Ranh giới: Lộ mặt hay không lộ mặt, có phải là câu hỏi hay?
Phim Ranh giới hay, có thiện ý, nhưng đồng thời cũng đưa ra nhiều vấn đề. Các cuộc thảo luận trên mạng cũng, như mọi khi, vô cùng sôi nổi.
Phim Ranh giới hay, có thiện ý, nhưng đồng thời cũng đưa ra nhiều vấn đề. Các cuộc thảo luận trên mạng cũng, như mọi khi, vô cùng sôi nổi.
Vào vấn đề luôn vì ai biết thì cũng biết rồi, ai không cần biết thì có giải thích cũng chẳng để làm gì: Phim Ranh giới, một bộ phim tài liệu của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được chiếu và stream trên YouTube về công cuộc chữa bệnh của các thai phụ là bệnh nhân Covid tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương. Ngoài những ý kiến khen hết lời, cũng có những ý kiến cho rằng, việc để lộ mặt bệnh nhân, ngay cả khi có sự đồng ý của người nhà, là không nên.

Anh Lê Nguyễn Duy Hậu, một người có tiếng nói trên Facebook đã nêu lên quan điểm rất hay. Đại loại, anh đặt câu hỏi: ‘Liệu có cách làm nào khác không?’ khi đạo diễn bảo đây là những hình ảnh cuối cùng mà người nhà bệnh nhân được thấy về bệnh nhân, nên đây cũng là những “kỷ niệm đẹp cuối cùng về người thân mà họ còn được nhìn lại” (phỏng vấn đạo diễn, báo Tuổi Trẻ). Anh Hậu cho rằng, có thể cắt riêng những cảnh quay có mặt gửi cho người thân của bệnh nhân, còn trong phim công chiếu với đại chúng thì sẽ làm mờ, ẩn mặt. Điều này tôi hoàn toàn đồng ý là một cách làm khá hơn. Anh Hậu cũng cho biết, một cách tốt nhất để lấy sự đồng thuận của bệnh nhân là ghi âm lại toàn bộ quá lời giải thích về hậu quả, tác động cũng như lời đồng ý của đối tượng quay phim. Cả hai ý kiến này, tôi đều không thể đồng ý hơn. Đó là cách làm đúng đắn và nên làm, cũng như tư duy về việc “liệu có cách nào khác không” là tư duy khoa học và nhân đạo nhất có thể đặt trong trường hợp được đưa ra.
Có nhiều ý kiến cho rằng, những sự lộ mặt, lộ vẻ đau khổ, bệnh tật nhằm khơi dậy cảm xúc của người xem một cách tốt hơn, và cũng có thể nói rằng đó là những sự cần thiết, không có cách làm nào tốt hơn chẳng hạn. Tuy nhiên, xem phim chúng ta dễ dàng để ý thấy sự cẩu thả của đoàn làm phim không dừng lại ở chỗ đó: Trong phân đoạn một thai phụ gọi điện thoại về cho chồng, số điện thoại của người chồng được lộ rõ, đánh vần đầy đủ. Điều đáng chú ý là việc hiển thị số điện thoại này hoàn toàn không nhằm mục đích nghệ thuật hay khơi dậy cảm xúc gì. Áp dụng cách tư duy của anh Hậu hay của Seneca trước đó, “liệu có cách làm nào khác tốt hơn không?”, liệu việc để toàn bộ số điện thoại của người chồng có phải việc cần thiết hay không hay nó hoàn toàn có thể được cắt, được chặn âm thanh mà vẫn đạt được mục đích tương tự, ấy là khơi dậy cảm xúc của người xem? Có là câu trả lời chắc chắn, chi tiết số điện thoại đó hoàn toàn không quan trọng và không đóng góp gì về mặt tường thuật lẫn cảm xúc của người xem. Chi tiết về người bố khóc đến nhận xác con cũng có thể được cho là không cần thiết với lý do tương tự, có thể chăng chỉ giữ cảnh bác sĩ giải thích cho ông về vấn đề thôi?
Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn xa hơn vấn đề liệu có hay không sự đồng thuận khi bệnh nhân lộ mặt. Tất cả những người phản đối việc lộ mặt bệnh nhân đều dựa trên giả sử họ không đủ tỉnh táo hay suy xét nhận thức rõ ràng về sự đồng thuận của mình khi nhận được lời đề nghị của đoàn làm phim. Điều đáng chú ý ở đây là chúng ta vẫn chưa thật sự biết đoàn làm phim đã lấy sự đồng thuận của họ như thế nào? Hay, quay lại với gợi ý của anh Lê Nguyễn Duy Hậu, liệu họ đã tường minh những hậu quả, tác động của việc lộ mặt tới bệnh nhân hay chưa?
Việc nhận xét trên mạng, ở trạng thái rất xa và khác với người bệnh cũng như đoàn làm phim với một tiền giả định rằng những người bệnh có khả năng không đủ tỉnh táo khi đồng thuận lộ mặt trong bộ phim là một việc có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho chính người đưa ra nhận xét cũng như tạo tiền đề xấu cho việc suy đoán sự ủng hộ của công chúng trong tương lai. Một vụ việc trong quá khứ là điển hình: Vụ Biên tập viên của nhà đài bạo hành em vợ. Trong vụ đó, rất nhiều người cũng lên tiếng chống lại hành động của người anh rể, cũng như ủng hộ hoàn toàn cho cô em vợ. Những chi tiết tiếp theo lộ ra vấn đề: Người em vợ nói dối về sự việc. Dân mạng được một phen bẽ bàng. Rõ ràng, từ việc đặt ra một giả định về vấn đề cho tới việc thật sự tìm hiểu xem vấn đề đó diễn ra thế nào cần được cân nhắc kỹ hơn.
Tôi nói rằng, việc suy đoán nhận xét trên mạng ảnh hưởng tới việc sự ủng hộ của công chúng trong tương lai là bởi vì, đoàn làm phim trong thời điểm hiện tại hoàn toàn có thể mời và tái phỏng vấn một bệnh nhân trong số những bệnh nhân đã lên hình để khẳng định về sự đồng thuận của mình là việc có thể xảy ra. Trong trường hợp đó, tôi tin rằng tất cả những người nhận xét trên mạng cũng sẽ hài lòng với cách giải thích này, vì cái họ cần là sự minh bạch. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một sự bẽ bàng nhất định khi chúng ta đặt ra một giả định về sự không tỉnh táo của bệnh nhân hoặc các khả năng mà đoàn làm phim có thể đi sai hướng. Việc này nếu được làm tới cùng và đoàn làm phim có thể chứng minh sự minh bạch cũng như tỉnh táo của các bệnh nhân lên hình thì đó là một việc làm tích cực, nhưng lại đi ngược lại với giả định về sự nhân đạo của những người bình luận cõi mạng, mà tôi cho rằng họ cũng có ý tốt.
Điều hay hơn và tôi cho rằng sẽ là một câu hỏi thú vị hơn để hỏi, không phải việc liệu người bệnh có sự đồng thuận 100% khi tỉnh táo và biết các hậu quả của việc lên hình hay chưa mà là câu hỏi, tại sao đoàn làm phim lại quyết định không che mặt bệnh nhân? Việc này có ý nghĩa gì? Đó là câu hỏi về tính mục đích. Dễ thấy, họ đang cố khơi gợi những cảm xúc trong lòng người xem về quá trình chiến đấu với bệnh Covid. Đọc một comment trong báo Tuổi trẻ: “Không che mặt là đúng, nếu che thì làm sao thấy được những biểu cảm đau đớn của bệnh nhân. Chính những biểu cảm đó mới mang đến ý nghĩa thật sự cho phim: khơi dậy lòng trắc ẩn, giúp người xem ý thức rõ rệt về sự quý giá của sinh mạng”.
Câu hỏi thú vị hơn ở đây là, tại sao chúng ta cần khơi dậy lòng trắc ẩn, giúp người xem ý thức rõ rệt hơn về sự quý giá của sinh mạng? Liệu sự thật về Covid thông qua các thông tin bình thường chưa đủ để đạt được mục đích này hay sao? Tại sao chúng ta cần được lột tả một cách (có thể coi là) đau đớn về sinh mạng như vậy để hiểu được sự cống hiến của các bác sĩ cũng như sự đau đớn của bệnh tật?
Câu hỏi này có thể có hai phỏng đoán, một là cái nhìn đại chúng với bệnh Covid đã không còn nghiêm trọng như trước, hai là chúng ta cần được nhắc nhở về sự cống hiến của những người tuyến đầu, qua đó đồng lòng với cách làm, cách chống dịch hiện tại của Nhà nước. Cả hai cách trả lời này đều mang đến vấn đề về sự tuyên truyền. Được phát trên kênh truyền hình quốc gia và được quảng bá rộng rãi trong nhiều kênh truyền thông khác, bộ phim cùng với cách thể hiện của nó mang nặng tính tuyên truyền chính trị. Dễ thấy, trong giai đoạn chống dịch đợt 4 này, đặc biệt trong hoàn cảnh giãn cách xã hội ngặt nghèo, lòng người dân đã mỏi. Đã có những ý kiến, những bài báo ngay cả trên những mặt báo chính thống đặt câu hỏi về cái kết của giãn cách, về sự đúng đắn của phương pháp chống dịch “mục tiêu kép” (vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội), về việc có nên hay không việc mở lại và sống chung với dịch. Bộ phim được ra vào đúng thời điểm then chốt như vậy và được quảng bá như thế có phải là một cách làm khác để bảo đảm những diễn ngôn phản chính thống không còn nổi bật nữa và tuyên truyền về hiệu quả của cách chống dịch hiện tại cũng như sự nguy hiểm của dịch bệnh?
Tất nhiên, đó cũng chỉ là những phỏng đoán. Tuy vậy, việc đặt câu hỏi về tính mục đích có khả năng làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao đạo diễn lại sử dụng những “thủ pháp nghệ thuật” như là lộ mặt tất cả bệnh nhân trong một cố gắng làm mọi cách để thuyết phục và lay động lòng thương cảm và sự ghê sợ của người xem đối với người bệnh và bệnh dịch, lần lượt theo thứ tự đó. Việc rời khỏi cách đặt câu hỏi theo cảm quan thiên kiến kiểu “liệu người bệnh có đủ tỉnh táo không khi quyết định việc này” có thể sẽ làm sáng tỏ vấn đề hơn nhiều và sẽ đưa ra những lời giải thích hợp lý hơn việc đặt nó vào tay người bệnh nhân, xem xem trong lúc đó họ có tỉnh táo không. Trong trường hợp những điều đoàn làm phim làm được chứng minh là đúng và đủ những thủ tục cần thiết trong tình trạng bệnh nhân tỉnh táo và không hối hận chẳng hạn, việc đặt câu hỏi “lộ mặt hay không lộ mặt” chẳng phải đã gián tiếp làm tăng sức mạnh của cỗ máy tuyên truyền và mục đích lớn hơn đằng sau bộ phim hay sao? Do đó, có lẽ chúng ta cần những cách hỏi khác, thậm chí là câu hỏi, tại sao chúng ta lại đặt câu hỏi như vậy.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Derek Pham
Phim có thể chạm vào trái tim của một số người, bản thân là người trong nghề, tôi chắc chắn rằng có nhiều người bạn của tôi đã khóc vì những vất vả, khó khăn mà đồng nghiệp phải chịu đựng nơi tuyến đầu. Về mặt nào đó, phim đã thành công khi gợi lại phần nào thực tế về công việc của chúng tôi. Nhưng để mọi người tiếp tục tin vào câu chuyện cổ tích "các BS là thiên thần" thì lại hơi quá mức và phi thực tế.
Thứ nhất, những BS tuyến đầu chống dịch đương nhiên vất vả và họ làm vì việc đó vì trách nhiệm nghề nghiệp - cái mà họ đã mang trên vai từ khi còn ngồi ghế trường Y. Không một bác sĩ nào có thể chấp nhận buông tay khi chưa cố gắng hết sức, đó là thực tế, nghề Y có thể nói là một trong những nghề làm thực chất nhất trong XH bây giờ. Đó không phải là một câu chuyện cổ tích. Những đồng nghiệp của tôi nếu không đi chống dịch thì họ làm gì? Họ còn rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh khác đang cần được chữa trị, họ làm thay cả phần những nguời đã ra đi, họ tìm cách cho những bệnh nhân của họ được chữa trị thuận tiện nhất, hiệu quả nhất giữa thời buổi giãn cách, giữa một rừng các quy định ngớ ngẩn đầy tính hành chính vô cảm. Họ phải trả lời các câu hỏi đại loại như " bệnh nhân ung thư làm thế nào để có thể quay lại điều trị ở Hà Nội khi bệnh viện tuyến dưới đã hết cách". Tin rằng nó cũng không kém phần cam go. Họ ở lại với nỗi lo, nhỡ HN mà toang thì ai sẽ là người cứu. Họ ở lại nghiên cứu khoa học để xuất bản ra thế giới. Tất cả ngành y cùng đang căng sức gấp đôi gấp ba so với khi chưa có dịch. Đó là thực tế và họ không làm vì họ là thiên thần- họ làm vì họ là BÁC Sĩ, chỉ vậy thôi.
Thứ hai, sau những giọt nứơc mắt cho đồng nghiệp, đồng đội của tôi là gì? có thể là không gì cả. Cũng chỉ vậy thôi. Chúng tôi cống hiến không phải để ngày nào đó được ghi nhận bằng phóng sự. Ngày mai, tuần tới, sang năm, khi hết dịch, liệu chúng tôi còn bị người nhà bệnh nhân hành hung ở nơi làm việc? Liệu sau bằng khen, chúng tôi có thể đủ sống, đủ nuôi con cái, bố mẹ hay vẫn đi ở nhà thuê? Liệu sau khi là thiên thần trên TV, chúng tôi có muốn con chúng tôi nối nghiệp để " một phút huy hoàng rồi chợt tắt". Chà, có lẽ còn nhiều băn khoăn lắm...
Và sau phóng sự, điều xã hội quan tâm là chuyện che mặt hay không che mặt...
- Báo cáo

Kay Gee
Công nhận thô và thật. Bạn làm mình nhớ lúc trước bên QRVN có bạn lên một bài bức xúc về vụ tước chứng chỉ hành nghề, cũng đề cập vấn đề "thiên thần" với "anh hùng" như vậy.
- Báo cáo
Cerca Trova
Đợt coi ông Binh Bong Bot nói về phim này cũng lên coi thử. Cuối cùng nhận ra là một bộ phim sặc đầy mùi tuyên truyền chứ chẳng gì hơn. Nhiều phân cảnh chỉ cảm giác sự lộn xộn, làm việc không kế hoạch, phân bổ công việc không đều trong đội ngũ y tế dù thật sự mình hiểu là thời gian qua họ đã cố gắng rất nhiều. Bộ phim kéo dài khoảng 50p lê thê với những cảnh quay lặp đi lặp lại, thỉnh thoảng chèn thêm vài câu "kịch" mà mình thấy nó như là diễn hơn là cảm xúc thật của người đó. Nếu làm thì theo mình nên làm thêm 1 bộ phim ngoài đường, quay phim những người "chết" vì dịch chứ không chỉ vì bị virus mà chết
- Báo cáo

Nguyễn Đức Bằng
Thực sự tôi chưa xem bộ phim này vì khi đọc phần giới thiệu trên truyền hình đã cảm thấy nó không đáng xem. Bởi lẽ, mỗi người đều đang sống trong đại dịch, mỗi người đều có những khó khăn của riêng mình. Chúng ta không cần phải xem một bộ phim để biết những đau đớn do đại dịch mang lại. Điều đó đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Theo tôi, bộ phim này chỉ có mục đích tuyên truyền, thậm chí khơi gợi lại đau thương cho gia đình bệnh nhân. Họ có cần phải ghi nhớ người thân bằng khuôn mặt đau đớn ở những giây phút tuyệt vọng hay nên nhớ tới bằng kỷ niệm tuyệt vời nhất?
- Báo cáo

Trần Tài Nguyên
Chà, có lẽ với tui, người mà chưa xem nhưng đánh giá 1 tác phẩm thì chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa :<
- Báo cáo
funny.whale
Phóng sự Ranh Giới quá sức vớ vẩn: vừa vi phạm quyền riêng tư vi phạm nhân quyền, khéo còn ko tuân thủ quy tắc bênh viện và đạo đức nghề y.
Nhìn Cầu thủ Đan Mạch nó dàn hàng che máy quay khi cấp cứu Eriksen đột quỵ trên sân thì các bố VN lôi cmn cảnh ng ta thập tử nhất sinh ko cần che mặt lên truyền thông.
Chẳng ai muốn nhìn người nhà mình đang hấp hối như thế trên truyền hình cả. Sau này bệnh nhân tỉnh lại thì sao? Liệu hai ông phóng viên đó xin phép bằng văn bản ý kiến ng thân khi quay và khi tung lên sóng chưa?
- Báo cáo

Jade Vu
Là sao ạ? Sao qua tới giờ em cứ nghe mọi người bàn nhau về việc lộ mặt hay không lộ mặt thế ạ? Trong khi bộ phim tài liệu đó đã thức tỉnh em hoàn toàn theo cách tích cực nhất và em tin cũng có rất nhiều người như em. Trước khi xem phim, em cũng hiểu đại khái là bị Covid thì sẽ khá khó thở, đồng thời xem nhiều tin tức thấy người ta nói rằng cũng như bị cúm thông thường thôi, ai đề kháng mạnh là qua được hết, nên em cũng ỉ i cho rằng nếu có bị mắc thì cũng bình tĩnh mà vượt qua là được. Nhưng nhờ cách quay không lộ mặt để em được chứng kiến sắc mặt các bệnh nhân ai cũng ủ rũ, trắng bệch, xanh xao và RẤT khó thở như muốn "về nhà để chết đi" theo lời một chị gái đã quá sức chịu đựng trong phim nói. Xem phim mà thấy các bệnh nhân tuyệt vọng vô cùng vì không thở được. Từ lúc đó em đã thức tỉnh rất nhiều, em vô cùng biết ơn tình trạng khỏe mạnh của mình hiện tại, và em phải cố gắng tìm mọi cách để không bị mắc bệnh, phần là vì mạng sống mình, phần là để giảm tải áp lực cho y bác sĩ chứ thấy họ cũng vắt chân lên cổ mà chạy ko ngơi nghỉ như trong phim thì quá khổ. Em nghĩ chúng ta nên xem phim với tâm thái nhẹ nhàng và BIẾT ƠN đi ạ chứ không nên soi kĩ quá huhu. Sau này, khi các bệnh nhân bình phục và có ý kiến phản đối về việc lộ mặt của bản thân, thì lúc đó mình đấu tranh cho họ sau cũng được mà.
- Báo cáo