Những điều bất ngờ luôn đến vào phút cuối cùng
Con đường từ nhà cho đến quán Café đó sao thật nhanh, nhanh hơn mọi ngày. Tôi đã trải qua một đêm thao thức và lo lắng, tôi phải giải thích thế nào về bản hợp đồng đó, rồi tôi phải bàn bạc như thế nào cho hợp lý để người quản lý đó đồng ý với tôi về bản hợp đồng này? Những dòng suy nghĩ của tôi cứ rối vào nhau.
Sếp chưa hề biết về vấn đề mà tôi đang phải đối mặt, có lẽ tôi cũng không muốn sếp biết được bước đi sai lầm của mình, mong rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp trong buổi sáng ngày hôm nay.
Tôi gặp anh, anh mang vẻ mặt khó có thể đoán được cảm xúc, chúng tôi nhanh chóng chọn 1 bàn trống để trao đổi công việc.
Tôi mở lời trước, tất nhiên rồi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những lời giải thích sao cho mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Tôi nói đúng như kịch bản mình vẽ ra vào đêm trước, đầu tiên là lời xin lỗi với anh về bản hợp đồng chớp nhoáng ngày hôm qua. Tôi giải thích về lý do tồn tại của bản hợp đồng, rồi đến mong muốn được hợp tác của doanh nghiệp mình và cơ sở Café do anh quản lý, rồi đến những lợi ích mà tôi nghĩ là sẽ tốt cho họ khi hợp tác với doanh nghiệp mình. Tôi cứ thế nói như một cái máy, anh vẫn thế, vẫn không tỏ ra xoay chuyển chút nào, ánh mắt anh vẫn đang nhìn tôi dò xét.
Thế rồi sau một hồi nói và giãi bày, anh ngắt lời và nói: “Em gọi đây là hợp đồng sao? Em tưởng em muốn gì là được hay sao mà đưa ra những yêu cầu như vậy? Anh sẽ không thông qua hợp đồng này”.
Tôi ngỡ ngàng, một hồi giải thích đi cùng những lợi ích tuyệt vời mà mình vẽ ra như chẳng còn chút giá trị nào. Tôi khá bối rối trong hoàn cảnh đó, tôi và anh dù sao cũng đã biết nhau được 1-2 tháng, chỉ là tôi ít khi nói chuyện với anh. Tưởng như mọi chuyện sẽ tốt đẹp nhưng không phải vậy.
“Em có thầy rằng những lợi ích mà em nói đến đều đang chỉ có lợi cho bên em hay không? Và cả những yêu cầu vô lý bên anh phải tuân thủ nữa, không có bên em thì cửa hàng này vẫn sẽ phát triển tốt. Còn những lợi ích ở tương lai mà em nói đến thì thật tuyệt vời, nhưng chẳng ai biết doanh nghiệp này ngày mai còn hoạt động hay không nữa, thì nói chi đến lợi ích của những vài tháng sau hả em? Hãy thực tế và nói chuyện ở hiện tại” – Anh đáp lời tôi.
Tôi không biết trả lời sao, đúng là những lợi ích mà mình vẽ ra đều đang có lợi cho mình, đó đều chỉ là trên quan điểm chủ quan của tôi mà thôi. Tôi đã không để ý điều đó.
Sau một hồi, anh kết thúc buổi trao đổi, tôi chưa đạt được bất kỳ bước tiến nào trong buổi sáng ngày hôm nay. Dường như tôi đã thất bại tại nhiệm vụ này.
Deadline cận kề rồi, tôi phải làm sao đây? Nói với sếp hay sẽ tiếp túc thuyết phục anh đây? Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định giãi bày với người sếp của mình. Tôi giải thích về vấn đề đang gặp phải, về kết quả của cuộc trao đổi và lý do thất bại. Một hồi, sếp phản hồi một câu khiến tôi càng rối chí hơn:
“Thất bại rồi thì sao? Giải pháp là gì? Kế hoạch tiếp theo là gì? hãy hoàn thành công việc đúng deadline như đã thống nhất” Thats all – Đó là tất cả những lời mà sếp phản hồi lại tôi.
Tôi hiểu tính cách của sếp mình, rất hiếm khi sếp chỉ cách làm cho tôi, tôi phải tự làm, sếp luôn nói trong mọi việc luôn phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về những việc mình làm để trưởng thành từng ngày. Ở lần này, chắc chắn sếp sẽ không giúp tôi. Trong khi tôi biết chắc rằng chỉ cần 1 cú điện thoại thì hợp đồng sẽ hoàn thành ngay tức khắc vì sếp và anh ấy quen biết nhau từ hơn 1 năm nay.
Chiều hôm đó, tôi lặng thinh suy nghĩ. Nghĩ lại cả quá trình làm việc của mình, nghĩ lại về bản hợp đồng, nghĩ về những lợi ích của tôi và họ, nghĩ về cảm xúc của mình và anh sau cuộc gặp. Tôi tự vấn bản thân về những lời nói và hành động của mình và rồi thấu hiểu được những điều thật sự quý giá.
Tôi đã bước vào cuộc đàm phán này mà chỉ nghĩ đến việc hoàn thành nhiệm vụ là đạt được thỏa thuận, tôi quên mất rằng trong đàm phán thì cả hai bên đều phải được hưởng lợi từ hợp đồng, đều phải Win-Win. Mà tôi đâu có cho họ có cơ hội Win đâu?
Từ suy nghĩ như vậy, tôi đã đánh mất đi một điều rất rất quan trọng, đó là sự chân thành. Nếu không bắt đầu bằng sự chân thành thì người đối diện sẽ luôn trở nên dè chừng và tạo vỏ bọc trước bạn.
Tôi chưa biết lắng nghe anh, chưa biết đặt mình vào vị trí của anh để hiểu được suy nghĩ và tâm tư của một người quản lý cửa hàng có mong muốn như thế nào.
Những điều thật sự đơn giản, nhưng đến khi vấp vào rồi tôi mới thực sự nhận ra.
Vậy có thể sửa chữa sai lầm hay không?
Tôi quay trở lại vào buổi xế chiều khi cửa hàng đã vãn khách, mất một lúc ngại ngùng để mở lời với anh. Trong đầu tôi bây giờ trống không, không còn toan tính gì cả, giây phút đó tôi muốn chia sẻ với anh về những điều mà tôi vừa nghiệm ra.
Anh không nói gì, chỉ lắng nghe tôi chia sẻ về những điều mình học được, đó là những lời nói chân thành và cởi mở từ tôi, thật khác xa những lời nói có kịch bản và đầy toan tính của mình hồi sáng. Tôi không còn quan tâm là mình có thuyết phục được anh nữa hay không, nếu có thất bại thì đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm thật đáng giá cho cá nhân tôi.
Một hồi, tôi nói hết những điều mà mình đang ôm giữ, cảm thấy nhẹ lòng, rồi anh nói tôi đi về và quay lại vào ngày mai, ngày mai đến hoàn thành hợp đồng giữa 2 bên. Tôi ngỡ ngàng và không biết nói gì lúc đó, nhưng tôi nhớ rõ những góp ý của anh dành cho tôi:
  • Khi giao tiếp với người khác, hãy luôn nhìn vào mắt người đối diện, chú ý tác phong, điệu bộ của bản thân sao cho phù hợp.
  • Hãy nói ngắn gọn, có gì nói đấy, đừng dài dòng và cường điệu phi thực tế
  • Chuyện công việc hãy làm việc trực tiếp
  • Trước khi gửi bất cứ thứ gì cho người khác, hãy đọc kĩ và hiểu đó là gì
Và điều cuối cùng tôi nhận ra là mọi sự rồi cũng về thứ cốt lõi, giản đơn nhất, đôi khi những điều đơn giản lại mang sức mạnh lớn nhất.
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, một đầu việc khó nhằn và để lại nhiều dấu ấn cho cá nhân tôi cho đến bây giờ. Tại thời điểm đó, chưa hẳn tôi sẽ nhận ra nhưng qua thời gian, nhìn lại mới thấy rằng chính những trải nghiệm đời thường nhất lại mang đến nhiều bài học đáng giá nhất.
Câu chuyện trên là câu chuyện thực tế từ góc nhìn của tôi, có thể với những người trong cuộc điều đó chưa hoàn toàn chính xác do tôi đã lược bớt một vài yếu tố phụ. Nhưng đối với những người ngoài cuộc, tôi nghĩ đây là một câu chuyện để bạn nhìn nhận khách quan và tự thu nhận những trải nghiệm cho mình từ bài học của tôi.
Như người sếp của tôi vẫn thường nói, những điều xảy ra hoàn toàn có ý nghĩa của nó, không có gì đúng hay sai hoàn toàn, chỉ là có học được gì từ những giây phút đó hay không mà thôi. Tôi vui vì mình đã học được những điều thật đáng giá.