Làm lạnh hay không làm lạnh rượu ?
“Ngon hơn khi uống lạnh”, câu đó không chỉ dành cho nước giải khát hay bia mà còn áp dụng cho cả rượu. Rất nhiều người thích uống rượu...
“Ngon hơn khi uống lạnh”, câu đó không chỉ dành cho nước giải khát hay bia mà còn áp dụng cho cả rượu. Rất nhiều người thích uống rượu đã được làm lạnh, hoặc làm mát. Nhất là vào mùa hè, nóng vã mồ hôi có thể khiến việc uống rượu không còn là cái thú nữa.
Liên quan tới yếu tố lịch sử một chút. Rượu Tây (bao gồm cả rượu mạnh và rượu vang) được làm ra bởi…người Tây, đương nhiên rồi (lol), ban đầu chủ yếu là các nước châu Âu. Nền nhiệt độ thấp, nhất là vào mùa đông khiến cho việc sản xuất, bảo quản và thưởng thức rượu ở các quốc gia này thuận tiện hơn so với ở Việt Nam. Nơi được dùng để chứa rượu chính là các hầm rượu với nhiệt độ ổn định, không có ánh sáng trực tiếp.
Đọc thêm:
Ở nơi có mùa hè nóng và nền nhiệt độ cao như Việt Nam, các cụ nhà mình nhanh trí nghĩ ra cách khác, không cần chi phí cao cho việc xây dựng hầm rượu: đấy là hạ thổ, tức là chôn rượu xuống đất. Rượu thường được hạ thổ trong vườn nhà, chỗ mát mẻ, tận dụng nhiệt độ thấp của nền đất, cũng là để tạo ra môi trường yếm khí, tránh việc hư hỏng rượu. Ở một số nơi tại vùng núi phía Bắc, bà con còn mang chai rượu ra ngâm dưới lòng suối, khe nước để làm mát trước khi uống.
Đọc thêm:
Hiện nay, để bảo quản rượu trong gia đình, người ta thường sử dụng các loại tủ bảo quản rượu aka tủ làm mát rượu. Ưu điểm là dễ di chuyển, nhỏ gọn đủ dùng. Giá cả dao động từ sáu bảy triệu cho tới cả trăm triệu.
Tuy nhiên, trong thời điểm mà đất đắt hơn vàng còn răng thì chưa đủ vàng để vặt ra bán, với những dân tay ngang tập tành uống rượu Tây và nhà chỉ có dăm ba chai như anh em mình thì xây hầm, hạ thổ hay thậm chí mua tủ bảo quản rượu là quá khó hoặc không thực sự cần thiết. Vậy nên mình sẽ nói về vài cách làm lạnh, làm mát dễ dàng hơn nhé.
Cách thứ nhất: Làm lạnh ly.
Các bạn có thể cho ly vào ngăn mát, thậm chí ngăn đá của tủ lạnh khoảng từ một vài cho đến vài chục phút trước khi mang ra sử dụng.
Đọc thêm:
Một cách làm lạnh ly khác đó là cho một chút đá viên vào trong ly, dùng thìa (có thể dùng đũa nếu nhà bạn toàn thìa to :v) quấy đá liên tục cho tới khi thấy ly đã lạnh và hơi nước đọng lại đều ở mặt ngoài của ly thì đổ đá và nước do đá tan trong ly ra ngoài. Cách này sẽ làm lạnh ly nhanh hơn cách cho ly vào tủ lạnh.
Tuy nhiên hai cách này có nhược điểm là độ lạnh không sâu và ly rất dễ mất độ lạnh vì chính nhiệt độ của lượng rượu trong ly. Và nếu tủ lạnh nhà bạn toàn cá với thịt thì cả đá lẫn ly đều sẽ có mùi….khá là í ẹ.
Cách thứ hai: Làm lạnh chai
Có một mẹo thường được áp dụng đó là tống cả chai rượu vào trong tủ lạnh cho lạnh te tái luôn.
Với một số chai rượu có nồng độ cồn cao (thường là 40% hoặc xấp xỉ thế), mọi người có thể cho cả chai vào ngăn đá của tủ lạnh. Mình thường cho một số chai mà mình có như Jagermeister, Limoncello, Vodka vào ngăn đá tầm 15 phút trước khi uống. Nếu các bạn lỡ quên mang chai rượu ra cũng chẳng sao đâu, với nồng độ cồn cao thì rượu không thể đóng băng được. Nếu rượu đóng băng thì bạn đã có thêm một kinh nghiệm để nhận biết đâu là chai rượu giả rồi đấy.
Việc làm lạnh sâu như này thường dành cho các loại rượu uống theo shot, hoặc uống theo kiểu “mày chết mẹ mày với tao”, tức là uống tới bến luôn ấy. Độ lạnh sâu sẽ khiến vị giác chậm lại một chút, làm cho vị gắt và mùi cồn có vẻ giảm đi, dễ uống hơn. Việc uống một ly shot lạnh đến long óc cũng rất là phê. Còn với những loại rượu khác, đặc biệt là những chai có hàm lượng chất béo cao (có nhiều loại rượu có lượng chất béo cao thật đấy, không đùa đâu :v) thì thôi, đừng cho vào ngăn đá nhé.
Đa phần rượu có nồng độ cồn thấp như vang, Champagne hay các loại rượu khai vị, nhiệt độ bảo quản thích hợp thường trong ngưỡng 12-18 độ C tùy loại. Tuy nhiên, ngăn mát của các tủ lạnh gia dụng phổ biến thường có mức nhiệt thấp hơn 12 độ C. Nếu để bảo quản dài hạn các loại rượu trên, với ngăn mát tủ lạnh thì mình nghĩ là đừng, đấy là còn chưa tính đến việc ánh sáng, độ rung lắc và độ ẩm của tủ lạnh đều không phù hợp. Nhưng nếu bạn thi thoảng mới nổi hứng mua một chai vang về để uống với gia đình hoặc bạn bè trong một bữa tiệc nho nhỏ ấm cúng thì cũng đừng ngại việc cho chai vang đó vào ngăn mát một lúc trước khi uống.
Nếu không, bạn có thể lấy một cái xô, cho nước lạnh hoặc đá viên vào xô sau đó cho chai vang vào xô một lúc. Miễn là đừng ngập cả chai trong xô nước là được, chai vang thường có nút bần dễ ngấm nước.
Với những loại vang trắng phổ thông thì hãy mang chai khỏi tủ lạnh và để trong nhiệt độ phòng một lúc để làm ấm chứ đừng uống ngay nhé.
Mình cũng khuyên là khi đã mở vang thì hãy uống hết luôn cả chai trong lần đó, vì đã không uống hết trong ngày mà lại còn không có tủ chuyên dụng, vang không khéo cũng thành giấm cả thôi. Nên đã đã mở là xác định quất hết cả chai luôn. Nếu nhắm không uống hết được thì đậy lại, cho ngăn mát tủ lạnh, ngày mai làm bít tết sốt rượu vang với chút lá hương thảo thì quá là ngon.
Cách thứ ba: Uống với đá
Đơn giản, nhanh gọn, không mất thời gian, lạnh rượu nhanh, tuy nhiên không phải rượu nào cũng uống với đá được. Các loại cocktail thì khác, phần lớn được làm lạnh bằng đá viên trước khi uống nên có thể coi là ngoại lệ vì công thức pha chế bắt buộc là như thế rồi.
Whisky uống với đá viên thì cũng ổn, không phải là hiếm, nhưng vang mà uống với đá là dở rồi. Đá viên làm từ nước thì sẽ tan, mà tan thì sẽ làm loãng rượu. Uống rượu lúc này giống như ăn mía mà ăn từ gốc lên ngọn vậy, càng ngày càng nhạt.
Như mình từng viết trong bài trước, đá dùng để uống Whisky (hoặc Whiskey) nên là đá viên loại to. Nếu cầu kì thì các bạn có thể làm đá viên trong veo tại nhà chứ không phải loại đá viên có lõi trắng xốp xồm xộp như bình thường. Mình sẽ viết một bài về cách làm loại đá trong veo này sau.
Cầu kì hơn, vẫn là đá, nhưng không làm từ nước. Lạ đúng không, đá mà không làm từ nước. Có một loại đá mới, được sử dụng trong thưởng thức rượu, Việt hóa gọi là đá vĩnh cửu. Đá này có dạng viên, giá bán từ vài chục nghìn cho tới hàng chục triệu đồng. Chất liệu của đá vĩnh cửu là các loại hợp kim, đá tự nhiên, ngọc. Mình mới dùng qua đá vĩnh cửu từ hợp kim chứ ngọc với đá tự nhiên thì chưa được thử nên chưa biết khả năng giữ lạnh của mấy loại ấy như nào. Còn với loại hợp kim thì chỉ việc cho vào ngăn đá của tủ lạnh, sau đó mang ra dùng như bình thường thôi.
Ưu điểm của loại đá vĩnh cửu này là lạnh lâu, không tan nên không làm loãng rượu, dùng được nhiều lần. Nhưng với những người không thích cảm giác có kim loại hay một thứ gì đó…là lạ trong cốc rượu như mình thì kiểu đá này sẽ không hợp.
Với rượu vang, có một mẹo dùng đá nữa để không mất thời gian làm lạnh và không quá làm loãng rượu. Đó là dùng quả nho đỏ đóng đá. Các bạn có ăn nho thì để lại vài quả rồi cho vào trong một hộp nhỏ, kín sau đó cho vào ngăn đá. Khi nào uống vang mà không kịp làm mát thì cho một vài quả nho đá ấy vào ly vang. Cách này có thể chấp nhận được, không hề tồi vì mình từng thấy nhà hàng họ làm rồi.
Cách thứ tư: Cần quái gì tủ lạnh hay làm lạnh.
Rượu ra đời từ trước khi con người phát minh ra tủ lạnh từ rất lâu, hàng nhiều nghìn năm. Thành ra trước đây, các loại rượu được uống theo cách nguyên thủy nhất, đó là….cứ thế mà uống thôi.
Whiskey có thể được pha thành hàng trăm loại cocktail, nhưng kiểu uống Whiskey phổ biến nhất với những người đã lỡ thích nó, vẫn cứ là uống nguyên chất.
Tequila nổi tiếng thế giới nhờ combo liếm muối – uống rượu – cắn chanh, nhất là trong các party chơi tới bến nhưng tại quê hương của nó – Mexico, người ta chỉ rót ra và cứ thế uống thôi.
Brandy, Vodka, Rum, Gin trước kia cũng đều được uống theo cách như thế.
Ngay như các loại rượu truyền thống của Việt Nam, cách uống rượu được làm lạnh cũng mới chỉ phổ biến khoảng hơn hai chục năm nay thôi, các cụ mình xưa vẫn uống theo kiểu cũ, uống luôn cho thơm, lách cách gì cho mệt.
Đại để là nếu để chơi đúng bài đúng điệu hoặc đi dự tiệc, bạn nên để ý một chút đến những nguyên tắc căn bản trong việc uống rượu. Còn nếu uống tại nhà hoặc bạn là người ngầu lòi và không quan tâm tới miệng lưỡi thế gian thì nguyên tắc vẫn là “ngon tức là ngon”. Bạn uống Whiskey pha với siro ho và muối đi chăng nữa mà bạn thấy nó hợp và ngon thôi rồi Tổ Quốc ta ơi thì bạn cứ nên uống như thế. Mục đích chính của ăn uống vẫn cứ là để sướng cái miệng mình trước đã, nhỉ!.
Nấu ăn Ẩm thực
/nau-an-am-thuc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất