Mẹ tôi và những người đàn ông đi qua đời bà
Mẹ tôi là một người có nhiều mối quan hệ rắc rối và cuộc sống phức tạp. Tôi thương mẹ, chấp nhận lo cho mẹ nhưng nhiều lúc, tôi thật sự không hiểu tại sao tôi phải biết những mối quan hệ đó của mẹ?
Vậy là đã hơn 1 tháng kể từ ngày mẹ tôi nhập trại. Lần này nhà tôi đã cạn tiền, không chạy được nữa, phải đi tù thôi. Lúc phạm tội mới, mẹ đang hưởng án treo của vụ trước, còn 3 tháng nữa là kết thúc. Nhưng dù còn 1 ngày mà không vượt qua thử thách thì theo luật, án chồng án, mẹ phải đi tù cho cả 2 năm án treo và án mới, tổng cộng là 4 năm rưỡi. Hạnh nhắn tin cho tôi qua Spiderum, hỏi sao dạo này tôi không viết bài. Thực tình thì tôi muốn viết lắm. Trước giờ, Spiderum luôn là nơi để tôi viết cho mình, cho những phần cần được chữa lành, cho những cảm xúc chưa được giải phóng bên trong. Nhưng thời gian qua, phần vì bỡ ngỡ với giao diện mới, phần vì tôi phải lo nhiều chuyện, tôi không viết nổi. Cứ mở web ra, nhìn Spiderum với tấm áo mới, tôi không quen. Hôm trước tôi thử viết một bài nhưng vẫn thấy lấn cấn. Tôi vừa bị mất kết nối với mẹ và cũng cảm giác như mình mất đi một tổ ấm khác. Nơi cùng tôi đi qua những ngày trống rỗng và nặng trĩu nhất của tâm hồn là Spiderum nên tôi hay gọi Động Nhện cũ là tổ ấm, dù thực tế, giao diện trước so với cái mới chỉ như tập thể cùi so với chung cư hạng sang mà thôi, :>
Hai tháng trước khi mẹ đi, bà bảo tôi lo liệu 200 triệu thì bà sẽ được ở nhà. Tôi có tiền nhưng tôi không gửi, tôi nói:
- Hay lần này mẹ đi đi. Có lẽ là nợ đời, trốn mãi không được.
Mẹ tôi im lặng, không nói thêm. Bà biết bà đã đòi hỏi ở tôi quá nhiều. Không phải là tôi vô tâm, muốn mẹ chịu khổ mà sống trong nhà này, tôi chẳng lạ gì chuyện chạy án nữa: 200 triệu đó là để hoãn thi hành án, trong 2 năm tới, cứ mỗi năm sẽ phải chồng thêm tiền, đến bao giờ quá hạn thi hành, vụ việc nguôi ngoai, chồng thêm 50 triệu nữa sẽ xong. Tiền đâu phải lá mít. Tôi cũng kiệt sức rồi. Tôi gọi điện cho dì út, dì bảo: "Thôi con để tiền đó lo cho thằng Cún mai mốt đi học, cứ để mẹ đi vài năm rồi tính sau. Giờ chạy thì nhà mình cũng cạn, mẹ có ở nhà cũng chẳng lấy gì mà ăn." Thằng Cún là em cùng mẹ, khác cha với tôi. Tôi không sống với nó, mỗi năm gặp được 2-3 lần nhưng tôi thương nó nhất đời. Nó chẳng biết khái niệm chị gái là gì nhưng nó đối với tôi còn hơn cả những gì tôi mong muốn. Tôi là đứa đói tình thương gia đình còn nó thì bón cho tôi ăn từng thìa tình cảm. Gần như tối nào nó cũng gọi điện, cũng bảo yêu và nhớ chị hai. Có bố mẹ là người Bắc nhưng lại sống ở Tây Nguyên nên thằng Cún nói giọng lơ lớ rất yêu. Lần nào tôi vào, nó cũng quấn tôi cả ngày. Lúc tôi về, nó lăn ra giữa nhà, khóc lóc vật vã. Thế nên nghe dì út phân tích, tôi càng quyết tâm: thôi, không chạy nữa, để dành tiền chăm Cún đi học!
Tôi gửi mẹ tôi mấy chục triệu để mẹ xin giảm án mới vì tôi biết vụ này không nặng, có thể áp dụng khung hình phạt thấp nhất. Mẹ tôi chồng tiền, xong phiên xử, được giảm xuống còn nửa năm, cộng án cũ nữa, mẹ tôi chỉ phải đi 2 năm rưỡi, nếu cải tạo tốt, mùng 2-9 năm sau hoặc năm sau nữa là được ân xá rồi. Biết vậy, tôi thấy nhẹ lòng hơn nhiều.
Vụ trước của mẹ, tôi hốt lắm, tôi nghĩ tôi đã dành một nửa số nước mắt của đời mình để khóc trong lần đó. Thế mà lần này, tôi cứ thong thả lo liệu, thấy nhẹ hều! Nhiều lúc nhìn lại, tôi mới để ý: Đời tôi vẫn lặp đi lặp lại vài chuyện na ná nhau nhưng đựng trong đó nhiều bài học mà cứ mỗi lần, tôi lại trưởng thành và vững vàng thêm một chút, hiểu mình hơn một chút. Có những chuyện quá khứ tưởng là đau khổ lắm nhưng khi đặt cạnh thực tại thì cũng chỉ là bài toán tính diện tích hình chữ nhật lớp 5 so với bài tích phân đại học mà thôi. Lần trước mẹ tôi gặp chuyện, nhà tôi còn có tiền, tôi còn có ba. Lần này, dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng tôi chẳng có ai, lại phải lo cho thằng Cún, tự mình dọn những tàn dư của mẹ. Thế rồi, từ từ thì cũng vượt qua được.
Vì mẹ chịu án trong đợt dịch nên việc xét xử hoãn rất nhiều lần. Sau khi xử còn có 15 ngày kháng án và 30 ngày để chuẩn bị trước khi "nhập kho". Thế nên, vụ của mẹ tôi xảy ra từ đầu năm nhưng đến tận tháng 8, mẹ mới đi trại. Trước ngày mẹ đi 1 tuần, mẹ đã gọi dặn tôi đủ thứ, từ chuyện đón em về như thế nào, đồ đạc chuyển về quê ra sao,... Mẹ tôi chịu án ở tận Tây Nguyên còn tôi thì ở Hà Nội. Đợt đó dịch nên không có chuyến bay nào, dì tôi mới bảo đưa em về quê, dì chăm ăn học, tôi lo tài chính. Tôi bảo mẹ bán bớt đồ đạc đi, sau này ra, tôi mua sắm lại. Thế mà bà không chịu. Tiếc vì mình sa cơ lỡ vận, đồ đạc bán không được giá, bà thuê người chuyển từ trong đó về quê ngoại, hết gần hai chục triệu tiền xe và tiền thồ hàng vào nhà dì. Mẹ còn dặn tôi hàng tháng phải đóng tiền cho mấy cái sim làm ăn của mẹ, để giữ số. Tôi nghĩ, ra tù rồi, mẹ cũng đâu làm cái nghề cũ nữa, giữ sim làm gì? Mẹ tôi khéo nấu nướng lắm. Tôi muốn bà mở quán ăn, quán tạp hóa nào đó, buôn bán qua ngày. Nhưng bà vẫn khăng đòi giữ số sim mà hơn 2/3 danh bạ là dân anh chị của cái vùng biên giới mẹ ở, không buôn mai thúy thì cũng buôn lậu gỗ, lậu pháo. Tôi khuyên nhưng vẫn như thường lệ, mẹ chẳng bao giờ nghe lọt tai bất cứ lời nào tôi nói nên tôi đành phải chịu theo.
Mẹ tôi đi trại vào chiều thứ năm nhưng từ thứ hai, ngày nào tôi cũng thấp thỏm không yên. Nếu không phải tại dịch, tôi cũng vào với mẹ từ hôm xử án, rồi ở với mẹ thêm 1 tháng cho đến lúc mẹ đi. Tôi tin là mẹ tôi có thể tự lo liệu được nhưng tôi sợ mẹ buồn, sợ mẹ đau đầu quá mà không ai ở cạnh để chia sẻ. Trước ngày nhập trại, mẹ tôi vẫn bình tĩnh đi mua băng vệ sinh, găng tay lao động, thuốc chống ghẻ lở để vào đó dùng. Mấy ngày đó, những cuộc điện thoại giữa tôi và bà đơn giản, gượng gạo hết sức.
- Mẹ ăn cơm chưa? Hôm nay thế nào?
- Ăn rồi. Tí gọi lại nhé, mẹ đang đi mua đồ.
- Mẹ ơi, mẹ muốn tâm sự, muốn khóc hay gì cứ gọi em nhé?
- Không, đang bận lắm. Khóc gì. Lo thôi.
Tôi muốn mẹ có thể thoải mái với tôi nhưng bà ngại. Nhiều lần mẹ tôi kể với dì là mẹ có lỗi với tôi lắm nhưng không hiểu sao khi nói chuyện, mẹ lại lạnh nhạt với tôi như vậy. Tôi nghĩ mình không thể làm chỗ dựa tinh thần cho bà được thì sẽ có người làm được. Thế là tôi gọi cho bố -một trong những người đàn ông quan trọng trong đời bà. Tôi kể:
- Mẹ sắp đi trại rồi, 2 năm rưỡi. Con định không nói với bố nhưng mẹ sắp đi rồi, con bối rối không biết phải làm gì để mẹ đỡ lo. Bố gọi động viên mẹ nhé?
Bố tôi cố nén cơn xúc động lại mà trấn an tôi:
- Mấy tháng nay bố thấy con có chuyện gì đó rồi mà con không nói nên bố cũng không dám hỏi. Yên tâm, tí bố gọi mẹ cho.
Cuộc gọi hôm đó theo bố kể là cuộc gọi kiệm lời nhất của hai người. Bố tôi chỉ vừa cất lời: "Anh nghe con kể rồi" mà mẹ tôi đã khóc òa lên như đứa trẻ. Mẹ khóc nghẹn, chẳng nói được lời nào. Bố cứ lặng yên cho mẹ khóc như vậy mấy chục phút. Bố biết hơn ai hết, mẹ cực kỳ ghét tù tội. Vì tù tội mà bố mẹ xa cách, vì bố tù tội mà mẹ khổ. Nhưng đâu ai ngờ, đến giờ mẹ cũng phải chịu cảnh như bố. Tôi thấy mẹ khóc được như vậy cũng yên lòng. Ít ra bà có thể xả nỗi buồn đó ra, với người hiểu tình cảnh của bà nhất. Kể từ khi mẹ bỏ đi, bố ra tù, cả hai chưa từng khóc như vậy với nhau một lần. Năm bố mãn hạn tù, mẹ có gọi về hỏi thăm. Cả hai quyết định sẽ làm bạn. Bố tôi còn đi làm thủ tục đổi khẩu để mẹ tôi khai sinh cho thằng Cún. Lúc mẹ và dượng lục đục, bố còn bảo: Nếu mẹ về đây, bố sẽ coi thằng Cún như con. Thế nhưng, tính mẹ tôi lại bốc đồng. Có đợt bà xúc xỉa chuyện bố vô dụng, ăn bám gia đình lại còn bán cả mảnh đất ông nội cho tôi để ăn chơi, bố hận mẹ lắm. Đợt mẹ về chơi, bố tôi còn dụ xuống nhà rồi bắt nhốt, chửi mẹ như con. Hôm đó bố chơi đá, lột sạch vòng vàng của mẹ, dọa giết. Biết chuyện, tôi như chết trong lòng. Chẳng có cảm xúc nào chảy qua tôi được cả. Tôi chỉ biết nhìn những người sinh ra mình như những đứa trẻ đầy thương tổn, khắp người đầy những vết cứa đau đớn, chẳng băng gạc nào vá lành được. Khi chưa gặp thằng Cún, tôi ước nó chưa sinh ra để bố tôi đàng hoàng vào đón mẹ. Gặp thằng Cún rồi, tôi lại không thể có suy nghĩ như vậy được nữa. Khi bố nói: mẹ về, bố sẽ coi Cún như con, lòng tôi đã lóe lên một tia hy vọng nhỏ nhoi: À, chỉ cần thuyết phục mẹ về, tôi sẽ lại có gia đình rồi. Tôi sẽ lại có ngôi nhà đủ đầy thành viên, có bố, có mẹ và cả em. Nhưng từ hôm bố bắt nhốt mẹ, mọi hy vọng trong tôi tắt hẳn. Tôi tưởng bà sẽ không bao giờ tha thứ cho bố và bố cũng không thể yêu thương lại mẹ. Mỗi lần nhắc đến mẹ, tôi thấy bố ngại - cái ái ngại của một người đàn ông không thể phản bác lại khi vợ cũ nói mình vô dụng, cái ái ngại của người đàn ông đã vô tình cắt đứt sợi dây tình nghĩa mỏng manh còn sót lại và cái ái ngại của một người đàn ông đầy hận thù vì bị phản bội, vì không giữ được vợ của mình. Thế mà, đến cuối cùng, bố lại là người đàn ông duy nhất khiến mẹ an tâm òa khóc, an tâm bộc bạch hết những đau đớn trong lòng. Chuyện về bố với mẹ tôi, nhiều lúc như một tấn bi hài kịch lẫn lộn. Nhớ hồi bố mới ra tù, suốt ngày bố gọi mẹ trêu: Em yêu dạo này khỏe không? Chồng con sao rồi? Tết về thăm anh nhé?. Tôi ngồi nghe mà cười tủm tỉm. Chẳng biết đó là cao thượng hay vô tư đến vô tâm nữa. Được đâu vài tháng, bố có người mới, mẹ và bố nhắn qua nhắn lại bắt bẻ nhau, giận dỗi nhau, móc mỉa nhau và copy tin nhắn gửi tôi đọc, tôi phát điên. Đến hôm nay, sau khi nghe mẹ khóc đã đời, than vãn chán chê, bố tôi lại làm hề thêm cái câu chuyện này bằng lời an ủi: "Án em còn chẳng bằng một nửa án anh. Đàn bà con gái vào đó cũng được ưu ái hơn. Yên tâm đi, 2 năm rưỡi thực ra là năm rưỡi thôi. Anh đi nhiều, anh biết!" - Nghe mẹ kể lại lời động viên của bố mà tôi chẳng biết cười hay khóc nữa :).
Bố tôi đi tù lần cuối vào năm tôi lớp 3, hơn một năm sau thì mẹ cũng đùng đùng bỏ nhà đi. Hồi đó tôi chỉ biết là mẹ vỡ nợ. Cả cái huyện tôi sống nhà nào cũng vỡ, vỡ theo chùm theo bầy, mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Lúc vào dọn phòng mẹ, tôi còn thấy cuốn sổ ghi nợ to đùng của bà, toàn những món không đòi được. Làm ăn kiểu mẹ tôi, không lớn thành trùm nên vừa là chủ nợ nhưng cũng vừa là con nợ. Một vài người gãy thì mẹ tôi cũng gãy theo. Biết thế nên sau này tôi ghét nợ nần lắm. Sau này, lớn lên, tôi còn biết mẹ đi không chỉ vì vỡ nợ mà còn do không thể chịu nhà nội tôi. Ông bà tôi thương mẹ như con ruột nhưng các bác trong nhà khinh mẹ con buôn, vay tiền mẹ không trả, lúc mẹ khó, chẳng ai giúp được. Mẹ tôi bỏ xứ mà đi với 2 triệu đồng. Hồi đó, tôi suốt ngày gọi điện vào máy mẹ mà chỉ thấy thuê bao. Tôi chẳng buồn đọc sách, chẳng buồn xem "Ba nữ thám tử" hay "Trò chuyện cùng chú chó trắng" nữa, cả ngày cứ ngồi một cục trước chiếc máy bàn không dây mẹ mới sắm được vài tháng, quay số của mẹ. Tôi quay nhiều đến nỗi, tiếng Anh bập bõm vẫn thuộc được câu: "The number you have dialed is not available, please try again later." Trong trí tưởng tượng trẻ con, tôi còn nghĩ mẹ bị giết giấu xác đâu đó. Đêm nằm ngủ, tôi mơ thấy mẹ bị treo ngược lên cành cây, bị bão cuốn đi, bị vứt ra đường tàu sau nhà. Mẹ tôi đi theo kiểu đột ngột, cả nhà nội tôi biết nhưng không nói nên hồi đó, tôi nghĩ mẹ biến mất. Một ngày mẹ chở tôi đi học, mua cho đôi khuyên tai vàng tây rồi đi mãi. Hôm đó trời bão nhưng tôi chờ cả tiếng cũng chẳng thấy mẹ đến đón về. Hai ngày, ba ngày, rồi cả tuần, tôi không thể tự trấn an là mẹ đi nhập hàng, đi đòi nợ được nữa. Tôi phải chấp nhận: Mẹ đã biến mất rồi. Không ai trong nhà tôi nói với tôi nửa lời về mẹ. Tôi chỉ nghe dì Hạnh mẹ con Thúy kể:
- Tao thấy mẹ mày đang ôm thằng nào đi bên cầu ấy.
Thế là tôi ôm cục tức, cục nhục nhã, co cổ đạp xe lên cầu đứng chờ, mong mẹ đi qua. Lúc đó, tôi nghĩ, mẹ ôm ông nào cũng được, miễn là mẹ xuất hiện.
Con Thúy bảo mẹ tôi đi làm cave rồi, mẹ nó thấy mẹ tôi đang đi đánh bạc, mặc áo hai dây hở vú. Tôi khóc nấc nhưng không dám nói với bà, tôi thấy nhục. Sau này, trong một buổi trị liệu tâm lý, bác sĩ còn chỉ ra: Sự xấu hổ với mẹ nó nằm trong tôi sẵn, nó lớn lắm nhưng tôi nén lại. Bác phân tích: Đau khổ nhất với một đứa trẻ là phải ghét và hận mẹ mình. Đó thật sự là cực hình với nó. Tôi nén sự xấu hổ đó sâu đến mức mọi cảm xúc về mẹ trong tôi bị chết. Tôi đã phải bỏ tiền rất nhiều, nhích từng bước từ: không có cảm xúc gì với mẹ để đến giai đoạn giận tím tái và xả van để được trở về với giai đoạn: học yêu người phụ nữ sinh ra mình. Hồi đọc đoạn trích Trong lòng mẹ của tiểu thuyết Bỉ Vỏ, nước mắt tôi cứ thế tuôn ra như suối, ướt cả trang sách giáo khoa. Tôi thấy mình như nằm trong từng con chữ đó, tôi thấy mình chính là nhân vật bị mẹ bỏ rơi, nghe đủ điều về bà nhưng chẳng điều nào là thật.
Mẹ tôi biến mất như vậy trong 3 năm. Trong 3 năm đó, tôi có muôn vàn kịch bản vẽ ra để lý giải cho sự mất tích của mẹ. Buổi đêm, tôi không dám vào phòng bố mẹ ngủ. Tôi vừa sợ, vừa nhớ. Lúc xếp quần áo, tôi len lén mở tủ bố mẹ ra, ngửi mùi mẹ qua đống đồ cũ mẹ để lại. Vừa ngửi, vừa thấy mình bệnh hoạn nhưng tôi không kìm lại được. Lên lớp 6 thì tôi bỏ dần thói đấy. Trong suốt thời gian mẹ bỏ đi, có một lần mẹ gọi về cho nhà tôi, bảo tôi tìm chiếc điện thoại Nokia mẹ để trong tủ, bật nguồn lên mà dùng để liên lạc cho mẹ. Tôi trở thành đứa được dùng điện thoại sớm nhất xóm. Hai lần lúc ông nội và cô tôi mất, mẹ có về vài ngày. Nhưng tôi không thể lại gần bà. Khi tôi đã chấp nhận được sự thiếu vắng của bà trong cuộc sống, tôi không thể đón nhận bà được nữa. Tôi nhìn mẹ như một hình nộm, một kẻ nào đó đang cố tình bắt chước hình dáng của mẹ tôi. Mẹ đen hơn, ăn mặc diêm dúa hơn và không còn mùi mà tôi vẫn ngửi nữa. Chỉ có một điều duy nhất ở mẹ mà tôi nhận ra đó là sự hào phóng quá độ. Mẹ về và vung tiền cho nhiều người, ngày nào tôi cũng thấy mẹ đi thăm người này, biếu người kia. Mẹ không hỏi thăm tôi, cũng không xin lỗi và hỏi han tôi nhiều. Tôi nói chuyện với mẹ chỉ được vài ba câu rồi cũng chạy đi. Tôi thích nhìn mẹ từ xa hơn. Đợt mẹ bỏ đi được vài tuần, có một người phụ nữ đến nhà tôi, bà nội bảo tôi vào phòng ngồi để bà nói chuyện. Hôm đó, tôi chỉ nghe cô kia nói chứ bà tôi thì im lặng cả buổi. Người phụ nữ đó chửi mẹ tôi là con đĩ, là đứa cướp chồng, nếu mẹ tôi ló mặt về, cô sẽ bắt mẹ tôi đóng cọc ở bàu, lột sạch quần áo mà làm nhục. Bà nội tôi chắc xấu hổ lắm nhưng chẳng nói gì. Người phụ nữ hôm đó là vợ của ba Dương tôi. Tôi gọi dượng, chồng thứ hai của mẹ, là ba Dương vì tôi rất thương người đàn ông đó của mẹ. Đời tôi, có một bố, nhưng tới tận hai người ba. Ba của người yêu tôi không cho tôi gọi bác, ba bảo: Con không là con dâu cũng là con gái của ba nên phải xưng ba gọi con.
Tôi gặp ba Dương năm 18 tuổi. Đợt đó, tôi vừa thi xong đại học. Cầm hết số tiền họ hàng cho để ôn thi, tôi giấu nhà nội, bắt một chuyến xe Bắc - Nam để vào Kon Tum thăm mẹ. Suốt mấy năm cấp 3, tôi vẫn ăn tiền mẹ gửi mà sống, vẫn chứng kiến những cuộc trò chuyện của bố với mẹ, vẫn không thể nói chuyện với mẹ quá 5 phút. Lúc đó tôi chẳng biết mẹ làm gì mà sống, tại sao phải đi xa tôi đến vậy. Tôi chỉ biết mẹ đã có chồng mới, có cả con riêng - một bé trai. Có cô hàng xóm đi cưới người quen trong đó, qua thăm mẹ tôi và kể lại như vậy. Ngày tôi biết tin, tôi nhục mặt lắm. Tôi vùi đầu trong phòng khóc suốt 4 tiếng đồng hồ, đến lúc bà và các cô đi chợ về, tôi phải nín. Tôi hầu như chỉ biết về mẹ qua lời người khác. Lúc có em, bà cũng chẳng nói với tôi nửa lời. Bà nói sợ tôi lo, sợ tôi đau lòng nhưng kỳ thực, bà không nói tôi mới sinh ra xa cách. Tôi gọi cho mẹ để báo giờ xe đến mà ra đón. Lần đầu tiên đi một mình, nằm trên xe gần 1 ngày trời, tôi thấp thỏm đầy sợ hãi. 12h đêm, xe tôi cập bến. Mẹ nhắn tôi một tin vỏn vẹn: "Ba ra đón rồi nhé! Số ba đây:...." Ba? Ba? Ba cái gì cơ? Tôi hận người đàn ông cướp mẹ của mình đến xương tủy, sao mẹ lại nhắn thế được? Nhưng đêm rồi, chỗ mẹ tôi ở là biên giới, không có taxi đi về giờ đó, tôi chẳng còn cách nào phải gọi vào số của người đàn ông đó. Tôi lắp bắp:
- Cháu vừa đến bến, bác... bác.. ở đoạn nào đấy ạ?
Lúc đó ba Dương đã thấy tôi. Ba đánh xe qua chỗ tôi đứng, mở cửa xe xuống nâng vali tôi cất lên xe, miệng không ngừng: "con có mệt không", "đưa balo đây ba cầm cho", "lên xe lên xe đi, lạnh lắm, ba để áo khoác trên ghế sau, lấy mặc vào nhé!". Ba thương tôi và chiều tôi từ lần đầu gặp mặt nhưng lúc đó, tôi hận ông đến mờ mắt. Tôi chỉ thấy khinh khi người đàn ông đó, miễn cưỡng bước lên xe. Sợ tôi đói đêm, ba mua sẵn 3 ổ bánh mì, một ổ cho tôi, một ổ cho thằng Cún, một ổ dành cho mẹ. Ba vừa lái vừa luyên thuyên: Ba chờ con gái từ 11h rồi, phải ra sớm vì cái quán bánh mì này 12h là nó đóng, con đi đêm đói không? Có say xe không? Ba vồn vã còn tôi thì né tránh. Đêm đó, biết tôi ngại, ông thậm chí còn không ngủ ở nhà. Suốt mấy tuần tôi ở đó, ông hiếm khi ở nhà. Trừ bữa cơm và những lần mua "đồ ngon cho con gái thử", ông gần như biệt tích. Dạo đó tôi hay qua nhà dì hàng xóm của mẹ chơi, nghe dì kể tôi mới biết: không phải mẹ và ba cùng nhau chạy trốn mà là ba đi tìm mẹ. Năm đó mẹ bỏ xứ đi, ba tìm mãi, tìm mãi mới thấy mẹ. Ông đuổi theo, xin được chăm mẹ bằng được, rồi theo mẹ đi làm ăn, sướng khổ có nhau. Tôi lúc đó, nghe hết chuyện và chứng kiến thái độ của ba với tôi, với mẹ, cũng bớt phần nào khó chịu với ông rồi.
Sau này, khi tôi vào đại học rồi, lâu lâu ông lại nhắn tin hỏi thăm, gọi điện, gửi tôi ít tiền tiêu vặt. Ông không có nhiều. Tiền trong nhà mẹ tôi giữ hết. Đợt ba mẹ ra Hà Nội có công chuyện, ba còn hứa sẽ đổi xe máy cho tôi. Ba bảo con gái ba đi xe ga cho nó êm, sợ mẹ không dám xin thì ba mua cho. Tôi ngại, trước giờ rất ghét phải tiêu tiền làm ăn của mẹ nên chối không nhận. Vậy mà sau dịp đó 1 tuần, mẹ tôi biệt tăm biệt tích tiếp, gọi không nghe máy. Ba bảo mẹ đi Lào nhập hàng, không có sóng nhưng lòng tôi cứ thấp thỏm. Ba tuần liên tục như vậy, tôi đâm lo. Vừa thi cuối kỳ xong, tôi đi thẳng vào mẹ luôn. Lần đó ba định đi đến nhà bạn, nhường nhà tôi ngủ tiếp nhưng tôi bảo ông ở lại. Có gì nói tôi nghe. Vậy mà ông vẫn không chịu kể. Nếu không phải tôi hỏi dồn, làm ầm lên thì có lẽ ông vẫn giấu nhẹm, tự mình lo liệu. Đợt đó, mẹ tôi bị bắt lần đầu vì khai thác gỗ trái phép, chuyển hẳn lên trại tạm giam. Ba tôi chủ quan, lại luống cuống nên trong đêm mẹ bị bắt, chuyển gần năm trăm triệu cho một tên "cò chạy án" hòng cứu mẹ tôi ra ngay lúc đó. Trước giờ chuyện làm ăn, quán xuyến gia đình, một tay mẹ tôi lo hết. Ba tôi hiền, chỉ biết nghe vợ nên lần này, có người phím cho, ông dồn một cục mà không cân nhắc kỹ. Người ta cứ hứa: mai, ngày kia, tuần sau, tuần sau nữa,... mẹ sẽ về nhưng đã hơn một tháng, gần hết hạn tạm giam, mẹ vẫn chưa được thả, ba chẳng thế giấu tôi, giấu thằng Cún được nữa. Tôi sốc lắm, vừa sốc vừa tức, khóc cả đêm. Ba chỉ ngồi một góc nhìn tôi mà khóc theo. Tôi tức vì đã bao nhiêu lần tôi quỳ xuống xin mẹ đừng làm cái nghề này nữa mà bà không chịu. Sáng hôm sau, tôi hỏi dì kết nghĩa của mẹ (mẹ tôi nhiều anh chị em kết nghĩa lắm), dì bảo:
- Hôm đó mẹ đi gấp quá, cả dì và ba hoảng mà làm ngu. Giờ có cái sổ cái của mẹ để trong két dì, con đi thu nợ hộ mẹ, được nhiêu để lót tiền, gặp mẹ hỏi han tình hình cái cũng được. Tiền vàng bà cầm hết, giờ chẳng biết đâu mà dùng.
Thế là lần đầu tiên trong đời tôi xách sổ đến từng nhà đòi nợ, mà đòi tiền chục, tiền trăm triệu. Bạn làm ăn của mẹ toàn người bặm trợn, tôi sợ lắm. Đòi được một ít, dì bảo vẫn không đủ, tôi mới hỏi:
- Con thấy chú kia có lẽ cũng không lo được cho mẹ đâu. Giờ chỉ nghĩ cách đòi tiền về thôi. Mai con gọi chú, thử lên nhà nói chuyện xem dì nhé.
Đợt đó tôi tức nên không cho ba đi cùng. Dì thì bận bán quán nên tôi đi trước. Trước lúc đi tôi đã hỏi vài chú bạn mẹ, biết được tên "cò" này cũng không phải tử tế gì, có một cô bồ ngay cạnh nhà mẹ tôi và chỉ là người chuyên "dắt đào" cho "cán bộ", vốn chẳng có quyền hành gì can thiệp đến vụ của mẹ. Nghĩ lại thời gian đó, đời tôi như phim. Tôi chẳng ngờ tên khốn đó lại đốn mạt đến mức vậy. Ngày đầu khi tôi mở lời hỏi chuyện mẹ, hắn vấn đon đả hứa hẹn, còn hỏi tôi có muốn chiều gặp mẹ luôn không? Nói rồi, hắn chở tôi lên trại tạm giam, gặp được mẹ thật. Sáng mai, hắn hẹn lên để đưa tôi đến chỗ "cán bộ". Tôi đến nhà, hắn ngồi cả buổi chỉ để nói xấu ba tôi là thằng cha ẻo lả, không biết cái gì nên cứ xồn xồn cả lên. Hắn bảo chiều nay, tôi chịu đi chơi với hắn thì chuyện mẹ về trong nay mai là đơn giản. Tôi nghe đến đó sợ lắm, tôi biết hắn bắt đầu giở trò, vội nhắn tin cho một chú bạn xã hội của mẹ, nhắn cho dì, cho ba nhưng trước mặt thì cứ phải hùa theo lời của hắn, tỏ ra ngoan ngoãn. Từ nhà tôi lên nhà hắn mất 45 phút. Tôi không biết làm gì ngoài nghe lời hắn, đi ra xe để "anh chở em đi dạo tí rồi lên thăm mẹ". Tất nhiên, hắn đưa tôi đến khách sạn, khuất xa nơi vợ hắn có thể biết. Sau này dì tôi kể, hắn phất lên là dựa hơi nhà vợ chứ cũng không tài cán gì. May lúc tôi đến khách sạn, chú bạn mẹ tôi đã phi xe lên đón. Lúc đó tôi đã ghi âm được rất nhiều lời hắn tán phét về cán bộ, lời hắn dụ dỗ đon đả tôi. Leo lên xe chú mà người tôi run bần bật, ba tôi ngồi trong xe, nước mắt chảy xuống thành hàng: Trời ơi, con gái ba, con gái ba, ba làm khổ con gái ba! Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông như vậy. Trong giây phút đó, tôi biết ông thương tôi thật sự, ông xem tôi là con gái thật sự. Ngay đêm hôm đó, ba nhận được điện thoại của hắn. Bằng cách nào đó, hắn đã biết tôi ghi âm trong xe. Không biết hắn đã nói gì với ba nhưng sáng hôm sau, ba đã dọn đồ, bắt tôi bay chuyến sớm nhất về Hà Nội. Ba bảo tôi gửi hết ghi âm rồi ba lo liệu. Nhưng tôi không thể yên tâm được. Về đến phòng, dì tôi nhắn: "Ba đòi được tiền rồi. Hắn sợ bị gửi ghi âm cho vợ lắm." Tôi gọi cho ba hỏi thăm, ba vẫn cứ nức nở: "Con gái đừng giận ba, ba vô dụng, ba làm khổ con rồi." Nghe ông nói thế, tôi chẳng thể nào kìm lòng được. Lần đầu tôi gọi ông là "ba". Lúc đó tôi chỉ biết ấp úng: "Ba bình tĩnh nghỉ ngơi đi, đợi mẹ về rồi tính". Tầm 2 tuần sau, mẹ hết hạn tạm giam và được thả. Mẹ về, tiền cũng lấy lại được nhưng vì chạy án, mẹ phải đi uống nhiều, rồi mất một số tiền lớn, mẹ lại tất tay hơn trong việc làm ăn. Ba cản không được, ba ghen. Ba mẹ lại lục đục. Lần đó, ba gọi cho tôi:
- Ba không chịu nổi mẹ con nữa rồi.
Móc nối nhiều mối quan hệ, cuối cùng nhà tôi cũng lo được cho mẹ án treo. Thế mà Tết đến, mẹ tôi vẫn liều lĩnh nhập pháo lậu vào bán. Vài chuyến thuận lợi, mẹ tôi nhập lô lớn. Đợt đó ba sợ mẹ đang án treo, đi lại gặp nguy hiểm nên đòi đi thay. Ai ngờ, lần đó cũng là lần lô hàng của mẹ tôi bị bắt. Ba bị kết án 10 năm tù. Mấy vụ làm ăn thua lỗ trước đó làm nhà tôi đi xuống nhiều, mẹ không chạy cho ba được nữa. Khi được tiếp xúc nhiều với ba, tôi đã từng hy vọng đây sẽ là người đàn ông cuối cùng của mẹ. Tôi biết ba không tài giỏi, ba không khôn khéo nhưng ba tình cảm. Một người như mẹ tôi, có lẽ chỉ cần người đàn ông chịu nghe mẹ nói, chịu thương yêu mẹ vô điều kiện là đủ. Tôi nghĩ mẹ tôi sống cho nhà chồng, cho chồng nhiều rồi. Có ba, ba sẽ là người sống vì mẹ. Thế mà, chưa kịp gọi ba thêm nhiều lần nữa, tôi đã lại xa ông. Đi tù thì vẫn có thể thăm nuôi nhưng trại ba đi ở rất gần nhà nội, tôi chẳng có dũng khí để đến thăm ông. Tôi lấy quan hệ gì, lý do gì để đùm đùm gói gói đi thăm người đàn ông mà bố tôi và cả nhà nội căm ghét chứ?
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất