Bài cùng tác giả:

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ khoảng 2500 năm trước, ở Hy lạp, tại một hòn đào nhỏ đối diện thành Athen có tên là Aigina. Onesikritos – một công dân giàu có ở đảo, đã nói với con trai út Androsthenes của mình:
“Con trai của ta, con rất đẹp, con rất khỏe, không ai có thể đánh bại con trong môn ném lao hay trong một cuộc chạy đua, nhưng con lại đang lạc hậu trong thứ quan trọng nhất.”
“Thứ đó là gì vậy bố?”, Androsthenes hỏi, ngạc nhiên khi mình lại phải học sau một khoảng thời gian dài đã đến trường.
“Tâm hồn con! Vậy nên ta đã quyết định sẽ gửi con tới Athen. Ở đó, con sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi đền lộng lẫy, những tác phẩm điêu khắc tuyệt diệu hơn bất cứ đâu; nhưng trên hết, con sẽ được nghe nhà triết học vĩ đại bậc nhất thế giới giảng bài.”
“Bố đang nói tới ai vậy?”
“Tất nhiên là Platon rồi! Con sẽ vào học ở trường ông ấy và sẽ rời khỏi đó với sự thông thái và tháo vát, để có thể gây dựng, bồi đắp thêm cho cuộc sống của mình.”
Anh chàng Androsthenes nắm lấy tay cha mình và hứa sẽ học tập thật chăm chỉ. Nhưng thực ra, anh chỉ đơn giản là đang vui sướng khi được đến thăm thủ đô Athen xinh đẹp của Hy lạp. Người ta thường ca ngợi, nó là một thành phố đầy khoái lạc.
“Trước hết”, Onesikristos nói, “con hãy cầm lấy compa, thước vuông và tập vẽ hình, bởi Platon không thèm dạy những kẻ kém môn hình học đâu!”
Androsthenes khá lo ngại, bởi hình học không phải là thế mạnh của anh, thế nhưng để đến được Athen thì không còn cách nào khác! Thế là, anh chàng chạy tới bờ cát, quỳ xuống và bắt đầu vẽ một chuỗi những hình: tam giác, hình vuông, hình tròn… Sau một vài tuần tập luyện, anh đã sẵn sàng lên đường.

Tới Athen. Không khí thật dễ chịu, cả thành phố sáng bừng và đông đúc người qua lại. Cư dân ở đây mặc những bộ quần áo lộng lẫy. Trong chợ, những chiếc bàn bị lún xuống dưới sức nặng của đống hàng hóa chất phía trên. Những ngôi đền linh thiêng được dựng lên bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần. Ở mỗi góc phố mọc lên các nhà nghỉ, thu hút khách tới thăm bằng những chai rượu hảo hạng bậc nhất Hy lạp. Androsthenes biết rằng mình đã bị thành phố này quyến rũ. Nhưng đầu tiên, anh phải tìm tới ngôi trường của Platon đã… Anh hỏi đường một người dân Athen, nhưng có vài thứ làm anh sao nhãng: Một gã ăn xin vừa đi lang thang trong chợ vừa đung đưa trên tay chiếc đèn lồng đã được thắp sáng. Lúc này, mặt trời vẫn còn treo cao trên đỉnh đầu! Gã ngốc rách rưới bỗng hét lên giữa đám đông:
“Tôi đang tìm một con người! Tôi tìm một con người! Tôi có thể tìm bao nhiêu tôi thích, và tôi chẳng thấy ai!”
Androsthenes cau mày tự hỏi cái người hành xử kỳ lạ kia là ai. Nhưng cư dân Athen thì liếc mắt tảng lờ đi nơi khác, cứ như thể không có gì xảy ra.
Trường của Platon là một học viện. Tòa nhà nằm trong một khu vườn rộng lớn. Platon cho gọi anh chàng vào và ngay lập tức hỏi:
“Ngươi là một nhà hình học có triển vọng?”
Androsthenes lặp lại những thứ anh đã học thuộc lòng. Anh nói về góc, đoạn, các đơn vị đo lường diện tích và chu vi hình tròn. Vị triết gia bằng lòng và cho phép cậu tham gia vào lớp học. Những học sinh khác đã ngồi sẵn trên ghế. Sau đó, Platon bắt đầu giờ lên lớp.
“Thưa các học sinh yêu mến”, ông mở lời, “hôm nay, chúng ta sẽ nói về thành phố lý tưởng…”
Mọi người đều ghi chép chăm chỉ. Riêng Androsthenes thì ngó nghiêng khắp nơi; anh chàng đã quên mất việc phải mang giấy bút đi. Cậu không hiểu gì; và thấy bài giảng thật tẻ nhạt. Còn Platon thì cứ nói và nói và nói…hàng giờ liền.

Androsthenes tốt nhất là nên cầu mong sự giúp đỡ.
Cậu ta bắt đầu thấy đói bụng, cả nóng nực nữa. Chàng ta đã nghe quá đủ về thành phố lý tưởng rồi, chi bằng đứng dậy và làm một vòng thăm thú quanh Athen để hít hà vị biển cùng những hàng cây oliu thì hay biết mấy.
Đang bắt đầu sắp sửa gật gù, thì cậu phát hiện ra người ăn mày với chiếc đèn lồng đang nhìn qua cửa sổ, và lắng nghe buổi thuyết giảng. Platon cũng đã nhìn thấy kẻ tọc mạch, liền ném vào gã một cái nhìn bực tức. Người ăn mày bắt đầu cười.
Ông làm gì ở đây thế, Diogenes? Dừng cái điệu cười đó đi!” Platon lên tiếng
“Ơ thế hóa ra là lỗi của tôi, khi ông nói ra những điều nực cười à?”
Người ăn mày bẩn thỉu và đầy lông lá dựa mình vào bậu cửa sổ với thái độ thách thức. Platon vẫn bình tĩnh tiếp tục bài giảng của mình. Ông bắt đầu với chương 10 trong sáng nay, nói về con người và hỏi học sinh về định nghĩa của loài người.
“Con người”, Platon nói, “không phải là đồ vật cũng không phải là cây cỏ. Mà đó là một loại động vật.”
“Vâng, đúng vậy.” các học sinh đồng thanh trả lời.
“Và liệu ta có biết được loại động vật này gồm bốn, ba hay hai chân không?”
“Gồm hai chân”
“Con người là động vật đi bằng hai chân. Nhưng mà cẩn thận! Loài chim cũng chạy nhảy bằng hai chân và đương nhiên không phải là con người.”
“Ồ không!” tất thảy kêu lên
“Vậy thì, ta phải nói là: Con người là động vật đi bằng hai chân, không có lông vũ.”
Các học viên vỗ tay thán phục. Androsthenes thì rất đỗi ngạc nhiên khi nghe rằng mình chính là động vật hai chân không lông vũ.
“Tuyệt vời!”, Diogenes cười khẩy và xoay người sắp sửa bỏ đi. “Ồ Platon thần thánh, tôi đã được ông khai sáng! Bây giờ thì tôi đã biết người ta định nghĩa về loài người như thế nào rồi!”
Platon tiếp tục thuyết giảng thêm 30 phút nữa, thì bỗng dưng kẻ ăn mày quay trở lại. Ông mang theo một con gà đã được vặt sạch lông.
“Đây, hỡi nhà thông thái vĩ đại, đây là con người theo ý ngài đây!”

Toàn bộ học sinh ở đó bật cười rũ rượi. Platon bị làm cho bẽ mặt, hét lên đầy giận dữ:
“Quỷ tha ma bắt ông đi, Diogenes! Để chúng tôi được yên! Và cả các người“, ông rít lên với học trò mình „các người xem mình có đang toe toét cười như mấy đứa ngốc không cơ chứ!“
Platon cực kỳ ghét bị người khác phản đối lại mình, đặc biệt là ở nơi công cộng. Thế nên, ông buộc tội tất cả những kẻ làm như vậy là ngu ngốc và không biết gì. Trong lần này, ông liền cho dừng buổi học.
Androsthenes phấn khởi rời khỏi lớp. Cậu chàng nhanh chóng đưa cho gã ăn mày một đồng tiền để cảm ơn vì đã giải thoát mình! Anh dùng nguyên buổi chiều để thăm thú thành phố. Một làn gió nhẹ thổi từ biển làm cây lá xào xạc. Phụ nữ và đàn ông đi dạo trên các khu chợ. Phía xa xa có một đám đông đang tụ tập. Thật là một sự tình cờ đầy may mắn! Anaximenes đang thuyết giảng ở đó! Ông được ngợi ca là một trong những người thông thái nhất Hy lạp. Androsthenes không muốn bỏ lỡ sự kiện này. Nhưng khi ông vừa mới bước lên bục nói, thì Diogenes cũng vừa chạy kịp tới.
Giờ đây, thay vì chiếc đèn lồng, gã ăn mày đang cầm trên tay một con cá trích và vẫy vẫy nó trước mặt người khác. Lo sợ bộ quần áo đẹp của mình sẽ bị nhuốm bẩn, bọn họ nhanh chóng dạt sang hai bên. Anaximenes không thốt nổi thành lời trước những hành động khó hiểu của đám đông.
„Nhìn xem, Anaximenes! Ông có sức mạnh tập hợp dân chúng bằng lời nói của mình! Con cá trích này lại có sức mạnh xua tan nó! Ai trong hai vị quyền lực hơn? Ông hay con cá trích?“

Anaximenes tái nhợt đi vì giận dữ. Một người đàn ông hói đầu phẫn nộ lên tiếng:
“Cái miếng giẻ lau tanh mùi cá, không thể gột sạch nổi kia! Rõ là ngươi đang biến mình thành trò cười cho thiên hạ. Nhìn cái áo khoác của ngươi đi, đúng là một…”
“Tôi lấy làm mừng cho bộ tóc của quý ông đây, vì nó đã kịp rụng ra khỏi cái quả đầu ngu ngốc”, Diogenes trả lời, trước khi bỏ đi, tìm đến kẻ khác để chế nhạo.
Androsthenes khoái chí, dò hỏi gã đầu trọc xem có phải người ăn mày này lúc nào cũng như vậy không.
“Luôn luôn! Chúng tôi không có lấy một ngày yên bình. Lão ta làm xáo trộn mọi thứ hết cả lên. Thứ mà anh chứng kiến hôm nay vẫn chưa là gì đâu, chàng trai trẻ ạ! Có lần, ông ta còn đứng giữa đám đông đang chăm chú lắng nghe một diễn giả, rồi vén cao tà áo lên, và cúi xuống đi đại tiện. Thế đấy, ông ta cố thể hiện cho người xung quanh biết suy nghĩ của mình về đám đông đó.
Vào một lần khác, lão còn xúc phạm tới cháu trai tôi, trong khi nó được khắp nơi tán dương về chiếc áo khoác lông cừu của mình. Diogenes chế giễu cháu ta là con cừu mua vui!
Lần nữa, ông còn kích động người khác đến mức suýt bị tẩn cho một trận nên thân. Để trả thù, lão viết tên họ lên một cái bảng đeo trước ngực. Thế là, tất cả người dân Athen đều được nghe lão rêu rao về sự hèn nhát của những công dân cao quý đang tâm tấn công một gã ăn mày nghèo khổ.
Lão cũng chẳng chịu để yên cho ai khi đang ngồi trong sân vận động. Thay vì ở yên một chỗ, lão ta lại đứng thẳng người trên khán đài và la ó tất cả vận động viên ở khắp mọi thành phố! Sẽ đến một ngày, mọi thứ đi quá xa và lão sẽ bị kết án tử như Sokrates vậy!”
Những phiến đá cẩm thạch trắng nơi đền chùa đã đổi sang sắc đỏ hồng của màu hoàng hôn. Cư dân thành Athen đang vui vẽ tán gẫu với nhau. Androsthenes trầm ngâm đi bộ trên phố và nghĩ về Diogenes kỳ lạ. Bỗng cậu nhìn thấy biển hiệu quán rượu.
Chẳng phải anh đến Athen để hưởng một ít khoái lạc hay sao? Cậu chàng liền bước vào quán và yêu cầu được uống loại rượu đến từ đảo Chios – thứ rượu được cho là cực kỳ nặng đô và cũng cực kỳ thượng lưu.
Khi anh vừa kề môi lên chén, thì một người đàn ông nổi tiếng cũng nhập bọn cùng đám đông trong quán. Bài thuyết giảng của ông vô cùng ấn tượng và thú vị, Androsthenes có thể đọc thuộc lòng nó vanh vách. Nếu cậu mang chuyện mình bắt gặp Demosthenes kể cho bạn nghe, chắc hẳn sẽ không ai dám tin mất!
Đột nhiên, ở nơi cửa, Diogenes lớn tiếng bước vào! Demosthenes liền cố gắng giấu mình vào trong căn phòng phía sau. Đây chẳng phải nơi hay ho gì để mà xuất đầu lộ diện!
“Ông lại ngồi kia và chìm đắm trong quán rượu nữa rồi!”
Cả quán rượu bắt đầu cười rộ lên. Đỏ mặt vì xấu hổ, người đàn ông vĩ đại lắp bắp nói:
“Tôi cũng có quyền sống hưởng thụ một tí chứ!”
“Nốc cái loại rượu với cái đám người cặn bã này mà ông gọi là hưởng thụ hả? Ít nhất nó cũng khiến ông vui vẻ chứ?”
“Tất nhiên rồi”, Demosthenes khẳng định, và lại bắt đầu cái điệu bộ khoa trương quen thuộc. “Loại rượu này chính là cực phẩm, và khi tôi uống nó, tôi hoàn toàn hạnh phúc! Lại đây, nhâm nhi cùng tôi nào.”
“Thú vui này xem chừng quá đắt đỏ với tôi.”
“Ý ông là gì? Ông không phải trả, tôi mời mà.”
“Thế thì nói tôi nghe, ông phải trả cho bao nhiêu khổ đau để đánh đổi lấy niềm vui này?”
“Chẳng cái nào cả!”

“Không cái nào! Những giàn nho được trồng trong vườn, quả của nó khi chín sẽ được thu hoạch và nghiền nát, nước ép nho được chứa trong chum lớn và được người thợ mang xe thồ hàng chở đi. Những bình rượu này thậm chí còn phải băng qua cả đại dương! Nó đặm cả mùi của bão giông và cướp biển. Và ngoài ra, những thợ thủ công, thủy thủ, nông dân cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, để cho mặt trời thiêu đốt da thịt, để cho bản thân đau đớn bởi những dụng cụ làm việc, một số bị sóng vùi hay bị bán đi như nô lệ, và tất cả những chuyện này nhằm để làm gì? Để cho một chén rượu! Giờ thì nói tôi nghe, liệu ai có thể vui thú với loại rượu này?”
“Chà, ừm…tôi!”, Demosthenes ấp úng.
“Ông? Nhưng hãy nghĩ xem ông đã đánh đổi bao nhiêu ngày làm việc để có được khoái lạc này! Và bây giờ, sau khi ông đã uống cạn chén rượu, tôi cam đoan là ông đang ngồi mơ tưởng về một loại rượu khác đắt đỏ hơn, từ đảo Lesbos chẳng hạn! Và nếu như ông đã được thử rượu của Lesbos, vậy thứ đồ uống tiếp theo ông thèm khát là gì? Một thứ nước trường sinh bất lão? Thứ nước Nekta nổi tiếng là cái tên người ta gọi cho nó, mà nghe đồn chỉ cần một giọt thôi cũng đủ để kéo dài tuổi trẻ và sắc đẹp đến vô tận. Nhưng ông sẽ phải bù vào đó bao nhiêu ngày làm việc, để có thể mua Nekta? Ông còn phải nịnh họt thêm bao nhiêu đấng quân vương nữa để tích lũy đủ số tiền cần cho loại thức uống đó? Và cần phải phản bội bao nhiều người bạn nữa để trở nên giàu có? Cái miệng háu ăn của ông đang ngày càng sành sỏi đến phát tởm lên được! Thậm chí ngay trong cái thú vui thấp kém nhất của ông cũng đòi hỏi một nỗ lực vô cùng lớn.”

“Diogenes, ông không hiểu rồi! Cái thú vui mà ông vừa nhắc tới, nó không hề quan trọng! Tôi chỉ uống mỗi một chén, thế thôi.” 
“Trước đó ông bảo tôi rằng nó làm ông thỏa mãn, giờ thì ông lại nói rằng nó không quan trọng. Thế hóa ra, ý ông là việc trở nên vui vẻ, thoải mái là không đáng đếm xỉa tới ư?”
“Ông đang chọc giận tôi đấy, Diogenes. Thứ ông kể lể từ nãi giờ thật vô nghĩa.”
“Tôi thì cho rằng, ông đang dần cảm thấy vị đắng của rượu rồi đấy.” 
Những vị khách trong quán rượu cười đầy ẩn ý.
Bị nhạo báng thảm hại, Demosthenes rời khỏi đám đông mà không thèm chạm vào cốc rượu thêm lần nào nữa.
Diogenes quay lại nói chuyện với những người khác:
“Thật ra, mỗi khi tôi khát, tôi sẽ chỉ uống nước. Nó khiến tôi thoải mái, mĩ mãn vô cùng, và rõ là thoải mái hơn cả rượu của các vị! Cái gì có thể đơn giản hơn, dễ dàng hơn việc để môi mình ngụp lặn trong dòng nước chảy từ khe thác? Tôi không phải làm việc để mua nó, không phải bắt người khác làm việc, không phải có cả đống tiền cho nó và không phải run rẩy, lo sợ trước suy nghĩ sẽ bỏ lỡ nó. Tôi không cần chạy theo bất cứ tên bạo chúa nào. Nước của tôi, tôi thích uống như nào thì uống, cả đời tôi là như vậy đó. Ai thèm khát thứ rượu mà mỗi ngụm của nó chứa đựng cả những giọt nước mắt đau khổ, thì ắt hẳn phải là một gã hề!”
Đám đông im lặng.
Diogenes đi lại bên Androsthenes:
„Cậu, tôi đã nhìn thấy cậu trong lớp học của Platon! Nếu cậu đã tham dự giờ thuyết giảng của một trong những bậc thầy vĩ đại nhất, vậy thì chắc hẳn cậu phải rất thông minh. Vậy thì hãy trả lời tôi: Cậu thích cái gì nhất? Cậu muốn uống nước được hứng bằng tay mình hay muốn được phục vụ rượu của đảo Chios, vốn phải băng qua biển để đưa đến đây, cậu muốn nói mấy lời tâng bốc, nịnh hót, tham gia vào câu chuyện, làm nổ ra những cuộc tranh cãi, chỉ đơn thuần để cảm nhận một giọt rượu thấm trên đầu lưỡi?
„Ông nói đúng“, Androsthenes lầm bầm và cúi gằm mặt xuống đất. „Uống nước trên tay là đơn giản nhất.“

„Thứ gì mà tôi có thể có bất cứ lúc nào tôi muốn, mà không cần cầu cạnh tới bất kỳ ai, đó mới là thứ thoải mái nhất! Chẳng phải thế sao? Mọi món ăn khác, chứa đựng bên trong mồ hôi, nỗi hiểm nguy và sự gian dối, chúng trên thực tế đều là thuốc độc.“

„Tuy nhiên, chẳng ai muốn sống tằn tiện như vậy!“ anh chàng lấy can đảm phản bác lại. „ Thậm chí cả những vị thần cũng không cấm đoán sự thoải mái.“
„Tôi cũng đang đánh liều tiến lại gần những vị thần! Mẫu hình của tôi chính là con chó. Tôi muốn sống như chúng: một con vật không thể bị tiêu diệt, chịu đựng được mọi thiếu thốn và còn có thể vui sướng không vì cái gì cả. Khi tôi khát, một hớp nước đối với tôi cũng là Nekta. Khi tôi đói, một mẩu bánh mỳ hay một chút rau thừa cũng trở thành cao lương mỹ vị! Đó chính là xa xỉ phẩm của tôi! Và khi tôi thấy những người như các vị, suốt ngày quanh quẩn bên quán rượu, nốc cho say mềm và chẳng nghĩ nổi gì ngoài những thú vui lố lăng, kệch cỡm, tôi lại trào lên cái ham muốn được nhào lên mà sủa mà cắn các người!“
Không ai dám trả lời.
„Loài chó“, Diogenes tiếp tục, „Chúng chỉ cần những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Nước. Không khí. Hơi ấm của mặt trời, Vị ngọt của hoa trái. Chúng muốn những thứ có thể dễ dàng đạt được, thế nên chẳng bao giờ đau khổ vì thiếu thốn. Mặt đất đối với nó là một bàn ăn thịnh soạn đã được dọn sẵn và thế giới chính là nhà.“
Nói rồi Diogenes rời khỏi quán rượu.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng gã ăn mày cũng bỏ đi.
Nhưng Androsthenes lại bị ấn tượng bởi những điều anh nghe thấy. Cốc rượu không còn đượm vị như trước nữa.

Cậu nghĩ về cuộc sống mà người ăn mày miêu tả: đơn giản, thuần túy, vô tư lự. „Lẽ nào ông ta có lý?“, cậu tự lẩm nhẩm một mình, rồi quan sát chiếc áo khoác của mình. Thực chất những đường thêu này là gì? Anh chàng lại nhìn xuống tay mình. Mấy cái nhẫn này là để làm gì? Mục đích của việc được cạo râu sạch sẽ, có một mái tóc đẹp, uống nước từ chén bạc, là gì? Liệu ta có hạnh phúc hơn, khi quần áo ta là lượt, chải chuốt, và thơm nức mùi nước hoa? Liệu ta có vui vẻ hơn, nếu ta sở hữu một ngôi nhà đẹp, những đồ nội thất tinh xảo, những nô lệ chỉ để phục vụ cho một người duy nhất?
Mặt trăng tỏa ánh sáng dịu nhẹ vào màn đêm. Androthenes lúc nào cũng đi dọc những đường phố Athen. Tất cả đều rơi vào giấc ngủ tĩnh mịch, thì bỗng nhiên cậu chàng nghe thấy tiếng hét:
„Ôi con người! Ôi con người!“
Tưởng rằng ai đó đang kêu cứu, anh chàng vội vàng chạy tới. Và nhìn xem người cậu ta gặp là ai? Diogenes, một mình, giữa quảng trường.
„Lại là cậu!“ con chó lên tiếng, đung đưa cây gậy, „Tôi đang gọi con người, chứ không phải một tên đáng khinh!“
Androthenes bực bội vì lời xúc phạm. Nhưng con chó vẫn cười vào mặt anh và nói:
„Cậu không phải con người, dù thế nào cũng không phải người thật!“
Tức giận, Androthenes đáp trả:
“Vậy thì sao? Tôi có nên làm gì để cầu xin ông gọi tôi là con người không?”
Không nói lấy một lời, Diogenes nắm lấy tay người thanh niên trẻ và tháo hết nhẫn ra.
“Hãy vứt những thứ vô dụng đi”, ông nói. “Và chỉ giữ lại những thứ mà cậu có thể dễ dàng thay thế được trong bất cứ lúc nào. Thời gian đầu tập sống là con người, tôi vẫn có một bộ chén bát bằng gỗ. Nhưng như vậy cũng là quá thừa thãi: Khi tôi nhìn thấy một đứa trẻ uống nước được hứng trên tay nó, tôi liền vứt cốc của tôi đi. Vào ngày tiếp theo, tôi lại gặp một đứa trẻ nữa ở trên đường, nó đã cho những hạt đậu vào trong bánh mỳ.
Thế là, tôi vứt luôn cái bát của mình!”
“Vậy, ông chẳng sở hữu cái gì cả à?”, Androsthenes hỏi.
“Có chứ, tôi sở hữu tôi. Và còn cả chiếc áo khoác này nữa… Đơn giản là tôi không thể ném nó đi. Chiếc áo phù hợp cho cả bốn mùa trong năm. Khi trời lạnh, tôi có thể trải rộng nó ra và trùm lên người, còn khi trời nóng, thì tôi gấp nó lại. Nhưng mà kể cả thế, tôi vẫn đang muốn vứt luôn nó đây. Một ngày nào đó, tôi sẽ trần truồng mà sống, bất kể thời tiết gì. Để làm được như vậy, thì bây giờ tôi phải tập luyện hàng ngày. Vào mùa đông, tôi tập đi chân trần trên tuyết và ôm lấy những bức tượng đã bị đóng băng, làm quen dần với sương giá. Vào mùa hè, tôi khỏa thân ở những bãi cát nóng rực để học cách chịu đựng nhiệt độ cao. Thế đấy. Ngoài ra thì tôi chẳng dạy dỗ cậu thêm gì nữa.”
“Thế còn cây gậy”, Androsthenes hỏi, “Nó dùng vào việc gì?”
“Đây không phải cây gậy, đây là quyền trượng của ta. Thực ra ta là một ông vua.”
“Một ông vua!”, Androsthenos hét lên. “Nhưng vẻ ngoài của ông lại hệt như một tên ăn mày vậy!”
“Chính xác. Tôi là gã ăn mày. Tôi ghê tởm tất cả những gì mà người ta coi là quan trọng: tiếng tăm, giàu có, tình yêu. Không ai có thể bố thí gì cho tôi, không ai có thể tặng gì cho tôi, vì tôi đã có mọi thứ. Nữ hoàng duy nhất của tôi chính là tự nhiên; bà lệnh cho tôi ăn, uống và ngủ; ngoài ra tôi không nghe lời thêm bất kỳ người nào khác và tự mình quyết định cho mình.

Người dân Athen có một từ rất hay để chỉ cảm giác đầy đủ kiểu này: Autarkie. Tôi hoàn toàn tự do. Và ngoài vua ra còn ai có thể tự do như thế?

Androsthenes nhìn những chiếc nhẫn của mình nằm lăn lóc trên mặt đất. Anh tự hỏi mình có nên thôi không mang chúng nữa, quay về nhà trọ và tiếp tục tới dự giờ giảng của Platon hay không. 
Nhưng một câu hỏi hiện lên trong đầu làm anh ngứa ngáy không yên:
“Thế ông có nhà riêng không?”
“Ồ có chứ, đương nhiên rồi”, Diogenes trả lời đầy tự hào,
“Tôi sống trong một dinh thự. Cậu có muốn tới thăm nó không?”
Androsthenes vô cùng tò mò, muốn nhìn ngắm tận mắt cái ổ của con chó. Anh chấp nhận lời mời. Hai người đàn ông đi qua Agora (quảng trường) vốn đã chìm vào giấc ngủ, rồi sau đó hướng về phía tây đi tới Metroon – một nơi quan trọng, lưu trữ mọi tài liệu của thành phố.
“Chúng ta đến nơi rồi!” Diogenes reo lên đầy hân hoan 
“Sao”, Androsthenes ngạc nhiên, “ông sống trong Metroon ư?”
“Tôi biết làm gì với cái nền nhà lát đá cẩm thạch, với những cây cột trụ, gối và ghế bọc đệm nhung chứ? Không, nhà của tôi ở kia kìa”, nói rồi, Diogenes chỉ sang một chiếc bình hai quai rất lớn.
“Cái gì, ông sống bên trong cái bình á?” người thanh niên trẻ kêu lên.
“Xem này, tôi thấy rất thoải mái khi ở trong đấy!”, Diogenes trả lời và chui vào bên trong. “Nếu cậu là một con chó, vậy thì cậu cũng nhận được một chỗ ở đẹp như này.”

Androsthenes sững sờ, không nói nên lời. Diogenes bắt đầu la hét:
„Cậu không đủ can đảm để làm một con chó! Tôi đã tận mặt nhìn thấy cậu say đắm trong sự hoan lạc tầm thường của mình. Đi, đi về bên Platon của cậu đi, về với quân ngu ngốc vờ rao giảng kiến thức, và cùng lúc chìm đắm trong xa hoa cùng quân bạo chúa để trở thành một tên bạo chúa. Đi cùng lão ta đi, trở thành người như lão ta luôn và sau này nhớ nói cho tôi biết rằng cậu có vui vẻ gì không nhé.“
Chàng trai trẻ quay đầu bỏ chạy.
Khi anh đã về tới nhà trọ, anh mới nhớ ra mình quên chưa nhặt lại những chiếc nhẫn bị vứt xuống đất. „Bây giờ mình có đang buồn vì đôi bàn tay trần truồng không?“, cậu tự hỏi. Ngày hôm sau, anh chàng quyết định trốn học. Rất nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu anh: Cậu có nên tìm kiếm sự giàu có, danh tiếng, sự tôn kính, như bố vẫn thường nói hay không? Và ngoài ra: Gia đình cậu cũng đã giàu có, quyền lực sẵn rồi, nhưng liệu cậu có thực sự vui? Cậu đã từng nhìn thấy bố mẹ mình cười với nhau chưa? Chưa bao giờ. Họ hầu hết nhìn nhau bằng con mắt đầy lo lắng. Không ai biết được suy nghĩ của họ đen tối như thế nào. Liệu đây có phải là thời điểm đúng cho một bước ngoặt cuộc đời không?
Khi anh bắt gặp một người ăn xin, anh cởi chiếc áo khoác của mình ra, và yêu cầu đổi lấy áo của họ. Sau đó, anh lại cho một người khác túi tiền của mình. Vì anh không còn tiền thuê trọ nữa, thế nên buộc phải ngủ ngoài đường. Cậu run rẩy vì lạnh. Và cũng cảm thấy chút buồn khổ nữa. Sau đó, cơn đói bắt đầu hành hạ cơ thể.

Anh lang thang trên đường phố, chán nản và đói kinh khủng. Chàng ta bắt đầu mơ tưởng về một cái giường thoải mái và một lò sưởi ấm áp ở bên. Đồng thời, anh lại tự nói với chính mình là anh có thể làm bất cứ cái gì, đi bất cứ đâu mà không cần hỏi ý kiến ai cả. Người dân Athen nhìn chàng thanh niên trẻ với một sự ngưỡng mộ nhất định. Để có thể sống như một con chó, nhất định phải có đủ can đảm! Androsthenes dựa vào cột, bắt đầu rên rỉ vì đói. Khi anh tưởng như mình đã bị rút sạch sức lực, thì Diogenes đến. Khuôn mặt của ông không còn tỏ vẻ nghiêm khắc nữa.

„Cậu đã tốt nghiệp nhà trẻ và đến với thế giới của người lớn“, ông nói.

Và nhằm khích lệ Androsthenes, ông kể cho cậu ta nghe về lần mình được một con chuột cứu sống như thế nào.
Một tối nọ, lão nhớ ra mình chỉ ăn mỗi một mẩu pizza nhỏ, và bữa cuối đó thậm chí cũng cách đây lâu lắm rồi. Ở Athen vào thời điểm này đang có một lễ hội lớn diễn ra. Nhìn mọi người thật vui vẻ biết bao! Họ ăn uống, ngâm thơ, đi đến nhà hát. Vào phút cuối, trước khi ông đành nhắm mắt tham gia vào bữa tiệc, thì ông chợt nhìn thấy một con chuột đang vui vẻ ăn những mẩu vụn đồ ăn rơi xuống đất. Vậy là, ông tự trách bản thân: „Thật sao, Diogenes! Con chuột mừng rỡ với vụn thức ăn nó nhặt được dưới đất, còn ông thì ngồi đây than thở phận mình? Nếu nó có thể hài lòng với những thứ nhỏ bé nhất, thì không lý gì ông không làm được như nó!“ 

Con vật đã giúp ông nhận ra rằng, nếu muốn tự do thì nhất định không được phép trở thành nô lệ của dạ dày mình.

Bởi vì, để có thể ăn mừng lễ hội và được ban cho những bữa ăn ngon, con người phải làm việc, phải đứng dậy ngay lập tức khi ông chủ yêu cầu, phải nghe theo những mệnh lệnh trong cả ngày dài, chỉ có thể đi ngủ, khi chủ mình cho phép. Và kẻ thống trị kia lại tiếp tục phải nghe lời một ông hoàng khác, để mong có được cái gì đó!
Androsthenes hỏi Diogenes liệu những bữa ăn kiểu „chuột“ không gây hại cho sức khỏe sao?
„Tôi cho là“, con chó nói, „chính sự xa hoa, phì nộn và yếu ớt, lo âu và quy lụy mới là những căn bệnh hiểm nghèo, chứ không phải sự gầy gò và chứng giãn tĩnh mạch của tôi. Theo tôi, bệnh tật nhất chính là lúc người ta làm mọi thứ chỉ để giàu lên.“
Một điều nữa khiến Androsthenes trăn trở là: sự cô độc. Anh hỏi con chó về bạn bè của nó. Diogenes thốt lên:
Nhưng con chó xem cả thế giới là bạn mình! Đối với nó không có vua chúa, thế nên không có đất nước. Tất cả người dân đều được nó đối xử như nhau! Chẳng bao giờ nó có kẻ thù. Nó yêu mến người Ba tư cũng hệt như người Spartan hay người Theban. Nó có thể đi đến bất cứ đâu mà không cần bận tâm tới ranh giới. Nó giang tay đón nhận tất cả. Ngôi nhà của nó thì rộng đến mức bất cứ ai cũng có cho mình một chỗ trong đó. Con chó nào cũng như vậy: 

Chúng được gọi là Công dân toàn cầu, chứ không phải là công dân của Athen, của Sparta hay của cái ổ chó nào. 

Tôi có nhiều bạn hay không ư? Tôi chẳng ham muốn gì cả, tôi không thèm xúm xít bên người giàu, chủ nhà đất hay kẻ có danh xưng. Tôi sống, gặp gỡ mọi người, bàn luận và không cần biết người ta đang nghĩ gì về mình. Nếu tôi nói chuyện với một ai đó, thì nghĩa là tôi muốn làm thế, chứ chẳng hề xuất phát từ mục đích mua vui, xin xỏ hay tiếng tăm. Tôi nói vì tôi thích nói, thế thôi. Nếu một cuộc hội thoại dần trở nên nhàm chán, thì tôi sẽ ngậm miệng lại và bỏ đi. Và tôi cho là mọi người cũng chuộng cái tính cởi mở và đơn giản của tôi.“
Androsthenes vẫn còn thường trực mối lo ngại khác. Anh chàng luôn ưa thích phụ nữ và giờ thì tự hỏi người ta phải làm gì để không chìm sâu trong những đau khổ mà tình yêu mang lại. 
„Cậu khao khát tình yêu! Rất tuyệt vời, chàng trai ạ! Nhưng cậu phải biết rằng, đôi lứa là một phát minh vô cùng phức tạp, vừa mang lại sự yêu thương vừa không tránh khỏi những đau đớn. Hãy nhớ xem cái gì là cần thiết để cố gắng quyến rũ một người – và nỗ lực dung hòa để có thể sống một nhà với nhau thì dẫn đến hệ quả gì! Nếu mẹ thiên nhiên muốn chúng ta sống theo đôi theo cặp, vậy thì bà đã dính chặt ta lại với nhau. Thế nên tôi khuyên cậu, hãy cứ sống như những con cá. Chúng cọ xát vào một hòn đá, khi chúng thèm hơi con cái…“
„Nhưng mà nếu vậy“, Androsthenes nói, „thế thì con chó sẽ không sinh con được…“
„Sai lầm!“, Diogenes kêu lên, „Cậu sẽ có cả trăm ấy chứ! Con chó luôn đem lại cho mỗi đứa con của nó một nền giáo dục tốt nhất có thể, chứ không đơn thuần là cho riêng ai, trai cũng như gái. Người Sparta xưa đã sống hoàn toàn đúng lẽ: Họ gom tất cả trẻ sơ sinh lại với nhau mà không tiết lộ cho chúng biết, ai là cha là mẹ chúng, và cả bố mẹ nó cũng chẳng biết mặt của con mình.
Vậy là, mỗi người đều trở thành bố mẹ của mọi đứa trẻ, và mỗi đứa trẻ cũng trở thành con gái, con trai của tất cả mọi người. Cậu hãy tưởng tượng tới một thành phố, mà ở đó mỗi người đều là bố của cậu, mẹ cậu và con cậu. Thật là một đại gia đình hạnh phúc! Con chó không bằng lòng chỉ có một, hai hay ba đứa con: Nó muốn có hàng trăm, hàng nghìn đứa! Tôi cũng nói cho cậu biết rằng, tôi yêu cậu như con trai của mình vậy, mỗi người đàn ông cùng lứa với tôi đều là anh em của tôi, mỗi bà già tôi gặp đều là mẹ tôi. Nếu mọi thứ diễn ra theo cách của tôi, thì tôi sẽ đứng ra tổ chức hôn lễ cho tất cả đàn ông với tất cả phụ nữ, và những đứa trẻ sinh ra sẽ là con của tất cả bọn họ.



Những lời khuyên đó đã thúc đẩy Androsthenes đi đến một quyết định: Anh sẽ sống như một con chó.

Đầu tiên, anh tập thích nghi với cái lạnh, nóng và đói. Dần dần, anh càng cảm thấy mình tự do hơn. Tất cả mọi thứ, kể cả bé nhỏ nhất, cũng khiến anh thỏa mãn. Có gì tuyệt hơn một giọt nước khi ta đang khát, thoải mái hơn một mẩu rau đi vào dạ dày khi ta đã lả đi vì đói? Một vài tháng trôi qua. Chàng trai trẻ đã quên mất rằng mình cũng có một quá khứ, trong một ngôi nhà ở Aigina. Bỗng một hôm, khi anh đang đi lang thang quanh khu chợ, thì bất ngờ đụng mặt người anh cả Philoskos của mình. Philoskos ôm chầm lấy em trai:„Ôi em trai của anh, em vẫn còn sống! Anh gần như phát điên lên vì lo lắng đấy! Chẳng ai hay tin gì về em cả! Ta đã phải đi tìm em ở khắp nơi! Nhưng mà sao bây giờ nhìn em kinh khủng thế!“Thật ra Androsthenes đã đổi quần áo đẹp của mình để lấy một bộ đồ ăn xin. Đôi chân trần thì cáu ghét, bám đầy bụi bẩn. Mái tóc xoăn và thơm tho trước đây, nay đã trở thành một quả đầu rối xù, bẩn thỉu và đầy bọ chét bò lổm ngổm. Thay vì đeo lưỡi gươm của thợ rèn giỏi nhất Aigina, cậu chỉ mang bên mình một cái gậy được đẽo gọt cẩu thả.„Chuyện gì đã xảy ra với em vậy? Ôi chúa ơi! Em đã trở thành một gã ăn mày!“ Philokos hét lên.„Hoàn toàn không“, Androsthenes cười nói.
„Vậy thì em đã bị người ta bán làm nô lệ hả?“
„Thậm chí ngược lại“, Androsthenes điềm nhiên trả lời, „Em giờ đây là người tự do nhất ở Athen.“
Philoskos bước lùi lại.
Em trai của anh chắc chắn đã phát điên rồi.
Androsthenes từ chối quay trở về Aigina. Cậu kể cho anh mình nghe quá trình trở thành chó của mình. Người anh trai lắng nghe đầy chăm chú.
“Em có nên giới thiệu cho anh người đã giải phóng em không nhỉ?” Androsthenes hỏi.
Philoskos đồng ý. Họ đi tới chiếc bình hai quai, mà lúc này Diogenes đang cuộn tròn người như chó, ngủ bên trong. Đây cũng là một gã triết gia vĩ đại gầy trơ xương, bẩn thỉu, nằm rúm ró. Nhưng…
“Trông ông ấy thật hiền hòa”, Philoskos thì thầm. “Anh muốn đánh thức ông ta dậy và nói chuyện cùng.”
Nhưng Androsthenes cản anh trai mình lại:
Đừng đánh thức, anh sẽ bị đánh bằng gậy đấy! Đó cũng là cách giáo viên của ông ấy nhận ông ấy làm học trò. Em cũng thường bị như thế, khi em làm phiền ông ấy không cần thiết. Và sẽ chẳng có ngoại lệ nào cho anh đâu. Nếu anh có một cái đầu sáng suốt và muốn trở nên thông thái, vậy thì hãy quan sát cách ông ấy sống. Hãy xem ông ấy như một ví dụ sống. Hãy bắt chước ông. Triết học của ông là thứ đơn giản nhất trên thế giới: Nó đủ để anh luôn là chính anh. Hãy ở lại đây ít nhất là cho tới đêm nay, sau đó em sẽ giới thiệu ông ấy cho anh và hai người có thể nói chuyện với nhau.“
Một vài ngày sau, anh trai của Androsthenes cũng vứt luôn chiếc áo khoác của mình, cho đi túi tiền và cởi bỏ dép xăng-đan.

Anh cũng trở thành một con chó.


Platon chết. Buổi tối đó, một lễ hội lớn được tổ chức để tưởng nhớ người đã khuất. Diogenes – kẻ vốn thích tranh cãi với Platon, nay tỏ ra phiền muộn. Ông trở nên trầm ngâm. Trong khi đó, Androsthenes và Philoskos tận dụng cơ hội để chỉ trích người dân Athen vì thói phóng đãng trụy lạc của họ. Bỗng nhiên, một giọng nói vang lên:
„Chúa ơi, con trai của tôi, con trai của tôi! Cuối cùng tôi cũng tìm thấy chúng!“
Hai anh em nhận ra cha mình. Oneikritos từ Aigina đã đến đây. Ông già như vỡ ra vì vui sướng. Cho dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nhảy tưng tưng như một con hươu non vậy.
„Nhưng chuyện gì đã xảy ra với các con vậy?“, ông gặng hỏi và sợ hãi săm soi bộ dạng đáng sợ của hai quý tử.
„Con đã làm theo lời cha dặn“, Androsthenes trả lời. „Con đã đi tìm sự thông thái. Con cũng đã đến dự lớp học của Platon để nghe ông giảng dạy. Con thậm chí còn nhìn thấy Demosthenes. Nhưng sau cùng, con quyết định nhận một con chó làm thầy mình.“
„Chúa ơi! Vậy là một con chó đã trở thành thầy của con?“, người cha sững sờ.
„Không phải như mọi con chó khác. Thứ con nói tới có hình dạng của một con người.“
„Hình dạng con người! Làm thế nào mà một người phụ nữ có thể sinh ra trên đời một con quái vật như thế chứ?“

„Người đàn bà đó chính là triết học, và con vật chính là Diogenes.“

„Diogenes!“, ông bố kêu lên, „từ lúc ta đến đây, ta đã nghe người ta bàn tán về lão rất nhiều. Tất cả đều bảo lão bị điên!“
Cả hai con chó nhỏ liếc mắt nhìn nhau và bật cười. Cái biểu hiện đó xúc phạm tới bố chúng biết bao!
„Nhưng giờ thì hãy cùng ta trở về Aigina, vui thế đủ rồi! Ta đã dốc cả gia tài để cho hai bay có được một nền giáo dục tốt nhất, và kết quả là gì? Đi ăn mày! Mọi sự như vậy là lỗi của chúng mày!“
Ông cụ nắm lấy cổ tay con trai mình mà kéo như kéo những đứa trẻ ương ngạnh trở về nhà. Androsthenes vung gậy đánh vào cha mình.
„Cứu với“, Onesikritos hô hoán, „Con trai tôi muốn giết chết tôi!“
Diogenes đã quan sát từ xa trận cãi vã, dần tiến lại gần. Ông mở rộng vòng tay: „Hãy dừng lại đi người cha già! Lúc nào tôi cũng muốn một lần được tới thăm Aigina! Ở đó có rất nhiều người mà ta có thể cắn!“
„Cái gì? Ông nghĩ tôi sẽ mang cả ông đi cùng sao?“, ông già hét lên.
„Nếu Diogenes đi nữa, thì bọn con sẽ sẵn sàng quay trở về“, hai người nói.
Onesikritos điên lên vì giận dữ. Nhưng ông làm sao có thể từ chối được? Yêu cầu đã được chấp thuận. Những con chó lên tàu hướng về Aigina. Tàu vừa đi đến một hòn đảo nhỏ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi cảng Athen, thì họ đụng mặt quân cướp biển. Cả đoàn người bị bắt giữ. Oneikritos khóc lóc và van xin khẩn thiết. Bọn hải tặc cướp lấy những chiếc nhẫn của ông, lột sạch chuỗi dây chuyền trên cổ và xé nát quần áo. Ông lão hét lên, cứ như thể chúng đang đập vỡ chân tay mình vậy.
„Còn các người mang theo gì?“ tên cầm đầu hỏi và chỉ vào ba con chó, „Các người cống nạp gì cho ta đây?“
„Tất cả những gì cần thiết để biến ông trở lại làm con người, một con người thật sự“, Diogenes trả lời.
„Nếu bọn tôi bán ông làm nô lệ, thì ông sẽ chẳng thể cười nổi nữa đâu!“, tên cướp biển đáp lại, bất ngờ với thái độ liều lĩnh này.
Con tàu sắp sửa cập bến ở Kreta, nơi diễn ra hoạt động mua bán nô lệ sầm uất. Onesikritos run rẩy sợ hãi. Ôi còn đâu cuộc sống sung sướng, giàu sang, còn đâu những bữa tiệc, rượu ngon và thảm nhung mềm mại! Trong khi ông than thở, sầu não thì những con chó vẫn bình thản nói chuyện với nhau, như thể không có gì xảy ra.
„Này, các người không sợ à?“, ông cụ rên rỉ.
„Sợ cái gì mới được chứ?“, Diogenes hỏi.
„Ừ thì, trước việc sắp bị bán làm nô lệ!“
„À cái đó hả!“, Diogenes nhếch mép, „Tôi chẳng quan tâm, tôi không phải là kẻ giúp việc cho ai cả, kể cả những vị thần. Và nếu có kẻ chi tiền để mang một con chó thoát khỏi những trận đánh của chúng tôi, thì tôi cũng chỉ biết lấy làm tiếc cho nó.“
Mọi thứ làm cho bọn cướp biển trở nên lo lắng. Bất cứ khi nào bọn hải tặc chú ý tới một trong ba con chó, cả ba liền lên tiếng xúc phạm, mạt sát bọn cướp biển. Khi những con chó bị đe dọa, chúng lại ca bài ca không sợ chết. Toán cướp quyết định phạt cả ba bằng cách cắt khẩu phần ăn, nhưng chúng vui vẻ chịu đựng sự thiếu thốn. Thậm chí, đàn chó còn chia thức ăn của mình cho những tù nhân khác. Không ai hiểu nổi, chúng sống ra sao với số đồ ăn ít ỏi đó. Khi con tàu cập bến Kreta, những con chó thỏa thuê vẫy vùng hệt như cá gặp nước: hiếm khi chúng ở trên bến cảng, vì cả ba bận rộn đi xua đuổi toàn bộ khách hàng. „Ai muốn mua một con chó không?“, Diogenes dùng hết sức bình sinh mà gào lên. „Nếu ông muốn có trong nhà một con người, vậy thì chính tôi đây!“, Androsthenes nói với một người đàn ông vô cùng trẻ, đẹp. „Hãy mua cho mình một quý ông với cái giá của một nô lệ!“, Philokos mời hàng một vị khách qua đường.

Trái với mong đợi của mình, Onesikritos bất ngờ bởi lòng can đảm của hai cậu con trai và phải chấp nhận rằng, không có trường lớp nào có thể mang lại cho chúng sự tự tin như thế.
Bọn cướp biển bán hết tất cả nô lệ của chúng, chỉ trừ Onesikritos vì quá già và ba con chó. Chúng chẳng hiểu tại sao. Sau đó, Diogenes nói chuyện với một người Côrintô giàu có:
„Xin chào ông, ngài quý tộc, hãy mua tôi, và tôi sẽ dẫn ông đến với gia đình ông!“
Bất ngờ bởi lời mời gọi trâng tráo đó, Xeniades – tên của người đàn ông đó, quyết định mua cả nhóm người bọn họ. Lũ cướp biển yêu cầu một cái giá phải chăng và vui mừng vì đã thoát khỏi những tên điên.
Onesikritos hoàn toàn bị ấn tượng bởi cuộc sống đầy tự do của những con chó. Ông liên tục hỏi con trai mình và Diogenes hàng trăm câu hỏi. Trên đường đi, ông trầm ngâm về cuộc đời mình, nghĩ về những năm tháng mình đã đánh rơi, về tham vọng quyền lực và tiền bạc. Lão tự thấy mình thật nực cười. Khi họ đến nơi an toàn, ông liền ném đôi xăng đan xuống biển.
Con trai ông chạy lại ôm chầm lấy cha mình.
Mười năm đã trôi qua. Onesikritos sống trong nghèo đói, nhưng tự do tự tại bên con trai mình. Chỉ có điều ông không còn thốt lên: „Con trai của ta“. Và các con ông cũng không còn nói: „Cha của con“.
Diogenes trở thành bạn và cố vấn cho Xeniades. Ngôi nhà tiện nghi bỗng dần trở nên tồi tàn. Không còn những tấm thảm mềm mượt, không cả những bộ quần áo thêu thùa tinh xảo. Bọn trẻ học cách uống nước thay vì uống rượu, ăn salat thay vì thịt bò nướng và cười đùa, thay vì lên kế hoạch, âm mưu hãm hại nhau.
Câu chuyện về ngôi nhà của Xeniades lan truyền đi khắp mọi nơi. Nó thậm chí còn đến tai của vị vua trị vì Makedonien và Hy lạp thời bấy giờ - Alexander.
Diogenes đang nằm dài trên mặt đất để tắm nắng, thì nghe thấy một giọng nói vang lên:
„Ta là Alexander. Xin ông hãy cho ta biết, liệu vị vua này có thể làm gì cho ông không, thưa người ăn mày.“
„Vậy thì đừng che ánh mắt trời của tôi nữa!, con chó trả lời và làm động tác như thể đang xua đuổi một con ruồi. Và thế là, Alexander đành lùi một bước. 

Ai được tận mắt chứng kiến khung cảnh đấy, đều phải đầu hàng trong thinh lặng. 
Chỉ bằng vài câu từ ngắn gọn, Diogenes đã làm được điều mà không một người dân nào ở Hy lạp có thể làm được, dù có cả một đội quân ở cạnh: bắt Alexander lùi lại. Vị vua vốn tính tình hay nổi nóng, đáp lại:
„Ngươi dám làm thế! Ngươi không sợ ta sao?“
„Ngài là một vị vua tồi ư?“, Diogenes hỏi.
„Đương nhiên là không rồi!“, Alexander bực tức trả lời.
„Vậy thì Ngài là một vị vua tốt. Và vị vua tốt là điều gì đó tốt đẹp, đúng không?“
„Chính xác“

„Tại sao tôi lại phải sợ hãi trước những thứ tốt đẹp chứ?“

Alexander kinh ngạc, nhưng chính sự xấc láo của con chó đã thu hút ông. Nhà vua hứa sẽ thưởng cho nó một bát xương.
„Đó là một món quà rất xứng với Ngài…“, Diogenes thở dài.
Ông vua bị bẽ mặt, đảo mặt tảng lờ đi. Người dân Côritô không thể không cười. Vị vua trẻ thừa nhận thất bại. Ông leo lên chiến mã và cúi mình trước Diogenes:
„Vì những lý do thấp hèn, mà ta đã giết chết nhiều người, nhưng còn ông, ông là người có tâm hồn, bạn của tôi ơi! Ở Athen này! Nếu tôi không phải là Alexander, thì tôi rất muốn được sống như bạn!“
Alexander hủy bỏ kế hoạch chinh phạt Châu Á để nâng cao địa vị, danh tiếng và sự giàu có. Diogenes ngược lại vẫn tiếp tục sống ở Korinth, trong ngôi nhà của Xeniades. Nhưng thay vì an yên tự tại, ông vẫn luôn luôn thử thách bản thân mình. Một con chó thực thụ phải cắn xé đồ ăn sống. Vậy nên, Diogenes quyết định từ bỏ công đoạn nấu nướng. Đầu tiên, ông thử gặm rau, sau đó chuyển sang nhai hạt ngũ cốc. Để tăng độ khó lên, ông bắt đầu ăn thịt sống, và khuyến khích những con chó khác cũng làm theo ông. Tất cả những thứ đó khiến họ phát ốm. Nhưng Diogenes vẫn giữ quyết tâm: Một sáng nọ, ông ra kiểm tra bẫy cá ở trên biển. Ở đó, ông nhìn thấy một con mực ống đang ngọ nguậy ở dưới giỏ. Ông bắt nó lên và cho vào mồm nhai…

Ngay sau đó, ông đau bụng quằn quại và chết. Vậy là, người đàn ông được mệnh danh là khỏe như Herkules và sống như chó giữa bầy chó, đã chết ở tuổi 68 vì một con mực.
Những người bạn đồng hành của Diogenes tự hỏi mình nên làm gì với thi thể ông đây. Androsthenes cho là phải vứt ông ra đường, để những con chó khác ăn thịt. Philoskos lại đưa ra ý tưởng nấu chín ông và trở thành đồ ăn cho các bạn ông. Vì thực tế, Diogenes đã có lần nói : Thịt người so với mọi loại thịt khác cũng không tệ hơn là mấy, và thật buồn khi phải lãng phí nó. Nhưng Xeniades mới là người có tiếng nói cuối cùng ở đây. Trước khi chết, Diogenes đã trăn trối lại với con chó rằng: Ông muốn mình được chôn với khuôn mặt nằm sấp.
„Thật là một ý tưởng kỳ lạ“, Onesikritos thốt lên, „Và lý do gì cần phải úp mặt xuống?“
„Vì theo ông ấy“, Xeniades nói, „tất cả những gì nằm dưới, một ngày nào đó sẽ mọc lên trên.“
 Không ai hay biết Xeniades có thật sự dám an táng Diogenes với cái mũi chôn sâu dưới đáy ngôi mộ hay không. Nhưng để thể hiện lòng tôn kính với người đã trở thành con vật, tôn kính với loại động vật đã trở thành chúa, và tôn kính với người đã thật sự trở thành người, dân chúng đã xây dựng một ngôi mộ lớn và đặt trên đỉnh của nó một con chó làm bằng đá cẩm thạch, đang trong tư thế phục sẵn.