Chất lượng cuộc sống con người được cải thiện kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh. Quy luật tất yếu của kinh tế là có cầu thì ắt có cung. Vì thế, chúng ta đã và đang sống trong một xã hội sản xuất - tiêu dùng nhanh. Khi con người bắt đầu có của ăn của để, quyết định mua thường được đưa ra nhanh chóng hơn. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của khách hàng, các ngành hàng đã chọn ưu tiên sản xuất các dòng sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG: fast moving consumer goods). Thức ăn nhanh, thời trang nhanh, điện tử nhanh,... đang dần thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, hàng tiêu dùng nhanh đa số là hàng có thời lượng sử dụng ngắn hoặc dễ hỏng hóc. Và đối với người tiêu dùng hiện đại, không chỉ quyết định mua mà quyết định bỏ cũng được đưa ra nhanh chóng. Thay vì sửa chữa và tái sử dụng như thế hệ trước, người trẻ hiện nay ưa chuộng xu hướng loại bỏ các sản phẩm mà họ cho là “quá hạn”. 


Đọc thêm:

Trong một bộ phim điện ảnh của Việt Nam, có một nhân vật liên tục xuất hiện với chiếc xe Vespa cổ. Cứ dăm bữa nửa tháng, chiếc xe lại trục trặc khiến chủ nhân của nó phải khốn đốn dắt bộ khắp các nẻo đường Sài Gòn. Người sửa xe thân thiết đã có lần hỏi chủ nhân chiếc xe: “Con xe này cũ lắm rồi, suốt ngày hỏng, sao chị không bỏ đi mua xe mới?”. Người chủ đáp lời: “Trên đời này có cái gì không hỏng? Hỏng thì phải sửa. Quan trọng là nó có đáng sửa hay không thôi”. 
Ông bà ngoại tôi yêu nhau từ thời chiến tranh. Tình yêu ấy chẳng dễ dàng gì. Ông tôi là cán bộ nhà nước thuộc diện sang Liên bang Xô Viết du học 5 năm. Đến khi ông về, bà lại tiếp tục lên thủ đô theo học trường đại học Y Dược. Chục năm xa cách, nhưng ông bà luôn giữ liên lạc bằng những bức thư tay, những cuộc điện tín để nuôi dưỡng mối tình vượt qua khoảng cách địa lý. Chung sống cùng nhau 50 năm, tôi đã nhiều lần được chứng kiến ông không vừa ý với bà hay bà giận dỗi ông. Thế nhưng, sau tất cả những khó khăn ấy, họ vẫn nương tựa vào nhau lúc tuổi già xế bóng. Bà đã từng có lần vuốt tóc tôi thì thầm: “Bà phải sửa ông suốt nhưng ông cũng sửa bà nhiều”. Thế hệ chúng ta có lẽ khó có thể làm được điều ấy. Những ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble, Facebook Match cho phép người dùng dễ dàng hơn trong chuyện tìm kiếm bạn tình. Nỗi sợ cô đơn giữa những đô thị lớn cũng khiến người trẻ xa nhà dễ dàng lao vào cuộc yêu hơn trước kia. Quá trình tìm hiểu vì thế thường diễn ra rất nhanh chóng, lời tỏ tình được buông ra vội vã. Và cứ thế, người ta hối hả bước vào một mối tình mà không kịp cho nó thời gian chớm nở - những mối tình “chín ép”.


Đọc thêm:

Hệ quả của những cuộc tình “chóng nở” chính là “sớm tàn”. Chuyện yêu đương bây giờ chẳng khác ướm thử một chiếc áo mới mua là bao. Chỉ cần chiếc áo hơi chật hoặc hơi rộng, chủ nhân của nó sẽ ngay lập tức đào thải thay vì nghĩ đến việc mang ra hàng may đo sửa chữa. Lại càng hiếm có ai chịu giảm cân để mặc vừa một món quần áo. Những chuyện tình chóng vánh đến rồi đi khiến người trong cuộc đôi khi cũng chẳng thể nhớ mặt gọi tên. Câu chia tay được nói ra nhẹ bẫng với một lý do phổ thông, mang tính quốc dân - “không hợp”. Thị trường ái tình càng mở rộng, thời gian những kẻ-tự-cho-là-biết-yêu dành cho một mối tình càng trở nên ngắn ngủi. Chúng ta nỗ lực tìm kiếm người yêu, nhưng lại không biết cách yêu người mình đã tìm thấy. Ông Tơ - Bà Nguyệt vì lẽ đó nên cũng tỏ ra giận dữ, quyết tâm cắt đứt sợi dây tơ duyên không được trân quý. 
Có hai nỗi đau mà bất cứ ai cũng phải trải qua trong những năm tháng tuổi trẻ: thất tình và thất nghiệp. Tuy nhiên, dường như hai chữ “thất” này đều bắt nguồn từ một chữ “bỏ”. Thời đại này, người ta không chỉ dễ dàng từ bỏ một mối tình mà còn luôn sẵn sàng “nhảy” việc. Sau cuộc trò chuyện với một người anh sở hữu chuỗi thương hiệu cung ứng dịch vụ làm đẹp lớn nhất nhì Hà Nội, tôi nhớ nhất câu nói: “Có cơ hội làm việc với nhiều thế hệ nhân viên, anh thấy tỉ lệ các bạn gen Z “nhảy” việc cao gấp nhiều lần so với gen Y. Điều này khó có thể tránh khỏi bởi các bạn được định nghĩa là thế hệ được tiếp xúc nhiều với Internet - nơi cơ hội việc làm được bưng bày ngay trước mắt”. Mức độ gắn bó của người trẻ với một tập thể, tổ chức, doanh nghiệp đang ngày càng giảm. Ngay khi một trong những vấn đề: môi trường làm việc cạnh tranh cao, sếp khó tính, lương cơ bản thấp,... xuất hiện, nhiều lời cam kết gắn bó lâu dài sẽ lập tức bị phá bỏ. Việc lao động trẻ đồng loạt rời bỏ doanh nghiệp đã không còn là tin tức mới lạ đối với thị trường việc làm. Một bậc tiền bối trong nghề của tôi đã tâm sự rằng: “Ngày xưa, thời tao đi tìm việc, thông tin ít ỏi lắm. Những mẩu tin tuyển dụng trên mấy tờ báo in suốt ngày được bọn sinh viên mới ra trường săn lùng. Vì thế, bọn tao cũng có xu hướng gắn bó với một nơi hơn chúng mày bây giờ. Vấn đề “nhảy” việc để tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn bản chất không hề xấu. Nhưng tao nghĩ là cái gì quá cũng không tốt”.

Thời đại của mạng xã hội đã trao cho chúng ta những cơ hội hoàn toàn mới mẻ so với các thế hệ trước - cơ hội làm quen, kết bạn bốn phương. Mục tiêu sáng lập nền tảng Facebook của Mark Zuckerberg chính là kết nối con người. Thế nhưng, đôi khi những nhà sáng lập quên mất rằng Social Circle (vòng tròn mối quan hệ xã hội) của con người chỉ có giới hạn. Những kết nối mới được tạo ra đồng nghĩa với việc những kết nối “hết hạn” sẽ bị loại bỏ. Kỷ nguyên số khiến nhiều tình bạn nhanh chóng bị kết thúc chỉ từ những hiểu lầm qua tin nhắn. Guồng quay cuộc sống hối hả thúc đẩy con người tiến về phía trước thay vì dừng lại và nhìn về quá khứ, nhìn về những mối quan hệ đã bị bỏ lỡ mà không có bất cứ nỗ lực sửa chữa nào từ cả đôi bên. Và cứ như thế, những tình bạn đi đến hồi kết nhanh như cách người ta nhấn nút unfriend.
Đau đớn và tàn nhẫn hơn cả có lẽ chính là sự từ bỏ gắn liền với hai tiếng “gia đình”. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Cũng giống như bất cứ món hàng nào, chu kỳ sống của con người cũng có giới hạn nhất định. Càng về những ngày “cận date”, cuộc sống của một con người lại càng có nhiều vấn đề nảy sinh như chân chậm, mắt mờ, bệnh tật dai dẳng,... Khi cha mẹ không còn nhạy bén, không thể tự chăm sóc bản thân, con cái cũng đã chọn hành động “bỏ” bằng cách đưa cha mẹ tới viện dưỡng lão và phó thác mọi trách nhiệm cho người dưng. Xã hội ngày nay khiến tôi nhớ tới xã hội giả tưởng trong cuốn “The Giver” - nơi mọi cá nhân đều có những nhiệm vụ, và nhiệm vụ của các cặp vợ chồng chính là nuôi dạy con cái. Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái. Khi hoàn thành nghĩa vụ ấy, cha mẹ sẽ “hết tác dụng”. Vậy người ta thường làm gì với một món đồ hết tác dụng?