Mỗi người dù sở hữu loại tính cách nào thì cũng đều có giới hạn của riêng mình. Người khác chạm vào giới hạn đó thì thường sẽ lãnh hậu quả rất đau khổ. Tuy nhiên, người nóng nảy, hoặc người hay bộc lộ cảm xúc lại rất dễ nhận biết giới hạn của họ. Bởi về cơ bản thì chẳng phải họ đều thể hiện rất rõ sao? Họ sẽ chọn cách bộc lộ trực tiếp cho bạn thấy, qua lời nói, biểu cảm, hành động, để lần sau bạn đừng có phạm sai lầm. Nhưng còn người dễ tính, những người nổi tiếng thân thiện, dễ chịu, không thích gây sự, nổi nóng, người đem lại cho bạn cảm giác bạn sẽ được tha thứ dù có gây ra lỗi lầm gì, thì giới hạn của họ là ở đâu?

Thế nào là người dễ tính?

Thật ra thì ai cũng có độ dễ chịu nhất định trong tính cách của mình, nhưng mà độ dễ chịu ở một số người lại rất cao, khiến họ được nhìn nhận là những người dễ tính. Để biết độ dễ chịu, hòa thuận của bạn ở mức độ nào, hãy thử làm bài test này nhé:
Và đây là kết quả bài test của mình :)))
Agreeableness chính là độ dễ chịu, hòa thuận mà chúng ta đang nhắc tới. Để hiểu rõ hơn thì chúng ta cùng tham khảo định nghĩa về Agreeableness theo tâm lí học nhé:
Agreeableness là một trong năm đặc điểm tính cách của lý thuyết tính cách Big Five. Một người nếu có mức độ Agreeable cao trong bài test thường là người có tính cách ấm áp, thân thiện và khéo léo. Họ thường có cái nhìn lạc quan về bản chất con người và hòa đồng với những người khác. Ngược lại, nếu mức độ Agreeable của một người thấp thì anh ta thường có xu hướng đặt lợi ích của bản thân lên trên người khác, xa cách, không thân thiện và khó hợp tác.  (1)
Và theo như bạn thấy thì mình là người có độ dễ chịu rất cao (highly agreeable) - 87. Trong suốt những năm đi học, ba năm đi làm thêm, mình chưa từng xảy ra một cuộc xô xát hay tranh cãi lớn nào với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên,...Thường thì mình sẽ không để cho những chuyện như vậy có cơ hội xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì mình sẽ chủ động làm hòa. Câu hỏi mình nhận được nhiều nhất từ mọi người là "Sao em/bạn/chị hiền quá vậy?", rồi còn tận tâm chỉ mình cách để phản kháng, thể hiện quan điểm, ý kiến, cách để người khác không ngồi lên đầu mình :))). 

Nhưng mà người dễ tính thì cũng có người dễ tính kiểu này người dễ tính kiểu nọ

Hay nói theo cư dân mạng thì người dễ tính cũng có dễ tính this dễ tính that. Mình thuộc kiểu người dễ tính có chọn lọc, tức là không phải lúc nào mình cũng hiền hòa dễ thương thân thiện đâu, đặc biệt là với những người, những chuyện quan trọng với mình thì mình không ngán bất cứ xung đột nào. Nhưng về cơ bản thì mình không bao giờ để cho xung đột nào lên tới đỉnh điểm, cùng lắm là không thèm nhìn mặt nhau nữa thôi. Rồi mình cũng chủ động làm hòa. 
Nhưng em trai mình mới là người dễ tính thực sự, dễ tính từ trong trứng nước, đại loại vậy. Hồi nó học lớp 1, có lần bị cô giáo đì, cô bê bàn học của nó từ dưới lớp lên tận bục giảng, mà bục giảng hẹp lắm chỉ vỏn vẹn có hai hàng gạch thôi, phải để bàn nằm ngang. Như vậy suốt 1 tháng trời em mình ngồi học song song với cái bảng, vắt vẻo trên cái bục giảng bé tí tẹo, mỗi lần nhìn bài là phải ngẹo cổ sang một bên. Vậy mà chưa từng thấy nó nói gì, hay khóc lóc, hay mách lẻo với ai. Đến lúc gia đình mình vô tình phát hiện được, đợt đó làm một trận tưng bừng trường luôn. Người chưa từng nổi giận với người dưng như mình lúc đó còn muốn ra tay trừng trị cái ác. Vậy mà, mặc kệ cho người lớn tranh cãi với nhau, thằng em của mình chỉ quan tâm hôm nay ăn gì, bài tập về nhà cho ít hay nhiều, lịch chiếu chương trình yêu thích của nó trên ti vi. Nó chỉ nghĩ đơn giản là nếu việc nó ngồi trên bục giảng như thế sẽ làm cô giáo vui, hết chửi, thì cũng có vấn đề gì đâu. Càng lớn mình mới hiểu ra, nó chính là kiểu người luôn né tránh xung đột điển hình. 
Ít ra mình còn có quan điểm, ý kiến riêng và khi tìm được thời điểm phù hợp thì sẽ giảnh phần thắng về mình, nhưng em trai mình chỉ cần có thể không xảy ra xung đột, muốn nó thế nào cũng được. Muốn nó nhận sai nó lập tức nhận, muốn nó xin lỗi dỗ dành nó lập tức làm, muốn chọc ghẹo muốn gây sự cũng chấp nhận, cùng lắm thì anh ấy nhăn nhó tí thôi. Nên ở trường người bắt nạt nó tuy nhiều nhưng không được lâu. Có nhiều trường hợp còn quay sang thích chơi với nó. Điều này nhiều lúc cũng làm gia đình mình lo lắng. Vì tính cách dễ dãi như vậy sau này rất dễ bị bắt nạt hoặc gặp phải những yêu cầu xấu hay phạm pháp cũng làm theo thì rất nguy hiểm. Nên mình bất đắc dĩ đóng vai đứa con hư, ngỗ nghịch trong gia đình, với mục đích là thử thách giới hạn của em trai, cũng như tạo tình huông giả để dạy nó cách ứng phó. 

Vậy trong nhiều năm đóng vai người chị ngỗ nghịch, mình đã khám phá ra giới hạn của em trai hay chưa?

Tất nhiên là chưa rồi, nhưng cũng thu hoạch được kha khá. Mình thường xuyên chọc ghẹo, giành đồ ăn hoặc giấu cặp sách, hộp bút của nó, trong một thời gian đầu anh ta đều kiên nhẫn đi tìm lại đồ mà không quan tâm kẻ nào đã làm chuyện đó. Nhưng vì tần suất xảy ra quá cao, nên dần dần cũng hình thành phản xạ với mình, mất đồ sẽ tìm đến mình đầu tiên, dùng lí lẽ chứng minh là mình lấy. Nhưng mình cũng lươn lẹo đủ thứ để chối, rồi nó cũng đành tìm đến sự trợ giúp của người lớn để họ cảnh cáo mình. Mình rất hài lòng với kết quả này, vì ít ra thì nó cũng biết xử lí tận gốc vấn đề.
Mình cũng thử thách giới hạn của nó bằng việc liên tục đưa ra những yêu cầu xấu để bắt nó làm, hoặc nảy ra những trò nghịch ngợm để phá mọi người, đặt biệt danh vui vẻ này nọ, mới đầu thì anh ta cười vui vẻ lắm, mình nhận ra là mình cũng thích chọc cho nó cười. Xong sau đó nhiều lúc mình làm lố với nhây quá thì nó cũng đành tìm người lớn để cảnh cáo mình. Câu mách lẻo gần đây nó hay sử dụng nhất là "Mẹ, mẹ coi cái chị này có xứng đáng làm chị không, có đáng đánh đòn không?".
Những người dễ tính như nó thường đem lại cho người khác cảm giác thoải mái, nhưng họ cũng thường bị cảm giác đó đánh lừa mà cư xử tệ với nó. Mình nhận ra rằng nó cũng rất dễ tổn thương khi những điều nó thực sự coi trọng bị mất đi, hoặc tệ hơn là sẽ không phản kháng trước mặt nhưng sau lưng sẽ bộc lộ cảm xúc thật. Nên mình luôn tự nhắc nhở bản thân và mọi người trong gia đình dù nó có dễ chịu như thế nào thì cũng không bao giờ được đi quá giới hạn. Giới hạn này không có tiêu chuẩn nhất định, đều tùy trường hợp mà ứng biến. Ví dụ như nếu ba mình la nó vì một việc gì, ba mình sẽ rất dễ bị sự im lặng ngồi nghe của nó đánh lừa, càng lúc càng la hăng hơn, và lầm tưởng là nó đã hiểu. Nhưng bản chất của nó là không thích phản kháng, nên nó mới im lặng, chứ bên trong có chịu nghe hoặc nhận sai hay không là chuyện khác. Dần dần nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng cách bất hợp tác ở sau lưng hoặc hình thành khoảng cách với người đó. Mà cha con với nhau mà không thể hòa thuận thì nhìn dưới góc độ nào cũng đều không có lợi. 
Tóm lại là, những người dễ tính thường rất dễ khiến chúng ta vô tình đi quá giới hạn, vì chúng ta đa phần nghĩ họ dễ dãi nên mới không coi trọng cảm xúc của họ, phớt lờ suy nghĩ của họ, đối xử với họ sao cũng được. Nhưng dù là kiểu người nào thì cũng chỉ là con người, luôn có những nhu cầu cơ bản, chỉ là họ không thể hiện mạnh mẽ như những người khác. Nên nếu mọi người có quen ai là người dễ tính, hoặc thành viên trong gia đình là người dễ tính, đừng để cảm giác thoải mái khi ở cạnh họ khiến chúng ta phớt lờ đi cảm xúc, suy nghĩ của họ, đến một lúc nào đó sự chịu đựng của họ đi đến giới hạn, bạn sẽ không bao giờ tìm lại được họ của lúc đầu đâu.