[Nếu như tôi có tiền]
Dường như người ta chỉ học cách kiếm tiền mà không học cách sử dụng chúng. Ta có thể thấy điều này thông qua những người trúng số:...
Dường như người ta chỉ học cách kiếm tiền mà không học cách sử dụng chúng. Ta có thể thấy điều này thông qua những người trúng số: 70% những người trúng số về tay không. Phỏng vấn một anh nông dân trúng số, ta có thể dễ dàng hình dung cách anh sử dụng tiền: xây lại nhà, mua nhiều xe mới, thết đãi hàng xóm, cho tiền người thân, một vài dự án kinh doanh thất bại, và sau cùng là một số tiền nhỏ phòng thân, rất tiêu chuẩn. Nhưng một khi mức tiêu dùng cá nhân tăng cao, rất khó có thể hạ nó xuống như cũ, như thuở còn “Hàn vi”.
Túng thiếu (một chút) chưa hẳn đã là xấu. Như Seneca: “Có cách nào làm nó khác đi được không?” Vấn đề lớn nhất của lối sống này là tính bất định của nó. Thứ nhất, nó không có câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở; “Hạnh phúc là gì?”, trừ khi ta là một người theo đuổi chủ nghĩa Khoái lạc. Thứ hai, nó đẩy kỳ vọng của người ta ngày càng tăng, đến nỗi người ta ngày càng khát khao một trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Một khi không còn được trải nghiệm những điều đó nữa, người ta dễ bất an và khó chấp nhận thực tế. “Những người trúng số sau một thời gian thất bại, đã ước gì họ chưa trúng số”.
Một khó khăn nữa mà bản thân sự tiêu dùng hấp dẫn như vậy, là do sự kết hợp giữa Chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa lãng mạn. Nó cho rằng để đạt được thật nhiều hạnh phúc, ta nên trải nghiệm mọi thứ, từ mua sắm, đến tình dục, du lịch, ăn uống,…Chưa bao giờ mọi thứ lại dễ dàng như hiện tại: Từ nấu ăn, giặt giũ, cho tới truyền hình, đọc sách. Kết hợp tín dụng, nó cho người ta một nền tảng vững chắc để tạm quên đi mục đích của tất cả những thứ ta mua sắm. “Cứ tiêu dùng trước, rồi ta sẽ kiếm cách trả nợ lại sau”, trong khi mức sống thật sự của một người khá thấp. Cứ nhìn một gia đình nông dân hoặc công nhân thì biết: đủ để ăn uống, tiền học, tiêu dùng lặt vặt,… Nhưng nó tăng vọt khi ta có nhu cầu muốn thể hiện bản thân cho mọi người biết: “Tôi cũng khá nổi bật đấy chứ!”.
Trong một xã hội công nghệ, việc so sánh giữa những cá nhân ngày càng trở nên trầm trọng. Con người được thiết kế để sống trong một nhóm 150 người, không phải 10.000 người. Cứ mỗi năm phút, ta lại phải tự xét lại mình có nổi bật trong mắt tất cả mọi người tôi gặp gỡ, tiếp xúc trên mạng hay không, điều đó đau khổ và bất an thật sự.
Điều này nguyên nhân tới từ đâu? Có lẽ từ “Cái tôi”: Cái ham muốn được người khác tôn vinh và nhắc đến. Lựa chọn một cái điện thoại hay một cái Laptop cũng vậy: Ta phải đau đầu cân nhắc giữa Tính năng phù hợp với công việc, và khao khát cầm chiếc điện thoại lên để mọi người trầm trồ là ta “Sành điệu”, “Phong cách”. “Bàn tay vô hình” của thị trường không có mắt, và nó luôn phục vụ cho nhu cầu con người mà không phán xét đúng sai.
Vì sao người ta lại quá ám ảnh với tiền bạc như vậy? Cũng dễ hiểu thôi, một người giàu trí tuệ và có một nhân cách lớn thì khó có thể đoán biết được, cho tới khi bản thân ta tiếp xúc với họ một thời gian, nhưng một người có tiền thì nhìn thấy được ngay, và ta dễ rơi vào “Hiệu ứng hào quang”: Ta nhìn một người có tiền, và ta cũng nghĩ người đó hẳn phải tốt đẹp cả những mặt khác, trong khi thực tế thì rất hiếm khi như vậy.
Người ta hay nói “Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”, nhưng câu này không đúng logic. Người giàu nghĩa là người biết cách làm ra tiền, còn sử dụng tiền thì phải học. Và một khi phát hiện ra bản thân không cần quá nhiều tiền để có một mức sống tối thiểu, người ta sẽ học được cách để bảo vệ môi trường, hạn chế ganh đua, và tiết chế ham muốn. Kiềm chế “Cái tôi” là một điều khó, nhưng nó là cách tốt để đạt đến hạnh phúc, và minh triết. Cũng giống như bàn về việc Viết: “Hãy cứ viết và xuất bản, rồi quên nó đi” (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần).
“Nếu tôi làm một điều nào đó, và đạt được một cái gì đó, mà không một ai biết hoặc thấy được. Liệu tôi có làm nó không?”
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất