi dậy thì sẽ rất khó khăn và ít nhiều gì cũng sẽ gây nên những xích mích với ba mẹ. Thế nhưng mình chắc chắn nó là đứa sướng nhất so với những đứa còn lại, vì ba mẹ nó có một quá khứ quá hãnh diện, để nó có thể hất mặt đi khoe khoang, ba mẹ nó chắc chắn sẽ hiểu đời hơn tất thảy và tình thương mà nó nhận được sẽ là vô kể.
Mình chẳng biết việc bố mẹ mình khổ cực hơn người khác có phải là một điều đáng tự hào hay không? Nhưng việc cũng đã đành, thời gian khó khăn đã trôi qua, và giờ gia đình mình đã vô cùng hạnh phúc, mình nghĩ tất cả khó khăn đã chuyển hóa thành trái ngọt, có lẽ đó là điều làm mình vô cùng hãnh diện.
MẸ CHƯA BAO GIỜ KHÓC!
Suốt những năm sống trên đời, mình chưa bao giờ thấy mẹ khóc, hoàn toàn không có một lần nào, dù mẹ mình có bị đau, đau đến mức như "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa" hay là ba mình đau, con cái đau, bất cứ ai đau thì mẹ mình cũng không rơi một giọt nước mắt, nhưng tất nhiên mẹ mình vẫn sẽ lo lắng sốt vó lên. Bởi thế nếu mình đang ngủ mà nghe tiếng mẹ khóc, thì mình sẽ bật dậy ngay tức khắc vì hẳn đã có chuyện gì tồi tệ, tồi tệ lắm thì mẹ mới mếu máo như thế (cũng vì thế mà một lần mình bị mẹ lừa cho một vố). Mẹ thường giữ chuyện buồn trong lòng rồi cả ngày cứ ngồi thẩn thơ. Đó là lý do dù có gặp chuyện khó khăn, buồn bã mình cũng ít khi chia sẻ cùng mẹ, vì mình sợ thay vì mẹ giúp mình hết buồn thì hai mẹ con sẽ lại cùng nhau buồn. Ba mình thì lại khác, ba mình chẳng bao giờ nói gì cả, ba mình cũng không bộc lộ cảm xúc lo lắng, buồn bã ra ngoài. Cũng vì thế mà lần con bé thi chuyển cấp, ba mình chẳng bộc lộ gì ra ngoài chứ bên trong thì loạn xạ hết cả lên, đợt đấy ba được chẩn đoán rối loạn nhịp tim, đến lúc có kết quả đậu NV1 thì ba mới an tâm mà ngủ được. Ba mình cũng không bao giờ khóc, lần đấy em trai của ba mất, mình chỉ thấy ba rưng rưng nhưng chưa từng thấy ba yếu lòng mà đổ lệ lần nào. Mẹ khóc đã là một chuyện, ba khóc thì chắc mình sẽ sợ chết mất. Trong kí ức của mình, ba là một hình tượng khá "bình thường", chẳng hiểu vì sao lại thế, nhưng với chị mình, ba là người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời chị.
Lần đầu tiên trong cuộc đời nhìn thấy mẹ khóc. Bữa cơm trưa như mọi ngày, mình vừa đặt lưng lên giường thì thấy điện thoại mẹ đổ chuông. Là cuộc gọi từ mợ mình, mình vội chuyển điện thoại cho mẹ. Không rõ đầu bên kia nói gì, mẹ mình chỉ giật mình hét toáng lên: "HẢ?" rồi hai mắt mẹ đỏ ngầu. Mẹ nói, giọng rưng rưng: "Ông ngoại bị đột quỵ rồi, mẹ phải thu xếp về quê ngay, con ở nhà tự lo được không?". Mình gật đầu, nhưng vẫn chưa thể tin vào tai mình. Cả nhà náo loạn, mẹ mình tay run rẩy, hoảng loạn xếp quần áo vào vali còn ba mình thì gọi cho người quen, ba mình giọng cũng run run, em mình thì đứng chết trân một góc. Lát sau một cuộc gọi nữa đến:
Ông ngoại mất rồi!
Mẹ mình vừa nhuộm lại tóc, vừa khóc mếu máo như một đứa con nít. Đó là hình ảnh mình sẽ không thể quên.
Có lẽ một trong những sự hối tiếc lớn nhất cuộc đời mẹ đó là đã không thể ở bên cạnh ông mình những ngày tháng cuối đời, cũng vì khoảng cách địa lý xa xôi, cũng vì sự ra đi của ông quá đột ngột. Hơn 30 năm xa nhà, hơn 30 cái Tết xa quê hương, mình hiểu rõ sự hối tiếc trong gương mặt khắc khổ của mẹ. Kể từ dạo ấy, mẹ luôn dành nhiều thời gian để về thăm bà, tìm mọi cách để bà không phải cô đơn trong căn nhà trống vắng đã thiếu đi hình bóng của ông. Mình nhớ Tết trước khi mình bảo mẹ rằng cả nhà hãy về quê Tết này đi, mẹ đã rất vui mừng. Mình chợt nghĩ, nếu sau này ba mẹ phải cô đơn trong căn nhà mỗi Tết đến thì sẽ thế nào, và mình chợt mềm lòng, nghĩ mình sẽ cả đời sống "bám" ba mẹ, có lẽ cũng không tệ...
MẸ CŨNG NHƯ NHỮNG NGƯỜI MẸ KHÁC
Có thể nhiều lúc mẹ rất hay cáu gắt, nhiều lúc mẹ lại hiền quá thể, có thể mẹ mạnh mẽ và có một "background" đồ sộ hơn sự nghiệp của các bà mẹ khác, nhưng mẹ mình cũng như những người mẹ khác mà thôi.
Thi thoảng mẹ vẫn hay ghen khi ba mình quá rảnh nên đi cà phê cà pháo với bạn cũ hay nổi hứng đi họp lớp. Mẹ thi thoảng vẫn thắc mắc sao ba không đưa tiền lương cho mẹ, thi thoảng vẫn lén dò xét xem ba mình có lén lút làm gì hay không. Trước kia mẹ mình quá bận để làm những việc như thế, nhưng sau này khi đã về hưu mẹ mình dành thời gian để theo dõi ba mình, theo dõi con cái, cũng khá là bình thường đối với một người phụ nữ muốn giữ chồng con nhỉ. Mẹ biết dành thời gian chăm chút bản thân hơn, mua sắm linh tinh trên mạng mà không để cho ba biết.
Mẹ mình không khóc, nhưng cũng biết tủi thân, biết buồn những lần bị con cái lờ đi. Hẳn rồi, phận làm con ai cũng có lần làm ba mẹ mình buồn đến chết đi được, nhưng mẹ thường không nói cho ai nghe, chỉ hay thủ thỉ với ba mỗi tối trước khi đi ngủ.
Mẹ thường kể chuyện cho tụi mình trước khi đi ngủ, mẹ mình tuy có bận rộn đến đâu thì mẹ vẫn siêng năng trong việc dạy dỗ con cái. Mẹ thường hay kể những câu chuyện quen thuộc trước khi đi ngủ, hay là khi ăn cơm. Mẹ kể đi kể lại một câu chuyện mà mẹ ngỡ là chưa kể bao giờ. Đó là lúc mình nhận ra mẹ đang dần già đi. Là khi mẹ mình quên trước quên sau, khi mẹ đứng lên ngồi dậy cũng khó khăn, hay khi mẹ cứ luôn phải uống hàng đống loại thuốc thang, lại phải nhuộm tóc liên tục, những mảng trắng xóa trên đầu mẹ ngày một nhiều hơn. À... mẹ mình cũng như những người mẹ khác, rồi... cũng già mà thôi... Cuộc sống này, vô thường.
Mẹ mình không khóc, nhưng cũng biết tủi thân, biết buồn những lần bị con cái lờ đi. Hẳn rồi, phận làm con ai cũng có lần làm ba mẹ mình buồn đến chết đi được, nhưng mẹ thường không nói cho ai nghe, chỉ hay thủ thỉ với ba mỗi tối trước khi đi ngủ.
Mẹ thường kể chuyện cho tụi mình trước khi đi ngủ, mẹ mình tuy có bận rộn đến đâu thì mẹ vẫn siêng năng trong việc dạy dỗ con cái. Mẹ thường hay kể những câu chuyện quen thuộc trước khi đi ngủ, hay là khi ăn cơm. Mẹ kể đi kể lại một câu chuyện mà mẹ ngỡ là chưa kể bao giờ. Đó là lúc mình nhận ra mẹ đang dần già đi. Là khi mẹ mình quên trước quên sau, khi mẹ đứng lên ngồi dậy cũng khó khăn, hay khi mẹ cứ luôn phải uống hàng đống loại thuốc thang, lại phải nhuộm tóc liên tục, những mảng trắng xóa trên đầu mẹ ngày một nhiều hơn. À... mẹ mình cũng như những người mẹ khác, rồi... cũng già mà thôi... Cuộc sống này, vô thường.
KẾT
Cả cuộc đời mẹ mình chỉ toàn là vất vả, tần tảo sớm hôm. Chuyện bất trắc mà mẹ mình gặp trong đời mình có kể mãi cũng chẳng hết được, nhưng chắc chắn mẹ mình rất hạnh phúc với cuộc đời này, hạnh phúc khi gặp được ba mình, sinh ra chúng mình. Xem bao nhiêu bộ phim, đọc bao nhiêu câu chuyện về một mối tình đầy lãng mạn ngày xưa, chợt nhận ra câu chuyện của ba mẹ mình cũng quá đỗi đẹp đẽ với một cái kết viên mãn. Người phụ nữ mạnh nhất thế giới, gì cơ? Tìm đâu ra người nào đánh bại được vị trí của một người mẹ, sẵn sàng hi sinh tất cả vì gia đình? Cái từ "mẹ" nó quá đỗi cao cả, thiêng liêng, đến mức không một lời văn nào có thể lột tả hết được.
Lẽ ra phải lên bài này vào ngày của mẹ, nhưng mình lại quên mất do quá bận. Viết xong chỉ muốn chạy ngay về nhà ôm mẹ một cái thôi...! Định chèn thêm hình nhưng chả biết mẹ giấu mất cái album hình đâu rồi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất