Hỡi thần Apollon, xin hãy nói cho chúng tôi biết, ai là người thông thái nhất Hy lạp?

Vị thần tiên tri trả lời "Không có một người chết nào ở Hy lạp, hay thậm chí trên toàn thế giới, có thể thông thái hơn Sokrates, bởi ông là người yêu chuộng lẽ phải."
Sokrates yêu cầu mọi người phải tự nhận thức về mình. Ông đi đến mọi nẻo đường ở thành Athen và nói chuyện với tất cả những người ông vô tình gặp được.
Xin chào các vị - những người đàn ông ưu tú nhất, những công dân của Athen – thành phố lớn nhất Hy Lạp!
Các vị lúc nào cũng quanh quẩn bận tâm tới danh dự, tiếng tăm,
Vốn hiểu biết và tài sản của các vị!
Thế nhưng các vị đã từng nghĩ về việc nỗ lực đi tìm chân lý 
Và nuôi dưỡng tâm hồn mình thêm sáng suốt hơn chưa, hay ngắn gọn là:
Làm triết chưa? 
Khi người đối diện tự cho mình là thông thái, Sokrates sẽ lấy làm thú mà chất vấn họ bằng vô số câu hỏi, cho đến lúc họ phải tự thừa nhận sự ngu dốt của mình. Còn khi ông gặp phải những người ngốc nghếch, Sokrates sẽ dẫn họ vào con đường tri thức.

Sokrates từng tự nói với mình rằng, nếu ông chỉ biết một trong hai kiểu người kể trên, nghĩa là ông không biết gì cả.
Vì ông thường hỏi mọi người những câu mang tính triết học, vì ông chất vấn những học giả về kiến thức của họ và vạch rõ cái chân tướng ngu ngốc bên trong họ, thế nên Sokrates phải hứng chịu sự giận dữ, thù ghét từ rất nhiều người. Đặc biệt là từ những kẻ vốn hay mang mặt nạ là tri thức, hiểu biết.
Họ gọi Sokrates là kẻ chuyên đi vẩn vơ khắp nơi nói quàng xiên điên loạn và đòi mang ông ra tòa. Trước đông đảo dân chúng thành Athen, họ kết tội ông là hủy hoại thế hệ trẻ và phỉ báng Chúa.
Sokrates liền lên tiếng mạnh mẽ tự bảo vệ mình :
Hỡi người Athen! Người ta lên án rằng tôi đang mơ mộng về những chân lý trên trời, đang khám phá những thứ nằm sâu dưới mặt đất và rót vào tai các cô cậu thanh niên những điều tinh quái. Nữ thần núi Aristophanes thậm chí còn viết cả một vở hài kịch khắc họa một Sokrates đi vòng quanh trên sân khấu, người như trên mây và luyên thuyên về những thứ mà thực chất bản thân hoàn toàn không biết gì!
Thực sự, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ đảm nhận vai trò giáo dục thế hệ trẻ! Nếu vấn đề là nuôi dưỡng bê hay ngựa con, thì tôi sẽ biết rõ ai là người mình phải nhờ cậy tới. Tuy nhiên, để dạy dỗ những cậu bé, để giúp chúng trở thành đàn ông hay công dân thì lại cần tới vốn hiểu biết – thứ mà một kẻ không biết gì như tôi không sở hữu.
Tên Meletos béo ú muốn Sokrates phải nhận án tử, liền cố gắng hạ nhục ông:
Nhưng mà này Sokrates, Meletos the thé cất tiếng gọi, nếu như ông không có ý định giáo dục, vậy thì suốt những ngày qua ông đang làm cái gì vậy? Hà cớ gì người ta buộc tội ông khi ông chẳng làm cái gì bất thường chứ?
Meletos, ông cũng cho rằng tôi khiến bọn trẻ trở nên hư đốn ư? Sokrates trả lời
Nhấn mạnh thêm một lần nữa, chính xác đó là điều tôi khẳng định!
Ông sẽ đem tôi ra trước tòa, vì tôi vô tình hay vì tôi cố ý dạy hư bọn trẻ?
Đương nhiên là cố ý rồi!
Vậy thì hãy nói tôi nghe, đồ Meletos ngu ngốc, tốt hơn ta nên sống cùng với những người tốt hay với những người xấu?
Với người tốt, rõ là thế rồi.
Thế thì, tôi có thật sự điên rồ khi muốn sống với những kẻ khiến mình tệ hơn không? Sokrates đáp trả và nhại lại cái tông giọng gay gắt của công tố viên.
Không, tất nhiên là không! Nhưng tôi buộc tội ông vì những truyền bá về các vị thần xa lạ, Meletos rít lên. Vì ông, ông không tin vào Chúa! Ông thậm chí còn dám cả gan nói mặt trời và mặt trăng không phải là những vị thần, mà chỉ là một hòn đá và một mặt đất!
Không phải từ tôi, mà đó là tuyên bố của Anaxagoras – một người thầy đáng kính đã truyền dạy những điều lạ lẫm. Nhưng mà hãy trả lời tôi đi: làm thế nào tôi có thể rao giảng về thần linh, khi mà tôi hoàn toàn không tin vào thần thánh?, Sokrates trả lời
Giận điên lên, Meletos không thốt nổi thành lời.
Hỡi những người dân Athen, hỡi các bạn của tôi, Sokrates cất tiếng gọi đồng thời hơi nghiêng mình xuống, xin chào tất thảy mọi người! Các bạn hãy tự mình đánh giá cái bản cáo trạng mà người ta gán cho tôi!

Trên thực tế, chính Chúa đã gửi tôi xuống đây để đánh thức thành phố chúng ta! Thế nên, tôi luôn khiến các bạn lo sợ, thế nên tôi quấy nhiễu các bạn bất cứ nơi nào tôi gặp bạn, và nói cho các bạn biết rằng thứ mà các bạn đang theo đuổi không phải là chân lý mà là của cải vật chất giàu có.
Như một con ruồi trâu bay vo ve quấy nhiễu trên đầu và không cho các bạn thiếp ngủ! Có thể các bạn muốn tống cổ tôi đi bởi những lời châm chọc từ tôi và muốn được yên ổn suốt phần đời còn lại..

Nhưng đấy chính là nhiệm vụ Chúa giao cho tôi! Vậy, tôi có nên ngừng làm triết không? Tôi có nên ngừng bắt tất cả những người tôi gặp phải yêu chuộng chân lý hơn bất cứ vẻ ngoài nào khác không? Chẳng phải tôi đã thành kẻ vô thần, nếu tôi từ bỏ mệnh lệnh đó chỉ vì nỗi sợ cái chết! Hỡi người dân Athen, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm phiền mọi người xung quanh với những câu hỏi, kể cả khi nếu vì thế mà tôi bị kết án đến hàng trăm lần!
Đám đông bắt đầu la ó. Một số thẩm phán cho rằng Sokrates thiếu tôn trọng họ. Số khác lại ngưỡng mộ lòng dũng cảm của ông.
Đúng vậy, Sokrates tiếp tục, đúng là tôi đã can thiệp vào những vấn đề của các người, nhưng chính là tôi đang giơ tay ra cứu lấy tất cả những thứ liên quan tới nhà nước, chính quyền.
Từ lúc tôi còn nhỏ, các bạn chắc cũng biết chuyện này, đi cùng tôi là một tiểu yêu quái hoặc một vị thần để bảo vệ tôi khỏi sự ngu ngốc, và tiểu quỷ nói tôi sẽ không thể sống lâu nếu tôi can dự vào chính trị!
Các bạn chỉ cần nhớ tới lần tôi đã vô tình trở thành người đứng đầu trong một đợt tập hợp dân chúng Athen. Và cũng vào cái ngày đó, các bạn muốn chống lại luật pháp, bắt một lúc 10 vị tướng phải chết – những người đã sống sót sau trận chiến ở Arginusen. Tôi là người duy nhất nhớ rằng luật pháp không cho phép chúng ta phán xử cùng lúc nhiều công dân như vậy. Nhớ không nhầm thì, họ lúc đó đã suýt giết tôi luôn rồi!
Quan điểm của tôi là: Nếu một người muốn bảo vệ quyền bình đẳng và tham gia vào chính trị, thì người đó không muốn được già đi! Và vị thần hộ mệnh của tôi đã bảo vệ tôi tránh khỏi tình cảnh đó!
Hỡi người dân Athen! Các bạn nhìn xem: Chân lý chính là không bao giờ chịu cúi đầu trước bất công. Meletos đã buộc tội tôi nuông chiều học trò mình, nhưng tôi chưa bao giờ là giáo viên cả! Nếu ai đó muốn lắng nghe tôi khi tôi cất tiếng nói, bất kể già trẻ, giàu nghèo, thì tôi sẽ không biếu tặng họ hay đòi hỏi từ họ bất cứ thứ gì. Nhưng sau đó, liệu họ trở nên tốt lên hay tệ đi, đều không phải trách nhiệm của tôi!
Và bây giờ, hỡi những người đàn ông thành Athen! Có những bị cáo đang cầu xin lòng thương hại từ các vị. Họ khóc hết nước mắt, họ mong các vị động lòng trắc ẩn và cho gọi những đứa con thơ dại của họ vào làm chứng. Tôi không làm gì đại loại như thế, nó không mang lại giá trị gì cho cộng đồng chúng ta, cũng không phù hợp với cái danh tiếng Triết gia của tôi. Một nhà hát thì không bao giờ phán xét thần linh. Và nếu người ta muốn tố cáo tôi không tôn kính trước chúa, thì tôi sẽ phó mặc sinh mệnh của tôi vào tay họ, mặc họ phán quyết tôi!
Cuộc tập hợp 500 công dân đã đưa ra tuyên bố: Với số phiếu thuận chiếm hơn 30 lá, Sokrates bị phán là có tội. Theo như thông lệ ở Athen, cả hai bên đều sẽ đưa ra gợi ý về hình phạt giành cho ông. Phía nguyên đơn thường yêu cầu những án phạt nặng, phía công tố viên cũng tương tự vậy, một số khác thì muốn giảm nhẹ hơn. Sau cùng, quan tòa sẽ chọn ra hình phạt thích đáng nhất cho ông.
Như mong đợi, tên Meletos béo phục phịch và bè phái anh em lão đòi Sokrates phải chết. Sau đó, Sokrates lần lượt tỏ ra hoàn toàn hài lòng với mọi hình phạt được đưa ra. Tất cả đều nghĩ rằng ông sẽ bị lưu đày.
Hình phạt nào, thưa các công dân và quan tòa xét xử, sẽ giành cho một người như tôi – người mang cái tội duy nhất là không sống một cuộc đời an phận và chỉ mải miết bận tâm tới công việc riêng của mình? Một người khao khát hướng tới sự tốt đẹp thay vì sự giàu có? Một người coi trọng thành phố mình sống hơn cả danh dự bản thân? Hình phạt nào phù hợp với kẻ nghèo đói và hiểu biết này, mà sự tồn tại phải được trả phí thì anh ta mới có thể tiếp tục được công trình của mình?
Công dân Athen, đây là hình phạt tôi muốn: Hãy để tôi sống trên tiền bạc của các vị, trong cung điện Prytaneion tráng lệ, nơi tổ chức thế vận hội Olympic và là chỗ nghỉ chân cho những vị khách danh dự !
Cả đám đông huyên náo, chấn động: Thật vô liêm sỉ! Quá đủ rồi!

Sokrates bị kết án tử. Ông buộc phải uống một chén thuốc độc, chiết xuất từ cây độc cần.

Vị thần bé nhỏ của tôi đáng lẽ phải cảnh báo tôi, nếu tôi sợ hãi trước bất cứ điều gì chứ, Sokrates bình thản phân bua với người bạn đang ủ rũ chán nản của mình. Nhưng mà, cái chết có là gì ngoài việc mang linh hồn mình tới một nơi khác.
Nếu cái chết không là gì cả, vậy thì nó sẽ giống như một giấc ngủ sâu, như một đêm đẹp và bình yên hơn tất thảy mọi ngày: thật là một chiến thắng tuyệt vời!
Nhưng nếu cái chết, như cách người ta thường nói, là một chuyến đi đày ải xuống địa ngục; nếu ở đó tôi có thể gặp được những nhà thơ cổ xưa như Homer (tác giả trường ca Iliad và Odysses), Hesiod (nhà thơ Hy lạp), Orpheus (được cho là con của nữ thần thi ca, một trong chín nhà thơ danh tiếng Hy lạp), và những vị anh hùng vĩ đại như Ajax (một vị anh hùng trong thần thoại Iliad), Odysses; nếu ở đó tôi có thể đặt câu hỏi cho hàng ngàn nhà thông thái từ cổ chí kim, mà không bị đe doa mang ra kết tội:
Vậy thì còn gì tốt hơn nữa?
Giờ thì, bạn tôi ơi, thời khắc vĩnh biệt đã điểm – tôi sẽ đi đến cái chết, còn các bạn thì sẽ tiếp tục sống. Ai trong chúng ta tốt số hơn, tôi hay là các bạn? Chỉ có chúa mới biết! 
Tuy nhiên, vào đúng lúc này ở Athen lại diễn ra lễ hội để tưởng nhớ tới cuộc du ngoạn của hoàng tử Theseus. Trước đây, lễ hội thường bị gián đoạn bởi những cuộc chiến tiêu diệt Người khổng lồ Monitaurus và chống lại ách thống trị của vua Minos bạo tàn. Nó dần trở thành một thông lệ, rằng không ai trong thành phố bị mang ra hành hình, cho đến khi một con tàu đi đến Kreta và quay trở về Athen. Sokrates vì vậy bị giam giữ trong tù suốt một tháng. Ở đó, ông viết nên những bài ca :

Niềm vui và nỗi buồn, cứ mãi hoài tranh cãi
Chúa muốn giảng hòa chúng.
Thế nhưng lại không thành,
 nên đành bắt lấy họ,
 trói buộc họ với nhau.
Từ đấy trở về sau: Niềm vui cùng nỗi buồn – tôi đâu thì anh đó
Như thuyền và bến đỗ, neo đậu giữ lấy nhau.

Một ngày nọ, vào sáng tinh mơ, Sokrates lờ mờ nhận ra ông bạn tốt Kriton đang đứng trong buồng giam.
Ông làm gì ở đây vào sáng sớm vậy?, Sokrates vẫn còn đang ngái ngủ gặng hỏi Kriton.
Tôi mừng vì bạn đã có một giấc ngủ ngon, Kriton trả lời, mặc dù cuộc đời đã giáng một đòn mạnh xuống số phận bạn! Ngoài ra, tôi mang tới một tin buồn đây!
Có phải con tàu tới Kreta đã quay lại cảng rồi không, lễ hội đã kết thúc à?
Không, nhưng cũng sắp sửa rồi, Kriton lầm bầm.
Tôi vừa mơ thấy một người phụ nữ duyên dáng bận đồ trắng, đến báo tin cho tôi, rằng vua Agamemnon đang nhắm tới anh hùng Achilles. Sokrates, người phụ nữ đó nói, trong vòng ba ngày, ông sẽ tới được quê hương trù phú của mình…
Thật là một giấc mơ kỳ lạ, Sokrates ạ!
Tôi sẽ nói đó là một dấu hiệu rõ ràng!
Kriton nắm lấy vai của Sokrates:
Sokrates, bạn tôi, tôi cầu xin ông cho phép chúng tôi thực hiện một kế hoạch trốn thoát cho ông! Tôi có thể dễ dàng mua chuộc tên quản ngục, để lão ta lờ mọi chuyện đi. Một con tàu đã được chuẩn bị sẵn để mang ông tới nơi an toàn, và các bạn của ông sẽ đi cùng ông tới bất cứ nơi đâu.
Nếu ông không muốn làm điều này cho bản thân, vậy thì hãy làm nó cho con trai mình, để chúng không trở thành trẻ mồ côi! Hãy làm nó cho chúng tôi để chúng tôi không khổ sở với cái suy nghĩ rằng, mình đáng lẽ có thể cứu sống được bạn mình!

Các bạn đang lo lắng về những lời bàn tán xì xào của thiên hạ ư?, Sokrates ngán ngẩm nói. Tôi phải chết như thế nào mới xứng đáng đây? Vấn đề không phải là sống, mà là sống sao cho tốt, cho phải lẽ. Bạn không cho là thế sao?
Có chứ Sokrates, về chuyện này chúng ta rất thống nhất với nhau.
Vậy thì, thi thoảng người ta có thể có quyền phạm pháp sao? Ví dụ như, ta đáp trả sự bất công bằng một sự bất công? Hay ta không bao giờ được xem nó là hay là đẹp?
Rõ ràng sự bất công luôn là một thứ kinh khủng.
Vậy thì hãy nói cho tôi biết, Kriton yêu quý: Việc đút lót quản tù và bỏ trốn mà không được người dân Athen đồng ý là hợp lẽ? Nhìn xem, tiểu quỷ của tôi đã xuất hiện rồi và đang đóng vai Luật pháp của thành Athen! 
(Tiểu quỷ nói)
Ông thích đặt câu hỏi đúng không, Sokrates;
Vậy thì bây giờ, tôi sẽ hỏi ông.
Tôi chính là luật pháp Athen,
Tôi đã cho phép bố mẹ ông kết hôn với nhau,
Tôi chính là thứ đã bảo vệ tuổi thơ của ông,
Tôi chính là thứ quyết định số phận ông trong thành phố này.
Đối với ông, tôi còn hơn cả cha, mẹ.
Vậy mà ông khinh thường tôi đến mức muốn trốn thoát khỏi tôi sao?
Hóa ra ông không có nghĩa vụ phải tuân lệnh tôi và ở nguyên vị trí mà tôi đã giao cho ông, như cái cách ông đã làm trong cuộc chiến, là tranh đấu dưới tên ta?
Bạn thấy đấy, Kriton, Sokrates tiếp tục, tôi muốn sống tuân thủ luật pháp thành Athen, nên đã từ chối cả hình phạt lưu đày. Vậy, tôi làm nó để làm gì, khi giờ đây tôi tước đi sức mạnh của những điều luật bằng cách chạy trốn?
Để cải trang thành một tên nô lệ và biến mất cùng với các con, để trở thành kẻ xa lạ trong mắt chúng sao?
Hay là để bỏ rơi chúng?

Sau nữa, liệu tôi vẫn đủ can đảm để bàn luận với mọi người như cách tôi đã làm từ trước đến nay, và nói với họ rằng, không có gì đáng quý hơn đức hạnh, công bình và luật pháp?

Kriton rời trại giam và báo với các bằng hữu về quyết định của Sokrates. Vào ngày tiếp theo, con tàu từ Kreta đã cập cảng Athen và mùa lễ hội cũng đến hồi kết.
Ngày thi hành án đã tới. Tất cả bạn bè của Sokrates đều quây quần lại bên ông để gần với ông hơn: Ở đây gồm có Kriton và con trai Kritobulos, Hermogenes, Epigenes, Phaidon, Antishenes, Ktesippos của thành Paiania, Menexenos, Kebes, Simias của thành Theben và nhiều người khác. Duy chỉ có Platon là không tới, ông ta bị ốm. Ốm ư? Chắc là bị nghẹt mũi.
Trong phòng giam, họ thấy Sokrates đang ngồi với vợ ông là Xanthippe và cậu con trai út Sophroniskos.
 Xanthippe thực chất là một người đàn bà xấu tính, bà ta rên rỉ và tiếp tục phàn nàn: Ôi trời, Sokrates! Bạn của ông đến đây cả rồi, đây là lần cuối cùng để ông có thể hàn huyên với họ đấy!
Sokrates nhờ Kriton đưa vợ ông về nhà. Trong lúc người ta dẫn bà đi ra, Xanthippe bắt đầu òa khóc nức nở và vò đầu bứt tai điên loạn.
Sokrates ngược lại vẫn điềm tĩnh như trước. Ông gãi chân, chơi chữ, nói về tiểu quỷ của mình và bàn luận triết học cùng bạn. Simias đến từ Theben mới thắc mắc tại sao ông không có vẻ buồn rầu khi cái chết đang kề tận cổ.
Siminas yêu quý của tôi ơi, Sokrates trả lời, tôi đã thử trả lời câu hỏi của ông và cố gắng bị thuyết phục bởi nó hơn là bởi quá trình của tôi. Đáng lẽ ra tôi nên bớt vui mừng trước việc bị đày xuống địa ngục, nếu như tôi không được thuyết phục rằng ở dưới đó, tôi sẽ gặp gỡ những vị thần thực sự, hoàn toàn khác với tưởng tượng, ngoài ra còn gặp cả những nhà thông thái vĩ đại, thậm chí còn tuyệt hơn cả trên trần gian. Và bạn phải thừa nhận rằng, sẽ thật kỳ lạ, nếu giờ đây tôi lại sợ sệt trốn chạy khỏi cái chết, sau khi tôi đã giành trọn cả đời mình cho triết học, mà theo một nghĩa nào đó, chính là sự chuẩn bị cho cái chết!
Tại sao tôi lại phải tránh né cái chết, trong khi chính nhờ chết đi mà tôi được giải phóng hoàn toàn khỏi vợ tôi, và không còn phải chạy trốn khỏi ả nữa!
 Ông lúc nào cũng làm cho tôi cười được, Sokrates ạ, mặc dù nó chẳng khiến tâm trạng tôi khá lên theo!, Simias nói. Vậy thì, quan tòa hóa ra đã rất công tâm khi phán ông tội chết!
Theo nghĩa nào đó thì đúng vậy, Sokrates thích thú đáp lại, chỉ là họ nhìn cái chết không giống như cách tôi nhìn nhận nó! Nhưng mà thôi, ta cứ để họ làm đúng chuyện phải làm!
Sau đó, Simmias cầm lấy cây đàn lia, đệm vào giọng ngâm thơ của Sokrates:
Con thiên nga nhìn cái chết đang dần sà tới,
nó cất tiếng hót ngợi ca những vị thần
Kìa kẻ khốn khổ sống trong nỗi sợ chết thường trực,
nghĩ về nó như sự khổ đau tột cùng,
Ấy vậy mà thiên nga vẫn hát ca,
chắc là vì tiếc thương trần thế.
Vậy hóa ra tiếng hót chỉ vang khi buồn thương ập đến?
Con sáo thì không, sơn ca cũng không
                                                hát từ sự đau khổ,
 và cả linh hồn chim thiên nga nữa
                                                đang mừng rỡ trước cái chết,
Con chim của thần Apollon cũng nhận ra,
                                                thế giới diệu vợi này hé mở điều gì.
Tôi cũng như loại thiên nga, mừng rỡ
                                                với mọi sự kỳ diệu đang chờ tôi ở thế giới bên kia.

Khi một người chết đi, Sokrates hỏi, mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra chứ?
Đương nhiên rồi… Simmias khẳng định và để cây đàn lia qua một bên.
Cái tôi muốn nhắc đến là cơ thể và linh hồn sẽ tách nhau ra, có thật thế không?
Tất nhiên là thế, Simmias trả lời.
Giờ hãy thử xem xét, Sokrates tiếp lời, ông có tin rằng một người được xem là triết gia, vốn rất yêu chuộng tri thức lại có thể để tâm tới việc thỏa mãn thú vui của bản thân không? Ví dụ như ăn ngon uống thỏa chẳng hạn?
Không thể nào như thế được!
Vậy còn với cả những khoái lạc trong tình yêu, chăm sóc cơ thể hay để ý màu sắc của đôi giày họ mang: Các bạn có cho rằng một nhà triết học cần thiết phải bận lòng đến chúng không?
Nếu ông ta làm mấy chuyện đó, thì rõ ràng ông ta không phải một triết gia thực thụ, Semmias cương quyết.
Simmias tốt bụng ơi, chúng ta đều đồng ý với nhau là: một triết gia tốt hơn hết không nên quan tâm tới những lạc thú về thể xác, mà chỉ nên tập trung đến phần linh hồn. Vậy thì: đôi khi chúng ta cũng bị đánh lừa bởi thứ ta nhìn hay nghe thấy, đúng không?
Đúng là nó đã xảy ra mấy lần!
Thể xác, Sokrates nói, chính là nguồn gốc của những lệch lạc trong tâm hồn, và người làm triết nên suy nghĩ về nó và cố gắng tìm ra chân lý từ chính bản thân mình. Thí dụ, các bạn cho là sự bình đẳng vô hình hay hữu hình?
Hữu hình, tôi cho là vậy!
Và các bạn cũng coi tốt, đẹp tương tự như vậy, đúng không?
Tôi còn có thể nói gì hơn nữa!
Nhưng mà các bạn đã từng nhìn thấy cái đẹp đẽ, cái tốt hoặc cái vĩ đại nào bằng mắt thường chưa?
Chưa, Simmias trả lời. Tôi đã từng được chiêm ngưỡng những thứ vừa đẹp đẽ vừa to lớn vừa hợp lẽ. Nhưng bản thân cái công bằng, bản thân cái đẹp hay bản thân sự vĩ đại thì tôi chưa bao giờ nhìn thấy.
Nó không thuộc về thể xác chúng ta, thế nên thông qua nó, ta không nhận thức được sự thật, mà buộc phải qua linh hồn. Và ta có thể thấy nó rõ hơn, nếu như thể xác không làm phiền ta nữa.
Không còn phải bàn cãi gì về điều đó, Sokrates ạ!

Đến khi nào linh hồn vẫn bị giam cầm trong thể xác, thì tôi vẫn sẽ không thể có được sự thông thái mà tôi hằng mong mỏi. Tôi luôn luôn phải để mắt tới cơ thể mình; còn nó thì cứ dần trở nên ốm yếu hoặc gây cản trở tâm hồn tôi bởi những tham lam, sợ hãi và mê muội. Để thật sự là người thông thái, linh hồn buộc phải tách ra khỏi thể xác và đơn phương nhìn ngắm, quan sát bản chất của mọi vật.

Bạn có cho là thế không? Simmias?
Tuyệt đối là phải như thế, Sokrates!
Sau khi tôi chết, nếu linh hồn và thể xác của tôi rời nhau ra, tôi mới có thể hy vọng có được những tri thức tôi hằng mến chuộng. Những người khác sẽ mong chờ tới giây phút đoàn tụ bố mẹ, vợ hay bạn bè mình ở thế giới bên kia, nhưng về phần tôi, tôi lại ngập tràn trong niềm hứng khởi được tiếp xúc với những thứ tôi yêu! Cớ sao tôi phải buồn rầu chứ, Simmias?

Ông nói phải, Sokrates ạ, đáng lẽ phải ngược lại mới đúng!
Chuyện gì sẽ xảy ra với linh hồn tôi sau khi thể xác tôi đã chết? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe:
Khi linh hồn tách ra khỏi thể xác, tiểu quỷ - một hiện thân của Chúa đã bảo vệ nó từ trước đến nay, sẽ giữ lấy nó trên tay. 


Tiểu quỷ mang linh hồn đi qua những con đường hẹp và ngoằn ngoèo để đến địa ngục. 
Linh hồn của một kẻ ngu dốt thường không thể từ bỏ thể xác, và tiểu quỷ của họ trở nên kiệt sức để kéo linh hồn ra và mang chúng đi đúng đường. Nếu cuối cùng, nó cũng mang được linh hồn đến đúng nơi cần đến, thì đám linh hồn đó vẫn nổi cơn thịnh nộ và khiến những linh hồn khác sợ hãi. Từ đó trở về sau, chúng ngày đêm phá phách điên cuồng và hoàn toàn biệt lập với xung quanh.
Ngược lại, với linh hồn của người có hiểu biết, vốn đã được gột rửa bởi triết học, chuyến đi sẽ diễn ra mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Ở đích cuối, những linh hồn thông thái khác đã ở sẵn đó chờ họ, và tất cả sẽ cùng chung sống bên các vị thần, ở một trong những vùng đất huyền diệu trên trái đất
Trái đất thực ra vô cùng rộng lớn, còn chúng ta thì mới biết được một phần nhỏ của nó, chỉ từ nơi đại dương chảy vào dòng sông Phasis đến quanh những ống cột của Herkules. Ở đó, người dân sống ở các vùng khác nhau, và hoàn toàn xa lạ với chúng ta.

Ta ngỡ rằng mình đang chạy nhảy trên bề mặt trái đất, nhưng thực tế lại đang sống trong những hang sâu thăm thẳm, mưa rơi rỉ rích.
Các bạn hãy thử hình dung tới một sinh vật sống sâu dưới đáy đại dương: Nó nhìn qua mặt nước và thấy mặt trời cùng những vì sao, thế là nó đinh ninh rằng mặt biển chính là bầu trời. Chúng ta cũng giống như loài sinh vật đó, tưởng rằng không khí trên kia là trời, bởi ta nhìn thấy sự chuyển động của các vị tinh tú thông qua nó.

Nhưng nếu loài vật đó có thể ngoi lên từ đáy biển để đi vào bờ, thì nó sẽ nhận ra rằng thế giới nơi mình sinh ra đầy cát và bùn. 
Và cả chúng ta, nếu ta thoát khỏi cái hố của chính mình, thì ta mới có thể được một lần chạm vào thứ ánh sáng đẹp đẽ, diệu vợi hơn tất thảy. 
Trái đất thật phía trên chúng ta giống như một quả cầu lửa sặc sỡ, kẻ sọc, đủ màu lóng lánh.

Bức tranh của họa sĩ trên mặt đất chỉ phản chiếu được một phần rất nhỏ về nó: Một lớp được phủ sắc tím kỳ lạ, chưa bao giờ nhìn thấy qua, ở đó lấp lánh một màu trắng, sáng hơn tuyết cả trăm lần, một lớp khác lại óng lên lớp vàng tinh khiết.
Màu sắc ở bên trong hang mà ta sống, đã bị vẩn đục bởi sương mù và bóng tối, tuy nhiên ở phía trên kia, nó hiện lên đầy đủ và hoàn hảo. Những ngọn núi được kết từ đá quý, hiếm khi rơi ra vài mảnh nhỏ. Các loài vật và con người thì không bao giờ ốm đau, ngoài ra còn có một cuộc sống hạnh phúc, trường thọ.
Cả những điều mà người dân trái đất trên kia nghe, thấy, nghĩ đều hoàn toàn thuần túy và trong sáng, giống như không khí thì luôn tinh khiết và nhẹ hơn nước. Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao đều được quan sát đúng với bản chất của chúng. Trong các đền thờ, những vị thần thật sự đang trú ngụ, họ nói chuyện cùng con người như cách tôi đang nói với các vị vậy. Cuộc sống nơi “Trái đất thật” diễn ra như thế đó.
Còn bao quanh Trái đất của chúng ta là vô số những hang động tương tự nhau. Có cái thì lớn hơn cái của ta một chút và vậy nên nhận được thêm chút ánh sáng ban ngày, có cái thì lại bé hơn, sâu hơn và tối tăm hơn. Tất cả các hang động đều chằng chịt những lỗ là lỗ, và thông qua đó chúng kết nối với nhau. Thường thì những mạch nước suối, dòng nước ấm hay lạnh, lớp bùn lầy đặc hay lỏng, lửa và nham thạch sẽ chảy lan qua lỗ này đến lỗ khác, và phun trào ra bất cứ đâu như thác hay núi lửa.

 Tận sâu bên trong những hang động đã được đặt tên bởi nhà thơ Tartaros, mọi dòng chảy cuộn chặt vào nhau, ầm ầm dữ dội, như tiếng gào thét rú lên từ lòng đất.
Phần đa những người có linh hồn không quá tốt nhưng cũng không quá xấu, sau khi chết sẽ được tiểu quỷ dẫn đến bờ sông Acheron ảm đạm – nơi họ gặp gỡ những linh hồn khác. Rồi cùng nhau, họ lên một chuyến đò dọc vùng đất hoang vu và các mạch nước ngầm, đi vào khu đầm lầy Acherusia. Ở đó, họ dừng chân trong chốc lát để gột rửa bản thân, rồi được phái xuống trần gian tái sinh.
Trái lại, đối với linh hồn của kẻ phạm tội làm ô uế điện thờ thần hay hành hạ con cái mình, chúng sẽ bị ném vào âm phủ. Một con sông lửa mang tên Pyriphlegeton sẽ cuốn họ xuống đây, và mọi thứ tàn ác từ đó không bao giờ có thể quay trở lại nữa. Thỉnh thoảng cũng có những linh hồn có thể được thanh lọc, ví dụ như những người từng bị cơn giận làm mờ mắt và ăn năn hối hận suốt phần đời còn lại. Sau một khoảng thời gian rất dài, những linh hồn đó sẽ được vứt xuống dòng sông than thở Kokytos vốn chảy qua đầm lầy Acherusia, ở đó họ nhìn thấy phía xa xa linh hồn của những người từng là nạn nhân của họ, và khẩn cầu chính nạn nhân mình kéo mình lên bờ. Nếu lòng thương xót, sự cảm thông trỗi dậy, họ được cứu thoát thì nỗi đau khổ, dằn vặt cũng theo đó tiêu tan. Nhưng nếu không, họ phải quay trở lại vạc dầu sôi của Tartaros, rồi ngay lập tức lại bị ném xuống sông và lặp đi lặp lại như thế, 

cho đến khi họ nhận được sự tha thứ từ phía nạn nhân và nắm lấy bàn tay cứu vớt. 
Những người có cuộc đời trong sạch, ngược lại sẽ không được tiểu quỷ dẫn tới dòng sông chảy xuống địa ngục.  Khi họ chết, họ sẽ thăng hoa và bay lên “Trái đất thật”. Và một vài người trong số đó, vốn đã được thanh lọc bằng triết học sẽ tiếp tục sống mà không cần tới thể xác, 

trong những nơi đẹp ngoài sức tưởng tượng.
Các bạn thấy đấy, để đạt tới sự thông thái thì cần phải đánh đổi nhiều thứ. Nhưng phần thưởng thì rất xứng đáng! Xin thành thật thứ lỗi, nhưng thật sự tôi muốn tiết kiệm sức lực của vợ tôi. Thế nên đã đến lúc cần đi tắm rồi!
Sokrates, khoan vội đã! Kriton gọi. Ông muốn chúng tôi làm gì cho con cái ông sau khi ông chết?
Tôi muốn gì ư? Tôi muốn những điều mà tôi đã luôn nói với các bạn: Nỗ lực đi tìm sự thông thái, thay vì bận tâm tới lạc thú thể xác hay quần áo vải vóc.
Vậy thì ít nhất cũng nói cho chúng tôi biết, ông muốn được chôn cất như thế nào!
Muốn ra sao cũng được! Nhưng mà đầu tiên thì cứ phải bắt được tôi đã!, Sokrates cười khoái chí.
Ông đi tắm, rồi sau đó gặp mặt bọn trẻ. Hai đứa bé út hãy còn rất nhỏ, chúng tên là Sophroniskos và Menexenos. Còn đứa bé đầu là Lamprokles. Sokrates ôm hôn chúng, trò chuyện và sau đó chào tạm biệt chúng. Lúc đó, ngày đã sắp hoàng hôn.
Một cai ngục mang cho ông chén rượu được đổ đầy độc cần:
Sokrates, ông hãy uống đi! Và đi qua đi lại trong phòng để chất độc phát tác nhanh hơn. Nếu ông cảm thấy bước chân ngày càng trở nên nặng nề, thì hãy nằm xuống.

Sokrates giơ cao chén rượu và cất tiếng:

Tôi cầu xin phước lành của thần linh! Xin Ngài dõi theo chuyến đi của con!

Rồi ông uống một hơi cạn chén thuốc độc. Các bạn ông vỡ òa trong nước mắt, nhưng chỉ số ít là tiếc thương cho Sokrates, còn phần đa là cho bản thân mình, bởi họ sắp mất đi một người bạn đồng hành vĩ đại!
Ngừng ca thán đi, mấy con lừa kia! Sokrates trấn tĩnh lại lần nữa. Tôi không đuổi vợ tôi đi, để cho bạn tôi mở rạp hát ở đây! Trật tự và yên lặng giùm chút đi, xin đấy!
Và ông tiếp tục đi lại trong phòng. Khi bước chân dần trĩu xuống, ông nằm xuống và đội mũ. Người quản ngục lúc nãy chạm vào bàn chân ông và hỏi xem liệu ông còn cảm thấy gì ở đó nữa không. Sokrates lắc đầu. Sau đó lão lại chạm vào cẳng chân, nó đang bắt đầu cứng và lạnh hơn. Chất độc đã phát tán. Rồi đến cả bụng Sokrates cũng trở nên lạnh, Sokrates nhấc mũ của chiếc áo dài ra khỏi mặt mình và nhẹ nhàng nói:
Kriton, chúng ta phải dâng vị thần y Asklepios một con gà đấy!
Rồi ông im lặng.

 Vậy là, người đàn ông – kẻ bị kết án tử bởi người dân thành Athen vì đã xúc phạm các vị thần, đã chết.