"Bar không phải là club"
- Tối nay đi xõa không?
- OK, lên bar quẩy đuêêê…..
    Hey, mà khoan, lên bar sao mà quẩy được, phải lên club chứ? @@
    Mình thấy có một sự nhầm lẫn trong cách gọi bar, pub, club, lounge của khá nhiều người. Hôm nay mình sẽ kê một vài điểm cơ bản để phân biệt cách gọi tên các địa điểm trên. Và mình sẽ chỉ tập trung vào việc phân biệt những bar, pub, club, lounge phổ biến ở Việt Nam (mình gọi chung là quán cho tiện) phục vụ món chính là đồ uống có cồn thôi nhé. Những pub gia đình, những lounge kiểu phòng chờ hay ở các sảnh nghỉ của nhà hàng, khách sạn mình xin không nhắc tới.
    Mình cũng sẽ nói qua một chút về vài nguyên tắc trong việc “đi bar” đúng điệu, nhất là cho những anh em tính hẹn hò với phụ nữ tại bar nhưng ít hoặc chưa bao giờ vào bar. Còn những anh em đã quá quen với không gian bar  rồi thì…đọc cho vui nhá.
    OK, lẹt gâu.

Điểm giống nhau giữa bar, pub, club (hộp đêm), lounge:

          Cả bốn cái tên trên đều dùng để gọi các địa điểm giải trí phục vụ đồ uống có cồn, đồ ăn, cũng là nơi gặp gỡ giao lưu rất phổ biến, nhất là tại các nước phương Tây.
          Thời gian mở cửa của các địa điểm trên thường là vào buổi tối. Ở phương Tây có nhiều bar hay pub mở cửa sớm hơn. Ở Việt Nam thì gần như là chỉ mở cửa sau khi phố đã lên đèn.
          Khách hàng, đương nhiên phải đủ tuổi để được uống rượu theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam là từ 18 tuổi trở lên.

Đọc thêm:

Điểm khác nhau giữa bar, pub, club, lounge: 

Đồ uống chủ đạo:

          Cùng là phục vụ đồ uống có cồn là chính nhưng đồ uống chủ đạo của bar là cocktail, của pub và club là bia hoặc rượu mạnh, của lounge là rượu mạnh (whisky, bourbon, brandy…) hoặc rượu vang và thường mang tính thưởng thức cao hơn các loại hình trên.
Rabbit Hole bar- Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bar mà mình thích nhất

Đồ ăn chủ đạo:

          Đồ ăn chủ đạo trong bar và club thường là các loại hạt, quả khô, đồ ăn nhẹ. Trong club thường có thêm trái cây tươi. Một số bar có phục vụ vài món giàu protein, mặc dù mình ít khi thấy người ta gọi những món ấy.
Tại pub thì đồ ăn có thể phong phú và đa dạng hơn nhiều, từ ăn nhẹ cho tới ăn nằng nặng :v.
Còn với những lounge phục vụ rượu mạnh là chủ yếu, món ăn nếu có thì thường là hạt, quả khô, phô mai, thịt xông khói, một vài lounge mình thấy trong menu có ghi cả steak hay sashimi nhưng mình chưa gặp ai gọi bao giờ.
Một pub ở khu phố cổ Hà Nội

Âm nhạc:

          Tùy theo phong cách của quán, nhạc được phục vụ trong bar, lounge thường là các dòng nhạc Jazz, Blue, Country, Soul… với âm lượng vừa đủ, có một vài bar cũng có phục vụ nhạc EDM nhưng không thường xuyên .
Nhạc trong pub thì đa dạng hơn, có thể là thêm cả những bài hot hit hoặc bật nhạc xập xình cũng có.
Còn trong club thì đương nhiên là nhạc điện tử (hay được mọi người gọi chung chung là nhạc EDM), âm lượng đủ lớn để khiến khách nếu cần nói chuyện sẽ phải hét vào mặt nhau.
Đây là club chứ không phải bar nha mọi người ơiiiii

Đọc thêm:


Nội thất, ánh sáng:

          Nội thất dễ thấy ở bar và pub là quầy phục vụ, hay quầy pha chế, quầy bar. Cái tên “bar” được bắt nguồn từ thanh gỗ dài đặt ngoài quán để buộc dây cương ngựa cho khách tới quán hồi xưa. Sau khi các phương tiện cơ giới trở nên phổ biến hơn ngựa, để tưởng nhớ thời kì trước, các quán rượu đã mang thanh gỗ đó vào quán, gắn vào bên dưới quầy phục vụ đồ uống, ngay vị trí để chân của khách ngồi quầy. Nên nếu bạn để ý, các quán bar luôn có một thanh gỗ/kim loại chạy dài ngay chỗ để chân của các bạn, đấy mới đúng là phong cách bar chuẩn đấy 😊.
          Nội thất thường thấy trong club là các bàn chơi nhạc cho DJ, không gian sử dụng ánh sáng nhiều màu sắc.
          Nội thất đặc trưng của lounge là những chiếc ghế sofa lớn (thường bằng da) với tông màu trầm, ánh sáng dịu vừa đủ, không gian cũng riêng tư hơn nhiều.
          Bar và pub có mức ánh sáng từ dịu cho tới sáng vừa đủ, ít bar dùng ánh sáng mạnh hoặc nhiều màu. Một số bar chỉ đặt đèn ở bàn pha chế và lối đi, tại các bàn chỉ đặt nến, ánh sáng vừa đủ để chỉ hai người đối diện nhìn rõ nhau.
          Một số bar sẽ để dành ra một góc không gian riêng làm lounge, khách ngồi trong lounge kiểu này thường là khách quen của quán.
Một lougne sang chảnh điển hình

Người phục vụ:

          Tại bar, pub và lounge là nhân viên pha chế, nhân viên phục vụ. Tại club có thể có thêm nhân viên rót bia, PG của các hãng bia rượu

Hoạt động chính:

          Đến bar, pub, lounge chủ yếu để gặp gỡ, thưởng thức rượu hay cocktail và nghe nhạc, đôi khi là nhạc sống (với lounge có thể là thêm việc hút xì gà). Một số pub có các trò chơi như phi tiêu, bi lắc, thậm chí bi-a luôn.
Club thường có diện tích lớn hơn hẳn các quán trên nên khách còn được nhảy (chính là việc xõa mà mình nói tới ở đầu bài) và xem các tiết mục biểu diễn khác.

Chi phí:

          Nếu so sánh thì pub có mức chi phí cho một đồ uống không quá cao, bar cao hơn một chút, club và lounge lại cao hơn chút nữa.
    Các club đa phần áp dụng hình thức vé vào cửa, đại ý là cửa vừa mở, chưa kịp làm gì là đã mất xừ tiền :v
OK, vậy nhìn chung theo như mình thấy, để dễ nhớ thì:
    - Cứ nhạc xập xình với âm lượng lớn cho đến cực lớn, có DJ, ánh đèn nhiều màu, mọi người có thể lắc lư nhảy theo nhạc, có vé vào cửa, đi về khá đau đầu thì là club.
 - Cứ có cocktail, có bartender (đa phần khá đẹp zai và khéo miệng) cầm shaker lắc đến to tay, có rất nhiều loại rượu mùi, rượu đắng, nhạc êm vừa đủ, ánh sáng dìu dịu thì ấy là bar.
Đây chắc cốp là ở trong bar nhé
  -  Cứ có sofa da xịn xò hầm hố, không gian riêng biệt, có các anh ngồi uống whisky hút xì gà, các chị uống vang ăn phô mai rồi bàn chuyện tiền tỷ thì là lounge đấy.
    - Còn pub là một thứ khá khó định hình cụ thể ở Việt Nam, ngay cả các quán bia thủ công, bia nhập khẩu, các quán nhậu cũng có thể coi là pub, hoặc nhiều quán như pub lại đề ở biển là bar. Đại để thì pub bình dân hơn, bia rượu đều bán, khách hàng không cần quá cầu kì trong trang phục, có thể giao lưu hơi lớn tiếng một xíu, và cả ăn no nữa.
    Vậy nên đừng nhầm giữa bar và club nữa nhé, đi quẩy thì hẹn nhau đi club chứ không phải bar đâu, đi bar mà đứng lên quẩy với hò hét là nhân viên đuổi về đấy.
    Bây giờ đến phần dành cho các anh em này (chị em cũng có thể vào đọc để mà có thang điểm oánh giá anh em). Mình sẽ cùng nhau nói về một vài quy chuẩn đi uống trong bar khi anh em đi uống hoặc hẹn hò với phụ nữ.
Mình thích cocktail và cũng thường xuyên đi uống hoặc tự pha tại nhà để uống. Mình cũng thích văn hóa đi bar của phương Tây. Mình thường ngồi ở những quán bar bật nhạc Jazz, yên ắng và ánh sáng dìu dịu. Những quán mình hay ngồi để anh em tham khảo:
- Nhạc Jazz nhẹ nhàng thì là The Alchemist bar- Nguyễn Quang Bích
- Nhạc mạnh mạnh một chút: Jigger- Nam Ngư
- Quán có nhiều loại Gin: Mad Botanist- Lý Quốc Sư
- Quán mình thích nhất: Rabbit Hole bar- Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Sài Gòn)
- Quán nhiều rượu vang: Tannin- Hàng Vải
    Dưới đây là những quy chuẩn, kinh nghiệm mình học được, được các đàn anh đi trước truyền lại hoặc tự đúc kết. Bạn ga-lăng thành phản xạ hay có mục đích thì mình không rõ, nhưng dưới đây là những thứ mình nghĩ nên làm trong bar:

Đặt chỗ trước:

          Cho dù phụ nữ là người chọn quán bar đi chăng nữa, hãy đảm bảo bạn là người liên hệ với quán bar trước để đặt chỗ. Đừng đến bar khi chưa đặt trước, nhỡ hết chỗ thì buổi hẹn hơi hụt hẫng đấy.
          Chỗ ngồi ở bar thường có hai kiểu: ngồi quầy và ngồi bàn, khi đặt bàn bạn cũng nói rõ vị trí ngồi mà bạn muốn. Một số quán bar sẽ chỉ cho ngồi quầy khi bạn đi một hoặc hai người, từ ba người trở lên bạn sẽ phải ngồi bàn. Nếu bạn thích nói chuyện với bartender để làm quãng nghỉ những lúc hai bạn tạm hết thứ để nói thì mình khuyên nên ngồi quầy. Còn nếu bạn chỉ muốn tập trung vào cô ấy thì mình đề xuất nên ngồi bàn, và là bàn xa lối đi trong bar.

Trang phục:

          Đừng mặc quần sọoc, áo sát nách hay chơi nguyên cây Adidas. Không ai cấm cả nhưng nếu hẹn hò và ở bar thì hơi không đúng kiểu.

Nên ăn một chút gì đó trước khi đi uống:

        Chẳng ai vui khi đói cả, nên hãy ăn tối trước khi đến bar để uống. Trong bar thường có một vài món ăn nhẹ và hạt, nếu thấy hơi đói bạn có thể gọi để ăn thêm.

Đợi phụ nữ ở cửa:

          Đừng “anh đến quán rồi, anh đợi em trên tầng hai”. Nên đợi phụ nữ ở cửa bar và cùng họ vào bar nếu cả hai không cùng đi đến bar.

Lên xuống cầu thang:

          Cái này thì ít người để ý. Các bạn sẽ thấy nhiều bài viết nói là hãy lên cầu thang sau phụ nữ để đỡ họ nếu họ ngã hay trượt chân. Mình thì khuyên là dù lên hay xuống thì hãy đi trước phụ nữ.
          Hãy đi trước để mở cửa cho cô ấy, báo với nhân viên phục vụ về thông tin đặt chỗ của bạn. Tránh việc để cô ấy đi trước, phải chờ bạn mở cửa hoặc phải "ơ ơ ai biết gì đâu" khi bị nhân viên phục vụ hỏi. Và quan trọng nhất, nếu cô ấy mặc váy, nhất là váy ngắn (đa phần các cô nàng sẽ mặc váy khi đi hẹn hò ở bar, mình thấy thế), đi sau họ khi leo cầu thang thì anh em sẽ làm họ thấy khó chịu hoặc ngại ngùng.
          Nếu cô ấy mặc váy, khi đi xuống bạn vẫn nên đi trước, nhưng nhớ tránh quay đầu lại và ngước lên nhé

Vào chỗ ngồi:

          Nhớ kéo ghế cho phụ nữ, nhất là tại quầy bar vì ghế ở đây thường là kiểu ghế cao, hơi khó ngồi so với bình thường. Nhưng kéo ghế để chô ấy ngồi vào ghế thôi, hãy để cố ấy tự chỉnh ghế cho phù hợp, tránh việc cô ấy đã ngồi xuống rồi mà bạn vẫn ra sức đẩy ghế vào.
          Ở quầy bar thường có một cái móc nhỏ dưới mặt quầy, ngay chỗ bạn ngồi ấy. Bạn có thể nhắc cô ấy móc túi xách/ ví cầm tay vào đó nếu cô ấy muốn. Có một số bar có móc treo áo khoác ở ngay gần cửa, hãy giúp cô ấy bỏ áo khoác và để lên móc treo.
          Luôn ngồi ở chỗ gần phía lối đi hơn nhé.
Nhớ kéo ghế nhé anh em

Gọi đồ:

          Hãy nhường phần yêu cầu đồ uống trước cho phụ nữ. Nếu cô ấy đã đi bar nhiều hoặc biết mình thích món gì rồi thì dễ dợt. Nhưng nếu cô ấy chưa bao giờ hoặc rất ít uống cocktail, thường sẽ nhờ bạn chọn. Nếu bạn cũng thế nốt thì tốt nhất nên hỏi bartender. Nhưng trước khi nói với bartender, hãy hỏi cô ấy về khẩu vị của cô ấy. Đừng nói với bartender kiểu như “em cho anh món nào ngon ngon nhé”, có ai chê món mình làm bao giờ đâu, bartender cũng vậy.
          Hãy hỏi một vài thông tin như “em thích ngọt không, thích chua hay đắng một chút không, thích có nước cam không, có soda không…” đại loại thế. Sau đó hãy nhắc lại yêu cầu với bartender, cụ thể nhất có thể. Ví dụ như “cho bạn anh một món gì đó có nước cam, hơi ngọt một chút”, hoặc “cho anh món gì đó có vị dừa và ít rượu thôi”
          Kinh nghiệm của mình thì với những cô nàng ít uống thì hãy chọn những món nhiều đá, có vị ngọt, mùi trái cây: cam, dừa…ít cồn và có rượu nền là rượu Rum, Gin hoặc Vodka. Ví dụ an toàn như Mojito, Mimoza, Tom Collin, Gin Tonic…
Mỗi bar sẽ có vài món cocktail signature, là những món đặc trưng của quán, do chính quán sáng tạo ra, đa phần là dễ uống với phụ nữ. Bạn có thể thử những món này cũng khá hay.
          Phục vụ bàn không thể hiểu cocktail bằng bartender nên nếu bạn ngồi bàn, cứ nhắc lại yêu cầu với phục vụ để họ nói lại với bartender, đừng nhờ họ đề xuất món cocktail, không sát với yêu cầu của bạn như bartender đâu.
Gin Tonic - lựa chọn an toàn của mình

Uống:

    Với những loại cocktail được đựng trong ly có chân, đa phần được làm lạnh chứ không phục vụ cùng đá nên dễ mất độ lạnh. Bạn nên cầm vào chân ly chứ đừng cầm vào phần thân ly, tránh việc thân nhiệt của tay làm ấm ly. Đấy cũng là cách cầm ly rượu vang hoặc Champagne. 
Với những món cocktail phục vụ kèm đá thì nên uống nhanh một chút, nếu không đá sẽ tan nhiều và làm loãng rượu, càng uống sẽ càng nhạt (có thế nhắc rất khéo léo với cô ấy về cái tip này)
Bạn biết ai cầm ly đúng điệu rồi chứ :)
          Còn nếu anh em đã đến tầm thích Brandy với Whisky nguyên chất thì mình không dám hướng dẫn gì luôn :v
          Nếu món đồ uống chưa thực sự hợp với cô ấy thì bạn có thể yêu cầu bartender thêm một chút thành phần gì đó để bớt chua/bớt ngọt/ nặng độ cồn hơn, họ không ngại việc đó đâu. Đừng để lại đến quá nửa lượng rượu, đối với bartender thì đấy là một lời chê bai thậm tệ. Uống cocktail không phải như đi ăn tiệc kiểu Hà Nội thanh lịch, không cần để thừa đâu, uống hết cũng là một lời khen với bartender.
          Nếu cô ấy có hứng uống đến ly thứ hai trong cuộc hẹn lần đầu tiên, chúc mừng anh em đã trúng số. Món thứ hai có thể nâng đô lên một chút nhé, để vị rượu đượm hơn. Nếu bữa ăn trước đó nhiều protein hoặc hơi mỡ thì rượu có vị cam đắng cũng không tệ tý nào.

Nói chuyện với bartender:

          Trong từ bartender, bar là chỉ quán, tender có nghĩa là nhẹ nhàng và ân cần. Nếu bạn muốn nói chuyện với một ai đó, muốn uống trong một không gian thư thái nhưng lại không có ai đi cùng để kể dăm ba câu chuyện sau một ngày làm việc dài, bạn nên đến bar chứ không phải pub hay club.
            Thường thì khi bạn đi theo cặp, bartender sẽ chỉ hỏi bạn xem đã hài lòng với đồ uống chưa chứ ít khi chủ động bắt chuyện với bạn. Nếu bạn thích hỏi về các thành phần hay tên của món đồ uống hoặc vài thứ liên quan tới rượu thì nếu không bận, bartender sẽ không ngại tiếp chuyện bạn đâu. Nếu bạn cũng hiểu về rượu thì đây là một chiêu lấy le với cô ấy khá là ổn :v

Gọi phục vụ bàn:

            Đừng "em ơi" thật to như ở trong quán bia, hãy nhìn về phía phục vụ bàn và ra dấu bằng cách giơ cao tay lên một chút, có thể giơ ngón tay như ảnh. Phục vụ bàn trong bar có khả năng bao quát khá tốt nên họ sẽ không khó để thấy bạn đang gọi họ đâu.
Cách gọi phục vụ bàn mà không cần phải "em ơiii"

Thanh toán và tip:

          Thanh toán là một chuyện khá tế nhị và người ta đã tranh luận về nó quá nhiều rồi. Không biết ý kiến anh em thế nào chứ trong lần đầu hẹn hò, theo mình đàn ông nên là người chủ động yêu cầu tính tiền, nhận hóa đơn, đề nghị được là người thanh toán. Đây có thể coi là nghĩa vụ và quyền lợi của anh em trong lần hẹn đầu tiên. Những lần tiếp theo đó thì tùy vào thỏa thuận của hai bạn. 
        Người phụ nữ ý nhị sẽ đề nghị được share hóa đơn, nhưng đàn ông vẫn nên đề nghị được và nhận phần thanh toán. 
        Nếu cô ấy cứ thế ngồi và không hề nói bất cứ điều gì về vấn đề thanh toán, lờ lớ lơ và mặc nhiên coi đó là chuyện của bạn, mình nghĩ bạn cũng vẫn nên thanh toán tất cả trong lần này, vì làm quái gì có lần tới đâu mà lo. 
        Nếu cô ấy cứ nằng nặc yêu cầu share hóa đơn bằng được thì có hai hướng. Một, đó là một cô nàng cực kì độc lập và cá tính, nếu cô ấy vẫn nhận lời hẹn vào lần tới thì chúc mừng bạn. Hoặc hai, trong lần hẹn tới, mà cũng làm quái gì có lần tới :v
          Nếu bạn hài lòng về chất lượng phục vụ và đồ uống, có thể tip cho bartender hoặc phục vụ bàn nếu muốn. Cách thanh toán dễ thương nhất là chuẩn bị tiền mặt để tip từ trước, kẹp thẻ thanh toán và tiền mặt để tip vào chung với hóa đơn.
          Ở một số bar, khi được khách tip, bartender sẽ xin phép được mời bạn một shot đồ uống nào đó. Bạn có thể uống hoặc không, tùy ý, mình thì chưa bao giờ từ chối :v
        Đó là vài điều mình muốn nói về bar và quy tắc đi bar thông dụng.
     Còn đây, khoe với mọi người một chút về tủ rượu nhỏ tại nhà của mình:

Chúc anh em có một bữa uống thật tình ;))
---Khi đăng lại bài viết ở một nơi khác, vui lòng ghi rõ tác giả: Thành Ỉn---
Đọc thêm: