Mẹ tôi và những người đàn ông đi qua đời bà (tiếp)
Khi ở vị trí con, tôi hay hằn học mẹ không hiểu mình nhưng dần dần tôi cũng biết tự hỏi: Thế mình đã hiểu gì về mẹ? Khi hiểu mẹ rồi, tôi mới biết nguồn gốc của tất cả những điều tôi phải trải qua và từng bước cắt đi những điều không còn phù hợp.
Ba đi, mẹ tôi vẫn làm nghề đó thêm vài tháng nữa. Cho đến khi gia đình khánh kiệt, mẹ tôi mới chuyển sang bán hàng online. Và vì bán hàng online nên mẹ mới đi ship khoai, mới ngồi vào sới bạc rồi lại bị bắt trong vụ án mới. Chính trong vụ án đó, tôi mới biết, đời mẹ tôi không chỉ có ba và bố đi qua. Sau ba, mẹ tôi có qua lại với một chú tài xế Bắc - Nam. Chú có con riêng nhưng ly dị vợ, hay giúp mẹ tôi làm việc nhà, giúp mẹ tôi chuyển đồ ra quê. Chú trẻ hơn mẹ nhiều tuổi, rất được lòng thằng Cún. Dì kết nghĩa của mẹ bảo là chú lợi dụng tình cảm của mẹ nhưng tôi cũng chẳng biết nói gì. Tôi gặp chú ấy vài lần nhưng sau khi mẹ bị tạm giam vì đánh bạc, tôi mới gặp chú nhiều hơn. Hồi đó chú cũng kiên nhẫn chạy vạy lo cho mẹ lắm nhưng chẳng hiểu sao, lúc mẹ hết tạm giam ra ngoài, mẹ với chú lại cãi nhau to. Mẹ bảo lúc mẹ đi, chú nhắn tin với cô khác, còn đăng ảnh cô ấy lên Zalo, mẹ thất vọng nên đuổi chú ra khỏi nhà. Mẹ của chú gọi mẹ tôi để hỏi thăm suốt. Bà rất muốn chú cưới mẹ tôi nhưng tính mẹ tôi cục, một khi đã chia tay là không có chuyện quay lại. Nhiều lúc, tôi thấy chuyện tình cảm của mẹ tôi còn rối hơn canh hẹ. Tôi mệt mỏi khi nghe những lý giải của bà. Nói chuyện với mẹ, mọi kiến thức về giao tiếp của tôi dường như vô dụng hết. Lần khác, mẹ kể tôi về một người bạn quen trên mạng. Chú ở Hòa Bình nhưng rất hợp mẹ. Chú còn bắt xe vào tận trong đó để sống cùng bà. Thậm chí khi biết chuyện mẹ tôi sắp phải đi tù, chú cũng không nề hà. Mẹ luôn bị ám ảnh một câu của thầy tử vi: Số cô cuối đời sống cô đơn. Lúc nào mẹ cũng bảo tôi đời mẹ sẽ cô đơn, yêu đương không đến đâu. Thế mà người đàn ông nào đến cạnh, mẹ cũng bảo: Đó là một người hiền lành, thương mẹ và mẹ cũng thương họ. Với chú ở Hòa Bình, mẹ từng hỏi tôi có nên mở lòng không? Tôi biết nói gì bây giờ? Tôi không thể nói nên hay không nên được, tôi chỉ muốn mẹ hạnh phúc. Tôi chỉ muốn mẹ thực sự hãy sống vì mẹ lấy một lần, đừng tìm kiếm chỗ dựa ở người khác. Nhưng tôi sợ mẹ đặt niềm tin sai người. Tôi đâu biết gì về người mà mẹ kể đến. Nói thật, tôi chẳng có ác cảm gì với chú Hòa Bình cả. Tôi còn biết ơn vì chú đã đưa thằng Cún từ trong đó ra Nghệ An cho nhà tôi, biết ơn vì chú đã tắm cho nó, nấu cho nó ăn, bên cạnh mẹ tôi trong ngày xử án hay giúp mẹ tôi soạn sửa đồ đạc khi tôi không vào được. Thế nhưng, tôi chỉ dừng lại ở biết ơn, không thể nào "thoải mái với chú" như cách mẹ tôi dặn dò trước khi đi. Tôi lấy làm khó chịu khi chú nhắn tin bảo tôi chuyển tiền để mua đồ cho Cún, tôi cũng rất bực mình khi chú nhắn tôi một số tài khoản, dặn đóng tiền để giữ sim. Tôi biết chú chẳng có ý xấu, chỉ làm theo lời mẹ nhưng tôi thật sự không hiểu tại sao tôi phải biết những mối quan hệ đó của bà?
Trước mấy hôm mẹ đi, ngày nào tôi cũng nhận được một tá điện thoại của "anh kết nghĩa, em kết nghĩa" của mẹ. Ai cũng xưng "cậu" với tôi. Có người gọi điện dặn tôi ghi tên vào sổ thăm gặp, có người bảo tôi bao giờ hết dịch vào thăm mẹ, gọi cậu xuống cậu chở đi, có người báo với tôi là đã chở mẹ xuống trại, có người trấn an tôi: "Năm ngoái cậu mới đi trại đó, cậu quen quản giáo, cậu gửi đồ cho mẹ được nha". Nhiều cậu lắm, tôi nghĩ họ tốt với mẹ nhưng tôi không thể nghĩ họ là người tử tế được. Trước khi đi mẹ tôi dặn: Cậu nào vay tiền thì cứ bảo không có nhé! Tôi nghe thấy thật xanh chín. Đã nhiều người đàn ông trong đời bà làm tôi hoang mang rồi, tôi không muốn hoang mang thêm nữa. Hôm trước sinh nhật tôi, mẹ có mượn được máy ai đó gọi về: Mẹ chúc mừng sinh nhật, hỏi thăm chuyện nhập học của thằng Cún và nhờ tôi nhắn một cậu mua cho ít hoa quả. Nhiều lúc tôi nghĩ: Thực ra chuyện mẹ đi trại cũng không tệ, coi như là tránh dịch, cũng cho bà thời gian để ngẫm nghĩ nhiều hơn. Đêm trước ngày mẹ đi, mẹ có gọi cho tôi nói chuyện khá lâu. Bà nói: Giờ mẹ chỉ ước mong một cuộc sống bình thường, trước giờ mẹ chạy theo tiền bạc, theo đàn ông, theo nhiều thứ quá rồi. Mẹ tôi đã trải qua quá nhiều thứ, tôi chỉ mong đó là những lời bà nói thật và sẽ làm thật! Tôi cứ lải nhải: Bình thường thì mẹ vứt luôn cái sim kia đi, làm lại cuộc đời. Vậy mà bà chỉ im lặng. Tôi chẳng biết và cũng không muốn biết bà nghĩ gì nữa.
Trước đây, dù nhà nội tôi có nói gì về mẹ, tôi cũng không để vào đầu. Tôi luôn tự nhủ, mẹ có nỗi khổ riêng, có cái khó riêng. Nhà nội cũng có cái bực riêng. Ai hỏi tôi có trách mẹ không, có hận mẹ không, tôi đều tự tin lắc đầu. Mẹ làm gì cũng được, sống với ai cũng được, chơi với ai cũng được, chỉ cần mẹ hạnh phúc, khỏe mạnh, tự lo được cho mình, là tôi vui rồi. Từ nhỏ, tôi đã biết mẹ mình là con buôn nức tiếng. Mẹ tôi buôn đủ thứ, từ tạp hóa, hoa quả, thịt thà, bán điện thoại, bán sim thẻ, ghi lô đề, cho vay nợ đánh bạc,... Cứ cái gì buôn được là mẹ tôi buôn. Những người mẹ tiếp xúc giao du cùng cũng thập cẩm đủ loại, từ những cô chú dân anh chị đến nhưng người lao động nghèo, bần hàn. Có người là chủ nợ của mẹ, có người là bạn làm ăn, có người là con nợ. Mẹ tôi là con cả, một tay nuôi 3 đứa em ăn học. Đến khi cậu dì tôi lớn, mẹ vẫn lo công việc, cưới xin, đẻ đái cho cậu dì. Lấy chồng rồi nhưng công chuyện gì của nhà ngoại cũng đến tay mẹ tôi. Bố tôi thì nghiện ngập, ra tù vào tội hết lần này đến lần khác, tiền chạy án, tiền thăm nuôi, tiền để bố tôi không phá phách cũng là mẹ lo hết. Chưa kể, mẹ tôi còn phải chăm sóc cho ông bà nội, giúp đỡ anh chị bên chồng. Tôi nghĩ, nếu mẹ tôi không lăn xả, chuyện gì cũng làm thì tiền đâu để đắp vào những chỗ đó. Thế nên, tôi chẳng mảy may xấu hổ hay khó chịu gì cả. Năm lớp 2, tôi còn ngồi chép số đề cho mẹ, mẹ bảo đó là số sim nhưng tôi biết thừa nó là gì. Cũng như nhiều phụ huynh khác, mẹ luôn nói: Có những chuyện, bao giờ con lớn, nhà mình ổn định rồi, mẹ sẽ kể con nghe để con hiểu mẹ. Nhưng chẳng bao giờ nhà tôi ổn định cả, cái sai này sẽ dẫn đến cái sai khác. Ngay từ đầu mẹ tôi đã sai khi ôm tất cả vào mình với hi vọng một tay mẹ có thể sửa đổi mọi thứ. Mẹ nghĩ mẹ chiều chuộng, mẹ chăm sóc, bố tôi sẽ thay đổi mà bỏ thuốc rồi làm ăn tử tế? Không, dù có yêu cái nhà này đến mấy thì sự chiều chuộng, nhẫn nhịn của mẹ chỉ khiến bố không biết trân trọng mà thôi. Có đợt bố tôi chưa đi tù lần ba, tôi còn thấy bố cầm thắt lưng, rượt đuổi mẹ từ trong phòng ra ngoài nhà, mẹ vừa chạy vừa chửi, còn bố thì trợn mắt lên, mặt đỏ au tức tối. Cả xóm ai cũng biết là bố đòi tiền thuốc, còn mẹ thì hôm đó đang điên tiết chưa đòi được nợ nên quay sang mắng bố. Quen đòi là có ngay, giờ không được, bố tôi nổi xung lên tức thì. Thế mà, tôi chẳng lấy làm xấu hổ gì chuyện đó cả. Lấy chồng về, mẹ tôi lo hết cho nhà chồng từ cái ăn cái mặc, các bác tôi còn vay tiền mẹ để chạy chữa bệnh, làm ăn. Mẹ nghĩ mình tốt với anh chị em chồng chứ đi đâu mà thiệt? Thế mà, vay thì được chứ ngày trả thì xa tít tắp. Thậm chí khi bác tôi xuống nhà chơi, mất tiền, bác còn chả nghi ai ngoài mẹ. Mẹ tôi hận lắm. Đến giờ bà vẫn than: Tại sao mẹ đối tốt với tất cả mọi người nhưng người ta lại quá quắt với mẹ như vậy? Những người bạn hay họ hàng mẹ giúp đỡ, hay cho tiền, đến lúc mẹ hoạn nạn, ai cũng tránh né. Nói thật tôi cũng chẳng biết, tôi chỉ nghĩ: Mẹ dễ tin người, dễ thương người và cái tôi muốn ban phát cao quá. Mẹ càng cho nhiều, càng chiều người khác thì người ta càng thiếu không biết trân trọng. Mỗi lần nghĩ về câu hỏi của mẹ, tôi chỉ liên tưởng đến chuyện ông lão và túi kẹo: Một ông lão có túi kẹo rất to, ngày nào ông cũng phát kẹo cho một đứa bé. Thằng bé rất vui, xoắn xuýt lấy ông. Cho đến một ngày túi kẹo hết sạch, thằng bé đến nhưng ông lão không còn để cho nó. Thế là nó tức tối, chì chiết ông và bỏ đi. Tôi nghĩ mẹ tôi cũng vậy, lúc có thì bà vung tay quá. Chứng kiến mẹ như vậy, tôi tự hình thành trong đầu mình tư duy: Có thân yêu đến mấy, tôi cũng không bao giờ dốc hết lòng hết dạ cho ai khác. Nhiều khi tôi đau đầu với sự tính toán này của mình lắm nhưng nhìn tấm gương là mẹ, tôi lại chẳng làm khác được.
Đợt tôi đi trị liệu, tôi mới nhận ra mình là một dạng parentified child - đứa trẻ bị hoàn cảnh đưa đẩy tự biến mình thành phụ huynh của cha mẹ. Tôi luôn xem bố như một đứa trẻ và xem mẹ như một người bằng vai phải lứa. Tình trạng đó gọi chung là "rối loạn vai" (role confusion). Trong cả hai trường hợp này, quan hệ giữa tôi và bố mẹ bị xô lệch, tất cả chúng tôi đều không đóng vai trò thông thường của mình trong một gia đình. Tôi đã từng tự hỏi: Tại sao mẹ không hiểu tôi? Tại sao tôi lại bị đối xử như vậy? Và ngay giây phút đó, sự tức giận dồn nén trong tôi bùng phát. Trước đó, vì gánh nặng "phải là một đứa con ngoan", "con cái không được ghét bỏ cha mẹ mình", tôi dồn hết mọi thứ vào bên trong. Nhưng tổn thương không phải là tờ giấy vụn để ta vo viên lại nhét xuống gầm bàn để khuất mắt khôn coi. Ngoài miệng, tôi nói tôi không cần gì ở bà cả. Tôi chỉ mong bà hạnh phúc. Tôi mong được làm chỗ dựa cho mẹ mà chẳng đòi hỏi gì ngoài sự an tĩnh trong lòng của bà. Thế nhưng, đứa trẻ trong tôi rất cần mẹ. Tôi lúc nào cũng cần mẹ giống như Choi Taek trong Reply 1988 luôn nhớ mẹ mọi lúc mọi nơi. Tôi bị cắt đứt kết nối với bà quá đột ngôt để rồi khi thiếu vắng hơi ấm của bà, tôi phải tự dựng lên vô vàn rào chắn, tự học cách đóng vai người mẹ trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Phải mất rất nhiều thời gian, rất nhiều tiền bạc, nhiều nỗ lực, tôi mới có thể chấp nhận: Bà là một phần trong tôi rồi, một phần không thể tách biệt, một phần không thể nào chối bỏ. Tôi thấy chuyện gì lúc nói được ra cũng là lúc chữa lành hoàn toàn. Ngày tôi viết bài Đi tù và những chuyện khác, tôi đã khóc lần cuối để giải phóng những đau thương với bố. Kể từ dạo đó, tôi thoải mái với ông cũng như gỡ bỏ được nhiều vòng lặp liên quan đến ông hơn. Đợt tôi viết xong bài Tiêu tiền kiểu Cheapo, tôi cũng đỡ cheapo hơn hẳn. Nhưng đã rất nhiều lần tôi muốn đặt bút xuống viết về mẹ mà không được. Đã rất nhiều lần tôi thiền, tôi đi tham vấn, tôi gặp bác sĩ nhưng những khúc mắc với mẹ trong tôi vẫn cứ ứ lại. Đến lúc viết bài này, tôi mới mơ hồ nhận ra: Chuyện với bố dễ lành là bởi vì dù trong hoàn cảnh nào bố cũng không bỏ rơi tôi. Dù đi tù nhưng bố vẫn cố viết thư về cho tôi. Trong lòng bố tôi là đứa con gái tuyệt vời nhất, là lẽ sống của ông. Mỗi khi bố nói: Bố chỉ có mình con, tôi đều có thể an tâm đó là là lời nói thật. Bố luôn sợ tôi xa lánh, luôn tìm cách bù đắp cho tôi những lúc ông tỉnh táo và không phê thuốc. Còn mẹ tôi thì không như vậy, bà mặc định tôi tự sinh tự diệt, bà làm mọi thứ với cái lẽ "nếu không vì con thì,...", "mẹ cũng chỉ nhìn con mà sống", "mẹ làm là để cho con" nhưng tôi không hề cảm nhận được điều đó. Nỗi đau mà mẹ để lại trong tôi là nỗi đau bị ruồng bỏ. Cách bà bỏ đi một cách đột ngột, cách bà lảng tránh những lời van xin của tôi, cách bà phớt lờ tất cả những cảm xúc của tôi với suy nghĩ "con là đứa biết nghĩ" luôn làm tôi rối bời. Một mặt tôi muốn ôm bà vào lòng, một mặt tôi sợ bà lại bỏ tôi mà đi tiếp. Với một đứa trẻ, điều đáng sợ nhất không phải là đói ăn mà là đói tình yêu từ chính cha mẹ của mình. Tôi đã từng mong mẹ ngoại tình cũng được, thua lỗ cũng được, chửi mắng gào thét tôi cũng được nhưng đừng bỏ tôi, đừng lờ đi cảm xúc của tôi. Tôi sợ lắm ánh mắt ái ngại khi bà nhìn tôi. Tôi rất rất sợ. Đã hai mấy tuổi nhưng phần 9 tuổi trong tôi vẫn cứ ngỡ: Ngày mẹ bỏ đi chỉ mới hôm qua. Tôi còn không thể tránh được cơn tức cuộn lên trong lòng khi suốt mấy ngày trước khi mẹ nhập trại, bà chỉ dặn tôi chăm em, không mảy may hỏi tôi nghĩ gì, thấy gì, sẽ ra sao? Rất khó khăn lắm tôi mới dám thừa nhận: Con đã rất giận mẹ! Có một lần tôi tham gia lớp học tâm lý, thầy giáo tôi hỏi: Khi nhắm mắt lại, bạn có thấy được mẹ ôm không? Nếu có, bạn là một đứa trẻ đủ đầy, nếu không, bạn đang đói tình cảm. Tôi thử nhắm mắt lại, hình ảnh mẹ trong đầu tôi rất xa. Tôi thấy lạnh và lạc lõng. Và chỉ sau câu hỏi đó thôi, tôi nằm vật ra giường, cuộn lại như con tôm, như đứa trẻ đang nằm trong bào thai, cứ thế gào lên trong đầu: Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Con muốn mẹ ôm con vào lòng, thơm lên tóc, lên cổ, lên trán, lên vai, con muốn mẹ lại gọi con là "đít bông", lại mắng con, đánh con cũng được.
Thực sự, hành trình để hiểu mẹ khiến tôi rất vật vã. Khi giận được mẹ rồi, buông xả cảm xúc dồn nén kha khá rồi, tôi sang giai đoạn mới của trị liệu. Ở phần này, tôi được yêu cầu hiểu về tuổi thơ, cuộc đời của mẹ và tác động của bà lên tôi. Bác sĩ của tôi nói rằng: Em đã chấp nhận mẹ không hiểu mình và đã giận vì bà không hiểu mình rồi. Giờ hãy tự hỏi: Em hiểu gì về mẹ? Em có thể lý giải được tại sao bà lại như thế không? Tôi nghĩ đến bây giờ thì tôi có thể trả lời câu hỏi đó. Mẹ người yêu tôi biết hết chuyện gia đình của tôi. Mẹ bảo: Mẹ thương con nhưng thật sự xin lỗi, mẹ không thể không giận mẹ con được. Tôi cũng từng như vậy, thậm chí cơn giận của tôi còn bị phủ kín bởi một lớp cảm xúc chai sạn suốt nhiều năm liền. Nhưng khi nhìn mẹ tôi như một đứa trẻ, như một con người, một thiếu nữ có một đời sống riêng tôi biết mẹ đáng thương nhiều hơn là đáng giận. Khi không nhìn mẹ như một người mẹ, tôi mới đủ dũng cảm để tìm hiểu những chuyện mà tôi đã kể trên - những chuyện tôi nghe ngóng từ người khác. Tôi cũng biết rằng mẹ đã sống những năm tháng tuổi thơ thiếu vắng tình cảm của bà ngoại. Vì bận làm ăn, bà gửi mẹ cho bà cố nuôi. Sau này, bà tôi sinh các cậu dì, bà thiên vị ra mặt. Với bà, mẹ là chị cả, việc của mẹ là chăm em, đỡ đần cho gia đình. Bà không cho mẹ học hết cấp ba, phải đi làm để lo cho cậu dì. Lớp hai mẹ đã theo bà ra chợ buôn bán. Dù mẹ tôi học rất giỏi nhưng mẹ phải bỏ ngang vì nhà quá nghèo. Bà tôi nghiêm và rất lạnh lùng với mẹ. Nếu nói về độ chua ngoa và tài năng chửi đổng, cả huyện không ai qua mặt bà. Năm mẹ lấy bố, bà còn không thèm tổ chức đám cưới. Ngày nhà nội tôi lên rước dâu, bà ngoại khóa trái cửa, mẹ tôi phải trèo ra để "đi lấy chồng". Ngày mẹ đẻ tôi, bà cũng không bỏ buổi bán hàng để xuống xem cháu. Gần trưa, bà chỉ qua ngó tôi một lần và kể từ đó không còn đến thăm lần nào nữa. Bà nội tôi còn nói: Các dì của con xuống thăm nom mua quà, giặt giũ còn bị bà ngoại mắng. Bà ngoại giận vì mẹ chọn một người nghiện ngập như bố tôi làm chồng. Bà cũng giận vì mẹ lấy chồng sớm thì không lo được cho nhà ngoại nữa. Ngày đó, tất cả vòng vàng, tiền của mẹ tôi kiếm được, bà thu hết. Thế nên, sau này dù nhiều chuyện xảy ra, mẹ tôi vẫn nói: Mẹ thương bà nội con hơn mẹ ruột.
Thiếu tình thương của bà ngoại, mẹ tôi còn chịu khủng hoảng nhiều hơn từ bố của mình. Ông tôi rất đào hoa, hồi còn trẻ, ông tôi thậm chí còn đem gái về nhà ngủ. Bà nói nhưng ông không bận tâm. Danh sách bồ nhí của ông dài dằng dặc mà chỉ có mẹ và dì ba của tôi biết. Năm 70 tuổi, ông được thừa kế mảnh đất tiền tỷ của ông cố, nghe lời cô "bồ nhí" lâu năm, ông đâm đơn ly dị bà ngoại tôi để hưởng hết. Tất cả tài sản chung thì chia đôi, ông dọn về quê với cô bồ đó, nghe đâu còn có con riêng. Hồi ông bà ly dị, tôi còn là người bị lôi ra gõ văn bản lúc họp gia đình, vừa gõ những điều khoản ông đọc tôi vừa tự nhủ: Làm cách nào mà bà tôi lại có thể sống với ông lâu đến vậy? Ông tôi là người bên ngoài rất được lòng người khác, nho nhã và hay "nói đạo lý". Ông nói tôi đừng giận và nghĩ sai về ông. Ông bảo ông đã sống chịu đựng quá lâu, giờ ông phải sống với hạnh phúc đời mình. Tôi chịu. Nhà của ông gần trường cấp 3 của tôi. Thời ông bà còn chưa ly dị, có lần tôi còn bắt gặp ông dẫn một bà khác đi ăn phở, nhưng ông chỉ chào tôi một cái rồi phận ai người nấy liệu, bàn ai người nấy ăn. Tôi nghĩ mẹ tôi cũng là một đứa trẻ nhầm vai phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm, phải ôm đồm và chứng kiến quá nhiều thứ vượt tuổi của mình. Giống như tôi, bà cũng là một đứa trẻ "cảm thấy bị bỏ rơi". Có ai đó đã từng nói rằng: Hãy kể cho tôi về tuổi thơ của bạn, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào. Những người như tôi và mẹ tôi khi lớn lên có xu hướng trở thành một người chăm sóc cưỡng chế (compulsive caregiver), quá chăm lo và quá hy sinh cho người khác. Tôi chọn chăm lo cho bố, cho bà, cho mẹ, cho em. Mẹ tôi có xu hướng chăm lo cho bạn bè, cho chồng và cho những người khác. Chúng tôi hay vướng phải những người không tự quản lý được đời mình, bị cuốn vào những mối quan hệ mà bản thân không được tôn trọng đúng mức. Chúng tôi chọn đóng vai trò chăm sóc để cảm thấy mình có giá trị vì sâu thẳm trong tôi và mẹ có một niềm tin giới hạn rằng: che chở cho người khác là cách duy nhất dể được người khác ban phát tình yêu. Tôi chỉ khác mẹ ở chỗ là tôi có điều kiện và cơ hội để gọi tên nó, còn bà thì chưa. Trước đây, tôi cũng từng như mẹ, có nhiều người tìm hiểu nhưng giống hệt bà, tôi khước từ những người tử tế, biết động viên, vững vàng trong cuộc sống để chọn những người chưa biết lo cho mình. Hầu hết những người tôi bị hút vào là những người không biết chăm lo, chuẩn bị cho tương lai của họ. Tôi chọn điều đó vì trong mối quan hệ như vậy, tôi mới có cơ hội được đóng vai trò phục vụ, vỗ về. Thậm chí, người yêu tôi bây giờ cũng phảng phất nhiều đặc tính của cả bố và mẹ tôi. Khi tôi giải phóng những vấn đề với bố, tôi không còn thấy những tính cách của ông trên anh nữa nhưng đó cũng là lúc tính "phóng túng, liều lĩnh" quá đà của mẹ tôi hiện lên trong anh ngày càng rõ rệt. Có lẽ những người ta gặp, đích xác là những tấm gương phản chiếu điều gì đó trong ta rồi.
Đi qua những giai đoạn bóc tách vấn đề với mẹ, tôi ngày càng hiểu bà, hiểu những tác nhân ảnh hưởng đến bà và hiểu cả dòng chảy tổn thương mà bà vô thức "gửi" lên tôi. Kỳ thực việc tiếp nhận tình thương khá giống việc hấp thụ calo. Có người tạng gầy, hấp thụ bao nhiêu cũng không được. Có những tình thương được trao đi ở dạng thức mà người nhận không thể đón lấy. Tôi bây giờ đã có thể lờ mờ cảm nhận tình thương của mẹ nhưng cảm giác "không đủ tốt để được mẹ yêu" vẫn hằn sâu bên trong. Hồi còn ở nhà, bà chăm tôi lắm, phải nói là nhờ những năm tháng đầu đời ngập tràn tình yêu của bố và mẹ tôi mới có chỗ dựa, và niềm tin cho hành trình này. Nhiều khách hàng của tôi cũng gặp tình huống giống tôi, bố mẹ họ đã trao đi tình yêu theo cách mà họ không thể đón nhận. Với tôi, tôi hiểu rằng tình yêu của bà méo mó vì chính bà cũng không phải là người được yêu đúng cách. Khi chưa được yêu như một đứa con, làm sao bà có thể yêu con gái mình theo cách mà nó cần. Mẹ tôi không thể làm điều mà bà chưa được nhận, chưa được thụ hưởng và chưa được học hỏi, rèn luyện. Khi ở vị trí con, tôi hay hằn học mẹ không hiểu mình nhưng dần dần tôi cũng biết tự hỏi: Thế mình đã hiểu gì về mẹ? Khi hiểu mẹ rồi, tôi mới biết nguồn gốc của tất cả những điều tôi phải trải qua và từng bước cắt đi những điều không còn phù hợp. Tôi biết hành trình này vẫn còn tiếp diễn nhưng tôi cũng rất biết ơn chính mình vì đã đi xa đến như vậy. Khi viết bài này, tôi chỉ mong một ngày nào đó, trong vài phút nhắm mắt, tôi có thể cảm thấy hơi ấm của bà đang choàng lấy tôi, êm ái và dễ chịu!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất